Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

VÀI SUY NGHĨ VỀ SỰ CAI TRỊ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI-




Trải nhiều năm trong cuộc đời mình, tôi đã lầm lẫn rất nhiều về sự cai trị của Đức Chúa Trời. Nay tôi có vài suy nghĩ theo ơn thương xót của Chúa soi sáng như sau:
1.     Chúa muốn cai trị dân thánh qua thể chế thần quyền-
1 Samuel 8:4-8-“Hết thảy những trưởng lão đều hiệp lại, đến tìm Sa-mu-ên tại Ra-ma,  và nói rằng: Kìa, ông đã già yếu, còn các con trai ông lại chẳng noi theo gương của ông. Bây giờ, xin hãy lập trên chúng tôi một vua đặng đoán xét chúng tôi, y như các dân tộc khác đã có rồi.  Các lời chúng nói rằng: Hãy ban cho chúng tôi một vua đặng đoán xét chúng tôi, chẳng đẹp ý Sa-mu-ên; Sa-mu-ên bèn cầu khẩn Đức Giê-hô-va. Đức Giê-hô-va phán cùng Sa-mu-ên rằng: Hãy nghe theo mọi lời dân sự nói cùng ngươi; ấy chẳng phải chúng nó từ chối ngươi đâu, bèn là từ chối ta đó, hầu cho ta chẳng cai trị chúng nó nữa.  Chúng nó đối ở cùng ngươi y như chúng nó đã thường làm từ khi ta đem chúng nó ra khỏi xứ Ê-díp-tô cho đến ngày nay: chúng nó đã lìa bỏ ta đặng hầu việc các thần khác”

Theo lời Chúa phán, Ngài đã thực sự cai trị trên dân Ngài từ thời Môi se đến thời Sa mu ên. Và đó là khát vọng của Ngài , và khát vọng nầy vẫn còn hôm nay.
Người ta vẫn hô la khẩu hiệu” Đấng Christ là Đầu Hội Thánh”, nhưng tôi không thấy Chúa có quyền hiện thực trong Thân thể Ngài. Chúa không muốn gián tiếp cai trị dân Ngài qua một giai cấp trung gian nào như hàng giáo phảm hay ban trưởng lão nào đâu. Ngài muốn trực tiếp cai trị dân Ngài  qua Lời Chúa tiên tri nói, hay qua lời Kinh thánh có sẵn.
2.     Người có thẩm quyền đại diện-
Những người đặc biệt như Môi-se, Sa-mu-ên, Phao-lô, thì có anh em cho rằng họ là người thẩm quyền đại diện, người khác thì nói không có loại người nào được gọi là thẩm quyền đại diện.
Tôi thấy những người đó được Chúa biệt riêng ra để nói ra ý muốn của Chúa hầu dân thánh làm theo. Bản thân họ không thể là một viên chức chính thức có một thẩm quyền cố định như một quan chức thường trực của chính phủ. Dân thánh không nên vâng theo lệnh riêng của họ hay tôn sùng họ như một quan quyền cố định của một tổ chức tôn giáo chính thức. Dĩ nhiên dân Chúa có thể nể trọng họ, nhưng không nên coi họ như một vị “thần” bất khả xâm phạm. Không thể có những có vị thẩm quyền cố hữu trong nhà Đức Chúa Trời, nắm quyền “sanh sát” tự do, mà lắm lúc ông sa ngã, sống đời tội lỗi, như vua Sau-lơ.
3.     Giữa vòng dân thánh-
Chúa là nhà Cai trị hiện thực qua Đức Linh của Ngài. Thánh đồ không thể coi Ngài theo tính cách Đấng chỉ có thẩm quyền tượng trưng như lá quốc kì mà mỗi dân tộc đều tôn trọng cách chung chung, làm biểu hiệu cho thẩm quyền vô hình của quốc gia.
Người nhỏ nên vâng phục người lớn tuổi cách tương đối là do lòng tự nguyện, chớ không ai bắt buộc. Chúa có cảm động và họ thấy cần vâng phục nghe lời người trên trước nào thì tùy lòng họ. “Cũng vậy, hỡi kẻ trẻ tuổi, hãy thuận phục kẻ lớn tuổi. Phải, hết thảy anh em hãy mặc lấy sự khiêm nhường mà hầu việc lẫn nhau, vì “Đức Chúa Trời chống trả kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.”(1 Phiero 5:5).
Chúa không ra lệnh tín đồ nhỏ tuổi phải vâng phục tín đồ lớn tuổi. Chúa chỉ muốn họ có thái độ thuận phục, kính trọng, còn có sự vâng phục hay không là tùy sự tự nguyện. Người lớn tuổi không được đè nén, ép buộc người trẻ  răm rắp vâng lời mình, còn người trẻ cũng không nên nổi loạn với người lớn.
4.     Những người có ân tứ lớn-
Những người có ân tứ lớn trong các thời đại đều được dân chúng tôn sùng, thần thánh hóa thành một vĩ nhân siêu phàm. Tôi chưa thấy các ông Phi ero hay Phao lô dùng thủ đoạn mở rộng thẩm quyền của mình hay làm lơ để cho thánh đồ tôn sùng mình cách thái quá.
Ông Phi e rơ nói, “Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời ở giữa anh em, theo ý Đức Chúa Trời mà coi sóc, chẳng phải bởi ép buộc, bèn là bởi tình nguyện; cũng chẳng phải vì lợi đê hèn, bèn là vì sẵn lòng;  cũng chẳng phải là chủ trị cơ nghiệp đã chia cho anh em, bèn để làm gương mẫu cho bầy” (1 Phiero 5:2-3). Động từ “chủ trị” có nghĩa là “vận dụng quyền lãnh chúa”. Phi e rơ đã không vận dụng quyền làm chúa trên hội thánh.
Ông Phao lô có một đoàn môn đệ tập tành hầu việc Chúa bên cạnh ông, do ông huấn luyện, sắp xếp, chỉ đạo. Phao lô không xây dựng mở rộng đoàn công tác của mình để cầm quyền toàn bộ công việc Chúa hay cai trị tất c các hội thánh địa phương trên mặt đất lúc bấy giờ. Ông khiêm nhường thú nhận Chúa đã giới hạn công tác chức vụ li của ông như sau.
 Ông nói, “Song chúng tôi chẳng muốn khoe khoang quá mực, chỉ theo mực của giới hạn mà Đức Chúa Trời đã chia phân cho chúng tôi làm mực, để cũng đạt đến nơi anh em.  Vậy, nay chúng tôi đạt đến nơi anh em rồi, thì há có vượt quá cái giới hạn của chúng tôi sao? Vì thật chúng tôi cũng đã đem Tin Lành của Đấng Christ đến nơi anh em trước hết.  Chúng tôi không khoe khoang quá mực đâu, nghĩa là không khoe về công lao của kẻ khác; nhưng mong rằng khi đức tin anh em thêm lên, thì công việc của chúng tôi cũng sẽ càng được mở mang hơn giữa anh em, theo như giới hạn của chúng tôi được rộng rãi càng thêm,  đến nỗi được giảng Tin Lành trong các miền phía bên kia anh em nữa, để khỏi khoe khoang về việc kẻ khác đã làm nên trong giới hạn của họ” (2 Cor. 10: 13-16).
Phao lô thấy sự giới hạn công tác của ông và tôn trọng lãnh vực công tác của người khác. Ông không có tham vọng xây dựng một chức vụ thời đại toàn cầu hay xây một hội thánh hoàn vũ dưới quyền cai trị trực tiếp của ông.
Tôi tin dưới ảnh hưởng của sứ đồ Phao lô, nên sử gia Lu ca chỉ viết về Hội Thánh (là Thân Thể Đấng Christ) biểu hiện trong một miền nào đó mà thôi. Tôi chưa thấy câu kinh thánh nào nói về Hội hánh hoàn vũ. Lu ca chép, “Ấy vậy, Hội thánh trong cả Giu-đê, Ga-li-lê và Sa-ma-ri đều được bình an, gây dựng, bước đi trong sự kính sợ Chúa và trong sự an ủi của Thánh linh mà được thêm lên” (Công vụ 9: 31)
Các nhà giải kinh công nhận chữ “hội Thánh” ở đây thuộc về số ít (singular)—ám chỉ Hội thánh phổ thông là Thân thể Chúa của ba miền có người Israel cư ngự là Giu-đê, Ga-li-lê và Sa-ma-ri . Ngày nay người ta cổ động giáo hội thế giới, Hội thánh hoàn vũ. Đó là lời dạy dỗ sai lạc, không đúng sự khải thị trong Kinh thánh.
5.     Không một ai có quyền tuyệt đối trên tín đồ khác-
Jêsus bèn gọi họ đến mà phán rằng: "Các ngươi biết rằng các vua chúa dân Ngoại bang đều chủ trị họ, và các quan lớn đều cầm quyền trên họ. Song trong các ngươi thì không phải như vậy đâu; trái lại, hễ ai muốn làm lớn trong các ngươi thì phải làm tôi tớ của các ngươi,  còn hễ ai trong các ngươi muốn làm đầu thì phải làm tôi mọi các ngươi;(Mathio 10:25-27)
2Co 1:24 – “chớ không phải chúng tôi muốn chủ trị đức tin anh em đâu”.
Tôi lặp lại  chữ “chủ trị” là vận dụng quyền lãnh chúa”.
Ngày nay phần đa số các tôi tớ bất trung của Chúa đều chủ trị, hành hạ, đè đầu đè cổ thánh đồ. Sự cai trị của Chúa không phải như vậy-- như  sứ đồ Phi  e rơ nói, “chẳng phải là chủ trị cơ nghiệp đã chia cho anh em, bèn để làm gương mẫu cho bầy”.
Kết luận:
Tôi rất ít được thấy sự cai trị trực tiếp của Đức Chúa Trời trong hội thánh ngày nay,  mà chỉ thấy sự cai trị của những con người ưa tham vọng chủ trị. Đáng tiếc lắm thay!
Minh Khải- 31-7-2016