Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

PHÚC ÂM GIĂNG BÀI 7




MỤC ĐÍCH CỦA SỰ SỐNG

II. MỤC ĐÍCH CỦA SỰ SỐNG – XÂY DỰNG NHÀ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Thật là một điều thích thú khi chúng ta thấy trong Giăng chương 2 trước hết có trường hợp hóa nước thành rượu (2:1-11), rồi sau đó là trường hợp dẹp sạch đền thờ (2:12-22). Chúng ta phải tin rằng cả hai trường hợp này đều được ghi lại với mục đích bày tỏ một ý nghĩa gì vượt xa hơn những bản ký thuật các sự kiện lịch sử. Vì sao sự dẹp sạch đền thờ theo sau sự kiện biến sự chết thành sự sống? Điều này cho thấy sự sống là vì đền thờ của Đức Chúa Trời. Nói cách khác, sự sống là vì sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Trong sự kiện Chúa hóa nước thành rượu, chúng ta thấy nguyên tắc sự sống, tức là biến sự chết thành ra sự sống. Bây giờ, trong trường hợp dẹp sạch đền thờ, chúng ta thấy mục tiêu của sự sống là xây dựng nhà của Đức Chúa Trời.

A. Jesus Tẩy Sạch Đền Thờ
Giăng 2:12-22 bày tỏ hai phương diện của việc Chúa dẹp sạch đền thờ – phương diện tẩy sạch và phương diện xây dựng. Sa-tan, kẻ thù của Đức Chúa Trời, luôn luôn tìm cách phá hoại hay ngăn trở đền thờ của Đức Chúa Trời. Hắn nỗ lực làm ô uế đền thờ bằng nhiều điều tội lỗi. Đó là lý do vì sao nhà của Đức Chúa Trời cần được tẩy sạch.


1. “Lễ Vượt Qua... Đã Gần Đến”
Jesus tẩy sạch đền thờ vào thời điểm “lễ Vượt Qua của dân Do Thái đã gần đến” (2:13). Lễ Vượt Qua vào thời ấy là để nhớ lại sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời (Xuất. 12:2-11; Phục. 16:1-3), qua sự tưởng nhớ đó, người Do Thái thờ phượng Đức Chúa Trời trong đền thờ của họ. Nhưng khi Chúa Jesus lên Giê-ru-sa-lem, đền thờ đầy dẫy bò, cừu, bồ câu và người đổi tiền. Cho nên đền thờ cần được tẩy sạch, và Chúa Jesus đã thực hiện điều đó.

Lễ Vượt Qua là hình ảnh tượng trưng về việc chúng ta nhớ Chúa (1 Cô. 11:24-25). Chúng ta là đền thờ của Đức Chúa Trời (1 Cô. 3:16). Rất có thể khi đến bàn của Chúa để nhớ Ngài, chúng ta đầy dẫy những điều thuộc đất. Vì vậy chúng ta cần được tẩy sạch để làm đền thờ xứng đáng cho Đức Chúa Trời.

2. Sự Tẩy Sạch Đền Thờ
a. Bằng Một Cái Roi Dây Bện Bằng Cây Bấc

Xin chúng ta đọc Giăng 2:14-16. “Ngài thấy trong đền thờ có kẻ bán bò, chiên, bồ câu, và người đổi bạc ngồi tại đó. Ngài bèn bện một cái roi bằng dây, đuổi hết thảy khỏi đền thờ, cả chiên và bò, vãi tiền người đổi bạc, và đổ bàn của họ. Lại phán cùng kẻ bán bồ câu rằng: Hãy dẹp đồ nầy khỏi đây, đừng làm cho nhà Cha ta thành ra nhà buôn bán”. Chúa xử lý nhà của Đức Chúa Trời bằng cách tẩy sạch nhà ấy bằng một cái roi bện bằng dây. Bản King James nói rằng Chúa bện “một cái roi bằng những sợi dây nhỏ”, nhưng một vài bản nói rằng Chúa bện một cái roi bằng cây bấc, là loại cây rẻ và thường. Chúa bện một cái roi bằng những vật bình thường, bằng cây bấc, và dùng nó để tẩy sạch đền thờ. Ngài đuổi bò, chiên, bồ câu, và lật đổ tiền bạc. Điều này tượng trưng cho việc đuổi mọi điều thuộc đất đang chiếm chỗ. Chúng ta là đền thờ của Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta không đầy dẫy Đức Chúa Trời. Chúng ta đầy dẫy nhiều điều khác hơn Đức Chúa Trời. Là nhà Đức Chúa Trời, đáng lẽ chúng ta nên đầy dẫy Ngài, nhưng trên thực tế chúng ta lại đầy dẫy hàng hóa, tiền bạc, và bàn của những người đổi tiền. Vì vậy, Chúa phải làm một cái roi bằng dây để đuổi những điều đó khỏi chúng ta.

Chúa thường dùng những điều bình thường và tầm thường, chẳng hạn như cây bấc để tẩy sạch chúng ta. Thỉnh thoảng Ngài dùng một người bình thường để tẩy sạch anh em, chẳng hạn như vợ hay chồng, cha mẹ hay con cái, ông chủ hay nhân viên của anh em. Tất cả chúng ta đều kinh nghiệm ngọn roi dây mà Chúa đã bện bằng những con người bình thường hay những điều tầm thường để tinh luyện chúng ta. Thỉnh thoảng Chúa đến để xen vào đời sống chúng ta bằng cách làm đảo lộn nhiều điều. Ngài đến đuổi chiên, bò và bồ câu ra, và lật đổ bàn của chúng ta để làm cho toàn bộ hoàn cảnh trở nên rối rắm. Chẳng hạn như năm ngoái anh em làm ăn kiếm được nhiều tiền, nhưng năm nay anh em mất hết, đó là một ngọn roi Chúa dùng để tẩy sạch anh em. Đối với tất cả những Cơ Đốc nhân tìm kiếm Chúa, luôn luôn có một người nào hay một điều gì đó tẩy rửa họ.

Nói chung, người vợ nào là con cái của Đức Chúa Trời mà có lòng tìm kiếm Ngài thì cũng luôn luôn ao ước chồng mình thuộc linh và yêu Chúa, nhưng đôi khi lại gặp kết quả ngược lại. Một người chồng yêu Chúa luôn luôn trông đợi Chúa làm cho vợ mình thuộc linh và yêu Ngài, nhưng thỉnh thoảng sự thật lại trái với lòng ao ước của người ấy. Cũng vậy, có những bậc cha mẹ chân thành tìm kiếm Chúa và hằng ngày cầu nguyện cho con cái mình nhưng lắm khi phải chịu khổ khi thấy chúng nó đi lầm lạc. Ngọn roi anh em kinh nghiệm là do Chúa bện. Nếu chồng hay vợ của anh chị em thật sự thuộc linh, Chúa sẽ không có roi nào để tẩy sạch anh chị em. Nếu con cái anh em giống như Phi-e-rơ và Giăng, còn con gái anh em giống như Ma-ri, thì sẽ không có cây bấc sẵn sàng để Chúa bện roi. Nếu cha mẹ anh em giống như Áp-ra-ham và Sa-ra, sẽ không có gì tẩy sạch anh em cả. Một mặt, hằng ngày anh em có thể vui hưởng Chúa như dự tiệc, nhưng mặt khác, Chúa sai ngọn roi đến nhiều lần để tẩy sạch anh em. Lắm lúc Chúa còn dùng những anh chị em trong Hội thánh như roi dây để tẩy sạch “hàng hóa” và “người đổi tiền” còn cư ngụ trong anh em.

b. Ước Ao Của Lòng Chúa Cho Nhà Đức Chúa Trời

Câu 17 chép: “Môn đồ Ngài bèn nhớ lại có chép rằng: ‘Sự sốt sắng về nhà Chúa tiêu nuốt Tôi’ ”. Trong Chúa Jesus có lòng sốt sắng đối với nhà của Đức Chúa Trời. Sự sốt sắng ấy tiêu nuốt Ngài, ăn nuốt Ngài, thiêu đốt Ngài. Ngài tuyệt đối cho nhà Cha. Nhà Cha là sự ao ước của lòng Ngài. Khi thấy tình trạng bại hoại trong đền thờ, Ngài không thể chịu nổi, nhưng phải tẩy sạch đền thờ, thậm chí bằng một ngọn roi. Lòng nhiệt thành đối với nhà Cha đã thôi thúc Ngài trục xuất mọi sự ô uế khỏi đó. Lòng Ngài thuần khiết cho Cha. Ngài không thể chịu nổi khi thấy đền thờ, là nhà Cha Ngài, bị ô uế, bị ô nhiễm nhiều điều do lòng tham của con người. Vì thế, Ngài đã tẩy sạch đền thờ.

Sa-tan hết sức cố gắng làm ô uế, ô nhiễm nếp sống Hội thánh với nhiều điều tội lỗi và thế gian. Nơi đâu có Hội thánh địa phương thì luôn luôn có điều này xảy ra. Nhưng ngợi khen Chúa vì sự ô nhiễm của Sa-tan đem đến sự tẩy sạch của Chúa. Sa-tan, là kẻ thù luôn luôn bận rộn. Hắn không bao giờ ngủ. Nơi nào có Hội thánh địa phương được thành lập, thì hắn cố gắng làm cho ô uế. Nếu thiếu kinh nghiệm, chúng ta sẽ rất âu lo về điều này. Chúng ta sẽ rất bối rối khi Hội thánh bị kẻ thù làm cho ô uế. Tôi xin nói vài lời an ủi anh em. Nếu Hội thánh địa phương của anh em bị ô nhiễm, anh em không nên nản lòng. Anh em nên nói: “Chúa ôi, bây giờ là thời điểm của Ngài. Chúa ôi, xin hãy đến. Sự ô nhiễm của Sa-tan chỉ đem sự tẩy sạch của Ngài đến mà thôi”.

B. Thân Thể Của Jesus Là Đền Thờ Bị Phá Hủy Và Được Dựng Lại Trong Sự Phục Sinh
Mục tiêu của Sa-tan không những là làm ô nhiễm mà còn hủy diệt đền thờ nữa. Mục đích sau cùng của hắn là hủy phá nhà của Đức Chúa Trời. Nhưng điều gì kẻ thù hủy phá, Chúa sẽ dựng lại trong ba ngày (2:19). Điều này có nghĩa là trong sự sống phục sinh của mình, Ngài xây dựng những gì kẻ thù phá hủy. Chúng ta không cần phải lo lắng cho sự khôi phục Hội thánh của Chúa, vì kẻ thù càng phá hoại, Chúa càng xây dựng trong sự phục sinh. Lời Chúa nói là: “Hãy phá đền thờ này đi, rồi trong ba ngày, Ta sẽ dựng lại” (2:19). Nói cách khác, kẻ thù có thể làm cho hư hỏng và hủy phá Hội thánh, là nhà của Đức Chúa Trời, nhưng Chúa sẽ xây dựng Hội thánh trong sự phục sinh và bởi sự phục sinh. Sau khi kẻ thù đã gây thiệt hại, trong sự phục sinh, Chúa sẽ dựng lên một kiến ốc trên một qui mô lớn hơn nhiều. Chúng ta không nên lo âu về sự rối loạn nào đó có thể có trong Hội thánh, vì Thân thể của Chúa, tức Hội thánh, đang ở trong tiến trình phục sinh. Sự thiệt hại do kẻ thù gây ra là cần thiết, vì mọi sự thiên nhiên cần phải bị hủy phá. Chỉ có điều nào thiên nhiên mới bị kẻ thù hủy phá. Sau đó Chúa sẽ dựng Hội thánh Ngài lên trong sự phục sinh. Mỗi lần sau khi có điều gì rắc rối gây thiệt hại cho Hội thánh, Hội thánh sẽ được phục hồi và được dựng lên trong sự tươi mới của sự sống phục sinh. Trong quá khứ, tôi đã thấy nhiều sự thiệt hại thật sự gây tổn thương cho Hội thánh, nhưng kẻ thù càng gây thiệt hại, Chúa càng xây dựng Hội thánh Ngài trong sự phục sinh và bởi sự phục sinh.

Cách đây mười bảy năm, vào năm 1958, các Hội thánh tại Đài Loan rất mạnh mẽ. Sau đó có một vài điều xảy ra đã mở cửa cho kẻ thù bước vào. Một trận bão lớn tấn công các Hội thánh. Khi ấy tôi có mặt tại đó và thấy rõ tình hình, nhưng tôi không sợ hãi. Sự tấn công ấy bắt đầu từ năm 1958. Vào năm 1959 tôi đang hướng dẫn nghiên cứu sách Giăng. Khi đến chính điểm trong Giăng chương 2 mà tôi đang bàn đến trong bài này, tôi nói với mọi người: “Một vài người trong anh chị em đã bị kẻ thù dùng để phá sập Hội thánh. Tôi muốn anh chị em biết rằng nếu Hội thánh ở đây do Chúa xây dựng bao lâu nay, thì anh chị em càng cố gắng phá sập Hội thánh, Hội thánh sẽ càng được xây dựng lên”. Về sau, tôi rời Đài Loan để đến Mỹ. Tôi không sợ rằng các Hội thánh tại đó sẽ bị hủy phá, cho nên tôi lên đường đi Mỹ trong sự bình an. Sau đó, các anh em lãnh đạo các Hội thánh tại Đài Loan đã viết thư cho tôi nhiều lần, họ nói: “Kẻ thù đã làm tổn hại nhiều. Anh ơi, xin hãy trở về”. Suốt bốn năm tôi không về. Trong bốn năm ấy, tôi nhận được nhiều thư từ do các anh em lãnh đạo gởi đến nói về sự phá hoại mà kẻ thù đã làm, nhưng lần nào tôi cũng viết trả lời rằng: “Các anh em ơi, hãy bình an. Nếu các Hội thánh trên đảo Đài Loan do Chúa dựng lên, không ai có thể làm cho các Hội thánh sập được. Họ càng cố gắng phá hủy các Hội thánh, các Hội thánh sẽ càng được xây dựng”. Bây giờ, tức năm 1975, tất cả các Hội thánh tại Đài Loan đều được vững lập.

Đừng thất vọng về tình trạng Cơ Đốc giáo ngày nay. Đừng nói rằng tình trạng ấy đáng thương quá. Đó chỉ là một khía cạnh của bức tranh. Ngợi khen Chúa vì suốt hai mươi thế kỷ qua luôn luôn có một khía cạnh khác. Anh em có tin rằng Sa-tan đánh bại được Chúa Jesus không? Điều đó không thể có được. Anh em có tin rằng Sa-tan mạnh hơn Chúa Jesus không? Dĩ nhiên câu trả lời là không. Dựa trên sự thật ấy, tôi luôn luôn được an nghỉ. Cho dầu trong Hội thánh có bao nhiêu điều rối rắm, vợ tôi có thể làm chứng rằng tôi luôn luôn ngủ ngon. Tôi hoàn toàn bảo đảm rằng Sa-tan không bao giờ có thể đánh bại Chúa Jesus, và Ngài sẽ luôn luôn thắng Sa-tan.

Chúa Jesus nói với những người chống đối Ngài rằng nếu họ phá hủy đền thờ này, Ngài sẽ dựng lại trong ba ngày (2:19). Họ không hiểu Ngài đang nói về điều gì. Chúa có ý nói rằng: “Các ngươi có thể xử tử Ta và giết thân thể Ta trên thập tự giá, nhưng Ta sẽ làm cho thân thể ấy sống lại sau ba ngày”. Đừng cố gắng hiểu Kinh Thánh chỉ theo văn tự giấy trắng mực đen, nếu như vậy, anh em sẽ thấy mình bị bối rối khó xử. Một mặt, Chúa Jesus bảo dân chúng sau khi họ giết Ngài, chính Ngài sẽ phục sinh (Mat. 10:18). Mặt khác, chỗ khác trong Tân Ước cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời làm cho Ngài sống lại (Công. 2:24). Trong Tân Ước có hai cách ghi lại sự phục sinh của Chúa – Đức Chúa Trời làm cho Ngài sống lại và Ngài tự sống lại. Làm thế nào chúng ta có thể hiểu hay giải thích điều này? Trong Phúc-âm Lu-ca, là Phúc-âm bày tỏ Chúa Jesus là Đấng Cứu Rỗi hi sinh vì tội lỗi chúng ta, chúng ta thấy Ngài cần Đức Chúa Trời làm cho Ngài sống lại (Lu. 9:22). Trong Phúc Âm Giăng tình huống lại khác. Trong Phúc Âm Giăng, Chúa không bị giết như một sinh tế chuộc tội. Nhưng là chính Ngài tự bỏ mạng sống mình. Jesus nói: “Ta bỏ mạng sống Ta để lấy lại. Chẳng ai cất mạng sống Ta đi, nhưng Ta tự bỏ. Ta có quyền bỏ đi, cũng có quyền lấy lại” (10:17-18). Trong Phúc Âm Giăng, Đức Chúa Trời không cần làm cho Ngài sống lại. Là sinh tế chuộc tội, Ngài cần Đức Chúa Trời làm cho Ngài sống lại; là Đấng ban sự sống, Ngài có thể bỏ sự sống mình và lấy sự sống lại. Ngài có thể bước vào sự chết rồi lại bước ra. Dường như Chúa nói: “Theo một ý nghĩa, các ngươi giết Ta. Nhưng đối với Ta, Ta bước vào sự chết, đi một vòng, rồi lại bước ra”. Hằng năm nhiều du khách đến Washing ton D.C. và thăm tòa Nhà Trắng. Cũng vậy, Chúa Jesus đi một vòng trong miền sự chết và thăm tòa Nhà Đen. Dường như Chúa nói: “Hỡi tòa Nhà Đen, Ta đã đến để nhìn ngươi xem ngươi có thể làm gì. Ngươi làm gì được Ta không? Vì ngươi không làm gì được Ta, sau khi đi một vòng, Ta từ giã ngươi và trở về sự sống”. Đó là sự phục sinh trong Phúc Âm Giăng. Chúa Jesus tự phó chính mình và tự làm cho mình sống lại.

1. Thân Thể Vật Lý Của Jesus Bị Người Do Thái Hủy Diệt Trên Thập Tự Giá
Thân thể vật lý của Jesus bị người Do Thái hủy diệt trên thập tự giá. Khi Đấng Christ trở nên xác thịt, Ngài mặc lấy một thân thể vật lý. Trong Giăng 1:14 chúng ta được biết rõ thân thể vật lý của Ngài là đền tạm. Theo chương hai của sách Giăng, thân thể vật lý của Ngài cũng là đền thờ. Tôi muốn nêu lên rằng suốt cả Tân Ước, đền thờ của Đức Chúa Trời không chỉ về một nơi chốn, mà chỉ về một Thân Vị. Khi Jesus ở trong xác thịt, thân thể Ngài là đền tạm và đền thờ của Đức Chúa Trời. Cả đền tạm lẫn đền thờ đều là nơi cư ngụ của Đức Chúa Trời. Sa-tan biết điều đó. Vì Sa-tan nhận thức rằng thân thể vật lý của Jesus là nơi cư ngụ của Đức Chúa Trời trên đất, nên hắn hết sức cố gắng hủy diệt thân thể ấy. Và hắn thật đã hủy diệt thân thể ấy trên thập tự giá bởi người Do Thái. Theo một ý nghĩa, Sa-tan hủy diệt thân thể vật lý của Chúa; theo ý nghĩa khác, Chúa Jesus phó thân thể Ngài cho sự chết. Dường như Chúa nói với Sa-tan: “Hỡi Sa-tan, hãy làm hết sức đi. Ta thử xem ngươi có thể làm được gì. Tất cả những gì ngươi làm chỉ là để cho Ta có cơ hội hành động nhiều hơn”.

2. Jesus Làm Cho Thân Thể Vật Lý Của Ngài Sống Lại Trong Sự Phục Sinh Để Làm Nhà Của Đức Chúa Trời
Sau khi Sa-tan hủy diệt thân thể vật lý của Chúa trên thập tự giá, thân thể Ngài được đặt trong mộ và an nghỉ tại đó. Sau đó Chúa Jesus bước vào sự chết, đi một vòng tòa Nhà Đen, rồi ra khỏi trong sự phục sinh. Khi Jesus sống lại, chính Ngài đã làm cho thân thể đã chết và bị chôn của Ngài sống lại. Thân thể của Jesus bị hủy diệt trên thập tự giá là thân thể nhỏ bé và yếu đuối; Thân thể của Đấng Christ trong sự phục sinh thì lớn lao và mạnh mẽ. Anh em muốn có điều nào, thân thể của Jesus hay Thân thể của Đấng Christ? Sau khi Chúa phục sinh, Thân thể của Ngài, tức là đền thờ được dựng lên với một qui mô lớn hơn nhiều. Thân thể mà kẻ thù đã đóng đinh để hủy diệt chỉ là thân thể của Jesus; Thân thể được Chúa làm cho sống lại trong sự phục sinh không phải chỉ là Thân thể của riêng Ngài, mà là tất cả những ai liên kết với Ngài bởi đức tin (1 Phi. 1:3; Êph. 2:6). Sau khi Chúa phục sinh, Sa-tan hẳn đã nói: “Ta thua rồi. Ta thật là ngu dại. Lẽ ra ta không nên hủy diệt Ngài”. Tuy nhiên, Sa-tan hối tiếc như vậy thì đã quá trễ.

Khi một Hội thánh địa phương bị thiệt hại và bị hủy phá, anh em có thể biết chắc rằng trong sự phục sinh, Hội thánh ấy sẽ trở nên lớn lao hơn lúc đầu. Chúa Jesus luôn luôn thắng hơn kẻ thù. Đừng để công việc của Sa-tan khiến anh em sợ hãi. Nhiều lúc chúng ta không cần cầu nguyện quá tha thiết như vậy. Chúng ta chỉ cần nói: “Sa-tan, hãy làm hết sức đi. Tất cả những gì ngươi làm chỉ là cung cấp cơ hội cho Chúa Jesus của chúng ta chiến thắng ngươi”. Khi nào có nan đề đến trong Hội thánh, nhiều anh em cảm thấy họ nên kêu gọi nhóm họp và cầu nguyện. Tuy nhiên, anh em không cần phải hấp tấp như vậy. Hãy bình an. Đừng kinh sợ bởi hoạt động của Sa-tan. Khi Chúa Jesus biết người Do Thái tìm cách hủy diệt Ngài, Ngài không cầu nguyện: “Cha ôi, xin giết tất cả những người Do Thái này. Cha ôi, xin cứu Con và bảo vệ Con”. Thay vì cầu nguyện như vậy, dường như Chúa bảo họ: “Hãy hết sức giết Ta đi. Bảo đảm sau khi các ngươi giết Ta, Ta sẽ có cơ hội phát triển”. Không ai có thể ngăn cản mục đích của Chúa. Kẻ thù càng cố gắng hoạt động, hắn càng cho Chúa có cơ hội hành động nhiều hơn. Bất cứ điều gì Chúa làm, Ngài đều luôn luôn làm trong sự phục sinh. Chúa xây dựng đền thờ “trong ba ngày”, nghĩa là Ngài xây dựng đền thờ trong sự phục sinh.

3. Sự Phục Sinh Của Jesus Là Dấu Lạ Duy Nhất
Người Do Thái xin Chúa Jesus cho họ xem một dấu lạ. Chúa đáp: “Hãy phá đền thờ này đi, rồi trong ba ngày, Ta sẽ dựng lại” (2:19). Sự phục sinh của Chúa là dấu lạ duy nhất. Trong sự xây dựng Hội thánh, giống như người Do Thái, người ta thường thách thức chúng ta xem chúng ta làm được phép lạ gì. Chúng ta không nên bị cám dỗ cố gắng làm phép lạ. Chúng ta cần phải theo Chúa Jesus và để cho chính mình bị giết chết. Rồi Đấng Christ sẽ được bày tỏ ra trong sự phục sinh. Đó là phép lạ, tức dấu lạ cần thiết trong sự xây dựng Hội thánh. Dấu lạ duy nhất để xây dựng Hội thánh là sự sống trong sự phục sinh.

4. Nhà Của Đức Chúa Trời Vẫn Gia Tăng Trong Sự Phục Sinh Với Thân Thể Của Đấng Christ
Kể từ ngày phục sinh thân thể của Ngài, Chúa Jesus đã và đang mở rộng Thân thể Ngài trong sự sống phục sinh. Ngày nay trong sự phục sinh của Ngài, Đấng Christ có một Thân thể lớn lao biết bao! Anh em có đo được tầm cỡ của Thân thể Đấng Christ không? Dầu người ta từng có thể lấy số đo thân thể vật lý của Jesus, không ai có thể đo tầm cỡ rộng lớn mênh mông của Thân thể Đấng Christ. Chúa tiếp tục xây dựng Thân thể Ngài trong sự phục sinh, và Sa-tan không ngừng giúp đỡ điều này. Nhà của Đức Chúa Trời vẫn đang gia tăng trong sự phục sinh với Thân thể của Đấng Christ (1 Ti. 3:15; 1 Phi. 2:5; 1 Cô. 3:9; Êph. 2:21-22). Ngày nay chúng ta vẫn còn ở trong “ba ngày”, vì Chúa vẫn đang làm việc để xây dựng Thân thể Ngài trong tiến trình phục sinh. Phần lớn Thân thể của Chúa đã được làm cho sống động, nhưng vẫn còn một số chi thể của Thân Ngài chưa được làm cho sống lại. Vì vậy, Thân thể của Chúa vẫn đang ở trong tiến trình phục sinh. Ngay cả với chính anh em, cũng chỉ mới được biến đổi một phần, có nghĩa là chỉ có một phần được phục sinh. Chúa đang tiếp tục hành động trên anh em qua tiến trình biến đổi. Anh em vẫn còn ở trong tiến trình phục sinh. Hội thánh ngày nay vẫn còn đang ở trong ba ngày của tiến trình phục sinh.

Tất cả những sự thiệt hại mà kẻ thù gây cho Hội thánh chỉ tạo cơ hội cho Chúa mở rộng Thân thể Ngài trong sự phục sinh. Kể từ năm 1958, nếu không có trận bão do kẻ thù gây ra để hủy diệt nếp sống Hội thánh tại Đài Loan, thì ngày nay tôi đã không có mặt tại xứ sở này. Hãy để kẻ thù làm tất cả những gì hắn có thể làm, vì công việc của hắn chỉ cho Chúa có cơ hội thực hiện công tác phát triển trong sự phục sinh của Ngài mà thôi. Ngợi khen Chúa! Từ khi Chúa bắt đầu sự khôi phục của Ngài tại Mỹ, nhiều điều tiêu cực đã xảy ra. Nhưng tất cả chúng ta phải thờ phượng Ngài về đường lối đắc thắng của Ngài. Tôi chưa từng thấy một trường hợp nào kẻ thù thắng cả. Hắn đã giúp đỡ cho sự khôi phục của Chúa. Kẻ thù không bao giờ có thể đánh bại Chúa Jesus. Các cửa Ha-đét không thể thắng hơn Hội thánh đã được xây dựng (Mat. 16:18). Hội thánh vẫn đang tiến tới và vẫn đang phát triển. Ha-lê-lu-gia! Dầu kẻ thù có thể hết sức phá đổ Hội thánh, chúng ta sẽ thấy chiến thắng. Chúng ta sẽ thấy rằng không những chính Chúa Jesus đang chiến thắng, mà Hội thánh cũng đang chiến thắng. Người ta càng nói tiêu cực về sự khôi phục của Chúa, sự khôi phục của Ngài lại càng thắng hơn.

C. Biến Đổi Sự Chết Thành Sự Sống Để Xây Dựng Nhà Đức Chúa Trời
Trong việc hóa nước thành rượu, nguyên tắc sự sống đã được đưa ra. Bây giờ trong sự xử lý đền thờ, mục đích của sự sống được bày tỏ. Nguyên tắc của sự sống là biến sự chết thành sự sống. Mục đích của sự sống là xây dựng nhà của Đức Chúa Trời. Nguyên tắc của sự sống là vì mục đích của sự sống. Việc biến sự chết thành sự sống là vì sự xây dựng của sự sống, là sự xây dựng nhà của Đức Chúa Trời. Hai điểm này chi phối toàn bộ Phúc Âm Giăng. Đó là lý do vì sao sau phần giới thiệu trong chương thứ nhất, chương thứ hai theo sau dùng hai sự kiện chỉ cho chúng ta thấy hai điểm này. Sau đó từ chương ba đến chương mười một là phần ghi lại chín trường hợp chứng minh thế nào Chúa đến với mọi loại tình huống của loài người và biến sự chết thành sự sống. Sau khi mọi trường hợp này đã được nhắc đến và sau khi sứ điệp cuối cùng đã được ban phát trong các chương mười bốn, mười lăm và mười sáu, thì trong chương mười bảy, Chúa dâng lời cầu nguyện với Cha về sự hiệp một. Lời cầu nguyện cho sự hiệp một này thật ra chính là lời cầu nguyện cho sự xây dựng. Nếu không được xây dựng lại với nhau, chúng ta không bao giờ có thể là một được. Chẳng hạn như một đống vật liệu không phải là một, vì vật liệu chưa được xây dựng lại với nhau. Một ngôi nhà gồm có nhiều vật liệu, và những vật liệu này là một vì chúng được xây dựng lại với nhau. Chỉ khi nào vật liệu được xây dựng lại với nhau thành một tòa nhà thì mới có sự hiệp một. Hiệp một nghĩa là được xây dựng lại với nhau. Vì vậy, mục đích của sự sống là xây dựng nhà của Đức Chúa Trời, đền thờ của Đức Chúa Trời, để làm nơi ở cho Đức Chúa Trời. Mục đích Chúa trở nên sự sống cho chúng ta là để xây dựng Hội thánh làm nơi cư ngụ của Đức Chúa Trời. Sự sống là vì sự xây dựng. Sự sống là vì Hội thánh. Ấy là vì sự xây dựng Hội thánh, tức Thân thể Ngài và nhà của Đức Chúa Trời, mà Chúa đã đến để làm sự sống của chúng ta.

Trong Giăng chương 2, người viết đã lựa chọn hai sự kiện trong số nhiều điều Chúa đã làm để bày tỏ cho chúng ta nguyên tắc và mục đích của sự sống. Chúng ta cần phải áp dụng nguyên tắc của sự sống cho mục đích của sự sống. Kế đến chúng ta sẽ thấy trong những chương tiếp theo của Phúc Âm Giăng, có cả nguyên tắc sự sống như đã được bày tỏ trong sự kiện đầu tiên và mục đích của sự sống như đã được bày tỏ trong sự kiện thứ hai.
-