Đây là câu chuyện về năm vị giáo sĩ trẻ tuổi đã làm chấn động dư luận cả thế giới vào năm 1956. Năm vị giáo sĩ này là người Mỹ, tên của họ là Jim Elliot, Pete Fleming, Ed McCully, Roger Younderian và Nate Saint. Họ đã dấn thân vào tận rừng già Nam Mỹ để tiếp xúc và chia sẻ tình yêu của Chúa Trời cho các sắc dân thiểu số. Những động lực gì đã thôi thúc họ để lại sau lưng một tương lai rực rỡ, đầy hứa hẹn mà đi rao truyền Tin Lành ở một xứ lạc hậu, nghèo nàn như nước Ecuador. Chúa Trời đã làm việc trong cuộc đời của họ như thế nào?
Đầu tiên tôi xin trình bày sơ lược tiểu sử của năm vị giáo sĩ đáng kính này.
Tiểu Sử Của Jim Eliot
Nhờ sự hướng dẫn tốt lành của gia đình, Jim lớn lên trong đường lối của Chúa Trời. Từ khi còn bé, cứ sau mỗi buổi ăn sáng thì cha của Jim thường đọc Kinh Thánh cho bốn người con thân yêu của mình. Ông cố gắng dạy các con mình phải luôn sống theo lời của Chúa Trời. Ông thường mô tả cho các con rằng sự vui mừng là phần thưởng lớn trong cuộc sống của tín đồ Cơ Đốc. Những dạy dỗ tốt lành đó đã thấm nhuần và in sâu vào tấm lòng của các con của ông. Jim là người con trai thứ ba trong gia đình, người đã tin vào Chúa Giê-su làm Cứu Chúa của đời mình ngay khi còn rất trẻ.
Khi lên trung học, Jim muốn noi gương của sứ đồ Phao-lô, quyết tâm “không hổ thẹn vì Tin Lành của Đấng Christ”. Mỗi lần vào lớp học thì người luôn đặt quyển Kinh-Thánh ở trên chồng sách của mình. Jim là con người có nghị lực, rất sốt sắng trong công việc của Chúa Trời. Mỗi lần khi người biết rõ ý của Chúa Trời, Jim luôn hết lòng, hết sức vâng phục Ngài.
Khi bước vào năm thứ nhất đại học, Jim cố giới hạn những hoạt động ngoài chương trình học vấn, vì người không muốn vướng bận với những việc ít quan trọng mà lỡ đi những việc tối quan trọng. Lên năm thứ hai, sau khi nhận biết rằng Chúa Trời sẽ hướng dẫn mình đem Tin Lành đến các xứ Nam Mỹ, thì ngay lập tức Jim đi học tiếng Tây-Ban-Nha, là thứ ngôn ngữ chính của vùng Nam Mỹ. Cùng một lúc, Jim cũng học tiếng Hy-Lạp để giúp cho việc phiên dịch Kinh Thánh trong tương lai.
Sắp lên năm cuối của đại học, Jim ghi lại trong quyển nhật ký của mình rằng: “Xin Chúa hãy khiến con trở thành nhiên liệu của Ngài, ngọn lửa của Chúa Trời.” Trong cuối năm chót, Jim tham dự một kỳ đại hội truyền giảng tổ chức tại trường đại học Illinois, đó là dành cho các sinh viên có ý định dấn thân vào công việc truyền giảng Tin-Lành ở nước ngoài. Trong thời gian đó, Jim cầu nguyện xin Chúa Trời cho biết ý muốn của Ngài trong đời sống của mình. Vào cuối mùa hè 1950, cũng là vào lúc cao điểm của sự cầu nguyện và tìm cầu ý của Đức- Chúa-Trời, Jim gặp một vị giáo sĩ đến từ xứ Ecuador. Sau đó, Jim dành trọn 10 ngày chăm chú vào việc cầu nguyện để khẳng định rõ ràng về ý muốn và sự hướng dẫn của Chúa Trời trong việc đi truyền giảng Tin-Lành ở Ecuador.
Tiểu Sử Của Pete Fleming
Pete sanh trưởng ở Seatle, thuộc tiểu bang Washington. Vào năm 13 tuổi, người tin vào Chúa Giê-su sau khi nghe lời làm chứng của một vị giáo sĩ mù. Khi Pete lên trung học, người muốn bắt chước Hê-nóc “đi cùng với Đức Chúa Trời” (Sáng Thế Ký 5:22, 24). Khi vào đại học Washington, Pete chọn triết học làm môn học chính. Bởi thế, có một lúc Pete phân vân và lẫn lộn trước vô số lý thuyết triết học và tư tưởng xung đột lẫn nhau. Nhưng cuối cùng Chúa Trời là Đấng chăn giữ linh hồn, Ngài đã đưa Pete trở về với lời hằng sống. Pete rất siêng năng và chăm học, cho dù phải vừa đi làm vừa học và có bận làm sao đi nữa người vẫn ráng tranh thủ thời giờ để cầu nguyện và học tập lời của Chúa. Ngay sau khi đậu bằng cao học văn chương, Pete cố gắng tìm cầu sự hướng dẫn của Chúa Trời, thì người gặp lại người bạn xưa là Jim Elliot. Hai người giữ liên lạc với nhau và sau cùng Pete quyết định sẽ phụng sự Chúa Trời ở Ecuador. Điều này đã làm cho các bạn cùng khóa vô cùng kinh ngạc. Vào tháng 2 năm 1952, Jim và Pete đi bằng đường biển đến Guayaquil là thành phố lớn và tân tiến nhất của Ecuador. Họ ở tạm chỗ đó một đêm, hôm sau hai người lấy máy bay đi đến Quito, thủ đô của xứ Ecuador.
Tiểu Sử Của Ed McCully
Ed là con trai lớn trong gia đình, cha của Ed là người quản trị của một hãng bánh ở tiểu bang Milwaukee của nước Mỹ. Cha của Ed rất sốt sắng tham dự vào công việc truyền giảng Tin Lành. Cha của Ed đã có dịp đi khắp cả nước Mỹ và nắm lấy mỗi một cơ hội để làm chứng về Chúa Trời cho những hiệp hội thương mại và các nhóm Tin Lành ở khắp nơi. Khi Ed vào trường đại học Wheaton, người chọn học ngành kinh tế và doanh thương. Lúc ấy người chưa có ý định dự vào công việc truyền giảng Tin Lành ở nước ngoài. Con người Ed to lớn, lực lượng, cao khoảng 1.87m, nặng hơn 87 kí-lô, là một cầu thủ bóng đá xuất sắc nhất của đội bóng đá trường đại học Wheaton. Nhưng Ed nổi bật nhất là môn thuyết trình, cho dù người chưa được huấn luyện chính thức về môn này, người đoạt giải nhất trong một cuộc tranh tài hùng biện toàn quốc ở San Francisco. Cuộc tranh tài hùng biện này có hơn 10,000 sinh viên tham dự. Năm sau Ed ghi tên vào học trường luật ở đại học Marquette. Ở Bắc Mỹ, môn luật là ngành học rất tuyển chọn và rất ít người được nhận, có khi còn khó vô hơn ngành y khoa nữa. Vào đầu năm thứ hai, Ed xin làm việc ban đêm ở một khách sạn. Tại vì buổi tối thường ít việc, Ed có thể dùng khoảng thời gian đó để ôn bài. Nhưng Chúa Trời đã sắp đặt sẵn một chương trình kỳ diệu cho cuộc đời của Ed. Từ khi bắt đầu làm việc, thay vì ôn bài thì Ed lại dùng thời gian đó học tập lời của Chúa. Điều này hẳn đã ảnh hưởng cuộc đời của Ed rất lớn. Đúng một ngày trước thời hạn ghi tên cho khóa mới, Chúa Trời đã làm một việc kỳ diệu trong lòng của Ed. Thay vì ghi tên đóng học phí với số tiền mình có, thì lòng của Ed được Chúa Trời cảm động, người quyết định không ghi danh học tiếp ngành luật nữa. Trong lá thư gởi cho Jim Elliot, Ed viết rằng: “Cách đây hai hôm, mình còn là sinh viên trường luật được mọi người nể trọng, nhưng giờ đây mình trở nên một người tầm thường không có gì cả. Cảm ơn bạn đã cầu thay cho tôi. Tôi cũng sẽ ghi nhớ cầu nguyện về chuyến đi Ecuador của bạn. Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho nhau vì tôi cũng rất ao ước có thể đi Ecuador như bạn vậy.”
Để trang bị cho chuyến đi, vào năm 1951, Ed xin vào trường y tế truyền giáo ở Los Angeles. Người hết lòng học tập những môn bịnh nhiệt đới, cách chữa trị, về nha khoa và sản khoa. Ed được huấn luyện về những nguyên tắc y khoa căn bản và cần thiết để giúp những người dân bản xứ và cho chính gia đình của mình. Sau đó, vào tháng 12 năm 1952, Ed cùng với bà vợ là cô Marilou và Steve là đứa con được tám tháng, cùng đón tàu đi xứ Ecuador, là nơi mà Chúa Trời đã hướng dẫn người và gia đình đi rao truyền Tin Lành.
Tiểu Sử Của Nate Saint
Nate sinh trưởng trong một gia đình sống theo những nguyên tắc trong Kinh Thánh. Cha mẹ Nate dạy dỗ các con có kỷ luật lắm, nhưng không khí trong gia đình lại rất vui sướng. Rachel, chị của Nate tựa như người mẹ tí hon, thường đọc cho em nghe những sách nói về công việc truyền giáo ở các nước Phi Châu, Nhật Bổn, Ấn Độ và Nam Mỹ. Điều này đã in sâu trong tâm trí thơ ấu của Nate. Tuy không hề nghĩ rằng mình sẽ trở thành một người truyền giáo, nhưng Nate ước ao một ngày nào đó, mình có thể làm chứng về Chúa Trời cho những ai chưa hề được nghe về Tin Lành.
Vào năm 7 tuổi, Nate được Sam, người anh cả cho đi lên phi cơ. Được bay lượn trên không trung, bắt đầu từ đó những cánh phi cơ và khung trời mênh mông đã thu hút tâm hồn của cậu bé. Vào năm 10 tuổi, Nate mắc phải một chứng bịnh ngặt nghèo ở chân và bị bắt buộc phải ngưng tất cả những hoạt động, vì vậy mà Nate có nhiều thì giờ suy nghĩ và tự hỏi có phải Chúa Trời muốn mình trở nên một nhà truyền giáo chăng. Trong những năm trung học, Nate thường mơ tưởng về phi cơ và khung trời bao la bát ngát. Xong trung học, Nate xin vào làm việc tại một phi trường nhỏ và cùng lúc đó người học lái phi cơ hạng nhẹ. Sau một khoảng thời gian, Nate xin ghi danh vào trường sĩ quan không quân. Đây là cơ hội bằng vàng cho người, vì bấy lâu nay, Nate hằng mơ ước được lái những chiếc phi cơ quân sự to lớn và đầy năng lực. Nhưng giấc mơ của Nate chóng tiêu tan khi bịnh của người tái phát. Sự kiện xảy ra quá bất ngờ làm cho lòng của người tan nát vì không còn cơ hội học lái phi cơ cỡ lớn. Người trở nên chán nản vô cùng. Sau khi rời khỏi bịnh viện, Nate được giao cho chức vụ trưởng nhân viên bảo trì trong không quân. Trong công việc này, người có thời giờ để xem lại quyển Kinh Thánh mà người đã bỏ quên từ lâu.
Một năm sau, trong một buổi lễ thờ phượng vào đêm giao thừa, Chúa Trời làm việc thật mãnh liệt trong lòng của người. Lúc ấy, Nate khẩn thiết cầu xin Đức Cha trên trời cất đi những gì ngăn trở để người có thể đón nhận sự bình an mà Chúa hứa ban cho. Và “đùng một cái”, Nate tựa như nhìn vào mọi sự với đôi mắt khác. Lần đầu tiên người thật sự hiểu được câu Kinh Thánh: “Hãy theo ta, ta sẽ cho các ngươi trở nên tay đánh lưới người.” Và cùng lúc, Nate nhìn vào lối sống xưa cũ của mình và nhận thấy cứ chạy theo cuộc đời tạm bợ này thật là một điều rồ dại.
Nate nghĩ rằng người sẽ từ giã nghiệp phi hành để trở lại trường để được trang bị cho việc phụng sự Chúa Trời. Nhưng vào lúc đó Nate biết đến “Hiệp Hội Giáo Sĩ Hàng Không” (Missionary Aviation Fellowship viết tắt là MAF). Chẳng bao lâu, Nate gặp hai cựu phi công hải quân thiết lập hiệp hội này. “Giáo sĩ phi hành”, đây thật là công việc lý tưởng, gần như đặc biệt sửa soạn cho Nate vậy. Nate bắt đầu luyện tập trở lại cách lái phi cơ hạng nhẹ. Vào tháng 7 năm 1946 công việc đầu tiên của Nate với Hiệp Hội Giáo Sĩ Hàng Không là đi Mexico để sửa chiếc máy bay bị hư khi đáp xuống. Vào mùa đông 1947 – 1948, người ghi danh học ở đại học Wheaton. Nhưng thời gian học tập bị cắt ngắn lại vì Ecuador đang cần phi công. Và vào tháng 9, Nate và một người phi công của Hiệp Hội Giáo Sĩ Hàng Không bay đi Ecuador.
Tiểu Sử Của Roger Younderian
Roger sinh tại Montana, là người con thứ bảy của một gia đình có trại chăn nuôi súc vật. Từ nơi mẹ, người được dạy dỗ tận tường trong đường lối của Đức-Chúa-Trời. Vào năm chín tuổi, Roger mắc bịnh tê liệt (polio). Lên trung học, người khắc phục được ảnh hưởng của bịnh bại mà có thể chơi bóng rỗ. Hết trung học, Roger vào đại học “Montana State College” với ba học bổng và dự tính trở thành giáo sư canh nông. Năm 1942 Roger được chọn làm sinh viên thứ nhất xuất sắc nhất, nhưng tháng 10 năm 1943 Roger quyết định nhập ngũ và sau cùng người trở thành lính nhảy dù.
Trong một bức thư gởi mẹ, Roger nói rằng: “ngày vui mừng nhất trong đời là lúc con tin vào Chúa Giê-su. Khi con thật sự ăn năn và tin vào Chúa Giê-su làm Cứu Chúa thì con kinh lịch được sự tha thứ của ngài. Tìm hiểu lời Kinh-Thánh là nguồn hy vọng và vui thú lớn nhất của con.”
Năm 1944 Roger sống sót sau lần nhảy dù ở Rhine và được tuyên dương công trạng về trận chiến ở Bulge, và người bắt đầu ngẫm nghĩ về việc hiến dâng trọn vẹn cuộc đời của mình cho Chúa Trời. Vào tháng 8 năm 1945, từ Bá-linh ở Đức, người viết thư cho mẹ: “Con có một bí mật muốn nói cho mẹ nghe. Mùa thu vừa qua, từ lúc tin vào Chúa Giê-su con ước mong làm tròn ý muốn của ngài. Hiện giờ con không biết Đức-Chúa-Trời sẽ kêu gọi con làm gì, nhưng con ước ao làm chứng cho Chúa Giê-su và bước đi theo ngài.” Vào năm 1946, sau khi khẳng định Chúa kêu gọi mình đi rao truyền Tin Lành, Roger trở lại trường Northwestern để học. Nơi đây người gặp Barbara Orton đang học ngành “giáo dục Tin Lành” với ý định truyền giáo. Hai người quen biết và kết thân với nhau. Tháng 9 năm 1950, hai người cùng ghi tên học khóa “y tế truyền giáo”, và đúng một năm sau thì họ thành hôn với nhau. Năm 1953, Roger và Barbara cùng đứa con 6 tháng Beth Elaine lên đường đi Ecuador.
TNPA