Thứ Năm, 5 tháng 5, 2016

SÁCH MÁC BÀI 23



Kinh thánh : Mác 7 :31-8 :26

CHỮA LÀNH NGƯỜI ĐIẾC VÀ CÂM
Trong 7 :31-37, chúng ta có trường hợp chữa lành một người điếc và câm. Trước chương 7, hầu hết những trường hợp chữa lành trong Phúc Âm Mác là những trường hợp chữa lành trọn vẹn một người. Chẳng hạn như  bà gia của Phi-e-rơ bị sốt rét (1 :30-31). Bà được chữa lành, và đó là sự chữa lành trọn vẹn một người. Một thí dụ khác về loại chữa lành này là chữa lành người bại (2 :3-12). Khi người bại được chữa lành, cả một con người trọn vẹn được chữa lành. Điều này đúng với việc tẩy sạch người phung (1 :40-45). Nhưng trong 7 :31-37, chúng ta không có việc chữa lành một người trọn vẹn ; thay vào đó, chúng ta có sự chữa lành môt số cơ quan đặc biệt. Thật vậy, tất cả những trường hợp chữa lành sau Mác chương 7 đều liên quan đến các cơ quan cụ thể, không phải là toàn thể con người. Những trường hợp chữa lành này chủ yếu thuộc về ba cơ quan : mắt, tai và lưỡi

Có thể nói rằng trong Phúc Âm Mác, chúng ta có trình tự sau đây liên hệ đến việc chữa lành: chữa lành tổng quát, phơi bày tình trạng tấm lòng con người, Chúa là Bánh là nguồn cung ứng sự sống và sự chữa lành của các cơ quan cụ thể. Đây cũng là trình tự trong kinh nghiệm thuộc linh của chúng ta. Khi được cứu, chúng ta kinh nghiệm sự chữa lành một cách tổng quát. Sau đó tình trạng tấm lòng của chúng ta bị phơi bày. Rồi có lẽ sau khi bước vào nếp sống Hội Thánh, chúng ta học biết vui hưởng Chúa theo cách bề trong như là Bánh, như là nguồn cung ứng sự sống. Sau điều này, chúng ta có trường hợp chữa lành tai, lưỡi và mắt. Một số người dầu đã ở trong nếp sống Hội Thánh nhiều năm nhưng vẫn cần được chữa lành các cơ quan này cách cụ thể
Không thể nghe tiếng
Của Đức Chúa Trời và phát ngôn cho Ngài
Mác 7 :32 chép: «Người ta đem đến Ngài một người điếc và câm (nguyê văn là nói khó) nài xin Ngài đặt tay trên người ». Người điếc và câm này chỉ về người điếc và câm thuộc linh, một người không thể nghe tiếng của Đức Chúa Trời cũng không thể ngợi khen Ngài (Es.35 :6) hay phát ngôn cho Ngài (Es 56 :10). Câm là do điếc. Sự cứu rõi mang tính chữa lành của Cứu Chúa- Nô Lệ hoàn toàn có khả năng chữa lành tật điếc và câm của một người như thế bằng cách xử lý đôi tai của người ấy trước rồi sau đó mới chạm đến lưỡi của họ.
Các câu 33 và 34 chép : «Ngài đem riêng người khỏi quần chúng, để ngón tay và lỗ tai người, nhổ nước miếng xức lưỡi người, rồi ngước lên trời, thở dài mà phán cùng người rằng : Ép-pha-ta ! nghĩa là : Hãy mở ra ». Từ Hy Lạp được dịch là « để » trong câu này dùng có thể dịch là « ấn mạnh ». Cứu Chúa-Nô Lệ ấn ngón tay Ngài vào đôi tai của người điếc chỉ về Ngài xử lý cơ quan nghe của người ấy (xem Es. 50 :4-5 ; Gióp 33 :14-16) và việc Ngài chạm đến lưỡi người ấy bằng nước miếng chỉ về việc Ngài xức dầu cho cơ quan phát ngôn của người câm bằng lời ra từ miệng Ngài. Đây là sự chữa lành.
Một bức tranh về tình trạng của chúng ta
Người điếc và câm trong 7 :31-37 mô tả tình trạng chúng ta ngày nay. Câu 32 nói rằng người này nói rất khó khăn. Tình trạng của anh em trong các buổi nhóm Hội Thánh không phải là câm sao ? Tôi tin rằng nhiều người giữa vòng chúng ta phải thừa nhận là họ khó phát ngôn trong các buổi nhóm. Vì vậy, trường hợp của người điếc và câm trong chương 7 mô tả nhu cầu của tất cả chúng ta.
Điếc thường là nguyên nhân của câm. Trong nhiều trường hợp, một người điếc thì cũng câm. Lý do là nói dựa trên nghe. Một đứa trẻ học nói bằng cách lắng nghe người khác nói. Cuối cùng, đứa trẻ sẽ nói nhiều nó nghe được. Qua đó, chúng ta thấy rằng một đứa bé học nói bằng cách lắng nghe. Chúng ta có thể nói rằng việc nghe của đứa trẻ trở thành nói
Anh em có biết tại sao chúng ta khó nói trong các buổi nhóm không ? Chúng ta khó nói vì chúng ta bất cẩn khi lắng nghe Chúa phán. Nếu cẩn thận hơn trong việc nghe, chúng ta sẽ tự động nói.
Chúng ta cần thực hành lắng nghe Chúa phán. Khi chúng ta lắng nghe lời thì lời sẽ thấm vào bản thể của chúng ta. Sau đó, chúng ta mới có thể nói lưu loát. Nhưng nhiều người không thể nói mà không gặp khó khăn vì họ không nghe cách đúng đắn. Nếu chúng ta quan tâm lắng nghe lời Đức Chúa Trời thì việc lắng nghe này cuối cùng trở nên hành động nói
Đôi khi các anh em hướng dẫn trong Hội thánh khuyến khích các thánh đồ nói trong các buổi nhóm. Nhưng khi một số người cố gắng nói, dường như họ không có điều gì để nói. Nan đề nằm ở việc nghe. Không có hành động lắng nghe Lời, chúng ta không có điều gì để nói trong các buổi nhóm.
Nuôi dưỡng, nghe và nói
Việc chữa lành người điếc và câm theo sau phần ghi lại sự kiện Chúa là Bánh của con cái. Điều này chỉ ra rằng sau khi  vui hưởng sự nuôi dưỡng của Chúa, chúng ta cần được chữa lành hơn nữa. Sự chữa lành là một bước khác, một bước tiệm tiến trong việc thực hiện sự phục vụ Phúc Âm của Cứu Chúa – Nô lệ
Chúng tôi đã chỉ ra rằng Phúc Âm Mác là một quyển sách tiệm tiến. Từng bước một, chúng ta đi từ việc Chúa nuôi dưỡng đến việc chữa lành tật điếc và câm. Chúng ta cần phải nói: «Ô Chúa Jesus, cảm ơn Ngài vì nuôi dưỡng của Ngài. Ngài nuôi dưỡng con để chữa lành con. Chúa ơi, sự nuôi dưỡng của Ngài là để chữa lành tật điếc và câm của con».
Nếu không vui hưởng sự nuôi dưỡng của Chúa, việc chúng ta nói cho Ngài sẽ rất khó. Nhiều người trong chúng ta có thể làm chứng rằng trước khi vui hưởng sự nuôi dưỡng của Chúa trong nếp sống Hội Thánh, chúng ta khó cầu nguyện trước mặt mọi người trong buổi nhóm. Không những chúng ta không nghe cách đúng đắn về việc nghe trở thành nói và chúng ta cũng không vui hưởng Chúa là thức ăn. Nhưng từ khi bước vào nếp sống Hội Thánh, chúng ta đã vui hưởng Ngài là Bánh. Sự nuôi dưỡng theo sau việc phơi bày tấm lòng của chúng ta và theo sau việc chữa lành tật điếc và câm. Theo trình tự trong Mác chương 7, sau trường hợp của người đàn bà Sy-rô-phê-ni-xi, chúng ta có trường hợp chữa lành người điếc và câm.
Chúng tôi đã nhấn mạnh vấn đề nói phụ thuộc vào nghe. Chúng ta không nên cố gắng nói mà không lắng nghe. Nếu nói mà không nghe, chúng ta sẽ nói vô nghĩa. Trước hết chúng ta phải nghe cách đúng đắn rồi sau đó mới có thể nói. Chúng ta cần lắng nghe với ý định là để nói, với ý định lặp lại những gì đã được nghe. Nếu tất cả mọi người đều lắng nghe như vậy thì nhiều người có thể nói mà không gặp khó khăn gì trong các buổi nhóm Hội Thánh. Vì không còn điếc nữa nên chúng ta không còn gặp khó khăn khi nói
Kinh nghiệm được chữa lành tai và lưỡi
Để cả con người chúng ta được chữa lành cách tổng quát thì tương đối dễ. Kinh nghiệm sự chữa lành như vậy có thể không cần Chúa Jesus chạm đến. Chẳng hạn trong chương 5, người đàn bà được chữa lành chỉ bởi rờ đến trôn áo Chúa. Tuy nhiên, nếu muốn được chữa lành cụ thể ở tai và lưỡi, chúng ta cần được Chúa chạm đến cách rõ ràng.
Theo câu 33, Chúa đem riêng người đàn ông điếc và câm ra khỏi đám đông, ấn ngón tay Ngài vào tai người ấy, sau đó chạm đến lưỡi. Điều này cho thấy rằng nếu muốn đôi tai được chữa lành, chúng ta cần được Chúa đem đến một chỗ riêng. Rồi trong chỗ riêng tư, Chúa sẽ ấn ngón tay Ngài vào đôi tai chúng ta và chạm đến lưỡi chúng ta bằng nước miếng của Ngài
Việc chữa lành đôi tai chỉ đòi hỏi Chúa ấn ngón tay Ngài vào đó. Nhưng để được chữa lành lưỡi, chúng ta cần điều gì đó ra từ miệng Chúa xức vào lưỡi của mình. Điều này có nghĩa là cơ quan phát ngôn của chúng ta cần được xức dầu bằng lời ra từ miệng Chúa.
Ồ, cần Chúa mở đôi tai chúng ta ra biết bao ! Đôi tai chúng ta đã đóng kín với lời Đức Chúa Trời, với sự phát ngôn của Đức Chúa Trời quá lâu. Chúng ta cũng cần thể yếu của lời Chúa xức vào lưỡi mình. Chúng ta không thể nói, chúng ta câm vì thiếu « nước miếng », là thể yếu của lời ra từ miệng Ngài. Lưỡi chúng ta cần được thể yếu này chạm đến. Chúng ta cần để thể yếu của lời Chúa trở nên dầu xức cho lưỡi chúng ta. Nếu để Chúa xức lưỡi chúng ta bằng thể yếu của lời Ngài thì lưỡi câm ấy sẽ có thể nói trôi chảy.
CHO BỐN NGÀN NGƯỜI ĂN
Sau khi chữa lành người điếc và câm, Cứu Chúa-Nô Lệ cho bốn ngàn người ăn (8 :1-9). Mác 8 :2 chép: «Ta động lòng thương xót quần chúng này, vì họ đã ở với ta ba ngày rồi, mà không có chi ăn hết». Ở đây, các mỹ đức về sự thương xót, cảm thông và chăm sóc dịu dàng của Cứu Chúa-Nô Lệ được bày tỏ trông nhân tính Ngài cách sống động và ngọt ngào.
Trường hợp cho bốn ngàn người ăn ngụ ý rằng sau khi được chữa lành và có thể nghe và nói, chúng ta đủ điều kiện nuôi dưỡng người khác. Ngày nay, nhiều Cơ-đốc nhân không đủ điều kiện nuôi dưỡng người khác vì chính họ vẫn còn điếc và câm. Nếu không cẩn thận lắng nghe lời phán của Đức Chúa Trời và nếu không có một lưỡi được xức dầu, chúng ta sẽ không thể nuôi dưỡng người khác. Chỉ khi nào được chữa lành cách đặc biệt, chứ không chỉ cách tổng quát, thì chúng ta mới đủ điều kiện nuôi dưỡng người khác
Trong trường hợp người đàn bà Sy-rô-phê-ni-xi, Chúa Jesus là người duy nhất đang nuôi dưỡng. Nhưng trong trường hợp nuôi dưỡng bốn ngàn người, tất cả các môn đồ đều trở nên những người nuôi dưỡng. Điều này cho thấy rằng sau khi kinh nghiệm việc chữa lành cơ quan nghe và nói, chúng ta trở nên những người có thể nuôi dưỡng người khác. Tôi tin rằng khi các thánh đồ đã được chữa lành cách đặc biệt ở cơ quan nghe và nói, họ sẽ trở nên những người nuôi dưỡng. Họ sẽ có khả năng nuôi dưỡng người khác bằng cách trình bày lẽ thật cho những người ấy. Về việc nuôi dưỡng này, chúng ta cần chữa lành đặc biệt, sự chữa lành tai và lưỡi
NHỮNG NGƯỜI PHA-RI-SI TÌM KIẾM DẤU LẠ
Sau việc cho bốn ngàn người ăn, « Người Pha-ri-si ra gạn hỏi Ngài, xin một dấu lạ từ trời, để thử Ngài » (8 :11). Sau khi than thở trong linh, Chúa Jesus phán: «Cớ sao dòng dõi này cầu một dấu lạ? Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hẳn chẳng cho dòng dõi này một dấu lạ gì hết » (c.12). Lần này, người Pha-ri-si  đã không đến tố cáo hay tìm khuyết điểm nhưng đến để tìm một dấu lạ. Giống như nhiều người ngày nay, họ giả vờ thuộc linh. Tuy nhiên, Chúa biết tấm lòng của họ và Ngài từ chối ban cho họ một dấu lạ.
Ngày nay, có một Cơ-đốc nhân chân thành. Họ đã được Chúa chữa lành đặc biệt và họ đã trở nên những người có thể nuôi dưỡng người khác. Nhưng trong khi đó, một số người thì lại giả vờ, giả hình. Họ giả vờ tìm kiếm dấu hiệu thuộc linh; họ giả vờ rằng mục đích của họ là thuộc linh.
LỜI CẢNH CÁO VỀ MEN
Trong 8 :14-21, Chúa Jesus tiếp tục cảnh cáo môn đồ Ngài về men của người Pha-ri-si và men của Hê-rốt. Trong câu 15, Chúa phán: «Hãy coi chừng, cẩn thận về men của người Pha-ri-si và men của Hê-rốt ». Trong Kinh Thánh, men chỉ về điều ác (1 Cô 5 :6-8) và các giáo lý ác (Mat.16 :6, 11-12). Men của người Pha-ri-si là sự giả hình của họ (Lu.12 :1), men của Hê-rốt là sự hư hoại và bất công trong  chính trị. Chúa cảnh cáo các môn đồ coi chừng hai loại men này; đó là men giả hình của người Pha-ri-si và men bất công của Hê-rốt
SỰ HIỂU LẦM CỦA CÁC MÔN ĐỒ
Trong 8 :16-21, chúng ta thấy các môn đồ không hiểu lời Chúa về men. Họ bị chi phối bởi suy nghĩ về bánh: «Họ bàn bạc cùng nhau rằng: Ấy vì chúng ta không có bánh » (c.16). Khi nghe về «men», họ liền nghĩ ngay đến bánh bởi vì họ ý thức rằng họ đã không đem lên thuyền một lượng thức ăn dự trữ đầy đủ. Cũng giống như các môn đồ, ngày nay chúng ta có thể nghe một bài giảng nhưng vẫn không giải nghĩa đúng.
CHỮA LÀNH NGƯỜI MÙ
Trong 8 :22-36, chúng ta có sự kiện chữa lành người mù: «Jesus và môn đồ đến Bết-sai-đa. Người ta đem cho Ngài một người mù, nài xin Ngài rờ đến người». Người mù này chỉ về người đã mất thị giác ở bề trong, là người mù về thuộc linh (Công.26 :18 ; 2 Phi.1 :9).
Câu 23 chép: «Ngài bèn nắm tay người mù, dắt ra ngoài làng, nhổ nước miếng trên mắt người, đặt tay trên người, rồi hỏi rằng: Có thấy chi không ? » Bằng cách nắm tay người mù, Cứu Chúa-Nô Lệ thể hiện sự quan tâm yêu mến thân mật trong nhân tính Ngài đối với những người có nhu cầu
Chúa đem người mù ra khỏi làng. Điều ấy có thể chỉ ra rằng Cứu Chúa-Nô Lệ không muốn đám đông thấy và biết những gì Ngài có ý định làm cho người mù này vì sau đó Ngài bảo ông ấy đừng trở vào làng (c.26). Theo ý nghĩa thuộc linh, điều này có thể cho thấy rằng Cứu Chúa-Nô Lệ muốn người mù có thời gian riêng tư và thân mật với Ngài để Ngài có thể truyền vào người ấy yếu tố có thể khôi phục lại thị giác của ông. Tất cả những ai mù thuộc linh đều cần có thì giờ như thế với Cứu Chúa – Nô Lệ
Đối với sự chữa lành thêm cách đặc biệt này, Chúa nhổ nước miếng vào mắt của người mù và đặt tay trên ông ấy. Sự đui mù liên hệ đến tối tăm (Công 26 :18). Để thấy thì cần phải có ánh sáng. Nước miếng của Cứu Chúa-Nô Lệ có thể chỉ về lời ra từ miệng Ngài, là lời truyền ánh sáng thần thượng của sự sống vào trong những người tiếp nhận để khôi phục thị giác của nó. Ý nghĩa của việc Cứu Chúa-Nô Lệ nhổ nước miếng cộng với việc đặt tay thì phong phú hơn nhiều so với ý nghĩa của việc chạm đến. Những người muốn giúp đỡ người mù chỉ yêu cầu Chúa chạm đến. Việc Chúa đặt tay trên người mù cho thấy sự đồng nhất của Ngài với người ấy để truyền yếu tố chữa lành của Ngài vào trong họ.
Khi Chúa hỏi người mù xem có thấy gì không, ông ấy trả lời rằng: «Tôi thấy người ta, và nhìn họ đi giống như cây» (c.24). Điều này có thể minh họa cho thị giác thuộc linh của một người. Trong giai đoạn khởi đầu của sự hồi phục thuộc linh, người ta có thể nhìn thấy những điều thuộc linh giống như người đàn ông mù này nhìn thấy người ta giống như cây đang đi. Sau khi phục hồi thêm nữa, người ấy nhìn thấy mọi vật rõ ràng như người đàn ông đã thấy
Câu 25 chép : « Ngài lại đặt tay trên mắt người ; người nhìn chăm thì được hoàn nguyên, thấy rõ ràng cả thảy ». Điều này cho thấy rằng sau khi đôi mắt được chữa lành hoàn toàn, chúng ta nhìn thấy rõ những điều thuộc về Đức Chúa Trời.
Câu 26 kết luật : « Ngài bèn bảo người về nhà, mà rằng: Đừng trở vào làng ». Suốt cả chức vụ của mình, Cứu Chúa – Nô Lệ, là Nô Lệ của Đức Chúa Trời, không thích được nhiều người biết đến.

Trong bài này, chúng ta thấy Cứu Chúa-Nô Lệ đã tiến một bước thêm nữa để chữa lành cho con người, đặc biệt là chữa lành cho các cơ quan nghe, nói và thấy. Sau khi được chữa lành như vậy, chúng ta có khả năng nhìn thấy những điều về Đức Chúa Trời. Vì vậy trong phần kế tiếp, các môn đồ bắt đầu nhìn thấy Đấng Christ và nhận biết Ngài.