Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

BA MƯƠI BIẾN CỐ TRONG LỊCH SỬ HỘI THÁNH (Thế kỷ I đến thế kỷ XVII

BA MƯƠI BIẾN CỐ TRONG LỊCH SỬ HỘI THÁNH
(Thế kỷ I đến thế kỷ XVII

DẪN NHẬP

  1. Đức Thánh Linh giáng lâm (34)
  2. Phao lô giảng Phúc âm (37 – 67)
  3. Danh hiệu Cơ đốc nhân
  4. Giáo hội nghị Giêrusalem (49 – 50)
  5. Cuộc bắt bớ của Nero (66 – 68)
  6. Chiếu chỉ Milan năm (313)
  7. Giáo hội nghị Nicea (325)
  8. Giáo hội nghị Carthage 397 - Công nhận Tân ước
  9. Sự phân chia Đông Đế quốc và Tây Đế quốc (395)
  10. Chủ nghĩa tu viện ra đời (TK 4)
  11. Gregory I, Giáo Hoàng đầu tiên (590)
  12. Sự xuất hiện của Hồi giáo (TK 7)
  13. Trận chiến thành Tours năm (732)
  14. Giáo Hội Nghị Lần Thứ Hai ở Nicea(787)
  15. Giáo Hoàng Leo III phong vương cho Charlemagne (800)
  16. Cuộc đại ly giáo (1054)
  17. Các cuộc Thánh chiến (1095 – 1098)
  18. Tôn giáo pháp đình (1232)
  19. Aquinas hoàn thành Bộ Summa Theologica (1271)
  20. Giáo hội nghị Contance (1417)
  21. Quân Hồi Giáo chiếm Constantinople (1453)
  22. Thời kỳ Phục hưng (TK 16)
  23. Martin Luther và 95 luận đề (1517)
  24. Cuộc phản cải chánh(1536)
  25. Loyola thành lập Dòng Tên (Jesuites) (1534)
  26. Anh giáo phân ly khỏi Công giáo (1534)
  27. Giáo Hội nghị Trent (1545 – 1563)
  28. Calvin và cuộc Cải chánh tại Thuỵ sĩ (1538 – 1564)
  29. Phong trào Thanh giáo (TK 16 – 17)
  30. Cuộc chiến 30 năm (1618 – 1648)
KẾT LUẬN DẪN NHẬP

Suốt lịch sử tồn tại và phát triển, Hội thánh Chúa đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm. Dưới sự tể trị của Đức Chúa Trời, sự đổ ra của Đức Thánh Linh, những thay đổi của xã hội và sự chống phá của Satan … những biến động này đan xem với nhau tạo nên vô số biến cố xảy ra mà lịch sử Hội thánh đã ghi nhận. Người viết xin sơ lược ba mươi biến cố nổi bật nhất trong lịch sử Hội thánh từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ XVII, chúng ta cùng xem.


1. Đức Thánh Linh giáng lâm (34 A.D)
Sau khi Chúa Jesus thăng thiên, khoảng một trăm hai mươi sứ đồ và môn đồ cùng nhóm cầu nguyện ở phòng cao. Ngày Lễ Ngũ Tuần, Đức Thánh Linh giáng lâm, tất cả đều đầy dẫy Thánh Linh và khởi sự nói các thứ tiếng khác nhau. Dân Do thái từ khắp các nước dự lễ Ngũ Tuần rất ngạc nhiên khi nghe các môn đồ nói tiếng ngoại quốc. Phierơ đứng lên giảng và có 3.000 tin Chúa. Đức Thánh Linh giáng lâm ngày Ngũ tuần là biến cố quan trọng nhất trong lịch sử Cơ đốc giáo: khai sinh Hội thánh, đẩy mạnh truyền giáo và thực hiện Đại Mạng Lệnh của Chúa Jesus.

2. Phao lô giảng Phúc âm (37 – 67)
Sự kiện Phao lô được Đức Thánh Linh sai phái đi Maxêđoan (châu Âu) là một bước ngoặt lịch sử trong truyền giáo cho dân ngoại. Sự kiện này khẳng định rằng Phúc âm không chỉ dành cho người Do thái mà còn cho các dân tộc trên toàn thế giới. Với sự xức dầu của Đức Thánh Linh, với những điều kiện xã hội thuận lợi của Rôma tạo ra, và với lòng nhiệt thành của Phao lô, Phúc âm đã bành trướng khắp Châu Âu, Châu Á, Bắc Phi và từ đó lan toả khắp địa cầu.


3. Danh hiệu Cơ đốc nhân 
Khoảng năm 60 A.D, danh hiệu Cơđốcnhân (Christian) được sử dụng để chỉ những người tin Chúa Jesus. Từ ngữ “Cơ đốcnhân” hoặc “Kitô hữu” có nguồn gốc từ danh hiệu của Chúa Jesus, có nghĩa là “người Christ”. Danh xưng này xuất hiện lần đầu trong sách Công vụ 11.26: “Ấy là tại thành Antiốt, người ta bắt đầu gọi các môn đồ là Cơđốcnhân”. Thuật ngữ này xuất hiện chứng tỏ một loại “người mới”, một “Vua mới” và một “Vương quốc mới” đã xuất hiện !

4. Giáo hội nghị Giêrusalem (49 – 50)
Một số Cơ đốc nhân Do thái dạy rằng: Cơ đốc nhân ngoại bang tin Chúa Jesus vẫn phải giữ luật pháp và lễ cắt bì mới được cứu. Sự dạy dỗ này gây nên xáo trộn không ít giữa vòng các Hội thánh ngoại bang còn non trẻ. Vì vậy, Giáo hội nghị Giêrusalem được triệu tập để giải quyết nan đề. Kết quả, anh em ngoại bang không cần giữ luật pháp và lễ cắt bì, mà chỉ cần tin Chúa Jesus và giữ mình khỏi: sự gian dâm, huyết, vật chết ngột và của cúng hình tượng (Công 15: 29).

5. Cuộc bắt bớ của Nero (66 – 68)
Hoàng Đế La mã Nero cho người đốt thành Rôma để xây dựng thành phố mới. Để tránh bị dân chúng lên án, ông đã đổ lỗi cho các Cơ đốc nhân. Và thế là các cuộc bắt bớ khủng khiếp diễn ra. Vô số Cơ đốc nhân bị bắt đem đến hí trường Côlisê hành hình để trả thù và làm trò vui cho dân chúng. Các hình phạt: đóng đinh, thiêu sống, quăng cho thú dữ, chém giết … diễn ra hàng ngày. Nhiều người tin rằng Phierơ và Phao lô đã tuận đạo trong thời kỳ này. 

6. Chiếu chỉ Milan năm (313)
Là năm mà Hoàng Đế Constantine ban chiếu chỉ ủng hộ đạo Đấng Christ. Đây cột mốc lịch sử đáng nhớ ghi dấu chấm dứt sự bách hại, Hội thánh được nhiều ưu đãi và vô số người gia nhập giáo hội. Năm 390, Hoàng Đế Theodosius I tuyên bố Cơ Đốc giáo là quốc giáo của Đế quốc La Mã . Từ đó giáo hội bắt đầu xây dựng các Giáo đường đồ sộ và đào tạo hệ thống tăng lữ … nhằm củng cố tổ chức của giáo hội trải qua nhiều thế kỷ.

7. Giáo hội nghị Nicea (325)
Do Hoàng Đế Constantine chủ trì để bàn vấn đề đang tranh cãi: nhân tánh và thần tánh của Đấng Christ, đồng thời xem xét giáo thuyết của Arius. Cũng tại Hội nghị này, Athanasius đã lên tiếng tuyên bố Đấng Christ với Đức Chúa Cha có cùng bản thể (homoousios), Chúa Jesus bình đẳng với Đức Chúa Trời. Kết quả Arius bị lên án và bị đi đày. Lẽ thật vẫn tiếp tục được bảo vệ.

8. Giáo hội nghị Carthage (397) công nhận Tân ước
Hoàng đế Constantine khi tại vị đã ra lệnh cho Eusebe, giám mục tại thành An ti ốt cho chép 50 quyển Kinh thánh cho các chi hội tại Constantinople. Khi ấy hầu hết Tân ước được công nhận, trừ các sách : Gia cơ, II Phie rơ, II và III Giăng, Hêbơrơ, Khải Huyền. Giáo Hội nghị Carthage 397 đã phê chuẩn Tân ước có 27 quyển như chúng ta ngày nay. Tân ước được công nhận Kinh điển là sự kiện quan trọng của Hội thánh [1].

9. Sự phân chia Đông Đế quốc và Tây Đế quốc năm 395
Năm 330, Hoàng Đế Constantine cho xây dựng thành phố Constantinople và dời Kinh đô chính trị về đây, Rôma chỉ còn là kinh đô tôn giáo. Theodosius I đã đặt quyền quản trị hành chánh các vùng Đông và Tây của Đế quốc vào năm 395. Điều này mở đường cho sự phân rẽ chính trị và từ đó hình thành Đông giáo hội và Tây giáo hội. Những tranh luận thần học kéo dài giữa Đông và Tây đã đưa đến biến cố ly giáo năm 1054.

10. Chủ nghĩa tu viện ra đời (TK 4)
Sau sắc lệnh Milan 313, Hội thánh đang trong xu hướng thế tục hoá. Chủ nghĩa tu viện là câu trả lời cho tình trạng đạo đức xuống cấp. Hơn nữa, do ảnh hưởng quan điểm nhị nguyên của phái Trí Huệ và Triết học Hi lạp, phong rào tu viện đã phát triển mạnh vào thế kỷ thứ tư và sau đó lan nhanh ra khắp cả đế quốc. Đời sống tu viện tuy không đúng với Kinh thánh nhưng đã để lại di sản về dịch thuật, nghiên cứu, trước tác, sao chép và lưu giữ Kinh thánh, sách vở, tài liệu … rất có giá trị.

11. Giáo Hoàng đầu tiên, Gregory I (năm 590)
Sự kiện Gregory đại nhân (540 – 564) trưởng tu viện Saint Andrew lên làm giáo hoàng vào năm590 là một dấu mốc quan trọng của lịch sử. Ông được xem là vị Giáo hoàng đầu tiên, rất được kính trọng. Công tác vĩ đại nhất của ông là bành trướng thế lực của vị giám mục tại Rôma, mở rộng quyền lực trên Hội thánh xứ Gaul, Tây ban nha, Anh quốc, Châu Phi, Italy …

12. Sự xuất hiện của Hồi giáo (thế kỷ thứ 7)
Thế kỷ thứ bảy sau Công nguyên có một tôn giáo nổi nên và phát triển rất mạnh là Hồi giáo. Với niềm tin nơi Allar, Kinh Coran và giáo chủ Mahomed, truyền giáo bằng lưỡi gươm … Hồi giáo đã chinh phục hầu hết đế quốc phía Đông: năm 630 chiếm Mecca, 640 chiếm Syri, 638 chiếm Giêrusalem, 650 chiếm Ba tư … Tôn giáo mới này là nguyên nhân của các cuộc Thập tự chinh. Ngày nay, Hồi giáo có khoảng một tỷ tín đồ … nhiều thành phần cực đoan Hồi giáo đang đe dọa an ninh thế giới.

13. Trận chiến thành Tours năm (732)
Trước sức tấn công ồ ạt của Hồi giáo nhằm chiếm cả Châu Âu, cuộc bành trướng mang hình lưỡi liềm từ Phương Tây và Phương Đông. Tình thế rất nguy cấp. Trên cánh đồng giữa hai thành phố Poitiers và Tours, Tướng Chales Martel đã lãnh đạo quân đội đánh tan quân Hồi giáo. Chiến thắng này mang ý nghĩa hết sức to lớn cho sự duy trì của Hội thánh Chúa và người Hồi giáo phải dừng bước. Nếu không có chiến thắng này thì có lẽ đạo Đấng Christ đã bị tiêu diệt hoàn toàn.[2]


14. Giáo Hội Nghị Lần Thứ Hai ở Nicea (787) 
Ở đế quốc phía Đông nổ cuộc tranh luận về ngẫu tượng (726 – 843). Từ đó dẫn đến Hội nghị Nicea II (787 đã được nhóm họp mà nội dung chủ yếu bàn thảo quanh vấn đề thờ lạy ngẫu tượng trong Hội Thánh. Lúc này những vị Giám mục đã thỏa thuận trong Giáo Hội Nghị Constantinope (754) về việc cấm thờ hình tượng thì nay rút lời và hủy bỏ những sắc lệnh trước đó và cho phép tôn kính thần tượng và sự tôn kính các hình tượng xem như là phương tiện để thờ phượng.

15. Giáo Hoàng Leo III phong vương cho Charlemagne (800)
“Đế quốc La mã thánh” tuyên bố độc lập với Constantinople. Khởi đầu bằng lễ phong vương của Giáo hoàng Leo III cho Charlemagne (vua nước Đức), Hoàng đế kiểm soát các vấn đề đất nước, Giáo hoàng kiểm soát các vấn đề thiêng liêng. Đây là sự kết hợp giữa nền văn minh Đức và nền văn minh La mã. Đế chế này tồn tại hơn 1000 năm và bị Napoleon kết liểu năm 1806.

16. Cuộc đại ly giáo (1054)
Sự chia rẽ giữa Đông - Tây vốn đã ngấm ngầm từ lâu nhưng đến năm 1054 thì trở nên chính thức. Do sự khác biệt nhau về giáo lý thân vị của Đức Thánh Linh, vấn đề công nhận sứ đồ, vấn đề lập gia đình của hàng giáo phẩm, vấn đề kiêng ăn, ăn huyết … tất cả như “giọt nước tràn ly” khi Giáo Trưởng và đại diện của Giáo hoàng tranh cãi nhau vấn đề bánh không men trong tiệc thánh. Từ đó hai bên dứt phép thông công lẫn nhau cho đến nay.

17. Các cuộc Thánh chiến (1095 – 1098)
Cuộc viễn chinh đầu tiên do Giáo hoàng Urban II phát động theo yêu cầu của 
Hoàng đế Ailexis ở miền Đông bị quân Hồi giáo tấn công. Mục đích của cuộc thánh chiến là để đẩy lui quân Hồi giáo, tái chiếm Giêrusalem. Bảy cuộc thánh chiến kéo dài gần 200 năm (1095 - 1272) tiêu tốn rất nhiều sinh mạng, tài sản nhưng cuối cùng bị thất bại. Các cuộc Thánh chiến để lại lòng hận thù và nhiều dư vị cay đắng giữa Cơ đốc giáo và Hồi Giáo.

18. Tôn giáo pháp đình (1232)
Còn gọi là : Chức vụ Thánh, do Giáo Hoàng Inocent III thiết lập. Đây là toà án của Giáo hội để xử phạt những người theo tà giáo. Các cuộc xét xử nơi giáo đình được tổ chức kín với nhiều cuộc tra tấn dã man, bản án cuối cùng là đốt cháy trên giàn hoả. Tôn giáo pháp đình là trang sử đáng xấu hổ của Giáo hội. Các giáo hoàng đã thiết lập toà án này trong 500 năm để duy trì quyền hành của mình. Tất cả Giáo hoàng “thánh và vô ngộ” theo sau đều không tỏ ý hối tiếc về những tội ác của Toà án này.

19. Bộ Summa Theologica được hoàn thành(1271)
Do Thomas Aquinas biên soạn, ông đã tổng hợp đức tin và lý luận thành một tổng thể của chân lý với tác phẩm vĩ đại: “Suma Theologica” (Tổng Luận Thần Học). Đâylà tác phẩm tổng hợp giữa đức tin và lý trí, ông chủ trương đức tin và lý trí không mâu thuẫn nhau nhưng cùng đến từ Thượng Đế. Tác phẩm này có ba ngàn mục, sáu trăm câu hỏi. Đây là Bộ Thần Học Hệ Thống giá trị nhất của Giáo hội Công giáo cho đến ngày nay. 

20. Giáo hội nghị Constance (1414 – 1418)
Được triệu tập năm 1414 bởi Sigismund, Hoàng đế Thánh quốc Lamã và John XXIII với 350 đại biểu tham dự, mục đích để chấm dứt cuộc đại ly giáo, chấm dứt tà giáo và cải cách Giáo hội. Hội nghị công bố tính hợp pháp và quyền tối cao của Hội nghị trong Giáo hội La mã, thay cho quyền tuyệt đối của Giáo hoàng, sắc lệnh này có tên Sacrosanct.Hội nghị lấy quyền bầu cử khỏi tay Hồng Y đoàn và cuối cùng quyết định tổ chức Hội nghị sau mỗi thập kỷ để giải quyết những nan đề giáo lý trong Hội thánh.

21. Quân Hồi Giáo chiếm Constantinople (1453)
Năm 1453, quân Hồi giáo tấn công Constantinople, thành phố này thất thủ chấm dứt thời kỳ hoàng kim của Đông đế quốc. Quân Hồi giáo đập phá Đại giáo đường St. Sophia. Như vậy, từ lúc Hoàng đế Constantine dời đô năm 330, Đế chế Byzantine bắt đầu, mặc dù nó thừa kế lãnh thổ rộng lớn từ Đế quốc La mã nhưng đã nhanh chóng mất dần đi dưới sự tấn công của Hồi giáo. Có tất cả 88 vị Hoàng đế trị vì trong suốt 1123 năm. 

22. Thời kỳ Phục hưng (TK 16)
Cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16, Châu Âu chứng kiến sự thay đổi cả về tư tưởng, chính trị, học thuật, công nghiệp … được gọi là thời kỳ Phục hưng. Nổi bật nhất là việc Christopher Colombus tìm ra Châu Mỹ (1492), Gutenberg phát minh ra máy in (1456) và Luther thực hiện cuộc cải chánh (1517). Ba sự kiện này có tác động tích cực lẫn nhau khi Kinh thánh được in ra nhiều thứ tiếng và Phúc âm được truyền sang Châu Mỹ, là yếu tố rất quan trọng cho sự phát triển của Cải chánh trên toàn thế giới.

23. Martin Luther và 95 luận đề (1517)
Ngày 31 – 10 – 1517, tại Saxony (nước Đức ngày nay), Martin Luther niêm yết Chín mươi lăm Luận đề trên cửa Nhà thờ Lâu đài Wittenberg (đây là chỗ được dùng để treo các thông báo của Viện đại học). Ông kêu gọi mở các cuộc tranh luận về các vấn đề của giáo hội. Chín mươi lăm Luận đề của Luther trình bày các luận điểm phê phán Giáo hội và Giáo hoàng, nhất là việc bán bùa xá tội và quan điểm về Ngục Luyện tội. Đây là biến cố quan trọng khởi đầu cho Phong trào cải chánh bùng nổ khắp nơi. Kinh thánh được mở ra, giáo lý đức tin được khôi phục, giáo hội Tin lành bắt đầu từ đó.

24. Cuộc phản cải chánh (1536)
Giáo hoàng Paul III và các Hồng Y đề ra cải cách tôn giáo vào năm 1536. Phong trào này nỗ lực đem lại đổi mới và cải cách trong nội bộ của Giáo hội Công giáo La mã để chống lại sự phát triển của cuộc Cải chánh. Phong trào này khiến bùng lên các thế lực dẫn đến cuộc đấu tranh giữa Công giáo và Tin lành trong cuộc chiến suốt ba mươi năm. Cuộc cải cách này đưa đến Công đồng Trent năm 1545, thành lập các đoàn truyền giáo Công giáo năm 1622, thành lập Dòng Tên 1534 và cuộc chiến ba mươi năm 1618 – 1648.

25. Loyola thành lập Dòng Tên (Jesuites) (1534)
Đây là dòng tu rất nổi tiếng, đầy nhiệt tâm, giúp cho Công giáo La mã bành trướng khắp thế giới. Do áp dụng kỷ luật khắt khe tạo lòng trung thành cao độ với giáo hội, Dòng Tên tạo uy thế rất lớn cho giáo hội Công giáo. Các đoàn truyền giáo Công giáo phần lớn xuất phát từ Dòng Tên. Kết quả là dân Nam Mỹ, Mexico, Canada có nhiều người trở lại đạo. Đặc biệt thánh Xavier truyền giáo sang Ấn độ làm gia tăng số tín hữu Công giáo lên đáng kể.

26. Anh giáo phân ly khỏi Công giáo (1534)
Anh quốc đứng đầu là vua Henry VIII đã chống lại quyền của Giáo hoàng để có thể cưới nàng Anne Boley với ước muốn có con trai. Năm 1534, Quốc hội Anh thông qua đạo luật Quyền Tối Cao (Act of Superemacy) tuyên bố: Vua là “thủ lãnh tối cao duy nhất” của Giáo hội Anh. Từ đó tạo sự đoạn tuyệt chính trị với Rôma. Năm 1539, Quốc hội Anh thông qua Sáu Tín Điều nhằm cắt đứt mối liên hệ với Giáo hoàng. Anh quốc giáo ra đời từ đó với Kinh thánh Tiếng Anh và giáo luật riêng.

27. Giáo Hội nghị Trent (1545 – 1563)
Giáo hoàng Paul III là người tổ chức Công Đồng Trent 1545 – 1563 với mục đích cải cách Giáo hội Công giáo như: tái khẳng định biến thể thuyết, xác nhận Kinh thánh Vulgate bao gồm cả thứ kinh, mở Chủng viện đào tạo hàng giáo phẩm, xuất bản Phước Âm Yếu Chỉ vấn đáp La mã và tìm cách chống lại Cải cách Tin lành. Công Đồng Trent là một cột mốc lịch sử đáng nhớ vì nó tái xác nhận truyền thống giáo hội ngang với thẩm quyền Kinh thánh, do đó chấm dứt cơ hội hoà giải với Cải chánh.

28. Calvin và cuộc Cải chánh tại Thụy sĩ (1538 – 1564) 
John Calvin là nhà cải chánh người Pháp, ông có công trong việc sắp xếp giáo lý của Luther và phát triển chúng thành Hệ thống Thần học, còn gọi là Calvinist. Đầu tiên ông lãnh đạo cuộc cải chánh tại Pháp, tiền thân của phái Huguenots, sau đó ông sang Geneva – Thuỵ sĩ – thành lập Viện thần học đào tạo Mục sư. Geneva trở nên thành phố trung tâm của Cuộc cải chánh Châu Âu. Những tác động tích cực của Calvin mang đến cho thành phố này nói riêng và nền Thần học Tin lành nói chung là rất lớn. 

29. Phong trào Thanh giáo (TK 16 – 17)
Là phong trào theo Thần học Calvin với mục tiêu cải cách Giáo hội Anh. Bắt đầu từ những bất đồng với chính sách tôn giáo của Nữ hoàng Elizabeth I, họ cố thuyết phục Giáo hội Anh đi theo mô hình các giáo hội Kháng Cách ở lục địa châu Âu, đặc biệt là cuộc cải cách tôn giáo tại Geneva. Những người Thanh giáo bác bỏ khuynh hướng chú trọng nghi thức trong giáo hội. Phong trào Thanh giáo là tiền thân của Thanh giáo Anh quốc (Puritants), Thanh giáo Trưởng lão (Cartwright) và Thanh giáo Hội chúng (Jacob). 

30. Cuộc chiến ba mươi năm (1618 – 1648
Kéo dài từ 1618 đến 1648 do sự căng thẳng của tình hình chính trị, tôn giáo của Châu Âu và sự lớn mạnh của chủ nghĩa quốc gia dân tộc. Đầu tiên, chiến tranh xuất phát tại Đức, sau đó lan sang Tân Ban Nha đến những nước khác như Đan Mạch, Thụy Điển, Pháp … Cuối cùng kết thúc với Hòa ước Westphalia (1648). Chiến tranh để lại một hậu quả tại hại về sinh mạng con người và tài sản cùng nhiều hậu quả nặng nề về chính trị. Tuy nhiên, nó giúp ấn định giới hạn giữa các quốc gia Công giáo và Tin Lành

KẾT LUẬN

Hội Thánh Đầu tiên sau giai đoạn phát triển mạnh đã trải qua nhiều sự bắt bớ, ủng hộ và xuống dốc ... Nhiều giáo lý mới được đề xuất, nhiều tác phẩm thần học ra đời bên cạnh nhiều tà giáo xuất hiện. Các Hội nghị đã giải quyết phần nào những vấn nạn này, tuy nhiên Giáo Hội Công giáo đã ngày càng bại hoại do du nhập hình tượng và các sự thực hành của Ngoại giáo. Nan đề này đòi hỏi phải có sự thay đổi và cuộc cải chánh của Martin Luther, John Calvin ... chính là sự trả lời cho câu hỏi nan giải vốn tồn tại nhiều năm. Cuộc cải chánh đã giúp cho Hội thánh Chúa tiếp tục phát triển đúng hướng đồng thời khiến Giáo hội Công giáo nhìn lại chính mình.
Suy tư lịch sử để hiểu biết hiện tại và đoán trước tương lai. Qua lịch sử, chúng ta rút ra nhiều bài học quí báu đồng thời nhìn thấy sự tể trị của Đức Chúa Trời trên dòng lịch sử nhân loại, từ đó càng thêm kính sợ Chúa, yêu mến Ngài càng hơn để có bước đi đúng đắn, đẹp lòng và vinh hiển Danh Chúa. Nguyện Chúa ban ơn lành cho tất cả chúng ta. Amen.

(Theodore)