Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013

NGÀY CỦA CHÚA

Cơn đại nạn




Trong Kinh thánh từ ngữ “ngày” được hiểu là một ngày có 24 giờ, hoặc một thời kỳ (Giăng 11:17), hoặc một thời đại ( I Cor. 6:2)

I Cor. 4:3-5 chép, “Nhưng về phần tôi, hoặc bị anh em xét đoán, hoặc bị người khác xét đoán, tôi đều coi là rất nhỏ; đến như chính tôi cũng chẳng tự xét đoán mình nữa... Đấng xét đoán tôi, ấy là Chúa. Vậy, chớ nên xét đoán gì sớm quá, hãy đợi Chúa đến,”
Câu “hoặc bị người khác xét đoán”, nên sửa lại theo nghĩa đen là, “tôi bị xét đoán bởi anh em hay bởi ngày của con người”.


Ngày con người xét đoán là thời hiện tại, trong đó con người xét đoán. Con người sẽ tiếp tục xét đoán cho đến khi Chúa đến. Sau khi Chúa đến, đó sẽ là “ngày của Chúa’ phán xét. Ngày con người phán xét là thời hiện đại. Điều nầy tương phản với ngày của Chúa là thời đại sắp đến, tức thời đại vương quốc, trong đó sự phán xét sẽ là sự phán xét của Chúa. Trong ngày của con người ngày nay, ai cũng làm thẩm phán. Ngay cả con cái cũng phán xét cha mẹ, và học sinh phán xét giáo viên. Nhưng trong ngày của Chúa, Chúa sẽ chấm dứt sự phán xét của loài người và sẽ đưa ra lời phán xét cuối cùng. Ngài can thiệp vào lịch sử loài người.

Trong các sách tiên tri Cựu Ước, các tiên tri thường dự ngôn về “ngày của Đức Jehovah”.

Thí dụ, Giô ên 1:13, “Ôi ngày ấy! Vì ngày Đức Giê-hô-va đã gần! Nó đến như một tai vạ thả ra bởi Đấng Toàn năng.”

Giô ên 2:1b, “Vì ngày của Đức Giê-hô-va đến, ngày ấy đã gần:  tức là ngày mờ mịt và tối tăm, ngày của mây và sương mù..”

Giô ên 3:14, “Vì trong trũng đoán định, ngày Đức Giê-hô-va đã gần.  Mặt trời và mặt trăng tối tăm, các ngôi sao thâu sự sáng lại.  Đức Giê-hô-va gầm thét từ Si-ôn; Ngài làm cho vang tiếng mình ra từ Giê-ru-sa-lem; các từng trời và đất đều rúng động”.

E-xê-chi-ên 13:5, “Các ngươi chưa lên nơi phá tan, và không xây tường cho nhà Y-sơ-ra-ên, đặng đứng vững trong cơn chiến trận nơi ngày Đức Giê-hô-va.”

E-xê-chi-ên 30:3, “Thật vậy, ngày ấy gần rồi, phải, là ngày của Đức Giê-hô-va; ngày có mây, kỳ của các dân tộc”.

Sô phô ni 1:7-9, “Hãy nín lặng ở trước mặt Chúa Giê-hô-va! Vì ngày của Đức Giê-hô-va đã gần, Đức Giê-hô-va đã sửa soạn của lễ, đã biệt riêng ra tân khách Ngài. Trong ngày tế lễ của Đức Giê-hô-va, ta sẽ phạt các quan trưởng và các con trai của vua, và hết thảy những kẻ mặc áo lạ. Trong ngày đó, ta sẽ phạt hết thảy những kẻ nhảy qua ngạch cửa, và những kẻ làm đầy dẫy sự bạo ngược và sự quỷ quyệt trong nhà chủ mình”.

Trong Tân ước, các sứ đồ nói về ngày của Chúa, I Tes 5:2, “Vì chính anh em biết rõ lắm rằng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong ban đêm vậy”.

Ngày của Chúa mà sứ đồ Phao lô nói trên đây đồng nghĩa với ngày của Đức Jehovah, nhưng khác với ngày của Chúa là ngày thứ nhất trong tuần lễ khi Hội thánh nhóm họp- Khải 1:10, “Nhằm ngày của Chúa, tôi (ở trong linh) cảm Thánh Linh, nghe đằng sau có tiếng lớn như tiếng kèn...”.

Nhờ sách Khải thị chúng ta biết ngày của Đức Jehovah hay ngày của Chúa kéo dài từ ấn thứ sáu đến “ngày của Chúa” chép trong II Phi e rơ 3:10 tức là ngày Đức Chúa Trời đốt trời đất cũ để tái tạo trời đất mới.- “Song ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm, bấy giờ các từng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chất bị lửa hừng tiêu hoá, đất và công tác trên nó đều bị đốt cả. Vì mọi vật đó đã phải tiêu hoá, thì cách sống của anh em đáng phải thánh khiết và kỉnh kiền là dường nào, trông đợi và làm cho ngày Đức Chúa Trời mau đến, là ngày các từng trời sẽ bị lửa cháy tiêu hoá, và các thể chất đều bị nóng hực tan chảy.” (3:11-12). Vậy ngày của Chúa là thời kỳ khi CHÚA công khai can thiệp vào các sự vụ của loài người, khi ngày của con người ( man’s day- theo nghĩa đen) đóng lại theo I Cor. 4:3.

Sách Khải thị chép 7 ấn. Bốn ấn đầu đã được Chúa Jesus mở ra, và hiệu quả 4 ấn đó đã xảy ra từ sau khi Ngài thăng thiên và kéo dài đến ngày Chúa tái lâm. Ấn 5 mở ra cho chúng ta thấy các thánh đồ tử đạo trong lạc viên (âm phủ), kêu la xin Chúa báo thù huyết cho họ trên những kẻ thù nghịch của họ.

 Theo Đa ni ên 9:, trước khi Chúa Jesus tái lâm có 7 năm cuối cùng, thì ấn thứ 6 được mở ra trước cơn đại nạn 3 năm rưỡi sau của 7 năm cuối cùng nầy, như sự mở màn, để gây sự chú ý của nhân loại vào cơn đại nạn sắp nổ ra. Cho nên từ khi mở ấn thứ sáu đến ngày Đức Chúa Trời thiêu hủy trời đất cũ có 1003 năm rưỡi. Thời gian nầy được các nhà giải kinh gọi chung là ngày của Đức Jehovah hay ngày của Chúa. Trong trang 929, học giả C.I. Scofield chú thích Giô ên 1:15 như sau, “ngày của Chúa trong các thời kỳ tiên tri sẽ bao gồm thời kỳ của cơn đại nạn sắp đến (Khải 6:-19:) và sự trì vì của Đấng Christ trên ngai của David (Khải 20:). Ngày đó sẽ đi đến sự kết thúc bởi sự xét đoán của ngai lớn và trắng (Khải 20:11-15) và sẽ đưa trời mới đất mới đến; ngày nầy cũng được gọi là ngày của Đức Chúa Trời—II Phi e rơ 3:10-13).

Trong ấn 6 có cơn động đất lớn ảnh hưởng toàn cầu, báo tin cơn đại nạn sắp nổ ra. Đó là cơn động đất thứ nhất trong ngày của Chúa. Vào bát số 7 còn có một cơn động đất lớn hơn nữa để báo hiệu cho loài người biết rằng cơn đại nạn chấm dứt.

Trong ấn sáu, cơn động đất làm cho loài người kinh hoàng trốn vào các hang sâu để tránh nhìn thấy mặt Chúa. Trong cơn động đất của bát 7, thành phố Jerusalem bị chia cắt làm ba mảnh, và các thành phố của các dân ngọai toàn cầu đầu đổ xuống. mọi công trình xây dựng đều sụp dổ tàn tành. Ê sai 24 :19-29 mô tả sự động đất kinh sợ như sau,“ Đất đều tan nát, đất đều vỡ lở, đất đều rúng động.  Đất lay động như người say; lỏng chỏng như cái võng, tội lỗi chất lên trên nặng trĩu, nó sẽ đổ xuống và không dậy được nữa!”

Nhiều cơ đốc nhân không biết hiện tượng địa triều đi kèm trong cuộc địa chấn toàn cầu. Khải 16:17-21 chép, “Thiên sứ thứ bảy trút bát mình trong khoảng không, bèn có tiếng lớn từ nơi ngai ở trong đền thờ mà ra, phán rằng: “Xong rồi!”  Liền có chớp, tiếng, sấm, và động đất lớn, từ khi có loài người trên đất chưa hề có động đất lớn lao dữ dội dường ấy. Thành phố lớn bị xé ra làm ba phần, các thành của các nước đều đổ xuống, và Đức Chúa Trời nhớ đến Ba-by-lôn lớn, bèn cho nó chén rượu thạnh nộ phừng phừng của Ngài.  Mọi đảo đều trốn đi, các núi chẳng còn thấy nữa. Có mưa đá lớn từ trời rơi xuống trên người ta, mỗi cục nặng chừng một ta lâng ( 45 kilogram), người ta bèn lộng ngôn đến Đức Chúa Trời bởi cớ tai hoạ mưa đá ấy, vì tai hoạ đó lớn quá đỗi.”.

“Mọi đảo đều trốn đi, các núi chẳng còn thấy nữa.” là mặt đất bị di chuyển. Các nhà khoa học nói mỗi năm hai bờ Thái bình dương xích lại gần nhau mấy phân Anh. Các mảnh lục địa đang rã rời và trôi giạt đi. Nhưng điều quá lạ lùng là xứ thánh Israel vẫn đứng yên, không bị địa triều, vì Xa cha ri chép, “Cả đất sẽ làm nên đồng bằng, từ Ghê-ba cho đến Rim-môn, về phía nam Giê-ru-sa-lem, thành nầy sẽ được nhắc lên và ở trong chỗ mình,..” (Xa 14:10. Jertusalem được nhô lên cao trong vị trí của mình, xứng đáng là thủ đô của vương quốc ngàn năm trên địa cầu.

A mốt 8:9 nói về hiện tượng địa triều như sau, “Chúa Giê-hô-va phán: Sẽ xảy ra trong ngày đó, Ta sẽ khiến mặt trời lặn đi trong lúc giữa trưa, và khiến đất tối tăm trong giữa ban ngày.” Làm sao mặt trời đang giữa trưa có thể lặn được? Thí dụ, vào ngày đó, mặt trời đang đứng bóng 12 giờ trưa tại nước Việt Nam, thì thình lình cơn địa chấn khiến vùng Đông nam á trôi về hướng đông đến 6 múi giờ. Thì khi vừa trôi đến 6 múi giờ trong Thái bình dương, tức thì dân Việt Nam sẽ thấy mặt trời lặn ở chân trời.


Sau ấn thứ 6, như là sự mở màn cơn đại nạn và ngày của Chúa, sẽ có các trình tự như sau. Ấn 7 có 7 kèn và kèn 7 có 7 bát. Có thể 4 kèn đầu tiên đi kèm với ấn thứ sáu, vì kèn 5 mới thực sự khởi đầu cơn đại nạn ba năm rưỡi, vì khi kèn 5 thổi lên Satan như ngôi sao từ trời rớt xuống vực sâu.

Bốn kèn đầu thổi lên sát với thời gian mở ấn 6. Có một điểm ngộ nhận trong 4 kèn đầu là, “Vị thứ nhất thổi lên, liền có mưa đá và lửa pha với huyết tung xuống đất; một phần ba đất bị cháy, một phần ba cây cối bị cháy, và mọi thứ cỏ xanh cũng bị cháy. Thiên sứ thứ nhì thổi lên, bèn có hình như một núi lớn lửa cháy bị quăng xuống biển; một phần ba biển biến ra huyết, một phần ba sanh vật trong biển đều chết, và một phần ba tàu bè cũng bị huỷ hoại.10 Thiên sứ thứ ba thổi lên, bèn có một ngôi sao lớn, cháy như đuốc, từ trời sa xuống, rơi nhằm một phần ba các sông và các suối nước. Tên ngôi sao đó là Ngải cứu. Một phần ba nước biến ra ngải cứu, nhiều người chết vì nước đó, bởi nó đã hoá ra đắng.12 Thiên sứ thứ tư thổi lên, thì một phần ba mặt trời, một phần ba mặt trăng, và một phần ba các ngôi sao đều bị đập, hầu cho một phần ba các vì sáng ấy đều bị tối tăm, một phần ba của ban ngày không sáng, và ban đêm cũng vậy.”

Sai lầm chung của các bản dịch Kinh thánh Việt văn, từ bản Truyền thống, Hiện đại, Bản dịch mới, hay Phổ thông đề dịch “một phần ba mặt đất” hay “một phần ba sông ngòi, cây cối” bị phá hại. Thực ra theo nguyên văn Hi lạp mà các bản Kinh thánh Anh văn dịch lại chính xác là “phần đất thứ ba” “phần sông ngòi thứ ba” bị thiệt hại.

Đức Chúa Trời đánh giá và phân loại đất đai trên địa cầu theo tình trạng đạo đức của chúng.
Khải 8:7, “phần thứ ba của trái đất bị đốt cháy...” có lẽ ám chỉ các miền nào đó của trái đất thì rất gian ác và tội lỗi.

Khải.8:8,“phần thứ ba của biến biến thành huyết”—“phần thứ ba sinh vật ở trong biển..đã chết”...- “Phần thứ ba của tàu bè bị hủy diệt”. Có thể ám chỉ biển bao quanh vùng đất phạm tội ác chống Đức Chúa Trời. Phần biển nầy cũng bị tàn phá bởi sự phán xét của Đức Chúa Trời.

Khải 8: 10, 11 “ ngôi sao rơi trên phần thứ ba sông ngòi....phần thứ ba của nước (uống) đã trở thành ngãi cứu”.
Khải 8:12, “phần thứ ba của mặt trời, phần thứ ba của mặt trăng, phần thứ ba của các vì sao bị đập...”

Ngày nay những người chống Đức Chúa Trời và những người thực hành điều ác chống lại Ngài vẫn còn vui hưởng cõi sáng tạo của Ngài. Vì cớ sự chống đối gian ác của con người nghịch lại Đức Chúa Trời, nước trong cõi sáng tạo của Đức Chúa Trời, mà rất thiết yếu trong cuộc sống con người, có thể sẽ bị tàn phá theo cách giới hạn bởi phán xét của Đức Chúa Trời.
Cho nên 4 kèn đầu chủ yếu tàn phá môi trường sống của vùng đất gian ác nhất của địa cầu. Có thể là vùng đất cực ác, vương quốc Antichrist—Âu châu.

Kèn 5 thổi lên Satan, như ngôi sao rơi xuống vục sâu. Hắn đưa hai bù nhìn của mình xuất hiện trên trái đất là AntiChrist và tiên tri giả, cũng như hắn tung tổng lực lượng trừ bị là bầy châu chấu, tức các loại ác linh, là bính lính của hắn. Hai nhân vật nầy (mà sách Khải thị gọi là hai con thú) làm công tác của Satan trong 42 tháng hay là 3 năm rưỡi đại nạn.

Kèn 6 thổi lên, 4 thiên sứ ác, thuộc cấp của Satan được thả ra. Chúng lãnh đạo đoàn kỵ binh 200 triệu. Đạo quân đông đảo nầy thi hành án lệnh tàn sát một phần ba nhân loại, mà hiện tại nhận loại có 7 tỉ người trong hạn kỳ là một giờ, một ngày, một tháng và một năm.

Kèn thứ bảy thổi lên thì nước 1000 năm của Đấng Christ liền đến không trung trong khi có tuyên ngôn từ trời vang ầm rằng, “Vương quốc của thế giới đã trở nên Vương quốc của Chúa chúng ta và của Đấng Christ của Ngài, Ngài sẽ làm Vua cho đến đời đời vô cùng.”  Hai mươi bốn trưởng lão đương ngồi trên ngôi mình ở trước mặt Đức Chúa Trời đều sấp mặt xuống, thờ lạy Đức Chúa Trời, mà rằng: “Hỡi Chúa là Đức Chúa Trời, Đấng Toàn năng, Ngài biện có, đã có, chúng tôi cảm tạ Ngài, vì Ngài đã nắm lấy quyền rất lớn của Ngài, mà trị vì.  Các dân Ngoại bang đều nỗi giận, nhưng cơn thạnh nộ của Ngài đã đến, thời kỳ xét đoán kẻ chết, ban thưởng cho đầy tớ Ngài là tiên tri, các thánh đồ và phàm kẻ kính sợ danh Ngài, bất luận nhỏ hay lớn, lại giờ làm bại hoại những kẻ đã làm bại hoại đất cũng đã đến rồi.”

Ngay sau tuyên ngôn nầy, Chúa dùng bảy thiên sứ đổ bảy bát thịnh nộ cuối cùng của Đức Chúa Trời xuống trái đất để quét sạch và dọp dẹp toàn bộ môi trường trái đất cho Đấng Christ với Cô Dâu ngày đem vương quốc xuống địa cầu.
Bảy bát tàn phá trọn vẹn môi trường gian ác của địa cầu. Thay vì chỉ có phần đất thứ ba , hyy phần sông thứ ba bị hư hại, phần biển thứ ba biến thành huyết, thì nay trong 7 bát, tón bộ nước biển sông ngòi đều biến thành huyết. Chúa cũng đánh tan trận chiến Hạt ma ghê đôn, bắt Satan quản chế trong vực sâu, bắt Antichrist và tiên tri giả, quăng vào hồ lửa trước nhất.
Trong ngày của Chúa, Ngài dùng Antichrist phá hủy Babylon tôn giáo La mã vào đầu đại nạn, làm sụp đỗ và nhận chìm Babylon chính trị, là Rome, thủ đô Antichrist vào cuối đại nạn.

Chúa sai các thiên sứ “lượm từng người một” (E sai 27:12-13) trong dân Do thái đem về Jerusalem. Ngài cũng thu gom tất cả những người ngoại còn sống sót trên địa cầu sau chiến tranh hạt nhân. Có lẽ số nầy rất ít, và họ là “các vua trên đất, các đại thần, các đại tướng, các phú hộ, các tráng sĩ...đang giấu mình trong hang hố...” là các hầm trú bom hạt nhân mới còn sống sót nỗi (Khải 6:15). Họ là những người còn sống được Chúa Jesus làm Thẩm phán xét xử trước thiên hi niên

Đấng Christ sẽ cai trị các dân bằng cây gậy sắt trong 1000 năm và sẽ đập tan chúng như những chiếc bình gốm bị đập tan tành (Khải 2:27).

Đến cuối Thiên hi niên, các dân bị Ma quỉ lừa dối sẽ phản loạn chống lại Đấng Christ, nhưng lửa từ trời sẽ thiêu nuốt chúng, đùa chúng vào hồ lửa. Sau đó Satan sẽ bị ném vào hổ lửa.

Chúa sẽ ngồi ghế Chánh thẩm lần nữa sau thiên hi niên để xét xử các bị cáo là dân ngoại đã chết, sống lại tại ngai lớn và trắng sau ngàn năm bình an (Khải 20:11-15). Chúa cũng xét đoán các thiên sứ ác và các linh của các sinh vật trước thời A đam (II Phi e rơ 2:4).

Cuối cùng, các từng trời và trái đất sẽ được đổi mới bằng sức nóng thiêu đốt cực lớn để trở thành trời mới đất mới cho Jerusalem mới, đó là nơi có sự “công nghĩa cư trú” (II Phi e rơ 3:10-13, Khải 21:1-2). Đó là ngày “các từng trời sẽ bị lửa cháy tiêu hoá, và các thể chất đều bị nóng hực tan chảy”. Bản Anh văn dịch câu nầy là “the elements...will be dissolved...”. The elements là các nguyên tố vật lý cấu tạo nên vũ trụ. To be dissolved có nghĩa là được giải phóng, tan rã, giải thể trong tíến trình phân giải lý hóa. Do sự giải phóng các nguyên tử của các lại nguyên tố, đương nhiên có vụ nỗ và đám cháy khốc liệt. Chúa sẽ cho giải thể mọi nguyên tố trong vũ trụ, sau đó Ngài tái cấu tạo chúng thành trời mới đất mới. Theo nguyên văn Hi lạp, chữ “mới” ở đây là kainos, mới trong bản chất. Trời đất mới là cõi sáng tạo mới trong bản chất, trong tính tươi mới theo thời gian nữa.

Ngày của Chúa cùng với tất cả những sự phán xét là để làm cho Đấng Christ được hiển lộ. Khi nghiên cứu Kinh thánh, chúng ta cần nhận biết khải thị trong Kinh thánh tập trung vào Đấng Christ là trung tâm bao quát của cuộc gia tể của Đức Chúa Trời. Tất cả sự phán xét trong ngày của Chúa, bao gồm các loại tai họa. dịch lệ và khốn khổ đều có một mục tiêu, và mục tiêu nầy là để đem đến sự hiển lộ của Đấng Christ.

Trước cảnh tượng gần kề của ngày của Chúa, tôi xin mượn lời của tiên tri Giô ên để nhắc nhở mỗi chúng ta, con cái Ngài, hãy thức tỉnh, cảnh giác, đừng say sưa trong vật chất thế giới, hầu chúng ta có thể tiếp nhận được lời hứa nầy của Chúa: “Hỡi kẻ say sưa, hãy thức dậy và khóc lóc! Hỡi các ngươi hết thảy là kẻ hay uống rượu, hãy than vãn vì cớ rượu ngọt đã bị cất khỏi miệng các ngươi!  Vì một dân mạnh và vô số, đã lên nghịch cùng đất ta; răng nó là răng của sư tử, nó có răng hàm của sư tử cái.  Nó đã hủy phá cây nho ta và lột vỏ cây vả ta. Nó đã lột tiệt cây ấy và bỏ đi; nhánh nó đã trở nên trắng.
 Ngươi khá than khóc như một người nữ đồng trinh mặc bao gai đặng khóc chồng mình thuở còn trẻ tuổi!  Của lễ chay và lễ quán đã cất khỏi nhà Đức Giê-hô-va; các thầy tế lễ hầu việc Đức Giê-hô-va đương ở trong sự tang chế.  Đồng ruộng bị phá hoang, và đất đương sầu thảm; vì lúa mì bị hủy hại, rượu mới đã cạn, dầu đã hao tổn.  Hỡi kẻ cày ruộng, hãy hổ thẹn; hỡi kẻ làm vườn nho, hãy than khóc, vì cớ lúa mì và mạch nha, vì mùa ngoài đồng đã mất.  Cây nho khô héo, cây vả hao mòn; cây lựu cũng như cây chà là, cây tần, mọi cây cối ngoài đồng đều khô héo; sự vui vẻ đã khô héo đi khỏi con trai loài người”.  Lời chúa hứa cho người tỉnh thức là “Vì ngươi đã giữ lời của sự nhẫn nại Ta, Ta cũng sẽ giữ ngươi khỏi giờ thử thách, là giờ sắp đến trong khắp thiên hạ, để thử những người ở trên đất” (Khải 3:10).

Anh em có say sưa không? Anh em có đánh đập bạn đồng công không? Hãy thức tỉnh. Hãy đổi mới. “Nhưng nếu đầy tớ ác kia thầm nói rằng: 'Chủ ta đến chậm,'  bèn đánh bạn đồng công, và ăn uống với phường say rượu,  thì chủ nó sẽ đến trong ngày nó không ngờ, giờ nó không hay, mà phân thây nó, và định cho nó đồng phần với kẻ giả hình; tại đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng.”

Chúng ta hãy làm theo lời Chúa khuyên là “Vậy, lúc nào các ngươi cũng hãy thức canh và cầu nguyện, hầu cho ngươi đủ sức để thoát khỏi mọi điều phải xảy đến ấy và đứng nổi trước mặt Con người.” (Lu 21:36). Hãy chuyên cần cầu nguyện để cứu mình khỏi ngày kinh khiếp của Chúa!

Tóm lại,
Anh em ơi, ngày của Chúa là thời đại kéo dài từ ấn sáu đến trời mới đất mới. Anh em có sợ ngày ấy chăng? Đặc biệt trong ngày của Chúa có giờ thử thách, là cơn đại nạn ba năm rưỡi, thì anh em có chắc rằng mình sẽ được Chúa biến hóa và cất lên trước khi cơn đại nạn ấy xảy ra không? Xin Chúa thương xót chúng ta. Amen.

Minh Khải—Gò công 1-3-2013