Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Tiếng Lạ, Tiếng Mới, Tiếng Khác, Tiếng Ngoại Quốc trong Tân Ước - Hiểu thế nào cho đúng?


 I – DẪN NHẬP

Đã nhiều năm nay trong cộng đồng Cơ Đốc tại Việt Nam chúng ta chỉ dùng Kinh Thánh là các bản Việt Ngữ, trong đó chủ yếu là bản dịch từ năm 1926; còn lại các bản dịch tiếng Việt khác đều ra đời sau những năm 90 của thế kỷ XX đến nay. Những bản dịch sau này tuy đã có rất nhiều tiến bộ so với bản dịch năm 1926, nhưng vẫn còn rất nhiều điều đáng phải bàn về tính chính xác của ngôn ngữ. Đặc biệt là việc chuyển ngữ từ ngôn ngữ gốc (tiếng Hê-bơ-rơ, Hy-lạp) sang tiếng Việt. Trong quá trình chuyển ngữ này nếu không chú ý đến những khía cạnh mang tính đặc thù trong ngôn ngữ của người Việt thì sẽ có những nhầm lẫn hoặc thiếu sự chính xác, từ đó gây ra sự hiểu lầm rất đáng tiếc. Cụ thể những khía cạnh đó là:

  • Thứ nhất, do Việt Nam bị một số đế quốc thống trị trong rất nhiều năm nên ngôn ngữ bản địa đã chịu ảnh rất hưởng lớn, thậm chí phải vay mượn ngôn ngữ của những đế quốc thống trị này, chẳng hạn tiếng Hán, tiếng Pháp và hiện nay là tiếng Anh.
  • Thứ hai, ngữ pháp tiếng Việt trên thực tế vẫn chưa thật chuẩn hóa, do vậy trong kết cấu cú pháp vẫn chưa thật chặt chẽ.
  • Thứ ba, trong quá trình phát triển xã hội, quá trình mở mang bờ cõi từ hàng ngàn năm nay, chỉ riêng ngôn ngữ của dân tộc Việt (người Kinh) cũng đã có sự biến đổi rất nhiều; ví dụ: người Việt ở vùng đồng bằng Bắc bộ (miền Bắc) có lối sử dụng ngôn ngữ khác người Việt ở miền Trung; người Việt ở Nam bộ lại có lối sử dụng ngôn ngữ khác với người Việt ở miền Trung và miền Bắc, nghĩa là từng vùng lại hình thành những ngôn ngữ đặc thù (phương ngữ).
Chính từ những điều trên dẫn đến hệ quả là: Ngôn ngữ của người Việt nói chung; về mặt ngữ pháp có thể chưa thật chuẩn hóa, nhưng lối sử dụng ngôn ngữ lại hết sức đa dạng, uyển chuyển, phong phú và tinh tế. Bởi vậy, trong quá trình chuyển ngữ Kinh Thánh (từ nguyên bản Hê-bơ-rơ & Hy-lạp, hay các bản dịch từ các ngôn ngữ khác) sang tiếng Việt, nếu không chú ý đến các yếu tố trên thì việc gây ra hiểu lầm, thậm chí xảy ra tranh cãi là không thể tránh khỏi.
Một trong những vấn đề gây tranh cãi cho đến nay vẫn chưa có hồi kết, ấy là khái niệm tiếng lạ, tiếng mới, tiếng khác, tiếng ngoại quốc được sử dụng trong Kinh Tân Ước, kể từ sau khi Đức Thánh Linh giáng lâm được mô tả trong Công vụ 2, và sau này còn nhắc nhiều lần trong các sách khác nữa. Nhiều người cho rằng ân tứ nói tiếng lạ chính là nói tiếng ngoại quốc, tức là một thứ ngôn ngữ nào đó (mà Đức Chúa Trời đã ban cho các dân tộc trên đất) chứ không phải những thứ âm thanh lắp ba lắp bắp, lặp đi lặp lại một hoặc vài ba âm thanh vô nghĩa; tuy nhiên đại đa số những người theo trường phái thần học Ngũ Tuần lại cho rằng tiếng lạ là thứ tiếng đến từ Thánh Linh của Chúa, không ai hiểu được, và nói tiếng lạ là dấu hiệu của một người được báp-tem thánh linh. Bản thân chúng tôi khi được tham dự một số buổi học hay dự những buổi bồi linh đã rất nhiều lần được các anh chị em Ngũ Tuần hỏi rằng: anh đã được Báp-tem Thánh Linh chưa?
Chính những “lối tư duy” kiểu này đã gây ra sự hiểu lầm, thậm chí gây mâu thuẫn gay gắt từ nhiều năm nay trong công đồng Cơ Đốc tại Việt Nam. Cụ thể là: Một số người thì cho rằng những người nói những thứ tiếng lắp ba, lắp bắp, lặp đi lặp lại chỉ một hay vài ba âm thanh vô nghĩa là: tà giáo, là nói dối Thánh Linh. Trái lại những người nói được thứ tiếng lắp bắp, lặp đi lặp lại (tiếng lạ) thì bảo những người không nói được tiếng lạ là chưa được Báp-tem Thánh Linh...
Từ chỗ quan niệm rằng: Một người không nói được tiếng lạ thì cũng có nghĩa là chưa được Báp-tem Thánh Linh, lại nảy sinh sự suy diễn rất đáng tiếc như: Nếu chưa được “Báp-tem Thánh Linh” thì không thể có sự biến đổi; không có sự biến đổi thì cũng không thể được tái sinh; không có sự tái sinh thì cũng không thể có sự “nên thánh”; không có sự nên thánh thì cũng không thể ... vv và vv ... những lối suy diễn này lan rộng đến mức đã có lúc trở thành trào lưu, nhưng thật may là nó chỉ dừng lại ở mức độ nội bộ giáo phái chứ chưa đến mức hình thành hẳn một hệ thống tín lý mang tính phố quát; nhưng dù sao nó cũng gây ra sự phản cảm, sự chia rẽ không đáng có trong cộng đồng Cơ Đốc tại Việt Nam.
Vậy thực chất vấn đề này như thế nào? Trong phạm vi bài viết ngắn này chúng tôi không hy vọng giải tỏa được một số khúc mắc từ trước đến nay mà chỉ muốn các con cái Chúa hiểu thực chất của tiếng lạ, tiếng mới, tiếng khác hay tiếng ngoại quốc là gì? Đây là một vấn đề hết sức khó khăn. Bởi cớ, khó khăn về mặt tra cứu, về giải kinh không thể lớn bằng những khó khăn, vướng mắc xuất từ sự bảo thủ và định kiến của con người.
Nhiều khi vì tin và làm theo điều không chính xác đã quá lâu, thậm chí đã trở thành truyền thống; số người tin vào điều bất hợp lý quá đông; bên cạnh đó lại có thể xuất hiện nhiều trường hợp khác như: không có ai chịu tra cứu Kinh Thánh một cách chu đáo để đưa ra kết luận thỏa đáng; hoặc có thể có rất nhiều người hiểu biết đã nhìn ra được điều bất hợp lý nhưng vì lý do tế nhị nào đó mà không dám mạnh dạn nêu ra cách công khai. Vì vậy, trên thực tế rất khó để thừa nhận một số lẽ thật (kể cả là lẽ thật đến từ Kinh Thánh). Cũng từ đó mới nảy sinh một số vấn nạn đã tồn tại từ nhiều năm nay mà vẫn chưa được giải quyết.
Mặc dầu vậy, người viết vẫn mạnh dạn trình bày những gì mà Đức Thánh Linh đã dạy dỗ, chỉ dẫn và tỉa sửa để cùng các anh chị em trao đổi và học hỏi. Tất cả mọi ý tưởng của con người đều không có giá trị gì nếu không được sự soi sáng của Đức Thánh Linh. Vì thế, chúng ta chỉ có thể trao đổi với nhau cách ngay thẳng và nghiêm túc, từ đó mới hy vọng có thể tìm được sự nhất trí dựa trên nền tảng là những lẽ thật đến từ Lời Đức Chúa Trời được chứa đựng trong Kinh Thánh (The Bible contain the Word of God).
Để tiện theo dõi, chúng tôi xin thống kê những câu trong bản dịch năm 1926 (thường gọi là Bản dịch cũ – BDC) có sử dụng những cụm từ: tiếng lạ, tiếng khác, tiếng ngoại quốc, tiếng mới; kèm theo mỗi câu này chúng tôi xin trích dẫn những câu Kinh Thánh của bản tiếng Anh (bản NIV) và những câu trong nguyên văn của bản tiếng Hy-lạp (bản BGT) tương ứng để tham khảo và so sánh.

II – THỐNG KÊ NHỮNG CÂU TRONG TÂN ƯỚC CỦA BẢN TIẾNG VIỆT NĂM 1926 CÓ SỬ DỤNG CÁC TỪ TRÊN

1. Tiếng lạ:
Về từ tiếng lạ thì trong bản dịch 1926 được dùng tương đối nhiều (nhất là phần nói về các ân tứ trong các thư tín của Phao-lô); người ta thống kê tiếng lạ được bản dịch năm 1926 dùng tới 15 lần , cụ thể là:
  1. I Cor. 12:29-30
    BDC: "Cả thảy đều được ơn chữa bịnh sao? Cả thảy đều nói Tiếng Lạ sao? Cả thảy đều thông giải Tiếng Lạ sao?" 
    NIV: "Are all apostles? Are all prophets? Are all teachers? Do all work miracles? Do all have gifts of healing? Do all speak in tongues? Do all interpret?". 
    BGT: "μὴ πάντες ἀπόστολοι; μὴ πάντες προφῆται; μὴ πάντες διδάσκαλοι; μὴ πάντες δυνάμεις;30μὴ πάντες χαρίσματα ἔχουσιν ἰαμάτων; μὴ πάντες γλώσσαις λαλοῦσιν; μὴ πάντες διερμηνεύουσιν."

  2. I Côr 13:8
    BDC: "Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ. Các lời tiên tri sẽ hết, sự ban cho nói Tiếng Lạ sẽ thôi, sự thông biết hầu bị bỏ." 
    NIV: "Love never fails. But where there are prophecies, they will cease; where there are tongues, they will be stilled; where there is knowledge, it will pass away." 
    BGT: "Ἡ ἀγάπη οὐδέποτε πίπτει. εἴτε δὲ προφητεῖαι, καταργηθήσονται· εἴτε γλῶσσαι, παύσονται· εἴτε γνῶσις, καταργηθήσεται."

  3. I Côr 14:2
    BDC: "Vì người nào nói Tiếng Lạ, thì không phải nói với người ta, bèn là với Đức Chúa Trời, bởi chẳng có ai hiểu (ấy là trong tâm thần mà người kia nói lời mầu nhiệm)." 
    NIV: "For anyone who speaks in a tongue does not speak to men but to God. Indeed, no one understands him; he utters mysteries with his spirit." 
    BGT: "ὁ δὲ προφητεύων ἀνθρώποις λαλεῖ οἰκοδομὴν καὶ παράκλησιν καὶ παραμυθίαν."

  4. I Côr 14:4
    BDC: "Kẻ nói Tiếng Lạ, tự gây dựng lấy mình; song kẻ nói tiên tri, gây dựng cho Hội Thánh." 
    NIV: "He who speaks in a tongue edifies himself, but he who prophesies edifies the church." 
    BGT: "ὁ λαλῶν γλώσσῃ ἑαυτὸν οἰκοδομεῖ ὁ δὲ προφητεύων ἐκκλησίαν οἰκοδομεῖ."

  5. I Côr 14:5
    BDC: "Tôi ước ao anh em đều nói Tiếng Lạ cả, song tôi còn ước ao hơn nữa là anh em nói tiên tri. Người nói tiên tri là trọng hơn kẻ nói Tiếng Lạ mà không giải nghĩa để cho Hội Thánh được gây dựng." 
    NIV: "I would like every one of you to speak in tongues, but I would rather have you prophesy. He who prophesies is greater than one who speaks in tongues, unless he interprets, so that the church may be edified." 
    BGT: θέλω δὲ πάντας ὑμᾶς λαλεῖν γλώσσαις, μᾶλλον δὲ ἵνα προφητεύητε μείζων δὲ ὁ προφητεύων ἢ ὁ λαλῶν γλώσσαις, ἐκτὸς εἰ μὴ διερμηνεύῃ, ἵνα ἡ ἐκκλησία οἰκοδομὴν λάβῃ.

  6. I Côr 14:6
    BDC: "Hỡi anh em, ví bằng tôi đến cùng anh em, nói các thứ Tiếng Lạ, mà lời nói tôi chẳng tỏ sự kín nhiệm, chẳng có sự thông biết, chẳng có lời tiên tri, chẳng có sự khuyên dạy, thì ích gì đến anh em?" 
    NIV: "Now, brothers, if I come to you and speak in tongues, what good will I be to you, unless I bring you some revelation or knowledge or prophecy or word of instruction?" 
    BGT: "Νῦν δέ, ἀδελφοί, ἐὰν ἔλθω πρὸς ὑμᾶς γλώσσαις λαλῶν, τί ὑμᾶς ὠφελήσω, ἐὰν μὴ ὑμῖν λαλήσω ἢ ἐν ἀποκαλύψει ἢ ἐν γνώσει ἢ ἐν προφητείᾳ ἢ ἐν διδαχῇ;"

  7. I Côr 14:13
    BDC: "Bởi đó, kẻ nói Tiếng Lạ, hãy cầu nguyện để được thông giải tiếng ấy". 
    NIV: "For this reason anyone who speaks in a tongue should pray that he may interpret what he says." 
    BGT: "Διὸ ὁ λαλῶν γλώσσῃ προσευχέσθω ἵνα διερμηνεύῃ."

  8. I Côr 14:14
    BDC: "Vì nếu tôi cầu nguyện bằng Tiếng Lạ, thì tâm thần tôi cầu nguyện, nhưng trí khôn tôi lơ lửng." 
    NIV: "For if I pray in a tongue, my spirit prays, but my mind is unfruitful." 
    BGT: "ἐὰν γὰρ προσεύχωμαι γλώσσῃ, τὸ πνεῦμά μου προσεύχεται, ὁ δὲ νοῦς μου ἄκαρπός ἐστιν."

  9. I Côr 14:18
    BDC: "Tôi tạ ơn Đức Chúa Trời, vì đã được ơn nói Tiếng Lạ nhiều hơn hết thảy anh em." 
    NIV: "I thank God that I speak in tongues more than all of you." 
    BGT: "εὐχαριστῶ τῷ θεῷ, πάντων ὑμῶν μᾶλλον γλώσσαις ⸀λαλῶ"
  10. I Côr 14:19
    BDC: "nhưng thà tôi lấy năm lời bằng trí khôn mình mà rao giảng trong Hội Thánh, để được dạy bảo kẻ khác, hơn là lấy một vạn lời bằng Tiếng Lạ." 
    NIV: "But in the church I would rather speak five intelligible words to instruct others than ten thousand words in a tongue." 
    BGT: "ἀλλὰ ἐν ἐκκλησίᾳ θέλω πέντε λόγους τῷ νοΐ μου λαλῆσαι, ἵνα καὶ ἄλλους κατηχήσω, ἢ μυρίους λόγους ἐν γλώσσῃ."

  11. I Côr 14:23
    BDC: "Vậy, khi cả Hội Thánh nhóm lại một nơi, nếu ai nấy đều nói Tiếng Lạ, mà có kẻ tầm thường hoặc người chẳng tin vào nghe, họ há chẳng nói anh em là điên cuồng sao?" 
    NIV: "So if the whole church comes together and everyone speaks in tongues, and some who do not understand or some unbelievers come in, will they not say that you are out of your mind?" 
    BGT: "ἐὰν οὖν συνέλθῃ ἡ ἐκκλησία ὅλη ἐπὶ τὸ αὐτὸ καὶ πάντες λαλῶσιν γλώσσαις⸃, εἰσέλθωσιν δὲ ἰδιῶται ἢ ἄπιστοι, οὐκ ἐροῦσιν ὅτι μαίνεσθε;"

  12. I Côr 14:26
    BDC: "Hỡi anh em, nên nói thể nào? Khi anh em nhóm lại với nhau, trong anh em, ai có bài ca, hoặc bài giảng dạy, hoặc lời tỏ sự kín nhiệm, hoặc nói Tiếng Lạ, hoặc giải Tiếng Lạ chăng? Hãy làm hết thảy cho được gây dựng" 
    NIV: "What then shall we say, brothers? When you come together, everyone has a hymn, or a word of instruction, a revelation, a tongue or an interpretation. All of these must be done for the strengthening of the church." 
    BGT: "Τί οὖν ἐστιν, ἀδελφοί; ὅταν συνέρχησθε, ⸀ἕκαστος ψαλμὸν ἔχει, διδαχὴν ἔχει, ⸂ἀποκάλυψιν ἔχει, γλῶσσαν⸃ ἔχει, ἑρμηνείαν ἔχει· πάντα πρὸς οἰκοδομὴν γινέσθω."

  13. I Côr 14:27
    BDC: "Ví bằng có người nói Tiếng Lạ, chỉ nên hai hoặc ba người là cùng; mỗi người phải nói theo lượt mình, và phải có một người thông giải" 
    NIV: "If anyone speaks in a tongue, two-- or at the most three-- should speak, one at a time, and someone must interpret" 
    BGT: "εἴτε γλώσσῃ τις λαλεῖ, κατὰ δύο ἢ τὸ πλεῖστον τρεῖς, καὶ ἀνὰ μέρος, καὶ εἷς διερμηνευέτω·"

  14. I Côr 14:39
    BDC: "Ấy vậy, hỡi anh em, hãy trông mong ơn nói tiên tri, và đừng ngăn trở chi về điều nói Tiếng Lạ" 
    NIV: "Therefore, my brothers, be eager to prophesy, and do not forbid speaking in tongues" 
    BGT: "ὥστε, ἀδελφοί ⸀μου, ζηλοῦτε τὸ προφητεύειν, καὶ τὸ λαλεῖν ⸂μὴ κωλύετε γλώσσαις "

  15. I Côr 14:21
    BDC: 15) Trong pháp luật có chép rằng: Chúa phán: Ta sẽ nhờ những người nói Tiếng lạ, và môi miệng người ngoại quốc mà phán cho dân nầy; dầu vậy, học cũng chẳng nghe Ta." 
    NIV: In the Law it is written: "Through men of strange tongues and through the lips of foreigners I will speak to this people, but even then they will not listen to me," says the Lord." 
    BGT: "ἐν τῷ νόμῳ γέγραπται ὅτι Ἐν ἑτερογλώσσοις καὶ ἐν χείλεσιν ἑτέρων λαλήσω τῷ λαῷ τούτῳ, καὶ οὐδ’ οὕτως εἰσακούσονταί μου, λέγει κύριος."

2. Tiếng Khác:
Được sử dụng hai lần trong bản dịch năm 1926. Cụ thể:
  1. Công vụ 2:4
    BDC: Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, khởi sụ nói các thứ tiếng khác, theo như Đức Thánh Linh cho mình nói" 
    NIV: "All of them were filled with the Holy Spirit and began to speak in other tongues as the Spirit enabled them." 
    BGT: "καὶ ἐπλήσθησαν πάντες πνεύματος ἁγίου, καὶ ἤρξαντο λαλεῖν ἑτέραις γλώσσαις καθὼς τὸ πνεῦμα ἐδίδου ἀποφθέγγεσθαι αὐτοῖς"

  2. I Côr 12: 10
    BDC: "Người thì được làm phép lạ; kẻ thì được nói tiên tri; người thì được phân biệt các thần; kẻ thì được nói nhiều thứ tiếng khác nhau, người thì được thông giải các thứ tiếng ấy" 
    NIV: "to another miraculous powers, to another prophecy, to another distinguishing between spirits, to another speaking in different kinds of tongues, and to still another the interpretation of tongues." 
    BGT: "ἄλλῳ ἐνεργήματα δυνάμεων, ⸁ἄλλῳ προφητεία, ⸀1ἄλλῳ διακρίσεις πνευμάτων, ἑτέρῳ γένη γλωσσῶν, ἄλλῳ ἑρμηνεία γλωσσῶν"

3. Tiếng ngoại quốc:
  1. Công vụ 10:46
    BDC: "Vì các tín đồ đó nghe họ nói tiếng ngoại quốc và khen ngợi Đức Chúa Trời " 
    NIV: "For they heard them speaking in tongues and praising God. Then Peter said." 
    BGT: "ἤκουον γὰρ αὐτῶν λαλούντων γλώσσαις καὶ μεγαλυνόντων τὸν θεόν. τότε ἀπεκρίθη Πέτρος"
  2. Công vụ 19:6
    BDC: "Sau khi Phao-lô đã đặt tay lên, thì có Đức Thánh Linh giáng trên chúng, cho nói tiếng ngoại quốc và lời tiên tri" 
    NIV: "When Paul placed his hands on them, the Holy Spirit came on them, and they spoke in tongues and prophesied " 
    BGT: "καὶ ἐπιθέντος αὐτοῖς τοῦ ⸀Παύλου χεῖρας ἦλθε τὸ πνεῦμα τὸ ἅγιον ἐπ’ αὐτούς, ἐλάλουν τε γλώσσαις καὶ ἐπροφήτευον"

4. Tiếng mới:
Được sử dụng một lần. Cụ thể:
  1. Mác 16:17
    BDC: "Vậy những kẻ tin sẽ được các dấu lạ này: Lấy danh Ta mà trừ quỉ; dùng tiếng mới mà nói" 
    NIV: "And these signs will accompany those who believe: In my name they will drive out demons; they will speak in new tongues" 
    BGT: σημεῖα δὲ τοῖς πιστεύσασιν ταῦτα παρακολουθήσει, ἐν τῷ ὀνόματί μου δαιμόνια ἐκβαλοῦσιν, γλώσσαις λαλήσουσιν καιναῖς,"



Như trích dẫn trên thì cụm từ Tiếng Lạ hình như chiếm phần “áp đảo”, còn các từ hoặc cụm từ Tiếng Khác, Tiếng Ngoại Quốc, Tiếng mới chỉ được sử dụng rất ít. Tuy nhiên một điều chúng ta phải lưu ý rằng: các bản dịch Kinh Thánh bằng tiếng Việt hiện tại hầu hết đều dịch lại từ các bản dịch của các ngôn ngữ khác, trong đó chủ yếu là các bản dịch từ tiếng Anh, tiếng Pháp (riêng bản dịch năm 2002 thì dịch từ tiếng Hê-bơ-rơ và Hy-lạp). Bởi thế, nếu muốn xem cách dịch nào là chính xác thì chúng ta buộc phải đối chiếu những từ ngữ trên với từ ngữ gốc Hy-lạp (BGT), đồng thời đối chiếu cả với từ ngữ trong bản tiếng Anh (NIV). Từ những đối chiếu này mới hy vọng tìm được những cách dùng hợp lý và ít gây ra sự không thống nhất.

III – ĐỐI CHIẾU VỀ TỪ NGỮ.

Từ các câu Kinh Thánh trong BDC đã trích dẫn ở phần II, đối chiếu với các câu trong bản NIV và các câu trong tiếng Hy-lạp (bản BGT) dễ dàng nhận thấy:
Các từ Tiếng Lạ, Tiếng Mới, Tiếng Khác, Tiếng Ngoại Quốc trong các câu Kinh Thánh đã được liệt kê ở trên trong bản NIV thì đều dùng chữ Tongue hay Tongues , đây là một danh từ, nó có nghĩa là: cái lưỡi, tiếng, ngôn ngữ. Các từ tương ứng này trong bản tiếng Hy-lạp thì dùng γλωσσαις, (phiên âm là glōssa ) nó có các nghĩa sau: Một là, cái lưỡi, một chi thể của thân thể, một cơ quan của sự nói. Hai là, một ngôn ngữ: ngôn ngữ hay thổ ngữ được dùng bởi một sắc dân khác với (ngôn ngữ hay thổ ngữ) của các quốc gia khác . Từ sự đối chiếu này cho thấy từ glōssa của tiếng Hy-lạp được bản dịch tiếng Anh (NIV) dịch là Tongues (hay Tongue) là tương đương nhau; khi dịch ra tiếng Việt đều có nghĩa là Những ngôn ngữ (số nhiều), hay ngôn ngữ (số ít). Trong tiếng Hy-lạp khi danh từ: γλωσσαις, (glōssa) đi kèm với động từ: λαλέω (laleō ) có nghĩa là nói , thì đều có nghĩa là: Nói tiếng ngoại quốc, hay nói một cách rộng ra là: nói các thứ ngôn ngữ của loài người .
Vậy, từ sự đối chiếu trên thì từ γλωσσαις, (glōssa) trong tiếng Hy-lạp, được bản tiếng Anh (NIV) dịch là tongues (số nhiều) hay tongue (số ít); thì đều có nghĩa là những ngôn ngữ (số nhiều) hoặc ngôn ngữ (số ít). Từ đó khi dịch những từ trên ra tiếng Việt các dịch giả chỉ có thể dịch là tiếng ngoại quốc hoặc những ngôn ngữ thì mới có thể chấp nhận được. Đây là lý do đầu tiên giúp chúng ta có thể khẳng định các dịch giả của bản năm 1926 dịch glōssa (trong tiếng Hy-lạp) hay tongues (trong tiếng Anh) ra tiếng Việt thành tiếng lạ là không chính xác.
Lý do thứ hai cho thấy từ tiếng lạ trong bản Kinh Thánh tiếng Việt được sử dụng không hợp lý ở chỗ: Trong tất cả các câu Kinh Thánh đã trích dẫn trên trong bản Hy-lạp không hề có từ ξένος (phát âm là xenos) có nghĩa là "Lạ" đi kèm theo γλωσσαις, (glōssa) nghĩa là những ngôn ngữ. Cũng tương tự như vậy, khi đối chiếu các câu Kinh Thánh đã trích dẫn theo các “địa chỉ” trên trong bản tiếng Anh NIV thì hầu như không thấy tính từ "strange" (hay "curious") có nghĩa là "Lạ" đi kèm với danh từ tonges. Trừ một lần duy nhất chúng ta gặp trong bản NIV có dùng: "strange tongues" và bản tiếng Việt BDC đã dịch là "tiếng lạ" ở trong câu I Côr 14: 21.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây trong nguyên bản tiếng Hy-lạp vẫn dùng từ có gốc là γλωσσαις, (glōssa) tức là ngôn ngữ; điều đáng nói nữa là: dù cho có tính từ "strange" đi kèm, thì danh từ "tongues" vẫn luôn mang nghĩa là "ngôn ngữ".
Thế thì, trong trường hợp cụ thể của I Côr 14: 21 từ "tiếng lạ" trong bản tiếng Việt BDC phải hiểu thế nào? Nếu để ý chúng ta sẽ thấy, từ thời Cựu Ước Đức Chúa Trời đã dùng tiên tri Ê-sai cảnh báo những ra-bi của dân Do-thái khi dạy dỗ dân chúng bằng những “luật lệ truyền khẩu”, giải nghĩa Lời Chúa theo ý của con người, cố ý đi tìm những điều mà đôi khi ngay cả trong Kinh Thánh cũng không đề cập. Trong khi đó thì họ lại không tin vào lẽ thật đến từ Đức Chúa Trời thông qua các sứ giả của Ngài. Điều này được chép như sau:
“Vậy ngươi sẽ dạy khôn cho ai, và khiến ai hiểu sự dạy dỗ mình? Có phải là dạy cho những trẻ con thôi bú, mới lìa khỏi vú chăng? Vì, với họ phải giềng mối thêm giềng mối, giềng mối thêm giềng mối; hàng thêm hàng, hàng thêm hàng; một chút chỗ này, một chút chỗ kia! 11Vậy nên Đức Giê-hô-va sẽ dùng môi lạ lưỡi khác mà phán cùng dân nầy. 12 Ngài đã phán cùng nó rằng: Đây là nơi yên nghỉ; hãy để kẻ mệt nhọc được yên nghỉ. Nầy là lúc mát mẻ cho các ngươi. Thế mà họ chẳng chịu nghe. Lời Đức Giê-hô-va đối với họ sẽ là giềng mối thêm giềng mối, giềng mối thêm giềng mối; hàng thêm hàng, hàng thêm hàng; một chút chỗ nầy, một chút chỗ kia; hầu cho họ bước tới, thì ngã nhào và giập nát, sập bẫy, và bị bắt! 

Vậy nên, hỡi các ngươi là những người ngạo mạn, cai trị dân nầy ở Giê-ru-sa-lem, hãy nghe lời của Đức Giê-hô-va” (Ê-sai 28: 8-14; BDC).

Khi Phao-lô nhắc lại tinh thần của Ê-sai 28: 11-12 trong I Côr 14: 21, thì nhà giải kinh lừng danh Wiliam Barclay đã “luận” rằng:
“Vì Cớ họ không vâng lời Chúa, người A-sy-ri tràn đến, chinh phục, chiếm các thành phố của họ và lúc đó họ phải nghe thứ ngôn ngữ mà họ không hiểu. Họ phải nghe thứ tiếng ngoại quốc của kẻ chinh phục họ, nói về những điều họ không thể hiểu được, thế nhưng, ngay đến một kinh nghiệm khủng khiếp như vậy cũng không khiến được dân tộc vô tín (dân Do-thái) quay về với Đức Chúa Trời. Cho nên Phao-lô lý luận, các thứ tiếng lạ cuối cùng cũng chẳng được kết quả gì với một dân cứng lòng và vô tín.”
Cũng “luận” về việc sứ đồ Phao-lô nhắc lại Ê-sai 28: 11-12 trong I Côr 14: 21, một nhà giải kinh khác lý giải rằng: “... nói tiếng lạ có ý nghĩa cho người Do-thái chưa tin nói riêng: Chúng là dấu hiệu phán xét của Đức Chúa Trời. Phao-lô trích dẫn Ê-sai 28: 11-12, ám chỉ quân đội A-sy-ri nói tiếng “man rợ” dân Do-thái không hiểu. Sự hiện diện của “tiếng lạ” này là bằng chứng đoán phạt của Đức Chúa Trời trên dân chúng. Đức Chúa Trời thích nói với dân Ngài bằng ngôn ngữ rõ ràng họ có thể hiểu được, nhưng họ cứ phạm tội, nên điều này không thể thực hiện được. Ngài đã phán với họ qua các sứ giả dùng tiếng nói của họ, và dân chúng không chịu ăn năn. Bây giờ Ngài phán với họ bằng tiếng nước ngoài, và đây là sự đoán phạt”. Nghĩa là ngay cả trong trường hợp cụ thể của I Côr 14: 21, thì tiếng lạ ở đây cũng vẫn được hiểu là tiếng ngoại quốc hay tiếng nước ngoài, tức là tiếng của một dân tộc ngoài Do-thái, chứ hoàn toàn không phải những âm thanh lặp đi lặp lại một cách vô nghĩa mà từ lâu nay một số người gọi là tiếng lạ.
Lý do cuối cùng để thấy dùng tiếng lạ thay thế những ngôn ngữ, hay tiếng ngoại quốc là không chính xác nằm ở chỗ: Nếu căn cứ vào định nghĩa của từ ngôn ngữ trong tiếng Việt thì: Ngôn ngữ là một danh từ, chỉ hệ thống những âm, những từ và những qui tắc kết hợp chúng mà những người trong cùng một cộng đồng dùng làm phương tiện để giao tiếp với nhau. Tức là những âm thanh, từ ngữ kết hợp với nhau theo những qui tắc nhất định theo tiêu chí của một cộng đồng nào đó và họ dùng nó để làm “phương tiện” truyền thông với nhau, mỗi một cộng đồng, mỗi một dân tộc đều có những “phương tiện” riêng để giao tiếp với nhau riêng biệt, đó chính là thứ ngôn ngữ của cộng đồng (hay dân tộc) đó. Thế thì khi nói đến ngôn ngữ hay những ngôn ngữ thì phải hiểu đó là những thứ tiếng hay ngôn ngữ đã sẵn có của một cộng đồng hay của một dân tộc nào đó đang hiện diện trên đất này, chứ không phải là là một thứ tiếng lạ hoàn toàn chẳng phải của bất kỳ một giống người nào.
Trong Tân Ước (tiếng Hy-lạp) cũng có một số lần dùng tính từ ξένος (xenos) = strange = Lạ. Nhưng chỉ để nói về "người lạ" hay "đạo lạ".
Ví dụ:
  1. Ma-thi-ơ 25:35
    BDC: "Vì Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn; Ta khát, các ngươi đã cho Ta uống; Ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước Ta." 
    NIV: "For I was hungry and you gave me something to eat, I was thirsty and you gave me something to drink, I was a stranger and you invited me in." 
    BGT: ἐπείνασα γὰρ καὶ ἐδώκατέ μοι φαγεῖν, ἐδίψησα καὶ ἐποτίσατέ με, ξένος ἤμην καὶ συνηγάγετέ με,

  2. Hê-bơ-rơ 13:9
    BDC: "Anh em chớ để cho mọi thứ đạo lạ dỗ dành mình; vì lòng nhờ ân điển được vững bền, ấy là tốt, chớ không phải nhờ đồ ăn, là sự chẳng ích chi cho kẻ làm như vậy." 
    NIV: "Do not be carried away by all kinds of strange teachings. It is good for our hearts to be strengthened by grace, not by ceremonial foods, which are of no value to those who eat them." 
    BGT: διδαχαῖς ποικίλαις καὶ ξέναις μὴ παραφέρεσθε· καλὸν γὰρ χάριτι βεβαιοῦσθαι τὴν καρδίαν, οὐ βρώμασιν, ἐν οἷς οὐκ ὠφελήθησαν οἱ περιπατοῦντες.


Nhưng trong Tân Ước không tìm thấy trường hợp nào tính từ ξένος (xenos) = strange = Lạ đi kèm với từ γλωσσαις, (glōssa) = tongues = Những ngôn ngữ, để có thể dịch thành tiếng lạ cả.
Vậy, đến đây có thể nói: việc bản Kinh Thánh tiếng Việt năm 1926 dùng tiếng lạ để dịch từ nguyên văn tiếng Hy-lạp γλωσσαις, (glōssa) trong Kinh Tân Ước, hay từ trong một số bản tiếng Anh (ví dụ: bản NIV và bản KJV) là tongues thì xét về mọi khía cạnh đều không có cơ sở, cũng có nghĩa là không chính xác và cần phải được thay đổi.
Rất đáng tiếc là điều không chính xác này vẫn chưa được các dịch giả khắc phục trong những bản dịch tiếng Việt mới nhất. Điển hình như bản Truyền Thống Hiệu Đính (TTHĐ) năm 2010 thì vẫn giữ nguyên từ tiếng lạ ở trong các câu Kinh Thánh như: I Côr 12: 10, 30; 13: 8; 14: 2, 4, 5, 6, 13, 18, 19, 22, 23, 27, 39. Riêng bản dịch Phổ Thông (BPT) năm 2011 tuy đã mạnh dạn dịch là ngôn ngữ (trong các câu Kinh Thánh có địa chỉ đã dẫn ở phần II); nhưng điều rất không nên làm là các dịch giả vẫn thêm vào chữ lạ ở phía sau; ví dụ: Tôi sẽ giải thích tại sao. Những người nói Ngôn ngữ lạ không phải nói với người ta mà là nói với Thượng Đế (I Côr 14: 2; BPT). hay: ... ân tứ nói tiên tri có lúc sẽ ngưng. Ân tứ nói Ngôn ngữ lạ có lúc sẽ không còn ... (I Côr 13: 8; BPT), trong khi trong nguyên văn tiếng Hy-lạp không hề có chữ Lạ. Chính việc cố tình “duy trì” điều “không đáng duy trì” này đã đưa lại không ít những phiền toái, những rắc rối, thậm chí hình thành một hàng rào vô hình không đáng có trong cộng đồng Cơ Đốc tại Việt Nam.
Nếu nói như vậy thì những cụm từ nào trong tiếng Việt có thể chấp nhận được khi dịch chữ γλωσσαις, (glōssa) = tongues? Theo quan điểm của chúng tôi có thể chấp nhận một số cụm từ sau: nói tiếng ngoại quốc (như đã dùng trong Công vụ 10: 46 và 19: 46); hoặc nói những ngôn ngữ khác; hoặc như các học giả ở hải ngoại đề nghị dịch là: nói ngoại ngữ ; hoặc thậm chí có thể dùng nguyên văn: nói các ngôn ngữ chứ không nên dùng kèm chữ Lạ ở phía sau như BPT đã dùng (năm 2011) dễ gây ra ấn tượng về từ “lạ” không cần thiết.
Qua sự đối chiếu đã trình bày như trên chúng tôi cho rằng: Như vậy, về vấn đề sử dụng từ tiếng lạ đã có thể được giải quyết. Tuy nhiên vẫn còn một trường hợp cần phải bàn, đó là từ tiếng mới trong sách Mác 16: 17, vì câu này dịch sát với nguyên văn, bằng cớ là trong bản NIV dùng: new = mới đi kèm với tounges = những ngôn ngữ trong khi bản tiếng Hy-lạp cũng dùng καινός, (kainos) = new = mới đi kèm với γλωσσαις, (glōssa) = tongues = Những ngôn ngữ.
Thế thì tiếng mới trong câu này phải hiểu như thế nào để tránh trường hợp tiếng mới này được coi như tiếng lạ mà từ lâu nay chúng ta vẫn “đánh dấu bằng” giữa hai từ này? Trước hết phải khẳng định ngay trong câu này thì tiếng ở đây cũng vẫn là γλωσσαις, (glōssa) = tongues = Những ngôn ngữ, chứ dứt khoát không phải là thứ âm thanh lạ không thuộc về ngôn ngữ của nhân loại.
Còn về mặt giải nghĩa có học giả cho rằng: “trong toàn bộ khúc Kinh Thánh này (Mác 16: 15-20) không yêu cầu chúng ta phải tin đúng theo nghĩa đen; nghĩa là mỗi Cơ Đốc nhân đều có quyền bắt rắn (độc), uống thuốc độc (thật) mà không tổn hại gì. Nhưng ẩn đằng sau phần ngôn ngữ gợi hình ở đây là niềm tin quyết rằng Cơ Đốc nhân vốn đã được đổ đầy quyền năng để đối phó với đời sống, một khả năng thích ứng với đời sống mà người khác không có và không thể nào có được”.
Thế thì tiếng mới này cũng không yêu cầu chúng ta phải hiểu theo nghĩa đen hay hiểu là tiếng lạ theo như “lối truyền thống”, mà phải hiểu mới ở đây là mới về “phương thức”, con người bề ngoài có thể vẫn là cũ, nhưng con người bề trong đã biến đổi theo những điều tốt đẹp hơn trước nhiều; tiếng nói về âm sắc thì vẫn là cũ, nhưng về “hình thức và nội dung” thì đã hoàn toàn mới.
Một con cái Chúa là người Việt ở hải ngoại đã rất đúng khi ông lý giải từ tiếng mới trong câu này như sau:“Tiếng mới này là tiếng của những người đã được dựng nên mới sử dụng: Tiếng của sự yêu thương! Chỉ có những ai đã được dựng nên mới thì mới biết và dùng thứ tiếng mới này. Khi một người đã được dựng nên mới thì "những sự cũ đã qua đi" trong đó có luôn thứ tiếng cũ của hận thù, cay đắng, châm chọc, mỉa mai, thô tục, kiêu ngạo ... 

..."nói tiếng mới" là một dấu hiệu đi theo những kẻ tin! Nghĩa là, bất kỳ ai thực lòng tin nhận Chúa, được tái sinh thì đều nói tiếng mới! Từ ngữ "tiếng mới" được dùng trong Mác 16:17 dưới hình thức số nhiều cho chúng ta biết người thuộc dân tộc nào, ngôn ngữ nào, khi được đổi mới sẽ dùng tiếng mới của chính dân tộc đó, ngôn ngữ đó. Nếu tôi là người Việt Nam được dựng nên mới trong Đấng Christ thì tôi sẽ nói một thứ tiếng Việt Nam mới, là thứ tiếng Việt Nam thể hiện sự thương xót, công bình và thánh khiết của Đức Chúa Trời. 

Người không thật lòng tin Chúa thì không có được các dấu hiệu "nói tiếng mới," "lấy Danh Chúa mà trừ quỷ ...” cho nên họ vẫn còn nói năng thô tục, giả ngộ tầm phào, bàn chuyện huyễn, và không ngại thốt ra những lời cay độc, kiêu căng, ngạo mạn... Những người như thế dễ dàng bị sập bẫy của Satan để khoác cho mình những thứ "ân tứ giả" ...”

Như thế tiếng mới ở trong Mác 16: 17 hoàn toàn không phải là tiếng lạ theo cách hiểu của “truyền thống Ngũ Tuần”, mà là ngôn ngữ của một con người đã được đổi mới về cả tâm linh lẫn tâm trí; như Kinh Thánh có chép rằng: Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới (II Côr 5: 17). Tiếng mới này là tiếng của “cựu tội nhân”, nay nhờ ân sủng của Chúa Cứu Thế Giê-su họ đã trở thành “con người mới”. Họ vẫn nói thứ tiếng mẹ đẻ của họ, nhưng những tiếng “xẳng xớn” của họ trước kia nay được thay bằng những tiếng mới mềm mại; những tiếng rủa sả, cay độc trước kia, nay được thế chỗ bởi những tiếng mới tràn đầy tình yêu thương và khiêm nhường; những tiếng xúc xiểm trước kia nay được đổi lại bằng tiếng mới gây dựng ... và chỉ những người như vậy mới thực sự nói tiếng mới theo “tinh thần” của Mác 16: 17.
IV – KẾT LUẬN
Như phần trên đã đối chiếu và phân tích thì các từ (hoặc cụm từ):Tiếng Lạ, Tiếng Mới, Tiếng Khác, Tiếng Ngoại Quốc được sử dụng trong Kinh Tân Ước (BDC) thực chất là những ngôn ngữ của các dân tộc hiện diện trên đất, chứ hoàn toàn không phải là những thứ tiếng lắp ba lắp bắp, lặp đi lặp lại một hay vài ba âm thanh vô nghĩa không thuộc ngôn ngữ của bất kỳ dân tộc nào. Bởi thế, khi đọc Kinh Thánh tiếng Việt nếu gặp từ tiếng lạ hay tiếng mới thì cũng nên hiểu rằng đó chỉ là ngôn ngữ của nhân loại, chứ không phải thứ âm thanh không thuộc ngôn ngữ của nhân loại.
Chúng tôi rất mong các dịch giả Kinh Thánh tiếp tục nghiên cứu và hiệu đính để trong tương lai gần sẽ có một cuốn Kinh Thánh dịch ra tiếng Việt tương đối hoàn chỉnh, nhằm loại trừ những sự không rõ ràng, không sát với nguyên bản để tránh những sự hiểu lầm, và dẫn đến những sự mâu thuẫn không đáng có đã và đang tồn tại trong cộng đồng Cơ Đốc tại Việt Nam.
Do trình độ còn nông cạn, không thể tránh khỏi những thiếu sót; chúng tôi rất mong các con cái Chúa đóng góp ý kiến, chỉ giáo cho một cách chân tình trong tình yêu thương của Chúa Cứu Thế Giê-su, để chúng tôi được mở rộng tầm mắt; đồng thời cũng là để cùng nhau tinh tiến trên lộ trình về Thiên Quốc. Nguyện xin Đức Chúa Trời Ba Ngôi xuống đủ các thứ phúc lành từ thiên thượng cho tất cả các con cái Chúa trên đất Việt.
Hà Nội. 14/3/2012.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Kinh Thánh Tiếng Việt: BDC, BDM, BTTHĐ, BPT, Bản dịch Công Giáo năm 2011.
  2. Kinh Thánh tiếng Anh: Bản KJV, bản NIV.
  3. Thần Học Căn Bản. Charles C. Ryrie. Moody Press, Chicago. Vietnamese, November 2004.
  4. Thần Học Cơ Đốc Giáo. Millard J. Erichson. NXB văn Hóa Thông Tin. 2007.
  5. Sách Giải Nghĩa Kinh Thánh. Ấn Bản Thế Kỷ 21. Thần Học Viện Tin Lành Việt Nam. NXB Tôn Giáo. 2004.
  6. Sách Giải Nghĩa Kinh Thánh. Wiliam Barclay. Văn Phẩm Nguồn Sống. 1993.
  7. Sách Giải Nghĩa Kinh Thánh. Warren W. Wiersbe. NXB Tôn Giáo. 2006.
  8. Các trang web: timhieutinlanh.net; tinlanhvietnam.org.
  9. Các phần mềm: Vietbible; BibleWorks 7.
Viết bởi MS Nguyễn Trọng Việt 
Chuyên mục: Thông Diễn Học