Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2020

BÊ-TÊN VÀ ÊN BÊ-TÊN-



Sáng thế kí 28:16-19 TKTC, “Rồi Gia-cốp thức dậy từ giấc ngủ của mình và nói: "Chắc-chắn Đức GIA-VÊ ở trong chỗ này, và mình đã chẳng biết điều đó!" Người sợ và nói: "Chỗ này đáng kinh-sợ biết bao! Đây không gì khác hơn là nhà của Đức Chúa TRỜI, và đây là cổng trời." Thế là Gia-cốp dậy sớm vào buổi sáng, và lấy hòn đá mà người đã kê dưới đầu mình và dựng nó lên làm một cái trụ, và đổ dầu trên chót trụ. Người bèn gọi tên chỗ đó Bê-tên”. Beth là “nhà”, El là “Đức Chúa Trời”.
Sáng thế kí 35:6-7, “Thế là Gia-cốp tới Lu-xơ (đó là Bê-tên), ở trong xứ Ca-na-an, người và tất cả những kẻ ở với người. Người xây một bàn-thờ ở đó, và gọi chỗ ấy là Ên-Bê-tên, vì ở đó Đức Chúa TRỜI đã tiết-lộ Chính Ngài cùng người, khi người chạy trốn khỏi mặt anh của mình”.

Gia cốp đặt tên cho Lu xơ là nơi ông ngủ đêm và được găp Chúa, là Bê-tên. Bê tên có nghĩa là nhà Đức Chúa Trời.
Sau đó hơn 20 năm, hoặc chừng 21 năm, Gia cốp vâng lời Chúa đi lên Bê tên. Một lần nữa, ông gặp Chúa và đặt tên bàn thờ tại Bê tên là Ên Bê-tên. Ên Bê-tên có nghĩa là “Đức Chúa Trời của nhà Đức Chúa Trời”.
Bê tên là nhà Chúa, tương tợ nếp sống hội thánh hôm nay. Bê tên cách xa Ên Bê tên chừng 21 năm. Đó là hai kinh nghiệm của Gia cốp về nếp sống trong nhà Chúa.
1.     Sống trong Bê tên 20 năm-
Dù không có một điểm nhóm, một phòng nhóm tỏ tường, nhưng suốt 20 năm Gia cốp được Chúa chăn nuôi bên nhà bố vợ. Gia đình La ban, bố vợ và gia đình Gia cốp, được kể như những con người sinh hoạt trong cái tạm gọi là Bê tên của Gia cốp.
La ban là tín đồ ham tiền, cờ bạc, gian xảo, nhưng ông vừa thờ lạy Đức Chúa Trời của Na cô và thờ thần thê ra phim tại gia. Con cái của La ban là những thành phần đạo dòng, không biết có được cứu hay không nữa?
Gia cốp thờ phượng Đức Chúa Trời của Y sác. Nếp sống của bốn bà vợ và 12 đứa con làm cho Gia cốp cuồng trí. Theo lời ông kể lại cho Lê a và Ra chên, Đức Chúa Trời có hiện ra tại quê vợ và phán dạy ông (Sáng  31:11-13). Chúng ta không thấy đời sống cầu nguyện của Gia cốp trong 20 năm đó, nhưng qua cách nói năng biểu lộ Chúa của hai bà Lê a và Ra chên, chúng ta biết Gia cốp có dạy dỗ vợ con ông về Chúa.
Đó là nếp sống nhà Chúa, là Bê-tên trong cuộc đời Gia cốp suốt 20 năm
2.     Sống trong Ên Bê-tên 50 năm-
Trên đường về, sau khi Ra chên sinh con và qua đời trước khi đến Bết-lê-hem, rồi Gia cốp thoát khỏi tai vạ tại thành Si chem, Chúa liền kêu gọi ông đi lên Bê-tên, tức là trở lại Bê-tên, nơi ông gặp Chúa lần đầu, trên đường lánh nạn, chừng 21 năm trước.
Tại Bê tên lần nầy, Chúa lại hiện ra với ông. Lần trước ông chỉ dựng lên một trụ đá mà mình đã gối đầu ngủ qua đêm, xức dầu trên tảng đá. Lần nầy ông cùng các con xây một bàn thờ bề thế, dâng sinh tế trên đó cho Chúa. Chúa đã hiện ra với ông, xác nhận tên mới của ông là Israel, và ông đặt tên bàn thờ đó là Ên Bê-tên.
Gia cốp đã sống trong Bê-tên 20 năm, và sau đó sống trong kinh nghiên Ên Bê-tên trong 50 năm, đến ngày mãn đời.
Để được sống trong Ên Bê-tên, Gia cốp phải bị đấm què chân, phải trải qua giờ kinh hoàng và thú nhận tội lỗi với Ê-sau. Sau khi gặp Y sác cha mình, của cải bất chính của Gia cốp lần lần cũng tiêu tan. Ông phải bị tước mất người vợ yêu, hai đứa con yêu dấu, nhưng chính thức được mang tên là Israel (vương tử của Đức Chúa Trời).
Sống trong Ên Bê-tên 50 năm, Israel đã trưởng thành thuộc linh, có khả năng giơ tay chúc phước cả đến Pha-ra-ôn, vua Ai cập, các con và cháu cũng như nói tiên tri về tương lai của chúng nó. Những lời tiên tri đó còn kéo dài đến tận thời Tân ước và ngày Đấng Si-lô (Jesus Christ) tái lâm-(Sáng 49:10)
Kết luận:
Tôi từng nghe nhiều hệ phái vênh vang tự xưng mình là Hội thánh thật, là Bê- tên, còn mọi hệ phái khác là giả mạo. Nhưng theo Khải huyền 2 và 3, cho dù một hội thánh phạm tà dâm thuộc linh và thờ hình tượng, mà Chúa vẫn kể họ là hội thánh cách chung chung, và Ngài gọi các thành phần ưu tú trong đó là “các tôi tớ Ta” (Khải 2: 20). Cho nên nói cách tổng quát, mọi đoàn thể tin nhận và kêu cầu Danh Chúa Jesus đều là Bê-tên, là nhà của Đức Chúa Trời.
Nhưng những tín nhân biết hội thánh là “Ên Bê-tên” và được sống trong đó đến mãn đời thì có lẽ là một thiểu số. Nhìn lại cuộc đời Gia cốp đã sống trong Ên Bê-tên như thế nào, bạn sẽ biết rằng con người ta không thể lợi dụng Chúa, không thể sống gian xảo nữa, không có khả năng chủ trị trên Ên Bê-tên, trái lại sẽ bị Đấng cai trị Ên Bê-tên, tước bỏ mọi sự, vắt kiệt năng lực thiên nhiên để trở thành một Israel, một nhà tiên tri vô sản của Đức Chúa Trời.
Bạn đang sống trong Bê-tên hay Ên Bê-tên?
Minh Khải 08-02-2020-