Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

PHÚC ÂM GIĂNG BÀI 12




NHU CẦU CỦA NGƯỜI VÔ LUÂN – SỰ THỎA MÃN CỦA SỰ SỐNG (2)

III. CÁCH NHẬN LẤY NƯỚC SỰ SỐNG
Trong Giăng 4:15-26 chúng ta thấy phương cách nhận lấy nước sống. Nước sống rất tốt, nhưng nếu chúng ta không có cách nào để lấy, thì nước ấy không có ý nghĩa gì đối với chúng ta. Nếu có một điều gì đó kỳ diệu, tuyệt hảo trên các từng trời mà chúng ta không thể với tới được thì ích lợi gì? Nhưng ở đây chúng ta tìm được nước sống và cách nhận lấy nước sống ấy.


Chúa Jesus là một người giảng đạo đơn sơ, ngắn gọn, nhưng có hiệu quả. Ngài không giảng một bài, Ngài chỉ trò chuyện ngắn gọn với người đàn bà Sa-ma-ri. Qua câu chuyện ngắn gọn ấy, bà được thu hút. Tôi hi vọng rằng tất cả các anh em thanh niên sẽ học được cách giảng phúc-âm trong Giăng chương bốn. Chương này là một gương mẫu tốt về việc rao giảng phúc âm. Tất cả chúng ta cần phải học cách nói chuyện với tội nhân.

A. Tội Nhân Xin Nước Sống
Người đàn bà Sa-ma-ri được thu hút và xin Chúa nước sống. “Người đàn bà lại nói: Thưa Ông, xin cho tôi nước ấy để tôi không khát, cũng không đi xa đến đây múc nữa” (4:15). Chúa là người giảng đạo tài tình. Dường như Ngài muốn nói: “Nếu ngươi biết Ta là ai, nếu ngươi biết sự ban cho của Đức Chúa Trời và nếu ngươi biết nước sống mà Ta ban cho, chắc chắn ngươi sẽ xin nước ấy”. Người đàn bà ấy bèn xin ngay lập tức. Trong cách nói chuyện thiếu khôn ngoan của mình, chúng ta càng nói thì càng làm cho họ muốn lánh xa. Nhưng Chúa Jesus nói rất ngắn gọn và người đàn bà được thu hút, rồi bà xin nước sống.

B. Cứu Chúa Chỉ Cho Bà Cách Nhận Lãnh
Nước Sống
1. Ăn Năn Và Xưng Tội Mình – “Những Người Chồng”
Khi người đàn bà xin Chúa cho bà nước, Ngài không quở trách bà, bảo bà hãy ăn năn và xưng tội lỗi mình cách triệt để. Không, Chúa nói nhẹ nhàng và ôn hòa: “Hãy đi, gọi chồng ngươi, rồi trở lại đây” (4:16). Dường như Chúa muốn nói: “Ta muốn gặp chồng ngươi. Ngươi hỏi Ta về nước sống, còn Ta hỏi ngươi về chồng ngươi. Chúng ta hãy trao đổi. Ngươi đổi chồng mình lấy nước sống”. Lời này nhằm mục đích dùng tiểu sử vô đạo đức của bà để chạm đến lương tâm bà hầu bà ăn năn về tội lỗi mình. “Người đàn bà thưa rằng: Tôi không có chồng. Jesus lại phán rằng: Ngươi nói: ‘Tôi không có chồng’, là đúng lắm; vì ngươi đã có năm đời chồng, còn người mà ngươi hiện có chẳng phải là chồng ngươi; điều đó ngươi đã nói thật vậy” (4:17-18). Người đàn bà này nói dối hay nói thật? Đó là sự thật, nhưng lại là một lời nói dối. Bà đã nói dối bằng cách phát biểu một sự thật. Đó là một lời nói dối có sự thật. Đây là bản chất lừa dối của con người sa ngã. Tuy nhiên, Chúa nhẹ nhàng với bà và không khiển trách bà. Thậm chí Ngài khen bà: “Ngươi nói: ‘Tôi không có chồng’, là đúng lắm; vì ngươi đã có năm đời chồng, còn người mà ngươi hiện có chẳng phải là chồng ngươi; điều đó ngươi đã nói thật vậy”. Người đàn bà nói với Ngài: “Thưa Ông, tôi nhìn thấy ông là tiên tri”. Lời Chúa làm cho bà sợ hãi. Dường như bà muốn nói: “Ông này không phải là người Do Thái sao? Ông ta chưa bao giờ sống trong thành phố này. Làm sao ông ta biết lai lịch của mình? Ai nói với ông ta mình có năm đời chồng và người mình đang có không phải là chồng mình?” Đó là cách chia sẻ phúc âm. Đừng nói chuyện bông lông với người ta, nhưng hãy chạm đến lương tâm họ, không phải để quở trách, mà để phơi bày họ. Nhờ lời khôn ngoan và đầy ân điển của Chúa, lương tâm người đàn bà được đụng chạm. Cách cung ứng phúc âm đúng đắn là đụng đến lương tâm người ta.

Nỗi khát khao của người đàn bà Sa-ma-ri đã lôi kéo bà đến với những điều sai lầm, chẳng hạn như có năm đời chồng và sống với một người đàn ông không phải chồng mình. Đó là cuộc đời bà thấy mình đã mắc vào. Bà tìm kiếm những điều thuộc thể để làm cho mình thỏa mãn, nhưng rồi chỉ tìm thấy sự không thỏa mãn. Sáu người đàn ông tượng trưng cho những điều thuộc thể và vật chất, là những điều không bao giờ thỏa mãn loài người.

Bên cạnh những điều thuộc thể ấy, bà cũng tìm sự thỏa mãn trong tôn giáo. Dầu là người đơn sơ như vậy, bà cũng rất sùng đạo. Bà rất yếu đuối, nhưng thật kỳ lạ, bà cũng nói về tôn giáo. Tôn giáo suông không bao giờ giúp ích cho ai. Hơn nữa, bà có truyền thống, vì giếng Gia-cốp tượng trưng cho những điều thuộc truyền thống. Bà có gia tài truyền thống mà bà thừa kế từ các tổ phụ mình. Nhưng không bao lâu, bà khám phá ra sự trống rỗng trong truyền thống của mình. Vì vậy, người đàn bà Sa-ma-ri này có nhiều điều thuộc về ba loại – những điều vật chất, những điều tôn giáo và những điều truyền thống. Ba loại này tượng trưng cho mọi sự chúng ta có thể lấy ra từ đời người. Trong đời người không có gì khác hơn là những điều vật chất, tôn giáo và truyền thống. Không một điều nào thuộc vật chất, tôn giáo, truyền thống từng thỏa mãn con người, vì càng có nhiều điều ấy, họ càng khát, và cơn khát của họ không bao giờ dứt.

Những ông chồng của người đàn bà này cũng là một dấu hiệu. Đấng Christ phải là người chồng duy nhất. Trong 2 Cô-rin-tô chương 11, sứ đồ Phao-lô bảo rằng ông đã gả chúng ta cho Đấng Christ. Nói cách khác, ông đã cho chúng ta đính hôn với Đấng Christ. Đấng Christ là người chồng thật. Nhưng người đàn bà này có năm đời chồng và một người đàn ông khác nữa. Lý do bà gian ác và vô luân như vậy là vì bà khao khát. Vì những người chồng của bà không thể làm cho bà thỏa lòng, nên bà vẫn cứ ở trong tình trạng không thỏa mãn. Khi người chồng đầu tiên không làm bà thỏa mãn, bà tìm sự thỏa lòng nơi người chồng thứ hai. Nhưng người chồng thứ hai của bà cũng không làm thỏa mãn sự khao khát bên trong bà. Rồi bà lấy người chồng thứ ba, nhưng người này cũng không thể đem đến sự thỏa mãn cho bà; người thứ tư và thứ năm cũng vậy, vì nhu cầu duy nhất của bà là nước sống. Dầu có uống nước trần gian nơi những người chồng của mình bao nhiêu chăng nữa, bà vẫn cảm thấy khát khao. Vì vậy Chúa nói với bà ai uống nước này sẽ lại khát nữa. Ai uống nước thuộc về những điều vật chất, tôn giáo và truyền thống sẽ lại khát nữa. Chỉ riêng Chúa Jesus có nước sống làm cho chúng ta hết khát.

Những người chồng của bà tượng trưng cho điều gì? Họ tượng trưng cho bất cứ những gì khác hơn là Đấng Christ. Bất cứ điều gì ngoài Đấng Christ cũng có thể trở nên tội lỗi. Nếu chúng ta nương dựa vào người nào hay điều gì khác hơn Đấng Christ, điều đó có thể là tội lỗi. Những người chồng của người đàn bà Sa-ma-ri đã trở thành lịch sử cả cuộc đời tội lỗi của bà. Như chúng ta đã thấy, Chúa đụng đến lịch sử tội lỗi của bà cách rất khôn ngoan. Ngài không lên án tình trạng tội lỗi của bà là một tội nhân, cũng không bắt bà ăn năn theo luật pháp và xưng tội mình cách cụ thể như một vài nhà truyền giáo đã làm. Vì Chúa biết mọi sự, Ngài chỉ chạm vào lương tâm bà bằng cách bảo bà đem người chồng đến. Qua đó, Chúa đã giúp bà xưng tội và ăn năn.

Vì Lời Chúa đề cập đến người chồng đã chạm lương tâm bà nên bà liền chuyển câu chuyện sang vấn đề thờ phượng. Bà rất khéo léo khi làm như vậy. Dầu là một người đàn bà vô luân đến mức ấy, bà vẫn nói về sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Điều này chứng minh tôn giáo là thế nào. Người ta có thể thảo luận về tôn giáo mà vẫn sống vô đạo đức. Bà không xưng tội, nhưng chuyển đề tài từ chồng mình sang việc thờ phượng Đức Chúa Trời, bà nói: “Tổ phụ chúng tôi thờ lạy trên núi này, còn các ông lại nói nơi đáng thờ lạy là tại Giê-ru-sa-lem”. Việc đổi đề tài này là cả một sự tinh vi của người đàn bà Sa-ma-ri. Nan đề của bà về vấn đề thờ phượng, cũng giống những câu hỏi trong 8:3-7 và 9:2-3, là vấn đề đúng hay sai, thuộc về cây kiến thức; nhưng Chúa xoay bà về linh (cc. 21-24), là điều thuộc về cây sự sống (đc. Sáng. 2:9-17). Khi người đàn bà đổi đề tài từ chồng bà qua sự thờ phượng, Chúa Jesus nắm lấy cơ hội bày tỏ cho bà phương cách đúng đắn để nhận lãnh nước sống.

2. Tiếp Xúc Đức Chúa Linh
Anh em hãy nghe lời Chúa về vấn đề thờ phượng. “Jesus phán rằng: Đàn bà kia ơi, hãy tin Ta, giờ đến, các ngươi thờ lạy Cha chẳng tại trên núi nầy, cũng chẳng tại Giê-ru-sa-lem. Các ngươi thờ lạy điều các ngươi không biết, chúng ta thờ lạy điều chúng ta biết, vì sự cứu rỗi đến từ dân Do Thái. Nhưng giờ sắp đến, mà nay đã đến rồi, khi kẻ thờ lạy thật lấy tâm linh và lẽ thật mà thờ lạy Cha, vì Cha vẫn tìm kiếm người dường ấy để thờ lạy Ngài. Đức Chúa Trời là Linh, nên ai thờ lạy Ngài thì cần phải lấy tâm linh và lẽ thật mà thờ lạy” (4:21-24). Lời này được nói ra để dạy dỗ bà về nhu cầu vận dụng linh tiếp xúc với Đức Chúa Linh. Tiếp xúc Đức Chúa Linh bằng linh mình là uống nước sống, và uống nước sống là để dâng sự thờ phượng thật lên cho Đức Chúa Trời.

Theo biểu tượng học, cần phải thờ phượng Đức Chúa Trời (1) tại nơi Đức Chúa Trời lựa chọn để lập chỗ ở của Ngài (Phục. 12:5, 11, 13-14, 18) và (2) bằng các của lễ (Lê. 1–6). Nơi Đức Chúa Trời lựa chọn làm chỗ ở của Ngài tượng trưng cho nhân linh, là nơi ở của Đức Chúa Trời ngày nay (Êph. 2:22, “nơi ở của Đức Chúa Trời trong Linh”). Các của lễ tượng trưng cho Đấng Christ; Đấng Christ là thành tựu và là thực tại của các của lễ mà bằng những của lễ ấy người ta thờ phượng Đức Chúa Trời. Vì vậy, khi Chúa chỉ dẫn bà thờ phượng Đức Chúa Linh trong linh và thực tại, điều đó có nghĩa là bà cần phải tiếp xúc Đức Chúa Linh trong linh bà thay vì tại một nơi cụ thể nào đó, và nhờ Đấng Christ thay vì bằng các của lễ, vì bây giờ, từ khi Đấng Christ là thực tại đã đến (cc. 25, 26) thì mọi hình bóng và biểu tượng đã qua. Chúa Jesus nói với người đàn bà Sa-ma-ri rằng Đức Chúa Trời là Linh, thờ phượng Đức Chúa Trời có nghĩa là tiếp xúc với Ngài, và tiếp xúc với Ngài không phải là vấn đề nơi chốn, nhưng là vấn đề nhân linh.

Khi Ngài nói: “Giờ sắp đến, mà nay đã đến rồi” câu ấy có nghĩa là thời đại đã thay đổi. Trong quá khứ, theo Luật pháp Môi-se, Đức Chúa Trời chỉ định rằng dân Ngài thờ phượng Ngài tại một nơi cụ thể, là nơi Ngài thiết lập chỗ ở của Ngài với danh Ngài (Phục. 12:5). Mọi người thờ phượng Đức Chúa Trời phải đi đến nơi duy nhất ấy. Đó là một biểu tượng. Bây giờ thời đại đã thay đổi, và biểu tượng đã ứng nghiệm. Nói theo biểu tượng, nơi thờ phượng không còn là một nơi nữa, mà là nhân linh, là nơi Đức Chúa Trời sẽ lập nơi ở của Ngài và danh Ngài. Đâu là nơi duy nhất để dân Đức Chúa Trời thờ phượng Ngài ngày nay? Đó là nhân linh của chúng ta. Theo Ê-phê-sô 2:22, nơi ở của Đức Chúa Trời là nhân linh của chúng ta.

Vì sao trong những thời cổ xưa, Đức Chúa Trời chỉ định rằng dân Ngài phải thờ phượng Ngài tại một nơi? Ấy là vì mục đích giữ sự hiệp nhất. Đức Chúa Trời không bao giờ cho phép dân Ngài thờ phượng Ngài tại một nơi nào khác hơn nơi Ngài đã lựa chọn. Nếu ai thờ phượng Ngài tại một nơi khác, thì sự hiệp nhất giữa vòng dân Ngài đã bị tổn hại. Ngày nay chúng ta có thể giữ sự hiệp nhất ở đâu? Ở trong nhân linh mình. Tất cả chúng ta đều khác nhau trong tâm trí, sự hiểu biết, sự dạy dỗ, giáo lý, và quan niệm của mình. Thậm chí tôi không tin rằng có một cặp vợ chồng nào suy nghĩ hoàn toàn giống nhau. Mọi người đều có những quan niệm khác nhau. Anh em có quan niệm của mình và tôi cũng vậy. Anh em có đường lối của anh em và tôi có đường lối của tôi. Anh em có cái nhìn của anh em và tôi có cái nhìn của tôi. Làm thế nào chúng ta hiệp nhất theo quan niệm, đường lối, và cái nhìn khác nhau? Chúng ta cần phải quên hết và đến với linh mình. Khi tất cả chúng ta quay qua linh mình, chúng ta là một. Vậy, hãy học tập đừng bao giờ tranh luận với người khác về giáo lý, nhưng hãy luôn luôn hướng họ về linh họ. Tất cả chúng ta cần được nhắc nhở rằng mình có một linh trong đó Đức Chúa Trời cư ngụ. Linh của chúng ta là nơi thờ phượng Đức Chúa Trời, tức là nơi tiếp xúc Ngài. Khi nào chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời trong linh mình, có nghĩa là chúng ta uống Đức Chúa Trời như nước sống. Khi anh em ca ngợi Đức Chúa Trời bằng linh mình, ngay lập tức anh em được uống. Nếu từ linh mình anh em nói: “Ngợi khen Đức Chúa Trời! Ô Cha ơi, con thờ phượng Ngài”, thì anh em đang uống nước sống.

Chúa cũng nói rằng bây giờ là lúc những người thờ phượng thật thờ phượng Đức Chúa Trời không những trong linh mình, mà cũng trong thực tại nữa. Các Cơ Đốc nhân ngày nay khó có thể hiểu điều này. Tuy nhiên, nếu xem xét biểu tượng, chúng ta sẽ hiểu Chúa đang nói về điều gì. Trong các thời cổ xưa, Đức Chúa Trời định rằng dân Ngài thờ phượng tại nơi Ngài qui định và bằng các của lễ. Dân chúng không thể thờ phượng Đức Chúa Trời tại nơi nào họ lựa chọn và họ không thể thờ phượng Đức Chúa Trời mà không có của lễ. Họ cần các của lễ vì tình trạng tội lỗi của mình. Khi đến tiếp xúc với Đức Chúa Trời, họ phải dâng nhiều loại của lễ – của lễ chuộc sự mắc lỗi, của lễ chuộc tội, của lễ bình an, của lễ chay, của lễ thiêu, của lễ dâng giơ lên, của lễ đưa qua đưa lại. Mọi của lễ đều là biểu tượng về những phương diện khác nhau của Đấng Christ. Đấng Christ là của lễ chuộc sự mắc lỗi thật sự của chúng ta. Ngài cũng là của lễ chuộc tội, của lễ chay, của lễ bình an, và của lễ thiêu thật của chúng ta. Ngày nay, thay vì thờ phượng Đức Chúa Trời tại một nơi cụ thể, chúng ta nên thờ phượng Ngài trong linh mình. Hơn nữa, thay vì nhờ các của lễ, chúng ta nên thờ phượng Ngài với Đấng Christ là thực tại của mọi của lễ.

Bây giờ đã đến thời điểm, hay thời đại mà chúng ta cần phải thờ phượng Đức Chúa Trời trong linh mình là nơi chốn duy nhất với Đấng Christ là thực tại. Làm thế nào chúng ta thực hiện điều đó? Làm thế nào chúng ta áp dụng vấn đề thờ phượng Cha trong linh mình? Giả sử vài anh em đến với nhau để thờ phượng Đức Chúa Trời, nhưng họ không vận dụng linh mình. Thay vào đó họ vận dụng tâm trí. Họ bắt đầu thảo luận về vấn đề thờ phượng Đức Chúa Trời và chẳng mấy chốc chia rẽ nhau vì những ý kiến đối chọi của mình. Họ không vui với nhau và chia tay nhau. Điều những anh em này cần phải làm là vận dụng linh, ngợi khen Chúa, kêu cầu danh Ngài, và nhìn xem những gì Ngài sẽ làm. Họ không nên vận dụng tâm trí bằng cách nói chuyện. Họ cần phải vận dụng linh mình bằng cách kêu cầu Chúa.

Làm thế nào chúng ta áp dụng điểm thứ hai, là thờ phượng Đức Chúa Trời bằng chính Đấng Christ? Phương cách truyền thống là đề nghị hát một thánh ca, và sau khi hát thánh ca ấy thì dâng một lời cầu nguyện lên Cha trên trời. Đó là phương cách truyền thống của tôn giáo. Tuy nhiên, khi nhóm nhau để thờ phượng, chúng ta phải vận dụng linh mình. Nếu chúng ta làm như vậy, Thánh Linh là Đấng cư ngụ trong linh chúng ta sẽ có cơ hội chuyển động. Ngài có thể chuyển động trong một anh em, cho anh em ấy có gánh nặng dâng lên một lời chứng sống động về Đấng Christ. Sau đó anh em ấy sẽ làm chứng kinh nghiệm sống động của mình về Đấng Christ. Khi làm như vậy, anh ấy dâng Đấng Christ lên như một của lễ. Khi anh em làm chứng về kinh nghiệm của mình về Đấng Christ, thì theo mắt Đức Chúa Trời, đó là dâng Đấng Christ lên cho Đức Chúa Trời. Cuối cùng, của lễ ấy sẽ trở thành thức ăn cho anh em làm chứng và cho mọi người đang cùng thờ phượng. Đó không phải là cách thờ phượng Đức Chúa Trời theo truyền thống; đó là cách thờ phượng Đức Chúa Trời trong linh, với Đấng Christ mà mình kinh nghiệm dâng lên cho Đức Chúa Trời để Ngài thỏa lòng và là thức ăn cho tất cả những người thờ phượng khác. Đó là sự thờ phượng Đức Chúa Trời thật sự.

Nguyện Chúa ghi khắc trong chúng ta thế nào là sự thờ phượng đúng đắn. Sự thờ phượng đúng đắn là liên tục uống nước sống. Đức Chúa Linh là nước sống, và cơ quan để chúng ta uống nước sống là nhân linh của mình. Khi nào chúng ta vận dụng nhân linh mình để tiếp xúc Đức Chúa Trời, là Linh hằng sống, khi ấy chúng ta uống Ngài là nước sống trong Con Ngài, là Jesus Christ.

3. Tin Rằng Jesus Là Đấng Christ Để Có Sự Sống Đời Đời
Bây giờ chúng ta đến phương diện sau cùng của phương cách nhận lấy nước sống, tức là tin rằng Jesus là Đấng Christ. Khi người đàn bà Sa-ma-ri nghe Chúa trả lời câu hỏi của mình về sự thờ phượng, bà vẫn cố gắng quay sang một đề tài khác, bà nói: “Tôi biết rằng Mê-si-a (gọi là Christ) phải đến; khi Ngài đến rồi, sẽ truyền lại mọi điều cho chúng ta” (4:25). Dường như bà muốn nói: “Ông nói với tôi nhiều điều quá, nhưng chúng tôi đang chờ đợi Đấng Mê-si-a đến. Khi Ngài đến, Ngài sẽ bày tỏ mọi điều”. Thật là một lời bào chữa! Sau đó Chúa trả lời bà: “Ta, người đang nói với ngươi đây, là Đấng đó” (4:26). Nhờ lời này, Jesus dắt bà đến chỗ tin rằng Ngài là Đấng Christ để bà được sự sống đời đời (20:31). Chúng ta thấy từ câu 29 bà đã tin. Mặc dầu người đàn bà Sa-ma-ri tìm mọi cách thoát khỏi Chúa, nhưng trong sự khôn ngoan của Ngài, Chúa đã bắt lấy bà. Đừng bao giờ tìm cách thoát khỏi bàn tay Chúa. Người đàn bà Sa-ma-ri được thuyết phục, tin vào Ngài, và nhận được nước sống. Có một sự thay đổi lớn lao trong đời sống bà. Bà là người vô luân như vậy mà vẫn ở dưới ảnh hưởng của truyền thống tôn giáo, chú ý đến phải hay trái, đây hay đó, cách này hay cách kia. Bà hoàn toàn ở trong tình trạng chết. Tuy nhiên, Chúa đụng đến bà và xoay bà từ chết qua sống. Hiển nhiên bà ở dưới cây kiến thức, nhưng Chúa xoay bà về cây sự sống. Ngài thay đổi bà từ sự chết qua sự sống đời đời.

Chúa khải thị cho người đàn bà Sa-ma-ri biết sự thỏa mãn thật của đời người là chính Chúa. Chúa bày tỏ cho bà ba phương diện về chính Ngài: Ngài là món quà, là Đấng Ban Cho và là phương cách nhận lãnh món quà. Chúa đã đề cập ít nhất ba điều về chính Ngài. Trong câu 10 Ngài nói: “Ví bằng ngươi biết sự ban tứ của Đức Chúa Trời”, bày tỏ rằng sự ban cho của Đức Chúa Trời là chính Chúa, tức là sự sống đời đời. Ngài cũng bảo bà: “thì ngươi chắc đã xin Người, và Người chắc đã cho ngươi nước sống”, bày tỏ chính Chúa là Đấng Ban Cho. Cuối cùng, khi đọc cẩn thận, chúng ta sẽ khám phá rằng cách người đàn bà nhận được sự ban cho ấy là tiếp xúc hay uống chính Đấng Ban Cho.

IV. LỜI CHỨNG SỐNG ĐỘNG VỚI MỘT MÙA GẶT KỲ DIỆU
A. Tội Nhân Ấy Tin, Được Thỏa Mãn, Từ Bỏ Những Gì Đã Chiếm Ngự Lòng Mình, Và Làm Chứng
Sau khi nghe rằng Chúa Jesus là Đấng Christ đã đến, bà bèn tin. Có một sự thay đổi lớn lao trong đời sống bà. Bà bỏ bình nước lại, đi vào thành, và làm chứng cách sống động cho dân chúng. Lời chứng này đã đem đến một mùa gặt kỳ diệu (4:28-42).

Theo quan niệm thiên nhiên của chúng ta, phải mất thì giờ để giúp cho một người được cứu. Chúng ta cần phải bỏ quan niệm này. Người ta có thể được thay đổi trong giây lát. Chúa có thể biến đổi người ta cách nhanh chóng như vậy vì Ngài gọi những điều không có như có rồi, y như Ngài đã làm trong sự sáng tạo. Không cần yếu tố thời gian. Theo quan niệm của chúng ta, tội nhân cần thời gian để suy xét, tin và hoán cải. Quan niệm này ngăn trở và làm cho việc rao giảng phúc âm của chúng ta yếu đi. Chúng ta cần phải có đức tin, tin rằng trong khi mình nói chuyện với người ta, Chúa đang hành động một cách đắc thắng. Người đàn bà Sa-ma-ri đã hoán cải trong giây lát. Trong quá khứ chúng tôi đã thấy nhiều người hoán cải như vậy, vượt quá đức tin của chúng tôi. Cách Chúa xoay người ta lại là ở trong Linh, theo phương cách của sự sống, không theo phương cách giáo dục. Việc giáo dục cần thời gian. Việc dạy dỗ người ta đòi hỏi thì giờ. Nhưng khi Chúa tái sinh người ta, Ngài làm cho họ trở nên tạo vật mới và gọi những điều không có như đã có. Chúng ta cần phải có đức tin đắc thắng này mỗi khi nói chuyện với tội nhân. Trong khi nói chuyện với họ, chúng ta cần vận dụng linh mình để tin rằng Chúa đang hành động trong họ. Tự phát một điều gì đó sẽ xảy ra trong họ, và họ sẽ đổi từ chết qua sống. Mặc dầu người đàn bà Sa-ma-ri rất vô luân, thấp kém và chìm sâu trong tội, bà đã được hoán cải trong khoảnh khắc. Cả cuộc đời bà thay đổi. Bà đến gặp người ta và nói: “Hãy đến xem một người đã tỏ cho tôi mọi việc tôi đã làm. Ấy có phải là Đấng Christ chăng?” (4:29). Điều này cho thấy bà tin Chúa Jesus là Đấng Christ và nhờ tin như vậy bà nhận được nước sống và được thỏa mãn. Bà chắc chắn rằng Jesus là Đấng Christ, và Linh đã đến trong bà.

Bức tranh trong Giăng chương 4 cũng bày tỏ cho chúng ta rằng sau khi tiếp xúc với Đấng Christ, bà từ bỏ tất cả. Bà bỏ giếng và bỏ bình nước lại. Bà bỏ mọi sự và đi vào thành phố để nói cho người ta về Đấng Christ, có nghĩa là một khi đã tiếp xúc với Đấng Christ, bà bỏ mọi sự để chỉ có Đấng Christ là sự thỏa mãn của mình. Khi bà nói với dân chúng trong thành phố: “Đó không phải là Đấng Christ sao?” bà nhận biết Ngài là Đấng Christ. Theo mắt Đức Chúa Trời, bà có Đấng Christ rồi và đang đem Đấng Christ đến với dân chúng. Thật là một lời làm chứng kỳ diệu! Chỉ khi tiếp xúc với Đấng Christ, nhận biết Đấng Christ và tiếp nhận Đấng Christ chúng ta mới thỏa mãn. Khi ấy tự phát chúng ta sẽ từ bỏ mọi điều gì khác hơn Ngài.

Tôi không bao giờ có thể quên sự kiện xảy ra năm 1937 khi tôi đến thủ đô Trung Quốc để nhóm họp vài đêm. Sau buổi nhóm cuối cùng, người vợ trẻ của một người đàn ông trí thức nói với tôi: “Ông Lee à, sự giảng dạy của ông ảnh hưởng trên tôi rất nhiều, tôi muốn tin vào Đấng Christ. Nhưng tôi có một nan đề. Tôi rất thích đi đến các rạp hát và xem nhạc kịch. Nếu trở thành Cơ Đốc nhân, tôi sẵn sàng từ bỏ mọi thói quen xấu của mình. Nhưng có một điều tôi không thể từ bỏ – đó là kịch và nhạc kịch. Tôi không thể từ bỏ điều ấy. Tôi nên làm gì?” Bà tỏ ra rất thành khẩn. Tôi ngại nói với bà rằng Cơ Đốc nhân mà đi xem nhạc kịch Trung Quốc là điều không đúng, vì như vậy bà sẽ từ chối không muốn làm Cơ Đốc nhân nữa. Dĩ nhiên tôi không thể nói với bà rằng bà có thể trở nên Cơ Đốc nhân mà vẫn đi đến các rạp hát. Tôi cầu nguyện để Chúa ban cho mình sự khôn ngoan. Cuối cùng, tôi nói: “Giả sử đứa con nhỏ của bà thích con dao nguy hiểm mà nó đang cầm trong tay. Cách tốt nhất để lấy con dao ấy khỏi tay nó là gì?” Bà đáp: “Điều đó dễ thôi, nếu ông rải thật nhiều kẹo trên sàn nhà chung quanh nó.” Tôi hỏi làm như vậy sẽ giúp ích như thế nào, và bà trả lời: “Đứa bé sẽ bỏ con dao để lấy kẹo. Nếu hai tay nó không đầy kẹo, thì cho dù ông bảo nó bỏ con dao xuống, nó cũng sẽ không chịu buông ra đâu”. Tôi khen bà đã trả lời khôn ngoan và nói: “Bà có thấy một khi bà tiếp nhận Đấng Christ thì chính điều đó sẽ xảy đến cho bà không?” Ngay lập tức, bà sáng tỏ và được cứu trong đêm ấy.

Anh em có biết tại sao người ta đang khao khát nhiều điều ngoài Đấng Christ không? Đơn giản là vì họ không thỏa mãn với Đấng Christ. Nếu họ thỏa mãn với Ngài, họ sẽ quên mọi điều khác. Giếng nước và bình nước rất có ý nghĩa đối với người đàn bà Sa-ma-ri, nhưng sau khi nhận biết Đấng Christ, tự nhiên bà từ bỏ những điều mình yêu mến và đến với người khác làm chứng rằng bây giờ Đấng Christ là sự sống làm bà được thỏa mãn. Anh em có sự thỏa mãn trong cuộc sống làm người của mình không? Anh em thỏa mãn với điều gì – với Đấng Christ, hay với những điều vật chất, tôn giáo, và truyền thống? Chúng ta chỉ có thể thỏa mãn với Đấng Christ và không thể thỏa mãn với bất cứ điều gì khác. Nếu định giúp đỡ những người khác, trước hết chúng ta phải thỏa mãn với Đấng Christ rồi mới có thể đem Đấng Christ là sự thỏa mãn đến với họ. Chỉ khi nào thỏa mãn với Đấng Christ, chúng ta mới có thể cho người khác biết cách tiếp nhận Ngài và tiếp xúc với Ngài. Người đàn bà Sa-ma-ri không đem giáo lý về Đấng Christ đến với dân mình, nhưng trước hết bà đã nhận được Đấng Christ rồi đem Đấng Christ đến với họ.

B. Cứu Chúa Thỏa Mãn Với Ý Muốn Của Đức Chúa Trời Trong Khi Làm Thỏa Mãn Tội Nhân
Trong trường hợp của người đàn bà Sa-ma-ri, chúng ta thấy hình ảnh một tội nhân khao khát và Đấng Christ đói khát. Cả hai đều mệt mỏi vì đã đi bộ đường xa đến giếng ấy. Do đó, Chúa Jesus và người đàn bà rất thông cảm nhau. Cả hai đều khát nước và mệt mỏi, nhưng Chúa lại còn đói nữa. Chúa đói nên Ngài sai các môn đồ đi mua thức ăn. Ngài cũng khát nên Ngài xin bà nước uống. Tuy nhiên, chúng ta lưu ý thấy điều lạ lùng là cả hai người đều không ăn uống gì cả, nhưng cả hai đều thỏa mãn. Tội nhân được cứu thỏa lòng với Cứu Chúa, và Cứu Chúa thỏa lòng với tội nhân được cứu. Chúng ta biết điều này qua sự việc bà bỏ giếng và bình nước của mình, chạy vào thành phố nói về Đấng Christ. Bà thỏa lòng đến nỗi người ta đến xem đó có phải là Đấng Christ không. Chúng ta biết Chúa Jesus thỏa lòng vì Ngài nói với các môn đồ khi họ đem thức ăn về và mời Ngài ăn: “Ta có thức ăn để ăn mà các ngươi không biết” (4:32). Khi các môn đồ hỏi nhau xem có ai đem thức ăn cho Ngài ăn không, thì Ngài nói với họ: “Thức ăn của Ta tức là làm theo ý chỉ của Đấng đã sai Ta và làm trọn công việc Ngài” (4:34). Thức ăn của Chúa là làm theo ý muốn của Đấng đã sai Ngài, điều này có nghĩa thức ăn của Ngài là cứu và làm thỏa mãn tội nhân. Tội nhân chúng ta là sự thỏa mãn cho Cứu Chúa. Cơn đói của anh em có nghĩa là Chúa đang đói, cơn khát của anh em có nghĩa là Chúa đang khát. Nhưng khi anh em thỏa mãn, Chúa cũng thỏa mãn. Hễ còn những tội nhân khát khao trên đất, thì trên trời Chúa cũng khát khao. Khi các tội nhân thỏa mãn, Cứu Chúa cũng thỏa mãn. Chúa đã đến Sa-ma-ri với một mục đích, ấy là để tìm tội nhân ấy và làm cho bà thỏa lòng. Khi làm như vậy, Ngài thực hiện ý muốn của Đức Chúa Trời. Thực hiện ý muốn của Đức Chúa Trời là thức ăn và sự thỏa lòng của Ngài.

C. Mùa Gặt Lạ Lùng Được Thu Hoạch
Trong câu 35 Chúa nói: “Các ngươi há chẳng nói rằng: ‘Còn bốn tháng nữa thì tới mùa gặt’, sao? Nầy, Ta nói với các ngươi, hãy ngước mắt lên và ngắm xem đồng ruộng, đã vàng sẵn cho mùa gặt rồi”. Chúa bảo các môn đồ ruộng đã chín vàng rồi. Vậy họ phải đi gặt mùa màng. Ngày nay nguyên tắc này vẫn đúng. Chúng ta đừng bao giờ nói chưa đến lúc rao giảng phúc-âm. Nếu nhìn ra cánh đồng, chúng ta sẽ thấy một số người nào đó đang thật sự khao khát Đấng Christ. Vì vậy, chúng ta phải đem Đấng Christ đến với họ và đem họ đến với Đấng Christ. Đó là cách gặt họ cho Ngài.

Trong câu 36 Chúa nói: “Con gặt lãnh tiền công, thâu hoa lợi cho sự sống đời đời”. Nhóm chữ “cho sự sống đời đời” này trong tiếng Hi Lạp thì cũng giống y như nhóm chữ “cho đến sự sống đời đời” trong câu 14. Chúa dùng nhóm chữ này hai lần trong chương này. Lần thứ nhất Ngài nói nếu chúng ta nhận Ngài, Ngài sẽ là suối hay mạch trong chúng ta, phun lên cho đến sự sống đời đời (4:14). Đấng Christ sẽ là giếng nước hay mạch nước, phun lên cho đến sự sống đời đời. Lần thứ hai Ngài dùng nhóm chữ này là khi Ngài giục giã các môn đồ đi ra thâu hoạch mùa màng để thâu hoa lợi cho đến sự sống đời đời. Nói cách khác, sau khi được cứu và thỏa mãn với Đấng Christ, anh em phải đem người ta đến với Ngài cho đến sự sống đời đời. Trước hết anh em phải tiếp nhận Đấng Christ cho đến sự sống đời đời cho chính mình; sau đó anh em phải đem người khác đến tiếp nhận Ngài cho đến sự sống đời đời. Có một Đấng Christ để anh em tiếp nhận như một mạch nước bên trong anh em phun trào lên cho đến sự sống đời đời, và có một vụ mùa để anh em gặt như hoa lợi cho đến sự sống đời đời. Người đàn bà Sa-ma-ri đã làm y theo hai điều này. Một mặt, bà nhận được Đấng Christ như mạch nước bên trong cho đến sự sống đời đời, mặt khác bà đi vào cánh đồng mùa gặt để thâu hoạch dân của mình như hoa lợi cho đến sự sống đời đời.

Trong các câu 36 và 37 Chúa đề cập đến việc gieo giống. Ở đây ai gieo? Giăng Báp-tít không đi đến Sa-ma-ri. Một số người nghĩ rằng có vài môn đồ của Giăng hay của Chúa Jesus đã đến Sa-ma-ri và giảng phúc âm trước đó, nhưng tôi không tin. Có thể chúng ta tin rằng hạt giống đã được gieo ra bởi Cựu Ước. Người Sa-ma-ri quen thuộc với năm sách đầu của Cựu Ước. Do đó, họ đi đến chỗ biết Đức Chúa Trời và cũng biết chút ít về Đấng Mê-si-a, là Đấng Christ, dầu họ không biết rõ hay thấu suốt. Người Sa-ma-ri không giống như người ngoại. Qua Cựu Ước họ nhận được chút ít kiến thức về Đức Chúa Trời và về Đấng Christ. Tôi tin rằng đó là hạt giống. Vâng, ấy là Linh đắc thắng của Chúa đã hành động trên người đàn bà Sa-ma-ri. Tuy nhiên nếu bà giống như người ngoại, không biết chút gì về Kinh Thánh, tôi không nghĩ công tác được thực hiện trong bà cách đắc thắng và nhanh chóng như vậy. Chúa Jesus không phải nói gì về Đức Chúa Trời cho đến khi bà mở lời nói trước. Bà bắt đầu câu chuyện về Đức Chúa Trời và Đấng Christ. Chúa Jesus không nói: “Bà ơi, bà có tin rằng có một Đức Chúa Trời không? Bà có biết Đấng Christ không?” Chúa chỉ xin bà cho Ngài uống nước. Khi bà trách Ngài vì xin nước của một người đàn bà Sa-ma-ri, Ngài nói với bà về sự ban cho của Đức Chúa Trời. Qua lời Chúa nói, chúng ta có thể thấy bà đã biết chút ít về Đức Chúa Trời và Đấng Christ. Đó là kết quả sự hành động của năm sách đầu tiên trong Cựu Ước mà họ đã có sẵn. Vì vậy, trước khi Chúa Jesus và các môn đồ Ngài đến, nhiều người đã được chuẩn bị sẵn.

Điều này cũng đúng tại Mỹ. Hạt giống đã được gieo khắp đất nước này. Chúng ta phải nhận biết rằng mùa màng đã thật chín, sẵn sàng cho việc gặt hái. Nhiều người đã được các chức vụ khác và những đầy tớ của Chúa đã được chuẩn bị sẵn trong nhiều năm qua. Lòng và linh của nhiều người đã được chuẩn bị để tiếp xúc và nhận lãnh Đấng Christ làm sự thỏa lòng của mình, nhưng họ không biết cách thức. Tại Mỹ, ngay cả những người vô tín và vô thần cũng biết chút ít về Đức Chúa Trời và về Đấng Christ. Thậm chí họ đã từng nghe về sự cứu rỗi. Điều chúng ta cần làm là thâu hoạch những gì đã được gieo. Người đàn bà Sa-ma-ri không mang giáo lý về Đấng Christ mà đến với dân mình; trước hết bà nhận được Ngài, rồi mới đem Ngài đến với họ.

Câu 39 chép: “Có nhiều người Sa-ma-ri ở thành đó tin Ngài, vì cớ lời người đàn bà đã làm chứng”. Qua chứng cớ sống động của người đàn bà Sa-ma-ri, thêm nhiều tội nhân được đem đến với Chúa. Khi tiếp xúc với Chúa, họ đều tin và tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa mình. Đó là một mùa gặt kỳ diệu qua chứng cớ sống động của bà.

Tóm lại, chúng ta có thể thấy hai trường hợp đầu trình bày rõ ràng về hai điểm riêng biệt. Trường hợp đầu tiên cho thấy Đấng Christ đem sự sống thần thượng đến cho chúng ta qua sự tái sinh hay sự sinh lại; trường hợp thứ hai cho thấy Đấng Christ đem sự thỏa mãn đến cho chúng ta. Kinh nghiệm của chúng ta có thể khẳng định hai khía cạnh này. Khi mới tiếp nhận Đấng Christ, chúng ta được sinh lại hay tái sinh bằng sự sống thần thượng. Sau đó chúng ta được thỏa mãn với nước sống. Hai trường hợp này là dấu hiệu chỉ về hai phương diện khác nhau của Đấng Christ là sự sống của chúng ta. Chúng ta đừng đọc Phúc Âm như những câu chuyện về các phép lạ. Chúng ta phải đọc những lời tường thuật này như những lời tuyên bố theo nghĩa bóng và khám phá ý nghĩa thuộc linh của các dấu hiệu đó. Khi ấy chúng ta sẽ tìm thấy các nguyên tắc thuộc linh sống động về Đấng Christ, tức Đấng là sự sống và sự thỏa mãn cho loài người.
-