Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

LỜI ĐỨC TIN VÀ LỜI LẼ THẬT-







“Hãy tin cậy Đức Giê-hô-va, và làm điều lành; Khá ở trong xứ, và nuôi mình bằng sự thành tín của Ngài” (Thi 37:3).
“Nếu con nhắc nhở các điều ấy cho anh em, thì con là chấp sự (minister) tốt của Christ Jêsus, được nuôi bằng lời của đức tin và giáo lý lành mà con đã theo” (1 Tim. 4:6)
“Hãy ân cần trình diện mình cho Đức Chúa Trời, như người đã chịu thí nghiệm, như người làm công không hổ thẹn, phân giải lời của lẽ thật cách ngay thẳng” (2 Tim. 2:15)

“Phao-lô đang biện bạch như vậy, thì Phết-tu nói lớn tiếng rằng: “Ớ Phao-lô, ngươi điên, ngươi học rộng quá đến nỗi điên rồi!” Nhưng Phao-lô lại nói: “Bẩm thượng quan Phết-tu, tôi chẳng phải điên đâu, bèn là nói những lời (rhema) lẽ thật, và tỉnh táo” (Công. 26: 24-25).
  Những bài tín điều do loài người làm ra, ghi lại cách tóm tắt các điều khoản mà các hội thánh nào đó đã tin, còn lời đức tin là kinh văn miêu tả các lời hứa, lời thề của Chúa với con dân Ngài, cũng ghi các tuyên ngôn, các giao ước và cả đến di chúc của Chúa ban hành ra trong nhiều cơ hội khác nhau.
  Tôi tin rằng Kinh thánh ghi lại hàng trăm lời hứa của Chúa, thí dụ Sáng. 3:15, “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người”. Còn hàng trăm lời hứa khác dành cho bạn trong Kinh văn.
  Tôi cũng thấy nhiều lời thề của Chúa tuyên ra cho con dân Ngài, thí dụ, “Đức Giê-hô-va phán rằng: Vì ngươi đã làm điều đó, không tiếc con ngươi, tức con một ngươi thì Ta lấy chánh mình Ta mà thề rằng  sẽ ban phước cho ngươi, thêm dòng dõi ngươi nhiều như sao trên trời, đông như cát bờ biển, và dòng dõi đó sẽ chiếm được cửa thành quân nghịch.  Bởi vì ngươi đã vâng theo lời dặn Ta, nên các dân thế gian đều sẽ nhờ dòng dõi ngươi mà được phước”. Đây chỉ là một lời thề tiêu biểu của Chúa.
  Bạn biết được bao nhiêu giao ước mà Chúa chủ động lập ước với con người, thí dụ, “Đức Giê-hô-va phán: Nầy, những ngày đến, bấy giờ ta sẽ lập một giao ước mới với nhà Y-sơ-ra-ên và với nhà Giu-đa.  Giao ước nầy sẽ không theo giao ước mà ta đã kết với tổ phụ chúng nó trong ngày ta nắm tay dắt ra khỏi đất Ê-díp-tô, tức giao ước mà chúng nó đã phá đi, dầu rằng ta làm chồng chúng nó, Đức Giê-hô-va phán vậy. Đức Giê-hô-va phán: Nầy là giao ước mà ta sẽ lập với nhà Y-sơ-ra-ên sau những ngày đó. Ta sẽ đặt luật pháp ta trong bụng chúng nó và chép vào lòng. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó, chúng nó sẽ làm dân ta.  Chúng nó ai nấy sẽ chẳng dạy kẻ lân cận mình hay là anh em mình, mà rằng: Hãy nhận biết Đức Giê-hô-va! Vì chúng nó thảy đều sẽ biết ta, kẻ nhỏ cũng như kẻ lớn. Đức Giê-hô-va phán: Ta sẽ tha sự gian ác chúng nó, và chẳng nhớ tội chúng nó nữa” (Giê. 31:31-34). Đây là Tân ước. Có chừng 8 giao ước trong Kinh thánh.
  Sau khi Chúa Jesus chết thì Tân ước trở thành di chúc thần thượng—“Vì hễ có chúc thơ, thì cần phải đợi kẻ trối chết đã. Vì người trối chết rồi, thì chúc thơ mới có hiệu lực. Nếu người trối còn sống, thì chúc thơ đâu có hiệu gì ư?” (Hê. 9:16-17). Cả bộ kinh tân ước, theo một phương diện, là một tờ di chúc có giá trị sau khi Đấng lập di chúc (giao ước) đã chết, là Chúa Jesus.
Mathio 28:19 là một loại hình tuyên ngôn của Chúa, “Jêsus đến phán cùng họ rằng: "Hết cả quyền bính trên trời dưới đất đã giao cho ta”. Còn một số tuyên ngôn nữa, bạn hãy tìm kiếm đi.
  Tất cả lời hứa, lời thề, giao ước, di chúc, tuyên ngôn trên đây được xếp trong hạng mục lời đức tin, là thức ăn cao cấp của thánh đồ. Vua David khuyên ta hãy “nuôi mình bằng sự thành tín của Ngài”, Phao lô diễn lại điều nầy cho Ti-mô thê, con sẽ, “được nuôi bằng lời của đức tin”.
 Bạn ơi, Đức Chúa Trời là Đấng thành tín, không thể nói dối, không thể chối mình, nên không có một lời hứa, lời thề, giao ước, tuyên ngôn nào của Ngài mà đã ban ra cho chúng ta lại rơi xuống đất, vì Ngài không phải là loài người mà phải ăn năn hay đổi ý. Vua Solomon chứng thực rằng, “Đáng ngợi khen Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Israel, là Đấng đã phán hứa với Đa-vít, cha tôi, và nay lấy tay Ngài mà làm cho thành lời hứa ấy” (2 Sử 6: 4). Điều gì miệng Chúa hứa thì tay Ngài sẽ làm. Cho nên bạn hãy nuôi mình bằng lời đức tin do Chúa ban cho.
  Trong sách ngụ ngôn “Thiên Lộ Lịch Trình”, tác giả là ông John Bunyan, người Anh, có miêu tả giai đoạn hai lữ khách đi lạc vào lâu đài Hoài Nghi và bị chủ nhân là một tên khổng lồ nhốt trong phòng giam tối tăm. Mỗi ngày tên khổng lồ đem hai lữ khách ra đánh nhừ tử. Hai ông sống trong tâm trạng sợ hãi, lo lắng, vô tín, hoài nghi và tuyệt vọng. Ngày kia một lữ khách nhớ lại chiếc chìa khóa vàng mà bạn bè đã tặng mình trước khi lên đường. Anh bèn lấy chìa khóa ra thử mở cánh cửa ngục. Lạ thay chìa khóa vừa vặn với ổ khóa, và kết quả hai lữ  khách thoát nạn. Chiếc chìa khóa đó, thiên tài John Bunyan đặt tên là lời hứa của Chúa.
  Lời đức tin thì bất biến, là thức ăn cho chúng ta, thế thì tại sao còn cần có lời lẽ thật?
  Công vụ chương 26 thuật lại chuyện Phao-lô bị ở tù vì Danh chúa, tại thành phố Sê-sa-rê. Ngày kia khi ông rao giảng và biện bạch cách rõ ràng trước mặt vua quan, công chức của thành phố, đang khi ông giảng, tổng đốc Phết-tu chặn lời Phao-lô và kêu lên, “Ớ Phao-lô, ngươi điên, ngươi học rộng quá đến nỗi điên rồi!”  Nhưng Phao-lô lại nói: “Bẩm thượng quan Phết-tu, tôi chẳng phải điên đâu, bèn là nói những lời (rhema) của lẽ  thật, và tỉnh táo”. Phao lô đáp cùng quan tổng đốc rằng ông không giảng những lời không tưởng, lời ảo, hay lời hư không, bèn là nói những lời của lẽ thật, lời sự thật cách tỉnh táo. Phao lô lại dùng chữ  “Lời (rhema) sự thật”, ngụ ý là lời chủ quan, lời kinh nghiện đang sôi trào trong ông khi nói ra cách tỉnh táo trước mặt họ.
  Sau hơn ba mươi năm rao giảng lời đức tin, lời ân đển, lời sự sống của Chúa, khi Phao lô bị ở tù lần thứ hai, nhiều bạn bè chế giễu, nhiều hội thánh ở xứ A-si từ bỏ chức vụ ông, không còn tin lời ông đã giảng nữa, nên ông trối cùng con đức tin của mình là Ti mô thê lời tâm huyết nầy, “Hãy ân cần trình diện mình cho Đức Chúa Trời, như người đã chịu thí nghiệm, như người làm công không hổ thẹn, phân giải lời (logos) của lẽ thật cách ngay thẳng” (2 Tim 2:15). Phao lô nhấn mạnh cùng Ti mô thê rằng lời mà cả cuộc đời ông rao giảng là: LỜI CỦA SỰ THẬT-  không phải lời hoang tưởng, lời dối trá, nên Ti-mô thê hãy ân cần nối nghiệp ông.
Kết luận:
Cám ơn Chúa, chúng ta có di chúc mới (New Testament) là kinh Tân ước, trong đó chứa nhiều hứa ngữ, nhiều tuyên ngôn, giao ước, lời thề  bất biến của Chúa ban cho chúng ta. Nhưng Kinh thánh, lời đức tin lắm khi có thể như lời khô hạn không có sự sống đối với chúng ta vào một lúc nào đó, vì tâm linh chúng ta dễ bị chết chóc. Do đó Chúa đã dự bị Đức Linh của Lẽ Thật (Giăng 14: 17) để làm cho lời đức tin trong Kinh thánh trở nên Lời lẽ thật, lời của thực tại hay lời thực tiễn kinh nghiệm được, cho chúng ta. Ngợi khen Chúa, vì có sự thật sinh động trong mọi lời của đức tin cho những ai biết vận dụng tâm linh mình để tiếp xúc Đức Linh Lẽ Thật khi đọc Kinh thánh. A men.
Minh Khải – 3-6-2015