NHU CẦU CỦA NGƯỜI BẤT NĂNG – SỰ SỐNG
LÀM CHO SỐNG ĐỘNG
Trong bài này chúng ta xem xét đến
trường hợp thứ tư – nhu cầu của người bất năng (Gi. 5:1-47). Trường hợp này
phơi bày sự hư không của tôn giáo.
I. TÌNH TRẠNG THẤT BẠI CỦA VIỆC
GIỮ LUẬT PHÁP TRONG TÔN GIÁO VÀ SỰ ĐẦY ĐỦ CỦA VIỆC
CON BAN CHO SỰ SỐNG
Trường hợp của người bất năng này
phơi bày sự bất lực của tôn giáo (5:1-9). Không có tôn giáo nào trên đất tốt
hơn Do Thái giáo, vì đó là tôn giáo thật và tiêu biểu được thành lập theo sấm
ngôn thánh của Đức Chúa Trời. Do Thái giáo được thành lập theo Lời thần thượng.
Tôn giáo này thờ phượng một Đức Chúa Trời chân thật cách đúng đắn, không một
tôn giáo nào có thể sánh kịp.
Tuy nhiên, tôn giáo không thuộc về
gia tể của Đức Chúa Trời và không thể thực hiện mục đích của Ngài. Đức Chúa Trời
không bao giờ dự định có một tôn giáo. Vâng, Ngài thật đã ban cho dân Ngài Lời
Thánh của Ngài, là Cựu Ước, và Ngài thật đã chỉ dẫn họ cách tiếp xúc Ngài.
Không có gì phải nghi ngờ về điểm ấy. Nhưng Đức Chúa Trời không dự định có một
tôn giáo. Tôn giáo do loài người tạo ra, là sản phẩm của tâm trí sa ngã của con
người. Đó là phát minh cao nhất của văn hóa loài người. Nhưng theo gia tể của Đức
Chúa Trời, tôn giáo là kẻ thù tệ hại nhất của Đức Chúa Trời. Tôn giáo tuyệt đối
đối kháng gia tể của Ngài. Tôi xin lặp lại rằng Đức Chúa Trời không có ý định
thiết lập một tôn giáo. Ý định của Ngài là ban Lời Thánh cho dân Ngài, bày tỏ
cho họ biết Đấng sẽ đến tức Con Đức Chúa Trời là sự cứu rỗi và sự sống của họ để
hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời. Đấng sắp đến này sẽ là mọi sự cho họ – sự
công chính, sự thánh khiết, sự cứu chuộc và vinh quang. Dân Do Thái không nhận
thức như vậy. Thay vào đó, họ lựa chọn các phần mạng lệnh trong Lời Thánh của Đức
Chúa Trời và dùng chúng để sáng chế ra các nghi lễ, điều lệ. Họ kết hợp những mạng
lệnh, nghi lễ và điều lệ, rồi tạo nên một tôn giáo. Tôn giáo là gì? Định nghĩa
tốt nhất của tôn giáo không được tìm thấy trong tự điển Web ster. Tôn giáo là
thờ phượng Đức Chúa Trời và cư xử tốt mà không có Đấng Christ. Tôn giáo là sự cố
gắng tối đa của anh em để thờ phượng Đức Chúa Trời, cư xử đúng đắn để đẹp lòng
Ngài, và làm một con người hoàn hảo – có tất cả mà không có Đấng Christ. Mặc dầu
mọi sự có thể tốt lành – anh em thờ phượng Đức Chúa Trời theo điều lệ và cư xử
tốt – tất cả đều không có Đấng Christ. Trong Cơ Đốc giáo dường như người ta có
Đấng Christ, nhưng phần lớn chỉ là Đấng Christ theo chữ nghĩa. Nếu anh em có Đấng
Christ theo chữ nghĩa, đó cũng là tôn giáo. Chúng ta cần phải có Đấng Christ là
thực tại. Chỉ khi nào có Đấng Christ là thực tại của mình chúng ta mới ở ngoài
tôn giáo.
Khi Chúa Jesus đến, Ngài đến như
Đấng đã được tiên tri trong Cựu Ước. Ngài là Đấng đến để trở nên sự cứu rỗi, sự
sống, sự công chính, sự thánh khiết, sự cứu chuộc, vinh quang và mọi sự cho dân
của Đức Chúa Trời. Nhưng khi Ngài đến, dân Ngài là người Do Thái lại bị tôn
giáo của họ chiếm chỗ hoàn toàn. Lòng họ không có chỗ cho Đấng đang đến ấy. Nếu
đọc bốn sách Phúc Âm, anh em sẽ thấy nơi nào Chúa đến và nơi nào Ngài có mặt,
Ngài đều bị chống đối bởi tôn giáo điển hình, là tôn giáo được thành lập theo Lời
Thánh của Đức Chúa Trời. Các nhà tôn giáo theo tôn giáo của mình mà chống đối Đấng
sống. Họ nghĩ rằng mình đang chống đối Đấng Christ vì Đức Chúa Trời. Thậm chí họ
kết án tử hình Đấng sống để cố gắng bảo vệ Đức Chúa Trời. Theo nhận thức của họ,
Jesus phạm thượng khi xưng Ngài là Con Đức Chúa Trời, vì Ngài cho mình bằng Đức
Chúa Trời (5:18). Dường như họ nói: “Chúng tôi chỉ có một Đức Chúa Trời và
không có Đức Chúa Trời nào khác. Đức Chúa Trời của chúng tôi là Giê-hô-va
Ê-lô-him. Chúng tôi không có Đức Chúa Trời mang danh Jesus. Nếu Ông nói mình là
Con Đức Chúa Trời, Ông tự cho mình bằng Đức Chúa Trời, và như vậy là phạm thượng,
chúng tôi phải xử tử Ông”. Đó là tôn giáo.
Trên nguyên tắc, tình hình hiện
nay cũng giống như vậy. Nhiều người theo tôn giáo thờ phượng Đức Chúa Trời, hết
sức cố gắng làm hài lòng Ngài, cư xử tốt đẹp và làm cho mình hoàn hảo. Nhưng họ
làm mọi điều mà không có Đấng Christ. Loại tôn giáo này luôn luôn chống đối Đấng
Christ và những người theo Ngài cách chân thật trong sự sống. Sự chống đối này
không được bày tỏ trong Giăng chương 3 hay 4, mà được tìm thấy trong chương 5.
Trong trường hợp của người bất năng, sự chống đối ra từ tôn giáo hoàn toàn bị
phơi bày. Chương này bày tỏ sự thất bại của tôn giáo điển hình và sự chống đối
Đấng Christ của tôn giáo ấy. Về phương diện tiêu cực trong chương này điều
chính yếu mà chúng ta cần phải nhìn thấy là sự thất bại, sự hư không và tình trạng
chống đối Đấng Christ của tôn giáo điển hình. Ngợi khen Chúa vì về phương diện
tích cực, chương này cho chúng ta thấy sự đầy đủ, thỏa đáp của Đấng Christ, tức
Con của Đức Chúa Trời, là sự sống để làm cho người ta sống động. Đấng Christ là
sự sống thì đã đủ để làm cho chúng ta sống động.
Trường hợp này là một ẩn dụ. Mỗi
phương diện của ẩn dụ này cần được ẩn dụ hóa. Suốt nhiều năm tôi đã đọc đi đọc
lại chương này. Tôi không hiểu và rất bối rối. Trong khi nghiên cứu Kinh Thánh,
tôi quen tìm trọng điểm. Nhưng dầu nghiên cứu chương này nhiều lần, tôi vẫn
không thể tìm ra trọng điểm. Chúng ta dễ tìm được trọng điểm trong chương ba,
đó là sự tái sinh, và chương bốn cũng vậy, đó là nước sống. Xin anh em cho tôi
biết trọng điểm của chương năm là gì? Khi rao giảng phúc âm, tôi thường dùng
câu 24 của chương ấy, nhưng tôi vẫn không nắm được trọng điểm của cả chương.
A. Sự Thất Bại Của Việc Giữ Luật
Pháp Trong Tôn Giáo
Về mặt tiêu cực, trọng điểm của
trường hợp này là bày tỏ sự thiếu hụt của việc giữ luật pháp trong tôn giáo điển
hình. Giữ luật pháp là điều chính yếu trong Do Thái giáo. Mỗi một người Do Thái
đều tôn trọng luật pháp và tin vào việc giữ luật pháp. Người Do Thái nhận biết
rằng ngoài việc giữ luật pháp, họ không có cách nào làm đẹp lòng Đức Chúa Trời,
cư xử tốt và làm cho mình hoàn hảo. Bất cứ người Do Thái tiêu biểu nào cũng có
thể nói với anh em rằng bên cạnh Đức Chúa Trời, không có điều gì lớn lao và
quan trọng cho bằng luật pháp. Đức Chúa Trời là số một và luật pháp số hai. Cho
nên giữ luật pháp là mọi sự đối với tôn giáo điển hình ấy.
1. Những Điều Tốt Của Tôn Giáo Điển
Hình
Tôn giáo của người Do Thái bao
hàm ít nhất bảy điều: thành thánh Giê-ru-sa-lem, đền thờ thánh, tiệc lễ thánh,
ngày Sa-bát thánh, các thiên sứ, Môi-se và Lời Thánh. Khi cộng bảy điều này lại
với nhau, anh em có Do Thái giáo, tôn giáo của người Do Thái. Những điều này xuất
sắc và kỳ diệu. Nếu anh em hỏi tôi có gì trong Do Thái giáo, tôi sẽ nói ít nhất
có bảy điều: 1) thành thánh, 2) đền thờ thánh, 3) những buổi tiệc để vui hưởng,
4) những ngày Sa-bát an nghỉ, 5) các thiên sứ đến viếng thăm, 6) Môi-se, người
ban luật pháp, và 7) Lời Thánh của Cựu Ước.
Cùng với bảy điều này của Do Thái
giáo, cũng có phương tiện chữa lành, vì có hồ chứa nước chữa lành. Ý nghĩa của
bức tranh này là phương tiện chữa lành luôn luôn đi đôi với tôn giáo điển hình.
Do Thái giáo là tôn giáo điển hình có một điều gì đó có thể chữa lành anh em. Hồ
nước tại Giê-ru-sa-lem chỉ về phương tiện chữa lành ở trong tôn giáo điển hình ấy.
Nhưng có một điều kiện, đó là anh
em phải có sức mạnh để bước đi và hành động. Bất cứ khi nào anh em được ban cho
một cơ hội nhận được lợi ích từ tôn giáo ấy, anh em phải có sức mạnh để “làm
người đầu tiên” và có khả năng bước đi. Trường hợp này là một dấu hiệu, cho
chúng ta thấy đây là tôn giáo điển hình với nhiều điều tốt và thánh có thể chữa
lành anh em, nhưng đòi hỏi anh em phải có sức mạnh để bước đi và hành động. Nếu
anh em là người thứ hai, anh em sẽ không nhận được lợi ích của tôn giáo tốt đẹp
này, vì anh em không phải là “người đầu tiên”.
2. Thực Hành Việc Giữ Luật Pháp
Bây giờ chúng ta hãy xem xét vài
phương diện của sự thực hành giữ luật pháp. Cửa chiên (5:2) tượng trưng cho lối
vào chuồng chiên của tôn giáo giữ luật pháp (10:1). Tên của ao, Bê-tết-đa, có
nghĩa là nhà của sự thương xót, mang ý nghĩa là những người giữ luật pháp nhận
thức rằng mình cần sự thương xót của Đức Chúa Trời vì mình bất năng, yếu đuối
và khốn cùng, như được trình bày trong La Mã 7:7-24. Các vòm cổng, giống như
chuồng chiên, tượng trưng cho nơi ẩn náu của tôn giáo giữ luật pháp, và số năm
chỉ về trách nhiệm. Thiên sứ khuấy động nước tượng trưng cho một tác nhân mà
qua đó luật pháp vốn không thể ban sự sống được ban bố (Ga. 3:19, 21). Việc khuấy
động nước làm cho người ta khỏe mạnh chỉ về việc người ta nỗ lực giữ luật pháp
để được hoàn hảo. Bằng cách xem xét những phương diện này, chúng ta có thể thấy
tình trạng giữ luật pháp là điều chính yếu trong tôn giáo điển hình.
3. Tình Trạng Bất Năng Của Việc
Giữ Luật Pháp
Con người không thể giữ luật
pháp. Không ai có thể làm điều đó. Như người ta không thể đi bộ lên các tầng trời
thì cũng thế, họ không thể nào giữ nổi luật pháp. La Mã 8:3 nói rằng họ không
thể giữ luật pháp vì xác thịt làm cho luật pháp thành ra yếu đuối. Mọi xác thịt
đều yếu đuối không thể giữ luật pháp được. Điều đó được trình bày rõ ràng trong
trường hợp của người đàn ông bất năng.
Người đàn ông bất năng đã bị bệnh
ba mươi tám năm. Ông không thể cử động được. Ông đầy hi vọng khi thấy nước động,
nhưng không thể đến đó đúng lúc. Vì bất năng, không thể cử động nên ông không
được chữa lành. Cũng vậy, vì bất năng, chúng ta không thể giữ luật pháp. Luật
pháp là tốt lành, thánh khiết, và thuộc linh. Luật pháp không có nan đề gì cả;
nan đề là ở nơi chúng ta.
Loài người không những bệnh hoạn
mà còn chết chóc nữa. Qua 5:25, chúng ta biết theo cái nhìn của Chúa thì một
người bất năng là người chết. Làm thế nào một người chết có thể đi được? Muốn
bước đi, trước hết ông cần được làm cho sống động. Nếu anh em không thể làm cho
một người chết sống lại thì người chết ấy không thể làm gì được. Ga-la-ti 3:21
nói luật pháp không thể ban sự sống. Luật pháp chỉ ra lệnh cho người ta chứ
không bao giờ cung ứng sự sống cho họ. Vì thiếu sự sống, người ta không thể giữ
luật pháp được. Nếu anh em vẫn còn tôn giáo, vẫn cố giữ luật pháp, tôi xin hỏi
anh em một câu. Anh em chết hay sống? Anh em phải thừa nhận rằng mình chết. Vì
là người chết, làm sao anh em giữ luật pháp được? Người chết không thể làm gì cả.
Vì sự yếu đuối của xác thịt và vì
thiếu sự sống, con người không thể giữ luật pháp được. Dầu có thiên sứ, có nước
và dầu nước bị khuấy động, anh em không cách nào làm trọn điều kiện là xuống nước
để được chữa lành. Đó là một hình ảnh minh bạch cho chúng ta thấy người bất
năng và chết chóc không thể giữ luật pháp. Nơi luật pháp không có hi vọng gì
cho con người. Đối với luật pháp, chúng ta là những con người bất năng và vô vọng.
Ngày nay chúng ta có một tôn giáo
tốt hơn, thậm chí là tốt nhất. Nhưng anh em có nhận biết tôn giáo tốt nhất ấy
đòi hỏi anh em làm gì không? Tôn giáo ấy đòi hỏi anh em bước đi, hành động và
“làm người đầu tiên” rồi anh em mới hưởng được lợi ích của tôn giáo ấy. Có lẽ
anh em thấy mình quá yếu đuối, không nhận được điều tôn giáo muốn tặng cho
mình. Điều này cho thấy anh em ở vị trí của người bất năng – ở dưới năm vòm cổng.
Chúng ta giống như những người bất năng nằm ẩn nấp dưới luật pháp.
4. Người Bệnh Nằm Dưới Nơi Ẩn Náu
Là Tình Trạng Giữ Luật Pháp, Trong Chuồng Của Tôn Giáo
Nhiều người bệnh nằm dưới các vòm
cổng. Sự kiện này có nghĩa là ở dưới nơi ẩn náu của sự giữ luật pháp, trong chuồng
tôn giáo, có nhiều người mù, không thể thấy được, què, không thể đi được, và
khô héo, thiếu sự sống. Họ không có niềm vui hay sự bình an, mà chỉ chịu đựng.
Người bất năng không có niềm vui, dầu là vào ngày lễ tiệc vui mừng (5:1), ông
không có sự an nghỉ, dầu là vào ngày Sa-bát (5:9). Theo cái nhìn của Chúa, người
bệnh bất năng và vô vọng ấy là người đã chết.
Có phương tiện chữa lành trong
tôn giáo giữ luật pháp, nhưng không ích lợi gì cho người bất năng, vì người ấy
không có sức để thỏa đáp những điều kiện của tôn giáo. Việc giữ luật pháp của
tôn giáo tùy thuộc vào nỗ lực của con người, việc làm của con người và sự tô điểm
của con người. Vì con người bất năng nên việc giữ luật pháp trong tôn giáo trở
nên thất bại. Thành thánh, đền thờ thánh, tiệc lễ thánh, ngày Sa-bát thánh, các
thiên sứ, Môi-se và Lời Thánh – tất cả đều là những điều tốt đẹp của tôn giáo ấy,
nhưng không thể làm gì cho người đàn ông bất năng. Theo cái nhìn của Chúa, ông
là một người chết, không những cần sự chữa lành, mà còn cần được làm cho sống lại.
Chúa làm [chúng ta] sống động vô điều kiện. Như chúng ta sẽ thấy, người bất
năng ấy nghe tiếng Ngài và được sống động. Ý nghĩa của dấu lạ này là khi con
người không thể giữ luật pháp trong Do Thái giáo do sự bất năng của mình, thì
Con Đức Chúa Trời đến để làm cho người chết được sống động. Luật pháp không thể
ban sự sống, nhưng Con Đức Chúa Trời ban sự sống cho người chết (5:21). “Đang
khi chúng ta còn yếu đuối” (La. 5:6) thì Ngài đến để làm cho chúng ta sống động.
B. Sự Đầy Đủ Của Việc Con Ban Cho
Sự Sống
Chúng ta đã thấy về mặt tiêu cực,
trường hợp này phơi bày sự thiếu hụt và hư không của tôn giáo giữ luật pháp.
Tôn giáo ấy có rất nhiều điều tốt – thành thánh, đền thờ thánh, các thiên sứ, Lời
Thánh, các lễ tiệc thánh, ngày Sa-bát thánh và ao nước, nhưng không điều nào
trong những điều tốt lành này giúp được gì cho người chết. Thành thánh không thể
giúp đỡ người bất năng; đền thờ thánh cũng không, Lời Thánh, hay ngày thánh
cũng không. Dầu đó là ngày lễ tiệc, ông không có niềm vui, dầu đó là ngày
Sa-bát, ông không có sự an nghỉ. Không một điều gì có thể giúp đỡ ông. [Tình trạng
của] ông là một trường hợp vô vọng và bất năng. Thình lình, có một con người nhỏ
bé bước vào tình cảnh ấy. Người đó không phải là thiên sứ trưởng, mà là một con
người nhỏ bé mang tên Jesus. Ngài không có vẻ đẹp hay sức thu hút, không ai chú
ý đến Ngài. Ngài đi thẳng đến người bệnh. Y như Cha trong cõi đời đời quá khứ
đã thấy trước người đàn bà Sa-ma-ri rồi Con đến tìm bà tại giếng Gia-cốp, thì
Cha cũng thấy trước người đàn ông bất năng này rồi Con đến với ông đang khi ông
nằm bên ao nước. Ngài hỏi ông: “Ngươi muốn được lành không?” Lời này có nghĩa
là: “Ngươi có muốn được chữa lành không?” Con người bất năng ấy không biết gì
hơn là ao, nước, và thiên sứ khuấy động nước. Ông cũng biết tự mình không có hi
vọng hay khả năng gì nên ông giải thích tình trạng của mình cho Chúa Jesus. Khi
ấy, Chúa Jesus phán: “Hãy đứng dậy, xách đệm ngươi mà đi”. Người bất năng nghe
lời làm cho sống động của Chúa là Đấng sống động, ban sự sống, và ông được chữa
lành. Có lẽ chúng ta tưởng rằng ông đứng lên và đi trước khi được chữa lành,
nhưng nghĩ như vậy không đúng. Ông được chữa lành trước khi đứng lên, vác đệm
mình và bước đi. Hãy lưu ý thứ tự trong câu 9: “Ngay lập tức người ấy được
lành, mang đệm mình và bước đi”. “Ngay lập tức người ấy được lành” đi trước
“mang đệm mình và bước đi”. Ông được chữa lành trước khi đứng lên. Ông được chữa
lành khi nghe tiếng của Con sống động của Đức Chúa Trời. Do nghe lời sống động
của Chúa mà ông được làm cho sống động. Trước đây, cái đệm mang người đàn ông bất
năng, nhưng bây giờ người đàn ông được làm cho sống động mang đệm của mình.
Nếu là người đàn ông bất năng ấy,
có lẽ tôi sẽ nói: “Thưa ông, tôi không thể làm điều ấy được. Tôi đã phải nương
cậy vào chiếc đệm này ba mươi tám năm nay. Chiếc đệm đã mang tôi suốt thời gian
ấy. Sao ông bảo tôi mang nó đi? Tôi không thể làm như điều ông nói”. Đừng bao
giờ tranh luận với lời Chúa. Chúng ta chỉ nên nói: “A-men” với bất cứ điều gì
Ngài nói và hãy làm theo. Đừng tranh luận hay lý luận. Nếu lý luận, anh em sẽ mất
phước hạnh của Ngài. Thật tốt biết bao vì người đàn ông bất năng không những đứng
dậy được, mà còn vác đệm mình mà đi. Không những ông được chữa lành, mà còn được
làm cho sống động. Theo các câu 24 và 25, việc này đối với ông như một người chết
đã vượt khỏi sự chết mà vào sự sống và sống. Theo nguyên tắc đưa ra trong
chương 2, đó là sự biến đổi sự chết thành sự sống.
Chúng ta không cần ao và nước của
tôn giáo, chúng ta cũng không cần thiên sứ. So sánh với Chúa Jesus, ao nước và thiên
sứ thật sự là nghèo nàn. Hễ có Chúa Jesus, chúng ta không cần điều gì khác.
Công dụng của thành thánh, đền thờ thánh và thiên sứ thánh là gì? Các buổi lễ
tiệc hay những ngày Sa-bát không có ý nghĩa gì đối với chúng ta. Những điều đó
không ích lợi gì cho chúng ta. Ấy là Jesus, Đấng làm cho sống động. Tất cả
chúng ta phải thấy điều này. Đó là sự sống làm cho sống động. Đó là trọng điểm
của trường hợp này về phương diện tích cực.
II. TÔN GIÁO CHỐNG ĐỐI SỰ SỐNG
A. Sự Sống Làm Cho Sống Động, Phá
Hủy Lễ Nghi Tôn Giáo
Trong 5:10-16 chúng ta thấy tôn
giáo chống đối sự sống. “Người Do Thái bèn nói với kẻ được chữa lành rằng: Nay
là ngày sa-bát, ngươi không phép xách đệm mình mà đi” (5:10). Sự sống làm cho sống
động, phá hủy lễ nghi tôn giáo. Tôn giáo bị sự sống gây tổn thương và từ đó bắt
đầu chống đối sự sống. Ngày Sa-bát là vì con người (Mác 2:27), nên là sự an nghỉ
cho con người. Việc giữ luật pháp của tôn giáo không đem sự an nghỉ đến cho người
bệnh đã ba mươi tám năm, nhưng sự sống làm cho sống động đã thực hiện điều đó
trong một giây. Tuy nhiên, những con người tôn giáo chỉ quan tâm đến nghi thức
giữ ngày Sa-bát; họ không quan tâm đến sự an nghỉ của người bệnh. Chúng ta có một
sự sống thật lạ lùng! Chúng ta không cần điều gì của tôn giáo. Hễ chúng ta có
Jesus, mọi điều của tôn giáo không có ý nghĩa gì cả. Hễ chúng ta có Jesus chúng
ta có sự sống. Hãy để tôn giáo và mọi điều của nó ra đi. Những điều ấy không thể
ban sự sống cho chúng ta, nhưng Jesus thì có thể. Jesus làm chúng ta sống động.
Jesus ban sự sống cho chúng ta. Sự sống đem niềm vui cho chúng ta. Sự sống đem
sự an nghỉ cho chúng ta. Sự sống đem cho chúng ta ánh sáng và mọi điều chúng ta
cần. Ngợi khen Chúa!
Ý nghĩa thật của trường hợp này
là sự khác biệt giữa tôn giáo và Đấng Christ, là sự khác biệt giữa việc giữ luật
pháp của tôn giáo và việc Đấng Christ làm cho chúng ta sống động. Giữ luật pháp
của tôn giáo là điều tốt, nhưng chúng ta thì yếu đuối. Việc giữ luật pháp của
tôn giáo có thể hiệu quả, nhưng chúng ta không thể đáp ứng được những đòi hỏi của
nó. Với Đấng Christ không có một đòi hỏi nào, vì khi đến với chúng ta, Ngài nói
lời sống động của Ngài để chúng ta có thể nghe được tiếng Ngài. Nếu có một đòi
hỏi nào, thì đó chỉ là nghe lời sống động của Ngài. Khi nghe lời sống động của
Ngài, chúng ta vượt khỏi sự chết mà vào sự sống. Sự khác biệt trong trường hợp
này là tôn giáo thì đòi hỏi, nhưng lời của Đấng Christ làm cho sống động.
B. Tôn Giáo Cố Gắng Dập Tắt Sự Sống
Tôn giáo giữ luật pháp ấy không
thể ban sự sống cho người bất năng. Khi Đấng Christ làm cho người này sống động
bằng sự sống, thì tôn giáo bắt bớ Ngài, cố gắng dập tắt sự sống, vì Ngài làm điều
đó vào ngày Sa-bát (5:16). Tôn giáo ấy chỉ quan tâm đến việc giữ ngày Sa-bát,
hi sinh cả sự an nghỉ của con người bất năng. Nhưng Đấng Christ hi sinh việc giữ
ngày Sa-bát để quan tâm đến sự an nghỉ của người ấy. Điều này chắc chắn làm tổn
thương tôn giáo. Trên nguyên tắc, tình trạng của tôn giáo ngày nay cũng giống
như vậy. Những con người tôn giáo vẫn quan tâm đến nghi thức tôn giáo của họ,
hi sinh những vấn đề sự sống của con người. Nhưng Chúa thì vẫn y nguyên, Ngài
hi sinh mọi nghi thức tôn giáo để chăm sóc những vấn đề thuộc về sự sống của
con người với bất cứ giá nào. Đó là lý do vì sao chúng ta là những người được Đấng
Christ làm cho sống động đang bị những người bám chặt nghi thức tôn giáo chống
đối và bắt bớ.
III. CON BÌNH ĐẲNG VỚI CHA TRONG
VIỆC BAN SỰ SỐNG VÀ THI HÀNH SỰ XÉT ĐOÁN
A. Con Bình Đẳng Với Cha
Những người Do Thái nặng tinh thần
tôn giáo bắt bớ Jesus vì Ngài làm việc để khiến người bất năng sống động vào
ngày Sa-bát của họ. Jesus trả lời với họ: “Cha Ta đang làm việc cho đến bây giờ
và Ta cũng đang làm việc”. Theo quan niệm tôn giáo của mình, họ đang nghỉ ngơi
để giữ ngày Sa-bát. Nhưng họ không biết rằng hễ còn những tội nhân đáng thương
chưa được cứu, thì Cha và Con sẽ không nghỉ ngơi. Trong khi họ nghỉ ngơi để giữ
ngày Sa-bát của mình, Cha và Con vẫn đang làm việc để tội nhân nhận được sự sống
và an nghỉ. Lời này không những gây tổn thương cho người Do Thái nặng tinh thần
tôn giáo, mà còn làm cho họ xem Jesus là phạm thượng vì theo quan niệm của họ,
không những Ngài “phạm ngày Sa-bát thôi, mà lại vì Ngài gọi Đức Chúa Trời là
Cha mình, tự cho mình là bình đẳng với Đức Chúa Trời” (5:18). Theo sự suy xét của
họ, nói như vậy là phạm thượng với Đức Chúa Trời. Nhưng Đấng “phạm thượng” này
lại làm cho người bất năng sống lại. Sự sống động của người đó làm chứng rằng
Ngài bình đẳng với Đức Chúa Trời trong việc ban sự sống cho người ta.
B. Cả Cha Và Con Đều Đang Làm Việc
Để Cứu Chuộc Và Xây Dựng
Mặc dầu công tác sáng tạo của Đức
Chúa Trời đã hoàn tất (Sáng. 2:1-3), Cha và Con vẫn đang làm việc để cứu chuộc
và xây dựng (Gi. 5:17, 19-20). Người Do Thái nặng tinh thần tôn giáo giữ ngày
Sa-bát của sự sáng tạo. Họ không biết rằng vì sự sa ngã của loài người, phần
còn lại của ngày Sa-bát ấy đã bị phá hỏng. Họ không biết Cha và Con vẫn đang
làm việc để cứu chuộc loài người sa ngã, nhằm hoàn thành mục đích nguyên thủy của
Đức Chúa Trời là xây dựng nơi ở đời đời của Đức Chúa Trời. Điều Đức Chúa Trời
đã làm là cõi sáng tạo cũ. Điều Cha và Con đang làm là cõi sáng tạo mới qua sự
cứu chuộc cho sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Công tác này bao hàm việc ban sự sống
của Con, như đã được bày tỏ trong trường hợp này. Trong vấn đề trên, Cha và Con
là một. Bất cứ điều gì Cha muốn làm trong việc ban sự sống, thì Con đều làm
theo.
C. Con Của Đức Chúa Trời Ban Sự Sống
Cho Người Chết
Con ban sự sống cho người chết.
Câu 21 chép: “Vì như Cha khiến kẻ chết dậy, làm cho được sống động thể nào, thì
Con cũng làm cho kẻ mình muốn được sống động thể ấy”. Trong câu 24 chúng ta thấy
ai nghe lời Con và tin Đấng sai Ngài thì có sự sống đời đời và đã vượt khỏi sự
chết mà vào sự sống. Câu 25 chép: “Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi,
giờ sắp đến, mà nay đã đến rồi, kẻ chết sẽ nghe tiếng của Con Đức Chúa Trời, và
kẻ nghe ấy sẽ được sống”. Người chết được đề cập trong câu này không phải là những
người chôn trong mồ mả, mà là những người chết đang sống. Họ không chết về mặt
thuộc thể, nhưng theo Ê-phê-sô 2:1-5 và Cô-lô-se 2:13, họ đã chết trong linh
mình. Theo cái nhìn của Chúa, mọi người sống trên đất đều chết trong linh. Nhóm
chữ: “Giờ sắp đến, mà nay đã đến rồi”, chỉ về chính giờ Chúa nói những lời ấy.
Nhiều người lúc ấy nghe lời sống động của Ngài và kết quả là được làm cho sống
động. Như vậy, “sẽ được sống” trong câu này có nghĩa là sẽ được sống động trong
linh. Đó không phải là sự phục sinh trong thân thể vật lý như đã được đề cập
trong câu 28 và 29. Suốt hai mươi thế kỷ, từ khi Chúa phán những lời này đến
nay, hàng ngàn và hàng ngàn người đã nghe tiếng sống động của Con Đức Chúa Trời
và được sự sống làm cho sống động. Chúng ta cũng đã nghe lời sống động của Chúa
và đã được làm cho sống động. Chúng ta cũng là những người bất năng ở dưới năm
vòm cổng, vì chúng ta mù, què, và khô héo. Tóm lại, chúng ta đã chết. Rồi Chúa
đến để thăm viếng chúng ta, chúng ta nghe được lời sống động của phúc âm, và lời
ấy làm cho chúng ta sống động và sống lại. Chúng ta thật sự đã vượt khỏi sự chết
và bước vào sự sống.
Trong vấn đề sự sống, Con giống
như Cha. “Vì như Cha có sự sống trong mình, thì cũng đã ban cho Con có sự sống
trong mình vậy” (5:26). Cả Cha lẫn Con đều có sự sống trong chính mình. Cho nên
Con có thể và thật làm cho người ta sống động bằng sự sống mà Cha ao ước. Trong
việc sự sống làm cho sống động, Con thật làm một với Cha.
D. Con Loài Người Thi Hành Sự
Phán Xét Trên Những Người Vô Tín
Con Loài Người sẽ thi hành sự
phán xét trên mọi người vô tín (5:22-23, 27, 30). Là Con Đức Chúa Trời (5:25),
Chúa có thể ban sự sống (5:21), và là Con Loài Người, Ngài có thể thi hành sự
phán xét (5:27). Vì Ngài là một con người, Ngài hoàn toàn đủ điều kiện để phán
xét loài người. Công-vụ 17:31 nói rằng Đức Chúa Trời sẽ phán xét thế giới“nhờ
Người Ngài đã lập”. La Mã 2:16 chép: “Đức Chúa Trời bởi Jesus Christ sẽ xét
đoán sự kín nhiệm của người ta”. 2 Ti-mô-thê 4:1 chép: “Christ Jesus, là Đấng sẽ
xét đoán kẻ sống và kẻ chết”. Cha “ban cho Con quyền bính thi hành sự xét đoán,
vì Con là Con Loài Người” (5:27). Cha giao mọi sự phán xét cho Con “để ai nấy đều
tôn trọng Con, cũng như tôn trọng Cha vậy” (5:22-23). Con sẽ phán xét cách công
bình theo ý muốn của Cha (5:30). Ngài hiệp một với Cha trong vấn đề sự sống làm
cho sống động. Ngài cũng hiệp một với Cha trong vấn đề phán xét.
E. Hai Loại Phục Sinh
Xin chúng ta đọc các câu 28 và
29. “Chớ lấy điều đó làm lạ, vì giờ đến mọi người ở trong mồ mả đều nghe tiếng
Ngài và ra khỏi, ai đã làm thiện, thì sống lại để được sự sống, ai đã làm ác,
thì sống lại để chịu định tội”. Tất cả những người đã chết về mặt thuộc thể, đã
được chôn trong mồ mả đều sẽ sống lại. Xin lưu ý sự khác biệt giữa hai câu này
và câu 25. Trong câu 25, người chết sẽ nghe tiếng Ngài, nhưng trong câu 28 mọi
người trong mồ mả đều sẽ nghe tiếng Ngài. Những người ở trong mồ mả thì khác với
những người chết. Câu 25 chỉ về những người chết đang sống trên đất; câu 28 chỉ
về những người chết chôn trong lòng đất. Những người chôn trong mồ mả sẽ được sống
lại khi Chúa đến lần thứ hai.
Ngoài sự phục sinh trong linh mà
chúng ta thấy trong câu 25, câu 29 phân biệt hai loại phục sinh về mặt thuộc thể.
Sự phục sinh trong linh nghĩa là linh chúng ta được làm cho sống động. Đây cũng
là tái sinh trong linh chúng ta. Sự tái sinh trong linh chúng ta là sự phục
sinh do Chúa Jesus thực hiện bằng sự sống thần thượng, là chính Ngài. Hơn nữa,
có hai loại phục sinh về mặt thuộc thể. Sự “phục sinh của sự sống” là sự phục
sinh của những tín đồ được cứu trước thời đại một ngàn năm (Khải. 20:4, 6; 1
Cô. 15:23, 52; 1 Tê. 4:16). Các tín đồ qua đời sẽ sống lại để vui hưởng sự sống
đời đời khi Chúa Jesus trở lại. Như vậy, sự kiện ấy được gọi là sự phục sinh của
sự sống. Khi Chúa Jesus trở lại, mọi tín đồ qua đời sẽ được sống lại và được cất
lên với những tín đồ còn sống lên không trung (1 Tê. 4:17). Sau đó các tín đồ đắc
thắng sẽ trị vì với Chúa như các vua suốt một ngàn năm. “Sự phục sinh của sự
phán xét” chỉ về sự phục sinh của người vô tín sau một ngàn năm (Khải. 20:5,
12). Mọi người vô tín đã chết sẽ được làm cho sống lại sau một ngàn năm để chịu
phán xét tại Ngai Trắng Lớn (Khải. 20:11-15). Vì vậy, sự kiện đó được gọi là sự
phục sinh của sự phán xét. Tín đồ chúng ta sẽ vui hưởng và tham dự sự phục sinh
của sự sống, nhưng người vô tín sẽ chịu đựng sự phán xét diệt vong đời đời vào
ngày phục sinh của sự phán xét.
IV. LỜI CHỨNG BỐN PHƯƠNG DIỆN CỦA
CON
Trong 5:31-47 chúng ta thấy chứng
cớ bốn phương diện của Con; lời chứng của Giăng Báp-tít (cc. 32-35); lời chứng
của công tác của Con (c. 36); lời chứng của Cha (cc. 37-38); và lời chứng của Lời
Thánh (cc. 39-47). Có bốn lời chứng này mà vẫn không có chính Đấng Christ là điều
có thể xảy ra. Đã có lần người Do Thái vui mừng về Giăng Báp-tít, nhưng họ
không nhận biết rằng ông chỉ là nhân chứng của Đấng Christ. Lời chứng của Giăng
Báp-tít là để dẫn họ đến với Đấng Christ. Người Do Thái cũng thấy các việc làm
của Đấng Christ, nhưng họ không muốn đến với Ngài. Họ thấy các dấu lạ, phép lạ,
và việc kỳ diệu của Ngài, nhưng họ không muốn nhìn nhận Ngài là ai và đến với
Ngài. Cha làm chứng về Con, nhưng họ không để lời Cha ở trong mình, vì họ không
tin Con là Đấng Cha đã sai đến. Thậm chí họ còn tra xem Lời Thánh là Lời làm chứng
về Ngài, nhưng họ không đến với Ngài để được sự sống đời đời.
“Tra xem Lời Thánh” có thể tách
biệt với việc “đến cùng Ta”. Các chuyên gia tôn giáo Do Thái tra xem Lời Thánh,
nhưng không muốn đến cùng Chúa. Hai điều này phải đi chung với nhau. Vì Lời
Thánh làm chứng về Chúa, chúng ta không nên tách rời lời ấy khỏi Ngài. Chúng ta
có thể tiếp xúc với Lời Thánh mà không tiếp xúc với Chúa. Chỉ một mình Chúa mới
có thể ban sự sống. Chúng ta đừng bao giờ tách rời Lời Thánh khỏi chính Chúa. Mỗi
khi tra xem Lời, chúng ta phải đến với chính Chúa. Chúng ta cần phải làm cho việc
dò xem Lời và chạm đến Chúa trở nên một. Mỗi khi học Kinh Thánh, chúng ta cần
phải mở linh mình cho Chúa. Đang khi mắt đọc lời và tâm trí hiểu lời, chúng ta
cần dùng linh để tiếp xúc với Chúa qua Lời Thánh. Khi ấy không những tâm trí
chúng ta hiểu biết chữ nghĩa trên giấy trắng mực đen, mà linh chúng ta cũng nhận
được sự sống nữa.
Mọi dấu lạ, biểu hiện, và ân tứ
chỉ là những chứng nhân nhờ đó chúng ta có thể tiếp xúc với Đấng Christ. Nan đề
là ngày nay người ta có chứng cớ, nhưng không tiếp xúc với chính Chúa. Người ta
có thể có dấu lạ, các biểu hiện, ân tứ và kiến thức về Lời Thánh, nhưng không đến
tiếp xúc với chính Chúa. Chỉ có chính Chúa mới ban sự sống cho anh em. Không phải
dấu lạ, ân tứ hay thậm chí Lời Thánh, mà là chính Chúa làm cho anh em sống động
và truyền sự sống vào trong anh em.
Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh
điểm này, ấy là sứ đồ Giăng bày tỏ mọi trường hợp ấy để nêu lên tình trạng thật
của con người và bày tỏ Đấng Christ là nguồn cung ứng sự sống của chúng ta.
Trong trường hợp thứ nhất, chúng ta là những người tốt; trong trường hợp thứ
hai, chúng ta là những tội nhân; trong trường hợp thứ ba, chúng ta là những người
đang chết; trong trường hợp thứ tư, chúng ta là những người bất năng. Trong trường
hợp đầu, Chúa là sự sống tái sinh của chúng ta; trong trường hợp thứ hai, Ngài
là sự sống làm thỏa mãn; thứ ba, Ngài là sự sống chữa lành; và thứ tư, Ngài là
sự sống làm cho chúng ta sống động. Nhờ hiểu bốn trường hợp này, chúng ta có thể
nhận thức mình đang ở đâu và mình là ai, và chúng ta có thể biết Chúa ở đâu và
Ngài là ai. Rồi chúng ta sẽ biết mình cần gì và Chúa sẽ cung ứng gì cho mình.
--