Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

THƯ CỦA QUỈ-- 26


THƯ 26
Cháu Wormwood thân mến!
Thời gian đính hôn đúng là lúc để gieo những hạt giống phát triển thành nỗi oán ghét trong gia đình mười năm sau đó. Niềm vui của ước muốn không được thỏa mãn đưa đến những kết quả mà chúng ta có thể khiến bọn con người lầm tưởng là kết quả của lòng nhân ái. Hãy lợi dụng sự mơ hồ của từ ngữ “tình yêu”: hãy để cho bọn chúng nghĩ là qua tình yêu chúng đã giải quyết được những vấn đề mà trên thực tế, chúng đã từ bỏ hoặc trì hoãn lại dưới ảnh hưởng của sự say mê. Trong khi đó cháu có cơ hội làm nảy sinh ra các vấn đề một cách kín đáo và biến chúng thành kinh niên.

      Một vấn đề lớn là sự “quên mình”. Một lần nữa hãy lưu ý đến thành quả của vũ khí đặc ngữ, khi thay thế sự quên mình tiêu cực vào lòng nhân ái tích cực của Kẻ Thù. Nhờ đó, ngay từ lúc bắt đầu, cháu có thể dạy một người khước từ những quyền lợi của mình không phải để những người khác được hạnh phúc mà là để tỏ ra là không ích kỷ. Như vậy là đạt được một điểm rồi. Một điểm ích lợi khác là quan điểm khác nhau về sự quên mình giữa phái nam và phái nữ, một quan điểm chúng ta đã xây dựng được. Đối với một phụ nữ, quên mình chủ yếu là chăm lo cho người khác còn đối với một người nam, quên mình là không gây phiền toái cho người khác. Kết quả là một phụ nữ từng hầu việc lâu năm cho Kẻ Thù sẽ gây phiền toái nhiều hơn bất cứ người đàn ông nào ngoại trừ những người mà cha chúng ta hoàn toàn kiểm soát được, và ngược lại một người nam sẽ phải sống rất lâu ở phe Kẻ Thù trước khi anh ta tự nguyện làm việc gì đó để làm vui lòng người khác, điều mà một phụ nữ bình thường có thể làm mỗi ngày. Do đó trong khi phụ nữ nghĩ đến việc giúp người khác thì người nam nghĩ đến việc tôn trọng quyền lợi người khác, và mỗi phái dường như có lý do để cho là phái kia hoàn toàn ích kỷ.

      Trên những sự lầm lẫn đó, hãy gieo rắc thêm vài điều nữa. Niềm say đắm tình ái làm nảy sinh ra tính dễ chiều ý lẫn nhau và người nào cũng thật sự vui lòng nhượng bộ ước muốn của người khác. Họ cũng biết Kẻ Thù đòi hỏi một mức độ nhân ái mà nếu đạt được cũng đưa đến những hành động tương tự. Cháu phải khiến họ xem là một qui luật cho đời sống lứa đôi, cái tinh thần hy sinh phát xuất tự nhiên từ niềm say đắm, nhưng khi niềm say đắm đó mất đi, thì họ sẽ không còn đủ lòng nhân ái để làm theo nữa. Họ sẽ không thấy cái bẫy đâu vì họ đang mù quáng lầm lẫn sự say đắm tình ái với lòng nhân ái và đang nghĩ rằng lòng say đắm này sẽ còn tồn tại lâu dài.
     Một khi việc “quên mình” chính thức, hợp pháp biến thành qui luật, qui luật mà họ không còn đủ sự say đắm để tuân theo cũng như chưa đủ lòng nhân ái để thực hiện thì sẽ có những hậu quả hết sức vui thú. Khi thảo luận về bất cứ một dự tính chung nào thì bắt buộc là A phải chiều theo ý thích của B, ngược lại với ý thích của mình, còn B cũng lại làm giống vậy. Do đó thường không thể biết rõ ý thích thật sự của hai bên nên cuối cùng họ sẽ làm điều mà chẳng ai thích và người nào cũng cảm thấy vầng hào quang của sự công bình riêng. Mỗi người đều nhận biết một cách kín đáo về tính ích kỷ của mình cũng như ngấm ngầm một nỗi bực bội đối với người kia vì đã chấp nhận sự hy sinh của mình một cách quá dễ dàng.
 Dần dần cháu có thể mạo hiểm thực hiện cái mà chú gọi là: “ảo tưởng xung đột về lòng rộng rãi”. Tốt nhất nên thực hiện trò chơi này trong một gia đình có hơn hai người. Một điều hết sức tầm thường được đề nghị, như là dùng trà ngoài vườn. Một thành viên cố tình làm mọi người cảm nhận rõ ràng (dù không bằng nhiều lời) là người ấy không muốn nhưng sẵn lòng làm vì sự “quên mình”. Thế là ngay lập tức những người khác rút lại đề nghị của mình cũng là do “quên mình”, nhưng thực ra vì không muốn bị sử dụng để làm nổi bật tính “quên mình” của người nói đầu tiên. Nhưng người này cũng không muốn bị tước đoạt mất tính không ích kỷ của mình nên cứ đòi làm những gì người khác muốn. Những người khác thì cứ khăng khăng đòi làm những gì người kia muốn. Thế là sóng gió nỗi lên. Chẳng bao lâu đã có người nói: "Thế thì thôi, tôi không uống trà nữa!!!", và rồi bùng nổ ra một trận tranh cãi với những bực bội đắng cay của đôi bên. Cháu hiểu cách làm rồi chứ? Nếu mỗi bên cứ thành thật bảo vệ cho ý thích thật của mình thì tất cả sẽ ở trong giới hạn của lẽ phải và lịch sự. Nhưng chỉ vì cuộc tranh cãi bị lật ngược lại, bên này thì lo bảo vệ cho quan điểm của bên kia nên những nỗi cay đắng bắt nguồn từ sự công bình riêng không thực hiện được, sự bướng bỉnh ấy, những sự bực bội chồng chất mười năm qua họ đều không thấy, vì những gì họ đang làm là để tuân theo qui luật chính thức của sự “quên mình”. Phía nào cũng thấy rõ phẩm chất tồi của tính quên mình của phía kia, hay vị trí giả tạo phía bên kia đã đẩy mình vào; thế nhưng phía nào cũng cảm thấy theo sự gian trá rất thông thường ở bọn con người, mình chẳng có lỗi lầm gì và đã bị đối xử cách tệ bạc.
     Một con người thông minh từng nói: "Nếu người ta biết việc quên mình gây ra biết bao tình cảm xấu, thì đã không giảng về nó nhiều như thế trên bục giảng" và "Đó là một phụ nữ sống vì người khác - những “người khác” này có thể được nhận ra cách dễ dàng qua cái vẻ bị săn đuổi của họ". Tất cả những điều này có thể được khởi sự ngay từ thời kỳ đính hôn. Một chút ích kỷ thực sự về phía anh bệnh nhân, vậy mà ít ích lợi cho chúng ta trong việc chiếm đoạt linh hồn anh ta, hơn là những bước đầu của sự quên mình có ý thức, mà một ngày kia sẽ phát triển thành cái điều chú đã mô tả. Một chút giả dối nào đó, một thoáng ngạc nhiên khi thấy cô gái không luôn nhận thấy anh đã “quên mình” thế nào, có thể được lén đưa vào ngay từ bây giờ. Hãy chăm lo cho những điều này và trên hết mọi sự đừng để cho hai đứa ngờ nghệch nghi ngờ gì hết. Nếu chúng nhận ra thì chúng sẽ đi đến chỗ khám phá ra rằng “tình yêu” không chưa đủ, lòng nhân ái là điều chúng cần có mà hiện chưa có đủ và không một luật lệ bên ngoài nào có thể thế chỗ cho nó được. Chú mong ước rằng Slumtrimpet có thể làm một điều gì đó để phá hoại cái ý thức về sự lố bịch nơi cô gái trẻ.
                                                                                                     Chú thân yêu của cháu.
                                                                                                Screwtape