Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Bất Ái Thế Giới-3

Thumbnail

MỘT THẾ GIỚI Ở DƯỚI NƯỚC
“Hãy đi khắp thế giới, giảng Phúc-âm cho cả cõi thọ tạo. Ai tin và chịu báp-têm thì được cứu rỗi, ai không tin sẽ bị định tội” (Mác 16:15, 16).
Đối với nhiều người trong chúng ta, hình thức của câu thứ hai làm cho chúng ta ngạc nhiên. Chúa Giê-su không nói ai tin và được cứu sẽ chịu báp-têm. Không, Ngài đặt câu này theo một thứ tự ngược lại. 
Ngài nói rằng ai tin và chịu báp-têm, sẽ được cứu.Chúng ta làm một điều chỉ có hại cho mình khi thay đổi điều Chúa phán thành ra điều Ngài không phán. Mọi điều Ngài phán đều quan trọng, và Ngài có ý bày tỏ điều gì đó qua từng từ ngữ Ngài dùng. Nhưng nếu như vậy, thì sự thật phải là chỉ bởi đức tin nơi Ngài và chịu báp-têm chúng ta mới được cứu. Một số người sẽ bối rối về điều này. Họ sẽ chống đối: Anh muốn nói gì? Nhưng xin đừng bối rối và đừng đổ lỗi cho tôi! Tôi không nói điều đó, Chúa của tôi nói như vậy. Ngài là Đấng đã lập trật tự này: đức tin, kế đến là báp-têm, rồi sự cứu rỗi. Chúng ta không nên đảo thành: đức tin, sự cứu rỗi, báp-têm, cho dầu chúng ta có thích như vậy đến đâu đi nữa. Những gì Chúa phán phải đứng vững, và phần chúng ta chỉ là lưu ý và làm theo.

(Tôi không xin lỗi vì đã lấy những lời này trong Mác 16:16 là lời thật sự của Chúa Giê-su, mặc dầu tôi biết rằng có những nhà phê bình sẽ đặt nghi vấn về những lời ấy. Có một lần tại một làng quê, tôi tình cờ gặp một người thợ may tên Chen. Anh cầm lấy một quyển Phúc-âm theo Mác, và khi anh đọc đến phân đoạn này, là phân đoạn các nhà phê bình đều khẳng định không thuộc về sách Phúc-âm ấy, anh tin nhận và tin cậy Chúa. Không có một Cơ-đốc-nhân nào khác tại nơi ấy nên không ai làm báp-têm cho anh. Anh nên làm gì? Kế đến anh đọc câu 20. Chính Đức Chúa Trời khẳng định lời này với anh, như vậy là đủ. Vì vậy, trong sự đơn  của mình, anh quyết định thử nghiệm một trong những lời hứa trong câu 18. Theo lời ấy, anh đến thăm một vài người hàng xóm đang đau yếu. Sau khi cầu nguyện, anh đặt tay lên người họ trong danh Chúa Giê-su, rồi anh ra về. Sau này, anh nói với tôi rằng họ đều được bình phục, và không có một trường hợp ngoại lệ nào. Điều này làm anh vui thỏa. Với đức tin được củng cố, anh bình tịnh tiếp tục làm công việc thợ may. Khi tôi lại tình cờ gặp anh, với công việc ấy, anh đang trung tín làm chứng về Chúa của mình. Nếu anh có thể nhận lấy lời Đức Chúa Trời cách hết lòng, sao tôi lại không làm như vậy?)

Cho nên tôi xin lặp lại: “Ai tin và chịu báp-têm thì được cứu”. Bây giờ có thể anh em kêu lên: “Anh có ý nói rằng anh tin sự tái sinh do báp-têm ư? Không, thật sự là tôi không tin như vậy! Chúa không nói rằng: “Hãy tin và chịu báp-têm thì ngươi sẽ được tái sinh”, và vì Ngài không nói như vậy, tôi không cần phải tin điều đó. Lời Ngài là: “Ai tin và chịu báp-têm thì sẽ được cứu rỗi”. Vì vậy, điều tôi thật tin là sự cứu rỗi bởi báp-têm.

Do đó, một câu hỏi tự nhiên được đặt ra: Câu này có ý nói gì? Và khi Lu-ca thuật lại rằng, để đáp ứng lời Phi-e-rơ khuyên: “Hãy tự cứu mình khỏi dòng dõi cong quẹo này”, thì những người nhận lời đó đều chịu báp-têm, vậy, câu ấy có ý nghĩa gì?
Để trả lời cho câu hỏi này, trước hết, chúng ta phải tự hỏi mình có ý nói gì khi sử dụng từ ngữ “cứu”? Tôi e rằng chúng ta có một suy nghĩ rất sai lầm về sự cứu rỗi. Tất cả hầu hết những gì chúng ta biết về sự cứu rỗi là chúng ta được cứu khỏi địa ngục và vào thiên đàng; hay một ý nghĩa khác, chúng ta được cứu khỏi tội lỗi để từ đó sống một cuộc đời thánh khiết. Nhưng chúng ta sai lầm rồi. Theo Kinh-thánh, chúng ta tìm thấy rằng sự cứu rỗi sâu xa hơn điều đó. Vì sự cứu rỗi không liên quan nhiều như vậy đến tội lỗi và địa ngục, hay sự thánh khiết và thiên đàng, nhưng với một điều gì đó khác hơn.

Chúng ta biết rằng mỗi ân tứ tốt lành Đức Chúa Trời trao tặng chúng ta đều được ban cho để đương đầu và chống lại một điều gian ác trái nghịch. Ngài ban cho chúng ta sự công chính vì có sự định tội. Ngài ban cho chúng ta sự sống đời đời vì có sự chết. Ngài ban sự tha thứ vì có tội lỗi. Ngài đem sự cứu rỗi đến cho chúng ta vì điều gì? Sự xưng công chính có liên quan đến sự định tội, trời có liên quan đến địa ngục, sự tha thứ có liên quan đến tội lỗi. Như vậy sự cứu rỗi liên quan đến điều gì? Chúng ta sẽ thấy sự cứu rỗi liên quan đến kosmos, là thế giới.
Sa-tan là kẻ thù cá nhân của Đấng Christ. Hắn hành động qua xác thịt con người để tạo ra mẫu hình của những sự việc trên đất trong đó tất cả chúng ta đều bị vướng mắc vào; không một người nào trong chúng ta được miễn trừ. Toàn bộ khuôn khổ của cả vũ trụ này nghịch lại với Đức Chúa Cha cách kỳ lạ. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều biết ba thế lực tối tăm này, đó là thế gian, xác thịt và ma quỉ, đứng chống nghịch với ba thân-vị thần thượng. Xác thịt nghịch lại với Thánh Linh là Đấng An Ủi, chính Sa-tan nghịch lại với Christ Giê-su là Chúa, và thế giới nghịch lại với Cha là Đấng Tạo Hóa.

Điều chúng tôi đang nói đến, là kosmos, luôn luôn chống đối với Đức Chúa Trời là Cha và Đấng Sáng Tạo. Kế hoạch đời đời của Ngài trong cõi sáng tạo được ngụ ý qua những lời này: “Điều đó rất tốt lành”. Lâu nay Ngài vẫn không ngừng hành động theo kế hoạch ấy. Từ trước khi tạo lập thế giới, Ngài đã định trong lòng sẽ có một trật tự mà con người sẽ là đỉnh cao nhất của trật tự ấy và trật tự ấy sẽ tự do bày tỏ đặc tính của Con Ngài. Nhưng Sa-tan đã xen vào. Sử dụng trái đất này làm bàn đạp và con người làm công cụ, hắn chiếm đoạt cõi sáng tạo của Đức Chúa Trời, để thay vào đó tạo nên một điều gì tập trung vào chính hắn và phản chiếu hình ảnh của hắn. Như vậy, hệ thống xa lạ gồm các sự vật này là sự thách thức trực tiếp đối với kế hoạch thần thượng.

Do đó, ngày nay, chúng ta đang đối diện với hai thế giới, hai lãnh vực uy quyền, có những đặc tính hoàn toàn khác nhau và chống đối nhau. Ngày nay, đối với tôi không chỉ là vấn đề thiên đàng hay địa ngục tương lai, mà là vấn đề hai thế giới ngày nay, và tôi thuộc về trật tự bao gồm những điều có Đấng Christ là Chúa tối cao, hay thuộc về trật tự đối nghịch gồm những điều có Sa-tan là đầu não đang tồn tại của trật tự ấy.

Như vậy, sự cứu rỗi không phải là vấn đề được tha thứ tội lỗi và tránh khỏi địa ngục, liên quan nhiều đến cá nhân. Trái lại, sự cứu rỗi cần phải được nhìn thấy trong mối liên hệ đến một hệ thống mà chúng ta từ đó bước ra. Khi được cứu, tôi hoàn toàn lìa khỏi một thế giới và bước vào một thế giới khác. Bây giờ tôi được cứu ra khỏi toàn bộ lãnh vực có tổ chức mà Sa-tan đã thiết lập để thách thức mục đích của Đức Chúa Trời.

Lãnh vực ấy, tức là kosmos bao-gồm-tất-cả ấy, có nhiều khía cạnh kỳ lạ. Dĩ nhiên trước hết tội có chỗ đứng ở đó, và dục vọng thế giới nữa; nhưng các tiêu chuẩn con người và những phương pháp làm việc đáng quí trọng của chúng ta cũng chiếm một phần không kém trong ấy. Tâm trí con người, văn hóa và triết học của nó đều bao hàm trong đó, cùng với tất cả những gì tốt nhất của các hệ tư tưởng chính trị và xã hội của nhân loại. Bên cạnh những điều này chắc chắn chúng ta cũng đặt các tôn giáo thế gian vào, và trong số đó có cả Cơ-đốc giáo thế giới và “Hội-thánh thế giới” của nó. Bất cứ nơi nào quyền lực của con người thiên nhiên thống trị, ở đó anh em có yếu tố của hệ thống ấy, là hệ thống ở dưới sự khích động trực tiếp của Sa-tan.

Nếu đó là thế giới, thì sự cứu rỗi là gì? Sự cứu rỗi có nghĩa là tôi thoát khỏi nơi đó.Tôi ra khỏi đó, tôi lìa khỏi kosmos bao-gồm-tất-cả ấy. Tôi không còn thuộc về khuôn khổ của Sa-tan về các sự việc. Tôi đặt lòng mình nơi lòng Đức Chúa Trời đặt để. Tôi lấy mục đích đời đời của Ngài trong Đấng Christ làm mục đích của mình, tôi bước vào đó và được giải cứu khỏi điều này.

Ai tin và chịu báp-têm thì được cứu rỗi. Chúa Giê-su đã đơn giản nói lên điều Ngài muốn nói. Tôi thực hiện bước đức tin ấy: Tôi tin và chịu báp-têm, và tôi thành ra một người được cứu. Đó là sự cứu rỗi. Cho nên đừng bao giờ xem báp-têm là việc nhỏ.Những điều lớn lao bao hàm ở đó. Đó là vấn đề hai thế giới chống đối nhau dữ dội và việc chúng ta chuyển dời từ thế giới này sang thế giới kia.

Trong Kinh-thánh có một phân đoạn khác đem báp-têm và sự cứu rỗi lại gần nhau để minh họa chủ đề này. Tôi muốn nói đến chương 3 của Thư Phi-e-rơ thứ nhất. Trong phân đoạn này vị sứ đồ cho chúng ta biết thế nào “Đức Chúa Trời chịu đựng lâu dài trong những ngày của Nô-ê, khi chiếc tàu đang được chuẩn bị, trong đó chỉ có ít người là tám hồn được cứu rỗi qua nước” (c. 20). Ông nói nước ấy là hình ảnh tượng trưng hay điều tương đương, hoặc (như lề của bản Kinh-thánh Revised Version tiếng Anh có ghi) là biểu tượng tương đương của một điều khác. “Nước ấy là biểu tượng tương ứng chỉ về báp-têm hiện nay cứu rỗi anh em”. Như vậy, ông lý luận rằng báp-têm hiện nay cứu chúng ta. Rõ ràng Phi-e-rơ tin vào sự cứu rỗi nhờ báp-têm cách vững chắc như ông tin Nô-ê được cứu qua nước. Xin hãy nhớ rằng, tôi không đang nói đến sự tái sinh, và tôi cũng không đang nói về sự giải cứu khỏi địa ngục hay khỏi tội lỗi. Xin hãy hiểu rõ rằng chúng tôi đang nói về sự cứu rỗi. Đây không chỉ là vấn đề từ ngữ, nhưng liên quan đến sự việc chúng ta được tách rời khỏi hệ thống thế giới ngày nay một cách cơ bản.

Để hiểu rõ hơn điều Phi-e-rơ muốn nói, chúng ta nên trở lại xuất xứ của những điều ông nói trong các chương từ sáu đến tám của Sáng-thế Ký. Hình ảnh này đầy sự dạy dỗ. Vào thời Nô-ê, chúng ta thấy cả một thế giới bại hoại. Vốn được Đức Chúa Trời tạo dựng, trái đất đã trở nên bại hoại do hành vi của con người thời đó khi họ tự đặt mình dưới quyền Sa-tan. Một khi đã được đưa vào, tội lỗi phát triển và hoành hành, cho đến khi Thánh Linh của Đức Chúa Trời kêu lên: “Thôi đủ rồi!” Mọi sự đã đến một giai đoạn “vô phương cứu chữa”; chúng chỉ còn cần bị phán xét và cất bỏ đi.

Vì vậy, Đức Chúa Trời ra lệnh cho Nô-ê đóng một chiếc tàu, đem gia đình ông và các tạo vật vào đó, rồi cơn nước lụt đến. Lúc đó, họ được “nhấc lên khỏi mặt đất”, lên trên những dòng nước bao phủ “tất cả những ngọn núi cao ở dưới gầm trời”. Mọi vật sống, cả người và thú, đều bị hủy diệt, chỉ có những ai trong chiếc tàu cỡi trên những dòng nước mới được cứu. Điều quan trọng ở đây không những là họ thoát chết chìm.Đó không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng đối với chúng ta ấy là họ là những con người duy nhất ra khỏi hệ thống bại hoại bao gồm các sự vật ấy, ra khỏi thế giới dưới nước. Sự sống của bản thân là kết quả đương nhiên của việc ra khỏi, sự diệt vong bản thân là hậu quả không thể tránh khỏi do ở lại trong đó, nhưng sự cứu rỗi là chính sự kiện ra khỏi, chứ không phải là hiệu quả của nó. Xin hãy lưu ý sự khác biệt này vì đây là điều quan trọng. Sự cứu rỗi chủ yếu là sự thoát ra khỏi trật tự thuộc về Sa-tan bị định phải hủy diệt, một sự thoát ra khỏi ngay ngày hôm nay.

Ngợi khen Đức Chúa Trời, họ đã ra khỏi! Bằng cách nào? Bằng cách qua nước. Vì vậy, nói theo biểu tượng, ngày nay khi các tín đồ chịu báp-têm, họ đi qua nước, y như Nô-ê ở trong tàu đã vượt qua các dòng nước lụt. Trong phân đoạn này, qua nước có nghĩa là họ thoát khỏi thế giới, họ ra khỏi hệ thống gồm nhiều điều, cùng với bá chủ của chúng, đang ở dưới án phạt thần thượng. Tôi xin đặc biệt nói điều này với những người chịu báp-têm hôm nay1. Xin nhớ rằng anh em không phải là người duy nhất ở trong nước. Khi anh em bước xuống nước, cả thế giới cùng xuống với anh em. Khi anh em lên khỏi nước, anh em đi lên trong Đấng Christ, trong chiếc tàu cỡi trên sóng, nhưng thế giới của anh em ở lại phía sau. Đối với anh em, thế giới bị chìm rồi, bị chết đuối như thế giới của Nô-ê, bị giết chết trong sự chết của Đấng Christ và không bao giờ hồi sinh. Bởi báp-têm, anh em tuyên bố điều này: “Chúa ôi, con bỏ thế giới của con lại phía sau. Thập tự giá của Ngài đã phân rẽ con với nó mãi mãi!”
Vì vậy, nói theo nghĩa bóng, khi anh em đi qua các dòng nước báp-têm, mọi sự thuộc về hệ thống cũ bao gồm nhiều điều ấy đều bị cắt đứt bởi những dòng nước và không bao giờ trở lại. Chỉ một mình anh em lên khỏi nước. Đối với anh em đó là con đường dẫn vào một thế giới khác, một thế giới là nơi anh em tìm được chim bồ câu và những chiếc lá ô-liu xanh tươi. Anh em ra khỏi thế giới ở dưới sự phán xét, vào trong một thế giới được đánh dấu bởi sự tươi mới của sự sống thần thượng.
Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng anh em không phải là người duy nhất đi xuống nước; thế giới của anh em cùng đi xuống với anh em và nó ở lại đó. Từ quan điểm trong hoàn cảnh mới của mình, anh em sẽ khám phá thấy rằng nước luôn luôn bao phủ thế giới mà trước đó anh em vốn thuộc về nó. Chính nước lụt cứu Nô-ê và gia đình ông là nước lụt nhận chìm thế giới mà họ đã sống trong đó. Cho nên về một mặt, chính nước đặt anh em và tôi trên nền tảng cứu rỗi trong Đấng Christ, mặt khác nước chôn vùi toàn bộ hệ thống bao gồm mọi điều của Sa-tan. Không những quá khứ của anh em với tư cách là con của A-đam kết liễu trong báp-têm của anh em mà thế giới của anh em cũng kết thúc tại đó. Trong cả hai trường hợp, đó là sự chết và chôn mà không điều gì sống lại cả. Đó là kết thúc mọi sự.
Điều này có nghĩa là anh em không thể đem bất cứ điều gì từ thế giới trước đây vào trong thế giới mới. Những gì thuộc về lãnh vực bao gồm mọi điều trước đây trong A-đam cứ ở lại [trong nước] và đừng bao giờ gợi lại. Có lẽ trước đây anh em là một nhân viên trong một cửa tiệm, hay một người giúp việc trong nhà. Hay có lẽ anh em là chủ, là người quản lý, hay giám đốc của một công ty. Ngày nay, có lẽ anh em vẫn là chủ hay vẫn là người giúp việc, nhưng anh em sẽ thấy rằng khi đến với những điều thần thượng, khi đến với Hội-thánh của Đức Chúa Trời và sự hầu việc Ngài, tại đó không có nô lệ hay tự do, cũng không có giám đốc hay nhân viên. Lại nữa, anh em có thể là người Do-thái hay người Ngoại Bang, hay thuộc về một trăm lẻ một điều có tiếng tăm hay tai tiếng trong A-đam. Khi anh em vượt qua dòng nước này, cả hệ thống bao gồm mọi điều ấy sẽ ra đi, không bao giờ trở lại. Thay vào đó, anh em thấy chính mình trong Đấng Christ, là nơi không có người Do-thái hay Hi-lạp, mọi rợ hay Sy-the hay bất cứ điều gì khác, nhưng là một người mới. Anh em đã bước vào một trật tự bao gồm những điều mang đặc tính của cây ô-liu và lá ô-liu, bí quyết của những điều này là sự sống thần thượng. Nhóm chữ: “bởi sự sống lại của Giê-su Christ” tô màu cả tương lai (1 Phi 3:21).Nhóm chữ này ngụ ý anh em đã đi vào một điều gì đó hoàn toàn mới mà Đức Chúa Trời đang tạo dựng. Theo các nhà phê bình (Thánh Kinh Phù Dẫn Phân Tích của Robert Young), chính địa danh A-ra-rát có nghĩa là “Đất Thánh”. Có thể đúng như vậy, chúng ta ngợi khen Đức Chúa Trời vì chiếc tàu nằm trên trái đất được đổi mới ấy đầy dẫy những tạo vật tượng trưng cho cõi sáng tạo mới. Từ sự chết của Đấng Christ, Đức Chúa Trời đã tạo nên toàn cõi sáng tạo mới, và trong sự liên hiệp với Đấng Christ phục sinh, Ngài đang đưa con người vào đó. Trong Đấng Christ, anh em và tôi đang ở đó!
Bây giờ anh em hỏi tôi nếu chúng ta không chịu báp-têm thì có sao không. Câu trả lời duy nhất của tôi là chính Chúa đã truyền dạy điều đó (Math. 28:19). Đó là một bước mà chính Ngài không để người ta thuyết phục Ngài đừng chịu báp-têm (Math. 3:13-15).Phi-e-rơ mô tả báp-têm là sự kêu gọi, lời chứng của lương tâm tốt đối với Đức Chúa Trời (c. 21). Lời chứng là một sự tuyên bố. Cho nên qua hành động này, anh em nói lên một điều gì đó, anh em tuyên bố chỗ đứng của mình, có lẽ không do lời nói, nhưng chắc chắn bởi việc làm của anh em. Vượt qua dòng nước, anh em công bố với cả vũ trụ rằng anh em đã bỏ lại thế gian phía sau và bước vào một điều gì đó tuyệt đối mới. Đó là sự cứu rỗi. Anh em công khai đứng ở chỗ mà Đức Chúa Trời đã đặt anh em trong Đấng Christ.
Điều này giúp giải thích lý do tại sao chúng ta tìm thấy có những phân đoạn trong Kinh-thánh nói về sự cứu rỗi rất khó giải thích nếu chúng ta chỉ liên hệ sự cứu rỗi với địa ngục hay tội lỗi. Chẳng hạn như điều này soi sáng cho những lời rõ ràng là khó hiểu mà Phao-lô và Si-la đã nói với người cai ngục tại Phi-líp. Ông ấy hỏi: “Tôi phải làm gì để được cứu rỗi?” Anh em sẽ trả lời như thế nào? Nếu là một nhà truyền giảng Phúc-âm vững vàng của thời nay, anh em sẽ nói một cách chắc chắn: “Hãy tin Chúa Giê-su Christ thì anh sẽ được cứu”. Nhưng thật ra Phao-lô đã nói thêm: “Anh và cả nhà anh”. Tôi có thể nghe anh em kêu lên: Ông thật sự có ý nói rằng nếu tôi tin Chúa Giê-su, cả tôi lẫn gia đình tôi đều sẽ được cứu không? Một lần nữa chúng ta phải cẩn thận. Phao-lô không nói: Hãy tin Chúa Giê-su thì anh và cả nhà anh đều sẽ có sự sống đời đời. Ông nói: “Hãy tin Chúa Giê-su Christ, thì anh và cả nhà anh đều sẽ được cứu rỗi”. Hãy nhớ rằng Phao-lô đang nói đến một hệ thống gồm nhiều điều, và nói đến việc người cai tù từ chối và thoát ra khỏi hệ thống ấy. Với tư cách là đầu của gia đình, khi ông tuyên bố rằng từ ngày ấy trở đi, ông và nhà ông sẽ hầu việc Chúa, và khi lời tuyên bố ấy được mọi người biết, ngay cả những người qua đường sẽ chỉ vào cửa nhà ông và nói: “Họ là người theo Đấng Christ”.
Đó là ý nghĩa của sự cứu rỗi. Anh em tuyên bố rằng mình thuộc về một hệ thống khác bao gồm nhiều điều. Người ta chỉ vào anh em và nói: “Vâng, đúng rồi, đó là một gia đình Cơ-đốc; họ thuộc về Chúa!” Đó là sự cứu rỗi mà Chúa ao ước cho anh em, là sự cứu rỗi do làm chứng công khai, anh em tuyên bố trước mặt Đức Chúa Trời: “Thế giới của con đã ra đi; con bước vào một thế giới khác”. Nguyện Chúa ban cho chúng ta sự cứu rỗi ấy, để chính chúng ta được hoàn toàn nhổ bật rễ ra khỏi hệ thống cũ bao gồm nhiều điều, bị định phải hủy diệt, và được trồng cách vững chắc trong hệ thống mới, thần thượng.
Ngợi khen Đức Chúa Trời, vì có một phương diện tích cực vinh hiển cho mọi điều này. Phi-e-rơ nói tiếp rằng chúng ta được cứu “bởi sự sống lại của Giê-su Christ, là Đấng đã lên trời, nay ngự bên hữu Đức Chúa Trời, các thiên sứ, các quyền bính, các năng lực đều thuận phục Ngài” (c. 22). Đức Chúa Trời đã đặt Con Ngài ở vị trí tối cao, trên cả mọi sự, và làm cho mọi uy quyền đầu phục Ngài. Đức Chúa Trời có thể làm điều này là Đấng thừa sức đem tôi, tức thân và hồn tôi vào trong lãnh vực ấy.
Như vậy, tóm lại, ở đây chúng ta có hai thế giới. Một mặt là thế giới trong A-đam, bị Sa-tan cầm giữ trong cảnh nô lệ; mặt khác, có cõi sáng tạo mới trong Đấng Christ, là lãnh vực hoạt động của Thánh Linh Đức Chúa Trời. Làm thế nào anh em và tôi ra khỏi một lãnh vực, là A-đam, để vào trong lãnh vực kia, là Đấng Christ? Nếu anh em không biết chắc phải trả lời câu hỏi ấy như thế nào, tôi xin hỏi anh em một câu khác. Trước hết làm thế nào anh em vào trong A-đam? Vì hễ biết lối vào thì chúng ta cũng sẽ biết lối ra. Anh em đã vào trong lãnh vực của A-đam bằng cách được sinh ra trong dòng giống của A-đam. Như vậy, làm thế nào anh em ra khỏi đó? Rõ ràng là bởi sự chết. Và tiếp theo, làm thế nào để anh em vào trong lãnh vực của Đấng Christ? Câu trả lời cũng giống như vậy: bằng cách được sinh ra. Cách bước vào gia đình của Đức Chúa Trời là bởi sự tân sinh dẫn đến hi vọng sống, nhờ sự phục sinh của Giê-su Christ từ những người chết (1 Phi 1:3). Sau khi được hiệp một với Ngài bởi hình trạng của sự chết Ngài, anh em được liên kết với Ngài bởi hình trạng của sự phục sinh Ngài (Rô 6:5). Sự chết đã chấm dứt mối quan hệ của anh em với thế giới cũ, và sự phục sinh đem anh em đến tiếp xúc cách sống động với thế giới mới này.
Cuối cùng, điều gì xảy ra giữa thế giới này và thế giới kia? Tảng đá để anh em đặt chân giữa hai thế giới này là gì? Không phải là sự chôn sao? “Vậy, chúng ta đã nhờ báp-têm mà được đồng chôn với Ngài trong sự chết” (Rô 6:4). Theo một quan điểm, có một kết thúc tàn nhẫn trong những từ ngữ “được đồng chôn với Ngài trong sự chết”.Quá khứ của tôi trong A-đam đã chấm dứt trong sự chết của Đấng Christ, cho nên khi tôi bước đi từ sự chôn ấy, tôi có thể nói mình là một con người “đã chấm dứt”. Nhưng tôi có thể nói nhiều hơn, vì ngợi khen Đức Chúa Trời, có một phương diện khác không kém phần đúng đắn. Vì “Đấng Christ đã được sống lại từ trong những người chết”, khi tôi ra khỏi nước và bước đi, tôi có thể bước đi “trong sự sống mới” (6:4).
Kết quả hai mặt của Thập Tự Giá cũng được ngụ ý trong những từ ngữ đi trước Rô-ma 6:3. “Anh em há không biết rằng tất cả chúng ta là những người đã chịu báp-têm trong Christ Giê-su, đều đã chịu báp-têm trong sự chết của Ngài sao?” Ở đây chỉ trong một câu ngụ ý hai phương diện của báp-têm. Đó là báp-têm vào trong hai điều. Trước hết, chúng ta là những người tin đã được “báp-têm vào trong sự chết của Ngài”. Đó là một sự thật lớn lao, nhưng có phải tất cả chỉ có vậy? Hoàn toàn không phải như vậy, vì trong phần thứ hai, chính câu ấy nói rằng chúng ta đã “chịu báp-têm vào trong Christ Giê-su”. Một báp-têm vào trong sự chết của Đấng Christ chấm dứt mối quan hệ của tôi với thế giới này, nhưng một báp-têm vào trong Christ Giê-su là một Thân-vị sống, là Đầu của một dòng giống mới, mở ra cho tôi một thế giới với những sự vật hoàn toàn mới. Khi đi vào trong nước, tôi đơn giản làm cho mọi sự thành tựu, công khai khẳng định rằng “sự phán xét thế giới này” trở nên thực hữu đối với tôi kể từ ngày Con Loài Người “bị treo lên” kéo tôi đến với chính Ngài.
Thật là một Phúc-âm kỳ diệu để rao giảng cho toàn cõi thọ tạo!
1 Bài giảng này được chia sẻ nhân buổi báp-têm tại Luân-Đôn vào tháng Năm, 1939.