Lu-ca không phải là sứ đồ, hay trưởng lão hội
thánh. Ông chỉ là một Cơ Đốc nhân người La-mã đồng hành sứ đồ Phao-lô từ cuộc
hành trình truyền giáo thứ hai cho đến ngày Phao-lô tuẫn đạo.
Trong khi Phao lô ngồi tù 2 năm ở thành phố
Sê-sa-rê (Công vụ 24), Lu-ca có thì giờ xuống Jerusalem thăm viếng và phỏng vấn
những nhân vật quan hệ như bà Ma-ri, mẹ Chúa, các sứ đồ đầu tiên như Phi-e-rơ,
Thô-ma, Ma-thi-ơ, bà Ma-ri, mẹ ông Mác, hoặc Gia cơ, em Chúa….. Lu ca nói, “Vì
nhiều người đã đảm-đương việc biên soạn một bản tường-thuật về những việc đã được
hoàn-tất giữa chúng ta, y như những người từ ban đầu, đã trở nên các chứng-nhân
và tôi-tớ của lời, đã trao chúng xuống cho chúng ta, dường như cũng thích-hợp
cho tôi, sau khi đã điều-tra mọi việc kỹ-càng từ đầu, để viết ra cho ông theo
thứ-tự xảy ra, hỡi Thê-ô-phi-lơ tối ưu; để ông được biết sự thật chính-xác về
các điều ông đã được dạy” (TKTC).
Do đó dữ liệu chính yếu (first hand) mà Lu ca
phỏng vấn, và điều tra được từ những chứng nhân ban đầu là cơ sở để ông viết ra
phúc âm Lu-ca và 12 chương đầu trong bộ lịch sử hội thánh đầu tiên là sách Công
Vụ.
Nguồn tư liệu hình thành sách Lu ca và 12
chương đầu sách Công Vụ là tư liệu chính gốc (first hand), đó là hai văn phẩm
được thần cảm. Sau khi gia nhận đoàn truyền giáo của Phao lô, ngoài thì giờ
chăm sóc sức khỏe cho Phao lô và anh em, vì ông là thầy thuốc, Lu ca ghi lại
các cuộc hành trình truyền giáo của Phao lô cho đến khi Phao-lô ở tù tại Rô-ma
thì ông bỏ lửng, không có phần kết luận cho sách Công vụ-- ngụ ý hội thánh phát
triển lan rộng “không ai cấm cản được”-
Lu ca là người La mã nhưng chịu ảnh hưởng sâu đậm
các lẽ thật Phao lô rao giảng, và cách dùng chữ của Phao lô rất nhiều. Cho nên
tôi có thể nói rằng, phúc âm Phao-lô rao giảng, Lời sự cứu rỗi mà Phao lô truyền
bá, đã thấm nhuần và còn rõ nét trong hai văn phẩm của Lu-ca.
Hôm nay tôi xin mạo muội diễn giảng “Lời Sự cứu
rỗi” trong hai sách Lu-ca và Công vụ nầy.
So sánh Ê-sai 40: 5 với Lu-ca 3:6 chúng ta thấy
“Lúc đó vinh-quang của Đức GIA-VÊ sẽ được lộ ra, Và mọi xác-thịt sẽ cùng thấy
nó--VÀ MỌI XÁC-THỊT SẼ THẤY SỰ CỨU-RỖI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI”. Lu-ca giải nghĩa sự
cứu rỗi của Đức Chúa Trời là vinh quang của Đức Gia-Vê. Theo nguyên văn Hi lạp,
chữ “cứu rỗi” có nghĩa là “giải cứu và đưa nạn nhân vào chỗ an toàn”.
Cụ Si-mê-ôn ẵm Chúa Giê-su khi bà Ma-ri đem
Ngài dâng lên Đức Chúa Trời ở đền thờ, và ông nói chính Chúa là sự cứu rỗi: “Vì
mắt của con đã thấy sự cứu-rỗi của Chúa” (Lu-ca 2:30).
Sự cứu rỗi của Chúa được Lu-ca trình bày trong
hai tác phẩm của ông như sau: Phúc âm Lu-ca nói về sự cứu rỗi ra khỏi quyền lực
của ma-môn, tiền bạc, còn sách Công vụ minh họa sự cứu rỗi ra khỏi tôn giáo của
dân Do thái-- sự cứu rỗi ra khỏi tôn giáo của dân Chúa ngày nay.
-
1.Cứu Khỏi Quyền Lực Ma-môn: Sách Lu-ca
-5:27-28, “Và sau đó Ngài đi ra, và thấy một kẻ
thâu thuế tên là Lê-vi, ngồi ở trạm thuế, và Ngài phán cùng hắn: “Hãy theo Ta!”
Và hắn bỏ lại mọi sự đằng sau, và chỗi dậy và theo Ngài”.
Lê-vi tức là Ma-thi-ơ, thoát khỏi quyền Ma-môn,
ra khỏi điểm giao dịch tài chính lớn vào thời đó.
-
-6:24, “Nhưng khốn cho các ngươi, những kẻ giàu-có,
vì các ngươi đang nhận tiện-nghi của các ngươi đầy-đủ”.. Người giàu nói chung là
đang bị khốn nạn. Có nhiều mục tử đang làm giàu, nhưng họ không thấy mình đang
bị khốn nạn.
-
-7:46, “Ngươi đã chẳng xức dầu đầu của Ta, song
bà đã xức các bàn chân Ta bằng dầu thơm”- Người chủ nhà Pha-ri-si keo bẩn. Anh
em không keo kiết khi đãi đằng dân Chúa như Gai-út chăng? 3 Giăng-5-6
-
-8:14, “Và các hạt đã rơi giữa gai góc, đây là
những kẻ đã nghe, và khi họ tiếp-tục lối đi của họ, họ bị nghẹt với các sự lo lắng
và sự giàu-có và các thú-vui của đời này, và chẳng mang một trái nào đến chín”.
Bóng râm của cây gai giàu có, lạc thú làm cho cây lúa không đậu hạt chắc. Người
tích trử tiền bạc khó mà vào vương quốc 1000 năm lắm.
-
-12:13…19, “Và có người trong đám đông thưa với
Ngài: “Thưa Thầy, xin bảo anh tôi chia của kế-thừa với tôi.” Và Ngài phán cùng họ: “Hãy coi chừng, và hãy đề-phòng
mọi hình thức tham-lam; vì không phải khi đời sống của một người dư-dật thì chỉ
gồm có của-cải đâu.” Và Ngài phán cùng họ một ẩn-dụ, rằng: “Đất của một người
giàu-có nọ có khả-năng sản-xuất rất nhiều. Và hắn bắt đầu lý-luận với hắn, rằng:
‘Ta sẽ làm gì, vì ta không có chỗ để chứa thuhoạch của ta?’ Và hắn nói: ‘Đây là
điều ta sẽ làm: ta sẽ phá đổ các kho của ta và xây cái khác lớn hơn, và ở đó ta
sẽ chứa tất cả thóc lúa của ta và đồ vật của ta. Và ta sẽ bảo hồn ta: ‘Hồn ơi, ngươi
có nhiều đồ vật tích-trữ cho nhiều năm tới; ngươi hãy nhàn hạ, hãy ăn, uống và
vui đùa”.
Tiền bạc là thức ăn khoái khẩu của hồn người.
Thu nhập càng nhiều, tâm hồn Cơ Đốc nhân xác thịt càng khoái chí. Nhiều Cơ Đốc nhân có tài khoản lớn ở ngân hàng
và có tiếng cười khả ố trước mặt hội thánh.
-
-16:11-14, “Bởi vậy, nếu các ngươi đã chẳng
trung-tín trong việc sử-dụng ma-môn bất chính, ai sẽ ủy-thác vật quý-báu thật
cho các ngươi? Và nếu các ngươi đã chẳng trung-tín trong việc sử-dụng cái của một
người khác, ai sẽ cho các ngươi thứ là của riêng của các ngươi? Không có đầy-tớ
nào có thể phục-vụ 2 chủ; vì nó hoặc sẽ ghét người nầy, và thương người kia, hoặc
nó sẽ hết lòng với người nầy, và khinh thường người kia. Các ngươi không thể phục-vụ
Đức Chúa TRỜI và ma-môn”. Bấy giờ các người Pha-ri-si, là những kẻ ham tiền,
đang nghe tất cả các điều này, và đang chế giễu Ngài”.
Nhiều Cơ Đốc nhân cam tâm làm thủ quỷ trung tín
cho thần ma-môn.
-
-19: 2, 8, 9, “Và kìa, có một người đàn-ông tên
là Xa-chê; và hắn là viên thâu-thuế trưởng, và hắn giàu-có. Và Xa-chê đứng và thưa cùng Đức Chúa: “Này, thưa
Chúa, phân nửa của cải của tôi, tôi sẽ cho người nghèo, và nếu tôi đã lường gạt
một người nào về một cái gì, tôi sẽ trả lại nhiều gấp 4 lần.” Và Giê-su phán
cùng hắn: “Hôm nay, sự cứu-rỗi đã đến nhà này”.
Chúa Giê-su là sự cứu rỗi, đã vào nhà Xa-chê
ngày hôm đó. Xa chê liền phân phát hơn phân nửa của cải mình, chứng tỏ ông đã
kinh nghiệm quyền năng sự cứu rỗi ra khỏi ma-môn rồi.
-
2. Cứu Khỏi Quyền Lực Do-thái Giáo: Sách Công Vụ
-1:13, “Rồi họ trở về Giê-ru-sa-lem, từ ngọn
núi có tên là Ô-li-ve, gần Giê-ru-sa-lem, cách khoảng bằng đường đi trong ngày
Ngưng-nghỉ”. Khoảng đường có phép đi trong ngày sa-bát dài chừng 800 mét. Các môn
đồ đầu tiên còn bước đi trong khuôn mẫuvà quy chế truyền thống của Do thái
giáo.
-
-4:7, “Và khi chúng đã đặt họ trong chỗ chính
giữa, chúng tra hỏi: “Bởi quyền-năng gì, hay trong danh gì, các ngươi đã làm điều
này?”. Câu nầy tỏ rỏ Do thái giáo có giáo quyền rất mạnh, đè nén và áp chế người khác. Có nhiều hệ phái
tự xưng mình Về Nguồn mà cũng dùng những lời thịnh nộ, đe dọa, đòi làm cỏ những
thánh đồ đối lập.
-
5:18, 40- -“chúng tra tay trên các sứ-đồ, và bỏ
họ trong nhà tù công-cộng”- “sau khi cho vời các sứ-đồ vào, chúng quất họ và ra
lệnh cho họ không được nói trong danh Giề-xu, và thả họ đi”-- Anh em có bị hội thánh nào của Chúa đuổi ra
không? Hội thánh nào mà đuổi dân đồng đạo, thì hội đó là nhà hội của sa-tan.
-
9:1-2, “Bấy giờ Sau-lơ, vẫn còn thở ra các sự
hăm dọa và sát-nhân chống lại các môn-đồ của Chúa, đi tới thầy tế-lễ thượng-phẩm,
và xin ông ta các lá thư gởi cho các hội-đường tại Đa mách, để nếu hắn thấy ai
thuộc Đạo, đàn-ông lẫn đàn-bà, hắn có thể trói họ đem về Giê-ru-salem”- Anh em
đã từng cảm thấy run sợ trước những kẻ “Dòng Tên” hiếu sát của thế kỉ 21, từng khủng bố, rình rập và lôi
anh em ra trước toàn án của họ chăng?. Cám ơn Chúa tôi thấy nhiều anh em thánh
đồ vẫn đứng vững khi bị toà án tôn giáo của hội thánh Về Nguồn xét xử vắng mặt.
-
15:1, “Và có một số người xuống từ Giu-đê và dạy
anh em: “Trừ phi các ngươi được cắt-bì theo tục-lệ của Môi-se, các ngươi không
thể được cứu” . --Đảng cắt bì là cánh tay phải của trưởng lão Gia-cơ, em Chúa.
Họ dạy rằng người Cơ Đốc nhân ngoại bang không được cứu nếu không chịu cắt bì
và tuân giữ điều răn Cựu ước. Ngày nay hậu duệ những kẻ đó còn sống và hoạt động
mạnh mẽ. Họ cổ vũ giữ ngày sa bát, giữ điều răn về chế độ ăn uống. Họ bảo đừng
uống nước trà mà phải uống nước dừa, đừng ăn thịt heo mà phải ăn thực vật. Trước
năm 1975, có một mục tử làm cắt bì theo nghĩa tôn giáo cho một tin đồ tại
Saigon.
-
21:18-20, “Và bấy giờ vào ngày sau Phao-lô đi với
chúng tôi tới Gia-cơ, và tất cả các trưởng-lão đều hiện-diện. Và sau khi người
đã chào họ, người thuật lại từng điều một các việc mà Đức Chúa TRỜI đã làm giữa
các dân Ngoại-bang qua mục-vụ của người. Và khi họ nghe điều ấy, họ tôn-vinh Đức
Chúa TRỜI; và họ nói với người: “Anh nè, anh thấy có bao nhiêu vạn người ở giữa
dân Giu-đa đã tin, và tất cả họ đều sốt-sắng vì Luật-pháp”.
Ồ chính Gia-cơ, thủ lĩnh đảng cắt bì, thú nhận
có hàng vạn (có lẽ khoảng 3 hay 4 chục ngàn người) Cơ Đốc nhân Do Thái sốt sắng
luật pháp.
Gia cơ là người tin kính kỉnh kiền, thiêng
liêng, nhưng không thuộc linh. Ông không hiểu Tân ước là gì nên pha trộn Cựu ước
với Tân ước, làm cho bầu không khí ở Jerusalem trở nên tối tăm và lộn xộn. Ông
nài ép Phao-lô đóng kịch bằng cách dâng tế lễ Na-xi-rê, chịu phí tổn cao cho 4
người Cơ Đốc nữa, để trước mặt dân Do Thái chưa tin Chúa Jesus, họ sẽ hiểu rằng
Phao-lô sốt sắng làm theo luật pháp, chứ không như những gì Phao lô đã giảng—bải
bỏ luật pháp--- ở hải ngoại.
Màn kịch Pha trộn hội thánh với Do thái giáo đã
hỏng. Phao lô bị cầm tù.
-
21:30 “Và cả thành bị khích-động, và dân-chúng
cùng nhau đổ-xô đến; và nắm lấy Phao-lô, chúng kéo người ra khỏi đền-thờ; và tức
thì các cửa được đóng lại”.--Một bức tranh vô cùng ấn tượng! Dù có muốn nghe lời
dụ dỗ của Gia-cơ, đóng kịch để xoa dịu cơn giận của Do Thái giáo hiếu sát,
Phao-lô cũng bị Do-thái giáo xô đuổi ra, không cho tham dự.
Trong thời gian ở tù hai năm tại Sê-sa-rê, Phao
lô có nhiều thì giờ suy gẫm và tiếp nhận thêm khải thị tươi mới, nên khi được
chuyển lên ngục thất La-mã, Phao lô đã viết bốn thư tín ngục thất là Ê-phê-sô,
Phi-líp, Cô lô-se, Phi-lê-môn. Trong các thư đó Phao-lô đã lên án tôn giáo Do
thái như các câu: “Hãy coi chừng những con chó, hãy coi chừng những kẻ làm việc
xấu-xa, hãy coi chừng
những kẻ chịu cắt-bì giả ; vì chúng ta là những
kẻ chịu cắt-bì thật, những kẻ thờ-phượng trong Linh của Đức Chúa TRỜI… và không đặt lòng tin-cậy vào xác-thịt” (Phi-líp
3:2-4). Trước kia vì sợ Do Thái giáo, Phao lô phải làm phép cắt bì cho
Ti-mô-thê, thế mà nay ông can đảm nói sự cắt bì của Do Thái giáo là cắt bì giả,
cắt bỉ trong Đấng Christ mới là cắt bì thật, để không đặt lòng tin-cậy vào
xác-thịt.
Phao lô nói những tôi tớ Chúa trong đảng cắt bì
tại Jerusalem là “những con chó, hãy coi chừng những kẻ làm việc xấu-xa, hãy
coi chừng những kẻ chịu cắt-bì giả”. Thưa bạn, Gia cơ có được bao gồm trong những
con chó đó không? Những người cố tâm phục hồi Do Thái giáo, theo lời sứ đồ
Phao-lô, không phải lời của tôi—là những con chó tôn giáo đó.
-
Kết luận-
Khi ẵm hài nhi Giê-su 40 ngày tuổi trong tay, cụ
Si-mê-ôn thưa cùng Đức Chúa Trời rằng: “Bây giờ Chúa ôi, xin Chúa cho kẻ nô-lệ này
của Chúa ra đi trong bình-an, theo lời của Chúa; Vì mắt của con đã thấy sự cứu-rỗi
của Chúa”.
Thật vậy chính thân vị, cuộc sống và lời dạy dỗ
của Chúa Giê-su là Sự Cứu Rỗi Của Đức Chúa Trời. Tôi không thấy có sách nào
trong kinh thánh chép nhiều giai thoại và sự bài trừ tiền bạc nhiều như sách
Lu-ca. Cho nên sách Lu-ca trình bày Chúa Giê-su là sự cứu rỗi cho tín đồ thoát khỏi
quyền lực ma–môn.
Những người sốt sắng về luật pháp Cựu ước, đang
phục hồi địa vị luật pháp ngày hôm nay, --đơn cử là phục hồi ngày sa-bát—có được
thế lực và thuận cảnh như Gia-cơ ngày xưa chăng? Thế mà Gia-cơ, đã thất bại,
thì đảng cắt bì hôm nay sẽ thành công hay sao?
Bạn có nghĩ rằng vì để chặn đứng việc làm của đảng
cắt bì Gia cơ, nên Chúa cho quân đội La mã triệt hạ đền thờ và thành thánh
chăng? Tôi tin Chúa can thiệp chặn đứng việc làm của những kẻ cắt bì bậy, để giải
cứu hội thánh của Ngài khỏi quyền lực Do Thái giáo thời đó. Bạn có được thoát
khỏi quyền lực của Do Thái giáo tân thời chăng? Xin Chúa thương xót chúng ta!
Minh Khải 27-6-2019