Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

PHÚC ÂM GIĂNG BÀI 10




SỰ GIA TĂNG CỦA ĐẤNG CHRIST VÀ ĐẤNG CHRIST KHÔNG THỂ DÒ LƯỜNG ĐƯỢC

Khi còn trẻ, nhiều điều trong Kinh Thánh làm tôi bối rối, một trong những điều ấy là Giăng chương 3. Mặc dầu chương này rất cao quí, nói về sự tái sinh, nhưng dường như đối với tôi, bắt đầu từ câu 22, chương này bất ngờ hạ xuống khá thấp. Câu 22 chép: “Sau việc đó Jesus cùng môn đồ đến xứ Giu-đê, ở lại tại đó mà làm báp-têm”. Khi còn thanh niên, đọc đến câu này, tôi nghĩ rằng không cần phải có câu ấy. Đối với tôi, dường như phần ký thuật này không cần thiết. Tôi cũng cảm thấy như vậy về câu 23, là câu nói rằng Giăng đang làm báp-têm tại Ê-nôn gần Sa-lim vì tại đó có nhiều nước. Tôi cũng bối rối về câu 24, là câu nói rằng Giăng chưa bị bỏ tù. Tôi hỏi: “Những câu này nói lên điều gì? Sau khi đề cập đến những điều thiên thượng và thuộc linh, sao lại đề cập đến những việc như là bỏ tù?” Lý do giải thích điều này xuất hiện trong câu 26: “Họ đến cùng Giăng mà nói rằng: Ra-bi, kìa, người ở cùng thầy bên kia Giô-đanh, mà thầy đã làm chứng cho đó, nay đang làm báp-têm, và ai nấy đều đến cùng người”. Vì sao sách Giăng bao gồm tất cả những câu này? Đơn giản là để phơi bày cái đuôi của con chồn. Cái đuôi ấy là gì? Đó là vấn đề ai sẽ lôi cuốn được đám đông theo mình. Ngày nay thái độ của người ta là: “Người này đi theo tôi. Tất cả những người này đều theo tôi. Tại sao có một vài người trong số đó lại đến với ông?” Những gì chúng ta thấy ngày nay cũng đã xảy ra trong thời Giăng Báp-tít.


Câu trả lời của Giăng bắt đầu từ câu 27. “Giăng đáp rằng: Ví chẳng từ trời ban cho thì không người nào có thể nhận lãnh chi được. Chính các ngươi đã làm chứng cho ta rằng ta đã nói, ta không phải là Đấng Christ, nhưng ta đã được sai đến trước Ngài” (cc. 27-28). Nếu có mặt tại đó, tôi hẳn đã nói với Giăng: “Anh ơi, nếu vậy thì anh nên về nhà và đừng làm báp-têm nữa. Vì người mà anh làm chứng bây giờ đang làm báp-têm, anh nên ngưng làm báp-têm đi. Nếu anh tiếp tục làm báp-têm, chắc chắn anh sẽ bị bỏ tù”. Giăng thì tốt nhưng không sáng suốt. Vấn đề là sau khi Jesus đã xuất hiện, Giăng vẫn còn ở đó. Giăng nên rút lui và để cho Chúa Jesus chiếm trọn hiện trường. Lẽ ra chỉ nên có một nhân vật chính, không nên có hai. Khi còn trẻ, tôi không hiểu vì sao Giăng bị bỏ tù. Về sau tôi nhận biết rằng ông bị bỏ tù vì đã không rút lui khỏi hiện trường.

I. SỰ GIA TĂNG CỦA ĐẤNG CHRIST
Tuy nhiên Giăng nói: “Ai có Cô dâu là chú rể, nhưng bạn của chú rể là người đứng và nghe người, thì rất vui mừng. Vì vậy sự vui mừng của ta được đầy đủ. Ngài phải gia tăng, nhưng ta phải giảm xuống” (cc. 29-30, RcV). Hầu hết các Cơ Đốc nhân, đặc biệt là hầu hết các giáo sư Cơ Đốc đã giải nghĩa sai câu 30. Đấng Christ gia tăng còn anh em giảm xuống có nghĩa là gì? Có nghĩa là anh em phải rút lui khỏi hiện trường và khỏi tình trạng có người theo mình, để Đấng Christ làm nhân vật duy nhất trên hiện trường và để mọi người theo Ngài. Mọi người nên đi theo Đấng Christ; không ai nên đến với Giăng Báp-tít hay một người nào khác. Vì Giăng không làm sáng tỏ điều này cho các môn đồ mình, nên họ ganh tị thay cho ông. Khi các môn đồ của Giăng thấy rằng mọi người đều đến với Jesus, thì họ không vui. Dường như họ nói: “Tại sao những người này không theo thầy của chúng ta, mà lại đến với Jesus?” Anh em thấy vấn đề này không? Nếu Giăng rút lui khỏi hiện trường thì sẽ không có nan đề gì cả. Nếu ông bảo tất cả môn đồ mình hãy đến với Chúa Jesus, và không chấp nhận một ai theo mình, thì sẽ không có gì khó khăn cả.

A. Đấng Christ Đến Như Chú Rể Của Cô dâu
Tuy nhiên, khi trả lời với các môn đồ mình, Giăng giúp họ hiểu rõ vấn đề rằng ông không phải là Đấng Christ, cũng không phải là chú rể đến cưới Cô dâu; ông chỉ là bạn của chú rể. Ông nói rõ với họ rằng Đấng Christ là chú rể đến cưới Cô dâu. Người ta không nên theo ông; họ nên theo Đấng Christ để Ngài có được Cô dâu.

B. Mọi Người Được Tái Sinh Trở Nên Một, Là Cô dâu Của Đấng Christ Mà Đức Chúa Trời Ban Cho Ngài
Giăng viết Phúc Âm của mình do sự cảm thúc của Thánh Linh. Nhờ lời của ông mà chúng ta có thể thấy rằng mọi môn đồ được tái sinh đi theo Đấng Christ là sự gia tăng của Ngài. Sự gia tăng trong câu 30 là Cô dâu trong câu 29, và Cô dâu ấy là tập hợp sống động bao gồm tất cả những người được tái sinh. Điều này có nghĩa là trong chương nói về sự tái sinh, không những sự tái sinh đem sự sống thần thượng vào trong các tín đồ và hủy bỏ bản chất Sa-tan trong xác thịt họ, mà còn làm cho họ trở nên Cô dâu tập thể khiến Đấng Christ gia tăng. Hai điểm cuối, ấy là hủy bỏ bản chất rắn độc trong tín đồ và làm cho họ trở nên Cô dâu của Đấng Christ, đều được khai triển cách đầy đủ trong sách Khải Thị do Giăng viết. Sách Khải Thị chính yếu bày tỏ thế nào Sa-tan, tức con rắn xưa, sẽ bị hủy diệt hoàn toàn (Khải. 20:2, 10), và thế nào Cô dâu của Đấng Christ, tức Giê-ru-sa-lem Mới, sẽ được sản sinh cách đầy trọn (Khải. 21:2, 10-27).

Mặc dầu hầu hết các Cơ Đốc nhân đều quen thuộc với sự tái sinh trong Giăng chương 3, rất ít người thấy rằng mỗi người được tái sinh sẽ là một phần trong sự gia tăng của Đấng Christ, tức Cô dâu của Ngài. Sự tái sinh là để gia tăng Đấng Christ. Sự tái sinh là để sản sinh ra Cô dâu. Sự tái sinh là để anh em làm một phần trong Cô dâu của Đấng Christ. Giăng chương 3 là chương nói về sự tái sinh để gia tăng Đấng Christ. Nhiều Cơ Đốc nhân chỉ thấy chính sự tái sinh mà thôi. Họ không thấy mục đích của sự tái sinh. Có phải sự tái sinh chỉ để anh em có sự sống đời đời không? Không! Sự tái sinh còn là vì điều gì hơn thế nữa. Sự tái sinh là để chúng ta được xây dựng thành Cô dâu, tức là sự gia tăng của Đấng Christ.

Ban đầu chúng ta là những con rắn nhỏ với bản chất rắn độc. Bởi sự tái sinh, bản chất rắn độc đã bị tiêu trừ. Chúng ta đã thấy rõ điều này trong bài trước. Hơn nữa, trong sự tái sinh, tất cả chúng ta đều được sinh ra với sự sống thần thượng. Vì bản chất rắn độc của anh em đã bị tiêu trừ và vì chúng ta đã được sinh ra với sự sống thần thượng, tất cả chúng ta là một phần của Cô dâu. Anh em là một con người giống như rắn hay anh em là một phần của Cô dâu Đấng Christ? Chúng ta là một phần của Cô dâu! Chúng ta là một phần của sự gia tăng Đấng Christ.

Phúc âm Giăng là một sách nói về sự gia tăng của Đấng Christ. Đấng Christ như chú rể cần một Cô dâu. Ngài đến vì mục đích ấy. Ngài đã đến vì sự gia tăng của Ngài. Làm thế nào Ngài có được sự gia tăng này? Bằng cách vào trong chúng ta và làm cho chúng ta thành một phần của chính Ngài. Tất cả chúng ta đều là những phần của Đấng Christ. Là những phần của Đấng Christ liên kết lại với nhau, chúng ta là Cô dâu của Ngài, tức sự gia tăng của Ngài. Cả sự cứu rỗi lẫn sự tái sinh đều vì mục đích này, tức là vì Cô dâu, mà Cô dâu là sự gia tăng của Đấng Christ.

C. Cô dâu Của Đấng Christ Là Sự Gia Tăng Của Ngài
Cô dâu của Đấng Christ là sự gia tăng của Ngài. Tất cả những người được tái sinh là sự gia tăng của Đấng Christ, và sự gia tăng này là Cô dâu trở nên người phối ngẫu của Đấng Christ. Cô dâu là Hội thánh, là tập hợp của tất cả những người được tái sinh. Mọi người được tái sinh liên kết với nhau thành Cô dâu tập thể tương xứng với Đấng Christ. Không có sự tái sinh, Đấng Christ không thể có một Cô dâu là sự gia tăng của Ngài.

Cô dâu là sự gia tăng của Đấng Christ giống như Ê-va là sự gia tăng của A-đam. Khi A-đam mới được tạo dựng, ông chỉ có một mình, mà ta gọi là người độc thân. Trong tình trạng độc thân của mình, A-đam không có sự gia tăng. Sau khi Đức Chúa Trời lấy một xương sườn từ A-đam và dựng nên một người nữ bằng xương sườn ấy, người nữ này được gả cho A-đam (Sáng. 2:21-24). Một khi được kết hợp với A-đam, Ê-va trở nên sự gia tăng của A-đam. Khi ấy A-đam được gia tăng và không còn độc thân nữa.

Đấng Christ cũng đã độc thân, cho nên Ngài dựng một Cô dâu là sự gia tăng của chính Ngài. Nhưng ai là sự gia tăng ấy, tức là Cô dâu của Đấng Christ? Chỉ có những người được tái sinh với Ngài là sự sống của họ. Nhờ tái sinh, chúng ta sở hữu sự sống thần thượng của Đức Chúa Trời, là chính Đấng Christ, vì thế, chúng ta trở nên các Chi thể của Cô dâu tập thể của Đấng Christ. Về sau chính người viết Phúc Âm này, nói trong sách Khải Thị rằng Cô dâu của Đấng Christ, là Cô dâu của Chiên Con, là Giê-ru-sa-lem Mới (21:2, 9-10). Giê-ru-sa-lem Mới là gì? Xin nhắc lại, đó là tập hợp bao gồm tất cả những người đã được sinh lại nhờ sự tái sinh của Linh. Nếu đã được tái sinh, anh em là một phần trong sự gia tăng của Đấng Christ, là một Chi thể trong Cô dâu tập thể của Đấng Christ, là Hội thánh ngày nay và cuối cùng sẽ trở nên Giê-ru-sa-lem Mới trong tương lai.

Làm thế nào chúng ta có thể trở nên sự gia tăng của Đấng Christ? Chúng tôi xin nhắc lại một lần nữa rằng sự gia tăng của Đấng Christ được sản sinh ra qua sự tái sinh. Chẳng hạn, khi được cha mẹ mình sinh ra, chúng ta là sự gia tăng của A-đam. Anh em có nhận thức rằng A-đam đang gia tăng mỗi ngày không? Anh em có khi nào suy nghĩ rằng ngày nay A-đam to lớn chừng nào không? Cách đây khoảng sáu ngàn năm, khi A-đam ở một mình trong vườn Ê-đen, ông chỉ có một mình, là một người độc thân. Tuy nhiên qua các thế hệ, A-đam đã có nhiều con cháu. Tất cả các con cháu của ông là sự gia tăng của ông. Ngày nay, chỉ đếm những người còn sống, thì A-đam đã gia tăng khoảng ba tỉ người. A-đam đã gia tăng để trở nên một A-đam thật to lớn. Ngợi khen Chúa, Đấng Christ cũng đang gia tăng. Nhưng Ngài không gia tăng bởi sự ra đời lần thứ nhất của chúng ta. Sự ra đời lần đầu của chúng ta là để gia tăng A-đam; sự sinh ra lần thứ hai của chúng ta là để gia tăng Đấng Christ. Khi anh em có con, đó là thêm một người nữa để gia tăng A-đam. Tuy nhiên, anh em phải cảm tạ Chúa vì một điều khác có thể xảy ra: đứa con sinh một lần ấy có thể cũng được sinh lại để gia tăng Đấng Christ. Về tiềm năng, tất cả các con cái của anh em có thể được sinh lại trong sự gia tăng của Đấng Christ cũng như đã được sinh ra trong sự gia tăng của A-đam.

Anh em là sự gia tăng của A-đam, hay anh em là sự gia tăng của Đấng Christ? Trước đây, chúng ta phải nói rằng mình chỉ là sự gia tăng của A-đam. Tạ ơn Chúa, bây giờ chúng ta là sự gia tăng của Đấng Christ nhờ sự tái sinh. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải bảo đảm mình sống, bước đi và làm mọi điều không bởi sự sống của A-đam, nhưng bởi sự sống của Đấng Christ. Hễ còn sống bởi sự sống loài người, thì chúng ta chỉ là sự gia tăng của A-đam. Chỉ khi nào sống và bước đi bởi sự sống thần thượng của Đức Chúa Trời chúng ta mới là sự gia tăng của Đấng Christ. Khi ấy chúng ta sẽ là Cô dâu tức Người phối ngẫu của Đấng Christ.

Như vợ là một thịt với chồng, chúng ta cũng là một linh với Đấng Christ (1 Cô. 6:17). Như vợ là sự gia tăng của chồng, chúng ta, với tư cách là Cô dâu của Ngài, là sự gia tăng của Đấng Christ. Vì có Đấng Christ làm sự sống nhờ sự sinh ra lần thứ hai, chúng ta là sự gia tăng của Đấng Christ. Vì vậy, kết quả sau cùng của sự tái sinh là Đấng Christ có một Cô dâu, tức là sự gia tăng của Ngài. Đấng Christ được gia tăng nhờ sự tái sinh, vì nhờ tái sinh, Ngài được tái sản sinh trong chúng ta. Là những người được tái sinh, chúng ta là sự tái sản sinh của Đấng Christ.

Ê-va có thể là sự gia tăng của A-đam vì Ê-va được cấu tạo bởi xương sườn của A-đam và trở nên một thịt với ông, là một phần của ông. Cũng theo nguyên tắc ấy, chúng ta là sự gia tăng của Đấng Christ vì về mặt thuộc linh, chúng ta được cấu tạo bởi sự sống của Ngài và đã trở nên một linh với Ngài, là một phần của Ngài. Như Ê-va ra từ A-đam và trở lại làm một với A-đam, mà vì thế trở thành sự gia tăng của A-đam, thì chúng ta cũng ra từ Đấng Christ, sẽ trở lại làm một với Ngài, và vì thế trở nên sự gia tăng của Ngài. Sự gia tăng này đơn giản là sự tái sản sinh chính Ngài trong chúng ta bởi sự tái sinh. Mọi người tham dự vào sự tái sản sinh này đều được Đức Chúa Trời ban cho Đấng Christ.

D. Người Làm Công Tác Cho Đấng Christ
Cần Phải Bị Giảm Xuống
Chúng ta phải để cho Đấng Christ gia tăng. Tất cả chúng ta phải giảm xuống. Mọi người phải đi theo Ngài. Nếu tất cả những nhà truyền giảng và những nhà lãnh đạo Cơ Đốc hôm nay đều thưa rằng: “Chúa ơi, nguyện những người theo con đều thuộc về Ngài để Ngài gia tăng và con giảm xuống”, thì không có nan đề gì cả. Nhưng có người dường như lại muốn nói: “Ngài phải gia tăng, còn tôi phải giảm xuống, nhưng tôi phải giữ lấy những người theo tôi”. Hễ anh em còn nắm giữ những người theo mình, thì anh em không bao giờ giảm xuống và Ngài không thể gia tăng. Sự gia tăng hay giảm xuống hoàn toàn tùy thuộc vào những người đi theo. Những người đi theo thuộc về ai? Nan đề ngày nay là mỗi một nhà truyền giảng đều có người theo mình. Nhiều người nghĩ chúng ta cũng giống như vậy vì theo quan niệm của họ, mỗi công tác viên đều phải nắm giữ những người theo mình. Khi chúng ta nói mình không nắm giữ những người đi theo, thì họ không tin chúng ta. Nguyện Chúa thương xót chúng ta. Chúng ta cần sự thương xót của Ngài để không giữ lại những người đi theo dưới tay mình. Nếu làm như vậy, không sớm thì muộn chúng ta sẽ bị ném vào tù. Hãy để những người đi theo chúng ta đến với Ngài. Ngài phải gia tăng, tất cả chúng ta đều phải giảm xuống.

II. ĐẤNG CHRIST VÔ HẠN LƯỢNG
Giăng 3:31-36 làm rối trí nhiều dịch giả Kinh Thánh. Họ không biết phải xếp đặt những câu này vào đâu. Thậm chí có một bản dịch đã xếp những câu này vào một chỗ khác. Một vài dịch giả còn tranh luận không biết những lời này do Giăng Báp-tít, hay do Chúa Jesus, hay do Giăng là người viết Phúc Âm này nói ra. Người ta đưa ra một vài sự giả định. Nhưng nhờ sự thương xót của Chúa, chúng ta đã thấy rằng những câu này cần phải ở vị trí hiện nay, vì chúng nối tiếp những gì đã xảy ra cho đến câu 30.

Câu 30 nói rằng Đấng Christ cần phải gia tăng và tất cả chúng ta cần phải giảm xuống. Tại sao? Vì Đấng Christ là vô hạn và bao-hàm-tất-cả. Những câu này bày tỏ một Đấng Christ vô hạn. Ngài là Jesus nhỏ bé đã ra đời trong máng cỏ và lớn lên ở Na-xa-rét, trong căn nhà của một người thợ mộc nghèo nàn. Ngài không có vẻ đẹp hay sự thu hút bề ngoài, Ngài rất giới hạn. Tuy nhiên, Ngài bao-hàm-tất-cả, Ngài là Đấng không thể đo lường được. Ngài cao hơn các tầng trời và rộng lớn hơn cả vũ trụ. Ngài là mọi sự và mọi sự đều vì Ngài. Chúng ta hãy đọc xem những câu này bày tỏ gì về Đấng Christ vô hạn lượng. “Đấng từ trên mà đến là trên hết thảy; kẻ từ đất mà ra là thuộc về đất, và nói cũng thuộc về đất; còn Đấng từ trời đến thì trên hết thảy. Ngài làm chứng về điều Ngài đã thấy và nghe, song chẳng ai nhận lời chứng của Ngài. Ai đã nhận lời chứng của Ngài, thì đã ấn chứng rằng Đức Chúa Trời là thật. Vì Đấng mà Đức Chúa Trời đã sai đến thì nói lời của Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Trời ban Thánh Linh cho Ngài không lường được. Cha thương yêu Con, đã giao hết mọi sự trong tay Con. Ai tin Con thì có sự sống đời đời, ai không vâng phục Con thì sẽ chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó”. Những câu này bày tỏ rằng Đấng Christ mà chúng ta tin thì vô hạn và không đo lường được.

A. Đến Từ Trên
Về mặt vật lý, lúc ấy Đấng Christ là một con người trên đất. Nhưng Ngài là Đấng đến từ trên cao. Ngài ở trên đất, nhưng nguồn gốc Ngài là từ trên cao. Cho nên Ngài ở trên tất cả.

B. Đến Từ Trời
Vì Đấng Christ là con người đến từ trên, nên Ngài cũng ra từ trời. Trời ở trên đất. Ngài ở trên đất, nhưng nguồn gốc Ngài là từ trời.

C. Trên Tất Cả
Đấng Christ ở trên tất cả. Trong phần này của Lời, từ ngữ “tất cả” không chính yếu nói đến mọi sự hay mọi vấn đề, mà là mọi người. Đấng Christ thì trên hết mọi người, đặc biệt là trên Giăng Báp-tít. Lúc ấy, Giăng đang đứng trong một vị trí cạnh tranh với Chúa Jesus. Cả Jesus và Giăng đều nhận môn đồ. Theo mắt các môn đồ của Giăng, Giăng ngang hàng với Chúa Jesus. Nhưng điều đó không đúng. Vì vậy câu 31 nói rằng Đấng Christ thì trên tất cả. Ngài trên anh em, trên tôi, và mọi người khác.

D. Từ Trời Đến Nhưng Vẫn Ở Trên Trời
Đấng Christ từ trời đến; nhưng đang khi ở trên đất, Ngài vẫn ở trên trời (3:13). Ngài có tính hoàn vũ; không ai có thể đo lường Ngài được.

E. Cung Ứng Lời Của Đức Chúa Trời Và Ban Phát Linh Vô Hạn Lượng
Câu 34 chép: “Vì Đấng Đức Chúa Trời sai đến thì nói lời của Đức Chúa Trời, vì Ngài ban Linh không lường được” .Trong câu này chúng ta thấy hai điều: Chúa Jesus cung ứng lời Đức Chúa Trời cho dân Ngài, và Ngài ban Linh cho dân của Đức Chúa Trời một cách vô hạn lượng. Một vài bản dịch câu này không đúng, nói rằng Đức Chúa Cha ban Linh cho Con vô hạn lượng. Tuy nhiên nếu nghiên cứu các bản chép tay tốt nhất, anh em sẽ thấy câu này có nghĩa là Con ban Linh vô hạn lượng cho dân của Đức Chúa Trời. Chúa Jesus cung ứng Lời sự sống và Linh vô hạn lượng.

Tại các Hội thánh địa phương chúng ta chỉ cần hai điều – Lời sự sống và Linh vô hạn lượng. Ngày nay, là Đầu của Hội thánh, Đấng Christ vẫn đang cung ứng hai điều này. Tôi tin rằng Ngài đặc biệt làm cho chúng ta có gánh nặng về chức vụ cung ứng Lời sống động. Mặc dầu chúng ta rao giảng Lời, nhưng chúng ta không phải là người cung ứng Lời. Chúng ta nói, nhưng Ngài cung ứng. Ngài cung ứng Lời phong phú trong sự rao giảng của chúng ta. Ngài là Đấng phát ngôn thần thượng và Đấng ban phát thần thượng. Ngài cung ứng Lời phong phú và ban phát Linh sống động vô hạn lượng. Ngài là Đấng cung ứng Lời sống động để nuôi dưỡng tất cả các Chi thể của Ngài. Ngài là Đấng ban phát Linh vào trong mọi Chi thể Ngài để họ có thể thi hành chức năng cách đầy trọn. Không ai khác có thể làm điều này. Ngài là Linh bao-hàm-tất-cả và là Đấng Christ bao-hàm-tất-cả. Ngài là Đấng vô hạn.

Trong những ngày cuối cùng này, Chúa đang biện minh cho đường lối Ngài bằng phương tiện là Lời phong phú và Linh sống động. Chúa ở đâu? Ngài ở tất cả những nơi nào có Lời phong phú và Linh sống động. Chúng ta không thể kể điều gì khác là dấu hiệu về sự hiện diện của Ngài. Nếu chúng ta nhóm lại mà không có Lời phong phú và sự sống động của Linh nhưng tuyên bố mình nhóm họp trong danh Chúa, thì sự tuyên bố ấy không có ý nghĩa gì cả, mà chỉ là hư không. Không có gì xác quyết, không có thực tại hỗ trợ cho điều chúng ta nói. Chúng ta không cần tuyên bố mình là Hội thánh. Hễ chúng ta có Lời phong phú và Linh sống động, đó là điều biện minh chúng ta là Hội thánh. Nơi nào có Chúa Jesus, tại đó anh em tìm thấy Lời phong phú và Linh sống động.

Người ta thường nói chuyện và tranh luận về Hội thánh. Cuối cùng, hầu hết mọi người nói năng và tranh luận về Hội thánh đều sợ nói về Hội thánh. Họ chỉ ngậm miệng lại và thậm chí không muốn dùng từ ngữ Hội thánh. Họ nói: “Đừng nói về Hội thánh. Hội thánh là vấn đề rất phiền toái”. Người ta khó có thể nói điều gì là đúng và điều gì là sai về Hội thánh. Hội thánh là gì? Hội thánh là Đấng Christ gia tăng và tất cả những người lãnh đạo giảm xuống. Khi nào anh em thấy các nhà lãnh đạo gia tăng và Đấng Christ bị cầm tù, thì đó không phải là Hội thánh. Hội thánh là một điều gì mà trong đó Đấng Christ liên tục gia tăng và sự lãnh đạo giảm xuống.

Hội thánh là Thân thể của Đấng Christ. Chúng ta biết rằng dầu xức của thầy tế lễ đổ trên thân thể ông và chảy xuống áo ông (Thi. 133:2), bày tỏ rằng Linh sống động, phong phú không phải là vấn đề ân tứ hay phép lạ, mà là sự xức dầu trong sự sống (Thi. 133:3). Trong Hội thánh, Đấng Christ, là Đầu bao-hàm-tất-cả, ban Linh sự sống vô hạn lượng. Tôi muốn nghe các thánh đồ cầu nguyện tự do. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Đầu giữ sự xức dầu lại mà chúng ta vẫn cứ cầu nguyện? Nếu Ngài lấy lại sự xức dầu, thì dầu có hết sức cố gắng, chúng ta không thể cầu nguyện cách sống động. Chúng ta chỉ có thể cầu nguyện cách rất khô khan và theo hình thức. Trong những ngày này tôi được tưới mát nhờ nghe lời cầu nguyện của các thánh đồ vì những lời cầu nguyện ấy đầy dẫy sự xức dầu. Sự xức dầu này đến từ Đầu bao-hàm-tất-cả. Hễ chúng ta có sự xức dầu, chúng ta là Thân thể. Dầu xức đổ ra trên áo của A-rôn, có nghĩa là được đổ ra trên Thân thể của Đấng Christ. Nếu chúng ta phải sắp đặt người cầu nguyện trước trong một buổi nhóm nào đó, thì đó là tổ chức, chứ không phải Thân thể. Tổ chức không cần sự xức dầu, là Linh vô hạn lượng. Một buổi nhóm đầy dẫy những lời cầu nguyện từ đầu đến cuối là bằng cớ sự hiện diện của Đầu, chứng tỏ toàn Thân thể đang ở dưới sự xức dầu của Linh vô hạn lượng. Không cần một người nào đó mời chúng ta cầu nguyện hai giờ rưỡi, vì như vậy sẽ là việc làm của chúng ta, chứ không phải việc làm của Đầu. Hội thánh ở đâu? Ai là Hội thánh? Hội thánh là gì? Linh ở đâu thì Hội thánh ở đó.

Một dấu hiệu khác của Hội thánh là Lời. Nếu đọc sách Công vụ các Sứ đồ, anh em sẽ thấy có Linh và Lời vào những ngày đầu của Hội thánh. Nhưng đó không phải là Lời văn tự trên giấy trắng mực đen. Trong sách Công vụ các Sứ đồ, Hội thánh có Lời sống động, Lời đầy dẫy sự sống, ánh sáng, sự xức dầu và tưới mát. Hội thánh có Lời sống động và lời hiện tại, Lời Chúa phán hôm nay. Nơi nào có Lời sống động, nơi đó có Hội thánh.

Ngợi khen Chúa vì từ ngày Ngài dấy chúng ta lên, Lời thánh của Ngài đã mở ra cho chúng ta cách sống động. Đang khi ngày tháng trôi qua, tôi tin rằng Lời sẽ càng ngày càng mở ra cho chúng ta. Chúng ta không cần những điều bề ngoài, vì sự hiện diện của Chúa ở trong Hội thánh. Linh sống động và Lời sống động của Ngài ở trong Hội thánh. Điều này chứng minh Hội thánh ở đâu và cũng làm chứng rằng Đầu của Hội thánh là Đấng Christ vô hạn.

Giữ một người đi theo mình ở dưới sự kiểm soát của mình là điều phạm thượng. Mọi người đi theo mình phải đến với Ngài. Càng để những người theo mình ra đi, Kinh Thánh càng mở ra cho chúng ta, và sự xức dầu càng ở trên Thân thể. Các anh chị em ơi, bây giờ là lúc Chúa biện minh cho đường lối Ngài trên trái đất này, không những trong xứ sở này mà thôi, nhưng trên khắp thế giới. Lời thần thượng của Ngài sẽ được mở ra cho Thân thể Ngài hơn bao giờ hết, và sự xức dầu của Linh sẽ tăng cường gấp bảy lần (Khải. 1:4). Đấng Christ bao-hàm-tất-cả, Lời sống động và Linh tăng cường sẽ biện minh cho đường lối của Hội thánh. Nếu không, người ta khó biết Hội thánh là ai, Hội thánh là gì và Hội thánh ở đâu.

Ha-lê-lu-gia, chúng ta là những người được tái sinh! Chúng ta đã được tái sinh để Ngài gia tăng. Sự gia tăng của Ngài là vì Đấng Christ bao-hàm-tất-cả. Giăng chương ba nêu lên ba điểm chính: sự tái sinh, sự gia tăng, tức là Cô dâu của Đấng Christ và Đấng Christ bao-hàm-tất-cả.

F. Được Cha Yêu Mến
Cha yêu Con (3:35). Con là đối tượng tình yêu của Cha. Trong tình yêu, Cha đã làm cho Con vượt trên tất cả và là tất cả trong tất cả. Tính chất bao-hàm-tất-cả của Con liên quan đến tình yêu của Cha.

G. Với Mọi Sự Được Cha Ban Cho
Câu 35 cũng nói rằng Cha ban mọi sự vào tay Con. Một lần nữa chữ “mọi sự” chính yếu không có nghĩa là mọi việc hay mọi vấn đề, mà là mọi người. Cha đã ban mọi người cho Con. Cha không bao giờ ban người nào cho Giăng Báp-tít. Ngài đã ban cho Con Ngài mọi người được chọn của Ngài. Không ai trong những người được chọn của Đức Chúa Trời thuộc về Giăng Báp-tít hay một người hầu việc Chúa nào. Giăng và tất cả những Cơ Đốc nhân hầu việc Chúa không nên nhận giữ người nào trong dân của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Cha đã ban mọi người được chọn của Ngài cho Con. Mọi người phải đến với Ngài. Ngài là trên tất cả, và vượt trổi tất cả. Mọi người đã được ban cho Ngài. Mọi người phải ở dưới tay Ngài.

H. Tin Vào Đấng Christ
Để Có Sự Sống Đời Đời
Câu 36 chép: “Ai tin Con thì có sự sống đời đời”. Trong Giăng chương 3, chúng ta thấy cả Thân Vị và công tác của Đấng Christ. Tất cả những gì Ngài là và tất cả những gì Ngài làm đều để chúng ta được cứu, được tái sinh và được trở nên Cô dâu của Ngài, tức là sự gia tăng của Ngài. Ngài thật là Đấng kỳ diệu và Ngài đã hoàn thành một công tác lạ lùng biết bao! Vì vậy chúng ta phải tin vào Ngài. Bằng cách tin Ngài chúng ta nhận được sự tha thứ của Đức Chúa Trời và có sự sống thần thượng, tức sự sống đời đời. Bằng cách tin một Đấng như vậy chúng ta nhận được sự tha thứ của Đức Chúa Trời, được giải thoát khỏi sự định tội của Đức Chúa Trời nhờ sự cứu chuộc của Ngài, và nhận được sự sống đời đời, là sự sống bất thọ tạo của Đức Chúa Trời, qua sự tái sinh của Linh. Do đó, chúng ta được sinh bởi Đức Chúa Trời và được giải cứu khỏi quyền lực gian ác của Sa-tan và được dời vào vương quốc của Đức Chúa Trời. Nếu không, chúng ta vẫn bị nhiễm độc bởi Sa-tan và tiếp tục ở dưới sự định tội của Đức Chúa Trời, là điều cuối cùng sẽ đem cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời đến trên chúng ta. Trước đây chúng ta là những con rắn bị Sa-tan, là kẻ thù của Đức Chúa Trời làm nhiễm độc và đã bị định tội dưới sự phán xét của Đức Chúa Trời. Nhưng bây giờ tạ ơn Chúa, nhờ sự chết và sự phục sinh của Ngài, chúng ta đã được cứu và được tái sinh để trở nên những thành phần của Cô dâu Ngài. Vì vậy chúng ta là sự gia tăng của Ngài, sự tái sản sinh của Ngài, tức là Cô dâu của Ngài, người phối ngẫu của Ngài.

I. Không Vâng Phục Đấng Christ Thì Ở Dưới Sự Thịnh Nộ Của Đức Chúa Trời
Nếu ai không vâng phục Đấng Christ, người ấy vẫn cứ ở dưới sự thịnh nộ của Đức Chúa Trời cho đến khi bị diệt vong. Nhưng chúng ta không phải là những người không vâng phục, mà là những người tin. Chúng ta sẽ không bao giờ bị diệt vong. Chúng ta đã được cứu khỏi sự định tội và khỏi bản chất rắn độc của Sa-tan, và chúng ta đã được tái sinh với sự sống đời đời của Đức Chúa Trời để làm Cô dâu của Đấng Christ bao-hàm-tất-cả, là sự gia tăng có tính cách hoàn vũ của Ngài.
-