Chim Cú Mèo
Tạp chí “Kết Nối Niềm Vui” trên mạng của Đài Phát thanh truyền hình Vĩnh Long, số ra ngày 30-9-2011, có đăng một bài viết với tiêu đề “Giải oan cho chim cú mèo”. Tác giả viết rằng nhiều người nguyền rủa, lên án, căm thù loài chim cú mèo, chim cú lợn (hay còn gọi là chim heo) vì họ cho rằng chúng thường đem điềm dữ đến như tai họa, thậm chí người sắp chết trong gia đình. Các người này tin rằng các loài chi này đem điềm dữ đến khi chúng đậu trên cành cây gần nhà họ vào ban đêm mà kêu lên những tiếng ảo não, rùng rợn. Thậm chí, những tiếng chim cú lợn trong đêm có thể sẽ khiến cả làng bàn tán chuyện chết chóc sẽ xảy đến với một ai đó, rồi người ta thi nhau đoán già, đoán non. Vì niềm tin loài chim này mang lại những điềm xấu, nên chim cú lợn bị ghét bỏ, bị xua đuổi, thậm chí bị giết. Người ta còn đồn rằng, khi con người sắp chết, sẽ giải phóng một thứ mùi đặc trưng, một loại tín hiệu qua sóng điện âm và chim cú lợn với thính giác nhạy bén, đã phát hiện ra và báo hiệu. Vì quan niệm như vậy, nên khi tiếng chim lợn kêu éc éc thành tràng dài não nề trong đêm khuya tĩnh mịch, người ta luôn có cảm giác rợn người.
Dù vậy, tác giả của bài báo không có ác cảm với các loài chim này như các người khác mà minh oan cho chúng rằng chúng rất hữu ích cho loài người, vì chúng săn bắt chuột bọ hữu hiệu. Còn tiếng kêu ảo não, rùng rợn của chúng là thói quen trong nếp sống bình thường của chúng. Chúng kêu để gọi bạn tình, hay báo cho đồng bạn địa điểm chúng đang có mặt. Bạn bè của chúng có thể cảm nhận và định vị nhau trong vòng bán kính khoảng một cây số.
Còn các nhà khoa học không tin rằng một loài cầm điểu lại có quyền lực trên sanh mạng con người. Trực giác, năng khiếu của loài chim cú cực kỳ bén nhạy, cho nên nếu nó có mặt trong phạm vi nhỏ, nó bay đến gần ngôi nhà có người hấp hối và báo hiệu cùng phản hồi bằng những tiếng kêu áo não, báo tin một linh hồn sắp ra đi vào cõi vĩnh hằng. Người viết bài nầy xác nhận đó là sự kiện có thật.
Tại sao loài chim cú có trực giác bén nhạy hơn trực giác loài người? Tại sao loài chim nói chung có khả năng cảm ứng, cảm biết những việc sắp xảy ra như bão tố, mùa đông sắp đến, hay một linh hồn người nào đó đang hấp hối?
Chim Cú Lợn
Vì sao loài chim tinh mắt đến thế? Thị giác của loài chim là một điều kỳ diệu. Cuốn sách Anh ngữ “Tất cả các loài chim” có viết: “Lý do chính là nhờ lớp mô nhận hình ảnh lót phía trong mắt chúng có nhiều tế bào thị giác hơn các loài động vật khác. Khả năng nhìn thấy các vật thể nhỏ ở xa tùy thuộc vào số lượng tế bào thị giác. Trong khi võng mạc của mắt người có khoảng 200 ngàn tế bào thị giác trên mỗi milimét vuông, thì hầu hết các loài chim đều có tới gấp ba lần con số đó. Còn diều hâu, kên kên và chim ưng có tới một triệu tế bào hoặc hơn nữa trên mỗi milimét vuông”. Ngoài ra, một số loài chim còn được phú thêm hai hố võng mạc—vùng có độ phân giải cao nhất—trong mỗi con mắt, giúp chúng có khả năng cảm nhận được khoảng cách và tốc độ tốt hơn. Những loài chim ăn các loài côn trùng biết bay cũng được phú cho khả năng tương tự. Chim còn có thủy tinh thể mềm lạ thường giúp chúng thay đổi nhanh tiêu cự của mắt. Hãy tưởng tượng đời sống của loài có cánh sẽ nguy hiểm đến độ nào, đặc biệt là trong rừng và các khu bụi rậm, nếu tất cả đều lờ mờ. Quả là một sự khôn ngoan tuyệt diệu thể hiện trong cấu trúc đôi mắt loài chim!"
Người xưa có nói “thiên sinh vạn vật, duy nhân tối linh”. Câu nầy có nghĩa: “Thượng Đế sinh ra muôn loài vạn vật, trong đó chỉ có loài người là tối linh, tối diệu, có tri thức tuyệt vời nhất”. Đáng lẽ tầm mắt con người phải thấy xa, thấy rộng hơn loài chim. Cảm ứng, cảm nhận, trực giác của con người đáng lẽ phải sắc xảo, bén nhạy hơn, và cảm biết trước loài chim mới phải. Tôi tin rằng vì tổ phụ con người phạm tội, sống trong vũng lầy tội lỗi trải qua nhiều đời, nên chúng ta là con cháu ngày nay thụ hưởng thân thể do di truyền, có các chức năng hư hỏng. Các giác quan, năng khiếu, trực giác của chúng ta đã bị cùn mằn, bại liệt, hoặc còn hoạt động nhưng một cách rất kém cỏi. Loài người chúng ta lạc hậu, nếu không nói là mất tương ứng với thế giới siêu hình, như không bắt được các làn sóng âm của cơn bão, của cơn động đất sắp xảy ra, hay tiếng gào của một linh hồn hấp hối sắp từ trần. Trong khi đó loài chim thì cảm nhận được, như loài chim hải âu báo bão, chim di trú báo mùa đông sắp trở về.
Vào khoảng năm 2000 trước Công Nguyên, Ông Gióp là tộc trưởng một bộ tộc tại vùng Trung Đông đã nói những lời chí lý như sau: “Nhưng khá hỏi loài thú, chúng nó sẽ dạy dỗ ngươi, hỏi các chim trời, thì chúng nó sẽ bảo cho ngươi; hoặc nữa, hãy nói với đất, nó sẽ giảng dạy cho ngươi; còn những cá biển sẽ thuật rõ cho ngươi biết. Trong các loài nầy, loài nào chẳng biết rằng tay của Đức Chúa Trời đã làm ra những vật ấy?Trong tay Ngài cầm hồn của mọi vật sống, và hơi thở của cả loài người” (Gióp 12:7-10).
Cuộc sống của loài thú, loài chim, loài cá bày tỏ những định luật của Đấng Tạo Hóa của chúng. Còn con người thì dốt nát về Đức Chúa Trời, không cảm biết sự hiện hữu của Ngài. Đáng tiếc thay!
Rồi khoảng năm 600 trước Công Nguyên, một nhà tiên tri của dân tộc Israel là Giê-rê-mi, đã so sánh loài người với loài chim như sau: “Chim hạc giữa khoảng-không tự biết các mùa đã định cho nó; chim cu, chim yến, chim nhạn giữ kỳ dời chỗ ở. Nhưng dân ta chẳng biết luật pháp của Đức Giê-hô-va (Đức Chúa Trời)!” (Giê-rê-mi 8:7).
Châu Quân
(Nguồn: http://hoptinhhoply.net/?q=node/239)