Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

THƯ CỦA QUỈ-- 27


THƯ 27 
Cháu Wormwood thân mến!
Dạo này chú thấy dường như cháu chẳng làm được việc gì. Rõ ràng là cháu phải sử dụng “tình yêu” của anh bệnh nhân để khiến anh ta không chú tâm đến Kẻ Thù nữa, nhưng cháu đã tỏ ra không biết cách sử dụng, vì như cháu nói thì hiện giờ một trong những đề tài chính yếu trong lời cầu nguyện của anh ta là tâm trí vẩn vơ không hướng được hết về Kẻ Thù. Điều này có nghĩa là cháu đã thất bại to rồi. Khi có bất cứ sự xao lãng nào trong tâm trí anh ta, cháu phải khuyến khích anh ta dứt bỏ nó đi bằng sức mạnh của ý chí và cố gắng tiếp tục cầu nguyện bình thường như không có gì xảy ra; một khi anh ta đã chấp nhận sự xao lãng như nan đề hiện tại của anh ta và trình bày cho Kẻ Thù để biến nó thành chủ đề chính của những lời cầu nguyện, những nỗ lực của mình thì cháu đã làm hại cho chúng ta thay vì làm lợi. Bất cứ điều gì, ngay cả một tội lỗi, nếu tác dụng của nó là đẩy anh ta đến gần Kẻ Thù, thì cuối cùng sẽ làm hại chúng ta.
Thế nhưng sau đây là một phương cách đầy hứa hẹn. Khi anh ta đang yêu thì quan điểm về hạnh phúc trên đất này nảy sinh trong tâm trí anh ta và hiệu quả là những lời cầu xin khẩn thiết cho cuộc chiến hay những vấn đề khác. Đã đến lúc tạo ra những khó khăn về mặt trí tuệ cho loại cầu nguyện này. Sự thuộc linh giả dối là điều chúng ta luôn luôn nên khuyến khích. Trên cái nền tảng dường như tất cả rất tin kính là: “sự ngợi khen và mối tương giao với Đức Chúa Trời mới là lời cầu nguyện thực sự”, chúng ta có thể dẫn dụ bọn con người đến chỗ không vâng phục trực tiếp đối với Kẻ Thù, mà theo cái cách tẻ nhạt buồn chán tầm thường của Hắn, đã ra lệnh cho bọn chúng cầu nguyện cho thức ăn hằng ngày và cho những người đau ốm lành bịnh. Đương nhiên cháu sẽ phải chế giễu anh ta sự kiện lời cầu nguyện cho thức ăn hàng ngày, nhìn dưới ý nghĩa thuộc linh hay ý nghĩa nào khác thì cũng đúng là một lời cầu xin.
Vì bệnh nhân của cháu đã mắc phải thói quen vâng lời khủng khiếp, nên có lẽ anh ta tiếp tục nói những lời cầu nguyện thô thiển ấy. Nhưng cháu có thể quấy rối anh ta với nỗi nghi ngờ dai dẳng là cầu nguyện thật là phi lý và chẳng đưa đến kết quả nào. Đừng quên sử dụng lý luận kiểu “ngửa thì tôi thắng, sấp thì anh thua”. Nếu điều anh ta cầu nguyện không xảy ra thì có thêm một bằng chứng là cầu xin chẳng ăn thua gì, còn nếu nó xảy ra thì đương nhiên anh ta sẽ nhìn thấy những nguyên nhân vật chất đưa đến điều đó "và do đó đằng nào thì điều ấy cũng xảy ra", nên một lời cầu nguyện được đáp lại sẽ cũng chỉ là một bằng chứng rằng cầu nguyện chẳng ích lợi gì.
Là một linh thuần túy, cháu sẽ thấy khó hiểu vì sao anh ta lại sa vào sự lầm lẫn ấy. Nhưng cháu phải nhớ rằng anh ta xem thời gian là một thực tế tối hậu. Anh ta nghĩ rằng, giống như anh ta, Kẻ Thù nhìn một số sự việc như là hiện tại, nhớ lại một sự việc khác như là quá khứ và lường trước một số sự việc khác ở tương lai; hoặc nếu anh ta tin rằng Kẻ Thù không nhìn mọi việc theo cách đó thì tận đáy lòng, anh ta vẫn xem đó như là một cách nhận biết sự việc đặc biệt của Hắn - anh ta thật sự không bao giờ nghĩ (dù anh ta có thể khẳng định ngược lại) là Kẻ Thù nhìn sự vật trong chính thực trạng của nó.
Nếu cháu cố gắng giải thích cho anh ta rằng những lời cầu nguyện của con người ngày hôm nay, sẽ là một trong vô số những yếu tố kết hợp để Kẻ Thù điều hòa thời tiết ngày mai, thì anh ta sẽ trả lời rằng, Kẻ Thù luôn luôn biết ơn người đưa ra những lời cầu nguyện giống vậy và như thế thì không phải tự họ cầu xin nữa mà là được định trước để làm như vậy. Anh ta còn thêm vào là thời tiết của một ngày có những nguyên nhân xuất phát từ tận sự sáng tạo ra muôn vật - do đó toàn bộ sự vật cả về phương diện con người lẫn vật chất đều có chung một nguồn gốc. Điều anh ta phải nói thì quá rõ ràng đối với chúng ta; rằng vấn đề điều chỉnh thời tiết đặc biệt cho hợp với những lời cầu nguyện đặc biệt chỉ là bề ngoài thôi, trong cách nhận biết sự vật theo thời gian của toàn bộ vấn đề về sự thích ứng giữa thế giới tâm linh với thế giới vật chất; rằng toàn bộ sự sáng tạo đồng thời có ở không gian lẫn thời gian, hay đúng hơn là dạng ý thức của con người buộc họ phải nhìn nhận cái hành động sáng tạo đồng thời và trọn vẹn đó, như là một loạt các hành động sáng tạo liên tiếp nhau. Tại sao Kẻ Thù lại để cho bọn con người có ý chí tự do lại chính là nan đề của mọi nan đề, sự bí ẩn đằng sau cái gọi là “tình yêu” của Kẻ Thù. Tại sao? Chú không biết, nhưng như thế này thì dễ hiểu thôi, vì Kẻ Thù không biết trước được bọn con người sẽ đóng góp phần của chúng vào tương lai mà chỉ nhìn thấy chúng đang làm như vậy trong cái hiện tại đời đời của Hắn. Hiển nhiên quan sát một người đang làm điều gì đó thì khác với việc bắt người ấy làm điều đó.
Đã có câu trả lời rằng một số văn sĩ chuyên xen vào chuyện người khác như Boethius đã tiết lộ cái bí ẩn đó. Nhưng với tình trạng trí tuệ mà chúng ta đã làm phát sinh ra được ở Tây Âu, thì không có gì phải lo sợ. Chỉ có những người có học mới đọc những cuốn sách xưa và vì chúng ta đã “làm việc” với bọn này rồi, nên bây giờ trong tất cả mọi người thì chúng lại kém khả năng hơn hết để tiếp thu sự khôn ngoan khi đọc sách cờ. Chúng ta đã làm được điều này bằng cách đưa vào “quan điểm lịch sử”. Nói cách ngắn gọn, “quan điểm lịch sử” nghĩa là khi một học giả đứng trước lời phát biểu của một tác giả cờ điển nào, thì điều duy nhất mà hắn ta không hỏi đó là: "Lời phát biểu ấy có đúng với sự thật không?" Học giả ấy sẽ hỏi tác giả đó chịu ảnh hưởng của ai, lời phát biểu trên có phù hợp với những sách khác của cùng tác giả không, lời phát biểu này minh họa giai đoạn phát triển nào của tác giả hay của lịch sử tư tưởng nói chung, nó đã bị hiểu lầm đến mức độ nào (đặc biệt bởi các đồng nghiệp của độc giả), và những lời phê bình trong 10 năm qua cũng như tình trạng hiện thời của cuộc tranh luận. Xem tác giả cờ điển như nguồn cung cấp kiến thức, cho rằng những gì ông ta nói có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động là một điều non nớt không thể chấp nhận được.
Vì không phải lúc nào chúng ta cũng lừa dối được mọi người, nên cắt đứt mối liên hệ giữa các thế hệ là điều hết sức quan trọng; vì khi văn hóa khiến các thời đại có thể quan hệ với nhau thì luôn có nguy cơ là những sai lầm của thời đại này sẽ bị lẽ thật của thời đại khác sửa chữa. Nhưng nhờ vào Cha của chúng ta và 'quan điểm lịch sử' mà các học giả vĩ đại nhất của thời nay, đối với các kiến thức của quá khứ, thì cũng không nhận được nhiều hơn một anh thợ máy ngu dốt nhất, là người cho rằng: "Lịch sử thì chẳng là cái quái gì".
Chú thân yêu của cháu.
                                                                                                         Screwtape