Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

Địa Lý Xứ Thánh -4

Sa-ma-ri 


Nằm về phía bắc Giê-ru-sa-lem là phần lãnh thổ Sa-ma-ri , với khu liên hợp thủ đô tại Si-chem và thành phố Sa-ma-ri. Nằm dưới chân của vùng núi đôi Ga-ri-xim và Ê-banh là bàn thờ đầu tiên cho Chúa được xây dựng trong vùng đất nầy.

Tại địa điểm cụ thể nầy Đức Chúa Trời là Đấng kêu gọi Áp-ra-ham ra khỏi xứ U-rơ của người Canh-đê, cuối cùng đã chỉ định rằng đây là vùng đất sẽ thuộc về ông và dòng dõi ông cho đến đời đời (SangSt 12:6-7). Hướng về chỗ nầy, Đức Chúa Trời truyền lệnh cho Y-sơ-ra-ên quay về và nhóm họp lại để đọc lời rủa sả và lời chúc phước của giao ước (PhucDnl 11:29-30). Sau đó Giô-suê dẫn dân chúng đi thẳng về địa bàn nầy để họ có thể làm trọn mệnh lệnh của Chúa trong việc làm mới lại giao ước (Gios Gs 8:30-35).
Thật là một ngày đáng buồn, nhiều năm sau đó một thủ đô đối địch với thành phố Giê-ru-sa-lem do Chúa chỉ định đã được thiết lập trong chính miền nầy. Sa-ma-ri trở nên trung tâm cho một chuỗi các vương triều tự phong ở vương quốc phía bắc, trong khi chỉ có một vương triều Đa-vít cứ tiếp tục tại Giê-ru-sa-lem với tư cách là ngai vàng hợp pháp duy nhất của Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên trong sự kiên nhẫn lâu dài của Ngài, Chúa không hoàn toàn từ bỏ mười chi phái phía bắc. Nằm ở trung tâm phần lãnh thổ được chia cho dòng dõi Giô-sép, Sa-ma-ri tiếp tục được ưu đãi với sự hiện diện của các tiên tri của Đức Chúa Trời như là Ê-li, Ê-li-sê, A-mốt, và Ô-sê.

Nhưng đến cuối cùng các lực lượng của A-sy-ri cho vùng lãnh thổ nầy nếm trái đắng của sự phản loạn. Nạn đói kéo dài trong thành phố Sa-ma-ri một thời thịnh vượng khiến các phụ nữ ăn thịt con ruột của mình (IIVua 2V 6:26-29). Dù vậy Đức Chúa Trời khích lệ họ nhìn vượt quá những thảm kịch họ không tưởng tượng nổi và hi vọng vào một Đấng Mêt-si-a ben Ép-ra-im , Con Trai của cánh tay hữu Đức Chúa Trời là Đấng sẽ đem lòng của Ép-ra-im và Ma-na-se trở về cùng Chúa (SangSt 49:22-26, Thi Tv 80:14-19).
Phần nhỏ của Sa-ma-ri còn sống sót qua nạn xâm lược của A-sy-ri đến cuối cùng trở thành sự khinh miệt của vùng đất, vì vị vua chinh phục của A-sy-ri tái cơ cấu dân chúng của lãnh thổ nầy bằng những dân tộc ngoại quốc, về sau có hôn nhân pha trộn với con dân của Đức Chúa Trời (IIVua 2V 17:24). Truyền thống về một trung tâm cạnh tranh về quyền lực và sự thờ phượng cứ tiếp tục cho đến thời của giao ước mới, đến nỗi người Do Thái trong thời Chúa Giê-xu cứ khăng khăng không giao thiệp với dân Sa-ma-ri (GiGa 4:9).
Nhưng sự hiện diện của Đức Chúa Giê-xu Christ đã đánh ngay vào nền móng của sự tự phụ bởi thành kiến nầy. Ngài uống nước múc từ cái giếng tại Si-chem bởi một phụ nữ Sa-ma-ri tội lỗi. Đổi lại, Ngài cho bà uống nước của sự sống đời đời được tìm thấy trong sự tha thứ miễn phí dành cho những kẻ tội lỗi bị đẩy ra ngoài lề xã hội (outcasts). Ngài kể cho người Do Thái nghe ngụ ngôn “người Sa-ma-ri nhân lành” là người duy nhất đưa tay giúp đỡ một du khách bị thương trên đường từ Giê-ru-sa-lem đến Giê-ri-cô. Bất chấp sự kiện những làng Sa-ma-ri khước từ Ngài bởi vì Ngài xây hướng đi về Giê-ru-sa-lem, Chúa được tôn cao đã tuôn đổ Thánh Linh Ngài trên người Sa-ma-ri như Ngài đã làm cho những người Giê-ru-sa-lem (Cong Cv 8:4-25).
Không phải mọi thời đại và cộng đồng đều có những “người Sa-ma-ri” của riêng mình, là những người láng giềng thuộc các giai cấp, phong tục, ngôn ngữ, chủng tộc hoặc quốc tịch khác nhau hay sao? Chẳng phải cạnh chúng ta cũng có các giai cấp thấp kém hơn, những người ở nội thành, hoặc những người bị kỳ thị tôn giáo đó sao? Mệnh lệnh của Chúa dành cho chúng ta nào có khác gì mệnh lệnh dành cho các sứ đồ đầu tiên - rằng chúng ta phải đi đến Sa-ma-ri cũng như đến Giê-ru-sa-lem của mình đó sao?

Ga-li-lê

Sau đó đến Ga-li-lê , vùng đất của Dân Ngoại. Phần cuối trong vùng đất nầy khi du khách di chuyển từ nam đến bắc là lãnh thổ của những đám đông rộng lớn thuộc nhiều quốc tịch khác nhau đại diện cho mọi dân tộc trên thế giới. Trong miền nầy, con dân của Đức Chúa Trời như thấy chính mình liên tục giao thiệp với phần còn lại của nhân loại. Họ hẳn không thể thoát khỏi sự giao lưu (interchange) nầy cho dù họ muốn đi nữa. Dù có ở trong thời kỳ quốc gia thịnh vượng hay suy yếu cũng chẳng có gì khác biệt. Những chiến binh trên đường đi hoặc những thương gia lưu động đều uốn lượn đường đi của mình xuyên qua Ga-li-lê của Dân Ngoại. Vì Đức Chúa Trời đã định cho nó như thế theo chính phương cách mà Ngài định hình các lục địa. Dãi đất hẹp nầy một mình nó nối kết ba khối lục địa mà từ đó nền văn minh nhân loại phát khởi. Châu Phi treo vào một sợi chỉ, với Châu Âu và Châu Á cân bằng phía trên. Mọi giao thông đường bộ của ba lục địa nầy cuối cùng đều giao lưu qua con đường xứ Ga-li-lê của Dân Ngoại. Chính bởi vị trí chiến lược của nơi nầy mà qua con dân Ngài, Chúa đã định rằng cuối cùng Tin Lành cứu rỗi sẽ vươn tới toàn thế giới bằng năng quyền của Đức Chúa Trời, trước cho người Do Thái và sau cho Dân Ngoại.

Những sườn dốc đi xuống từ những ngọn núi của Sa-ma-ri nối liền Ga-li-lê với phần còn lại của xứ Palestine. Những đường đèo đây đó mở vùng lãnh thổ phía bắc nầy ra vùng đồng bằng duyên hải dọc theo Địa Trung Hải dẫn đến Ai Cập và phần còn lại của Bắc Phi. Nổi bật giữa vòng những đường đèo nầy là đường đèo được canh giữ bởi thành phố pháo đài Mê-ghi-đô, luôn luôn sẵn sàng ngăn chặn mọi đạo quân tiến đến. Tại chỗ nầy Giô-si-a, vị vua tốt đẹp cuối cùng của Giu-đa, chết bởi tay Pha-ra-ôn Nê-cô của Ai Cập. Sự tự phụ của Giô-si-a dẫn ông đến chỗ bỏ qua lời cảnh cáo của Chúa, nhưng cái chết của ông khuấy động Giê-rê-mi sáng tác một bài ca thương tiên tri (IISu 2Sb 35:25). Biến cố có tính chất bi kịch tại địa điểm chiến lược nầy mang một ý nghĩa khải huyền (apocalyptic significance) với những lời tiên tri về trận đại chiến cuối cùng A-ma-ghê-đôn, là địa danh có bao gồm lời ám chỉ Mê-ghi-đô cổ (cf. XaDr 12:10-11, KhaiKh 16:16). Một giải nghĩa quá thiên về nghĩa đen không phù hợp với khuôn mẫu Kinh Thánh tự giải nghĩa Kinh Thánh đã dẫn một số Cơ-đốc nhân ngày nay đoán trước một trận đối đầu thực sự giữa các đạo quân của Đức Chúa Trời với các lực lượng của Sa-tan, sử dụng xe tăng, súng máy, và phi cơ chiến đấu phản lực tại địa điểm của thành cổ Mê-ghi-đô. Nhưng cuộc chiến tranh của những ngày cuối cùng nầy đã được mô tả rõ ràng bởi sứ đồ Phao-lô là không phải với thịt và huyết mà với các quyền lực thiêng liêng và phải được đắc thắng bởi các vũ khí của sự cầu nguyện và gươm của Thánh Linh là Lời Đức Chúa Trời (Eph Ep 6:10-18). Liên hệ đến cuộc chiến cuối cùng nầy, Kinh Thánh cho thấy rằng khi Chúa xuất hiện trong vinh quang, Ngài sẽ tiêu diệt mọi kẻ thù Ngài bằng hơi thở của miệng Ngài (IITe 2Tx 2:8). Theo ý nghĩa nầy, tính chất biểu tượng của nơi nầy được gọi là Mê-ghi-đô, bây giờ được bất tử hoá trong Kinh Thánh như là A-ma-ghê-đôn, không thể bị bỏ qua. Đấng Christ sẽ trở lại trong vinh quang để tận diệt mọi kẻ thù của Ngài và của chúng ta nữa.

Một đặc trưng nổi bật thứ hai của vùng cao nguyên Ga-li-lê là những cánh đồng rộng lớn chạy dài từ tây sang đông trên một độ nghiêng nhẹ từ Địa Trung Hải đến sông Giô-đanh. Rải rác với vài ngọn núi, như là Ghinh-bô-a nơi Sau-lơ ngã xuống và Tha-bô nơi Đê-bô-ra tập họp quân đội, những khoảng không gian mở rộng nầy được biết như là Gít-rê-ên (hoặc Esdraelon) cung cấp đất đai màu mỡ cho vụ mùa tăng trưởng và những khoảng không đủ rộng cho chiến xa vận hành. Vì vậy Si-sê-ra đàn áp Y-sơ-ra-ên bằng chín trăm chiến xa bằng sắt, có khả năng băng ngang qua vùng thung lũng rộng lớn của Ga-li-lê, cho đến khi Chúa dấy Đê-bô-ra lên để giải phóng con dân Ngài (Quan Tl 4:12-16). Vì thế người Ma-đi-an cũng tràn ngập lên vùng không gian mở rộng lớn nầy, cướp bóc nguồn lúa dồi dào của Y-sơ-ra-ên ngay sau khi nó có thể được thu hoạch, cho đến khi Chúa bổ nhiệm con người mạnh mẽ Ghi-đê-ôn (6:1-6:11-14). Trong cùng lãnh thổ nầy, đội quân Phi-li-tin dàn trận để chiến tranh với Y-sơ-ra-ên cho đến khi Sau-lơ và Giô-na-than ngã chết bi thảm trên các sườn dốc của núi Ghinh-bô-a (ISa1Sm 31:1-6).

Các đạo binh A-sy-ri của San-chê-rip và các quân đoàn Ba-bi-lôn của Nê-bu-cát-nết-sa hành quân xuyên qua các cánh đồng nầy. Người Mê-đô Ba-tư, người Hi-lạp, người La-mã, và các đoàn Thập Tự Chinh lần lượt đạp chân lên cùng vùng đất nầy. Theo lịch sử cận đại, các lực lượng Anh quốc dưới quyền đại tướng Allenby đã đánh một trận chiến lược trong thế kỷ thứ hai mươi.
Nhưng có ý nghĩa hơn mọi điều đến và đi nầy và các quốc gia hùng cường rồi suy vong là vai trò chiến lược của chính vùng đất Ga-li-lê của Dân Ngoại trong việc lan truyền Phúc Âm của Đức Chúa Trời cho mọi quốc gia trên thế giới. Khi Đức Chúa Giê-xu nghe tin rằng Giăng Bap-tít đã bị Hê-rốt An-ti-pa, vua của người Do Thái, bắt bỏ tù thì Ngài bỏ Na-xa-rét và đến thành Ca-bê-na-um, có vị trí bên mé biển (Mat Mt 4:12-15). Cả Na-xa-rét và Ga-li-lê đều nằm ở Ga-li-lê, nhưng Ca-bê-na-um có tầm quan trọng hơn với tư cách là một điểm giao thông cho vô số dân tộc du hành giữa các lục địa. Nhìn thấy cách thức nhà cai trị dân Do Thái đáp ứng với người tiền hô chính thức của Ngài, Đức Chúa Giê-xu mở màn chức vụ công khai bằng cách có cân nhắc đặt mình tại Ca-bê-na-um để Ngài có thể vươn tới mọi quốc gia với Phúc Âm của mình. Tại điạ bàn nầy Ngài có thể giảng cho mọi dân tộc của thế giới - không chỉ cho người Do Thái - về “nước thiên đàng” khắp thế giới đã hầu gần (4:17).

Tác giả Phúc Âm nhấn mạnh rằng Đức Chúa Giê-xu cố ý phóng chức vụ Ngài “bên mé biển” tại “Ga-li-lê của dân ngoại” cho mục đích làm trọn lời tiên tri (4:14-15). Trải qua các thời đại, Đức Chúa Trời đã hoạch định việc vươn tới mọi quốc gia trên thế giới với Phúc Âm cứu rỗi của Con Ngài. Dự định nầy tìm được sự ứng nghiệm qua chức vụ Đức Chúa Giê-xu. Ngài liên tục đi khắp các làng mạc Ga-li-lê rao giảng Tin Lành (4:23). Ca-bê-na-um tiếp tục là điểm trung tâm của chức vụ Ngài khi Ngài sử dụng Hồ Ga-li-lê để vươn tới nhiều làng mạc và thành phố khác nhau. Sau khi Ngài phục sinh, Ngài giao Đại Mệnh lệnh cho các môn đồ trong vùng Ga-li-lê của Dân Ngoại (28:16-20). Từ điểm đó cho đến ngày nay, Phúc Âm của Ngài đã lan truyền giữa vòng mọi quốc gia trên thế giới. Theo ý nghĩa nầy, Ga-li-lê tiếp tục có tầm quan trọng như là một đại diện biểu tượng của các mục đích đi tới (ongoing) của Chúa để phục vụ ân điển cứu rỗi của Ngài cho mọi dân tộc trên thế giới.

Xa hơn nữa đến điểm cực bắc của xứ Ca-na-an là địa bàn cho lần định cư thứ hai của chi phái Đan. Không tìm được nền hoà bình họ mong ước trong phần đất ban đầu chia cho họ tại rìa lãnh thổ Phi-li-tin, chi phái Đan đi lên rìa phía bắc của quốc gia tìm kiếm một quê hương mới. Khi họ đến thành La-ít, họ để ý rằng những người tại đó “ở an ổn, bình tịnh và vững chắc” (Quan Tl 18:7). Họ tấn công những cư dân yêu hoà bình nầy trong một hành động xâm lược không khiêu chiến, nghĩ rằng trong vùng nầy họ sẽ tìm được nền thái bình họ hết lòng mong ước. Họ không nhận thức được chút nào rằng họ đang định cư ngay trên đường tiến quân của mọi đạo binh trải qua vùng đất cầu nối nầy của Palestine. Trong địa đàng tự tạo của những người ngu nầy, họ không tìm được hoà bình chi cả. Ngược lại, họ sẽ phải đương đầu với một dòng liên tục các đạo quân xâm lược, những chiến binh khao khát chinh phục thế giới.

Đến điểm nầy, một hành trình đã được thực hiện từ Bê-e Sê-ba cho đến Đan, và từ Địa Trung Hải cho đến Sông Giô-đanh và xa hơn nữa. Thật sự mọi hình thức của các vùng khác nhau trên trái đất được gói lại trong vùng lãnh thổ nhỏ bé nầy, và mỗi phần của vùng đất nầy đều đầy dẫy những kỷ niệm về phương cách của Đức Chúa Trời nhằm đem lại sự cứu rỗi cho thế giới. Toàn bộ vùng đất nầy được thiết kế bởi Chúa cho các mục đích tốt lành của Ngài khi Ngài quyết định chúng trước khi tạo nền thế giới.
( còn tiếp)