Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2020

CHÂN DUNG NGƯỜI CÔNG NGHĨA TRONG SÁCH THI THIÊN-


 

Trang đầu của bất cứ  quyển sách tiểu sử một nhân vật nào đó, thường thường có in chân dung nhân vật đó. Hình ảnh cây trồng gần dòng nước là chân dung của người công nghĩa trong sách Thi thiên. Người đó là David.

Nhưng hình ảnh David  trong Thi thiên 1 là người tuân giữ luật pháp cựu ước, đã sa bại, như Thi thiên 3 ngay sau đó cho chúng ta thấy: “Thơ  Đa-vít làm, khi người trốn khỏi Áp-sa-lôm, con trai người”.

Người công nghĩa trong Thi thiên 1, cây có trái trĩu cành, trồng bên dòng nước đã sa bại, đã chạy trốn, đã mất ngai vàng…. Đó là lí do Chúa cho David viết thêm Thi thiên 2 bổ túc, minh khải một Giê-su phục sinh, làm Con Người công nghĩa hoàn hảo, Ngài sẽ cầm cây gậy sắt cai trị địa cầu  trong 1000 năm. Con Người Giê su là khuôn mẫu cho những người công nghĩa mà Đức Chúa Trời sẽ thu họach vào cuối thời đại tân ước nầy qua sách Thi thiên.

Qua 5 sách Thi thiên, chúng ta sẽ thấy tiến trình mà Chúa có thể thu họach một loại người công nghĩa thực nghiệm, không do luật pháp Cựu ước tạo tác.

Bộ Thi thên 150 chương chia làm năm tập, hay 5 sách và chương cuối cùng của mỗi tập đưa ra lời đức kết cho từng giai đoạn lịch sử dân Chúa kéo dài đến ngày nước ngàn năm xuất hiện.

 Năm tập Thi thiên là:

a/ 1-41. b/ 42-72. c/ 73-89. d/ 90-106. e/ 107-150.

1.Người Bệnh: Thi 41: Kinh nghiệm ban đầu:

Tập Thi thiên một (1:-41:) kết luận rằng người công nghĩa trong Thi thiên 1 là một người lâm trọng bệnh. Xem Thi thiên 41:

--41:2, “không phó người cho ước-muốn của kẻ thù của người”.- người tín đồ bị kẻ thù tấn công từ bên ngoài.

--41:3, “Đức GIA-VÊ sẽ duy-trì hắn trên giường bệnh của hắn”—Tín đồ thường lâm bệnh bên trong mình

--41:9 “Ngay cả bạn thân con, mà con tin cậy, Là người đã ăn bánh của con, Vừa giơ gót của nó lên chống lại con”. Chữ “con” trong câu nầy là Chúa Giê-su, Ngài sống làm người bị môn đồ phản bội, Ngài thông cảm với tín đồ chúng ta đang lâm bệnh khi sống trong thời đại nầy..

2.Công Dân Vương Quốc- Thi 72

Tập Thi thiên thứ hai gồm các thi thiên 42 đến 72, và trong  bài đúc kết là thi thiên 72, chúng ta thấy lời Chúa hứa cho con dân Chúa như sau:

-- 72: 4, “Xin người (Chúa Giê-su) minh oan cho những kẻ khổ-đau trong dân, Cứu con cái của những kẻ thiếu-thốn, Và chà nát kẻ áp-bức”.

Trải các thời đại, có nhiều tín đồ chịu khổ đau cho Chúa, cho hội thánh chung như Phao lô- Col. 1:24: “Nay tôi vui mừng về sự tôi chịu khổ sở vì anh em, và vì thân thể của Đấng Christ,là Hội thánh”. Giáo hội có nhiều kẻ nghèo vật chất, “Đức Chúa Trời há chẳng lựa chọn kẻ nghèo của thế giới nầy để được giàu có trong  đức tin, và thừa kế nước Ngài đã hứa cho kẻ thương yêu Ngài hay sao?” (Gia cơ 2:5). Nhiều tín đồ bị những người chăn dân, bị nhiều mục tử áp bức họ.

--72: 16 c, “Và xin dân thành-thị hưng-thịnh như cây cỏ của trái đất”. Dân thành thị đây là những công dân nước ngàn năm của Đấng Christ.

Có một ngộ nhận, một sự dốt nát khi đa số tín đồ vẫn bụng bảo dạ tin rằng hễ người tín đồ được tái sanh chắc chắn sẽ vào nước ngàn năm để đồng trị vì với Chúa. Có đúng như vậy chăng?

 Tôi xin xác quyết theo ánh sáng Kinh thánh mà tôi thấy: chỉ những người đắc thắng, chỉ những kẻ trưởng thành thuộc linh mới trở thành công dân của vương quốc Đấng Christ, những người khác sẽ bị ném vào nơi kỉ luật khóc lóc nghiến răng sau khi Chúa tái lâm.

3.Dân Chúa Thất Bại, Lưu Đày- Thi 89-

--89: 38-52. Cả Thi thiên 89 bàn về Đấng Mê-si-a (Christ) đắc thắng trọn vẹn. Trước tiên Ngài bị từ bỏ và khinh bỉ, cuối cùng thì “đã nâng cao người được chọn từ dân-chúng” (câu 19). Nhưng dân của Đấng Mê-si-a thì bị thất bại và lưu dày; “Nếu chúng nó bội nghịch luật lệ ta,  Chẳng giữ các điều răn của ta,  Thì ta sẽ dùng roi đánh phạt sự vi phạm của chúng nó, Và lấy thương tích mà phạt sự gian ác của chúng nó” (31-32) “Xin nhớ, Chúa ôi, sự sỉ-nhục của các tôi-tớ của Chúa” (câu 50).

 Dân Chúa trải các đời thường bị Chúa trừng phạt vì bất tuân lời Ngài. Trong thời Các quan xét, họ bị các nước ngoại bang đến đô hộ, áp chế, cuối thời vương quốc Israel, họ bị lưu dày sang Babylon. Trong thời kì hội thánh Tân ước, họ bị lưu dày vào Babylon huyền bí, và mãi hôm nay, thế kỉ 20, là thời kì có lẽ là cuối rốt, đa phần dân Chúa cũng sống trong tình trạng làm nô lệ cho tổ chức tôn giáo, mù mờ thuận phục một hệ tư tưởng thần học lẽ thật đỉnh cao mà giả tạo nhất thời đại.

Nói chung tỉ lệ dân thánh thật sự được tự do 100% trong Đấng Christ là một thiểu số.

4. Những Người Chiến Thắng- Thi 106-

Thi thiên 106 là lời kết luận của tập Thi thiên thứ tư (90-106). Trong lời kết luận nầy, Đức Thánh Linh minh họa cho chúng ta bốn hình ảnh người đắc thắng—Đó là thiểu số người đắc thắng mà chúng ta thấy ở trong tập thứ ba trên đây:

--Câu 16--Môi-se và A-rôn bị ghen tị: “Trong trại quân họ ganh ghét Môi-se  Và A-rôn, là người thánh của Đức Giê-hô-va”.

Những người đắc thắng, trưởng thành luôn luôn bị tín đồ khác ganh ghét, đố kị. Đó là quy luật chung, là yêu cầu phải có đối với người trưởng thành trong Chúa. Chúa đã nói tiên tri giả được tín đồ xác thịt yêu chuộng, nhưng những tiên tri chân thật bị lăng nhục, bắt đó, săn đuổi, truy sát ráo riết bởi anh em trong cộng dồng của mình. Anh em sống bình lặng, không bị ai bắt bớ minh chứng anh em là tín nhân sa  bại như tiên tri giả, như giảng sư thuê mướn rồi. “Phước cho các ngươi khi vì Con người mà người ta ghen ghét các  ngươi, cự tuyệt các ngươi, lăng nhục các ngươi, và bỏ tên các ngươi như đồ ác!-- “Khốn thay cho các ngươi, khi mọi người đều nói tốt cho các  ngươi! Vì tổ phụ họ cũng đãi các tiên tri giả như vậy” (Lu ca 6:22, 26).

--Câu 23—Môi se: “Vì vậy,Ngài phán rằng sẽ diệt chúng nó đi; Nhưng Môi-se, là kẻ Ngài chọn, đứng nơi triệt hạ trước mặt  Ngài”. “Nơi triệt hạ” theo tiếng Anh là breach—lỗ thủng.

 Dân Israel trong đồng vắng nổi loạn cùng Chúa, không chịu vào chiếm đất hứa. Môi se đã đứng chỗ sứt mẻ, chỗ triệt hạ, chỗ có lỗ thủng đó cầu thay can thiệp Chúa, xin Ngài đừng tiêu diệt họ. Môi se nổi bật giữa 600 ngàn chiến sĩ, là nam đinh ra khỏi A cập,  phản lọan, ông quả là một người đắc thắng.

-- Câu 30-31 Phi-nê-a- “Bấy giờ Phi-nê-a chỗi dậy thi hành đoán xét,  Và ôn dịch bèn ngừng lại. Từ đời nầy qua đời kia việc đó kể cho người là công bình, Cho đến đời đời vô cùng”.

Khi Dân Israel dừng lại thông dâm với các phụ nữ Ma đi an và thờ lạy các thần dân Ma đi an. Cơn thạnh nộ Chúa nổi lên, Chúa tiêu diệt 24.000 người, nhưng do Phi nê a anh dũng thi hành sự trừng phạt trên dân Israel, nên cơn đai dịch ngừng lại. Chúa kể việc làm của Phi nê a  là quý giá trước mặt Ngài.

Ước mong còn có một số Phi nê a như vậy trong giai đoạn hội thánh ngày nay còn phạm tà dâm thuộc linh với Babylon mới. Vì Babylon ngày nay là một hệ thống tôn giáo có một hệ tư tưởng của những lẽ thật đỉnh cao giả mạo.

5.Người Cai Trị Trong Vương Quốc- Thi 149-150-

Tập thi thiên thứ 5 là lời kết luận của cả 150 thi thiên, và thi thiên 149-150 là lời đúc kết của  đường hướng tiến triển trong sự khải thị trong cả bộ thi thiên nầy.

 Chúng ta  xem Thi thiên 149:5-9: “Nguyện các thánh Ngài mừng rỡ về sự vinh hiển,

“5 Hát vui vẻ tại trên giường mình! 6 Sự ngợi khen Đức Chúa Trời ở trong miệng họ, Thanh gươm hai lưỡi bén ở trong tay họ, 7 Đặng báo thù các nước,  Hành phạt các dân;  8 Đặng trói các vua chúng nó bằng xiềng,  Và đóng trăng các tước vị chúng nó;  9 Để thi hành cho chúng nó sự án đã chép. Các thánh Ngài được vinh hiển ấy”.

Giường đây là giường của người cao tuổi. Họ là những người trưởng thành, là bậc phụ lão (1Giăng  2: 13-14). Họ có quyền uy thuộc linh đang cai trị cách ẩn giấu cho Chúa. Họ dùng lời cầu nguyện để cột trói các tước vị của sa tan đang ẩn núp phía sau hậu trường các nước trên địa cầu. Ai có thể thực hành những công việc nầy, ngoài những người trưởng thượng thuộc linh trong Chúa.

 Thi thiên 150  đầy tràn những tiếng hô la “Ha lê lu gia” trong vương quốc, là những tiếng hô khải hoàn của những người đắc thắng lão thành hôm nay. Có thể họ yếu suy trong cơ thể vật lí,  nhưng tâm linh, người bề trong của họ  cường tráng.

Kết Luận:

Hai danh hiệu xuất hiện thường xuyên trong 150 Thi thiên là “người công nghĩa” và “người thánh”.

 Qua tiến trình trong 5 tập Thi thiên, chúng ta thấy người công nghĩa nầy đã lâm trong bệnh thuộc linh, sau đó được Chúa hứa cho quyền công dân vương quốc 1000 năm. Rồi đó người công nghĩa đã sa bại và bị lưu dày, nhưng giữa vòng họ Chúa thu hoạch được những người đắc thắng như Môi se, A rôn, Phi nê a, vì qua mỗi thời đại số người đắc thắng vẫn là thiểu số so với người đồng thời.

 Cuối cùng Thi  thiên 149 và 150 bày tỏ cho chúng ta thấy chân dung thật của những người công nghĩa thiết thực. Dù  thân thể họ đã già nua, nhưng họ đang cầm quyền cai trị trên các thiên sứ ác, là những kẻ đang đứng phía sau các vua trên trái đất nầy. Khi nào Chúa có được những con người như vậy, cư trú rộng khắp trên các nước thế giời nầy, vương quốc Đấng Christ sẽ hiển lộ, với những tiếng Ha lê lu gia vang dội, chép trong Thi thiên 150.

 Khải Đạo—28-11-2020