Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

GIÁ TRỊ MỖI NGƯỜI TÍN ĐỒ TRƯỚC MẶT ĐỨC CHÚA TRỜI


  Mọi lẽ thật trong Kinh thánh đều có hai phương diện. Ai không thấy cả hai phương diện của mỗi lẽ thật đều sa vào cực đoan, lập dị hoặc lắm khi tà giáo nữa. Người nào chỉ có cái nhìn phiến diện về một lẽ thật, mà lại cố nhấn mạnh cách nhìn nhận của mình, là người đang mắc bệnh đau mắt thuộc linh nặng nề--bệnh đui mù bán phần.

   Tôi xin kể lại ba giai thoại trong đời sống của tôi để minh chứng cùng các bạn rằng tỉ lệ con dân Chúa mắc chứng đui mù bán phần ngày nay rất cao:


1.      Vào năm 1966, khi tôi mới tập tễnh bước vào phụng sự chăn bầy. Có một bạn đồng nghiệp dựa vào Ê-xê-chi-ên 18:29 và tranh luận với tôi rằng không có con đường thập tự dành cho tín đồ. Đuờng của Chúa luôn bằng phẳng. Câu Kinh thánh đó chép, “Nhưng mà nhà Y-sơ-ra-ên nói rằng: Đường lối của Chúa là không bằng phẳng (công bằng). Hỡi nhà Y-sơ-ra-ên có phải là đường lối của ta không bằng phẳng (công bằng) sao? Há chẳng phải đường lối của các ngươi là không bằng phẳng (công bằng) sao?” Người đó chỉ nhìn thấy con đường của Chúa là con đường bằng phẳng, công bằng, không có đau khổ gì cả. Người không nhìn thấy một diện khác là người tín đồ phải vác thập tự theo Chúa, mới là môn đồ của Chúa mà Lu ca 9:23 và Ma-thi-ơ 16:24 có chép -- “Ngài phán cùng mọi người rằng: “Nếu ai muốn theo ta, thì hãy từ chối mình, hằng ngày vác thập tự giá mình mà theo ta. --Jêsus phán cùng môn đồ rằng: "Nếu ai muốn theo ta, thì hãy từ chối mình, vác thập tự giá mình mà theo ta . Vào thời điểm đó, tôi còn non nớt về các lẽ thật của Chúa, nên không đủ khả năng nói ra hai phương diện về con đường của Chúa, dù trong thâm tâm tôi cảm nhận người ấy sai lầm.

2.      Năm đầu tiên của thế kỷ 21, vị mục sư tổng quản nhiệm một hệ phái nọ có mời tôi giảng một bài chung với nhiều bài giảng của một số người khác cho đại hội dân Chúa. Tôi giảng về 1 Cô-rinh tô 9:24-27 và kết luận rằng toàn dân Israel ra khỏi Ai-cập thì đông, nhưng người vào đất hứa thì ít. Do đó, người chạy đua thuộc linh thì đông, nhưng người thắng cuộc đua, giựt giải thuộc linh là những cá nhân đặc biệt, thì ít. Tức thì ngay sau đó, vị tổng quản nhiệm lên bụt giảng đúc kết, vô hiệu hoá lời rao giảng của tôi. Ông nói những người lãnh thưởng là tập thể đắc thắng, chứ không phải là các cá nhân. Tôi có quan sát và theo dõi vị nầy suốt 15 năm qua, ngày nay ông càng đi tới trong cực đoan của mình. Năm rồi ông giảng dạy, hễ ở trong Hội thánh, ở trong Thân Thể Đấng Christ, mọi sự là Ok, an toàn, đắc thắng cả.  Vin vào Khải thị 3:10, ông nói hễ ai ở trong HT là được cất lên. Ông mạnh mẽ dạy rằng không cần tìm kiếm Chúa, luyện tập, vận dụng thuộc linh cách cá nhân, chỉ ở trong Thân Thể, là giáo hội của ông, thì có đủ mọi sự. Điều nầy giống như giáo hội truyền thống từng day: “ngoài Hội thánh không ai đuợc cứu rỗi, chỉ ở trong hội thánh do họ quản lý mới được cứu rỗi”. Bệnh đui mù bán phần của ông trở nên chứng nan y, không còn thuốc chữa. Vì ghét cá nhân chủ nghĩa, ông bênh vực lối sống tập thể, điều đó là đúng, nhưng ông lại cực đoan quá mấu.

3.      Trước đây 10 năm, khi san sẻ 1 Phi-e-rơ 1:3 1ả—“Chúc tụng Đức Chúa Trời và Cha của Chúa chúng ta là Jêsus Christ! Ngài theo sự thương xót cả thể của mình mà tái sanh chúng ta để được hi vọng sống bởi sự từ kẻ chết sống lại của Jêsus Christ”, cho một người bạn, tôi nói: “theo cách nhìn của Đức Chúa Trời bằng thì hiện tại hằng hữu thì việc mọi người được cứu, được tái sinh, xảy ra một lượt, Chúa không cứu từng người”. Bạn tôi liền phản bác tôi là đang dạy tà giáo. Anh nói mỗi người phải tin Chúa cách cá nhân, chứ không tin Chúa cách tập thể. Thực ra tôi không nói mọi người tin Chúa cách tập thể và được cứu cách tập thể; tôi chỉ nói mọi tín đồ Tân ước được cứu một lượt theo cách nhìn của Chúa, như dân Israel qua Jordan vào đất hứa một lượt.

Thưa các bạn, ba câu chuyện trên đây nói lên tình tạng dân Chúa vì bệnh đau mắt thuộc linh nên thường có cái nhìn phiến diện cực đoan về một số lẽ thật nào đó trong Kinh thánh.

   Chỉ có Chúa là Quan Án, Ngài sẽ xét đoán và định tội dân Ngài. Tôi cũng từng là người bị bệnh đau mắt, nhưng bởi ân điển Ngài, tôi đã được chữa lành, do đó có được cái nhìn tạm gọi là cân bằng về một số lẽ thật, đặc biệt là về lẽ thật cá nhân và tập thể thuộc linh. Hôm nay tôi mượn ngòi bút nầy để trình bày chủ đề: “giá trị của mỗi người tín đồ trước mặt Đức Chúa Trời”.

1.      Chúng ta vào hội thánh, hay vào thiên đàng, không giống như một giọt nước mất hút khi rơi vào đại dương, và bị xoá bỏ cá vị của mỗi chúng ta. Cá nhân chủ nghĩa là điều xấu xa, xác thịt, thuộc bản ngã, nên chúng ta phải sống nhờ Hội thánh, nhờ Thân Thể Chúa. Chiên không thể sống riêng lẻ, đơn độc, nhưng phải sống theo bầy. Cho dù phải sống theo bầy, nhưng sự tìm kiếm Chúa, sự thành đạt thuộc linh của từng cá nhân được Chúa khuyến khích và quan tâm, đánh giá cẩn thận.

Giở lại Sáng thế ký chương 3, 4 và 5, chúng ta thấy trong chương 3 và 4, Môi-se chép A-đam có ba người con là Ca-in. A-bên và Sết. Ca-in sinh Hê-nóc, rồi từ Hê-nóc sinh ra các thế hệ nối tiếp nhau là Y-rát, Mê-hu-da-ên, Mê-tu-sa-ên, Lê-méc. Lê-méc sinh ra ba con trai. Họ là thuỷ tổ các nghề chăn nuôi gia súc để mưu sinh, nghề đánh đờn và thổi sáo để giải trí, nghề đúc rèn vũ khí để tấn công và tự vệ. Từ Ca-in đến Lê-méc, nhân loại vô tín đã phát triển mạnh và nhanh chóng. Kinh thánh không ghi lại tuổi tác của họ, và sau lịch sử tóm gọn về ba con của Lê-méc, lịch sử gia phả dòng họ Ca-in không còn xuất hiện trong sách của Đức Chúa Trời, dù họ còn hiện hữu trong thế giới của Sa-tan ở Sáng thế ký chương 6.

    Đầu Sáng thế ký chương 5 chúng ta thấy một khởi đầu mới của Đức Chúa Trời. Đức Thánh Linh bỏ qua câu chuyện của Ca-in, A-bên và không nhắc đến dòng dõi Ca-in. Những lời đầu chương 5 như lời đầu tiên về lịch sử sáng tạo, A-đam như chỉ có một con là Sết mà thôi.

   A-đam sinh nhiều con trai và con gái, và mọi thế hệ tiếp theo A-đam là Sết, Ê-nót, Kê-nan, Ma-ha-la-le, Giê-rệt, Hê-nóc, Mê-tu-sê-la, Lê-méc, Nô-ê đều cũng vậy. Trong số các con của A-đam, Chúa chọn Sết và nêu tên ông lên gia phổ ở đây. Chúa ghi rõ năm mà mọi tổ phụ sinh con cái, và tuổi hưởng thọ của mỗi vị, nói lên sự quan tâm và đánh giá của Ngài đối với những con dân của Ngài. Chúa trân trọng mỗi cuộc đời của người tín đồ và hướng dẫn Môi-se ghi chép rõ niên hiệu cuộc đời của mỗi vị. Anh em ơi, năm nào anh em tin Chúa, năm nào xảy ra những biến chuyển thuộc linh trong đời sống anh em, rồi năm nào anh sẽ qua đời..v..v..Tất cả đều được ghi vào sổ của Chúa. Vua David làm chứng “Chúa đếm các bước đi qua đi lại của tôi: Xin Chúa để nước mắt tôi trong ve của Chúa, nước mắt tôi há chẳng được ghi vào sổ Chúa sao?”(Thi thiên 56:8).Tiên tri Malachi cũng nói,“Bấy giờ những kẻ kính sợ Đức Giê-hô-va nói cùng nhau, thì Đức Giê-hô-va để ý mà nghe; và một sách để ghi-nhớ được chép trước mặt Ngài cho những kẻ kính sợ Đức Giê-hô-va và tưởng đến danh Ngài”(Malachi 3:16).

    Tôi không biết niên hiệu ai khai phá vỡ đất mới gieo giống phúc âm cho Việt kiều tại Nga, hay ai rao Tin lành đầu tiên giữa các dân tộc ít người vùng cao tại các tỉnh khu Việt Bắc. Ai đến đó rao phúc âm, vào năm nào? Sổ bộ đời đời của Chúa đã ghi chép rồi. Ai đã đến Hàn quốc, Malaysia cắm lá cờ thập giá đầu tiên giữa dân lao động Việt nam? Máy tính thiên đàng đã nhập dữ liệu rồi. Tôi không có ý đề cao cá nhân nào, nhưng Chúa có sự đánh giá, quan tâm, ghi chép về niên đại, công tác, cách sống của mỗi một con dân, tôi tớ Ngài trong tàng thư vĩnh hằng không thể sai trật ở trên trời. Đừng tranh giành vinh quang của niên hiệu khởi công hầu việc Chúa trong công tác mũi nhọn nào đó với ai. Sự ghi chép của thiên đàng về công tác của các bạn thì rất chính xác, trung thực, không vị nễ một ai, không bóp méo hay thêu dệt. Lịch sử mà các thiên sứ ghi chép là lịch sử công bình, trung thực.

2.      Có một ấn tượng không thể xoá nhoà theo năm tháng trong lòng tôi, khi tôi đọc 4 phúc âm vào những năm đầu tiên mới tin Chúa. Tôi nhận thấy Chúa Jesus luôn luôn có cách giao tiếp, có lời giải đáp, có sự trân trọng và quan tâm với từng cá nhân cách khác biệt khi họ đến với Ngài hay khi Ngài tìm kiếm họ. Lắm khi bác sĩ y khoa non kém tay nghề chỉ có một toa thuốc na ná, gia giảm linh động cho hầu hết bệnh nhân đến với ông, nhưng Chúa Jesus là Bác Sĩ đại tài, đa diện và đa khoa. Sự chẩn đoán và cung cấp đơn thuốc của Ngài rất tài tình, chính xác cho từng con bệnh. Tất cả điều đó chứng tỏ cho các bạn thấy rằng Chúa đánh giá cao từng cá nhân. Ngài không đối đãi với con dân Ngài cách đại trà, cách tập thể vô hồn theo kiểu máy móc bao giờ.

      Mỗi người phải có sự tiếp xúc riêng tư, sự tìm kiếm Chúa cách cá nhân, nên Chúa thường nói, “nếu ai muốn theo Ta…”. “Ai’ là từng cá nhân. Ma-ri Ma-đơ-len, hai môn đồ làng Em-ma-út đã gặp Chúa cách cá nhân, rồi họ đem các kinh nghiệm cá nhân đó vào buổi nhóm tập thể của Hội thánh ngay sau đó.

    Hội thánh, Thân Thể Chúa không phải là một cổ máy làm chuyển động các cá nhân. Tập thể Hội thánh chỉ là môi trường sống cho các cá thể, giúp họ hoàn hảo, trưởng thành, chớ không giết chết các sự tìm kiếm, giao tiếp của riêng từng người với Chúa là Đầu của Thân Thể. Chúa không muốn có các chi thể đồng dạng, các chi thể robot, đọc lời Chúa như con vẹt không kinh nghiệm, trong Thân Thể ngày nay.

    Chúng ta đọc Khải thị 17:7, 9, “Chúng ta hãy vui mừng hớn hở, hãy tôn vinh Ngài, Vì lễ cưới Chiên Con đã đến, Và vợ Ngài đã tự sửa soạn rồi. Thiên sứ lại bảo tôi rằng: “Hãy chép: Phước cho những kẻ được mời đến dự tiệc cưới Chiên Con!” Người lại tiếp rằng: “Đó là lời chân thật của Đức Chúa Trời”. Chúng ta phải phân biệt Vợ của Chiên Con và các khách mời trong tiệc cưới của Chiên Con. Vợ của Chiên Con ở đây có số lượng ít hơn Vợ Chiên Con ở Khải thị 21:2. Vợ Chiên Con ở Khải thị 21:2 là toàn bộ dân được cứu chuộc của Đức Chúa Trời từ Cựu ước đến Tân ước, xuất hiện trong trời mới đất mới; còn Vợ Chiên Con ở Khải thị 19:7 là tập thể đắc thắng, số lượng ít, xuất hiện trước thiên hi niên.

   Tại sao sứ đồ Giăng đã nói Vợ Chiên Con, rồi ông lại còn nói đến các khách mời trong Khải thị 19:9 để làm gì? Khách mời ở đây là các cá nhân, các nhân vật đặc biệt mà Chúa đã đánh giá cao, đã ghi trong danh sách thực khách dự tiệc cưới Chiên Con. Tất cả khách mời gồm tóm thành người Vợ tập thể, nhưng Chúa luôn luôn để ý từng tên tuổi mỗi cá nhân đắc thắng, nên mới có câu, “Phước cho những kẻ được mời đến dự tiệc cưới Chiên Con!” Anh em có chắc rằng có tên mình trong danh sách khách mời nầy không? Chúa rất quan tâm đến chúng ta cách cá nhân. Đừng nói rằng người tập thể chung chung sẽ lãnh thưởng, sẽ dự tiệc cưới nầy. Cách nói phiến diện đó  nhằm chạy trốn sự luyện tập, sự tìm kiếm Chúa cách cá nhân, và ngủ mê trong danh từ hoa mỹ “Thân Thể của Chúa”.

Kết luận:
   Mỗi lẽ thật trong Kinh thánh đều có hai phương diện. Người đui mù bán phần thuộc linh sẽ rơi vào cực đoan nầy hay cực đoan kia, và bị tối tăm không lối thoát..

    Tính cá thể thuộc linh là điều Chúa đánh giá, phân biệt và trân trọng đối với mỗi con dân của Ngài. Không hề có hai hoa tuyết, hai dấu vân tay, hay hai gương mặt người giống nhau trong cả vũ trụ. Mỗi cá nhân tín đồ có một tên mới do Chúa ban cho mà ngoài chủ nhân không ai biết được. Anh em vẫn là một cá thể khác biệt trong thành thánh Jerusalem mới suốt cõi đời đời.

    Tập thể chỉ là môi trường cho chúng ta sinh hoạt. Tập thể là cách nhìn của Đức Chúa Trời về tổng thể con dân Ngài. Đấng Christ có một Người Vợ hoàn vũ, có một Thân Thể, mỗi tín đồ là một chi thể. Đức Chúa Trời chỉ có một gia tộc, mỗi tín đồ là một thành viên. Đức Thánh Linh chỉ có một điện thánh đời đời, mỗi tin đồ là một viên ngọc kết cấu. Cho nên tập thể là sự kết hợp hữu cơ của các chi thể không đồng dạng, nhưng khác biệt.
   Nguyện Chúa cho chúng ta có được cái nhìn quân bình và lối sống cân bằng giữa lẽ thật Kinh thánh nói về cá thể và tập thể thuộc linh. A-men.

Minh Khải—23-2-2014