Thứ Năm, 12 tháng 11, 2020

ĐỨC CHÚA TRỜI KHÔNG NHẬN CỦA HỐI LỘ-

 

 (The Lord did not taken a bribe).

Phục Truyền 10:17,“Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi là Đức Chúa Trời của các thần, và Chúa của các chúa, tức là Đức Chúa Trời rất lớn, có quyền năng và đáng sợ, không thiên vị ai, chẳng nhận của hối lộ”,

Deuteronomy 10:17:For the LORD your God is God of gods and Lord of lords, a great God, mighty, and terrible, who makes no exception of persons, nor takes a bribe”.

 Nhà tâm lí học giỏi là Sa lô môn có nhận xét sâu sắc: “Của lễ dâng kín nhiệm nguôi cơn thạnh nộ; Của hối lộ đút vào lòng làm ngất cơn giận dữ tợn” (Châm 21: 14). Đó là nguyên tắc sống của dân vô tín và của tín đồ xác thịt.

Trong năm của lễ căn bản có của lễ bình an, mà bản Truyền thống dịch của lễ thứ ba đó cách sai lầm thành của lễ “thù ân” (3:1) đem lại cảm tưởng sai lầm về sự hối lộ cho dân Chúa. Đó là của lễ bình an mà người tín đồ có thể dâng lên cho Chúa vì hai lí do: cảm tạ (Lê. 7:12); và “thường nguyện hay lạc ý mà tiếng Anh dịch rõ hơn là “a vow, or voluntary”—hứa nguyện hay tình nguyện, ngụ ý sự tự nguyện, tự ý dâng của lễ cho Chúa khi đời sống mình được bình an, thịnh vượng, chớ không phải bị tình thế ép buộc phải hứa nguyện với mục đích hối lộ Chúa khi gặp khủng hoảng, biến động đảo lộn trong cuộc sống.

Gia cốp rất sành sõi cách đút hối lộ, và ông đã thành công khi dùng rất nhiều đàn gia súc có giá trị đút vào mồm của Ê-sau để làm nguôi cơn giận của anh mình. Trong xã hội loài người, việc hối lộ là một sự việc thông thường. Tôi đã thấy nhiều mục tử, nhiều cơ Đốc nhân cũng dùng mánh khóe đó trong nhà Chúa. Những tín đồ, những mục tử con mới ra trường,  thấp cổ bé miệng, nếu gặp khổ nạn nào đó, liền tìm cách hối lộ các bậc thẩm quyền bề trên trong giáo hội để được yên thân, được thăng quan, tiến chức.

 Do cuộc sống quen thuộc trong thế giới hối lộ, nên nhiều con cái Chúa cũng dùng của cải mình mong hối lộ Đức Chúa Trời khi họ cảm thấy Chúa dường như phạt họ điều gì đó, hay họ bị lâm vào chỗ bế tắc cùng đường.

 Ngoài xã hội loài người, người đạo Phật hứa nguyện thẳng với đấng thiêng liêng của họ rằng họ sẽ xây một hay hai ngôi chùa nếu phật giải cứu họ khỏi chỗ bế tắc. Người lương thì mặc cả với thần linh là họ sẽ hiến tế  bò heo hay phóng sinh cá hoặc chim chóc để tạ lễ nếu thần của họ giải cứu họ.

 Quan xét Giép-thê, thực ra, đâu cần hứa nguyện lời nầy: "Nếu quả thực Người nộp con cái Ammôn trong tay tôi,  thì người thứ nhất ra khỏi cửa nhà tôi để đón tôi, khi tôi được bình an vô sự từ vùng con cái Ammôn trở về, người ấy thuộc về Yavê và tôi xin thượng tiến nó làm lễ thượng hiến". Ông muốn hối lộ Chúa để cầm chắc sự chiến thắng trên quân thù trong tay, nên đã chết đi sống lại khi bắt con gái yêu, đồng trinh, làm của lễ thiêu.

Trong thời kì chạy trốn vua Sau-lơ, David cũng có nhiều cơ hội hứa dâng cho Chúa của lễ hay điều gì đó như Thi thiên 66:13-14 chép, “Tôi sẽ lấy của lễ thiêu mà vào trong nhà Chúa, Trả xong cho Chúa các sự hứa nguyện tôi,  Mà môi tôi đã hứa,  Và miệng tôi nói ra trong khi bị gian truân”.

David cũng có cùng tư tưởng đúng tâm lí như người chưa tin Chúa. David có cần hứa dâng hiến nầy nọ cho Chúa chăng, trong khi ban đầu Chúa đã sai tiên tri Sa-mu-ên xức dầu cho ông làm vua dân Israel, thì Chúa phải có trách nhiệm duy trì mạng sống ông chứ?. Khi gặp hoạn nạn, bị săn đuổi mạng sống, ông chỉ nên cầu xin Chúa bảo vệ mạng sống mình hơn là hứa dâng cái gì đó cho Chúa nếu tai qua, nạn khỏi. Đó là một hình thức hối lộ Chúa.

 Tiên tri nổi danh là Giô na, sống sau vua David chừng 2 thế kỉ, cũng mắc phải thói tục ưa đút của hối lộ đó, khi ông tự thú nhận, “Tôi sẽ trả sự tôi đã hứa nguyện. Sự cứu đến từ Đức  Giê-hô-va!” (Giô na 2:10).

Giô na muốn hối lộ Chúa điều gì? Sau khi bất tuân lệnh Chúa và chạy trốn, Giô na đã bị quăng xuống biển, rồi bị con hải vật đại dương nuốt vào bụng nó, nhưng ông lại không chết. Giô na thuật chuyện rằng ông đã xuống đến âm phủ, ngụ ý xuống nơi đáy đại dương. Tôi nghĩ, ông không cần hứa nguyện dâng của lễ, như để hối lộ Chúa. Ông chỉ cần ăn năn tội bất tuân và hứa sẽ sửa đổi nếu Chúa còn muốn dùng ông rao giảng cho thành Ni ni ve một cơ hội. Theo thói tục ngoại đạo, ông đã hứa nguyện dâng của lễ cho Chúa, nếu mình thoát khỏi bụng con cá lớn đó.

 Tôi từng biết nhiều tín đồ, khi gặp cơn đại hoạn nạn, bế tắc, cùng đường, tuyệt vọng, đã hứa nguyện sẽ đọc kinh thánh mỗi ngày 10 chương, sẽ đi nhà giảng mỗi tuần, sẽ dẫn bao nhiêu hồn người đến với Chúa, sẽ phân phát bao nhiêu ngàn tờ rơi phúc âm. Thật chẳng khác nào dân thế tục hứa nguyện dâng của lễ bằng bò heo, hay bằng cách phóng sinh đối với thần linh của họ. Ôi một cuộc sống hiến dâng vì động cơ ích kỉ, không phải hiến dâng  do lòng tự nguyện khi  sống bình an.

Sau khi vua A-háp nghe tiên tri Ê-li rao án lệnh tử hình do Chúa phán quyết trên ông, và tiêu diệt triều đại của minh, ông đã hạ mình khẩn đảo tha thiết với Chúa, và chắc cũng hứa dâng hiến nhiều lễ vật nầy nọ để trả lễ nếu Chúa tha mạng ông. Kinh thánh chép, “A-háp vừa nghe các lời ấy, thì xé áo mình, mặc bao bị ngay trên da thịt, ông giữ chay, và nằm trên bao bị, và bước đi ủ rũ.  Lời Yavê đến với Ê-li người Tisbê rằng:  Ngươi có thấy không, A-háp đã hạ mình xuống trước mặt Ta? Bởi nó đã hạ mình xuống trước mặt Ta, Ta sẽ không giáng họa xuống vào ngày đời nó; nhưng vào ngày đời con nó, Ta sẽ giáng họa xuống trên nhà nó". Vua A hap cũng có khả năng dâng 1000 con bò như vua Sa lô môn từng dâng, để tạ lễ cho Chúa, nếu ông không tử trận và an toàn trở về nhà.

 Chúa không chấp nhận của hối lộ của ông, nhưng Ngài thấy ông có hạ mình ăn năn tội lỗi, nên Ngài triễn hạn tiêu diệt triều đại ông, nhưng vẫn không thay đổi án lệnh tử hình trên ông. Chúa không nhận của hối lộ bao giờ.

 Xin Chúa dùng những lời nầy, những gương mẫu của các thánh đồ từng hối lộ Chúa mà làm lời cảnh tỉnh cho chúng ta. Nếu gặp hoạn nạn hay cùng đường, nếu sa lầy trong tội lỗi, sai lầm, thì chỉ có một cách duy nhất là ăn năn, sám hối, thay đổi lối sống đạo của mình. Tuyệt đối không hứa nguyện nầy nọ với dụng ý làm xoa dịu cơn giận của Chúa đối với mình, điều đó là một việc hối lộ đại ác.

Vì Kinh thánh chép, “The sacrifices of God are a broken spirit: a broken and a contrite heart, O God, thou wilt not despise.- Tế lễ hy sinh đẹp lòng Đức Chúa Trờ ilà tâm linh tan vỡ. Đức Chúa Trời ôi, tấm lòng thống hối tan vỡ Ngài không khinh bỉ  đâu” (Thi thiên 51: 17).

Xin Chúa giải cứu anh em chúng ta khỏi lối sống muốn hối lộ Chúa, chớ không  biết ăn năn.

Khải Đạo 12-11-2020