Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

PHÚC ÂM GIĂNG BÀI 9 -




NHU CẦU CỦA NGƯỜI ĐẠO ĐỨC –SỰ TÁI SINH CỦA SỰ SỐNG (2)

3. Xác Thịt Sinh Ra Xác Thịt
Ni-cơ-đem nghĩ rằng được sanh lại là trở vào lòng mẹ và được sinh ra một lần nữa. Ông không nhận biết rằng ngay cả nếu có làm được điều đó, ông vẫn là xác thịt. Dầu một người sinh ra từ trong lòng mẹ bao nhiêu lần đi nữa, người ấy vẫn là xác thịt vì xác thịt sinh ra xác thịt. Vì vậy Chúa bảo Ni-cơ-đem: “Hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt” (3:6). Xác thịt ở đây chỉ về con người thiên nhiên với sự sống thiên nhiên. Dầu cha mẹ có sinh chúng ta ra bao nhiêu lần đi nữa, chúng ta vẫn là con người thiên nhiên với sự sống thiên nhiên. Điều đó không thay đổi bản chất của chúng ta. Sinh lại không phải là được cha mẹ sinh chúng ta một lần nữa, mà là được sinh bởi Đức Chúa Linh để chúng ta có sự sống thần thượng với bản chất thần thượng của Ngài, một sự sống với một bản chất hoàn toàn khác với sự sống thiên nhiên của chúng ta với bản chất của nó.


4. Linh Sinh Ra Linh
Được sinh lại là được sinh bởi Linh trong linh chúng ta. Linh thần thượng tái sinh nhân linh chúng ta bằng sự sống thần thượng của Đức Chúa Trời. Sự tái sinh, hay tiếp nhận sự sống thần thượng, thì hoàn toàn là một vấn đề diễn ra trong linh chúng ta. Linh của chúng ta được Đức Chúa Trời tạo dựng cho mục đích này. Chúng ta có một cơ quan đặc biệt như vậy, là nhân linh, ở sâu trong bản thể mình. Trong sự sáng tạo của Ngài, Đức Chúa Trời tạo nên chúng ta có một linh với mục đích là một ngày kia chúng ta sẽ sử dụng linh ấy để tiếp xúc với Ngài và tiếp nhận Ngài vào trong bản thể mình. Chức năng của nhân linh là để tiếp xúc với Đức Chúa Trời. Sự tái sinh không phải là vấn đề của tâm trí, tình cảm hay ý chí, mà hoàn toàn là vấn đề trong linh chúng ta. Các câu 12 và 13 của Giăng chương 1 nói: “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền bính trở nên con cái Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ tin đến danh Ngài; kẻ ấy chẳng phải sanh bởi khí huyết, chẳng phải bởi tình dục, cũng chẳng phải bởi ý người, nhưng bởi Đức Chúa Trời vậy”. Chúng ta được Đức Chúa Trời sinh chúng ta ra trong phần nào của bản thể mình? Ấy là trong linh chúng ta. Điều gì sinh bởi Linh là linh. Đức Chúa Trời là Linh, và chỉ linh mới có thể chạm đến Linh. Chỉ Linh mới có thể sinh ra linh. Vì thế, sự tái sinh là một vấn đề hoàn toàn ở trong linh chúng ta. Anh em có một tâm trí sáng suốt, tình cảm đúng đắn và ý chí mạnh mẽ hay không thì không quan trọng. Những điều ấy thuộc một lãnh vực khác. Sự tái sinh diễn ra trong lãnh vực thuộc về linh. Linh chúng ta là phạm vi sự tái sinh xảy ra. Để được tái sinh, anh em không sử dụng tâm trí, ý chí hay tình cảm. Anh em chỉ cần mở chính mình ra, quên đi mình là ai, và từ nơi sâu thẳm trong linh mình, anh em kêu cầu danh Chúa, tin vào Ngài. Nếu làm như vậy, ngay lập tức Đức Chúa Linh sẽ chạm đến linh anh em. Điều này xảy ra cách nhanh chóng, có lẽ không đến một giây. Nếu anh em mở chính mình ra từ nơi sâu thẳm trong linh, kêu cầu danh Chúa Jesus trong một giây ấy, Đức Chúa Linh sẽ vào trong linh anh em và anh em được tái sinh. Đối với một em bé [thuộc linh] được tái sinh, việc sinh nở xảy ra rất nhanh. Không cần có bà mụ, y tá hay bác sĩ. Khi anh em nói: “Chúa Jesus ơi, con tin vào Ngài”, thì anh em được tái sinh trong linh mình.

Trong câu 6, Chúa nói: “Hễ chi sinh bởi xác thịt là xác thịt, và hễ chi sinh bởi Linh là linh”. Sự tái sinh không phải là xác thịt sinh ra xác thịt. Sự tái sinh là Linh, tức Linh của Đức Chúa Trời, sinh ra linh, tức linh được tái sinh của chúng ta. Xác thịt là con người thiên nhiên của chúng ta, con người cũ, con người bề ngoài, do cha mẹ chúng ta là xác thịt sinh ra. Nhưng linh, tức linh được tái sinh của chúng ta, là con người thuộc linh, con người mới, con người bề trong hay bên trong của chúng ta (2 Cô. 4:16; Êph. 3:16), do Đức Chúa Trời là Linh sinh ra. Khi được cha mẹ mình sinh ra, chúng ta được sinh ra là xác thịt; khi được sinh lại bởi Đức Chúa Linh, chúng ta được sinh ra là linh. Bản chất của linh khác với bản chất của xác thịt. Bản chất của xác thịt bẩm sinh thuộc về loài người, nhưng bản chất của linh bẩm sinh là thần thượng. Trước khi được tái sinh, chúng ta sống bởi xác thịt và để cho bản thể mình sống trong xác thịt; linh chúng ta chết. Bởi sự tái sinh, linh chết của chúng ta không những được sống động, được làm cho sống, mà còn được Linh truyền vào sự sống thần thượng của Đức Chúa Trời. Bây giờ linh chúng ta là linh được tái sinh, trở thành bản thể mới của chúng ta. Trước đây xác thịt chúng ta là bản thể của chúng ta và bởi đó chúng ta sống; bây giờ linh chúng ta là bản thể chúng ta và chúng ta cần phải sống bởi linh ấy. Linh thứ nhất trong câu 6 là Linh thần thượng, tức Thánh Linh của Đức Chúa Trời, và linh thứ hai là nhân linh, tức linh được tái sinh của con người. Sự tái sinh xảy ra trong nhân linh, bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời với sự sống đời đời, bất thọ tạo của Đức Chúa Trời. Được tái sinh là có sự sống đời đời, thần thượng làm nguồn mới và yếu tố mới cho bản thể mới của chúng ta.

Một khi linh chúng ta đã được Linh của Đức Chúa Trời với sự sống của Đức Chúa Trời sinh ra, linh ấy có Linh của Đức Chúa Trời với sự sống của Đức Chúa Trời bên trong và hòa lẫn với mình. Linh ấy trở nên một linh hòa lẫn – nhân linh của chúng ta hòa lẫn với Linh thần thượng của Đức Chúa Trời, như La Mã 8:16 chép: “Linh... cùng với linh chúng ta”. Ấy là trong linh hòa lẫn này mà chúng ta trở nên “một linh” với Chúa (1 Cô. 6:17). Vì là một linh hòa lẫn như vậy, nên nhiều chỗ trong Tân Ước, chẳng hạn như La Mã 8:4-6, 10; Ga-la-ti 5:16, 25; Ê-phê-sô 4:23, và 6:18, hơi khó nói từ ngữ “linh” chỉ về Linh thần thượng của Đức Chúa Trời hay chỉ về nhân linh của chúng ta. Bây giờ, hai linh ấy đã hòa lẫn làm một bên trong chúng ta. Sự hòa lẫn này đến từ sự tái sinh. Sự tái sinh đem vào trong chúng ta một linh mới được sinh ra (Êxc. 36:26), linh ấy được Linh thần thượng của Đức Chúa Trời cư ngụ bên trong và được hòa lẫn với Ngài. Bây giờ linh này cùng với sự sống thần thượng của Đức Chúa Trời ở trong đó là bản thể mới của chúng ta mà bởi đó chúng ta cần phải sống và bước đi. Chúng ta không nên bước đi theo xác thịt nữa (Ga. 5:16; La. 8:4). Ấy là trong linh này mà chúng ta là những người được tái sinh.

Nếu nói rằng chúng ta được sinh lại bởi Lời của Đức Chúa Trời thì cũng đúng. Tuy nhiên chúng ta cần phải nhận biết rằng Lời văn tự trên giấy trắng mực đen không thể tái sinh mình. Chỉ có Lời là Linh mới làm được điều này (Gi. 6:36). Đức Chúa Trời, Lời, và Linh – tất cả phải là Linh là Đấng tái sinh chúng ta. Chính Đức Chúa Trời là Linh trong sự tái sinh, và Lời cũng phải là Linh. Bất cứ điều gì chúng ta rao giảng khi truyền bá Phúc-âm đều phải ở trong Linh, vì ấy là Linh ban sự sống cho người ta trong linh họ.

Thật khó có thể hiểu thấu suốt sự tái sinh là gì vì đó là một vấn đề được hoàn thành bởi Thánh Linh, với Thánh Linh và trong Thánh Linh. Và cũng khó định nghĩa Thánh Linh là gì. Thánh Linh đang ở đây. Anh em có định nghĩa Ngài được không? Ngài đang hiện diện, hằng có, hiện có, đắc thắng và sẵn sàng. Tuy nhiên, nếu muốn được sinh bởi Linh, anh em cần phải thỏa đáp vài điều kiện. Điều kiện thứ nhất là anh em phải ăn năn và thừa nhận mình là một tội nhân. Sau đó anh em cần tin vào Chúa Jesus và kêu cầu danh Ngài. Anh em không nên chỉ kêu cầu bằng môi, lưỡi hay cuống họng, nhưng hãy mở ra nơi sâu thẳm của bản thể mình và nói lên từ nơi sâu thẳm trong linh mình rằng: “Chúa Jesus ơi, con tin vào Ngài”. Khi làm như vậy, Linh thần thượng sẽ vào trong anh em ngay lập tức. Khi Ngài vào trong anh em, ấy là Đấng Christ vào trong anh em. Ấy cũng là Đức Chúa Trời Tam Nhất đến trong anh em. Thánh Linh không là gì kém hơn chính Đấng Christ. Thật ra Thánh Linh không là gì kém hơn Đức Chúa Trời Tam Nhất. Cha ở trong Con, và ngày nay Con là Linh (2 Cô. 3:17). Khi Linh đến trong anh em, cả Con và Cha cũng đến trong anh em. Do đó từ lúc anh em được tái sinh, Cha, Con và Linh đều ở trong anh em. Đức Chúa Trời Tam Nhất này là sự sống thần thượng. Sự sống thần thượng này không tách rời khỏi Đức Chúa Trời Tam Nhất. Từ giây phút được tái sinh, anh em có Đức Chúa Trời Tam Nhất trong linh anh em làm sự sống thần thượng của mình. Bây giờ anh em có hai sự sống: sự sống loài người trong xác thịt mình và sự sống thần thượng trong linh mình.

5. Người Sinh Bởi Linh Giống Như Gió
Giăng 3:8 chép: “Gió muốn thổi đâu thì thổi, ngươi nghe tiếng nó, nhưng chẳng biết nó đến từ đâu và đi đâu. Hễ người nào sanh bởi Thánh Linh thì cũng như vậy”. Từ ngữ pneuma trong tiếng Hi Lạp được dịch là gió, và cũng được dịch là linh. Vì thế, từ ngữ này có nghĩa là gió hay linh thì tùy thuộc vào văn mạch. Văn mạch ở đây nói rằng nó thổi và âm thanh có thể nghe được. Điều này cho thấy đó là gió. Người được tái sinh giống như gió, có thể nhận biết được, nhưng vượt quá sự hiểu biết. Sự tái sinh không phải là một điều thuộc thể, nhưng là điều thuộc linh, giống như pneuma, giống như gió. Chúng ta không thể nắm lấy gió được. Dầu không ai nắm được gió, nhưng gió có thể nhận biết được. Chúa bảo Ni-cơ-đem rằng linh được tái sinh, giống như gió, không thuộc thế giới thuộc thể mà nắm bắt được, nhưng là vô hình và thuộc linh.

6. Sự Tái Sinh Là Vấn Đề Xảy Ra Trên Đất
Sự tái sinh xảy ra trên đất. Chúa bảo Ni-cơ-đem: “Nếu Ta nói với ngươi những điều trên đất mà ngươi không tin, làm sao ngươi tin nếu Ta nói với ngươi những điều trên trời?” (3:12, RcV). Những “điều trên đất” trong câu này không có nghĩa là những điều có bản chất thuộc về đất, mà là những điều xảy ra trên đất, bao hàm sự cứu chuộc, sự tái sinh v.v... Những “điều trên trời” trong câu này cũng không có nghĩa là những điều có bản chất thiên thượng, mà là những điều xảy ra trên trời. Trong câu sau, Chúa nói rằng Ngài là Đấng từ trời xuống và là Đấng vẫn ở trên trời. Điều này cho thấy Ngài biết những điều xảy ra trên trời, vì Ngài là Đấng ở trên trời luôn luôn. Đồng thời Ngài ở trên đất, nói cho người ta những điều trên đất, mà sự tái sinh là một trong những điều ấy.

7. Cho Lối Vào Vương Quốc Của Đức Chúa Trời
Trong câu 3 Chúa nói: “Quả thật, quả thật, Ta nói cùng ngươi, nếu người nào chẳng được tái sanh, thì không thể thấy được nước (vương quốc) Đức Chúa Trời”, và trong câu 5 Chúa nói: “Quả thật, quả thật, Ta nói cùng ngươi, nếu người nào chẳng bởi nước và Thánh Linh mà sanh, thì không thể vào nước (vương quốc) Đức Chúa Trời được”. Lời Chúa ở đây là một sự khải thị rõ ràng rằng sự tái sinh là lối duy nhất dẫn vào vương quốc của Đức Chúa Trời. Để vào được vương quốc của Đức Chúa Trời, chúng ta cần được tái sinh. Không có cách nào khác để nhờ đó chúng ta có thể vào vương quốc của Đức Chúa Trời. Vương quốc của Đức Chúa Trời là sự trị vì của Đức Chúa Trời. Đó là lãnh vực thần thượng để bước vào, một lãnh vực đòi hỏi sự sống thần thượng. Chỉ có sự sống thần thượng mới nhận thức được những điều thần thượng. Vì vậy, để thấy hay bước vào vương quốc Đức Chúa Trời thì cần phải được tái sinh và có sự sống thần thượng.

Một vương quốc luôn luôn liên quan đến sự sống. Giới thực vật hay vương quốc thực vật có liên quan đến sự sống thực vật, giới động vật hay vương quốc động vật có liên quan đến sự sống động vật. Nếu muốn tham dự vào một loại vương quốc nào đó hay một giới nào đó, anh em cần sự sống của vương quốc hay giới ấy. Chỉ có chim mới hưởng được thế giới của các loài chim vì chỉ có chúng mới có sự sống của loài chim. Cũng vậy, chỉ có loài người mới được tham dự vào vương quốc của loài người vì chỉ có loài người mới có sự sống loài người. Vì thế, nếu không có sự sống của Đức Chúa Trời, làm thế nào chúng ta có thể tham dự vào vương quốc của Đức Chúa Trời?

Vương quốc của Đức Chúa Trời không những là sự trị vì của Đức Chúa Trời, mà cũng là lãnh vực hay phạm vi thần thượng. Để có phần trong sự trị vì của Đức Chúa Trời và được ở trong lãnh vực thần thượng, chúng ta cần sự sống thần thượng của Đức Chúa Trời. Chỉ những ai có sự sống thần thượng mới có thể ở trong lãnh vực thần thượng và dự phần vương quốc thần thượng. Do đó, chúng ta cần được tái sinh để có được sự sống thần thượng, là sự sống làm cho chúng ta có thể bước vào lãnh vực thần thượng và tham dự vào vương quốc thần thượng. Thậm chí nếu không sa ngã hay tội lỗi, chúng ta vẫn cần được sinh lại, vì dầu sự sống loài người của chúng ta tốt lành, thuần khiết và trong sạch đến đâu, sự sống ấy vẫn không thể nhận biết những điều thuộc lãnh vực thần thượng và không đủ điều kiện bước vào vương quốc thần thượng. Chỉ có sự sống thần thượng mới đủ điều kiện ở trong lãnh vực thần thượng. Chỉ có sự sống của Đức Chúa Trời mới đáp ứng được những đòi hỏi của vương quốc Đức Chúa Trời. Làm thế nào sự sống loài người chúng ta có thể biết được những điều thần thượng của vương quốc Đức Chúa Trời? Làm thế nào sự sống ấy tương xứng với vương quốc thần thượng được? Đó là điều không thể có được. Chúng ta cần sự sống thần thượng. Chúng ta cần được sinh lại. Sự tái sinh là phương cách duy nhất, lối độc nhất dẫn vào vương quốc Đức Chúa Trời.

Sự sống thần thượng đem chúng ta vào vương quốc Đức Chúa Trời. Tất cả chúng ta đều đã được sinh ra trong vương quốc loài người. Không ai từng được “nhập tịch” vào vương quốc loài người. Chẳng hạn, khi một con chó được sinh ra, lập tức nó thấy mình ở trong thế giới của loài chó. Nó biết làm một con chó là phải như thế nào. Không cần ai dạy nó làm chó và bảo: “Chó con ơi, mi phải biết mi là chó, mi ở trong thế giới loài chó, và từ nay trở đi mỗi ngày ngươi phải sủa”. Một con chó ở trong thế giới loài chó và tự nhiên biết mọi điều liên quan đến sự kiện làm chó. Đó là lý do vì sao Chúa Jesus bảo Ni-cơ-đem rằng ông ta phải được sinh ra trong vương quốc Đức Chúa Trời. Chúng ta không thể đi vào vương quốc Đức Chúa Trời bằng cách học tập hay bằng cách nhập tịch. Dầu anh em có thể nhập tịch để làm công dân của một quốc gia nào đó, không bao giờ anh em có thể nhập tịch vào thế giới của một giống loài nào đó. Chó không thể nhập tịch vào vương quốc hay thế giới của mèo. Giả sử một người nào đó bảo một con chó: “Chó con ơi, ta thích mi lắm. Ta muốn đổi quốc tịch cho mi. Mi ra đời trong thế giới loài chó, nhưng ta muốn cho ngươi nhập tịch vào thế giới loài mèo”. Nếu cố gắng làm như vậy, anh em sẽ gây rắc rối lớn cho thế giới loài mèo. Phương cách đúng đắn để đem một con chó vào thế giới mèo là tái sinh con chó với sự sống của một con mèo. Nếu con chó có thể được sinh lại với sự sống của một con mèo, tự phát con chó nhỏ ấy được chuyển từ thế giới chó sang thế giới mèo.

Khi được tái sinh, chúng ta được chuyển vào vương quốc Đức Chúa Trời. Cô-lô-se 1:13 nói rằng Đức Chúa Trời “đã giải cứu chúng ta khỏi quyền bính của sự tối tăm, mà dời chúng ta qua vương quốc của Con yêu dấu của Ngài”. Chúng ta được chuyển dời do được tái sinh và bây giờ chúng ta ở trong vương quốc Đức Chúa Trời. Khi chúng ta kêu cầu danh Chúa, Linh thần thượng đến trong chúng ta, tái sinh chúng ta và làm cho chúng ta được sinh vào trong vương quốc Đức Chúa Trời. Mặc dầu anh em có thể biết rất ít về vương quốc Đức Chúa Trời, nhưng linh trong anh em biết về vương quốc ấy. Sự sống thần thượng trong linh anh em biết vương quốc Đức Chúa Trời.

Nhiều Cơ Đốc nhân quá lệ thuộc vào sự dạy dỗ. Nhiều thanh niên đến với tôi, hỏi về những việc như hút thuốc, xem xi-nê, ăn mặc và lập gia đình. Giới thanh niên thường có rất nhiều câu hỏi về những vấn đề ấy. Mỗi khi một thanh niên đến gặp tôi với một câu hỏi như vậy, tôi luôn luôn hỏi lại anh ấy: “Vì sao anh hỏi tôi có nên hút thuốc hay không? Anh biết rõ hơn tôi. Anh không cần phải hỏi tôi, vì anh đã biết câu trả lời rồi. Lý do anh đến hỏi tôi là vì anh muốn có một sự xác quyết, nhưng tôi sẽ không bao giờ có thể cho anh lời xác quyết ấy. Nói thật đi, không phải anh đã biết mình nên hút thuốc hay không rồi sao?” Khi anh em ấy thừa nhận rằng mình biết, tôi đi xa hơn một chút và hỏi anh: “Sao anh biết vậy? Nhờ đâu anh biết?” Các thanh niên luôn luôn nói với tôi rằng có một điều gì bên trong họ biết như vậy. Chúng ta biết vì chúng ta đã được sinh vào trong vương quốc của Đức Chúa Trời.

Những người giảng đạo và mục sư không cần phải bảo người ta làm gì. Anh em có cần dạy chó sủa không? Nếu anh em phải dạy chó sủa, và nếu nó biết nói, nó sẽ bảo anh em: “Tôi không cần anh dạy tôi. Tôi cứ sủa vậy thôi. Tôi sinh ra để sủa và tôi sống trong thế giới chuyên sủa. Vì thế giới của tôi là thế giới chuyên sủa, và vì tôi có một sự sống hay sủa, nên chẳng cần ai dạy dỗ tôi cả. Tôi không thể không sủa”. Cũng vậy, tất cả chúng ta được sinh ra trong vương quốc của Đức Chúa Trời. Kết quả là tự nhiên chúng ta “biết” một số điều. Nếu anh em hỏi tại sao tôi biết, tôi sẽ trả lời: “Tôi chỉ biết vậy thôi”. Tôi biết tôi là một con người. Không cần ai dạy rằng tôi là một con người. Đơn giản tôi là một con người. Y như tôi là một con người trong thế giới loài người, thì tôi cũng là con của Đức Chúa Trời trong vương quốc của Đức Chúa Trời vì tôi có sự sống thần thượng. Tôi có sự sống của Đức Chúa Trời, và sự sống này đặt tôi trong vương quốc của Đức Chúa Trời. Thật ra, không những tôi ở trong vương quốc của Đức Chúa Trời, mà còn ở trong chính Đức Chúa Trời nữa.

Chúng ta ở trong vương quốc của Đức Chúa Trời nên có một số điều chúng ta không thể làm được, dầu chúng ta cố gắng làm. Nếu anh em cố ý nổi nóng, anh em sẽ thấy mình không thể nổi nóng được. Nếu anh em quyết định đánh vợ, anh em sẽ khám phá mình cũng không thể làm được. Lý do vì sao vậy? Ấy là vì anh em ở trong vương quốc của Đức Chúa Trời và sự sống của Đức Chúa Trời ngăn giữ anh em không làm những điều ấy. Đó là vương quốc của Đức Chúa Trời. Ha-lê-lu-gia, chúng ta ở trong vương quốc ấy.

C. Tình Trạng Thật Của Loài Người
1. Bị Nhiễm Nọc Độc Của “Con Rắn”, Với Bản Chất Rắn Độc
Ni-cơ-đem vẫn bối rối hỏi: “Làm sao có thể được điều đó?” Chúa Jesus đáp: “Ngươi là giáo sư của Israel, mà không biết những điều này sao?” Rồi Chúa nói với ông về tiền ảnh hay biểu tượng của sự cứu chuộc tìm thấy trong Cựu Ước.

a. Bị Nhiễm Nọc Độc Đến Chết Như Dân Israel Trong Đồng Vắng

“Ví như Môi-se treo con rắn lên nơi đồng vắng thể nào, Con Người cũng cần phải chịu treo lên thể ấy”. Khi Jesus nói điều ấy, Ni-cơ-đem được sáng tỏ. Khi con cái Israel nói nghịch lại Chúa và nói nghịch Môi-se, “Chúa sai rắn lửa đến giữa dân chúng, cắn họ; và nhiều người Israel chết” (Dân. 21:6). Lúc ấy dân chúng đến gặp Môi-se xin ông cầu nguyện để Chúa cất rắn đi. Môi-se cầu nguyện cho họ và Đức Chúa Trời bày tỏ cho Môi-se phương cách cứu rỗi, Ngài bảo ông làm một con rắn bằng đồng và để nó trên một cây sào (Dân. 21:8-9). Khi những người đã bị nhiễm nọc độc của rắn lửa nhìn lên con rắn bằng đồng, thì họ được sống (Dân. 21:9).

Trong Giăng 3:14, Chúa Jesus áp dụng hình ảnh ấy cho chính mình, Ngài nói rằng Ngài, tức là Con Loài Người, sẽ bị treo lên như con rắn bằng đồng mà Môi-se đã treo lên. Xin lưu ý ở đây Chúa nói đến chính Ngài là Con Loài Người, chứ không phải Con Đức Chúa Trời. Chúa có ý nói với Ni-cơ-đem: “Ni-cơ-đem ơi, ngươi có vẻ là một người lịch sự, nhưng ngươi phải nhận biết rằng mình thật là một con rắn. Cho dầu hòa nhã đến đâu chăng nữa, ngươi có bản chất rắn độc trong mình. Ngươi đã bị nhiễm độc. Trong A-đam ngươi đã nhiễm nọc độc. Khi A-đam bị nhiễm nọc độc của con rắn, ngươi có mặt tại đó. Ngươi ra đời với bản chất đã nhiễm độc ấy, cho nên bản chất ngươi cũng độc địa như rắn”. Trước đây Ni-cơ-đem chưa bao giờ nhận biết điều này, cũng vậy, rất ít người ngày nay nhận biết rằng họ là những con rắn. Anh em có muốn bị nói như vậy không? Nếu anh em phải nói với một người chưa tin rằng họ không những là một tội nhân, mà còn là một con rắn, thì họ sẽ bị tổn thương vô cùng. Không, Ni-cơ-đem chưa bao giờ nghĩ mình có bản chất rắn độc. Tuy nhiên, Chúa Jesus là người giảng đạo hay nhất, chỉ qua một câu ngắn gọn Ngài đã bày tỏ rất nhiều và cho Ni-cơ-đem biết ông là một con rắn.

Trong Giăng 1:29, Giăng Báp-tít nói: “Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời”. Trong 3:14, Chúa Jesus ví sánh chính Ngài, không phải như Chiên Con của Đức Chúa Trời, mà như con rắn bằng đồng. Chiên Con của Đức Chúa Trời xử lý tội lỗi, nhưng con rắn bằng đồng hủy diệt con rắn xưa. Là những con người sa ngã, không phải chúng ta chỉ có nan đề với tội, mà còn với rắn nữa. Mặc dầu các Cơ Đốc nhân đã nghe nhiều bài giảng về Chiên Con của Đức Chúa Trời, nhưng họ chưa nghe nhiều về con rắn bằng đồng tượng trưng cho Đấng Christ.

b. Đấng Christ Được Treo Lên Trên Thập Tự Giá Trong Hình Dạng Của Một Con Rắn

Khi Chúa Jesus hấp hối trên thập tự giá, Ngài mang hình dạng của một con rắn. Đó là điều khó nói và cần phải giải thích đôi chút. La Mã 8:3 chép: “Đức Chúa Trời sai chính Con Ngài trong hình dạng của xác thịt của tội và kết án tội trong xác thịt” .Câu này cho chúng ta biết Đấng Christ được làm nên trong hình dạng của xác thịt của tội. 2 Cô-rin-tô 5:21 nói rằng Đấng Christ trở nên tội vì chúng ta. Thật là một lời nặng nề biết bao! Lời này có nghĩa là gì? Khi ở trong con rắn, Sa-tan cám dỗ A-đam ăn trái của cây kiến thức và tiếp nhận quan niệm của hắn, thì Sa-tan, tức con rắn xưa, đã tiêm bản chất của hắn vào trong con người. Bản chất rắn độc ấy đã được tiêm vào thân thể con người. Dầu thân thể con người được Đức Chúa Trời tạo dựng thì tốt lành, nhưng khi bản chất rắn độc của Sa-tan tiêm vào trong thân thể ấy, thân thể ấy bị biến chất thành xác thịt. Thân thể là một điều tốt được Đức Chúa Trời tạo dựng, nhưng xác thịt là điều xấu, là thân thể đã bị biến tính bởi nọc độc của con rắn. Từ ngữ “thân thể” là tốt, nhưng từ ngữ “xác thịt” là xấu. Nhưng còn Giăng 1:14 chép rằng: “Lời đã trở nên xác thịt” thì sao? Xác thịt ấy tốt hay xấu? Khi Đấng Christ trở nên xác thịt, Ngài trở nên một điều tốt hay xấu? Anh em hãy trả lời cách cẩn thận. Giăng 3:14 bày tỏ và bảo đảm rằng khi Đấng Christ trở nên xác thịt, Ngài không thật sự trở nên một điều gì xấu, và La Mã 8:3 nói rằng Ngài ở trong “hình dạng của xác thịt của tội”, hình dạng này tương đương với hình thể của con rắn bằng đồng. Nó có hình dạng của con rắn mà không có chất độc của con rắn. Đấng Christ trở nên “hình dạng của xác thịt của tội”, nhưng Ngài không tham dự vào tội của xác thịt (2 Cô. 5:21; Hê. 4:15). Đấng Christ đã trở nên xác thịt của tội trong hình thức, chứ không thật sự như vậy. Anh em hãy nhìn con rắn làm bằng đồng. Về hình thức biểu hiện bề ngoài và hình dạng của nó, trông nó giống như một con rắn thật sự; nhưng không có chất độc ở trong. Nó có biểu hiện bề ngoài của một con rắn, nhưng không có bản chất rắn độc. Cũng vậy, Đấng Christ đã trở nên xác thịt của tội trong biểu hiện bề ngoài, trong hình dạng. Về biểu hiện bề ngoài, Ngài giống y như tội nhân, nhưng trong Ngài không có bản chất tội lỗi. Dầu trở nên tội, Ngài không biết tội nào cả. Ngài chỉ ở trong hình thức, hình dạng của xác thịt của tội.

c. “Con Rắn Xưa”, Tức Là Ma Quỉ, Sa-tan, Đã Bị Phán Xét Nhờ Điều Này

Khi Đấng Christ bị treo lên trên thập tự giá, Sa-tan là ma quỉ, tức con rắn xưa, bị xử lý (Gi. 12:31-33; Hê. 2:14). Điều này có nghĩa là bản chất rắn độc trong loài người sa ngã đã bị xử lý bởi sự chết của Đấng Christ. Chúng ta có thể dùng cái bẫy chuột làm hình ảnh minh họa. Chuột gây phiền phức rất nhiều và rất khó bắt. Tuy nhiên, nếu dùng bẫy và mồi, anh em có thể bắt nó được. Khi chui ra khỏi hang tìm thức ăn, con chuột trông thấy miếng mồi, nó bèn vào bẫy đớp lấy miếng mồi ấy, và thế là bị mắc bẫy ngay lập tức. Nhờ cách đó, chúng ta có thể bắt chuột và giết đi. Trong vũ trụ có một con chuột nhỏ, là Sa-tan. Nhân loại trở nên cái bẫy để bắt hắn. A-đam vừa là bẫy, vừa là mồi. Sa-tan chụp lấy miếng mồi, nghĩ rằng mình đã giành được chiến thắng do tiêm chính mình vào thân thể con người, nhưng hắn không nhận biết rằng khi làm như vậy, hắn bị mắc bẫy. Hắn bị mắc bẫy, tự đặt mình vào xác thịt con người. Một ngày kia Chúa Jesus mặc lấy hình dạng của xác thịt của tội. Rồi Ngài đem xác thịt ấy lên thập tự giá và đóng đinh nó đi. Bằng cách đóng đinh xác thịt, Ngài hủy diệt ma quỉ là kẻ đã tiêm chính hắn vào trong con người. Bây giờ chúng ta có thể hiểu Hê-bơ-rơ 2:14: “Ngài dự phần xác thịt... để nhờ sự chết Ngài có thể hủy diệt kẻ có sức mạnh của sự chết, tức là Ma quỉ” .Đấng Christ hủy diệt Sa-tan trong xác thịt bởi sự chết của Ngài. Nếu không hiểu tất cả những câu này, chúng ta khó hiểu được ý nghĩa đúng đắn của Hê-bơ-rơ 2:14. Đấng Christ đã hủy diệt Sa-tan trên thập tự giá bằng cách nào? Bằng cách mặc lấy hình dạng của xác thịt của tội và đem xác thịt ấy lên thập tự giá. Tại đó Sa-tan bị hủy diệt qua sự đóng đinh của Ngài.

Theo mắt Đức Chúa Trời, tất cả chúng ta đều đã trở thành những con rắn. Giống như dân Israel ngày xưa đã trở thành những con rắn và cần một con rắn bằng đồng treo lên thay thế cho họ, chúng ta cũng cần Đấng Christ chết trên thập tự giá thế chỗ cho mình. Trên thập tự giá, Đấng Christ không những là Chiên Con của Đức Chúa Trời để cất tội của thế giớiđi (1:29), nhưng Ngài còn mang hình dạng của con rắn để xử lý bản chất rắn độc của chúng ta và hủy diệt con rắn xưa. Khi Đấng Christ được đưa lên trên thập tự giá, bản chất rắn độc bên trong con người sa ngã bị xử lý. Khi con người tiếp nhận Đấng Christ là Đấng đã chịu đóng đinh và phục sinh để được tái sinh bằng sự sống thần thượng trong Đấng Christ, bản chất Sa-tan của họ cũng phải được xử lý. Đó là tại sao trong Giăng 3:14, khi Chúa Jesus bày tỏ vấn đề tái sinh cho Ni-cơ-đem, Ngài đặc biệt đề cập đến điểm này.

Có lẽ Ni-cơ-đem tự cho mình là người tốt và đạo đức. Nhưng lời Chúa trong Giăng 3:14 ngụ ý rằng cho dầu bề ngoài Ni-cơ-đem tốt đến đâu chăng nữa, ông vẫn có bản chất rắn độc của Sa-tan ở bên trong. Là con cháu của A-đam, ông đã bị con rắn làm cho nhiễm độc và bản chất con rắn đang ở trong ông. Không những ông cần Chúa là Chiên Con của Đức Chúa Trời cất tội mình đi, mà còn cần Chúa trong hình dạng con rắn để bản chất rắn độc của ông được xử lý trên thập tự giá và ông có được sự sống đời đời. Theo nguyên tắc được đưa ra trong chương 2, đó là biến đổi từ sự chết qua sự sống. Sự chết của con rắn bị sự sống thần thượng nuốt mất đi. Khi nói như vậy với Ni-cơ-đem, dường như Chúa muốn nói rằng: “Ni-cơ-đem ơi, ngươi là một con rắn. Ta sẽ chết thay thế cho ngươi dưới dạng một con rắn, không những để cất tội ngươi đi, mà còn để xử lý bản chất rắn độc trong ngươi và hủy diệt Sa-tan”.

d. Con Người Tin Vào Đấng Christ Này Và Có Sự Sống Đời Đời

Câu 15 cho thấy mục đích của câu 14. “Hầu cho hễ ai tin Ngài đều được sự sống đời đời”. Chữ “hầu cho” trong câu 15 bày tỏ rằng câu này là kết quả, là điều ra từ câu 14. Đấng Christ chết trên thập tự giá dưới dạng con rắn để thay thế cho chúng ta. Khi làm như vậy, Ngài xử lý bản chất rắn độc của chúng ta và hủy diệt con rắn trong xác thịt chúng ta. Kết quả của điều này là chúng ta có được sự sống đời đời bằng cách tin vào Ngài. Y như dân Israel bị nhiễm độc đã sống nhờ nhìn xem con rắn đồng trên cây trụ, ngày nay chúng ta có thể kinh nghiệm chính điều này nếu chúng ta ăn năn, hướng lòng mình lên và nhìn chăm vào chính Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá. Khi làm như vậy, tội của chúng ta được cất đi, bản chất rắn độc bị xử lý, Sa-tan bị hủy diệt trong chúng ta, và chúng ta có sự sống đời đời. Đó là ý nghĩa của sự tái sinh. Khi được tái sinh, chúng ta nhận lãnh sự sống thần thượng; sự sống thần thượng khác hơn sự sống loài người của mình, là sự sống đã bị con rắn làm cho bại hoại và được Đấng Christ xử lý trên thập tự giá.

2. Bị Định Tội Trong A-đam Qua Tội Của Ông
Mọi người đều bị định tội trong A-đam qua tội của ông. Trong câu 18, Chúa bày tỏ thêm cho Ni-cơ-đem về tình trạng của ông. Không những ông có bản chất độc hại của con rắn, mà còn ở dưới sự phán xét của Đức Chúa Trời. Câu ấy chép: “Ai tin Ngài thì chẳng bị định tội đâu; ai không tin thì đã bị định tội rồi, vì không tin đến danh Con độc sanh của Đức Chúa Trời”. Theo câu này, Ni-cơ-đem là người lịch sự tốt lành, đã bị phán xét rồi. Anh em bị phán xét khi nào? Anh em bị phán xét cùng ngày với A-đam. Nói cách khác, anh em bị định tội trước khi ra đời. Anh em bị định tội cách đây sáu ngàn năm. Vì là một phần của A-đam, anh em bị định tội khi ông bị định tội. Dầu tốt hay xấu, anh em cũng ở dưới cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời rồi (Gi. 3:36). Mặc dầu Ni-cơ-đem là người lịch sự thuộc giai cấp thượng lưu, ông vẫn bị định tội. Ông là người tốt lành, sùng kính, và đạo đức, nhưng vẫn đã bị định tội. Vì vậy, ông cần sự cứu chuộc của Chúa – Chúa phải chết cho ông.

Tình trạng thật của một người tốt như vậy lại không thật sự tốt. Tình trạng thật của ông gồm hai mặt: bản chất của ông có chất độc của Sa-tan ở bên trong và vị trí của ông là ở dưới sự định tội của Đức Chúa Trời. Chúng ta không phải là những con người hiền hòa, mà là những con rắn. Về bản chất, chúng ta có yếu tố độc hại của Sa-tan, của ma quỉ, đó là yếu tố làm cho chúng ta nên “con cái của Ma quỉ” (1 Gi. 3:10). Về địa vị, chúng ta đã ở dưới sự định tội của Đức Chúa Trời. Do đó, tình trạng của người tốt nhất cũng giống như người xấu nhất.

a. Con Đức Chúa Trời Đến Cứu Loài Người Khỏi Sự Định Tội Này

Con Đức Chúa Trời đã đến để cứu loài người khỏi sự định tội này. Câu 17 chép: “Bởi Đức Chúa Trời chẳng sai Con Ngài xuống thế giớiđể định tội thế giớiđâu, nhưng để cho thế giớinhờ Con ấy mà được cứu”. Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời, đã được sai đến để cứu chúng ta khỏi sự định tội của Đức Chúa Trời, do tội của A-đam đã gây ra. Tất cả chúng ta đều đã bị định tội trong A-đam. Bây giờ tất cả chúng ta đều có thể được cứu khỏi sự định tội này nhờ Đấng Christ. Theo sự ra đời thiên nhiên, chúng ta đã bị định tội trong A-đam. Qua sự tái sinh, chúng ta được cứu trong Đấng Christ.

b. Loài Người Được Cứu Khỏi Sự Định Tội Này Bởi Tin Vào Con Đức Chúa Trời

Chúng ta được tái sinh bằng cách nào? Làm thế nào chúng ta được tái sinh? Trong các câu 15, 16, 18 và 36, Chúa nói: “Hầu cho hễ ai tin Ngài đều được sự sống đời đời”; “hễ ai tin Con ấy không bị hư mất nhưng được sự sống đời đời”; “ai tin Ngài thì chẳng bị định tội đâu”; “ai tin Con thì có sự sống đời đời”. Chúa đã nhiều lần nhấn mạnh những lời này, Ngài cho chúng ta biết cách rõ ràng và dứt khoát rằng cách để chúng ta được cứu và được tái sinh là đơn giản tin vào Ngài. Tin là cách duy nhất để chúng ta nhận được sự cứu rỗi và sự tái sinh. Điều đó tuyệt đối là vấn đề của đức tin. Dầu chúng ta làm được bao nhiêu điều và công việc của chúng ta tốt đến đâu, chúng ta không thể được cứu và được tái sinh bởi việc làm của mình. Trong vấn đề này, công việc của chúng ta không có giá trị. Chỉ có đức tin mới có giá trị mà thôi. Sự cứu rỗi và sự tái sinh phải bởi đức tin. Ấy là đức tin nơi Chúa, bởi tin vào Chúa, mà về phương diện tiêu cực chúng ta nhận được sự tha thứ, được giải thoát khỏi sự định tội của Đức Chúa Trời. Cũng bởi đức tin, bởi tin vào Chúa, mà về phương diện tích cực chúng ta nhận được sự sống đời đời, tức là sự sống thần thượng của Đức Chúa Trời để được tái sinh. Chúa đã hoàn thành công tác cứu chuộc cho chúng ta. Bởi sự chết cứu chuộc của Ngài trên thập tự giá, Ngài đã đáp ứng mọi đòi hỏi công chính của Đức Chúa Trời nơi chúng ta và đã thực hiện cho chúng ta mọi yêu cầu của sự công chính, thánh khiết, và vinh quang của Đức Chúa Trời. Bởi sự chết của Ngài trên thập tự giá dưới dạng một con rắn, thậm chí Chúa đã hủy diệt Sa-tan, tức ma quỉ, là kẻ chiếm đoạt chúng ta và bắt chúng ta làm nô lệ, để chúng ta được giải thoát khỏi ách nô lệ của kẻ ác và quyền lực của sự chết (Hê. 2:14). Mọi điều tiêu cực đã được giải quyết bởi sự chết bao-hàm-tất-cả của Ngài trên thập tự giá. Chúng ta không cần làm gì cả ngoại trừ tin vào những gì Chúa đã hoàn thành. Ngài đã xử lý và giải quyết mọi nan đề của chúng ta. Ngài không chừa chỗ nào cho chúng ta hành động hay công tác. Vì thế, không cần đến công việc của chúng ta, mà chỉ cần đức tin nơi công tác cứu chuộc đã hoàn tất, trọn vẹn và bao-hàm-tất-cả của Ngài.

Sau khi trải qua sự chết, bởi sự phục sinh và trong sự phục sinh, Chúa đã tuôn đổ sự sống của Ngài và trở nên Linh ban-sự-sống (1 Cô. 15:45). Bây giờ trong sự phục sinh, Ngài là Linh sự sống (2 Cô. 3:17) cùng với mọi mỹ đức của công tác cứu chuộc của Ngài, chờ đợi chúng ta tin Ngài. Một khi đã tin Ngài, chúng ta không những được tha thứ tội lỗi và được giải thoát khỏi quyền lực gian ác của sự tối tăm, mà còn nhận được Linh sự sống, tức là chính Chúa, với sự sống đời đời của Đức Chúa Trời. Bằng cách ấy chúng ta được cứu và được tái sinh. Bởi tin Chúa và công tác cứu chuộc bao-hàm-tất-cả của Ngài mà chúng ta nhận được sự sống của Đức Chúa Trời và được sinh bởi Ngài để trở nên con cái Ngài.

Tin Chúa có nghĩa là tiếp nhận Ngài (Gi. 1:12). Chúa là Đấng chúng ta có thể tiếp nhận được. Bây giờ Ngài là Linh ban-sự-sống, với sự cứu chuộc trọn vẹn, đang chờ đợi và mong đợi chúng ta tiếp nhận Ngài. Linh của chúng ta là cơ quan tiếp nhận. Chúng ta có thể tiếp nhận Linh của Chúa vào trong linh mình bằng cách tin Ngài. Một khi chúng ta tin Ngài, thì Ngài là Linh ngự vào trong linh chúng ta. Khi ấy chúng ta được tái sinh bởi Ngài, là Linh ban-sự-sống, và trở nên một linh với Ngài (1 Cô. 6:17). Chữ “tin” trong các câu 16, 18 và 36 theo nghĩa đen nên dịch là “tin vào Ngài”. Khi tin Chúa, chúng ta tin vào Ngài”. Bởi tin vào Ngài, chúng ta vào trong Ngài và làm một với Ngài, nhận lãnh Ngài, và dự phần trong tất cả những gì Ngài đã hoàn thành cho chúng ta. Bởi tin vào Ngài, chúng ta được đồng hóa với Ngài trong mọi điều Ngài là và trong mọi điều Ngài đã trải qua, hoàn thành, đạt được, và nhận được. Khi trở nên một với Ngài bởi tin vào Ngài, chúng ta được cứu và được tái sinh bởi Ngài là sự sống. Bởi tin vào Ngài mà chúng ta nhận lãnh Ngài là sự sống và được tái sinh trong Ngài.

c. Con Đức Chúa Trời Đến Như Ánh Sáng

Con Đức Chúa Trời đã đến như ánh sáng để con người được soi sáng hầu được cứu rỗi (3:19-21). Để cứu chúng ta, Đấng Christ là Con Đức Chúa Trời trước hết đã đến làm sự sáng soi sáng người ta để họ được cứu. Nhưng tiếc thay, hầu hết mọi người yêu sự tối tăm hơn là ánh sáng, vì việc làm của họ gian ác. Ai làm ác thì ghét sự sáng và không đến với sự sáng, sợ rằng công việc mình bị phơi bày. Nhưng ai đến với sự sáng sẽ được soi sáng và nhờ sự soi sáng đó, người ấy sẽ được cứu. Ánh sáng đến trước, rồi sự cứu rỗi theo sau.

Trong chương ba của sách Giăng, chúng ta có thể thấy ngay cả một người lịch sự, đạo đức, thuộc giới thượng lưu cũng ở trên con đường sự chết. Dầu đang tìm kiếm Đức Chúa Trời, ông ta cũng tìm kiếm Ngài theo chiều hướng của cây kiến thức. Ni-cơ-đem đang tìm kiếm sự dạy dỗ, kiến thức, là điều thuộc về cây tri thức. Ông không biết sự sống và không có khái niệm gì về cây sự sống. Nhưng Chúa xoay ông khỏi kiến thức mà hướng về sự sống, khỏi cây kiến thức mà hướng về cây sự sống, để ông được tái sinh và có sự sống thần thượng, là điều được tượng trưng bằng cây sự sống trong Sáng Thế Ký chương 2. Câu chuyện Chúa trao đổi với ông ngụ ý rằng việc ông tìm kiếm kiến thức có liên quan đến bản chất rắn độc của ông. Bản chất rắn độc của con người thiên nhiên chúng ta không những khiến chúng ta làm những việc ác mà còn tìm kiếm kiến thức nữa, ngay cả kiến thức về Đức Chúa Trời, theo đường lối không phải là con đường sự sống. Loại tìm kiếm kiến thức này thuộc chiều hướng của sự chết và đem lại sự chết. Tất cả chúng ta đều cần xoay khỏi chiều hướng của sự chết mà quay về chiều hướng của sự sống để có thể nhận được sự sống thần thượng mà vui hưởng.