Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

Những Đặc Trưng Của Xứ Thánh



Vùng đất của Kinh Thánh, trong chiều kích lớn hơn, rõ ràng là đã được Chúa thiết kế cho mục đích thể hiện chân lý cứu rỗi. Mọi đặc trưng chủ yếu của nó phục vụ như những mảnh lớn của một bức tranh ghép hình mà những nét đan dệt khiến cho chân lý của Đức Chúa Trời dễ nhớ lâu dài hơn. Vị trí của Xứ Thánh trong việc kết nối ba lục địa, sự gần gủi với sa mạc và biển, cũng như tính đa dạng sinh học của nó đều góp phần tích cực vào việc nhấn mạnh chân lý cứu chuộc.


Cùng mục đích đó của Chúa chúng ta tìm thấy nhiều sự tỏ bày hiển nhiên qua các điểm cụ thể của vùng đất (specifics of the land). Các chi tiết địa lý, quang cảnh, và nếp sinh hoạt của con người cư ngụ tại nơi đặc biệt nầy đều đóng góp vào việc làm sống động các mục đích cứu chuộc của Đức Chúa Trời đối với thế giới sa ngã nầy. Vì vậy, bây giờ chúng ta cùng quan sát những điểm đặc thù của vùng đất qua các núi non, sông ngòi, khí hậu và thảo mộc, thị trấn và thành phố.
Núi non và sông ngòi
Núi non
Những rặng núi chính của vùng đất thánh căn bản đều chạy theo hướng bắc-nam. Có ba vùng. vùng đồi Giu-đê, vùng núi Sa-ma-ri, và vùng cao nguyên bên kia sông Giô-đanh. Những rặng phía tây bắc như Li-ban và Đối-Li-ban cũng đáng kể nhưng chủ yếu nằm bên ngoài khu vực xảy ra hầu hết các biến cố của Kinh Thánh.


Những ngọn đồi xứ Giu-đê đột ngột cao lên từ vùng sa mạc của bán đảo Si-na-i và đạt đến một độ cao khoảng ba ngàn bộ (trên 900m) trên mực nước biển. Như đã nói trước đây, đỉnh của rặng núi Giu-đê cung cấp đường phân thuỷ giữa vùng đất canh tác đổ về phía tây hướng về Địa Trung Hải và phần sa mạc khô cằn đổ xuống nhanh chóng về hướng Biển Chết. Những thành phố chính của vùng nầy là Hêp-rôn, Bêt-lê-hem và Giê-ru-sa-lem.
Những ngọn núi Sa-ma-ri định hình vùng trung tâm của toàn xứ, chạy về hướng bắc từ Bê-tên cho đến đồng bằng Esdraelon (Gít-rê-ên) tại Ga-li-lê. Vì vùng núi non nầy không đạt đến độ cao của vùng đồi Giu-đê nên lượng mưa được phân phối đều hơn ngang qua Sa-ma-ri. Thêm vào đó, những thung lũng rộng lớn hơn tạo nên những vụ mùa dễ dàng hơn được xen kẻ khắp xứ. Những thành phố chính bao gồm Bê-tên, Si-lô, Si-chem, và Sa-ma-ri.

Rặng núi vùng bên kia sông Giô-đanh vươn tới độ cao năm ngàn bộ (trên 1500m). Nó bắt đầu ở miền nam với các đỉnh núi của Ê-đôm và chạy về hướng bắc xuyên qua Mô-áp, lãnh thổ của người Am-môn, Ga-la-át, và Ba-san. Trong số các thành phố của nó, có những nơi đáng lưu ý là pháo đài khoét trong vách đá Pê-tra (Petra), thành phố Am-man hiện đại (thủ đô Jordan, địa điểm của thành cổ Rap-ba), và Ra-mốt Ga-la-at về phía bắc. Một lần nữa lượng mưa chiếm ưu thế dọc theo sườn dốc phía tây, dần tan biến khi dạng thời tiết đó đụng đến khoảng trống mênh mông của vùng sa mạc A-ra-bi-a nằm ngay về phía đông.
Ba rặng núi trên, chen chúc trong vùng đất nhỏ Palestine, đóng góp rất lớn vào sự đa dạng của vùng lãnh thổ nầy. Chúng cung cấp những đường phân thuỷ nhanh chóng tạo ra những vùng có các đặc trưng địa lý tương phản gay gắt.
Rải rác giữa các rặng núi khác nhau nầy là những vùng núi non đặc thù đóng một vai trò quan trọng trong việc tiết lộ các mục đích của Đức Chúa Trời. Quan trọng nhất là vùng núi nơi mà Đa-vít cuối cùng đã đặt thủ đô của mình, được biết đến và được yêu thích xuyên qua các thời đại là Núi Si-ôn , chỗ được chọn làm nơi ngự của Chúa.
Dù xinh đẹp nhờ có độ cao như thế, ngọn núi nầy lại không phải là đỉnh núi cao nhất khu vực để làm cho các du khách phải ngạc nhiên. Tuy nhiên, vị trí của nó nằm bên trong một “cái chén” (bowl) được tạo thành bởi vùng núi cao hơn vây bọc chung quanh đã đem lại một số lợi ích. Định dạng dưới hình thức chữ “V” hoặc chữ “W” với nhiều thung lũng khác nhau nối liền về phía nam, hai trong ba mặt của nó được bảo vệ một cách tự nhiên trước mọi sự tấn công. Chỉ có mặt phía nam mới có một vùng đất bằng phẳng khiến cho thành dễ bị tấn công bởi quân xâm lược.
Vị trí có tầm quan trọng tiếp theo là núi Sa-ma-ri : Được vua Ôm-ri của vương quốc phía bắc lựa chọn làm thủ đô, ngọn núi nầy giành lấy vai trò chủ chốt vốn thuộc về Si-chem, nằm cách đó chưa đầy mười dặm (khỏang 15km) về hướng đông nam (IVua 1V 16:23-24). Sa-ma-ri sừng sững như một ngọn đồi cô lập tròn trịa cao hơn vùng thung lũng bao quanh khỏang non 100m. Mở về hướng tây, ngọn núi nầy chỉ nằm cách bờ biển Địa Trung Hải có hai mươi mốt dặm (khỏang 33,8 km). Địa bàn nầy chắc hẳn đã làm hài lòng hoàng hậu Giê-sa-bên, người có thể đứng bên cửa sổ lâu đài nhìn về những lượn sóng biển quen thuộc với tư cách là một người thờ lạy thần Ba-anh xứ Ty-rơ.
Xa hơn nữa về phía bắc dọc theo bờ biển là rặng núi Cạt-mên : Vươn dần lên từ Địa Trung Hải, ngọn núi nầy là địa điểm được lựa chọn cho cuộc đấu sức giữa tiên tri Ê-li với các tiên tri Ba-anh. Từng ra lệnh để không có mưa trong xứ ba năm rưỡi, bây giờ Ê-li bảo đầy tớ mình từ đỉnh Cạt-mên nhìn về phía tây hướng ra phía biển, trong lúc vị tiên tri cầu nguyện xin đảo ngược sắc lệnh hạn hán của Đức Chúa Trời. Mãi đến lần thứ bảy người đầy tớ mới phát hiện được ở xa xa một đám mây nhỏ bằng một nắm tay nhô lên khỏi mặt nước (18:44). Nhưng đám mây nhỏ nầy báo hiệu một trận mưa lớn sẽ đến nhanh chóng. Sau khi giết hết đám tiên tri giả chống lại mình, vị tiên tri bây giờ lao xuống các sườn dốc của dãy núi hùng vĩ nầy để quan sát sự đáp ứng của vua A-háp và hoàng hậu Giê-sa-bên. Nhưng thật đáng buồn, những việc vô cùng diệu kỳ mà Chúa đã làm qua lời cầu nguyện của tiên tri Ngài chỉ làm cho tấm lòng cứng cỏi của họ thêm chai lì. Trong sự thất vọng tột cùng, vị tiên tri vội vã lên đường tiến sâu vào vùng lãnh thổ phía nam cho đến khi tìm được sự nghỉ ngơi và sự tái bảo đảm trong sa mạc Si-na-i (19:1-18).
Di chuyển từ Cạt-mên về hướng đông ngang qua đồng bằng trải dài đến biển Ga-li-lê, du khách chịu ấn tượng bởi một ngọn núi tròn đứng một mình. Tại ngọn núi Tha-bô hùng vĩ nầy, con dân của Chúa một lần nữa được dẫn dắt vào một chiến thắng huy hoàng. quân đội của họ tập họp lại tại Tha-bô dưới quyền lãnh đạo của Ba-rac và Đê-bô-ra. Đức Chúa Trời cùng họ chiến đấu chống lại lực lượng ưu thế của Si-sê-ra, vô hiệu hoá sức mạnh chín trăm chiến xa bằng sắt của hắn bằng nước lụt của dòng sông Kit-sôn lâu đời (Cac Tl 5:21). Khi Si-sê-ra trốn thoát để cứu mạng, vợ của Hê-be người Kê-nít trước hết cho ông uống no bụng món sữa ấm áp rồi đâm xuyên thái dương ông bằng một cái cọc lều (4:18-21, 5:24-27).

Ngang qua thung lũng hướng về phía nam là vùng nhô cao gọi là núi Ghinh-bô-a , một nơi đầy thảm kịch thật sự trong cuộc sống của con dân Đức Chúa Trời. Vua Sau-lơ cứ lì lợm cứng lòng chống lại ý chỉ của Đức Chúa Trời cho đến khi ông và người con trai Giô-na-than ngã chết trên các sườn dốc của Ghinh-bô-a (ISa1Sm 31:8). Sự thất sủng nầy không được đem kể lại trong thành Gát xứ Phi-li-tin. Các kẻ thù của Chúa không được phép nhạo báng Chúa lúc những lãnh đạo được Ngài bổ nhiệm ngã xuống. Hãy để cho những ngọn núi của Ghinh-bô-a than khóc, nhưng đừng để cho con gái của những kẻ không chịu cắt bì vui mừng (IISa 2Sm 1:20-21).
Cuối cùng trong số những đỉnh núi ở Pa-lét-tin đáng để ý là vẻ đẹp của núi Hẹt-môn ở phía cực bắc.
Từ Biển Ga-li-lê đi khoảng bốn mươi dặm (65km) về phía bắc, Hẹt-môn đạt đến độ cao trên chín ngàn bộ (2745m) và có tuyết phủ quanh năm. Các sách Phúc Âm cho biết rằng chính tại vùng Sê-sa-rê Phi-lip mà Đức Chúa Giê-xu đã hoá hình trên một ngọn núi rất cao (Mat Mt 17:1). Hẹt-môn sẽ cung ứng một nơi tương đối yên tĩnh cần thiết cho một sự kiện ngoạn mục như vậy. Vì vậy rất có thể rằng trên những sườn dốc nầy của Hẹt-môn, điểm cực bắc trong hành trình chức vụ của Đức Chúa Giê-xu, khuôn mặt Ngài trở nên rực sáng như mặt trời trong vinh quang rạng ngời (17:2). Từ điểm đó Ngài bắt đầu “hành trình về Giê-ru-sa-lem”, đi một cách cương quyết qua Ga-li-lê, Sa-ma-ri, và vùng Transjordan (bên kia sông Giô-đanh) để đến điểm kết thúc đã định cho Ngài (LuLc 9:51-53). Từ núi Hẹt-môn ở phía bắc đến núi Giê-ru-sa-lem ở phía nam, Ngài đi với một mục tiêu đã được xác định trong lòng. Ngài sẽ phó mạng sống mình cho dân tộc mình. Ngài sẽ hi sinh chính Ngài trong sự vâng phục ý muốn của Cha thiên thượng để đem lại sự cứu rỗi cho những tội nhân không xứng đáng.

Sông ngòi
Bên cạnh những ngọn núi, những dòng sông cũng góp phần xác định lãnh thổ Palestine. Dù ít về số lượng, những dòng sông nầy đóng một vai trò quan trọng trong việc tỏ bày chương trình cứu chuộc.
Trước hết phải kể đến những dòng suối cạn trong hoang mạc : Những khách lạ chưa biết tính nết độc đáo của dòng suối cạn nầy có thể sẽ ngạc nhiên trước sự chợt đến chợt đi của lượng nước trong đó. Có nhiều người bất hạnh vì đã không ngần ngại chọn khe nứt của một dòng suối cạn khô làm nơi cắm trại tự nhiên hoặc đặt một túi ngủ để qua đêm. Tránh khỏi gió cát lồng lộn của sa mạc, vực sâu của dòng suối cạn tạo ra một nơi trú ẩn an toàn qua đêm. Nhưng trong trường hợp nầy, vẻ ngoài của chúng lại lừa dối nhiều người. Những trận mưa như thác đổ trên các vùng núi xa xa tự nhiên chảy dồn vào những khe sâu khô khan nầy và tuôn đổ về vùng Nê-ghép (Negev), cuốn theo mọi thứ trên đường đi của chúng. Không ít du khách đã bị chết đuối trong những dòng nước như thác, ồ ạt chảy về chỗ mình đang nghỉ chân mà không hề cảnh báo.
Dòng suối cạn cũng có thể được xem như một hình ảnh tích cực về ơn phước của Đức Chúa Trời. Vì như những dòng nước (suối cạn) chảy ào vào sa mạc thể nào, ơn phước của Đức Chúa Trời cũng đến bất ngờ để làm tươi tỉnh linh hồn cũng thể ấy (Thi Tv 126:4). Những người bị áp đảo bởi một ý thức về sự cằn cỗi trong cuộc đời có thể tìm kiếm sự tươi mới từ Chúa vào những giây phút bất ngờ nhất, giống như các luồng nước của dòng suối cạn làm ngạc nhiên vùng đồng hoang cằn cỗi.
Kế đến là những khe núi rộng lớn của vùng bên kia sông Giô-đanh trút đổ hết những lượng nước định kỳ vào Biển Chết và sông Giô-đanh. Bởi vì những sườn dốc phía tây của những rặng núi nầy nhận lượng nước mưa lớn hơn, những khe nước vùng bên kia sông Giô-đanh tải lượng nước nhiều hơn so với các suối cạn tại Giu-đê và Sa-ma-ri.
Dòng sông cạn nằm ở cực nam vùng bên kia sông Giô-đanh là dòng sông Xê-rết : Hẽm sâu nầy xưa nay được dùng làm ranh giới tự nhiên giữa vùng lãnh thổ Ê-đôm- dòng dõi của Ê-sau - với vùng đất của Mô-áp, định cư bởi dòng dõi của Lót qua hành động vô luân với con gái lớn của ông. Có lẽ một phần do hẽm vực sâu, lởm chởm đá nầy của dòng Xê-rết đã khiến cho Y-sơ-ra-ên không nhấn mạnh đến việc đi ngang qua lãnh thổ Ê-đôm khi họ bị từ chối đường đi qua (Dan Ds 20:14-21). Một quốc gia với nhiều phụ nữ, trẻ em và người già có thể không qua được đoạn đường ấy nếu họ bị chống đối bởi một cộng đồng hiếu chiến như người Ê-đôm.
Nhưng trở lại ba mươi tám năm sau, dân Y-sơ-ra-ên cuối cùng cũng vượt qua dòng Xê-rết (PhuDnl 2:13-14), đã vậy, họ còn cắm trại trong thung lũng của nó nữa (Dan Ds 21:12). Bước tiến nầy có nghĩa là đến cuối cùng họ đang hướng về sản nghiệp có sẵn mà do Chúa dành ban cho họ. Việc băng qua hẽm vực mênh mông nầy có nghĩa là họ sẽ không quay lui lại cho đến khi Đất Hứa thuộc về họ.
Về sau, trong một trường hợp khác dân Y-sơ-ra-ên có một kinh nghiệm đáng nhớ trong hoang mạc Ê-đôm dọc theo đôi bờ của dòng sông Xê-rết (IIVua 2V 3:1-27). Do có một liên minh rắc rối với vương quốc phía bắc dưới quyền Giô-ram con trai của A-háp, vị vua tốt bụng Giô-sa-phát của Giu-đa - cùng với vua Ê-đôm- tạo thành một liên minh tay ba dự định trừng phạt Mê-sa, vua Mô-áp, vì đã không chịu cống nạp cho Y-sơ-ra-ên. Theo chiến lược đã hoạch định trước, liên minh quân sự nầy đi vòng theo đầu phía nam của Biển Chết, dự định gây bất ngờ cho Mô-áp bởi một trận đánh bất thần từ vùng sa mạc Ê-đôm. Nhưng trước khi họ có thể tấn công, họ đã cạn sạch nguồn cung cấp thứ hàng hoá đắt giá nhất của sa mạc, đó là nước. Vua Y-sơ-ra-ên đứng trên bờ tuyệt vọng tột cùng, nhưng Giô-sa-phát bảo hãy cầu hỏi Chúa qua tiên tri Ê-li-sê. Dù công khai chế giễu người con trai gian ác của A-háp, Ê-li-sê bày tỏ lòng tôn trọng đối với vị vua tin kính Giô-sa-phát bất chấp lỗi lầm hiển nhiên của ông khi bước vào một liên minh rối rắm như vậy. Vị tiên tri tiên đoán rằng không có gió hoặc mưa nhưng mọi hố họ đào được trong sa mạc sẽ đầy nước qua đêm. Vào giờ dâng tế lễ buổi sáng, điều đó đã xảy ra đúnh như vị tiên tri tiên đoán. Rất có thể mưa đã rơi trên những vùng đồi xa xa của Ê-đôm và làm tràn ngập các mương đã được đào lên.
Suốt khoảng thời gian nầy, quân đội Mô-áp đứng dàn trận trên đỉnh các vách đá của Xê-rết, chờ đợi một cuộc tấn công từ lực lượng liên quân vào bất cứ lúc nào. Nhưng từ những tia sáng mặt trời sáng sớm, các mương ngập nước ngang qua lũng sâu nầy đối với họ có vẻ như là máu bởi màu đỏ sẩm của nó. Quân đội Mô-áp lao ngang qua lũng sâu Xê-rết, nghĩ rằng liên minh giữa Ê-đôm, Y-sơ-ra-ên và Giu-đa đã tan vỡ. Họ chỉ đến thu chiến lợi phẩm của một quân thù đã tự huỷ diệt mình. Trong trạng thái không được trang bị tinh thần, quân Mô-áp lao mình vào tay của liên quân. Họ vội vã rút lui, tuyệt vọng ra sức băng ngược lại lũng Xê-rết. Nhưng đã quá trễ. Những khó khăn tự nhiên của việc băng qua hẽm sâu nầy trước đây vốn là đồng minh của họ bây giờ lại trở thành trở lực lớn khi họ ra sức chạy trốn. Nhìn thấy sự sụp đổ của quốc gia mình, Mê-sa, vua Mô-áp, đứng trên các bức tường của thành phố thủ đô và dâng con trai mình làm sinh tế thiêu bằng người. Quang cảnh kinh hoàng nầy chấm dứt cuộc bao vây, và quân đội liên minh tiến ngược trở lại ngang qua các khoảng không mênh mông của thung lũng Xê-rết.
Tiếp tục hướng về phía bắc của vùng bên kia sông Giô-đanh là dòng sông Ạt-nôn , chảy vào khỏang giữa bờ phía đông của Biển Chết, và phân chia lãnh thổ của người Mô-áp ở phía nam với lãnh thổ của Am-môn ở phía bắc. Cả hai dân tộc cổ xưa nầy đều là họ hàng của Áp-ra-ham, dòng dõi của những người con được sinh ra bởi hành động vô luân của Lót với hai con gái mình (SaSt 19:36-38). Nhưng việc họ có chung một tổ tiên không thiết lập được tình huynh đệ giữa hai quốc gia. Sự phân chia địa hình được tạo ra bởi khe Ạt-nôn chỉ làm tăng thêm sự thiếu hiệp nhất của họ mà thôi.
Dòng Ạt-nôn là một thung lũng lớn, rộng hơn 3 km, với một vực sâu lớn gấp năm lần sân bóng đá đứng chồng lên nhau. Dòng sông chính được hình thành cách bờ Biển Chết khoảng hơn 3 km trong đất liền, nơi hai sông nhánh gặp nhau. Gần hơn với sa mạc A-ra-bi, những nhánh sông nầy lấy nước từ một số phụ lưu, nên trong Kinh Thánh nó được nêu tên ở số nhiều, “các trũng” của Ạt-nôn (Dan Ds 21:14-15). Những hẽm vực ngang qua vùng đất nầy tạo ra một ranh giới tự nhiên khó vượt qua.
Chính tại điểm băng ngang qua nầy mà Y-sơ-ra-ên đã thực sự bắt đầu công bố một vùng đất mà họ sẽ sở hữu. Mô-áp đã để cho họ băng ngang qua xứ sở mình bình yên. Nhưng dân A-mô-rit, là dân đã vượt qua sông Giô-đanh một thời gian trước đó để chiếm lấy một phần đất đai của Mô-áp, bây giờ không chịu nhường đường đi ngang qua lãnh thổ của họ. Được lãnh đạo bởi vua Si-hôn dân A-mô-rít đến với một lực lượng hiếu chiến để đối đầu với Y-sơ-ra-ên khi họ nỗ lực dẫn đám phụ nữ và trẻ em băng ngang qua các hẽm sâu ở thượng nguồn Ạt-nôn. Nhưng đó là việc Chúa làm khi khiến cho tinh thần của Si-hôn trở nên ương ngạnh để trao ông và lãnh thổ của ông vào tay dân Y-sơ-ra-ên (PhuDnl 2:30). Si-hôn và các lực lượng của ông bị chặn đánh quyết liệt. Ngay cả thành phố Hết-bôn thủ đô của ông, nằm cách dòng Ạt-nôn chừng 3 km về phía bắc, cũng trở thành lãnh thổ Y-sơ-ra-ên và về sau được phân chia cho chi phái Ru-bên. Từ điểm tiến quân lợi hại nầy, Môi-se có thể leo lên đỉnh cao của núi Nê-bô nằm song song với phần đầu của Biển Chết và nhìn ngang qua sông Giô-đanh vào vùng đất Đức Chúa Trời đã hứa cho họ.
Xa hơn về phía bắc, nằm khoảng nửa đoạn sông Giô-đanh từ Biển Chết đến Biển Ga-li-lê, là rạch Gia-bốc : Dòng sông nầy cũng đáng chú ý như là một điểm băng ngang quan trọng trong lịch sử ban đầu của Y-sơ-ra-ên. Gia-cốp đang quay về vùng Đất Hứa sau mười bốn năm vắng mặt kể từ khi ông chạy trốn Ê-sau anh mình là người tìm cách giết mình. Sau khi đã gởi quà cho anh tại Ê-đôm, Gia-cốp được biết rằng Ê-sau đang dẫn bốn trăm quân đến gặp ông. Sợ mất mạng, Gia-cốp chia hai vợ, mười một người con trai, và cả gia tài của mình thành hai toán. Trong bóng đêm những toán nầy tìm đường đi xuống bờ dốc của Gia-bốc, băng ngang qua vùng nước của nó, và chuẩn bị trình dâng những món quà để xoa dịu người anh xa lạ của Gia-cốp.
Nhưng Gia-cốp tự ở lại một mình trên bờ phía kia của dòng sông. Vào đêm đó, một sứ giả từ Đức Chúa Trời vật lộn với Gia-cốp cho đến bình minh. Vị sứ giả thiên thượng nầy bày tỏ sức mạnh phi thường bằng cách làm què Gia-cốp suốt đời với một cú đánh vào xương hông. Nhưng vị tổ phụ cứ kiên trì trong trận thử sức, đòi đối thủ thiên thượng phải ban phước cho mình nếu không ông không để cho người ấy đi. Đáp lại sự kiên trì của Gia-cốp khi đối đầu với một sức mạnh cao cấp như vậy, vị thiên sứ đổi tên của Gia-cốp, cho thấy sự khẳng định của Chúa về một sự thay đổi bản chất. Tên ông trước đây là Gia-cốp, có nghĩa là “người chiếm chỗ”, ý nói đến một tên lừa gạt là người cố ý đắc thắng đối phương bằng mánh khoé. Nhưng bây giờ tên ông là Y-sơ-ra-ên, “hoàng tử với Đức Chúa Trời”. Vì ông đã đấu tranh với cả Đức Chúa Trời và loài người, và đã đắc thắng.
Vào bình minh hôm đó, một Gia-cốp mới mẻ băng ngang rạch Gia-bốc. Ông đi lên trước hai toán người của mình và tự mình gặp gỡ Ê-sau trước. Trên đôi bờ của hẽm núi đó, vị tổ phụ của quốc gia tương lai Y-sơ-ra-ên đã mặc lấy một tính chất khác hẳn. Bởi ân điển của Đức Chúa Trời, Y-sơ-ra-ên thật sẽ là một loại người mới, được biến đổi, một người biết rằng hi vọng duy nhất của mình trong một thế giới xa lạ nằm trong ơn phước không đáng được hưởng của Đức Chúa Trời chứ không do tài xoay sở bởi sự khôn khéo riêng của mình (cf. SaSt 32:1-32).
Dòng sông cuối cùng chảy vào sông Giô-đanh là dòng Giạt-mút : Xuất phát từ lãnh thổ Ga-la-át và Ba-san, dòng sông nầy đổ vào sông Giô-đanh ngay phía dưới Biển Ga-li-lê.
Chính tại đôi bờ Giạt-mút mà Óc, vua Ba-san, xung trận với Y-sơ-ra-ên. Trong cuộc chiến đấu kế tiếp, Y-sơ-ra-ên chiếm lấy tất cả sáu mươi thành kiên cố của Óc và mở rộng sản nghiệp mình tới chân núi Hẹt-môn (PhuDnl 3:1-11). Toàn xứ Ba-san về phía bắc và toàn xứ Ga-la-át về phía nam sông Giạt-mút đều được kể vào số các phần lãnh thổ đáng giá nhất của Y-sơ-ra-ên. Vào lúc phân chia đất cho các chi phái khác nhau, miền nầy đã trở thành quê hương của phân nửa chi phái Ma-na-se.
Như vậy, bốn dòng sông nầy được sử dụng làm ranh giới phân chia tự nhiên của vùng lãnh thổ phía bên kia sông Giô-đanh. Mặc dù những ranh giới nầy không được duy trì cứng nhắc, về căn bản chúng phục vụ cho mục đích vạch những đường phân chia mảnh đất nầy từ nam đến bắc.

Sông Giô Đanh

Nhưng dĩ nhiên dòng sông chính của toàn xứ là sông Giô-đanh , phân chia vùng đất giữa tây và đông. Mốc ranh giới cổ xưa nầy chảy theo hẽm sâu của cùng một vết đứt (fault-line) chạy mãi đến lục địa Phi Châu, định hình cho đường đi của sông Nile (Smith 1972, 301).
Sông Giô-đanh có thể được hình dung như một trũng sâu (depression) có nhiều bậc thềm, bậc dưới hẹp hơn bậc. Thung lũng mà dòng sông chảy qua được tạo thành bởi các đồi núi xứ Sa-ma-ri ở hướng tây và vùng cao nguyên bằng phẳng xứ Ga-la-át ở phía đông. Thung lũng nói trên có chiều rộng biến đổi từ 3 km đến 22.5 km, hẹp ở phần phía bắc, rồi phình ra và co lại và cuối cùng mở rộng dần khi đến gần khu vực Giê-ri-cô gần Biển Chết. Mặc dù chính dòng sông chảy trong một kênh dẫn quá sâu đến nỗi không thể tưới nước cho toàn bộ thung lũng rộng lớn nầy, một số con suối và khe cung cấp đủ độ ẩm để giữ cho cây cối và bụi rậm xanh tươi hầu như quanh năm.
Quanh co, uốn khúc lượn tới lượn lui trong thung lũng nầy là một trũng hẹp hơn có chiều rộng khoảng vài trăm mét đến vài cây số. Trũng nầy tiêu biểu cho vùng đất thường ngập lụt khi dòng sông chảy tràn bờ, thường vào cuối mùa mưa. Từ trên cao nhìn xuống như một “con rắn xanh khổng lồ” (Smith 1972, 312), thung lũng phụ nầy dày đặc với bụi rậm và cây cối bán nhiệt đới. Được mô tả sống động trong Kinh Thánh như là “Niềm kiêu hãnh của sông Giô-đanh,” khu vực nầy được đặt một tên thích hợp là “rừng rậm”, vùng cư trú tự nhiên của sư tử, heo rừng, và những dã thú khác thời Cựu Ước (Gie Gr 12:5, 49:19, 50:44).
Cấp thứ ba của thung lũng Giô-đanh là chính lòng sông. Bình thường lòng sông rộng khoảng tám mươi đến một trăm mét chiều ngang, và sâu chừng ba đến mười mét. Trên đường đi xuống từ đầu phía nam của Biển Ga-li-lê tới điểm cực bắc của Biển Chết, dòng nước bùn lầy ngoằn ngoèo nầy rõ ràng phơi bày được đặc điểm khiến cho nó mang tên Giô-đanh , có nghĩa là “chảy xuống.” Trong khoảng cách đường thẳng khỏang 105 km nầy, dòng sông đổ xuống chênh nhau trên hai trăm mét. Khi đến gần cuối đường đi, dòng nước hạ xuống hơn 12 m mỗi dặm (mile = 1,609 km), tạo ra một dòng nước đổ ào ào về hướng Biển Chết, có bề mặt nằm ở độ sâu 396 m dưới mực nước biển, điểm thấp nhất trên trái đất.
Dòng sông nổi bật nầy đóng vai trò gì trong lịch sử của vùng đất, và ngay cả lịch sử thế giới? Không có dòng sông nào khác giống như nó. Việc băng ngang dòng sông nầy có tính chất biểu tượng đánh dấu cho việc trở về với vùng đất địa đàng đã mất của con dân Đức Chúa Trời. Nó đánh dấu sự kết thúc những ngày nhục nhã khi họ bị cưỡng cưỡng bức sống như những kẻ lang thang không đất đai trên trần gian (Gios Gs 5:2-9). Chướng ngại bằng nước ngăn cản đường đến với quê hương của dân tộc chỉ có thể được vượt qua bởi công việc quyền năng của ân điển Đức Chúa Trời. Vì dân Y-sơ-ra-ên đứng bên bờ sông ngập lũ chắc chắn sẽ mang mặc cảm phạm tội như lãnh tụ Môi-se của họ, là người không được vào vì tội lỗi của mình. Không phải bởi lòng trung thành, sự thông minh, hoặc sức mạnh sẵn có của họ mà họ băng ngang được lòng sông khô cạn của Giô-đanh. Chỉ bởi ân điển và quyền năng của Chúa, mở rộng ra cho một dân không xứng đáng, họ mới vào được vùng đất đượm sữa và mật. Thật vậy, việc họ băng ngang dòng sông đòi hỏi một bước đức tin. Trước hết bàn chân của các thầy tế lễ khiêng rương giao ước phải bước vào dòng nước lũ cuồn cuộn của sông Giô-đanh (3:14-17). Chiếc rương thiêng liêng nầy được khiêng bởi các thầy tế lễ của Y-sơ-ra-ên làm biểu tượng cho cả ngai của Đức Chúa Trời trên đất cũng như nơi chốn mà dòng huyết cứu chuộc của sinh tế thay thế cho tội lỗi phải được rảy lên. Chỉ bởi đức tin đi theo sau biểu tượng của sự can thiệp quyền năng và đầy ân điển của Đức Chúa Trời mà dân tộc mới trông mong thấy được sự cứu rỗi đầy trọn của Chúa.

Nguyên tắc chung nầy vẫn giữ nguyên giá trị cho đến ngày nay. Không một người nào được vào trong vương quốc ơn phước thật sự của Đức Chúa Trời trong đời mà không có đức tin nơi quyền năng của Đức Chúa Trời và sự tha thứ của Ngài. Những phước hạnh nầy tràn tuôn từ ngai thi ân trên trời, nơi Đức Chúa Giê-xu Christ, Đấng hòan tòan vô tội đã chết thế cho tội nhân, cung ứng sự tha thứ cho những việc làm đáng chết của những tội nhân. Con người chẳng bao giờ vượt qua được những dòng nước lạnh giá của sự chết để bước vào những phước hạnh của sự sống đời đời mà thiếu lời xưng nhận cá nhân vào huyết của Đức Chúa Giê-xu Christ làm một sự thay thế cho sự trục xuất công bình xứng đáng của chính họ khỏi sự hiện diện của một Đức Chúa Trời bị xúc phạm. Thật tốt để xã hội có học thức, tinh tế ngày nay học thuộc những bài học xa xưa của việc băng ngang sông Giô-đanh. Giăng Bap-tít kêu gọi những người có học và người vô học, người cao sang và người thấp hèn đến với dòng nước Giô-đanh chịu bap-têm về sự ăn năn để được tha tội. Sự kêu gọi nầy vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay.
Vì thế, sông Giô-đanh đã đứng như một biểu tượng về vết nứt sâu, trở ngại không thay thế được tồn tại giữa mỗi người và sự phục hồi để người đó trở lại những phước hạnh đầy trọn của Chúa. Chỉ bởi ân điển và quyền năng của Đức Chúa Trời mà trở lực nầy mới được vượt qua cách thành công.
( Còn tiếp)