Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

Sự sống trong ngày thứ sáu: Gia súc, bò sát và thú rừng

ngayba0

(Sáng Thế Ký 1:24‐25)

Chúa đã tập hợp rất nhiều người trẻ tuổi từ nhiều Hội Thánh khác nhau đến đây. Chúa thực sự muốn phán để chương trình của Ngài được tiến. Chúa đang muốn trở lại và rất có thể chúng ta là thế hệ cuối cùng. Những gì Chúa phán với chúng ta thật là quý báu. Nhiều người đã đọc về sự tạo dựng trong Sáng Thế Ký 1, nhưng ít người thực sự thấy được điều mà Chúa muốn bày tỏ. Ngợi khen Chúa vì ngày nay chúng ta được phép thấy được hiện thực thuộc linh của những hình ảnh ở trong đó.

Hôm qua tôi, cũng được khích lệ về mặt trăng và mặt trời. Có được một chứng cớ tỏa sáng ở cuối thời kỳ này là điều quan trọng đối với Chúa. Đó cũng là nền tảng cho những loại sự sống có bậc cao hơn. Trước đó cũng có sự sống và ánh sáng. Nhiều Cơ Đốc nhân đã kinh nghiệm được điều này qua việc họ đã nhận được ánh sáng khi đọc Kinh Thánh. Trước ngày thứ tư, cũng có sự sống và sự phát triển. Nhưng để có các sự sống cao hơn thì phải cần mặt trời và mặt trăng. Đây là kinh nghiệm của tôi! Nếu không có cuộc sống Hội Thánh và không có sự thông công với các thánh đồ, sự sống sẽ không phát triển như vậy. Ngợi khen Chúa vì ngày thứ tư có mặt trăng và mặt trời, và sau đó có sự sống bậc cao.

Sáng nay, tôi rất được khích lệ vì những con cá không cần sức riêng để chống lại nước biển vì điều này nằm trong bản chất của cá. Bây giờ, chúng ta đến ngày thứ sáu là ngày cuối cùng của sự tạo dựng. Vào ngày này có các sự sống cao hơn. Về mặt sinh học thì các loại sự sống ở đây rất phức tạp, mỗi cơ quan có rất nhiều lớp, nhiều tế bào và nhiều loại mô khác nhau. Chúng ta thấy có ba loại: gia súc, loài bò sát và các thú rừng.

A. Loài gia súc

Loài gia súc là loài rất có ích cho con người, được dùng làm nguồn cung cấp lương thực cho con người (bơ, sữa, thịt, ...) và cũng dùng để lao động. Sự sống này không chỉ cho riêng mình mà còn để phục vụ người khác.

1. Dùng để cung cấp lương thực

(Phục Truyền. 12:20-21; 32:14; 1.Các Vua 4:22-23; Ma-thi-ơ 24:45; Lu-ca 12:42)

Có sự sống của cá để chống lại thế gian là điều rất tốt, con chim khi gặp nguy hiểm thì nó bay lên cao. Trong đời sống hằng ngày khi gặp vấn đề với gia đình hay trong hôn nhân, nếu bay đi mất như con chim thì không tốt lắm, mà chúng ta cần có kinh nghiệm cao hơn. Chúng ta phải tạo ra sữa để giải quyết vấn đề. Đây chính là sự sống của gia súc. Chúng tồn tại để phục vụ và cung cấp thức ăn. Chúng ta không tự nhiên đạt đến sự sống này mà chúng ta phải cùng tác động. Tôi nghĩ điều quan trọng ở đây chính là ăn. Nếu con bò không ăn cỏ thì nó không có sữa. Nghĩa là tôi phải học cách ăn thế nào cho đúng. Gia súc trong Cựu Ước là loài thanh sạch, có đặc điểm là nhai lại. Đây cũng là điều khác biệt với các sinh vật của ngày thứ năm vì cách ăn của chúng “cao cấp” hơn. Khi quan sát người ta cho cá ăn trong sở thú, tôi thấy mấy con cá chỉ nuốt thôi, tôi chưa bao giờ thấy con cá nhai cả. Một số cá lớn ở biển thì nuốt nhiều thức ăn, vài ngày hay vài tuần sau đó, chúng không cần ăn gì nữa. Thỉnh thoảng kinh nghiệm tôi cũng vậy. Tôi đi nhóm, “nuốt”cái gì đó vào để giữ cho tôi sống được. Nuốt cái gì đó thì có thể đủ để cho tôi sống, nhưng nếu tôi muốn phục vụ và cung cấp thức ăn cho người khác thì tôi phải học để ăn một cách đúng đắn. Hội nghị thiếu nhi vào tuần trước có một ví dụ thật rõ, tôi muốn dùng nó để minh họa. Để ăn thì: cầm lấy thức ăn, mở miệng ra, bỏ thức ăn vào miệng và nhai. Ví dụ này tuy đơn giản những đã mở mắt cho tôi thấy việc nhai quan trọng như thế nào. Nó cho biết thái độ của chúng ta đối với Lời Chúa ra sao. Con bò khác con cá ở chỗ nó phải nhai nhiều lần để tiếp thu năng lượng từ cỏ, rồi nó mới tạo ra sữa được.

Khi tôi đọc lẹ Lời Chúa thì nó cũng nuôi dưỡng tôi chút chút, nhưng chúng ta hãy “nhai” Lời Chúa để nhận được sức mạnh ở trong đó. Một số người mới đã ngạc nhiên khi thấy chúng ta lặp lại nhiều lần một câu Kinh Thánh và dùng câu đó để cầu nguyện. Điều này có nghĩa là chúng ta “cầm lấy” Lời Chúa và bỏ Lời vào miệng chúng ta, vì Lời Chúa chính là thức ăn, như tiên tri Giê-rê-mi đã nói “Tôi vừa nghe những lời Ngài, thì đã ăn lấy rồi” (Giê-rê-mi 15:16). Rồi sau đó chúng ta “nhai” Lời Chúa. Khi đọc một câu Kinh Thánh nào đó, chúng ta đừng chỉ đọc qua một lần mà hãy “nhai” nó, qua đó chúng ta sẽ nhận được sự sống. Khi học bài thi, chúng ta cũng phải lặp đi lặp lại nhiều lần để nó nằm trong đầu, nhưng những bài học đó không có mùi vị gì ngon cả. Nhưng nếu biết ăn Lời Chúa, chúng ta sẽ cảm nhận được vị ngon ngọt của Lời và sẽ nhận được sự sống. Tôi khích lệ mỗi người hãy thử: anh em chỉ lấy vài câu Kinh Thánh thôi, đừng nuốt hết một lần mà hãy lặp lại và cầu nguyện. Nhai chính là một điều kiện tiên quyết cho sự sống bậc cao. Chúng ta cần có sự khao khát và hãy xin Chúa ban cho chúng ta sự sống để phục vụ này.

2. Dùng để gánh vác hay làm việc ngoài đồng

(Xuất Ê-díp-tô Ký 23:12; Ma-thi-ơ 11:29-30)

Chính Chúa cũng nói rằng Ngài cần thợ gặt. Trước kia, tôi chỉ muốn giữ vững đức tin của mình trong trường học, trong công ty,... Nhưng ngày thứ sáu có liên quan đến Lời Chúa đã phán trong Ma-thi-ơ 9:37 “Mùa gặt thì thật trúng, nhưng thợ gặt thì ít”. Đặc biệt thời gian này là lúc Chúa muốn quay trở lại. Ở các địa phương, chúng ta không chỉ cần những người trẻ tuổi giữ mình trong sạch, không bị ô uế bởi thế gian mà chúng ta cần những thợ gặt, cần những người có thể gánh vác và cung cấp thức ăn. Điều này liên quan đến việc chúng ta ăn như thế nào. Chúng ta cần có sự khao khát trở thành người phục vụ Chúa, cùng làm việc với Ngài và cung cấp thức ăn cho anh em. Trong Giăng 21, Chúa đã hỏi Phi-e-rơ ba lần “Ngươi có yêu Ta không?”. Sau mỗi lần Chúa lại bảo là hãy chăn chiên của NgàiSự sống của Chúa không chỉ cho riêng mình mà để chăm sóc Hội Thánh, là thân thể của Chúa. Hội Thánh là nơi mà anh em có thể hiến dâng mình vì anh em biết đó là mà điều lòng Chúa khao khát. Và nơi đây anh em biết rằng những gì mình dâng cho Chúa là có giá trị. Trong trường đại học có nhiều nhóm truyền giáo. Khi tôi trò chuyện với họ, thì họ nói “Tôi tuy thuộc về nhóm đó nhưng nó không hợp với tôi hoàn toàn”. Họ cũng dâng mình, nhưng không thể đầu tư trọn vẹn vào đó, vì cảm thấy không thuộc về đó hoàn toàn, với lại cũng có nhiều tổ chức tương tự. Nhưng nếu anh em ý thức rõ nơi đây là nhà Đức Chúa Trời thì anh em có thể hiến dâng mình 100%, có thể tận tâm hiến dâng tất cả mà không phí công và sẽ nhận lại được nhiều hơn. Mặt khác, ách của Chúa dễ chịu và gánh của Chúa nhẹ nhàng, chúng ta cần đổi ách của mình để lấy ách của Chúa. Chúng ta nên kéo cái gánh cùng với Chúa. Nếu phục vụ Chúa như ở ngày thứ sáu này, chúng ta sẽ nhận được phần thưởng.

Ở đây liên quan đến Vương Quốc, đến sự phục vụ trong Vương Quốc. Thật là tốt nếu chúng ta thấy được rằng ai phục vụ thì được thưởng công. Tuy nhiên, tôi làm không phải vì phần thưởng mà tôi biết rằng Cha trên trời sẽ vui. Cũng như khi ba tôi xây nhà, tôi giúp đỡ ba không chỉ vì tôi biết một lúc nào đó mình sẽ thừa kế, mà tôi muốn làm vui lòng ba. Cũng như vậy, khi chúng ta cùng làm với Chúa, lòng Chúa sẽ rất vui. Ngợi khen Chúa!

B. Loài bò sát

1. Chúa Jesus đã tự hạ mình

(Phi-líp 2:7-8; Thi Thiên 22:6; Xa-cha-ri 9:9; Ma-thi-ơ 23:11-12)
Bây giờ, chúng ta hãy đến với loài bò sát. Một trong những đặc điểm của loài bò sát là chúng ở dưới thấp, vì chúng bò trên mặt đất. Phi-líp 2:7-8 nói về sự hạ mình của Chúa “Ngài đã từ bỏ chính mình, mang lấy hình đầy tớ, và trở nên giống như loài người. Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự”. Vì Chúa đã tự hạ mình xuống, nên chúng ta cũng phải làm theo Ngài. Trong Thi Thiên 22:6, Chúa nói về chính mình qua hình ảnh con giun: “Nhưng tôi là một con giun, chớ chẳng phải người đâu, là điều ô nhục của loài người, và vật khinh dể của dân sự”. Tuy Chúa là Vua của các vua, nhưng Ngài đã hạ mình xuống để mang lấy xác thịt tội lỗi của con người. Hình ảnh con rắn bằng đồng được giương cao trong Dân Số Ký 21 nói lên rằng Chúa Jesus đã từ bỏ vinh hiển để hạ mình trở thành người. Thậm chí, vì chúng ta mà Ngài để người ta kinh thường và phun nước bọt vào mặt. Để có được bản tính này thì không đơn giản. Chúng ta cần phải có thức ăn của Chúa.

2. Chúng ta đã chịu đóng đinh với Đấng Christ

(1.Cô-rinh-tô 1:28; Lu-ca 14:11; Lu-ca 19:17; Châm Ngôn 22:4; 1.Phi-e-rơ 5:5-6; Châm Ngôn 18:12)

Chúa đã hạ mình xuống và chúng ta đã cùng bị đóng đinh với Ngài, nên chúng ta cũng phải có sự sống giống vậy. Chúng ta đừng mong đợi sự công nhận của người khác mà hãy phục vụ như một đầy tớ vô ích (Lu-ca 17:7-10). Các nan đề lớn trong Hội Thánh thường không đến từ bên ngoài mà đến từ bên trong, do anh em nào đó kiêu ngạo hay cảm thấy bị tổn thương hay không xử lý cái tôi của mình. Cái tôi của chúng ta thường là nguyên nhân của nhiều nan đề vì chúng ta không muốn hạ mình. Nếu ai muốn phục vụ trong nhà Chúa thì người đó phải biết bản chất của con giun. Ví dụ, khi tôi làm kế hoạch cho buổi nhóm thiếu nhi xong, thì anh em nào đó đến và thay đổi tất cả. Nên tôi mới nói: “Như vậy không được. Tôi đã làm rất tốt, mà anh lại cho rằng mình làm tốt hơn”. Những suy nghĩ như vậy xuất hiện rất nhanh trong lòng chúng ta và chúng phá hủy Hội Thánh. Chúng ta cần ý thức rằng mình làm cho Chúa, còn những diễn ra sau đó thì không quan trọng. Khi chúng ta làm cho Chúa thì chúng ta sẽ nhận được phần thưởng. Nếu người khác thay đổi hay vứt bỏ những gì mình đã làm thì cũng không sao. Chúng ta chỉ là những đầy tớ vô ích, chúng ta chỉ làm những điều mà mình phải làm thôi. Trong công ty, nếu tôi làm xong một dự án rồi người khác vứt bỏ, làm lại từ đầu thì đó là điều bực mình, vì những gì tôi đã làm không được kể. Trái lại, trong nhà của Chúa, nếu những gì anh em đã làm là vì Chúa thì anh em sẽ nhận được phần thưởng từ Chúa. Thật là tốt để nói rằng chúng ta chỉ làm những điều mà mình phải làm. Ý kiến của chúng ta ở đây không có giá trị. Nếu cảm thấy mình bị tổn thương thì chúng ta phải dâng lên cho Chúa chứ đừng nói với con người. Đức Chúa Trời đã chọn những kẻ bị coi thường.

Thỉnh thoảng, chúng ta cũng cảm thấy mình thật là nhỏ bé. Ví dụ, một người tuy mới đến Hội Thánh, nhưng lại có thể chia sẻ tốt và làm được nhiều thứ, nên tôi thấy mình chẳng là gì cả dù đã ở trong Hội Thánh lâu hơn. Dù vậy, chúng ta nên trung tín trong những việc nhỏ. Anh em hãy trung tín với những gì Chúa đã ban cho anh em. Hãy như người đàn bà góa nghèo. Dù bà chỉ có hai đồng tiền nhưng bà đã trung tín. Chúa có một thước đo khác hẳn. Mặc dù người khác bỏ nhiều tiền hơn nhiều, nhưng Chúa đã nói với các môn đồ: “bà góa nghèo nầy đã bỏ vào nhiều hơn hết mọi người khác” (Lu-ca 21:3). Con người nghĩ rằng dâng hiến một triệu euro thì rất nhiều, nhưng Chúa nhìn vào lòng của con người và Ngài có một thước đo khác. Vì vậy, dù cảm thấy mình nhỏ bé, chúng ta cũng nên trung tín trong sự nhỏ bé. Chúng ta hãy dâng lên cho Chúa những gì mà mình có. Trong buổi nhóm cũng vậy, hãy trung tín dù chúng ta chỉ có một câu Kinh Thánh. 1.Phi-e-rơ 5:5-6 nói đến sự khiêm nhường “Hỡi những anh em trẻ, hãy phục theo các trưởng lão. Mọi người hãy mặc lấy sự khiêm nhường mà đối đãi với nhau; vì Ðức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Vậy, hãy hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Ðức Chúa Trời, khi đến lúc Ngài sẽ nhắc anh em lên”. Nhiều câu trong sách Châm Ngôn cho thấy sự khiêm nhường thật đáng quý. Nếu ai khiêm nhường thì được ban ơn. Để khiêm nhường thì rất đơn giản, câu 7 khuyên chúng ta hãy dâng cho Chúa mọi lo lâu.

C. Sư tử: vua của các loài thú

(Khải Huyền 5:5)

1. Ý thức về cuộc chiến thuộc linh

(2.Ti-mô-thê 2:3-4; Khải Huyền 12:7-8, 17; Đa-ni-ên 10:13; 1.Ti-mô-thê 6:12)

Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được. Hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự nó, vì biết rằng anh em mình ở khắp thế giới, cũng đồng chịu hoạn nạn như mình” (1.Phi-e-rơ 5:8, 9). Bây giờ chúng ta nói đến con sư tử. Trong ngày thứ sáu cũng có thú rừng. Có nhiều phương diện vì có rất nhiều loại thú rừng, nhưng chúng ta chỉ đề cập một điểm: đó là sư tử, vua của các loài thú. Sư tử tượng trưng cho vương quyền và sự chiến đấu. Sư tử của chi phái Giu-đa trong Khải Huyền 5 là Đấng Christ toàn thắng. Chúng ta cũng cần ý thức rằng có một kẻ thù và cũng có một cuộc chiến trong vũ trụ này. Ý thức này có liên quan đến sự tăng trưởng. Dù chúng ta không thấy, nhưng có một cuộc chiến thuộc linh ở xung quanh chúng ta. Chúng ta cũng cần thấy rằng tuy kẻ thù rống như con sư tử nhưng hắn không phải là sư tử. Trận chiến này cũng có thể diễn ra rất nhanh vì có kẻ sẽ bỏ chạy. Gia-cơ 4:7 nói nếu chúng ta chống trả lại ma quỷ thì hắn sẽ chạy trốn chúng ta. Mặt khác, ma quỷ rống như sư tử, làm chúng ta bỏ chạy vì sợ hãi, và rồi kẻ thù nuốt chửng chúng ta. Ở đây có liên quan đến việc chúng ta đứng lại hay tìm cách chạy trốn. Nhưng Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm linh nhút nhát, mà là tâm linh mạnh mẽ (2.Ti-mô-thê 1:7). Thỉnh thoảng, chúng ta nghĩ rằng hoàn cảnh này không tốt cho việc giảng Phúc Âm, vì ma quỷ làm cho chúng ta nhút nhát, nghĩ trong đầu rằng “Mọi người không thích”. Mỗi khi chúng tôi định thuyết trình về Chúa trong trường đại học, con sư tử bắt đầu rống. Nhưng chúng ta phải đứng lại vì con sư tử đích thực là Chúa đang ở bên trong chúng ta.

Chúng ta cũng cần thấy rằng kẻ thù đã từng là thiên sứ có bậc cao nhất và đã nhận được danh hiệu “vua chúa của thế giới này”. Chính Chúa Jesus đã ban cho hắn danh hiệu này và nói rằng hắn không có gì trong Ngài cả (Giăng 14:30). Kẻ thù đã từng nhận được quyền thống trị trái đất này, nhưng hắn đã nổi loạn và phạm tội nên Chúa đã lấy lại quyền thống trị này. Và Chúa đã tạo nên người thống trị mới: con người. Anh em nghĩ Sa-tan sẽ nói gì về điều này khi biết rằng con người sẽ thay thế hắn? Như vậy chúng ta mới hiểu tại sao ma quỷ đến để cướp giết và hủy diệt. Vì hắn không muốn con người loại bỏ hắn. Chính vì vậy, trong Sáng Thế Ký chương 2 và chương 3 có sự thù nghịch giữa người và con rắn. Chúng ta phải ý thức rằng ở đây không có hòa bình mà có sự thù nghịch. Chúa muốn ban cho chúng ta những điều tốt lành, nhưng kẻ thù thì không bao giờ như vậy, kể cả khi hắn cho chúng ta thứ đẹp đẽ. Khi kẻ thù đến rống như một con sư tử, chúng ta phải biết rằng Chúa trong chúng ta mạnh hơn và lời cầu nguyện có sức mạnh. Chúng ta đừng chạy đi mà cần đứng lại chống trả vì ma quỷ là kẻ phải bỏ chạy. Ma quỷ còn có một mưu chước khác: đó là con rắn. Khi con rắn đến, nó không rống như con sư tử, nên chúng ta không biết. Hắn quấn lấy chúng ta bằng những tội lỗi và những thứ khác. Con rắn đến vào ban đêm nên anh em không thể thấy hay nghe được. Mưu chước này hoạt động tốt hơn là rống vì chúng ta có thể bị vô hiệu hóa mà không hay biết gì cả.

2. Hãy đứng vững và chống trả kẻ thù

(Ê-phê-sô 6:10-13; 1.Phi-e-rơ 5:8-9; Gia-cơ 4:7)

Chúng ta cần ý thức rằng ma quỷ muốn nuốt chửng chúng ta và mình phải đánh trả lại. Thức ăn của Chúa làm cho chúng ta có thể phục vụ được và cũng làm cho chúng ta mạnh mẽ để chống trả lại. Nếu tôi không có sức lực thì tôi cũng không thể chiến đấu. Trong các cuộc chiến ngày xưa cũng vậy, nếu thành bị bao vây, trong thành không còn lương thực thì trận chiến xem như đã kết thúc, vì không còn cơ hội nào cả. Dù các chiến binh trong thành có thiện chiến cỡ nào đi nữa, nhưng nếu không có thức ăn thì cũng thua. Như vậy, chúng ta cần có đầy đủ thức ăn để có sức mạnh mà chiến đấu. Chúng ta cần thực sự ý thức rằng kẻ thù thường cướp lấy thức ăn của chúng ta cũng như thời gian mà chúng ta muốn dành cho Lời Chúa, vì hắn biết rằng nếu không có thức ăn thì chúng ta không có sức mạnh.

Ngoài ra, chúng ta phải thay đổi tình thế của cuộc chiến. Chúng ta không chỉ dự trữ thức ăn, mà chúng ta phải phá hủy nguồn thức ăn của kẻ thù. Thật như vậy đó! Chúng ta hãy từ bỏ những gì cầm giữ xác thịt chúng ta. Bên trong mỗi anh em cũng có cuộc chiến này, Ga-la-ti 5:16-17 cho biết xác thịt chiến đấu chống lại tâm linh và tâm linh chiến đấu chống lại xác thịt. Trong thời gian đi học, tôi đã làm một số điều, nhưng chúng lại là nguồn cung cấp cho xác thịt. Một số điều tuy không phải là xấu, ví dụ giải trí cho tâm hồn, nhưng tôi để ý rằng nếu tôi làm thì không lâu sau đó tôi không còn niềm vui cho Lời Chúa nữa. Chúng ta hãy ngăn chặn xác thịt để cắt đứt nguồn cung cấp lương thực cho kẻ thù. Chúa rất nghiêm khắc trong một số điều: như nếu con mắt làm chúng ta phạm tội thì hãy móc nó ra, nếu cái tay làm điều cám dỗ thì hãy chặt đi. Tại sao Chúa lại nói những lời nghiêm khắc như vậy? Vì có những điều sẽ cung cấp lương thực cho kẻ thù và làm chúng ta trở nên yếu đuối. Tuy là những lời nghiêm khắc, nhưng chúng cũng khích lệ vì có một số điều mà tôi có thể ném ra xa một cách đơn giản. Có anh em mới đến Hội Thánh bị vấn đề với âm nhạc, vì sau mỗi lần nghe thì tâm hồn bị lôi cuốn rất nhiều, không thoát ra được nên anh em đó đã vứt bỏ tất cả các đĩa nhạc. Mỗi người phải tự kiểm tra với Chúa để biết những gì đang giam giữ trái tim của mình vì trong Hội Thánh không có bất kỳ luật lệ nào. Nếu anh em để ý rằng nó là nguồn cung cấp cho kẻ thù thì hãy từ bỏ nó. Mỗi người tự biết điều gì chiếm hữu lòng mình. Cắt bỏ và quăng đi thỉnh thoảng cũng đau lắm, nhưng chúng ta muốn thắng kẻ thù. Ngợi khen Chúa!

3. Đấng trong anh em lớn hơn kẻ ở trong thế giới 

(1.Giăng 4:4; Dân Số Ký 14:9)

Điều cuối cùng tôi muốn nói là Đấng ở trong chúng ta mạnh hơn kẻ cai trị thế giới. Tất cả chúng ta đều biết Chúa lớn hơn kẻ thù, và chúng ta cần ý thức rằng sư tử của chi phái Giu-đa đang sống trong mỗi người. Đây là một sự khích lệ lớn vì cho dù điều gì xảy ra đi nữa thì Chúa vẫn lớn hơn. Chúng ta không cần phải sợ các giáo sư trong trường đại học hay các sếp trong công ty hay bất kỳ điều gì của thế giới này vì Đấng trong chúng ta lớn hơn. Nếu sự sống này được lớn mạnh, chúng ta sẽ thắng. Ngợi khen Chúa!