Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

CHIẾN TRƯỜNG TÂM TRÍ TÍN ĐỒ

Man with many images in his mind Stock Photography 


Tâm trí con người là cơ quan suy nghĩ của con người. Qua tâm trí, chúng ta nhận biết, tưởng tượng, ghi nhớ và hiểu biết. Khả năng trí tuệ, sự hợp lý, sự khôn ngoan và trí thông minh của con người đều thuộc về tâm trí. Nói chung, mọi điều liên quan đến bộ não của chúng ta thì thuộc về tâm trí. Tâm trí là một thuật ngữ tâm lý, trong khi não bộ là thuật ngữ sinh lý. Tâm trí trong tâm lý học là bộ não trong sinh lý học. Tâm trí chiếm hữu phần lớn trong đời sống con người vì tâm trí chỉ đạo cách cư xử của con người nhiều nhất.

TRƯỚC KHI TÁI SINH
Theo Kinh Thánh, tâm trí con người là một chiến trường. Đây là một điều gì đó rất độc đáo. Trong tâm trí,  Satan và các ác linh chiến đấu với lẽ thật và cũng chiến đấu với tín đồ. Chúng ta có thể dùng một thí dụ. Ý muốn  và linh giống như một pháo đài mà các ác linh cố gắng tấn công và chiếm giữ. Tâm trí con người là chiến trường trên đó chiến trận diễn ra và từ đó mà pháo đài bị đột kích và cướp mất. Vị sứ đồ nói: “Dù bước đi trong xác thịt, nhưng chúng tôi không tranh chiến theo xác thịt; vì khí giới tranh  chiến của chúng tôi không phải thuộc xác thịt nhưng có quyền năng trước mặt Đức Chúa Trời để phá đổ các đồn lũy, như chúng tôi đã phá đổ các sự biện luận và mọi điều kiêu căng dấy lên nghịch với sự hiểu biết Đức Chúa Trời, và bắt giam mỗi ý tưởng để dẫn đến sự vâng phục Đấng Christ” (2 Cor. 10:3-5). Trước hết vị sứ đồ nói với chúng ta về một cuộc chiến, sau đó ông cho chúng ta biết cuộc chiến này diễn ra ở đâu và vì mục đích gì. Cuộc chiến này hoàn toàn liên hệ đến tâm trí con người. Vị sứ đồ ví “các sự biện luận” với “đồn lũy của kẻ thù” Ông xem tâm trí là một đồn lũy bị kẻ thù canh giữ và phải được  “phá đổ” Ông cũng cho rằng bên trong đồn lũy này có nhiều “Ý tưởng phản loạn”. Vị sứ đồ phải phá đổ tâm trí con người, bỏ tù và “bắt giam” “các ý tưởng phản loạn”  trong tâm trí con người, để các ý tưởng này được đem đến “sự vâng phục Đấng Christ” . Từ các câu này, chúng ta có thể thấy rằng tâm trí con người là một chiến trường vì đây là nơi các ác linh tranh chiến với Đức Chúa Trời.
Kinh Thánh bảo chúng ta rằng “Thần của thời đại này đã làm mù tư tưởng của kẻ vô tín để sự tỏa sáng phúc âm vinh hiển của Đấng Christ, Đấng là hình ảnh của Đức Chúa Trời, không thể chiếu sáng” (2 Cor 4: 4). Điều này phù hợp với phần Kinh Thánh được trích ở trên vì đây là cách mà Satan canh giữ và làm mù tâm trí con người. Một người có thể tự cho rằng mình rất thông minh, có thể sử dụng nhiều lập luận khác nhau để chống đối phúc âm. Một số người nghĩ rằng những người khác không tin là vì họ chưa hiểu. Thật ra, đôi mắt của tâm trí con người  đã bị Satan che khuất. Vì tâm trí con người bị Satan canh giữ nên “tư tưởng của họ đã bị chai cứng” (3:14). Họ “làm theo niềm ao ước của xác thịt và các ý tưởng, và vốn là con cái của sự thạnh nộ” (Eph 2:3) Họ là “các kẻ thù trong tâm trí” (Col 1:21) vì “tâm trí hướng về0 xác thịt thì thù nghịch với Đức Chúa Trời” (Roma 8:7)
Sau khi đọc các câu này và thấy thể nào quyền bính của sự tối tăm đặc biệt liên hệ đến tâm trí con người, chúng ta có thể thấy rằng tâm trí là phần dễ bị Satan tấn công nhất trong con người. Quyền bính của sự tối tăm không thể trực tiếp làm gì ý muốn, tình cảm và thân thể con người khi chưa có được lập trường đáng kể trong người ấy. Đối với tâm trí thì không như vậy. Dường như tâm trí  đã là vật sở hữu của kẻ thù rồi; hắn không cần bất cứ sự cho phép hoặc mời gọi đặc biệt nào từ con người trước khi có thể tự do công tác trong tâm trí. Vị sứ đồ ví tâm trí như “đồn lũy” của kẻ thù, để cho chúng ta biết mối liên hệ giữa Satan cùng với các ác linh của hắn và tâm trí con người đã châm rễ sâu và vững lập như thể nào. Vì vậy, Satan và các ác linh của hắn có thể khiến cho tâm trí con người trở thành đồn lũy của chúng và giam giữ con người qua tâm trí. Chúng đặt con người ở dưới quyền bính của chúng bằng cách sử dụng tâm trí con người. Chúng cũng sử dụng tâm trí bị giam cầm để truyền chất độc cho những người khác và khiến họ nổi dậy phản loạn chống lại Đức Chúa Trời. Chúng ta không thể nói chắc được có bao nhiêu triết lý, lập luận, tri thức, điều tra, nghiên cứu và khoa học trong thế giới  ngày nay ra từ quyền lực và ảnh hưởng của sự tối tăm. Nhưng có một điều chắc chắn: các lý luận nâng họ lên, để chống lại tri thức về Đức Chúa Trời, là các đồn lũy của kẻ thù.
Sự gần gũi giữa tâm trí với quyền bính của sự tối tăm thì chẳng có gì lạ. Tội đầu tiên của nhân loại là theo đuổi “tri thức về thiện và ác”. Tri thức đó ra từ Satan. Do đó, tri thức (tâm trí) của nhân loại đặc biệt tương thích với Satan. Sau khi đọc Kinh Thánh và quan sát kinh nghiệm của các thánh đồ, một người có thể thấy rằng mọi sự tương giao giữa con người và Satan cùng với các ác linh của hắn đều ở trong tâm trí. Một người chỉ cần xem xét các sự cám dỗ từ ma quỷ thôi. Mọi sự cám dỗ từ ma quỷ đối với con người đều diễn ra trong tâm trí. Mặc dù đúng là ma quỷ thường sử dụng xác thịt để gợi lên sự ưng thuận của con người, nhưng hắn luôn luôn dụ dỗ con người bằng cách biến các sự cám dỗ thành một loại ý tưởng nào đó. Chúng ta không thể phân rẽ các sự cám dỗ với tâm trí. Mọi sự cám dỗ đều được đưa đến cho chúng ta qua các ý tưởng. Vì các ý tưởng của chúng ta có một “chính sách mở cửa” như vậy với quyền bính của sự tối tăm nên chúng ta phải biết cách canh giữ các ý tưởng của mình.
Trước khi một người được sinh lại, các ý tưởng của người ấy ngăn không cho người ấy nhận biết Đức Chúa Trời. Vì vậy, cần có quyền năng vĩ đại của Đức Chúa Trời để phá đổ các lý luận của con người. Vào lúc một người được cứu, có một điều xảy ra hoặc phải xảy ra – sự ăn năn. Ăn năn trong ý nghĩa gốc không có nghĩa nào khác hơn là “một sự thay đổi của tâm trí”. Vì con người thù nghịch với Đức Chúa Trời trong tâm trí nên Đức Chúa Trời muốn tâm trí con người có một sự thay đổi khi Ngài có thể ban sự sống cho con người. Khi con người chưa tin, bản chất đạo đức của người ấy ở trong sự tối tăm. Vào lúc người ấy được cứu, tâm trí người ấy được thay đổi. Đức Cháu Trời muốn con người trước hết phải có sự thay đổi của tâm trí rồi mới nhận được một tấm lòng mới vì tâm trí quá hiệp nhất với ma quỷ (Công 11:18)
SAU KHI TIN CHÚA
Sau khi một tín đồ ăn năn, tâm trí người ấy chưa hoàn toàn được giải phóng khỏi các công tác của Satan. Như trước đây Satan công tác qua tâm trí, bây giờ hắn vẫn công tác qua tâm trí. Vị sứ đồ nói với các tín đồ tại Corinth: “Nhưng chẳng biết sao tôi e ngại, như con rắn đã lừa dối Eve bằng mánh khóe của hắn, tư tưởng của anh em cũng sẽ bị hư hoại khỏi tính đơn nhất và thuần khiết đối với Đấng Christ” (2 Cor 11:3) Vị sứ đồ biết thể nào thần của thế giới này đã làm mù tâm trí của những người vô tín và theo cùng một cách, hắn cũng đánh lừa tâm trí của những người đã tin. Vị sứ đồ biết rằng mặc dù các tín đồ đã được cứu nhưng tâm trí họ vẫn chưa được đổi mới. Vì vậy, nó vẫn còn là chiến trường trọng yếu nhất – tâm trí nhận nhiều sự tấn công từ quyền bính của sự tối tăm hơn bất kỳ cơ quan nào khác trong toàn bản thể con người. Chúng ta phải nhận thức rằng các ác linh của Satan đặc biệt chú ý đến tâm trí chúng ta và chúng luôn luôn tấn công chúng ta trong tâm trí- “Như con rắn đã lừa dối Eve bởi mánh khóe của hắn”. Satan không tấn công tấm lòng Eve trước, hắn tấn công tâm trí của bà trước. Theo cùng một cách, các ác linh muốn tấn công tâm trí chúng ta trước, chứ không phải  tấm lòng chúng ta, với chủ đích là làm hư hoại chúng ta khỏi đức tin trong sự đơn nhất. Chúng biết rằng tâm trí chúng ta là điểm yếu nhất. Trước khi chúng ta được cứu, tâm trí là đồn lũy của chúng; thậm chí bây giờ vẫn còn  nhiều chỗ chưa được phá đổ. Chúng bắt đầu từ nơi chúng có thể thành công nhất. Tấm lòng của Eve là vô tội, nhưng bà chấp nhận ý tưởng do Satan đề xuất trong tâm trí bà. Bà bị lừa dối bởi quyền lực quỷ quyệt của hắn đến mức tâm trí bà mất đi lý lẽ, bởi đó bị sập bẫy. Vì vậy, một tín đồ có khoe khoang về việc mình ngay thẳng trong động cơ thì cũng vô ích. Tâm trí người ấy phải được huấn luyện để chống cự các ác linh. Nếu không, chúng sẽ có một con đường để cám dỗ và lừa dối tâm trí con người, và sẽ khiến ý muốn con người mất đi khả năng quyết định.
Theo 2 Corinth 11:3, vị sứ đồ cho chúng ta biết mối nguy hiểm này đến từ đâu. Một số người sẽ rao giảng “một Jesus khác”, khiến họ nhận “một linh khác”, và chấp nhận “một phúc âm khác” (c.4). Điều này nghĩa là các tín đồ có nguy cơ có các sự dạy dỗ sai trật thấm vào trong tâm trí họ, dẫn họ xa khỏi phúc âm thuần khiết của Đấng Christ. Đây là điều “con rắn” muốn ngày này. Satan sẽ giả làm thiên sứ của sự sáng để trong tâm trí mình, các tín đồ sẽ thờ phượng “một Jesus khác” không phải là Chúa, tiếp nhận “một linh khác” không phải là Thánh Linh, và qua các tín đồ làm lan rộng “một phúc âm khác” không phải là phúc âm ân điển của Đức Chúa Trời. Vị sứ đồ bảo chúng ta rằng mọi điều này được Satan thực hiện trong tâm trí các tín đồ. Từng chút một, Satan biến “các sự dạy dỗ” này thành các ý tưởng và truyền chúng vào trong tâm trí của các tín đồ. Thật đáng thương vì ngày nay ít tín đồ nào có thể nhận biết các vấn đề này. Có bao nhiêu tín đồ biết rằng các ý tưởng “tốt lành” ban cho con người là do Satan?
Chúng ta phải biết rằng một tín đồ có thể nhận được một sự sống mới, một tấm lòng mới, nhưng chưa nhận được một tâm trí mới. Nhiều tín đồ có một tấm lòng mới, nhưng đầu óc họ thì vẫn cũ. Tấm lòng thì đầy yêu thương nhưng đầu óc (tâm trí) không có bất kỳ sự biện biệt nào. Nhiều người thuần khiết trong động cơ, nhưng các ý tưởng trong đầu óc họ không sáng tỏ lắm. Tâm trí đầy dẫy mọi loại pha trộn và rất nhiều thiếu hụt trong sự biện biệt thuộc linh, trọng yếu.  Nhiều tín đồ thật sự có sự mềm mại trong lòng đối với mọi con cái Đức Chúa Trời, nhưng tâm trí họ thì đầy các ý kiến, ý tưởng và mục đích. Nhiều con cái tốt nhất và trung tín nhất của Đức Chúa Trời rất hạn hẹp và đầy định kiến trong các ý tưởng của họ. Họ đã có định ý về lẽ thật. Họ chỉ muốn loại lẽ thật của họ và hoàn toàn từ chối bất cứ điều gì khác không phù hợp với định kiến của họ. Mọi điều này xảy ra vì đầu óc họ không lớn bằng tấm lòng họ. Nhiều con cái của Đức Chúa Trời cũng có một tâm trí không bao giờ nắm bắt được bất cứ điều gì. Mặc dù họ đã nghe nhiều lẽ thật nhưng không bao giờ có thể nhớ chúng; họ cũng không thể đem chúng vào trong sự thực hành hay làm lan rộng chúng cho người khác. Họ nghe nhiều nhưng không có sức diễn đạt điều họ nghe. Mặc dù đã nhận được lẽ thật nhiều năm nhưng họ không thể đáp ứng nhu cầu nhỏ nhất của những người khác. Loại người này thậm chí có thể khoe khoang rằng họ đầy dẫy Thánh Linh!. Điều này xảy ra vì tâm trí họ chưa hoàn toàn được đổi mới.
Cái đầu gây tổn hại cho con người nhiều hơn tấm lòng! Nếu các tín đồ có thể phân biệt việc đổi mới tấm lòng với việc đổi mới đầu óc thì họ sẽ không bị đánh lừa để tin cậy con người. Các tín đồ phải biết rằng một người có thể có mối tương giao thân mật nhất với Đức Chúa Trời và đồng thời, tâm trí có thể vô tình tiếp nhận các đề xuất của Satan, đem cách cư xử, sự phát ngôn và phán xét của mình vào trong sự lầm lạc. Ngoài sự dạy dỗ rõ ràng của Kinh Thánh, không một lời loài người nào hoàn toàn đáng tin cậy. Chúng ta đừng sống bởi lời của bất kỳ người nào chỉ vì chúng ta gần gũi hoặc ngưỡng mộ và tôn trọng người ấy. Chúng ta phải nhận thức rằng mặc dù lời nói và hành động của một người rất thánh khiết nhưng các ý tưởng của người ấy chưa chắc đã hoàn toàn thuộc linh. Sự chú ý của chúng ta không nên tập trung vào lời nói và hành động nhưng hãy tập trung vào tâm trí, cái đầu của người ấy. Nếu chúng ta tin điều mà một công nhân nói là lẽ thật của Đức Chúa Trời dựa trên lời nói và hành vi của công nhân đó thì chúng ta đang biến lời nói và hành vi của người ấy trở thành tiêu chuẩn của lẽ thật, chứ không phải là Kinh Thánh.
Qua lịch sử, nhiều người truyền bá tà giáo là các tín đồ thánh khiết! Mặc dù lòng họ - sự sống – đã được đổi mới, nhưng đầu óc họ - tâm trí – vẫn y như trước. Cho nên, họ cư xử theo cách như vậy. Chúng ta thừa nhận rằng sự sống quan trọng hơn tri thức – quan trọng hơn gấp nhiều lần – nhưng sau khi được gây dựng trong sự sống, chúng ta đừng xao lãng việc theo đuổi tri thức, tức là tri thức ra từ tâm trí được đổi mới. Các tín đồ phải nhận thức rằng cả tấm lòng và tâm trí họ phải được đổi mới.
Nếu tâm trí chưa được đổi mới, đời sống của một tín đồ sẽ không được quân bình; hầu như không thể làm bất cứ công tác nào. Hầu hết sự dạy dỗ ngày nay đều nhấn mạnh đến sự sống thuộc linh (tấm lòng) của một tín đồ- thể nào một người phải yêu thương, kiên nhẫn, khiêm nhường,..v..v…Những điều này chắc chắn rất quan trọng, và không điều nào có thể thay thế những điều này. Tuy nhiên, chúng ta đừng cho rằng chỉ cần có nhiều điều này là đủ để đáp ứng mọi nhu cầu. Chúng rất quan trọng nhưng chúng chưa phải là tất cả. Một điều cũng quan trọng tương đương là tâm trí của một tín đồ phải được đổi mới, mở rộng và gia tăng trong sức lực để trở nên mạnh mẽ. Nếu không, chúng ta sẽ có một đời sống mất quân bình. Nhiều người nghĩ rằng một tín đồ thuộc linh phải là người không cần am tường điều gì cả. Dường như một người càng ngu dại thì càng tốt. Ngoài việc tốt hơn người khác trong cách sống một chút, người ấy chẳng có ích lợi gì, và người ấy không thể được giao thác bất cứ điều gì. Tất nhiên, chúng ta không muốn sự thông minh hoặc tri thức thế giới. Nhưng mục đích sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời không phải là để chúng ta tiếp tục sử dụng cùng một tâm trí đã bị tội làm ô uế. Đức Chúa Trời muốn tâm trí chúng ta được đổi mới theo cùng một cách mà linh chúng ta được đổi mới. Đức Chúa Trời muốn tâm trí chúng ta được phục hồi đến tình trạng hoàn hảo như lúc được Ngài sáng tạo để chúng ta sẽ không chỉ tôn vinh Đức Chúa Trời trong cách sống mà còn bằng tâm trí của mình. Vô số con cái Đức Chúa Trời đã trở nên hẹp hòi, ngoan cố, cứng cỏi và thậm chí ô uế qua việc bỏ lơ tâm trí mình. Kết quả là họ thiếu hụt vinh hiển của Đức Chúa Trời. Các tín đồ phải biết rằng để đời sống họ được trọn vẹn, tâm trí họ phải được đổi mới. Vương quốc Đức Chúa Trời bị thiếu hụt trong các công nhân vì tâm trí của nhiều tín đồ không có khả năng đương nổi bất cứ điều gì. Các tín đồ quên mất rằng sau khi được cứu, họ vẫn phải theo đuổi sự đổi mới tâm trí cách đầy đủ. Điều này dẫn đến công tác của họ bị ngăn trở. Đây là lý do tại sao Kinh Thánh nói với các tín đồ cách nhấn mạnh: “Được biến đổi bởi sự đổi mới tâm trí” (Roma 12:2)

TÂM TRÍ Ở DƯỚI SỰ TẤN CÔNG CỦA CÁC ÁC LINH
Nếu kiểm tra mọi kinh nghiệm trong tâm trí của các tín đồ, chúng ta sẽ nhận thức rằng tâm trí của các tín đồ không chỉ hạn hẹp mà còn có nhiều căn bệnh khác nữa. Thí dụ, tâm trí bị ảnh hưởng bởi các ý tưởng và sự tưởng tượng mất kiểm soát, các hình ảnh ô uế, suy nghĩ miên man và các ký ức hỗn độn, đột ngột mất trí nhớ, các định kiến không có cơ sở, thiếu sức tập trung, các ý tưởng trì độn và bế tắc cứ như thể tâm trí bị xiềng xích hoặc các ý tưởng cuồng tín xoay chuyên cách mất kiểm soát. Các tín đồ luôn cảm thấy họ không có sức lực để kiểm soát hoặc chỉ đạo tâm trí theo ý muốn. Hơn nữa, họ thường nhận thấy mình thường có xu hướng quên đi mọi chuyến lớn nhỏ. Họ nhận thấy mình phạm nhiều sai lầm “vô ý” cách không hay biết, thậm chí chẳng bao giờ học biết được lý do tại sao phạm phải những điều đó. Họ dường như chẳng có đau yếu gì trong thân thể. Nhưng họ không biết cách sáng tỏ tại sao tâm trí họ lại có các triệu chứng bệnh tật này. Tâm trí của nhiều tín đồ ngày nay giống như vậy, như họ không biết nguyên nhân.
Nếu một tín đồ nhận thức tâm trí mình bị ảnh hưởng giống như trên, người ấy chỉ cần xem xét vài điều để biết các sự đau yếu này ra từ đâu. Người ấy chỉ cần tự hỏi mình một vài câu hỏi: Ai kiểm soát tâm trí mình? Người ấy có kiểm soát tâm trí mình không? Nếu có, tại sao bây giờ người ấy không thể kiểm soát nó? Có Đức Chúa Trời là Đấng kiểm soát nó không? Theo nguyên tắc của Kinh Thánh, Đức Chúa Trời không kiểm soát tâm trí thay cho con người (chúng ta sẽ nói về điều này cách chi tiết, bây giờ, chúng ta chỉ đề cập đến cách ngắn gọn). Nếu cả người ấy lẫn Đức Chúa Trời không kiểm soát tâm trí thì ai đang kiểm soát? Chắc hẳn là quyền bính của sự tối tăm đang chiếm đoạt tâm trí và dẫn đến các loại triệu chứng này. Vì vậy, khi một tín đồ thấy rằng mình không thể kiểm soát tâm trí của chính mình, người ấy phải biết rằng đây là công tác của kẻ thù. Phải luôn ghi nhớ một điểm: con người có ý muốn tự do. Mục đích của Đức Chúa Trời là để con người tự cai trị chính mình. Con người có quyền bính để cai trị mọi quan năng của mình. Do đó, tâm trí phải ở dưới sự cai trị của ý muốn. Một tín đồ phải tự hỏi xem mình có một tâm trí như vậy không và các ý tưởng có phải là của chính người ấy không. Nếu không phải là của chính người ấy thì chắc hẳn là công tác của các ác linh đang hành động trong tâm trí con người. Ý muốn không muốn suy nghĩ và tâm trí ao ước vâng phục ý muốn; nhưng thay vì vậy, tâm trí cứ tự tiếp tục suy nghĩ. Điều này nghĩa là các ý tưởng trong tâm trí không còn là các ý tưởng của chính người ấy nữa, nhưng công tác của một “kẻ” khác đang lợi dụng các ý tưởng của người ấy để chống lại ý muốn của người ấy. Nếu một tín đồ không quyết định suy nghĩ thì các ý tưởng ở trong tâm trí người ấy không còn là của người ấy nữa; chúng thuộc về các ác linh.
Nếu một tín đồ muốn phân biệt ý tưởng nào là của chính mình và ý tưởng nào là của các ác linh thì người ấy phải để ý xem các ý tưởng đó nảy sinh như thế nào. Nếu ban đầu trí người ấy tĩnh lặng, kiên định, bình thản và đang hoạt động theo khuynh hướng tự nhiên của nó, và đột ngột một ý kiến hoặc một tư tưởng lóe lên giống như tia chớp và hoàn toàn không liên hệ gì đến công tác hoặc khuynh hướng tự nhiên của người ấy hoặc hoàn toàn không theo quy củ, thì ý tưởng lóe lên đó là công tác của các ác linh. Ý định của chúng là tiêm các ý tưởng của chúng vào trong trí tín đồ, lừa gạt để người ấy nghĩ rằng đó là các ý tưởng của mình. Thông thường, các ý tưởng mà các ác linh tiêm vào trong tâm trí con người luôn luôn là một điều gì đó mà người ấy không có và trái ngược với dòng suy nghĩ thông thường của người ấy. Chúng hoàn toàn “mới lạ” và là các ý tưởng đột ngột mà trước đây người ấy chưa từng nghĩ đến. Sau khi một tín đồ có một tư tưởng như vậy, trước hết người ấy phải hỏi xem có phải mình đang nghĩ như vậy không. Có thật sự là người ấy đang nghĩ không? Người ấy có muốn nghĩ như vậy không? Hay chính “ý tưởng” này tự dấy lên trong tâm trí? Đây có phải là một điều gì đó người ấy không muốn và chưa từng nghĩ đến trước đây không? Một tín đồ phải tìm hiểu xem mình có đang suy nghĩ các ý tưởng đó không. Nếu người ấy không khởi xướng ý tưởng đó và thật ra là nghịch lại một ý tưởng như vậy, mặc dù ý tưởng đó phần nào đã đi vào trong tâm trí người ấy, nhưng người ấy có thể kết luận rằng ý tưởng đó ra từ các ác linh. Mọi ý tưởng mà ý muốn người ấy chưa từng tán thành và mọi ý tưởng nghịch lại với ý muốn người ấy đều là các ý tưởng không ra từ chính người ấy mà đến từ bên ngoài.
Nhiều lần, tâm trí tín đồ đầy dẫy các ý tưởng, và người ấy nhận thấy chính mình không thể dừng các ý tưởng này lại. Tâm trí (đầu) người ấy giống như một cỗ máy suy nghĩ, đã bị một tác động bên ngoài “bật lên”, cứ suy nghĩ cách liên tục và không thể kiểm soát được. Mặc dù một tín đồ liên tục lắc đầu và cố gắng từ chối các ý tưởng như vậy, nhưng người ấy không thể. Dòng tư tưởng đến giống như một đợt sóng dâng lên cuồn cuộn và ngày đêm không chịu dừng lại. Hầu hết các tín đồ đều không biết tại sao lại như vậy. Họ không nhận thức được rằng đây là công tác của các ác linh. Một tín đồ phải nhận biết “ý tưởng” là gì. Ý tưởng là tâm trí người ấy nắm bắt một vấn đề. Nhưng trong dòng ý tưởng không thể dừng lại, đó không còn là tâm trí nắm bắt vấn đề nữa, mà là vấn đề nắm bắt tâm trí! Ban đầu, chính tâm trí suy nghĩ về các sự việc. Bây giờ, tâm trí không còn suy nghĩ về các sự việc nữa, mà là các sự việc thúc ép tâm trí. Nhiều lần, một tín đồ muốn buông bỏ một vấn đề, nhưng tác động bên ngoài dường như cứ nhắc người ấy nhớ lại trong tâm trí mình mọi lúc. Nó không cho phép người ấy quên và ép buộc người ấy cứ tiếp tục suy nghĩ. Đây là công tác của các ác linh.

Tóm lại, một tín đồ phải nghiên cứu mọi hiện tượng bất thường. Nếu đó không phải là do các sự đau yếu tự nhiên thì mọi hiện tượng bất thường đều ra từ các ác linh. Đức Chúa Trời không muốn can thiệp vào chức năng của các quan năng tự nhiên của con người. Đức Chúa Trời không bao giờ đột ngột xen các ý tưởng của Ngài vào trong các ý tưởng của con người và Ngài không bao giờ kết liễu công tác của tâm trí con người cách đột ngột hoặc cướp đoạt bất cứ điều gì từ người ấy. Mọi sự tắc nghẽn đột ngột trong tư tưởng, cảm giác như đầu óc trở nên trống rỗng, các sự xuất hiện đột ngột của các ý tưởng rời rạc trong tâm trí, các sự đãng trí đột ngột giữa các ý tưởng giống như bị đứt dây điện vậy, hoặc liên tục mất khả năng vận dụng tâm trí hay trí nhớ, tất cả đều là kết quả công tác của các ác linh. Vì các ác linh đã chiếm hữu quan năng tâm trí nên vào lúc này chúng có thể bắt giữ tâm trí và dừng các chức năng của tâm trí lại, hoặc vào lúc khác chúng có thể thả lỏng tâm trí và khiến tâm trí lại năng động. Một tín đồ phải nhận thức rằng các nguyên nhân tự nhiên chỉ có thể sản sinh các sự đau yếu tự nhiên. Các ý tưởng đột ngột và sự quên lãng đột ngột vượt ngoài tầm kiểm soát của ý muốn chúng ta và vượt ngoài tiến trình của các sự kiện tự nhiên. Vì lý do này, chắc hẳn chúng đền từ một nguyên nhân siêu nhiên nào đó. Nếu một tín đồ kiểm tra mọi hiện tượng của tâm trí mình theo cách này, người ấy sẽ không thiếu hiểu biết về các nguyên nhân cho các triệu chứng của mình.
Sách Epheso bảo chúng ta rằng các ác linh vận hành “trong các con của sự bất phục” (2.2) Đây là một vấn đề rất quan trọng. Các ác linh không chỉ công tác bên ngoài mà bên trong con người. Nếu muốn ai đó công tác, nhiều lắm thì chúng ta cũng chỉ có thể dùng lời nói, các cách diễn đạt và các cử động khác của cơ thể. Nhưng các ác linh còn có thể làm hơn thế. Chúng không chỉ có thể công tác từ bên ngoài, như từ người này sang người kia, mà chúng còn có thể vận hành bên trong con người. Điều này nghĩa là chúng có thể thâm nhập vào trong tâm trí con người và công tác bên trong người ấy, khiến con người vâng phục chúng. Con người không thể xâm nhập vào trong tâm trí người khác và lén lút đề xuất nhiều điều cách kín đáo với người ấy, và con người cũng không thể khiến người khác nhầm lẫn về nguồn gốc của các sự đề xuất này. Nhưng các ác linh có thể làm những điều này. Chúng có những cách mà con người không có trong sự thông công bình thường giữa con người với nhau. Trước hết, chúng công tác trong tâm trí con người và sau đó vươn đến tình cảm con người vì tâm trí và tình cảm liên kết chặt chẽ với nhau. Chúng cũng bắt đầu từ tâm trí và dọn đường vào trong ý muốn con người vì tâm trí và ý muốn cũng liên kết chặt chẽ với nhau.

Cách mà chúng chuyển động là lén lút và âm thầm đặt các ý tưởng yêu thích của chúng vào trong tâm trí con người để hoàn thành mục đích của chúng. Hoặc chúng có thể ngăn không cho con người suy nghĩ bất cứ điều gì mà chúng không muốn con người nghĩ đến. Kinh Thánh dạy rõ rằng quyền bính của sự tối tăm có thể truyền các ý tưởng cho con người cũng như đánh cắp các ý tưởng từ con người. John 13:2 nói: “Ma quỷ đã mớm ý sẵn vào trong lòng Judas Iscariot, con của Simon, để hắn sẽ phản Ngài”. Lời này nói về cách mà Satan đặt các ý tưởng của hắn vào trong tâm trí con người. Luke 8:12 nói: “Rồi ma quỷ đến lấy lời ra khỏi lòng họ”. Lời nầy nói về ac1ch satan lấy mất lời mà con người phải ghi nhớ để con người quên mọi sự . Hai câu này cho chúng ta biết về hai loại công tác mà các ác linh thực hiện trong tâm trí con người. Bởi các câu này, chúng ta có thể nhận diện công tác của các ác linh. Công tác của chúng luôn luôn cộng vào hoặc trừ ra một điều gì đó khỏi tâm trí con người.