Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

PHÚC ÂM GIĂNG BÀI 6





NGUYÊN TẮC SỰ SỐNG

Phúc Âm Giăng không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Khi viết Phúc Âm của mình, Giăng hoàn toàn ở dưới sự xức dầu của chim bồ câu, là Linh. Do đó, bố cục Phúc Âm này rất kỳ diệu. Chúng ta đã thấy chương một giới thiệu toàn bộ sách này. Dầu vài nhà giải nghĩa Phúc Âm Giăng nói rằng phần giới thiệu chỉ gồm mười tám câu đầu của chương một, Chúa cho chúng ta thấy toàn thể chương một là phần giới thiệu. Phần giới thiệu bắt đầu với cõi đời đời quá khứ và kết thúc với cõi đời đời tương lai. Giữa cõi đời đời quá khứ với cõi đời đời tương lai là chiếc cầu thời gian, trên đó có năm biến cố chính xảy ra để hoàn thành mục đích đời đời của Đức Chúa Trời. Chúng ta đã thấy rõ điều đó trong bài trước. Giăng chương 1 cũng là một phần cô đọng của toàn thể Phúc Âm Giăng. Thật ra, đó là một phần cô đọng của toàn bộ Kinh Thánh.


Sau khi đưa ra cho chúng ta một phần giới thiệu bao-hàm-tất-cả như vậy, Giăng trình bày một vài trường hợp để minh họa cho vấn đề sự sống. Mặc dù Jesus làm nhiều dấu lạ trước mặt các môn đồ (20:30-31), Giăng chỉ chọn không quá mười hai dấu lạ để minh họa vấn đề sự sống. Bắt đầu với trường hợp của Ni-cơ-đem trong chương ba và chấm dứt với sự phục sinh của La-xa-rơ trong chương mười một, có chín trường hợp được trình bày. Nếu kể cả sự kiện biến nước thành rượu, sự tẩy uế đền thờ, và việc rửa chân, thì chúng ta có tất cả mười hai sự việc. Nếu so sánh phần ký thuật của Phúc Âm Giăng với những sách Phúc Âm khác, anh em sẽ thấy các Phúc Âm ấy bao gồm nhiều điều mà Giăng không có và Giăng ghi lại nhiều điều mà những Phúc Âm khác không có. Chẳng hạn, Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca không nói gì về việc Jesus hóa nước thành rượu. Các Phúc Âm ấy cũng không đề cập đến việc Chúa nói chuyện với Ni-cơ-đem về sự tái sinh. Đừng nghĩ rằng những sự khác biệt này là tình cờ. Không, mỗi Phúc Âm được hoạch định cách cẩn thận bởi Tác giả Thần thượng. Ma-thi-ơ viết Phúc Âm của mình với một mục đích cụ thể, ấy là để chứng minh Jesus là Vua và là Đấng Christ. Để chứng minh điều này, Ma-thi-ơ lựa chọn một vài sự kiện và trường hợp trong cuộc đời của Đấng Christ để minh chứng Jesus là Vua của Israel và Đấng Christ của Đức Chúa Trời. Vì mục đích của Lu-ca là bày tỏ Jesus là Đấng Cứu Rỗi của nhân loại, ông chọn những trường hợp chứng minh Jesus là Đấng Cứu Rỗi. Chẳng hạn, câu chuyện người con trai hoang đàng được ghi trong sách Lu-ca, nhưng không được ghi trong sách Ma-thi-ơ, Mác hay Giăng. Vì sao câu chuyện ấy được ghi lại trong sách Lu-ca? Vì câu chuyện ấy chứng minh Jesus là Đấng Cứu Rỗi. Một sự kiện khác được ghi lại trong sách Lu-ca mà thôi là người ăn trộm trên thập tự giá xin Chúa nhớ đến ông khi Ngài vào trong vương quốc mình (Lu. 23:39-43). Lu-ca cũng cho biết Chúa đã trả lời với tên trộm hấp hối ấy: “Hôm nay ngươi sẽ ở cùng Ta trong Pa-ra-đi” (Lu. 23:43). Ma-thi-ơ, Mác hay Giăng đều không tường thuật sự kiện này cho chúng ta. Cũng theo nguyên tắc ấy, mọi trường hợp được Giăng ghi lại đều chứng minh Đấng Christ là sự sống để đáp ứng nhu cầu của chúng ta. Dựa trên nguyên tắc đó, chúng ta cần phải nhận thức rằng sự kiện hóa nước thành rượu (2:1-11) không chỉ là một câu chuyện được thuật lại mà thôi, nhưng có ý nghĩa thuộc linh quan trọng đặc biệt. Bây giờ chúng ta cần tìm ra ý nghĩa thuộc linh của sự kiện ấy.

I. NGUYÊN TẮC CỦA SỰ SỐNG –
BIẾN ĐỔI SỰ CHẾT THÀNH SỰ SỐNG
Khi mới nghe câu chuyện Jesus hóa nước ra rượu, tôi không biết ý nghĩa đằng sau sự kiện ấy. Về sau tôi mới hiểu rằng đó không đơn giản là một câu chuyện, nhưng là một sự kiện được Chúa Jesus thực hiện để thiết lập nguyên tắc của sự sống. Nguyên tắc của sự sống là gì? Nguyên tắc ấy là đổi sự chết thành sự sống. Trong chín trường hợp được ghi lại từ chương ba đến chương mười một, mỗi trường hợp đều có nguyên tắc là đổi sự chết thành sự sống. Điều này đặc biệt sáng tỏ trong trường hợp của La-xa-rơ. La-xa-rơ chết và đã được chôn bốn ngày rồi. Thậm chí ông đã có mùi. Ông đầy dẫy sự chết từ đỉnh đầu đến gót chân và từ trong ra ngoài. Mỗi một đường gân thớ thịch và mỗi một tế bào của con người ông đều không có gì ngoài ra sự chết. Như phần ghi lại của chương mười một đã cho chúng ta biết, khi Chúa Jesus biết La-xa-rơ bị bịnh, Ngài không đi thăm ông. Ngài chờ cho đến khi ông đầy dẫy sự chết, cho đến khi ông đã chết và chôn. Rồi Ngài đến làm cho ông sống lại từ chỗ chết. Nếu áp dụng nguyên tắc sự sống cho trường hợp ấy, chúng ta thấy Jesus đã đổi sự chết thành sự sống.

Nguyên tắc này không những áp dụng cho trường hợp cuối cùng là trường hợp của La-xa-rơ, mà còn cho trường hợp thứ nhất, là trường hợp của Ni-cơ-đem. Anh em có nghĩ rằng Ni-cơ-đem là người đầy dẫy sự chết không? Vì ông đầy dẫy sự chết, Chúa bảo ông rằng ông cần được sinh lại để có được sự sống đời đời là chính Đức Chúa Trời (3:3, 5-6). Về một ý nghĩa, Ni-cơ-đem đang sống, nhưng theo mắt Đức Chúa Trời, ông là một người sống mà thật ra đã chết. Theo mắt Đức Chúa Trời, Ni-cơ-đem đã chết rồi. Ông cũng cần được đổi sự chết của mình thành sự sống. Thậm chí Ni-cơ-đem không nhận biết rằng mình tội lỗi, huống chi là mình đang chết. Tuy nhiên, theo mắt Đức Chúa Trời, ông tội lỗi, quỉ quyệt và chết chóc. Là một người như vậy, ông cần được thay đổi từ sự chết thành sự sống.

Điều này cũng đúng với người đàn bà Sa-ma-ri trong chương bốn. Bà ấy đang khát, và khát là dấu hiệu của sự chết. Khi anh em đang khát, có nghĩa là anh em sắp chết. Sự kiện anh em khát cho thấy anh em có yếu tố sự chết trong mình. Chỉ có Chúa Jesus mới có thể làm cho anh em hết khát. Làm cho hết khát nghĩa là đổi sự chết thành sự sống. Mọi trường hợp khác được ghi lại trong sách Giăng cũng vậy. Mỗi biến cố đều minh họa nguyên tắc đã được thiết lập trong sự kiện hóa nước thành rượu, đó là nguyên tắc đổi sự chết thành sự sống.

A. Trong Sự Phục Sinh, Jesus Đến Với Những Người Yếu Đuối Và Mỏng Manh, Trong Khi Họ Đang Vui Hưởng Cuộc Sống Phàm Nhân Của Mình
Bây giờ chúng ta cần nhìn thấy trong sự phục sinh, Jesus đến với những người yếu đuối, mỏng manh. Có lẽ một vài người sẽ hỏi: “Làm thế nào Jesus đến trong sự phục sinh khi Ngài chưa bị đóng đinh? Nói như vậy là theo lối ẩn dụ”. Vâng, cả câu chuyện hóa nước thành rượu là một ẩn dụ, và chúng ta cần ẩn dụ hóa mọi phần của câu chuyện ấy.

1. “Ngày Thứ Ba” Chỉ Về Sự Phục Sinh
Ngày mà dấu lạ này được thực hiện là “ngày thứ ba” (2:1). “Ngày thứ ba” chỉ về ngày phục sinh. Trong Giăng chương 1, các từ ngữ “ngày hôm sau” (BNC: sáng ngày sau), được dùng ba lần, trong các câu 29, 35 và 43. Tại sao có ba lần “ngày hôm sau”, và rồi “ngày thứ ba” được nói đến trong 2:1? “Ngày thứ ba” trong chương 2 thật ra không nên gọi là ngày thứ ba, mà là ngày thứ năm. Có lẽ anh em nên đến tranh luận với Giăng: “Anh Giăng à, anh viết có điều sai. Ba lần anh nói ‘ngày hôm sau’ cho nên ngày được đề cập trong 2:1 phải là ngày thứ năm chứ”. Giăng sẽ trả lời: “Anh thân mến ơi, đó là lý do vì sao tôi không nói đến ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư trong chương một, nhưng gọi mỗi ngày ấy là “ngày hôm sau” cho đến khi tôi gọi ngày trong chương hai là ‘ngày thứ ba’ ”. Không một sự kiện nào đã xảy ra vào các “ngày hôm sau” trong chương một ở trong sự phục sinh.

Chúng ta hãy xem xét ba lần “ngày hôm sau” trong chương một. “Sáng ngày sau Giăng thấy Jesus đến cùng mình, thì nói rằng: Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời là Đấng cất tội lỗi của thế giớiđi!” (c. 29). Điều đó có ở trong sự phục sinh không? Chắc chắn là không. Làm thế nào anh em có thể nói điều đó ở trong sự phục sinh được? “Sáng ngày sau nữa Giăng cùng đứng với hai môn đồ mình, thấy Jesus đi qua, bèn nói rằng: Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời!” (cc. 35-36). Dầu xảy ra vào “sáng ngày sau” của ngày thứ hai, điều đó vẫn không xảy ra vào “ngày thứ ba”. “Sáng ngày sau” của ngày thứ ba được tìm thấy trong câu 43. “Sáng ngày sau Jesus muốn qua Ga-li-lê. Ngài gặp Phi-líp, bèn phán rằng: Hãy theo Ta”. Điều này không xảy ra vào “ngày thứ ba”, vì “ngày thứ ba là ngày phục sinh. Không một sự kiện nào được đề cập trong chương một xảy ra vào “ngày thứ ba”, tức là trong sự phục sinh. Chỉ khi đến với sự kiện hóa nước thành rượu trong chương hai, chúng ta mới thấy “ngày thứ ba” được đề cập.

2. “Ca-na”, Vùng Đất Lau Sậy, Tượng Trưng Cho Nơi Ở Của Những Con Người Yếu Đuối Và Mỏng Manh
Làm thế nào chúng ta biết trong Giăng chương 2 Jesus đến với những con người yếu đuối và mỏng manh? Ấy là nhờ sự kiện Ngài đến Ca-na và Ca-na trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “vùng đất lau sậy”. Cây sậy trong Kinh Thánh tượng trưng cho những người mỏng manh. Cả Ê-sai lẫn Ma-thi-ơ đều nói rằng chúng ta, tức những người yếu đuối, đều là “những cây sậy đã giập” mà Chúa sẽ không bẻ gãy (Ês. 42:3; Mat. 12:20). Trong Ma-thi-ơ 11:7, khi nói đến Giăng Báp-tít, Chúa hỏi người Do thái xem họ có đi ra đồng vắng để xem cây sậy bị gió rung không. Dĩ nhiên Giăng Báp-tít không phải là một người yếu đuối đến nỗi có thể bị gió rung. Vì vậy, Ca-na là miền đất lau sậy tượng trưng cho trái đất. Cả thế giới đều là Ca-na, đầy dẫy những người yếu đuối và mỏng manh mà Chúa đã đến với họ. Chúa đến Ca-na có nghĩa là Ngài đến với thế giới đầy những con người yếu đuối và mỏng manh, nhưng Chúa đã đến với họ trong sự phục sinh.

3. “Ga-li-lê”, Nơi Bị Khinh Miệt
Đám cưới mà Jesus tham dự trong Giăng chương 2 thì ở tại Ca-na, xứ Ga-li-lê. Ga-li-lê là nơi bị dân chúng khinh miệt (7:52). Là nơi bị khinh miệt, Ga-li-lê tượng trưng cho tình trạng thấp hèn của thế gian.

4. Đám Cưới, Tượng Trưng Cho Sự Tiếp Nối Sự Sống Của Loài Người, Và Tiệc Cưới, Tượng Trưng Cho Sự Vui Hưởng Của Đời Người
Chúng ta phải ẩn dụ hóa đám cưới và tiệc cưới. Hôn nhân rất quan trọng và cần thiết cho sự sống loài người, vì không có hôn nhân, sự sống loài người bị cản trở. Nếu loại trừ hôn nhân, thì anh em cũng kết liễu sự sống loài người. Hôn nhân tượng trưng cho sự nối tiếp sự sống loài người. Tiệc cưới tượng trưng cho điều gì? Tiệc cưới tượng trưng cho sự hưởng thụ và vui thỏa của cuộc sống loài người. Không có dịp nào trên đất vui vẻ cho bằng một đám cưới. Anh em có bao giờ thấy người ta khóc lóc rên rỉ tại một đám cưới không? Nếu anh em khóc lóc như vậy tại một đám cưới, điều đó chứng tỏ là anh em bất lịch sự hoặc thiếu văn hóa. Trái lại, khi dự đám tang, anh em không được phép vui vẻ. Nhưng khi dự đám cưới, anh em phải vui mừng. Theo văn hóa loài người, đám cưới là một dịp vui vẻ.

5. Rượu, Là Sự Sống Của Loài Người, Tượng Trưng Cho Yếu Tố Cơ Bản Của Sự Hưởng Thụ Này
Dầu trong thời cổ đại hay hiện đại, dầu ở Đông phương hay Tây phương, tiệc cưới chủ yếu tùy thuộc vào rượu, điều ấy có ý nghĩa là mọi sự vui thỏa của loài người đều tùy thuộc vào sự sống. Vì không giống như nước, rượu lấy từ trái nho, rượu đến từ một điều gì sống động. Rượu tượng trưng cho sự sống, vì rượu của trái nho là sự sống của trái nho. Do đó sự hưởng thụ của loài người tùy thuộc vào sự sống của loài người. Khi sự sống chấm dứt, mọi sự hưởng thụ cũng tan biến.

B. Sự Sống Loài Người Khô Cạn Và Bản Thể Của Họ Đầy Dẫy Sự Chết
Mặc dầu đám cưới là một dịp rất vui vẻ, nhưng sự vui vẻ ấy chỉ tạm thời. Không một đám cưới nào kéo dài được lâu. Gần đây tôi dự một đám cưới kéo dài hơn nửa giờ. Chúng tôi chỉ được vui vẻ trong nửa giờ. Đó là đám cưới của loài người, sự hưởng thụ của loài người.

1. “Hết Rượu Rồi”
Rượu, là trung tâm của sự vui hưởng trong tiệc cưới, đã cạn rồi (2:3). Điều này có nghĩa là sự hưởng thụ của đời người chấm dứt khi sự sống con người khô cạn. Khi rượu hết, niềm vui của tiệc cưới tan biến. Điều này không chỉ có nghĩa là sự hưởng thụ của cuộc đời chấm dứt, mà còn có nghĩa là đời người kết thúc. Cho dầu anh em đang hưởng thụ vui thú đến mức nào, khi đời người kết thúc, mọi sự hưởng thụ của con người cũng tan biến. Dầu vợ, chồng, cha mẹ, con cái, nghề nghiệp của anh em có tốt đến đâu, nếu sự sống mình chấm dứt thì niềm vui cũng tàn. Khi rượu nho cạn, thì tiệc cũng xong, vì tiệc tùy thuộc vào rượu. Mọi sự hưởng thụ của anh em tùy thuộc vào sự sống của mình. Nếu sự sống của anh em bị kết liễu, sự hưởng thụ cũng không còn. Dầu anh em dự đám cưới như thế nào đi nữa, khi sự sống loài người đã cạn, thì đám cưới chấm dứt và sự hưởng thụ cũng qua đi. Đó là điều đã xảy ra hôm ấy tại Ca-na thuộc Ga-li-lê.

Anh em không tin rằng trước khi Chúa Jesus đến Ca-na, Ngài biết rằng rượu sẽ cạn sao? Chắc chắn Ngài biết trước, vì đó là lý do Ngài đến Ca-na. Rượu không cạn cách tình cờ. Chúa Jesus biết trước rượu sẽ cạn và Ngài đến Ca-na để thiết lập nguyên tắc của sự sống, thay đổi sự chết thành sự sống. Ngài đến tiệc cưới để giải quyết và để cứu vãn tình hình tại đó. Chúa chữa lành sự chết trong tình trạng của con người bằng cách biến sự chết thành sự sống giống như Ê-li-sê chữa lành nước mặn bằng cách làm cho nó ra ngọt (2 Vua. 2:19-22).

Khi Chúa đến thế gian, Ngài bước vào một hoàn cảnh mà trong đó con người vẫn còn đang hưởng thụ [những niềm vui], nhưng không lâu bền. Ngài bước vào một hoàn cảnh mà trong đó sự chết của loài người đã kết thúc mọi sự hưởng thụ của họ. Việc biến nước thành rượu là dấu lạ mà chúng ta cần phải hiểu theo nghĩa bóng. Chẳng hạn, nếu chúng ta đã quá sáu mươi tuổi, thì ấy là lúc chúng ta đang đến gần thời điểm sắp hết rượu. Khi rượu sắp hết, chúng ta biết rằng tiệc cưới sắp kết thúc. Nhưng ngợi khen Chúa, vào một lúc như vậy, Chúa bước vào tình huống của chúng ta. Trong tiệc cưới của mình, chúng ta có Chúa! Chúng ta không cần phải sợ hãi, vì Ngài có thể biến nước thành rượu.

2. “Sáu Cái Bình Đựng Nước Bằng Đá”
Trước khi làm phép lạ, Chúa bảo người ta đổ nước đầy các bình đựng nước (2:6-7). Những bình đựng nước làm bằng đá này có sáu cái. Số sáu tượng trưng cho con người thọ tạo, vì con người được tạo dựng nên vào ngày thứ sáu (Sáng. 1:27, 31). Vì vậy, sáu bình đựng nước bằng đá tượng trưng cho con người thiên nhiên được tạo dựng vào ngày thứ sáu. Nói theo thiên nhiên, chúng ta không là gì khác hơn “những bình đựng nước”, là những chiếc bình chứa đựng một điều gì đó. Chúng ta, những “bình đựng nước”, được đặt tại Ca-na, là đất của những cây sậy, đầy dẫy những con người yếu đuối, mỏng manh. Chúng ta là những bình đựng nước tại Ca-na, yếu đuối và mỏng manh.

3. “Lệ Tẩy Sạch Bằng Nước Của Người Do Thái”
Các bình đựng nước được dùng theo lệ tẩy sạch của người Do Thái (2:6), là sự hành đạo của Do Thái giáo. Lệ tẩy sạch bằng nước của người Do Thái chỉ về nỗ lực của tôn giáo làm cho người ta sạch bằng những sự hành đạo chết chóc nào đó. Người Do Thái xưa chăm lo tắm rửa và giữ cho mình được sạch sẽ, tinh khiết trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Trái lại, Chúa biến đổi sự chết thành sự sống. Sự tẩy rửa bằng nước theo thông lệ là bề ngoài, không có sự sống, nhưng Chúa biến đổi sự chết thành sự sống là điều từ bên trong và đầy dẫy sự sống.

4. “Hãy Đổ Đầy Nước Vào Các Bình Này”
Chúa bảo các đầy tớ đổ nước đầy các bình, và họ đổ đầy tới miệng (2:7). Điều này có nghĩa là gì? Như chúng ta sẽ thấy, điều này tượng trưng cho loài người đầy dẫy sự chết. Các bình nước, tức là nhân loại được tạo dựng vào ngày thứ sáu, thì đầy dẫy nước sự chết.

C. Jesus Biến Đổi Sự Chết Của Họ Thành Ra Sự Sống Đời Đời
1. Nước, Tượng Trưng Cho Sự Chết
Khi Chúa ra lệnh cho người ta đổ đầy nước vào sáu cái bình ấy, sự kiện đó bày tỏ con người thiên nhiên đầy dẫy sự chết. Nước trong Lời Thánh có hai ý nghĩa tượng trưng. Trong một vài trường hợp, nó tượng trưng cho sự sống (Gi. 4:14; 7:38); trong những trường hợp khác, nước tượng trưng cho sự chết (Sáng. 1:2, 6; Xuất. 14:21; Mat. 3:16). Các dòng nước trong Sáng Thế Ký chương 1 và nước báp-têm mang ý nghĩa sự chết. Trong trường hợp này, nước cũng có ý nghĩa là sự chết. Tất cả những bình bằng đá đều đầy dẫy nước, nghĩa là toàn thể nhân loại đầy dẫy sự chết về mặt thiên nhiên. Cũng y như các bình nước đầy tới miệng, chúng ta đầy dẫy sự chết.

2. Rượu Là Nước Sự Sống Của Trái Nho, Tượng Trưng Cho Sự Sống
Chúa Jesus hóa nước sự chết thành ra rượu cách lạ lùng (2:8-9). Phép lạ này không những bày tỏ rằng Chúa Jesus có thể gọi những sự không hiện hữu như đã hiện hữu (La. 4:17), mà Ngài còn có thể biến đổi sự chết thành sự sống.

Việc Chúa hóa nước thành rượu cách lạ lùng mang ý nghĩa Ngài có thể biến đổi sự chết của chúng ta thành sự sống. Nước tượng trưng cho sự chết, và rượu tượng trưng cho sự sống. Khi Chúa biến đổi nước của chúng ta thành rượu, rượu trong tiệc cưới của chúng ta không bao giờ hết. Vì chúng ta đã được tái sinh, sự sống với sự vui hưởng thuộc linh của sự sống ấy sẽ còn mãi mãi. Chúng ta sẽ có tiệc cưới đời đời không bao giờ chấm dứt. Tiệc này không có trong sự sống nguyên thủy của chúng ta, mà ở trong sự sống mới chúng ta nhận được qua sự tái sinh. Y như người chủ tiệc khám phá rượu mới ngon hơn rượu đãi lúc đầu (2:9-10), chúng ta cũng sẽ thấy sự sống mình nhận được qua sự tái sinh tốt hơn sự sống thiên nhiên của mình rất nhiều. Sự sống ban đầu của chúng ta được tượng trưng bằng rượu dở, kém hơn rất nhiều. Chúa không ban cho chúng ta điều tốt nhất trước, nhưng ban cho điều tốt nhất sau cùng. Sự sống đầu tiên, là sự sống của con người, tức sự sống thọ tạo, là một sự sống thua kém; sự sống tốt nhất là sự sống thứ hai, tức sự sống thần thượng và đời đời. Sự sống này tốt nhất vì đó là sự sống của chính Đức Chúa Trời trong Đấng Christ. Cho nên, sự vui thỏa của chúng ta sẽ kéo dài mãi mãi và mãi mãi. Chúng ta có sự vui hưởng đời đời, vì Đấng Christ đã biến đổi chúng ta từ chết qua sống. Là sự sống mãi mãi, đời đời của chúng ta, Ngài có thể duy trì sự vui thỏa và vui hưởng của chúng ta mãi mãi, đời đời. Tiệc cưới mới đã bắt đầu khi chúng ta được cứu, và tiệc ấy sẽ không bao giờ dứt. Bên trong chúng ta luôn luôn có sự vui mừng và luôn luôn có tiệc cưới vì chúng ta có rượu thần thượng, tức sự sống thần thượng, là chính Chúa.

Tất cả chúng ta đều đã có kinh nghiệm này. Trước khi được cứu, chúng ta là những bình chứa đầy nước sự chết. Một ngày kia, chúng ta nói: “Chúa Jesus ơi” và Ngài đến thay đổi sự chết của chúng ta thành ra sự sống. Dầu ở trong tình trạng chết chóc nào chăng nữa, nếu chúng ta giao tình trạng của mình cho Chúa Jesus, Ngài sẽ thay đổi sự chết ấy thành ra sự sống. Chẳng hạn, ngay cả những cặp vợ chồng là Cơ Đốc nhân cũng có thể đi đến chỗ sự sống khô cạn trong đời sống hôn nhân. Dường như họ không thể tiếp tục cuộc sống hôn nhân của mình. Tuy nhiên, nếu họ mở ra đối với Chúa Jesus, Ngài sẽ biến đổi sự chết ấy thành ra sự sống. Trong nhiều cuộc hôn nhân, Chúa đã biến đổi nước sự chết ra rượu sự sống.

D. Phần Mở Đầu Của Các Dấu Hiệu
1. Tất Cả Các Phép Lạ Trong Phúc Âm Này Đều Gọi Là Dấu Hiệu
Trong sách này, tất cả các phép lạ Chúa làm đều được gọi là dấu hiệu (2:23; 3:2; 4:54; 6:2, 14, 26, 30; 7:31; 9:16; 10:41; 11:47; 12:18, 37; 20:30). Đó là những phép lạ, nhưng được dùng như những dấu hiệu để nói lên vấn đề sự sống. Từ ngữ được dịch là “phép lạ” trong bản Kinh Thánh King James là chữ “dấu hiệu” trong tiếng Hi Lạp. Dấu hiệu là điều tượng trưng cho một điều gì đó. Chẳng hạn như đèn đỏ là dấu hiệu bảo chúng ta phải dừng lại. Tất cả các phép lạ do Chúa Jesus thực hiện được ghi lại trong Phúc Âm Giăng đều không những là phép lạ mà còn là dấu hiệu.

2. Nguyên Tắc Về Những Điều Được Đề Cập Đến Lần Đầu
Bất cứ những gì được đề cập đến lần đầu trong Lời Thánh đều đưa ra nguyên tắc cho vấn đề cụ thể ấy. Vì vậy dấu hiệu đầu tiên ở đây đưa ra nguyên tắc cho tất cả những dấu hiệu tiếp theo, tức là biến đổi sự chết thành ra sự sống. Việc Chúa hóa nước thành rượu thiết lập nguyên tắc về sự sống, ấy là biến đổi sự chết thành sự sống. Vì đây là dấu hiệu đầu tiên, cho nên nguyên tắc sự sống được thiết lập trong dấu lạ này có thể được áp dụng cho mọi trường hợp khác. Chẳng hạn, nguyên tắc này có thể áp dụng cho Ni-cơ-đem, một người đầy dẫy sự chết, là người cần được sinh lại để có được sự sống đời đời là chính Đức Chúa Trời.

Chúng ta cũng có thể áp dụng nguyên tắc này cho trường hợp người đàn bà Sa-ma-ri trong chương bốn. Anh em có nghĩ rằng người đàn bà Sa-ma-ri có một cuộc đời đầy dẫy niềm vui và sự hưởng thụ không? Không, nhưng Chúa đã đến trong cuộc đời bà và thay đổi bà. Bà chỉ là một chiếc bình mà trong đó rượu con người hưởng thụ đã cạn rồi. Bà đã thử năm đời chồng, nhưng cuối cùng sự vui hưởng của đời người đã chấm dứt mà không có rượu. Bà đã hết sức hưởng thụ rượu của những niềm vui đời người, nhưng cuối cùng bà chỉ cảm thấy trống rỗng và chết chóc. Rồi Chúa đến biến sự chết ấy ra sự sống và làm cho bà đầy dẫy rượu sự sống đời đời thần thượng của Ngài.

Chương năm trình bày về một người bị bịnh đã ba mươi tám năm. Căn bịnh của ông cho thấy rượu đã hết rồi, nhưng Chúa đến để biến sự chết thành sự sống. Theo mắt Chúa, không những ông bị bịnh mà còn chết nữa, vì về sau trong câu 25 Chúa nói người chết sẽ nghe tiếng Ngài và sống. Không những ông là người bệnh được Chúa chữa lành mà còn là người chết được Chúa làm cho sống lại. Thậm chí ông còn yếu đuối và chết trong tôn giáo. Dầu tôn giáo có thể rất tốt, nhưng tôn giáo đòi hỏi năng lực. Làm sao một người chết có năng lực được? Kết quả là ông không làm gì được với tôn giáo, vì rượu của ông đã hết. Nhưng Chúa đến để áp dụng nguyên tắc biến sự chết thành sự sống, như chúng ta đã thấy trong dấu lạ đầu tiên.

Chúng ta cũng có thể áp dụng nguyên tắc này vào những trường hợp khác. Cơn đói của quần chúng trong chương sáu bày tỏ sự vui hưởng của đời người đã kết thúc, nhưng Chúa đến với họ như bánh sự sống. Người đàn bà tội lỗi trong chương tám cũng là một người mà rượu mình hưởng thụ đã cạn. Người mù trong chương chín cũng không có sự vui hưởng của đời người. Điều này đặc biệt đúng với trường hợp của La-xa-rơ trong chương mười một. Trên nguyên tắc, những điểm chính của trường hợp La-xa-rơ cũng giống như những điểm chính của trường hợp đầu tiên, là tiệc cưới tại Ca-na. Trong trường hợp đầu tiên có sự hưởng thụ trong tiệc cưới. Trong trường hợp La-xa-rơ có niềm vui của tình thương gia đình giữa La-xa-rơ và hai chị em ông. Trong tiệc cưới, rượu đã cạn; trong trường hợp La-xa-rơ, sự sống loài người đã hết. La-xa-rơ chết bày tỏ rượu của sự sống loài người không còn. Trong cả hai trường hợp, nguyên tắc sự sống giống y như nhau: Chúa đến trong cả hai trường hợp và thay đổi sự chết thành sự sống. Vì vậy, nguyên tắc sự sống được đưa ra trong sự kiện Chúa hóa nước thành rượu có thể áp dụng cho mọi trường hợp trong cả Phúc Âm Giăng.

Trong Lời Thánh, nói theo nghĩa bóng, cây sự sống là nguồn sự sống, và cây kiến thức là nguồn sự chết, như đã được khải thị trong Sáng Thế Ký 2:9, 17. Trong mọi trường hợp được ghi lại trong Phúc Âm Giăng, về nguyên tắc, ý nghĩa luôn luôn tương ứng với cây sự sống đưa đến sự sống và cây kiến thức đưa đến sự chết.

3. Bày Tỏ Vinh Quang Ngài
Câu 11 nói khi Jesus bắt đầu làm các dấu lạ tại Ca-na thuộc xứ Ga-li-lê, Ngài bày tỏ vinh quang Ngài và các môn đồ tin vào Ngài. Thần tính của Chúa được bày tỏ ra trong việc Ngài biến đổi sự chết thành ra sự sống.

E. Mẹ Của Jesus Tượng Trưng Cho
Con Người Thiên Nhiên
Ma-ri, mẹ của Jesus ở đây tượng trưng cho con người thiên nhiên, là con người không liên quan gì đến sự sống và cần phải bị sự sống thần thượng bắt phục (cc. 3-5). Khi rượu hết, con người thiên nhiên lộ ra và thậm chí cầu nguyện với Chúa. Khi Ma-ri nói với Chúa: “Người ta không còn rượu nữa”, thì Ngài nói với bà: “Đàn bà kia ơi, Ta với ngươi có can gì chăng? Giờ Ta chưa đến” (cc. 3-4). Chúng ta thường giống hệt mẹ của Jesus. Chúng ta là Ma-ri ngày nay, cầu nguyện như người thiên nhiên theo sự sống thiên nhiên. Thông thường trong một số hoàn cảnh nào đó, Chúa cho phép hết rượu để Ngài có cơ hội biến đổi sự chết thành sự sống. Ngay cả tại một Hội thánh địa phương, Chúa có thể cho phép tình hình đi vào sự chết. Trong trường hợp đó, con người thiên nhiên sẽ cầu nguyện: “Chúa ôi, xin Ngài làm một điều gì đó để giải cứu chúng con khỏi tình trạng này”. Nếu anh em cầu nguyện như vậy, Chúa sẽ quay qua anh em và nói: “Ta có liên quan gì với con? Con không liên hệ gì với Ta trong vấn đề này”. Hầu như tất cả chúng ta đều hành động giống như Ma-ri. Khi ấy chúng ta nên làm gì? Chúng ta không nên làm gì cả. Hãy để cho sự chết lộ diện và bị phơi bày ra. Khi ấy Chúa Jesus sẽ bước vào.

Tất cả chúng ta đều phải thừa nhận rằng nhiều lời cầu nguyện của mình không được trả lời. Chẳng hạn như nhiều anh em có gia đình cầu nguyện cho vợ mình, họ nói với Chúa: “Chúa ơi, Chúa biết vợ con. Chúa ơi, Ngài cần phải thay đổi vợ con”. Đó là loại cầu nguyện gì? Đó là lời cầu nguyện của Ma-ri, lời cầu nguyện của người thiên nhiên. Anh em đừng cầu nguyện như vậy. Hãy để cho sự chết trong vợ mình lộ diện. Hãy để cho La-xa-rơ chết và chôn. Khi ấy Chúa Jesus sẽ đến và làm cho ông từ người chết sống lại. Hãy để cho vợ anh em, giống như La-xa-rơ, chết, chôn và bắt đầu thối rữa. Nếu anh em làm như vậy, Chúa Jesus sẽ đến và biến sự chết thành sự sống.

Tôi rất thường nhận được những lá thư kêu cứu từ những cá nhân hay từ các Hội thánh, đại ý nói rằng: “Anh ơi, chúng tôi yếu đuối quá. Xin anh đến giúp đỡ chúng tôi với”. Bất cứ khi nào nhận được một lá thư như vậy, tôi nói: “Anh em yếu, nhưng chưa chết. Thậm chí nếu đã chết, anh em vẫn chưa bắt đầu xông mùi”. Chúng ta cần chờ đợi cho đến khi sự chết lộ diện; rồi Chúa Jesus sẽ đến để biến sự chết thành sự sống. Mọi sự Chúa làm đều theo nguyên tắc biến sự chết thành sự sống.
-