Thứ Hai, 8 tháng 3, 2021

TRỒNG DÂN THÁNH NƠI SƠN LĨNH-


 

TRỒNG DÂN THÁNH NƠI SƠN LĨNH-

Xuất hành 15: 17-18 TKTC "Chúa sẽ đem họ và đặt họ trong ngọn núi thuộc về tài sản riêng của Chúa, Chỗ đó, Đức GIA-VÊ ôi, mà Chúa đã làm thành nơi Chúa ở, Nơi thánh, Chúa ôi, mà các tay Chúa đã thiết lập. "Đức GIA-VÊ sẽ trị-vì mãi mãi và vô-cùng."

Xuất hành 17-18 (bản Công giáo), “Người đem chúng Người trồng nơi sơn lĩnh cơ nghiệp của Người, lãnh thổ Người đã gầy lên, lạy Yavê, làm nơi trấn ngự ngôi thánh điện, lạy Chúa, Người đã tra tay tạo thành. Chính Yavê hiển trị làm vua cho đến vạn đại, đời đời"

Xuất hành 15:17-18 bản TT, “Hỡi Đức Giê-hô-va! Ngài đưa dân ấy vào, và lập nơi núi cơ  nghiệp Ngài, Tức là chốn Ngài đã sắm sẵn, để làm nơi ở của Ngài,  Hỡi Chúa! là đền thánh mà tay Ngài đã lập.  Đức Giê-hô-va sẽ cai trị đời đời kiếp kiếp”.

 Trong bài ca của Môi-se ngợi khen Chúa đã giải phóng dân Israel, đem qua Biển Đỏ và đưa vào trồng nơi Chúa sắm sẵn cho họ. Nơi đó là núi cơ nghiệp, mà bản Kinh thánh Công giáo dịch là Sơn Lĩnh—lãnh thổ của Chúa ở trên núi.

 Hôm nay tôi muốn tương giao với anh em về Sơn Lĩnh nầy.

 Có thể nói cách nôm na theo ánh sáng Kinh thánh Tân ước, sơn lĩnh là cộng đồng dân Chúa, là giáo hội, là hội chúng của các thánh đồ, nơi hội họp của những người được Chúa cứu chuộc.

1--Ngọn Núi:

Trong Kinh thánh, núi non tượng trưng:

-- Vương quốc – Đa ni ên 2:35, “Nhưng hòn đã đập vào pho tượng thì trở thành một hòn núi lớn, chiếm cả mặt đất”.

-- Quyền lực của  những nhân vật, hay trở lực cản phá đường tiến lên của dân Chúa- Xa cha ri 4:7: “Hỡi núi lớn kia, ngươi là ai? Trước mặt Xô-rô-ba-bên, ngươi sẽ trở nên đồng bằng”- Thi 114:6, “Hỡi núi, sao ngươi nhảy như chiên đực? Nầy đồi, sao ngươi nhảy như chiên con?”

Mathio 5: 14b bày tỏ rằng hội thánh là  thành phố xây dựng trên núi cao; “Một cái thành xây trên núi thì không thể bị che khuất được”.

Bạn có biết địa vị thuộc linh của cộng đồng mình đang  nhóm họp là sơn lĩnh, là thành phố, là cơ nghiệp xây trên núi cao không? Núi không bày tỏ địa thế theo nghĩa đen mà nói  lên địa vị thuộc linh, ở trên cao hơn thế giới thấp thỏi nầy. Phần nhiều các thành phố của nước Israel thời Cựu ước được xây dựng trên núi non. Tại Việt Nam, các đền đài thờ phượng các tà thần, phần lớn cũng được xây trên núi. Nhưng đó là núi giả tưởng của thế nhân, không phải là núi cao thuộc linh  mà dân Chúa  nên cư trú.

2.Nơi Chúa Ở:

 Xuất hành 25: 8, “Họ sẽ làm cho Ta một Đền Thánh để Ta ngự giữa họ”.

Trong thời Cựu ước, Chúa ngự giữa dân thánh trong đền tạm và sau đó là đền thờ.

Mathio 18:20 BNC, “Vì nơi nào có hai ba người nhơn danh ta nhóm họp, thì Ta ở giữa họ" Theo nguyên văn Hi lạp, động từ “nhóm họp” được dùng ở thể thụ động: “having been gathered”—“đang được nhóm họp lại”.

 Thực vậy, các Cơ Đốc nhân độc lập khó có thể đồng ý, thuận phục ai để cùng ngồi lại nhóm họp với bất cứ ai. Nhưng khi hai ba người nào đó được Chúa hành động, họ có thể thuận phục lẫn nhau họp lại trong Danh Ngài, thì Chúa ở giữa họ. Đó là sơn lĩnh, là nơi Chúa ngự, là nhà, là thành của Chúa ngày nay.

3. Loại Giáo Hội Nào?

-- Công Giáo:

Giáo hội Công giáo, kinh viện triết học, vẫn tuyên bố chỉ có họ là hội thánh chân chính, ngoài họ ra chỉ là tà giáo.

--Tin Lành Cải Chánh:

Có hàng ngàn hệ phái Tin lành trên thế giới, nhưng họ không tự thị rằng chính mình họ mới là hội thánh, nhưng họ tin tưởng và áp dụng câu Kinh thánh Ma- thi- ơ 18:20 cách triệt để. Dó đó bất cứ nơi đâu có hai hay ba người được nhóm họp trong danh Chúa, họ tương đối nhìn nhận đó là một cộng đồng, một ngôi nhà của Chúa, dù nhỏ bé về số lượng người nhóm họp

--Hội Anh Em:

Hội Anh Em Tây phương độc đoán, do John Nelson Darby vin vào Kinh thánh tuyên bố nguyên tắc trong một thành phố chỉ có một hội thánh. Giáo lí đó đã gây sự chia rẽ trầm trọng giữa vòng các hội thánh Anh em Tây phương suốt hai thế kỉ qua rất nặng nề. Một trăm năm sau, Watchman Nee ở Đông phương tiếp tục nhấn mạnh nguyên tắc đó, đưa phong trào anh em Đông phương trở thành Hội thánh hoàn vũ, kinh viện văn tự, bước theo con đường Giáo hội thế giới độc quyền của Công giáo thời Trung Cổ. Họ cũng độc đoán cho rằng chỉ mình họ là hội thánh, là Thân Thể Đấng Christ,là  ở trong Dòng chảy của Đức Thánh Linh mà thôi.

Theo nhận xét của cá nhân tôi, chiều hướng của dân Chúa trên cả địa cầu hiện nay—dường như do Chúa, là Đầu Hội thánh điều động—bước theo lối xây dựng cộng đồng, xây dựng hội thánh theo nguyên tắc hai ba người, bên ngoài tất cả các hệ thống tôn giáo của Công giáo, Tin lành và hội Anh em. Phải chăng dân Chúa ngày nay trở về với cách nhóm họp từ nhà nầy sang nhà kia, mà không tập trung nhiều người tại một hội đường nào đó.

 Công vụ 2: 46 “Hằng ngày họ đồng lòng hiệp ý cứ bền đỗ …luôn; còn ở nhà thì bẻ bánh, dùng bữa cách hớn hở thành thật,  ngợi khen Đức Chúa Trời, và được đẹp lòng cả dân chúng. Mỗi  ngày Chúa thêm vào họ những người được cứu”.Theo tôi thấy đó là Sơn Lĩnh của Chúa ngày nay, trước khi Ngài tái lâm thu hoạch hội thánh chung.

 Thành ngữ “còn ở nhà” nguyên văn là “từ nhà này sang nhà khác” (from house to house). Đó là nếp sống nhà Chúa đơn giản theo chủ tâm của Chúa, không phải tổ chức nhân tạo, mà là cộng đồng các tư gia liên kết nhau.

4- Nơi Chúa Trị Vì Ngày Nay-

“Tức là chốn Ngài đã sắm sẵn-- Đức GIA-VÊ sẽ trị-vì mãi mãi và vô-cùng”.

Rất ít người thấy rằng trong cộng đồng dân Chúa, dù chỉ hai ba người, là nơi Chúa đang trị vì hiện thực ngày nay. Bản Công giáo dịch là “hiển trị”. Đừng hiểu lầm sự hiển trị tương lai của Chúa trong nước 1000 năm. Vì ngày nay dân Chúa không thấy sự hiển trị tỏ tường và cụ thể của Chúa mà chỉ thấy sự cai trị hiện thực của những tập đoàn như đoàn tăng lữ độc tài quân chủ chuyên chế, của hàng giáo phẩm độc đoán Tin lành và giai cấp đoàn siêu đồng công xảo thuật của hội Anh em. Ba giai cấp nầy đang lạm dụng quyền uy, lợi dụng tín đồ, chớ không hề làm tôi tớ, làm người cung cấp (minister), là anh nuôi cấp dưỡng dân Chúa như Chúa đã nhấn mạnh.

Mathio 20: 26-28, “Song trong các ngươi thì không phải như vậy đâu; trái lại, hễ ai muốn làm lớn trong các ngươi thì phải làm tôi tớ của các ngươi,  còn hễ ai trong các ngươi muốn làm đầu thì phải làm tôi mọi  các ngươi;  cũng như Con người đã đến không phải để được người ta phục sự, bèn để phục sự người ta, và phó mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người".

 Các viên chức thế giới trị vì, cai trị, vận dụng quyền lãnh chúa trong nhiều loại vương quốc khác nhau của họ, còn vương quốc mà Chúa đang trị vì ngày hôm nay thì có các thần bộc, các tôi tớ Ngài, không chủ trị ai, áp đặt quyền uy trên ai, mà chỉ lo cung cấp thức ăn mà thôi. Họ cai trị nước Chúa hiện nay qua cách đem thức ăn cho cộng đồng. Cai trị là nuôi dưỡng, chớ không ngồi mát ăn bát vàng, ăn trên ngồi trước, đè đầu cỡi cổ trên các  thánh đồ.

 Sứ đồ Phao lô đã trị vì trên toàn bộ dân Chúa trải 20 thế kỉ qua những lẽ thật mà ông cung cấp trong 13, 14 thơ tín ông đã viết. Nếu bạn có thể rao ra những lời khải thị cập nhật tươi mới, có thể nuôi dưỡng con dân Chúa được, thì bạn đang “cai trị” họ đó.—đó là có ảnh hưởng thuộc linh để khiến họ bước theo Chúa.

--Có Chiến Sĩ Cầu Nguyện:

“Chúa Jêsus đáp rằng: “Nước của ta chẳng thuộc về thế giới nầy. Ví bằng nước ta thuộc về thế giới nầy, thì thần bộc ta chắc chiến đấu, (Giăng 18:36).

Nước Chúa, sơn lĩnh chiến thắng của Ngài hiện nay vượt trên mọi loại quyền lực của sa tan, được bảo tồn địa vị  như vậy nhờ ở các chiến sĩ cầu nguyện. Họ chống đỡ sơn lĩnh của Ngài bằng nếp sống cầu nguyện đầy đủ của họ.

 Nếu bạn quan sát lịch sử hội thánh nước Anh, và hội thánh nước Libya, Phi châu chẳng hạn. Quốc gia Anh hùng cường trong hai thế kỉ trước, vì nước họ có rất nhiều thánh đồ cầu nguyện ngày đêm, nên Chúa ban phước cho Hội thánh Anh quốc thịnh vượng thuộc linh. Họ có rất nhiều giáo sư, người tuận đạo, nhiều hội truyền giáo truyền bá phúc âm cả địa cầu. Họ có nhiều anh hùng thuộc linh, nhiều tác giả viết sách thuộc linh hàng đầu để nuôi dân thánh trên địa cầu suốt hai thế kỉ qua, trong khi một nước khác như Libya, Somalia lại rất nghèo nàn về thuộc linh và vật chất. Tại sao. Vì hai nước nầy rất ít chiến sĩ cầu nguyện nội địa.

 Anh quốc có những chiến sĩ cầu nguyện nổi danh như ông George Muller, John Hyde…Israel Cựu ước thì có, Môi- se, Sa-mu-ên, Đa-ni- ên: “ Trong vòng các người cầu khẩn danh Ngài có Sa-mu-ên; Họ đã kêu cầu Đức Giê-hô-va, và Ngài đáp lại cho” (Thi thiên 99:6). Chúa tôn trọng và đánh giá cao đời sống cầu nguyện của Môi se và Sa mu ên như sau: “Đức Giê-hô-va bèn phán cùng tôi rằng: Dầu Môi-se và Sa-mu-ên đứng trước mặt ta,…” (Giê 15:1).

 Ước gì sơn lĩnh, nơi bạn nhóm họp có những ông Môi se, Sa-mu-ên như vậy. Có chiến sĩ cầu nguyện trong cộng động của bạn không? “Ép-a-phơ-ra,người của anh em, đầy tớ của Christ Jêsus, chào thăm anh em người thường thường vì anh em mà chiến đấu trong sự cầu nguyện, để anh em được tin chắc đầy đủ mà đứng trọn vẹn trong cả ý chỉ của Đức Chúa Trời” (Cô-lô-se 4:12)..

“Đức Giê-hô-va thấy không có sự công bình thì chẳng đẹp lòng, thấy không có người, chẳng ai cầu thay, thì lấy làm lạ lùng’ (Ê-sai 59: 15-16). Chữ “người cầu thay” là פָּגַע pâga‛-- Intercessor--- có nghĩa người tác động bằng cách năn nỉ, đứng chính giữa để van xin, để can thiệp, để nói giùm.

Chúa muốn có nhiều người cầu thay được dấy lên để cầu nguyện cho con dân Chúa đang lâm cảnh khổ đau về thuộc linh hay thuộc thể  ngay trong thời kì nầy.

--Có Chiến Sĩ Cai Trị Thay Cho Chúa-

Thi thiên 149:5-9 “Nguyện các thánh Ngài mừng rỡ về sự vinh hiển,  Hát vui vẻ tại trên giường mình! Sự ngợi khen Đức Chúa Trời ở trong miệng họ,  Thanh gươm hai lưỡi bén ở trong tay họ,  Đặng báo thù các nước, Hành phạt các dân;  Đặng trói các vua chúng nó bằng xiềng,  Và đóng trăng các tước vị chúng nó;  Để thi hành cho chúng nó sự án đã chép”.

Theo quan sát của tôi, thánh đồ cao tuổi thuộc linh và thuộc thể, thể xác suy yếu, có thể nằm trên giường bịnh, mới có khả năng làm chiến sĩcai trị. Họ có khả năng dùng gươm bén (Lời kinh thánh) chém sa tan, dùng uy quyền Chúa ban cho (Lu- ca 10:19) trừng phạt các dân, các nước nào đó trên thế giới, cột trói các vua của bầy quỷ, chà đạp các thiên sứ ác, xua đuổi hay cấm đoán họat động các các ác linh, tà linh trong một tỉnh một khu vực nào trên địa cầu theo mức lượng ân điển mà họ tiếp nhận được tứ Chúa.

 Nếu trong cộng đồng anh em đang nhóm họp với, không có vài người có khả năng cai trị cho Chúa như vậy, thì cộng đồng Cơ Đốc của anh em không khải là sơn lĩnh của Chúa, mà chỉ là tổ chức tôn giáo Tin lành chính thống, nhưng theo truyền thống mà thôi.

-- Có Dư Dật Thức Ăn

 Thi thiên 65:4; 68: 5, “Phước thay cho người mà Chúa đã chọn và khiến đến gần, Đặng ở nơi hành lang Chúa: Chúng tôi sẽ được no nê vật tốt lành của nhà Chúa-- Hỡi Đức Chúa Trời, hội chúng Chúa ở tại đó;  Vì lòng nhân từ, Chúa sắm sửa vật tốt cho kẻ khốn  cùng”.

 Trong cộng đồng nhỏ như tàu Nô- ê, Chúa cũng dặn Nô ê “ngươi hãy lấy các thứ đồ ăn đem theo, đặng để dành làm lương thực cho ngươi và các loài đó” (Sáng. 6:21).

Nếu cộng đồng bạn đang tới lui nhóm họp không có thức ăn tươi ngon, thức ăn sạch, mà chỉ có đồ hộp quá date của giáo chủ, giáo lí khô khan, giáo lí bóp méo Kinh thánh thì cộng đồg đó không phải là Sơn Lĩnh của Chúa rồi.

--Dư Tràn Ánh Sáng-

 Thi thiên 36:8-9, “Họ nhờ sự dư dật của nhà Chúa mà được thỏa nguyện;

Chúa sẽ cho họ uống nước sông phước lạc của Chúa. Vì nguồn sự sống ở nơi Chúa;  Trong ánh sáng Chúa chúng tôi thấy sự sáng”.

Rất nhiều cộng đồng dân Chúa thiếu ánh sáng thần thượng, như có cái nhìn lệch lạc, trông gà hóa quốc về một số lẽ thật. Có kẻ mắc  bệnh loạn thị không nhìn ra Chúa Jesus là chính Đức Chúa Trời, không nhận ra Cựu ước đã qua rồi, nó chỉ còn trên giá trị nguyên tắc, trên ý nghĩa hình bóng, không còn là luật pháp theo nghĩa đen về các lễ nghi. Có lắm kẻ ngộ nhận hội thánh hoàn vũ nhân tạo, được điều khiển từ xa là Thân Thể của Đấng Christ.

-Vinh Quang quy Về Chúa-

Rất nhiều cộng đồng tạc tượng, đúc tượng các vĩ nhân, các mục tử của họ để tôn thờ. Họ cử hành lễ tang của những người đó theo cách hoành tráng để đánh bóng, để phóng đại thân phận của những nhà lãnh đạo tài ba của họ. Họ viết những quyển tiểu sử thêu dệt những điều không có thật cho người lãnh đạo của họ.

 Trong khi họ không thấy rằng Chúa là Đấng ghen tương, không nhường vinh quang cho các thần tượng nào, nên thí dụ một trường hợp, đã cho nhà Đa vít trong Cựu ước suy sụp 80%, Chúa cảm thúc các tác giả Kinh thánh như Mathio vẫn chép về lỗi lầm của Đa- vít, để đánh hạ, không cho dân chúng quá sức sùng bái và tôn thờ một thần tượng là “vua Đa vít”, khi kinh thánh chép, “Ngày thứ tám, vua (Sa-lô-môn) cho dân chúng về; dân chúc phước cho vua, đi trở về trại mình, lấy làm mừng rỡ vui lòng về mọi sự tốt lành mà Đức Giê-hô-va đã làm cho Đa-vít, kẻ tôi tớ Ngài, và cho Israel, dân của Ngài” (1 Các Vua 8:66).

Nguyền xin Chúa xây dựng nhiều sơn lĩnh như vậy giữa cộng đồng người Việt của chúng ta trên cả thế giới .A men.

 Minh Khải- March 8, 2021