Lịch sử của Hội Thánh đã có nhiều bước phát triển sai lệch. Tuy vậy, cho đến hôm nay, Đức Chúa Trời vẫn luôn khôi phục lại Hội Thánh theo đúng kế hoạch của Ngài. Một bước quan trọng của sự khôi phục này chính là công cuộc Cải Chánh ở nước Đức cách đây đúng 500 năm. Nhưng đó có phải là kết thúc không? Kinh Thánh đã cho biết trước cụ thể từng bước phát triển của Hội Thánh trong 2000 năm qua, để hôm nay chúng ta có thể quyết định đi con đường của Đức Chúa Trời.cuộc Cải Chánh Giáo Hội

Lời mở đầu


Nhiều người biết năm nay là kỷ niệm 500 năm ngày Cải Chánh Giáo Hội. Trong hình này, Martin Luther đứng trước hoàng đế Karl V của nước Đức. Kể từ lúc đó, nước Đức và cả Châu  Âu đã thay đổi rất nhiều. Điều này đã xảy ra như thế nào? Điều quan trọng hơn mà chúng ta phải thấy rằng Kinh Thánh đã cho biết trước từng bước phát triển của Hội Thánh trong 2000 năm qua. 

Hôm nay, chúng ta đi đến sách Khải Huyền, sách ghi lại các khải thị mà Chúa đã ban cho sứ đồ Giăng khi ông bị lưu đày ở đảo Bát-mô. Ông là sứ đồ cuối cùng còn sống. Lúc đó, các Hội Thánh bị tản lạc khắp nơi và đang bị tụt dốc. Trong tình huống này, Chúa Giê-su đã chỉ ra cho Giăng biết những điều quan trọng. Tối nay, chúng ta muốn xem xét những điều này
.

chân đèn vàng

Một hôm, ông đã nghe tiếng người nói với mình nên quay lại xem thì thấy “ … bảy chân đèn bằng vàng, giữa những chân đèn có ai giống như Con Người mặc áo dài, thắt đai bằng vàng ngang ngực” (Khải huyền 1:13). Con Người và bảy chân đèn ở đây là trọng tâm của sách Khải Huyền. Con Người này chính là Chúa Giê-su. Tại sao chúng tôi lại thuyết trình về đức tin nơi Chúa Giê-su ở trong trường đại học? Chúng tôi không phải là những nhà thần học, cũng không quan trọng hiểu biết về Kinh Thánh. Tuy nhiên, chúng tôi có những kinh nghiệm giống như kinh nghiệm của sứ đồ Phao-lô, ông đã được Đức Chúa Trời kêu gọi và Ngài đã bày tỏ Chúa Giê-su trong ông. Đó là lời chứng mà tôi và những người trong nhóm Kinh Thánh đã làm chứng trong trường đại học. Đối với chúng tôi, điều quan trọng không phải là hiểu biết hay sự dạy dỗ về Kinh Thánh, mà là quen biết Chúa, trải nghiệm Ngài. Chính Giăng cũng đã thấy Chúa Giê-su ở đảo Bát-mô. Ông cũng đã thấy bảy chân đèn bằng vàng. Bảy chân đèn này hoàn toàn được làm bằng vàng. Cái hình này được xuất phát từ  sách Xuất Ai Cập Ký, là một phần trong Lều Tạm mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ. Chân đèn này dùng để thắp sáng trong Đền Tạm. Đây không phải là chân đèn bình thường mà phức tạp hơn nhiều. Nó được làm bằng một khối vàng lớn, bao gồm nhiều nhánh đèn với nhiều nụ hoa và đài hoa hạnh nhân. Khải huyền 1:20 cho biết chân đèn này chính là Hội Thánh. Lúc đó, một thành phố chỉ có một Hội Thánh. Tại sao chân đèn này được gọi là Hội Thánh? Chúa Giê-su đã nói trong Ma-thi-ơ 5:14 “các ngươi là ánh sáng của thế giới”. Hội Thánh phải bày tỏ ánh sáng về Đức Chúa Trời và ý của Ngài. Chân đèn này không chỉ được bọc vàng mà được làm từ một khối vàng lớn. Có nghĩa là Hội Thánh của Đấng Christ phải được bản tính của Đức Chúa Trời, kinh nghiệm với Chúa, nhân tính của Chúa và sự công bằng của Ngài đổ đầy cách hoàn toàn. Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu xem Hội Thánh ngày nay tương xứng với hình này như thế nào.

Bây giờ, chúng ta xem bảy thư mà Giăng gửi cho bảy Hội Thánh trong sách Khải Huyền. Ngày nay, bảy Hội Thánh này thuộc nước Thổ Nhĩ Kỳ. Tên của bảy Hội Thánh là tên của bảy thành phố: Ê-phê-sô, Si-miệc nơ, Bẹt-găm, Thi-a-ti-rơ, Sạt-đe, Phi-la-đen-phi và Lao-đi-xê. Bảy thư này đều có ý nghĩa, tất cả đều là lời của Chúa Giê-su, Ngài muốn khiển trách Hội Thánh của Ngài. Các thư này nói lên nguyên lý thuộc linh của Hội Thánh ngày nay. Bảy lá thư này đã nói tiên tri về toàn bộ sự phát triển Hội Thánh của Chúa trong 2000 năm qua. Chỉ cần 2 chương thôi nhưng đã mô tả được toàn bộ lịch sử phát triển của Hội Thánh trong 2000 năm qua. Thật là ấn tượng! Tại sao lại là số 7? Vì số 7 trong Kinh Thánh mô tả công việc trọn vẹn của Đức Chúa Trời. Cũng như Đức Chúa Trời đã phục hồi lại trái đất trong bảy ngày thì bảy Hội Thánh cũng cho biết Đức Chúa Trời sẽ khôi phục lại Hội Thánh và làm nó trọn vẹn như thế nào. Các thư này rất quan trọng đối với chúng ta. Chúng ta phải hiểu và biết áp dụng nó.

Hội Thánh Ê-phê-sô

Chúng ta hãy bắt đầu với thư gửi cho Hội Thánh Ê-phê-sô. Cái tên “Ê-phê-sô” nghĩa là “đáng khao khát” và cũng có nghĩa là “bị buông ra”. Chúng ta sẽ thấy mỗi tên của thành phố đều có một nghĩa quan trọng đối với thời kỳ phát triển của Hội Thánh. Trong thư này, Chúa Giê-su giới thiệu Ngài là Đấng có bảy ngôi sao trong tay phải Ngài. Có nghĩa là lúc đó, Chúa có nhiều người dẫn dắt trung tín trong Hội Thánh, điển hình là các sứ đồ. Sau đó, Chúa cũng cho biết là trong thời gian này, Hội Thánh đã từ bỏ tình yêu ban đầu. Chúa nói: “Ta có điều trách ngươi, đó là ngươi đã bỏ tình yêu ban đầu”. Tình yêu ban đầu là tình yêu tốt nhất dành cho Chúa Giê-su. Vì vậy mà Chúa nói: “Hãy ăn năn!”. Đây không phải là sự ăn năn như lúc mới tin Chúa mà đây là sự ăn năn thường xuyên mỗi khi chúng ta rời xa tình yêu ban đầu dành cho Chúa. Chúng ta thấy vào thời đó Hội Thánh đã không còn tình yêu ban đầu đối với Chúa. Trong thư gửi cho Ti-mô-thê, Phao lô cho biết tất cả các Hội Thánh ở Tiểu Á đã rời bỏ ông (xem 2.Ti-mô-thê 1:15). Họ đã rời bỏ một người anh em hoàn toàn tuyệt đối cho Đấng Christ. Tại sao? Tại vì họ đã từ bỏ tình yêu ban đầu, là tình yêu tuyệt đối dành cho Chúa. Có cái gì đó đã len lỏi vào giữa họ và Đấng Christ. Chúa cũng nói: “nếu ngươi không ăn năn thì Ta sẽ cất chân đèn của ngươi khỏi chỗ nó”. Nếu tình trạng Hội Thánh như vậy thì Hội Thánh không còn là lời chứng của Chúa và cũng không còn ánh sáng của thế giới. 

Tuy nhiên, Hội Thánh này cũng có một điều mà Đức Chúa Trời đẹp lòng là họ ghét những việc làm của đảng Ni-cô-La mà Ngài cũng ghét nữa. Việc làm của đảng Ni-cô-la là gì? Trong tiếng Hy Lạp, từ Ni-cô-la bao gồm hai từ “Ni-cô” có nghĩa là “thống trị” và “la” có nghĩa là “dân”. Như vậy, đảng Ni-cô-la là phần thiểu số đang thống trị dân Chúa. Đó chính là hệ thống hàng giáo phẩm - giáo dân. Ngày nay, chúng ta thấy rằng hệ thống này đã trở nên phổ biến trong Cơ Đốc giáo. Lúc đó, Hội Thánh Ê-phê-sô đã ghét đảng Ni-cô-la này và đã không chấp nhận nó.

Bây giờ chúng ta hãy xem sơ đồ của lịch sử Hội Thánh từ thời Hội Thánh ban đầu cho đến khi Chúa Giê-su trở lại. Lá thư gửi cho Hội Thánh Ê-phê-sô là thời kỳ ban đầu của Hội Thánh cho đến hết thế kỷ thứ nhất. Vào thời đó, Giăng là sứ đồ cuối cùng còn đang sống. Trong thời kỳ này, chúng ta thấy Hội Thánh đã bắt đầu sa ngã vì Hội Thánh đã từ bỏ tình yêu ban đầu dành cho Chúa. Tóm lại, Hội Thánh Ê-phê-sô tượng trưng cho các Hội Thánh trong thời các sứ đồ. Thật ra, Chúa muốn Hội Thánh phải luôn vinh hiển cho đến khi Chúa trở lại và phải có tình yêu ban đầu, cũng như không được sa ngã. Tuy nhiên chúng ta thấy là ngay trong thế kỷ đầu thì Hội Thánh đã bắt đầu tụt dốc.



Hội Thánh Si-miệc-nơ

Bây giờ chúng ta đi đến với thư thứ hai để tìm hiểu xem Chúa Giê-su muốn nói gì với chúng ta. Từ “Si-miệc-nơ” theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là một dược. Trong Kinh Thánh, từ “một dược” có liên quan rất nhiều đến chịu khổ. Ví dụ, một dược được nhắc đến khi Chúa chịu đóng đinh. Hơn nữa, từ “một dược” cũng liên quan đến từ “cay đắng”. Nếu đọc thư này thì cũng có thể hiểu nghĩa của từ “Si-miệc-nơ”. Chúa Giê-su nói: “Ta biết sự hoạn nạn, nghèo khó,...những lời phỉ báng... ngục tù”. Nhưng đặc biệt là hoàn toàn không có một lời phê bình nào của Chúa. Điều này nói lên rằng Đức Chúa Trời đánh giá rất cao khi dân Ngài sẵn sàng chịu khổ vì Ngài. Rồi Chúa Giê-su nói Ngài là “Đấng đã chết nhưng đã sống lại” và khích lệ Hội Thánh “trung tín cho đến chết”. Điều này cho biết rất rõ là trong thời gian này sẽ có rất nhiều người tử đạo, nhưng với một lời hứa là “mão miện của sự sống”. Có nghĩa là sẽ sống lại và sẽ cùng trị vì với Chúa. 

Ở đây, Chúa Giê-su cũng cho biết họ sẽ gặp hoạn nạn trong 10 ngày. Lịch sử cho biết là từ khi thời kỳ của mười hai sứ đồ sắp kết thúc, thì có mười cuộc bức hại các Cơ Đốc nhân rất lớn trong đế chế của La Mã. Tôi liệt kê 10 hoàng đế La Mã ở đây, bắt đầu là Nero. Người ta nói hắn là hoàng đế La Mã tàn bạo nhất. Hắn đã bắt Cơ Đốc nhân làm đuốc thắp sáng và đóng đinh các Cơ Đốc nhân. Người kế tiếp là Domitian, là người đã bắt Giăng đi lưu đày. Người thứ bảy là Decius đã bắt đầu bức hại các Cơ Đốc nhân trên toàn đế chế La Mã. Chính phủ đã tổ chức sự bức hại đó. Hoàng đế thứ mười là Diocletian đã tiến hành các cuộc bức hại Cơ Đốc nhân hết sức tàn bạo. Mục tiêu của hắn là loại bỏ cái tên Giê-su Christ ra khỏi trái đất này. Hắn đã ra lệnh cho đốt toàn bộ sách của Cơ Đốc nhân, đặc biệt là Kinh Thánh. Nếu ai bị phát hiện đang đọc Kinh Thánh thì sẽ bị bỏ vào tù. Các Cơ Đốc nhân trên toàn đế chế La Mã bị giết bởi thú dữ, bởi rìu, và đóng đinh... Vậy ai đã đứng sau các cuộc bức hại Cơ Đốc nhân này? Kinh Thánh nói rõ là ma quỷ. Chúa Giê-su không nói là các hoàng đế mà Ngài nói là ma quỷ. Vì Hội Thánh là cái mà ma quỷ muốn hủy diệt. Trong các giai đoạn của đế chế La Mã, hắn tìm mọi cách để làm điều đó.

Như vậy, trên sơ đồ là thời kỳ Hội Thánh Si-miệc-nơ. Chỉ một mình cái tên “Si-miệc-nơ” đã là một lời tiên tri rất rõ ràng về những gì sẽ xảy ra: Hội Thánh sẽ bị bức hại bởi các hoàng đế La Mã, và đặc biệt là bởi 10 cái tên hoàng đế được liệt kê ở đây. Thời kỳ này được kết thúc vào năm 313 SCN. Chính xác vào thời gian đó thì chúng ta thấy có một sự phát triển khác

Hội Thánh Bẹt-găm

Bây giờ chúng ta sang thời kỳ kế tiếp là Bẹt-găm. Ở đây, Chúa nói với Hội Thánh Bẹt-găm hoàn toàn khác, Chúa nói là: “ngươi đang ở nơi có ngai vàng của Sa-tan” và “nơi các ngươi, là nơi Sa-tan đang ở”. Sự khác biệt này rất lớn. Trong thư gửi cho Hội Thánh Si-miệc-nơ, Chúa nói ma quỷ sẽ giết họ. Nhưng ở Bẹt-găm, Chúa nói Hội Thánh của Ngài đã đi đến nơi có ngai vàng của Sa-tan và cùng sống với hắn tại đó. Đặc biệt từ “Bẹt-găm” có nghĩa là “được nâng cao” hay “kết hôn”. Sự kết hôn này không phải là kết hôn với Đấng Christ mà là sự kết hôn giữa Hội Thánh và thế giới này, với ngai vàng của Sa-tan. Điều này xảy ra như thế nào? Vào năm 313 SCN, khi hoàng đế cuối cùng thừa nhận rằng việc bức hại các Cơ Đốc nhân đã bị thất bại. Thậm chí một hoàng đế trước đó khi nằm hấp hối trên giường đã phải thừa nhận là mình không thể nào loại bỏ được các Cơ Đốc nhân. Hai năm sau đó, có một sự thay đổi hoàn toàn: Cơ Đốc giáo đã được nâng cao, giống như nghĩa của từ Bẹt-găm là “được nâng cao” thậm chí còn được “kết hôn” với đế quốc nữa. Đến nỗi vào năm 380, Cơ Đốc giáo trở thành quốc giáo trên toàn đế chế La Mã. Mọi người đều là Cơ Đốc nhân dù họ không tin Chúa, và mọi dân ngoại đều cải đạo theo Cơ Đốc giáo. 

Kinh Thánh còn nói rằng trong thời này có “những người bám chặt sự dạy dỗ của Ba-la-am, là người dạy cho Ba-lác gây cớ vấp ngã cho con cái Israel, khiến họ ăn đồ cúng thần tượng và phạm tội gian dâm”. Lúc đó, Ba-la-am là một tiên tri của dân ngoại. Vì Israel rất thành công về mặt quân sự, đã đánh bại tất cả kẻ thù của họ, nên vua Ba-lác, cũng là kẻ thù của Israel, biết rằng không thể nào dùng sức mạnh quân sự để thắng Israel được. Vì vậy Ba-lác mới mời Ba-la-am đến. Hắn mới dạy Ba-lác là đừng có chiến đấu trực tiếp với Israel, mà hãy trộn lẫn những phụ nữ của dân Mô-áp vào Israel để họ phạm tội gian dâm. Những người này cũng đã cám dỗ làm cho dân Israel thờ thần tượng. Kết quả là Đức Chúa Trời phải phán xét dân Ngài. Ở đây, chúng ta thấy Ba-la-am dùng chiến lược hoàn toàn khác để chống lại dân Đức Chúa Trời, không phải là chiến lược dùng gươm giáo, mà là dùng sự gian dâm và thờ thần tượng. 

Lịch sử cho biết rằng sau khi Hội Thánh được hoàng đế và cả đế chế công nhận thì không lâu sau đó trong Hội Thánh người ta bắt đầu thờ bà Ma-ri. Đột nhiện xuất hiện một nữ thần. Đây chắc chắn là ảnh hưởng của dân ngoại, vì chỉ có dân ngoại mới có nữ thần, chứ Kinh Thánh hoàn toàn không có. Ngoài ra còn ngày lễ Giáng Sinh mà nhiều người sắp mừng. Ngày lễ này chắc chắn không phải là một ngày lễ của Chúa mà xuất phát từ hoàng đế Aurelius. Vì hắn ta là một người sùng bái thần mặt trời, nên hắn đã lấy ngày 25/12/274 để làm ngày sinh và ngày thờ thần mặt trời trong toàn đế chế La Mã. Từ đó xuất hiện lễ Giáng Sinh, chính là thờ thần tượng. Từ thế kỷ thứ 4, lễ này đã đi vào trong toàn bộ Cơ Đốc giáo. Ngoài ra, Hội Thánh còn bắt đầu phạm tội gian dâm thuộc linh. Đó là sự kết hợp giữa Hội Thánh với thế giới. Nếu Hội Thánh kết hợp với thế giới như ở trên thì trong mắt Đức Chúa Trời đó là tội gian dâm, không chung thủy. Trong Công đồng Nicaea I vào năm 325, hoàng đế Constantine được mời đến. Ông là trọng tài để giải quyết các vấn đề tranh cãi của các giám mục và là người quyết định tất cả mọi chuyện trong Hội Thánh mặc dù ông ta không thực sự là Cơ Đốc nhân. Chúng ta thấy, Sa-tan thay đã đổi mưu kế, thay vì dùng gươm giáo để bức hại Hội Thánh thì hắn đã thành công trong việc làm cho dân Chúa phạm tội gian dâm. Hơn nữa, Ba-la-am đã làm tất cả những điều đó để nhận được tiền. Từ thế kỷ thứ ba, trong Hội Thánh có lệnh cấm các giám mục không được đi làm mà họ phải nhận được một khoản lương cố định. Sau khi các Cơ Đốc nhân được hoàng đế Constantine công nhận thì tiền bạc của đế chế được tuôn đổ tràn trề vào trong Hội Thánh. Tất cả những điều này đã làm Hội Thánh sa ngã trầm trọng.

Ngoài ra, còn một điều khác len lỏi vào trong Hội Thánh nữa. Chúa Giê-su nói: “ngươi cũng có những kẻ bám chặt sự dạy dỗ của đảng Ni-cô-la”. Chúng ta biết đảng Ni-cô-la là hệ thống hàng giáo phẩm - giáo dân. Lúc này, họ không chỉ làm như vậy mà họ còn dùng Kinh Thánh để giải thích lý do tại sao lại có hai giai cấp là hàng giáo phẩm - giáo dân: giai cấp hàng giáo phẩm là những người thuộc linh, còn đa số những người còn lại chỉ là các tín đồ thường. Điều này hoàn toàn trái với lời Đức Chúa Trời, Kinh Thánh nói rất rõ rằng: tất cả các Cơ Đốc nhân đều là thầy tế lễ, hoàn toàn không có một giai cấp thứ hai nào. Vào năm 110 SCN, có một người tên là Inagtius đã viết nhiều lá thư để yêu cầu Hội Thánh phải nghe theo các giám mục. Đặc biệt vào thế kỷ thứ 5, các giám mục ở Rome như Innozenz và Leo đã tự nhận là người kế thừa của sứ đồ Phi-e-rơ. Họ còn dùng Ma-thi-ơ 16 để chứng minh Phi-e-rơ là giám mục đầu tiên của Rome, còn họ là những người kế vị trực tiếp của Phi-e-rơ. Qua đó, họ đã bắt đầu tạo ra chức vị giáo hoàng trong Hội Thánh vào thời gian này. Như vậy giai đoạn Bẹt-găm là giai đoạn Hội Thánh kết hôn với thế giới. Điều này đã xảy ra đúng như Kinh Thánh đã cho biết trước

Hội Thánh Thi-a-ti-rơ

Nhưng đó không phải là tất cả. Sau đó là Thi-a-ti-rơ. Đấng Christ đã nói gì về Thi-a-ti-rơ? Thi-a-ti-rơ có nghĩa là “các tế lễ”. Đấng Christ nói đến một người đàn bà tên là Giê-sa-bên. Ở đây còn nói bà ta đã tự nhận mình là một nữ tiên tri. Kinh Thánh cho biết Giê-sa-bên đã từng là một nữ hoàng của nước Israel, nhưng bà không xuất thân từ Israel mà xuất thân từ dân ngoại. Nữ hoàng này thật đáng sợ, đã ra lệnh giết tất cả các tiên tri của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, như một tiên tri, bà đã cám dỗ dân Chúa, làm cho họ thờ thần Ba-anh. Không chỉ vài người mà toàn bộ dân đã phạm tội thờ thần tượng. Khi nhìn lại lịch sử chúng ta thấy sau khi Hội Thánh kết hợp với thế giới thì Hội Thánh đã trở thành một nữ hoàng. Nhưng không phải là nữ hoàng theo như Đấng Christ muốn mà nữ hoàng này đã giết nhiều đầy tớ của Đấng Christ. Ví dụ như tòa án dị giáo ở Tây Ban Nha, bức hại nhóm Waldensian, nhóm Albigenses... Đọc lịch sử giáo hội, chúng ta sẽ rất sửng sốt vì thấy vô số máu tuôn đổ trong giai đoạn đó. Có thể nói máu như chảy ra từ các sách sử. Đặc biệt sự dạy dỗ của giáo hội Công Giáo La Mã đã làm toàn bộ Cơ Đốc nhân lìa bỏ Lời Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh để thờ thần tượng dưới mọi hình thức. Giáo hội còn cấm người dân đọc Kinh Thánh. Kinh Thánh được dịch ra tiếng La Tinh, thứ tiếng mà chỉ có linh mục mới hiểu. Qua đó, giáo lý của giáo hội Công Giáo mới có thể thống trị được dân Chúa. Như vậy, chỉ bằng một câu mà Chúa Giê-su đã cho biết Hội Thánh trong giai đoạn này đã phát triển như thế nào. Và từ năm 1870, giáo lý “giáo hoàng không bao phạm giờ sai lầm” được đề cao. 

Điều này đúng như lời mà Chúa nói: ” ….là một nữ tiên tri... dạy và dụ dỗ các đầy tớ của Ta phạm tội gian dâm”. Sự gian dâm thuộc linh này đã phát triển đến mức độ chưa từng có, đến nỗi Hội Thánh có quyền lực thế giới. Các giáo hoàng có thể lập hay bỏ hoàng đế. Lịch sử cho biết là hoàng đế người Đức Heinrich IV trong chuyến đi Canossa. Hoàng đế này phải chờ giáo hoàng ba ngày ở dưới tuyết, không bận trang phục vua chúa mà chỉ bận bộ đồ sám hối. Sau đó, giáo hoàng mới cho phép hoàng đế này vào, rồi giáo hoàng để chân lên cổ của hoàng đế. Điều này có liên quan gì đến Hội Thánh? Trong mắt Đức Chúa Trời đó là sự gian dâm, trộn lẫn với thế giới này và quyền lực. Kế đó là sự thờ cúng thần tượng. Chúng ta thấy trong giáo hội Công Giáo thờ các hình tượng, thờ thánh tích, thờ Ma-ri, rồi các thánh. Quả thật là một sự thờ thần tượng tràn lan.

Kinh Thánh còn cho biết Thi-a-ti-rơ có một sự dạy dỗ, là sự sâu nhiệm của Sa-tan. Từ “sự sâu hiểm” ở đây cũng có nghĩa “điều huyền bí”. Giáo hội Công Giáo La Mã tự hào vì họ có nhiều bí tích. Một trong các bí tích lớn nhất chính là bí tích thánh thể. Giáo hội Công Giáo tin rằng khi cử hành bí tích thánh thể, bánh và rượu sẽ biến thành mình và máu của Đấng Christ. Rồi họ hiến tế Đấng Christ một lần nữa để đền tội cho họ. Không phải đây chính là sự sâu nhiệm của Sa-tan sao? Cái tên “Thi-a-ti-rơ” có nghĩa là “các tế lễ”. Thật đúng như vậy. Ngoài ra, họ còn có sự dạy dỗ về ngục luyện tội. Sau khi một người chết thì xuống ngục luyện tội nên phải cầu nguyện cho người đó. Có nghĩa là người ta phải cầu nguyện cho người chết, cũng phải trả tiền để cầu nguyện hay đi hành hương. Nếu làm như vậy thì thời gian mà người đó ở dưới ngục luyện tội sẽ ngắn lại và người đó có thể lên thiên đàng sớm. Những sự dạy dỗ này từ đâu ra? Đó thật là sự sâu nhiệm của Sa-tan.

Ngoài ra còn có quy định độc thân. Các linh mục phải thề sống độc thân. Thư Ti-mô-thê thứ nhất cho biết rất rõ cấm kết hôn là sự dạy dỗ của các quỷ. Thật không khó để nhận biết được các nguồn gốc của những điều này. Chúng ta có thể dùng Lời Chúa để kiểm tra lại những gì mà nhà thờ dạy dỗ. Cuối Kinh Thánh, trong Khải Huyền 17, chúng ta thấy con điếm lớn Ba-by-lôn. Đức Chúa Trời sẽ làm gì với nó? Đấng phán xét nó, là Đức Chúa Trời đầy uy quyền. Ngài phải phán xét nó vì có quá nhiều máu của các thánh đồ và máu vô tội đã bị đổ ra trong suốt lịch sử, và việc giáo hội còn làm dân Chúa bị lầm lạc. Như vậy, Thi-a-ti-rơ này chính là giáo hội Công Giáo La Mã. Tồi tệ nhất là thời kỳ đen tối Trung Cổ kéo dài 1000 năm. Và không chỉ 1000 năm này mà Kinh Thánh cho biết là bốn Hội Thánh cuối vẫn còn tồn tại cho đến khi Chúa Giê-su trở lại. Vì trong bốn thư này Chúa Giê-su đều nhắc đến sự trở lại của Ngài. Trong thư gửi ba Hội Thánh trước thì Chúa không nhắc. Như vậy Thi-a-ti-rơ là giáo hội Công giáo La Mã từ thế kỷ thứ 6, và sẽ bị phán xét khi Chúa trở lại. 

Hội Thánh Sạt-đe

Sạt-đe là Hội Thánh kế tiếp. Từ “Sạt-đe” có nghĩa là phần còn sót lại. Sau khi Hội Thánh bị sa ngã trầm trọng, Đức Chúa Trời phải kêu gọi một phần dân còn sót lại để Ngài khôi phục lại Hội Thánh của Ngài. Chúa nói với Sạt-đe: “ngươi có tiếng là sống nhưng lại là chết”. Tại sao như vậy? Công cuộc Cải Chánh Giáo Hội có tiếng là sống nhưng những gì còn lại sau đó như truyền thống, tổ chức,.. thì là sự chết. Vào năm 1517, Martin Luther bắt đầu cải chánh giáo hội. Lúc đó những gì Đức Chúa Trời bày tỏ cho ông chính là sự sống. Đó chính là công việc của Thánh Linh để phá vỡ quyền lực bóng tối của Sa-tan trong thời Trung Cổ. Trong hình ở đầu bài, tại nghị viện Worms, Luther đã đứng trước hoàng đế để làm chứng rằng “Tôi đứng ở đây, và tôi không thể làm khác được. Đức Chúa Trời đã giúp tôi như vậy đó. Amen!”. Lúc đó Luther đã không thể nào chối bỏ được những gì mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho ông. Điều này thực sự quí giá và cũng là chương trình của Đức Chúa Trời, và nó là sự sống. Một năm sau, ông đã dịch sách Tân Ước, và trong những năm kế, ông dịch toàn bộ Kinh Thánh sang tiếng Đức. Qua đó, ông đã mở quyển Kinh Thánh cho toàn bộ người dân Đức để cho họ thấy được lẽ thật. Nhiều sự dạy dỗ và những điều sâu nhiệm của Sa-tan trong giáo hội đã được phơi bày ra. 

Tuy nhiên, công cuộc Cải Chánh lại phát triển theo hướng chính trị. Danh xưng “Kháng Cách” (người Việt thường gọi là “Tin Lành”) xuất phát từ nghị viện Speyer. Cũng tại nghị viện này, các thủ lãnh Đức đã nổi dậy chống lại hoàng đế. Sau đó là đến nước Anh. Chúng ta thấy rằng chưa đầy 15 năm sau khi Martin Luther công bố 95 luận đề thì đã hình thành hai giáo hội quốc giáo là Giáo hội Anh và Giáo hội Đức. Đó không phải là điều Chúa muốn. Chúa không muốn có quốc giáo và cũng không muốn Hội Thánh của Ngài trở thành một tổ chức. Ngoài ra, giáo hội Tin Lành đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các truyền thống của Công Giáo. Đó là lý do mà Chúa nói là “ngươi đã chết”. 

Trong thư này còn ghi “Ta không thấy công việc của ngươi là trọn vẹn trước mặt Đức Chúa Trời Ta”. Kết quả của cuộc Cải Chánh Tin Lành là con người được xưng công bình bởi đức tin chứ không phải là làm việc gì đó để được tha tội. Tuy nhiên, Hê-bơ-rơ 6:1 nói rằng:“Vì vậy, chúng ta phải bỏ qua các bài học sơ đẳng về Đấng Christ mà tiến tới sự trưởng thành, không đặt lại nền tảng cho sự ăn năn từ bỏ các công việc chết, đức tin Đức Chúa Trời”. Có nghĩa là chính Kinh Thánh gọi lẽ thật về sự xưng công bình bởi đức tin chỉ mới là nền tảng thôi. Vì nó mới chỉ là cái nền, nên chúng ta phải rời cái nền này để tiến tới sự trưởng thành. Vấn đề này vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay. Chúng ta thấy ngày nay đa số các Hội Thánh chỉ dạy dỗ về sự cứu rỗi và việc xưng công bình bởi đức tin. Như vậy, tình trạng thuộc linh không tiến lên mà dừng lại. Đó chính là một cái nhà tù mà Sa-tan đã tạo ra để Hội Thánh không thể nào đạt được sự trưởng thành. Do đó, Chúa Giê-su nói công việc Sạt-đe là không trọn vẹn, không thể đạt đến sự trưởng thành và không đi về đích được. Vì thế, Đức Chúa Trời phải luôn đánh thức Hội Thánh. Ở đây ghi là “hãy tỉnh thức”. Sạt-đe không chỉ bao gồm các giáo hội quốc giáo hay các giáo hội lớn mà còn liên quan đến tất cả các cuộc phục hưng sau cuộc Cải Chánh. Ví dụ như giáo hội Báp-típ, vào đầu thế kỷ 17, họ nhận ra rằng làm báp-tem cho trẻ em trong các giáo hội quốc giáo không được Đức Chúa Trời chấp nhận, là trái với lời Đức Chúa Trời nên họ đã can đảm đứng về lẽ thật này và họ rất sống động. Tiếc rằng, họ không tiếp tục đi tiếp mà đã dừng lại ở đó, không đạt đến sự trưởng thành. Vào thế kỷ thứ 18, xuất hiện phong trào Thánh Khiết mà điển hình là Wesley, người lập ra giáo hội Giám Lý ngày nay. Phong trào này rất mạnh mẽ. Người ta đã nhận ra con người không chỉ được cứu rỗi mà phải được đổi mới hoàn toàn bởi Thánh Linh, phải kinh nghiệm được sự cứu rỗi trọn vẹn và phải nên thánh. Đây là một việc làm rất tuyệt vời của Chúa. Các cuộc phục hưng này đã dẫn đến việc hình thành rất nhiều giáo hội độc lập và các hệ phái mà ngày nay chúng ta có thể thấy khắp nơi. 

Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là sự phục hồi trọn vẹn của Hội Thánh lúc đó đã không xảy ra. Trong Hội Thánh đó còn thiếu chức tế lễ thánh, mọi Cơ Đốc nhân đều là thầy tế lễ, và mọi tín đồ phải học để phục vụ Đức Chúa Trời. Cho đến ngày nay, chúng ta vẫn thấy người ta phục vụ Chúa để được trả lương, vẫn có chức mục sư và tiền bạc đóng vai trò rất quan trọng. Nhiều nhóm vẫn làm báp-tem cho trẻ em. Hội Thánh còn bị ảnh hưởng nhiều bởi thế giới này, sử dụng nhiều phương pháp của thế giới . Đó cũng là sự gian dâm thuộc linh, vẫn còn sự pha trộn giữa Hội Thánh với thế giới. Ngày nay, Sạt-de bao gồm nhiều nhóm đã từng được Đức Chúa Trời phục hưng. Họ nhận ra một lẽ thật nào đó rồi làm theo. Nhưng sau đó họ dừng lại, không muốn tiến về đích, nên họ không tiến lên được. 

Nhìn vào sơ đồ này, chúng ta thấy vào năm 1517 có sự tiến bộ. Ngày nay, sau cuộc Cải Chánh có rất nhiều hệ phái, các giáo hội độc lập và có nhiều sự chia rẽ. Đó không phải là điều Chúa muốn. Chúa vẫn chưa đạt được những điều mà Chúa muốn có trong Hội Thánh của Ngài. Tiếc là ngày nay đa số Cơ Đốc nhân chỉ dừng lại ở đây, đặc biệt là ở Đức. Ở Đức thì không có nhiều người ở Thi-a-ti-rơ, mà có nhiều Cơ Đốc nhân đã được tái sinh. Nhưng ở Đức có rất nhiều hệ phái Sạt-đe. Họ đã từng được Đức Chúa Trời phấn hưng, từng rất sống động nhưng bây giờ đã trở nên chết và không thể đi về đích được. Như vậy là Sạt-đe bao gồm các hệ phái, các nhóm độc lập bắt nguồn từ thế kỷ thứ 16. 

Hội Thánh Phi-la-đen-phi

Kế tiếp là thư gửi cho Hội Thánh Phi-la-đen-phi. Chúng ta thấy Chúa nói với Thi-a-ti-rơ là phải ăn năn, Chúa cũng bảo Sạt-đe là phải ăn năn. Nhưng Chúa không nói như vậy với Phi-la-đen-phi. Tại sao? Vì Phi-la-đen-phi là điều Chúa muốn có. Phi-la-đen-phi có nghĩa là tình yêu anh em. Trong Ma-thi-ơ 23 Chúa nói: “các ngươi không được để người ta gọi mình là Ra-bi”. Ngày nay, người ta gọi là “mục sư”, “linh mục”. Chúa nói: “vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em”. Chúa muốn giữa chúng ta không có tầng lớp nào cả, mà Ngài muốn tất cả chúng ta là anh em. Điều này hoàn toàn khác với sự dạy dỗ của đảng Ni-cô-la. Rồi Chúa nói với Phi-la-đen-phi rằng Ngài là “Đấng Thánh và Đấng Chân Thật”, và Phi-la-đen-phi “đã gìn giữ lời kiên nhẫn của Ngài”. Có nghĩa là ở Phi-la-đen-phi không phải chỉ có sự dạy dỗ về Lời Chúa mà còn có thực tại của Đấng Christ. Ngài là Đấng Chân Thật có nghĩa là Ngài đã làm ứng nghiệm Lời Ngài tại Phi-la-đen-phi. Cũng có nghĩa là ở Hội Thánh này thật sự có thực tại của Lời Chúa và có sự thánh khiết. Phi-la-đen-phi hoàn toàn được giải phóng khỏi Ba-la-am, khỏi sự gian dâm thuộc linh, đồ cúng thần tượng, và tiền bạc… 

Trong thư này, Chúa giới thiệu Ngài là Đấng có chìa khóa của Đa-vít và Ngài ban cho họ một cái cửa mở. Bây giờ, chúng ta xem cái cửa này nghĩa là gì? Trong Giăng 10, Chúa nói Ngài là cái cửa và những ai đi qua Chúa thì gặp được đồng cỏ. Đồng cỏ này nói đến thức ăn thuộc linh. Ngày nay, nếu một Hội Thánh muốn là Phi-la-đen-phi thì bắt buộc phải có nhiều thức ăn thuộc linh. Ở đây, Chúa đã mở ra một cái cửa ở trong Lời Chúa dẫn đến đồng cỏ xanh tươi, và đây cũng là một cái cửa cho Phúc  m. Trong thư Cô-lô-se và một số chỗ khác, Phao-lô cầu nguyện xin Đức Chúa Trời mở cái cửa để cho Phúc  m của Chúa được lan truyền….

Phi-la-đen-phi là giai đoạn nào trong lịch sử? Vào năm 1727 có một phong trào rất đặc biệt là phong trào anh em ở Herrnhuter. Phong trào này có liên quan đến đường thẳng của Phi-la-đen-phi là khôi phục Hội Thánh thật. Từ năm 1722 đến 1727, nhiều anh em đến từ Bohemia và các nơi khác đã tập trung tại lãnh địa của bá tước Zinzendorf. Họ đã trải nghiệm được sự hiệp một giữa các anh em trong nhiều năm. Tại nơi đó, họ đã bỏ tất cả việc làm của đảng Ni-cô-la, sự dạy dỗ của Ba-la-am, và tất cả những điều liên quan đến tiền. Thậm chỉ khẩu hiệu của họ theo tiếng La-tinh là “Unitas Fratrum” có nghĩa là sự hiệp một của các anh em. Đây quả thật là sự tác động của Chúa, là mùi vị của Phi-la-đen-phi mà Đức Chúa Trời muốn có. Từ phong trào này, Phúc  m được truyền ra mọi lục địa của thế giới. Họ thật sự có một cái cửa mở. 100 năm sau tại Ireland có các anh em ở Plymouth. Vào năm 1827 thì họ bắt đầu từ bỏ tất cả truyền thống, tổ chức, và những gì thuộc về tôn giáo. Họ đã nhóm với nhau trong sự hiệp một và trong tình yêu giữa các anh em. Phong trào này được đổ đầy bởi Chúa, họ đã nhận ra rất nhiều khải thị trong Lời Chúa như: sự trở lại của Chúa, ý nghĩa của 5 sách Môi-se, những lời tiên tri trong sách Đa-ni-ên và rất nhiều điều nữa. Có thể nói trong giai đoạn này, Lời Chúa được mở ra như chưa từng có. Sự chúc phước của Lời Chúa được bày tỏ trên toàn thế giới. Phong trào được chúc phước này đã biểu lộ được Phi-la-đen-phi. 100 năm sau đó ở Trung Quốc, Đức Chúa Trời đã dùng một nước hoàn toàn không bị ô uế bởi tôn giáo để bày tỏ rất nhiều ánh sáng về Hội Thánh, về xây dựng Hội Thánh thực tiễn. Watchman Nee, có thể nhiều người đã biết cái tên này, đã nhận rất nhiều ánh sáng của Chúa về xây dựng Hội Thánh, ý nghĩa của Hội Thánh, khôi phục Hội Thánh. Họ cũng đã thực hành theo đó. Lúc đó họ đã có một cánh cửa mở từ Trung Quốc, đến Đông Nam Á, Mỹ và Châu  u nữa. Vào khoảng thập niên 60 thì đến Mỹ, 70 thì tới Châu  u. Ở đó có rất nhiều thức ăn thuộc linh. Chúng ta thấy rằng Chúa đã thực hiện mục tiêu Phi-la-đen-phi này theo từng bước. Phi-la-đen-phi này chính là sự khôi phục lại chân đèn bằng vàng, là sự biểu lộ đích thực của Hội Thánh bắt đầu từ thế kỷ thứ 18 cho đến bây giờ. 

Hội Thánh Lao-đi-xê

Sau đó vẫn còn một cái lá thư nữa là thư gửi cho Lao-đi-xê. Lao-đi-xê có nghĩa là quyền lợi, phán xét và quyết định của dân, cũng có nghĩa là ý kiến của dân. Lá thư này rất có ý nghĩa với chúng ta, vì nó là lá thư cuối cùng trong bảy thư. Do đó, thư này cũng nói lên được hiện trạng của chúng ta trước khi Chúa trở lại. Ngày nay, Cơ Đốc nhân có rất nhiều ý kiến khác nhau về Kinh Thánh, về Hội Thánh và tất cả về những gì liên quan tới Đức Chúa Trời. Ai cũng nghĩ mình có quyền tự do để bày tỏ ý kiến của mình. Đó chính là Lao-đi-xê.Tình trạng này phổ biến ở các Cơ Đốc nhân. Thay vì lắng nghe lời phán của Thánh Linh, người ta lại có rất nhiều ý kiến khác nhau. 

Rồi Chúa nói: “vì ngươi hâm hẩm”. Hâm hẩm là trạng thái trở nên nguội lạnh, thậm chí là bắt đầu bị ôi thiu. Nếu để thức ăn trong bếp hai ngày thì thức ăn không chỉ bị nguội lạnh mà còn ôi thiu nữa. Nếu chúng ta như vậy thì Chúa làm sao? Chúa sẽ nhả chúng ta ra khỏi miệng của Ngài. Có nghĩa là sự thông công với Chúa bị mất đi, Chúa không còn sống động đối với chúng ta nữa. Vì Hội Thánh này nói: “ta giàu, ta nên giàu có rồi, không cần gì nữa” nên Chúa nói rằng: “ngươi khốn khổ, đáng thương, nghèo ngặt, đui mù và lõa lồ”. Đây là sự khác biệt lớn. Chúng ta thấy ở đây có sự kiêu ngạo thuộc linh. “Ngươi nói: ta giàu có”, có nghĩa là sự kiêu ngạo thuộc linh. “Ta không cần gì cả” nghĩa là sự kiêu ngạo này đã dẫn đến đui mù. Chúa còn nói “ngươi nghèo khó, đui mù và lõa lồ”. Hội Thánh đã đánh giá mình sai lầm một cách mù quáng, không có ánh sáng. Sự kiêu ngạo thuộc linh dẫn đến sự mù lòa thuộc linh. Ở Lao-đi-xê người ta nghĩ rằng mình giàu, nhưng thật ra họ thật nghèo khó. 

Tiếc rằng chúng tôi phải trình bày luôn phần này. ma quỷ, kẻ thù đích thực của Hội Thánh, luôn chiến đấu chống lại lời chứng của Chúa. Hắn đặc biệt chống lại lời chứng có liên quan đến Phi-la-đen-phi. Đối với ma quỷ, Thi-a-ti-rơ và Sạt-đe thì không thành vấn đề, nhưng mỗi phong trào liên quan tới Phi-la-đen-phi là vấn đề lớn đối với hắn, vì Đức Chúa Trời dùng những phong trào này để xây dựng hoàn tất Hội Thánh. Tiếc rằng lịch sử cho biết phong trào Herrnhuter khởi đầu rất tốt, nhưng không lâu sau đó lại phát triển theo hướng xấu. Thậm chí ngày nay, các anh em của phong trào Herrnhuter đã trở thành một phần của giáo hội Tin Lành. Họ cũng có nhiều điều liên quan tới Ba-la-am, có pha trộn với thế giới, có nhận tiền để phục vụ, và có chức mục sư. Họ tiếp nhận tất cả những điều này trở lại. Đó là Lao-đi-xê. Họ đã ngã xuống từ Phi-la-đen-phi. 

Cả phong trào các anh em Plymouth cũng vậy. Họ có một khởi đầu tuyệt vời, nhưng khoảng 20 năm sau đó, Sa-tan cũng tìm được cách gây chia rẽ trong phong trào anh em này. Họ tranh cãi nhiều về sự dạy dỗ làm ảnh hưởng đến sự sống và kinh nghiệm với Đấng Christ. Ngày nay, họ cũng có rất nhiều sách rất hay và họ cũng rất tự hào về sự dạy dỗ của mình. Tuy nhiên, mức độ sự sống và thực trạng của họ thì hoàn toàn khác. Tiếc rằng trong phong trào này thì ma quỷ cũng đã dùng mưu kế của nó để làm họ bị ngã khỏi con đường của Phi-la-đen-phi và trở thành Lao-đi-xê. 

Ở Trung Quốc cũng vậy. Trước khi bị tù, chính Watchman Nee đã than phiền vì những người cộng tác với ông nói quá nhiều đến nền tảng địa phương: nghĩa là mỗi thành phố chỉ có một Hội Thánh. Điều đó dĩ nhiên là đúng. Tuy nhiên, những người cộng tác với ông đã quá hào hứng về sự dạy dỗ này đến nỗi quên mất rằng lời chứng đích thực của Hội Thánh chính là sự sống của Chúa và sự giàu có của Đấng Christ. Họ đã sao nhãng những điều này. Do đó, một thời gian sau, lời chứng này bị giảm dần đi, rồi họ cũng bị sa ngã. 

Các Hội Thánh ở Mỹ đã từng rất vinh hiển vào đầu những năm 70. Nhưng những năm sau đó, Witness Lee, người lãnh đạo ở Mỹ, đã nói: “tôi đã nhìn thấy tất cả những gì mà người ta cần phải thấy ở trong Kinh Thánh”. Nhận định này chính là sự kiêu ngạo thuộc linh. Cũng trong thời gian đó, trong Hội Thánh xảy ra rất nhiều vấn đề. Đó chính là sự mù lòa thuộc linh. 

Còn ở Đức, chúng ta thấy đã từng có một giai đoạn rất tuyệt vời. Gần đây, có một người lãnh đạo nói: “Chúa đã xây dựng ở đây trong khoảng thời gian dài, anh em sẽ không bao giờ làm như vậy được, dù 100 năm nữa cũng không“. Đây là sự sa ngã vì kiêu ngạo thuộc linh và mù lòa thuộc linh, giống như điều mà Chúa đã nói về Lao-đi-xê: “ta giàu rồi”. Nếu chúng ta tự hào vì mình giàu thì chúng ta đã ngã rồi. Và chúng ta cũng đui mù, kiêu ngạo nữa. 

Như vậy, Lao-đi-xê được hình thành do Phi-la-đen-phi sa ngã. Nếu một Hội Thánh là Phi-la-đen-phi thì không có nghĩa Hội Thánh đó mãi mãi là Phi-la-đen-phi, mà nó có thể sa ngã, thậm chí ngã từ trên cao xuống. Ngay trước khi Chúa trở lại, Hội Thánh Phi-la-đen-phi cũng có thể ngã. Đây là điều rất quan trọng mà chúng ta cần lưu ý.

Phần kết

Tóm tắt sơ đồ mà chúng ta thấy ở đây. Tôi nghĩ điều ấn tượng nhất ở đây là chỉ qua hai chương này mà Chúa đã bảy tỏ những bước phát triển chính của Hội Thánh, không phải một cách chung chung, mà rất chính xác và tỉ mỉ theo đúng trình tự của các Hội Thánh. Hai chương này là lời tiên tri chính xác về cả lịch sử 2000 năm của Hội Thánh. Chỉ riêng điều này thôi cũng chứng minh cho lời Đức Chúa Trời, vì chỉ mình Đức Chúa Trời biết trước là từ một Hội Thánh bị bức hại, có nhiều người tử đạo sẽ trở thành một nữ hoàng của tất cả các dân tộc và cai trị các dân. Ngài cũng biết trước sự sâu nhiệm của Sa-tan ở trong Hội Thánh, Hội Thánh sẽ kết hôn với thế giới, và cũng có sự khôi phục Hội Thánh, và rồi Phi-la-đen-phi bị sa ngã. Ai có thể biết trước tất cả những điều này và nói trước được? Ngoài Đức Chúa Trời ra thì không ai làm được. 

Trong bảy thư, lời kêu gọi của Chúa dành cho chúng ta là “người nào thắng” và “ai có tai”. Ngày nay, chỉ còn bốn Hội Thánh sau. Trong bốn Hội Thánh này, Chúa kêu gọi các Hội Thánh Thi-a-ti-rơ, Sạt-đe, Lao-đi-xê phải ăn năn vì các Hội Thánh này không có điều mà Chúa muốn. Thi-a-ti-rơ là con điếm lớn. Khải Huyền 17 cũng cho biết Ba-by-lon là mẹ của các con điếm, có nghĩa là Lao-đi-xê, Sạt-đe là các con gái của nó. Tôi hoàn toàn không nói các Cơ Đốc nhân ở trong các giáo hội này là con điếm. Nhưng ở đây liên quan tới sự gian dâm thuộc linh, sự pha trộn với thế giới và tất cả những gì đã trình bày trong bài này. Tôi cũng không nói những Cơ Đốc nhân trong các nhóm này không được tái sinh và không yêu Chúa. Không! Nhưng họ bị cầm tù trong một hệ thống đang làm cản trở họ đi về đích, làm họ không đạt đến sự trưởng thành. Có thể họ đang bị giam giữ ở Sạt-đe, ở nơi mà mỗi ngày Chúa Nhật họ chỉ nghe Đức Chúa Trời tha thứ tội lỗi để họ được cứu rỗi, không bị hư mất, và không bị phán xét đời đời. Điều này nghe có vẻ hay, nhưng đó chính là ngục tù đang ngăn cản những tín đồ ở đó đi về đích, vì những thức ăn này không thể nào giúp họ đi về đích được. Còn ở Lao-đi-xê, mỗi tuần người ta nghe rằng họ tốt như thế nào, giàu có như thế nào, tuyệt vời ra sao... Người ta càng nghe càng nghĩ là tuyệt và rất tốt. Tuy nhiên, những điều này cản trở họ đi đến đích. Anh em không thể đi đến đích được vì ở đó Chúa không thể tiến lên được. Thi-a-ti-rơ thì dĩ nhiên là không được. Chúng ta phải ăn năn về những điều này và phải thắng. 

Bây giờ không còn liên quan đến những điều chung chung nữa mà anh em muốn làm gì sau khi nghe những lời mà Chúa đã phán? Anh em tiếp tục làm như vậy nữa hay sao? Tiếp tục ở đó, nhắm mắt lại cho tới khi Chúa trở lại, và nghĩ không có gì xấu xa cả. Hay anh em hỏi Chúa rằng: “Chúa ơi, Chúa đang làm gì vậy? Chúa đang ở đâu? Chúa ơi, con muốn đắc thắng”. Anh em có muốn trở thành người đắc thắng hay anh em muốn ở nơi mà Chúa đã lên án rồi, ở nơi mà Chúa không ngừng kêu gọi “hãy ăn năn” và “hãy đắc thắng? Mỗi người chúng ta phải quyết định là mình có làm hay không. 

Đây là lời kêu gọi trong Khải Huyền 18: “Hỡi dân Ta, hãy ra khỏi nó!”. Nếu hôm nay, chúng ta đang ở Sạt-đe, trong các hệ phái mà Chúa không đi đến đích được, thì chúng ta phải đi ra khỏi đó. Chúng ta không thể nào thay đổi giáo hội hay nhóm của mình được, bởi vì giáo hội Tin Lành vẫn tồn tại cho đến khi Chúa trở lại. Nhưng khi Chúa đến, Chúa sẽ phán xét hệ thống giáo hội này. Không phải vì những người ở đó không phải là các tín đồ mà vì Sa-tan đã tạo ra cả hệ thống này và tất cả những gì liên quan như tổ chức, tiền bạc, sự pha trộn với thế giới. Chúa phải phán xét tất cả những điều này. Nếu chúng ta ở trong đó, chúng ta cũng sẽ bị phán xét chung. Còn nếu ở Lao-đi-xê thì làm thế nào mà Chúa có thể mang chúng ta về đích được. Chính vì vậy, Chúa mới nói rằng: “Hỡi dân Ta, hãy ra khỏi nó!”. 

Ngày nay, Chúa sắp trở lại rồi, chúng ta thật sự rất gần ngày tái lâm của Chúa. Bây giờ là thời gian để đắc thắng, để từ bỏ những gì mà Chúa từ bỏ, và tiến lên ở nơi mà Chúa đang tiến lên. Chúng ta không chỉ ra khỏi Ba-by-lôn mà chúng ta phải xây dựng Phi-la-đen-phi. Có nghĩa là chúng ta phải đắc thắng những gì mà chúng ta đã nghe hôm nay như: từ bỏ tình yêu ban đầu, những gì liên quan đến thế giới này, đến hệ thống hàng giáo phẩm - giáo dân, cả sự hâm hẩm, và hiểu biết trống rỗng về Lời Chúa. Chúng ta phải đắc thắng tất cả những điều đó để xây dựng Phi-la-đen-phi vì chỉ Phi-la-đen-phi mới được Chúa hứa cất lên trước ngày thịnh nộ lớn của Đức Chúa Trời. Như vậy, đắc thắng những điều này là rất quan trọng trong thời chúng ta hơn bao giờ hết. Nếu không, Chúa sẽ phán xét tất cả những gì ở dưới đây, không phải những tín đồ ở đó không phải là tín đồ thật, mà Sa-tan đã giam giữ họ trong một hệ thống làm họ không thể tiến về đích được, và cũng không thực hiện được chương trình của Đức Chúa Trời. Tôi hy vọng những lời trong bài này không chỉ giúp các bạn tin Chúa hay yêu Chúa một cách chung chung, mà để chúng ta đi con đường của Phi-la-đen-phi cho đến đích và được cất lên trước ngày thịnh nộ lớn của Đức Chúa Trời.
(Dịch từ bài "Märtyrer, Papsttum, Reformation,…" của Das himmlische Jerusalem)