Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

GIỜ GIẤC THEO KINH THÁNH TÂN ƯỚC-

Image result for photo of the clock

Tôi thấy đa số con dân Chúa chưa sáng tỏ về giờ giấc trong Kinh Tân ước:
Các tác gia như Mathio (Người Do thái), Mác (người La mã, mẹ là người Do thái) và Lu ca (người La mã)  dùng giờ của người Hê-bơ-rơ khi viết bốn sách là : Mathio, Mác, Lu ca và Công Vụ. Chỉ có sứ đồ Giăng dùng giờ Latin của người La mã khi viết phúc âm Giăng. Nước Việt chúng ta đang dùng giờ của người La mã.


1.     Giờ của Người Hê-bơ-rơ
Người Do thái qui dịnh khi mặt trời mọc thì là giờ thứ nhất, và mặt trời lặn lúc 12 giờ.
Có chép về Chúa Jesus như sau:

Mathio 27: 45-46,50, “Từ giờ thứ sáu khắp xứ đều tối tăm cho tới giờ thứ chín.  Ước chừng giờ thứ chín Jêsus kêu lớn tiếng rằng: "Ê-li! Ê-li! lam-ma sa-bác-tha-ni?" nghĩa là: "Đức Chúa Trời tôi ôi! Đức Chúa Trời tôi ôi! sao Ngài lìa bỏ tôi. Jêsus lại kêu tiếng lớn nữa, rồi tắt hơi”.

Mác 15: 25,33-34, 37 “Lúc đóng đinh Ngài là giờ thứ ba--Đến giờ thứ sáu khắp xứ đều tối tăm cho tới giờ thứ chín.  Qua giờ thứ chín Jêsus kêu lớn tiếng rằng: “Ê-lô-i, Ê-lô-i, lam-ma sa-bác-tha-ni?” dịch là: “Đức Chúa Trời tôi ôi, sao Ngài lìa bỏ tôi?”  Đoạn Jêsus kêu một tiếng lớn, rồi tắt hơi”.

Lu ca 23:44, “Khi đó ước chừng giờ thứ sáu, khắp xứ đều tối mịt cho đến giờ thứ chin”
Công 2: 12-15, “Ai nấy đều sững sờ, ngơ ngác, nói với nhau rằng: “Việc nầy là nghĩa làm sao?”  Có kẻ khác lại nhạo cười rằng: “Họ say rượu mới đó.” Bấy giờ Phi-e-rơ cùng mười một sứ đồ đứng dậy, cất tiếng nói rằng: “Hỡi người Do-thái và mọi người ở tại Giê-ru-sa-lem, hãy biết rõ điều nầy, và lắng tai nghe lời tôi. Những người nầy chẳng phải say như các ông tưởng đâu, vì mới là giờ thứ ba ban ngày”.
Chúa Jesus bị đóng đinh vào giờ thứ 3 của người Do thái là 9 giờ sáng. Từ giờ thứ 6 đến giờ thứ 9 ( là 12 giờ trưa đến 3 giờ chiều) trời đất tối tăm. Chúa chết vào lúc 3 giờ chiều.
Theo lời Phi-e-rơ thì Đức Thánh linh giáng xuống vào lúc giờ thứ ba là khoảng 9 giờ sáng.

2.     Giờ của người La mã:
Giăng 4: 5-7, “Vậy, Ngài đến một thành thuộc về Sa-ma-ri, gọi là Si-kha, gần đám đất mà Gia-cốp cho Giô-sép là con mình. Tại đó có cái giếng Gia-cốp. Nhơn đi đàng mỏi mệt, Jêsus ngồi bên giếng. Bấy giờ độ chừng giờ thứ sáu. Một người đàn bà Sa-ma-ri đến múc nước. Jêsus bảo nàng rằng: “Hãy cho ta uống.”

Lời chú thích của nhiều bản Kinh thánh như bản truyền thống đều ghi rằng giờ thứ sáu đây là 12 giờ trưa. Họ lý luận đó là giờ vắng vẻ thích hợp cho một phụ nữ vô luân đi lấy nước. Vì lẫn lộn với giờ của người Hê-bơ-rơ nên nhiều người tin lúc đó là 12 giờ trưa , giờ nắng nóng  khát nước. Điều nầy chính xác chăng?

Mời các bạn xem Giăng 18:28; 19: 14-16, “ Đoạn, chúng giải Jêsus từ nơi Cai-phe vào sảnh đường. Bầy giờ còn sớm. -Vả, bấy giờ là ngày Sắm sửa lễ Vượt-qua, độ chừng giờ thứ sáu. Phi-lát nói cùng người Do-thái rằng: “Kìa, Vua các ngươi kia!”  Chúng bèn kêu ầm ỹ lên rằng: “Hãy trừ hắn đi, trừ hắn đi, đóng đinh hắn trên thập tự giá đi!” Phi-lát nói với chúng rằng: “Ta sẽ đóng đinh Vua các ngươi sao?” Các thầy tế lễ cả đáp rằng: “Chúng tôi không có vua nào ngoài ra Sê-sa.”  Người bèn giao Ngài cho chúng để đóng đinh trên thập tự giá”.

Khi Phi-lát ra phán quyết cuối cùng về Chúa Jesus thì Giăng nói là chừng giờ thứ sáu. Nếu đây là giờ của người Hê-bơ-rơ thì phải 12 giờ trưa. Điều nầy không phù hợp, vì Chúa bị đóng đinh vào giờ thứ 3 của người Do thái. Cho nên giờ thứ sáu mà Giăng ghi ở đây phải là giờ của người La mã., tức là 6 giờ sáng, để từ đó họ đưa Chúa lên đồi Gô-gô-tha thì đúng 9 giờ để đóng đinh Ngài. Thế mà Bản Kinh thánh Phổ thông dịch sai lầm nặng nề là “lúc ấy khoảng giữa trưa…”.

Thế thì Chúa Jesus gặp người phụ nữ vào lúc giờ thứ 6? Theo bạn đó là 6 giờ sáng hay 6 giờ chiều? Nếu là 6 giờ sáng thì không hợp lý, vì sau cuộc hành trình dài từ Giu đê  đến đây, thì giờ thứ 6 là khoảng 6 giờ chiều là chính xác.

Kết luận:
Tôi nói mọi điều nầy để bày tỏ rằng chúng ta dễ bị chứng loạn thị thuộc linh—trông gà hóa quốc ( con cuốc). Mong các bạn cẩn thận khi giải nghĩa Kinh thánh. Cụm từ “giờ thứ sáu” chép trong ba phúc âm đồng quan và trong phúc âm Giăng có ý nghĩa khác hẳn nhau. Các bạn thấy chưa?

Minh khải 7-3-2015