Có một người bạn trên mạng đã viết e-mail hỏi tôi câu nầy:
"Có một điều muốn hỏi ý kiến MS: Có nhiều người (Hệ phái)
giải thích về SỰ TÁI SINH, BÁP-TÊM THÁNH LINH, ĐẦY DẪY THÁNH LINH, SỰ NÊN THÁNH
khác nhau dựa trên suy luận, hoặc theo quan điểm thần học chủ quan, duy lý. Xin
MS cho biết quan điểm của ông về các giáo lý nầy, dựa trên KT chứ không dựa
trên suy luận. Cám ơn MS".
Trước hết tôi xin nói rõ tôi không thích ai gọi mình là mục
sư theo nghĩa hàng giáo phẩm Ni cô la, là giới tăng lữ ngồi mát ăn bát vàng, vận
dụng quyền lãnh chúa chủ trị trên tín đồ thường. Tôi chỉ là một mục tử thấp hèn
chăn bầy của Chúa..
Tôi chia câu hỏi nầy làm 4 phần và sẽ giải đáp bằng 4 bài giải
luận ngắn như sau: Bài thứ nhất là Sự Tái Sinh
1. SỰ
TÁI SINH.
Giăng 3:3 "nếu một người không được sinh lại, (lời chú
thích bản HĐ 20110 là: sinh ra từ trên). 1 Phiero 1:23: "Anh em đã được
tái sinh".
Sự tái sinh (regeneration) và sự tân sinh (new birth) gần như
đồng nghĩa.
Giăng 3:3 chép về gennao
anothen -sự sinh ra từ trên cao, còn 1 Phiero 1:23 chép sự anagennao. Ana là
again, là tái, là trở lại, gennao là sinh ra lần nữa, anagennao là tái sinh, sinh
lại, sinh ra cách mới mẻ.
Sự tái sinh của Đức Chúa Trời là gì?
a. Theo quan điểm loài người trong cõi thời gian, Cơ Đốc nhân
vốn là tội nhân sa ngã, là thù nghịch của Chúa, hư mất trong thế gian tội lỗi.
Qua sự nghe phúc âm, tội nhân nghe lời Chúa kêu gọi, đến với Chúa qua người tín
đồ, thay đổi suy nghĩ về Chúa, về mình, ăn năn tội lỗi, tiếp nhận Chúa Jesus
vào lòng. Anh được giải hòa với Chúa, được tha tội, được xưng công bình, là được
Chúa tuyên bố là người vô tội trước cả vũ trụ. Anh còn được rửa sạch và được cứu.
Ngay khi đó Đức Thánh Linh, hiện thân của Chúa Jesus ngự vào lòng anh, anh được
ban cho bản chất và sự sống của Đức Chúa Trời-- "anh em được dự phần thần
tánh (divine nature)" (bản chất thần thượng BNC--không phải là "bản tính
thiên thượng- Heavenly nature" như BHĐ 2010 dịch sai). Và Giăng 3:16,
" hễ ai tin Con ấy ...được
sự sống đời đời". Khi ấy tội nhân được chuyển từ "tối tăm qua sáng
láng, từ quyền lực của Sa-tan trở về cùng Đức Chúa Trời" (Công 26:18).
Theo quan điểm con người, chúng ta là người được cứu "Vì
nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều nầy không đến từ anh em mà là
tặng phẩm của Đức Chúa Trời" (Ê-phê-sô 2:8).
b.Theo quan điểm của Đức Chúa Trời:
Epheso 2:10 BHĐ 2010 " Vì chúng ta là công trình của tay Ngài, được tạo dựng
trong Đấng Christ Jêsus để thực hiện những việc lành mà Đức Chúa Trời đã chuẩn
bị từ trước để chúng ta làm theo".
Ephesians 2:10 -New American Standard Bible (NASB) For we are
His workmanship, created in Christ Jesus for good works, which God prepared
beforehand so that we would walk in them.
Bản HĐ 2010 dịch Epheso 2:10 sai hai chỗ: 1/.chữ "công trình" nên dịch là
"kiệt tác" (workmanship hay masterpiece) và 2/ chữ "tạo dựng" nên dịch là "sáng tạo" theo thì quá
khứ đơn, past time, quá khứ diễn tả hành động đã xong rồi tại một thời điểm xác
định trong quá khứ.
Chúng ta, gồm cả hội thánh nói chung hoặc cá nhận tín đồ đeều
là kiệt tác, là tân tạo vật đã được Đức Chúa Trời sáng tạo rồi trong Đấng
Christ từ trước khi Ngài sáng vạn vật. Kiệt tác nầy không trải qua kinh nghiệm
tội lỗi. Cho nên Giăng 3:3 nói chúng ta được sinh ra từ trên cao. Xin các bạn đừng
hiểu lầm về sự đầu thai tại đây. Nhưng khi chúng ta được cứu theo quan điểm
loài người, thì ngay khi ấy theo quan điểm thiên đàng, chúng ta được sinh ra từ
trên cao.--có nghĩa bản tánh thần thượng, sự sống đời đời, tân tạo vật là chúng
ta là gì trong Đấng Christ ở trên trời, được sinh ra trong lòng, trong hồn,
trong người cũ của chúng ta. Những kiệt tác nầy Chúa đã sáng tạo xong rồi và
ghi tên họ tất cả vào sách sự sống của Chiên Con từ trước sáng thế (Khải 13:8).
Phi líp 3:21: "Nhưng chúng ta là công dân trên trời; từ
nơi ấy, chúng ta trông đợi Chúa và Cứu Chúa là Đức Chúa Jêsus Christ"-
Philippians 3:20 New American
Standard Bible (NASB)- For our citizenship is in heaven, from which also we
eagerly wait for a Savior, the Lord Jesus Christ" Chữ "công dân"
nên nhuận chánh cho đúng là "quốctịch"-(citizenship-- hay commonwealth).
Địa điểm chúng ta được sinh ra là nguyên quán, là quê hương,
là nơi cấp quốc tịch cho chúng ta phải không? Chúng ta là quốc dân trên trời,
được sinh ra từ trên cao khi tin Chúa, và đang sống đời kiều dân trên mặt đất.
Về mặt loài người, chúng ta từ thế giới đến cùng Chúa, nhưng theo quan điểm cõi
đời đời, chúng ta là những lữ khách đang
trở về quê hương yêu dấu của mình ở trên trời. - Hê bơ rơ 11:13-16 chép, "Tất cả những người ấy ...chào mừng
những điều ấy từ đằng xa, xưng mình là kiều dân và lữ khách trên đất. Vì những người nói như thế, chứng tỏ rằng họ
đang đi tìm một quê hương. Nếu họ đã nghĩ đến quê hương mà mình từ đó đi ra,
thì họ cũng đã có cơ hội trở về. Nhưng họ
mong ước một quê hương tốt hơn, tức là quê hương trên trời, nên Đức Chúa Trời
không hổ thẹn mà xưng mình là Đức Chúa Trời của họ, vì Ngài đã chuẩn bị cho họ
một thành".
Bạn ơi sau khi được cứu, được tái sinh, bạn đang trở về quê
hương yêu dấu, là nơi bạn đã được sinh ra, đã được sáng tạo trong Đấng Christ từ
trước khi có thời gian.
Sau cùng, tôi muốn nói đến Giăng 1:12, 13 "Nhưng bất cứ
ai tiếp nhận Ngài, tức là tin danh Ngài, thì Ngài ban cho họ quyền trở nên con
của Đức Chúa Trời, là những người được sinh ra không phải bởi khí huyết, hoặc bởi
ước muốn xác thịt, hoặc bởi ý người, nhưng bởi Đức Chúa Trời". Chữ "bởi
Đức Chúa Trời" theo nguyên văn là: "Out of God"--từ trong Đức
Chúa Trời mà ra, có nghĩa chúng ta dự phần bản chất và sự sống của Đức Chúa Trời
là Cha của chúng ta. Chữ "con" trong câu "con của Đức Chúa Trời"
là teknon có nghĩa là child, là con theo di truyền gene, di truyền bản chất.
Chúng ta là con đẻ thuộc linh của Đức Chúa Trời, thừa hưởng gene thuộc linh của
Ngài. Đó là sự tái sinh đó bạn.
Minh Khải 25-11-2017