Từ A-đam đến Môi-se có chừng 2500 năm, và từ lúc Môi-se viết sách
Sáng Thế kí đến Đấng Christ có chừng 1500 năm nữa. Chữ Nho (Hán tự) là một loại
chữ tượng hình được những người Trung Hoa cổ đại sáng chế vào khoảng thế kỉ 25
TCN, nghĩa là trước Môi-se chừng 1000 năm. Họ di trú từ vùng Lưỡng hà, Iraq, đi
qua phía đông, rồi xuôi nam đến vùng Trung nguyên Hoa lục và định cư. Chữ Nho
được những người am hiểu lịch sử nhân loại trong Sáng 1-11 sáng chế ra. Họ đưa
những ý nghĩa câu chuyện xảy ra từ vườn Ê-đen đến tháp Ba-bên vào những chữ Hán
cơ bản ban đầu. Thí dụ chữ 船 “thuyền” gồm có chữ “chu” bên trái
nghĩa là thuyền, bên phải có chữ “bát” là tám và chữ “khẩu”, cái miệng. Chiếc
thuyền lớn, là tàu, có 8 người. Đó không phải là câu chuyện trong Sáng thế kí
6-7 hay sao?
Kinh thánh nói chung, cũng như sách Sáng thế kí nói riêng, lắm
khi chép quá kĩ lưỡng và dài dòng về một số sự kiện, trong khi đó lại lại giấu
kín một số sự kiện mà chúng ta phải nhờ cậy sự khôn ngoan của Chúa đào sâu và so
sánh kinh văn mới tìm ra. Hôm nay tôi muốn bàn về Sợi Dây Lưu Truyền Lời Đức
Chúa Trời thời thượng cổ trong sách Sáng thế kí.
Sáng thế kí là một quyển sách chứa đựng rất nhiều niên hiệu của
khoảng chừng 24 thế kỉ trong lịch sử loài người thượng cổ.
1.
A-đam
và Hê-nóc:
Đọc Sáng thế kí 5, chúng ta thấy A-đam hưởng thọ 930 tuổi,
nên khi Hê nóc ra đời, A-đam mới 687 tuổi, và Hê nóc sống chung đồng thời với
A-đam đến 243 năm.
Thật trớ trêu, một người gặp Chúa mặt đối mặt trong vườn nay
đã lỗi thời, không còn thông công thân mật với Chúa, trong khi cháu đời thứ 7 của
ông lại đồng đi với Đức Chúa Trời, Đấng mà dường như Ông đã làm mất. A-đam qua
đời, (chớ không được biến hóa) trước khi Hê-nóc được ra đi, và có lẽ Hê-nóc vào
Lạc viên- không phải lên thiên đàng.
2.
Hê-nóc
và Mê-tu-sê-la:
Hê nóc là đời thứ 7 kể từ A-đam, chắc chắn đã được các ông tổ
của mình kể lại và truyền thụ đầy đủ mọi điều về Đức Chúa Trời và câu chuyện vườn
Ê-đen cùng các hệ lụy. Qua sự lãnh hội những sự kiện và lời thuộc linh ấy, tất
cả đã góp phần cấu tạo Hê-nóc thành đấng tiên tri của Chúa. Nếp sống hằng ngày
của ông là đồng đi với Chúa trong sinh hoạt, sống thân mật, giao thông từng hơi
thở, từng bước đi với Chúa suốt 300 năm. Một năm theo Kinh thánh là 360 ngày, vậy
300 năm là 108.000 ngày. Đó là vào thời thượng cổ chưa có Kinh thánh, chưa có sự
nhóm họp của hội chúng, nên Hê nóc phải mất 300 năm mới đạt bậc trưởng thành
chín muồi và được biến hóa về với Chúa. Môi-se chỉ mất 120 năm để được hoàn hảo,
vua Đa-vít thì cần 70 năm, có lẽ Phao lô chỉ cần hơn 32 năm, và các người thánh
của Đức Chúa Trời sau Cuộc Cải chánh mất chừng 50 hay 60 năm mà thôi. Còn bạn, thì
cần mấy năm để trưởng thành như họ?
Hê-nóc nói tiên tri về hai biến cố:
--Nước lụt. Năm ông 65 tuổi, Hê-nóc sanh con đầu lòng, đặt
tên là Mê-tu-sê-la. Tên nầy, theo một quyển Concordance, có nghĩa “Khi người nầy
chết có đôi điều xảy ra”. Quả thật Mê-tu-sê-la đã chết đúng nào năm có nước lụt.
Bố của Nô ê là Lê-méc chết trước nước lụt 5 năm, và khi Nô-ê mai táng cho ông nội
mình xong, thì cơn đại hồng thủy nổ ra. Hê nóc đã rao phúc âm cho nhân loại thời
đó qua sự hiện hiện và đi lại của con ông, mang tên như một biểu ngữ công khai:
“Khi người nầy chết có đôi điều xảy ra”. Nhân loại đã nghe sứ điệp nầy suốt 969
năm mà vẫn cứng cỏi, không ăn năn.
--Chúa Giê-su tái lâm:
Giu đe 1:14-15 TKTC—Hê- nóc “trong thế-hệ thứ bảy từ A-đam,
cũng đã tiên-tri, rằng: “Kìa, Chúa đã đến với hàng vạn thánh nhân của Ngài để
thi hành phán-quyết trên tất cả, và để kết-tội mọi kẻ không tin-kính về tất cả
các việc làm không tin-kính của chúng mà chúng đã làm một cách không tin-kính,
và về tất cả những điều chói tai mà các kẻ phạm tội không tin-kính đã nói chống
lại Ngài”.
Qua nếp sống thân mật, đồng đi với Chúa, Hê nóc đã thấy trước
hai biến cố trọng đại đó. Bạn có cảm nhận về sự tái lâm hầu gần của Chúa Giê-su
chăng?
3.
Mê-tu
sê la và Nô- ê:
Theo Sáng thế kí 5, Ông cháu Mê-tu sê-la và Nô ê, đã sống
chung với nhau đến 600 năm. Lê- méc, bố Nô- ê cũng là một người thuộc linh, nên
nói về con mình khi con ấy ra đời: “Đứa này sẽ phải an-ủi chúng ta trong việc
làm chúng ta và trong việc làm vất-vả của những bàn tay chúng ta do đất mà Đức
GIA-VÊ đã rủa-sả." Lê-méc đã chơi chữ, vì tên “Nô-ê” có nghĩa là “an nghỉ”
(rest).
Ô một gia đình hạnh phúc, ông bà nội, cha mẹ, hai vợ chồng,
ba con trai và ba nàng dâu đều kính thờ Chúa, đến nổi tác giả sách Sáng thế kí phải
cảm thán xuống tay viết, “Nhưng Nô-ê tìm được ân-huệ theo mắt của Đức GIAVÊ. Đây
là các bảng ghi chép các thế-hệ của Nô-ê. Nô-ê là một người đàn-ông công-chính,
không có chỗ trách được trong thế-hệ của ông; Nô-ê bước đi với Đức Chúa TRỜI”
(Sáng 6:8-9)
Bạn nghĩ rằng Nô-ê và Sem có lãnh hội nhuần nhuyễn lời Chúa, và
mọi sự kiện mà 9 ông tổ trước đã kinh nghiệm dưới sự xử lí của Chúa chăng?
Nô-ê, nhất là Sem là cái cầu nối bắc qua nhân loại mới sau nước lụt và truyền mọi
khải thị thần thượng từ trước cho hậu thế.
4.
Nô-ê
với Áp-ra-ham:
Sau nước lụt, Nô-ê còn sống đến 350 năm (Sáng (9: 28 ). Nô-ê
đã chứng kiến sự tan rả công trình chống Chúa của hàng vạn con cháu của ông.
Sáng thế kí 11 cho biết rằng Bê-léc đã ra đời vào năm thứ 101
sau nước lụt. Còn Sáng 10: 25 chép, “Và 2 con trai đã được sinh ra cho Hê-be,
tên một đứa là Bê-lét, vì trong các ngày của người, trái đất bị chia ra”.
Điều rất thú vị là chữ 分“phân” trong Hán tự gồm có hai chữ:
trên là chữ “bát” (tám) và dưới là chữ “đao” (con dao). Con dao đâm vào số 8, (là
nhân loạo 8 người sau nước lụt), thì sẽ gây thảm họa tan tác cho các thứ tiếng,
các dân tộc lan tràn khắp cả mặt đất. Hê-be sinh con trai đầu lòng và đặt tên
là “Bê-léc” để kỉ niệm biến cố tan tác đó.
Nghiên cứu Sáng thế kí 11, các bạn sẽ thấy Áp-ra-ham ra đời
vào năm 292 sau nước lụt, như vậy Nô-ê sống chung với Áp-ra-ham đến 58 năm, và
ông Sem sống 208 năm đồng thời với Áp-ra-ham. Cho dù Áp-ra-ham từ giả cụ Sem để
lên đường đi theo tiếng gọi của Chúa đến Cha ran (bắc nước Syria) và vào đất hứa
Ca-na-an sau đó, nhưng ai có thể cản trở Áp-ra-ham có nhiều lần trở về xin được
cụ tổ của mình tư vấn về lãnh vực thuộc linh?
5.
Y-sác
và Lê-vi:
Khi hai bố con đoàn tụ tại Ai cập, Gia cốp 130 tuổi, còn
Giô-sép thì 39. Do sự tính toán, chúng ta sẽ thấy rằng Gia cốp bỏ nhà ra đi năm
77 tuổi, và trở về cùng bố Y-sác vào năm ông khoảng 97- 98 tuổi. Vào ngày đoàn
tụ ấy, cụ Y-sác đã được 158 tuổi. Cho nên người cháu nội thuộc linh của Gia cốp
là Lê-vi đã sống chung với ông nội đến 22 năm tại Hếp-rôn. Chắc chắn Y-sác đã
chứng kiến sự mất tích của Giô-sép, và Y sác đã về cùng tổ tông trước khi Giô
sép lên ngôi tể tướng Ai cập.
6.
Am-ram
và Môi-se
Sách Xuất Hành 6 bày tỏ Lê-vi thọ 137 tuổi, để lại 3 con trai
là Ghẹt-sôn, Kê-hát và Mê-ra-ri. Kê-hát hưởng thọ 133 tuổi, có 4 con, và con đầu
lòng là Am-ram. Am-ram hưởng thọ 137 tuổi, có ba con là Mi-ri-am, A-rôn, và Môi
se.
Chúng ta không biết sau khi được 80 tuổi, khi Môi-se đã trở về
nhà bố mình, thì Am-ram còn sống hay chăng? Nhưng trong 40 năm sống cuộc đời
con trai của công chúa Pha-ra-ôn, há Môi-se không có rất nhiều lần được nghe
cha kể chuyện xưa về các tổ phụ, về các lời hứa của Đức Chúa Trời ban cho họ.
Là con người có khả năng lớn trong trí tuệ và kí tính, tôi tin Môi se thuộc làu
tất cả.
7.
Môi-se
viết Sáng Thế kí-
Xuất hành 24:4, “Và Môi-se viết xuống tất cả các lời của Đức GIA-VÊ”.
Các nhà giải kinh tin rằng Môi se đã viết tác phẩm đầu tay là
sách Gióp, khi ông tạm trú tại nhà bố vợ ở xứ Ma-đi-an. Lời của Chúa và lịch sử
sự chuyển động của Đức Chúa Trời giữa nhân loại và giữa các tổ phụ của dân
Israel, đã được các bậc tiền bối truyền khẩu lại cho Môi-se, và ông được Linh của
Chúa hà hơi cùng cảm thúc viết lại cách trung thực và chính xác thành sách Sáng
thế kí trong đồng vắng.
Các học giả kinh thánh tin rằng Môi se cũng đã sử dụng tham
chiếu những tư liệu, những sách gia phổ mà người thượng cổ đã chế tác khi ghi
khắc trên những bảng đất sét nung, còn để lại.
Cảm tạ Chúa đã có một sợi dây lưu truyền lời Chúa từ vườn
Ê-đen, về lịch sử loài người trong khoảng 23 thế kỉ đến Môi se, một dụng cụ sắc
sảo của Chủa để viết ra Kinh thánh. Chấp sự Ê-tiên chính xác trong câu nói, “Và
Môi-se được dạy dỗ theo mọi việc học-hành của dân Ê-díp-tô, và ông là một người
có quyền trong lời nói và việc làm”.
Lòng tôi rất xúc động, cúi xuống trong sự tôn thờ Chúa, khi
nhìn thấy suốt chừng 23 thế kỉ thời thượng cổ, Đức Chúa Trời đã sử dụng nhiều
chiếc bình quý giá, nhiều con người có tuổi thọ cao để lưu truyền lời Ngài và
câu chuyện nhân loại đã từng sống dưới sự tể trị của Ngài cho chúng ta ngày nay
am hiểu. Ô ngợi khen và cảm tạ Chúa vô cùng!
Ezra Trần- 21-02-2029