Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

THỰC TẠI CỦA DÒNG CHẢY THẦN THƯỢNG-5



LỜI GIỚI THIỆU
Chương 5
CHRIST – THỰC TẠI CỦA DÒNG CHẢY 
THẦN THƯỢNG

Trong nếp sống hội thánh, chúng ta cần sự hiểu biết đúng đắn về bản chất sự khôi phục của Chúa. Sự khôi phục của Chúa không phải là một thể chế. Do đó, không ai được thống trị chúng ta bằng cách tuyên bố chúng ta thuộc về “hội thánh khôi phục”. Theo Kinh Thánh, chỉ có các hội thánh địa phương là điều cùng anh em đại diện cho Thân Thể Christ. Thân Thể này được cấu thành bằng mọi tín đồ đã và đang sống kể từ khi hội thánh bắt đầu. Điều này vĩ đại, rộng lớn và vinh hiển biết bao! Chúng ta phải cảm tạ Chúa vì một thực tại lạ lùng như vậy. Trong giai đoạn khôi phục này của Ngài, chúng ta là những người có thể cầu nguyện: “Chúa ơi, hãy dấy chúng tôi lên và xây dựng chúng tôi với nhau trong hội thánh địa phương của chúng tôi. Chúng tôi làm một với Ngài và chúng tôi làm một với cuộc gia tể Ngài. Chúng tôi làm một với mọi hội thánh địa phương vì Thân Thể Christ”.



CHRIST LÀ NGUỒN, NỘI DUNG VÀ SỰ PHÂN PHÁT
CỦA DÒNG CHẢY THẦN THƯỢNG
Trong Sáng Thế Ký 2 và Ezekiel 47, chúng ta đã thấy hai bức tranh về dòng chảy thần thượng này. Bức tranh trong Sáng Thế Ký 2 khải thị các yếu tố của dòng chảy này, trong khi bức tranh trong Ezekiel mô tả sự vận hành của dòng chảy này. Chúng ta đã thấy sự tuôn chảy hay dòng chảy thần thượng này là một thân vị, vì vậy chúng ta đừng bao giờ lẫn lộn dòng chảy với một điều gì đó thuộc phong trào. Dòng chảy thần thượng này là Đức Chúa Trời Cha, Đức Chúa Trời Con và Đức Chúa Trời Linh - Đức Chúa Trời Tam Nhất đã diễn tiến – được kinh nghiệm như Christ. Thân vị kì diệu này vươn đến chúng ta như một dòng chảy. Isaiah nói tiên tri rằng Christ sẽ đến với chúng ta như “các dòng suối trong nơi khô hạn” (Isai 32: 2). Christ, hiện thân của Đức Chúa Trời Tam Nhất, là thực tại của dòng chảy thần thượng. Như mạch nước hằng sống (Jer 2: 13), Ngài là nguồn, nội dung và sản phẩm của dòng chảy thần thượng. Dòng chảy này có Christ như nguồn và nội dung, và dòng chảy này không sản sinh bất cứ điều gì khác hơn Christ.

NHƯ DÒNG SÔNG SỰ SỐNG, CHRIST TRỞ NÊN
SỰ VUI MỪNG CHO CON NGƯỜI
Trong sự vận hành của Ngài như dòng chảy thần thượng, Christ đem sự vui hưởng đến cho những ai tiếp nhận Ngài. Theo Sáng Thế ký 2: 10, con sông chảy ra từ Eden, nghĩa là “vui thích” hay “niềm vui thích”. Christ như con sông của chúng ta trở nên nguồn hay sự vui mừng cho chúng ta. Ngợi khen Ngài! Niềm ao ước của Ngài đã trở nên sự vui hưởng của chúng ta. Chúa cũng bảo chúng ta rằng hễ ai uống từ Ngài sẽ kinh nghiệm các sông nước hằng sống tuôn chảy ra từ phần tận cùng của bản thể người ấy (John 7: 37-38). Do đó, chúng ta thấy rằng Christ không chỉ là nguồn của dòng chảy này mà Ngài còn là chính dòng chảy vận hành bên trong mỗi tín đồ được tái sinh.

TRONG CÕI ĐỜI ĐỜI, DÒNG SÔNG CHẢY TỪ
NGAI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI CỨU CHUỘC
Trong Jerusalem Mới, dòng sông sự sống này tuôn chảy từ ngai của Đức Chúa Trời và Chiên Con (Khải 22: 1). Trong cõi đời đời, dòng chảy này sẽ ra từ sự cai trị (ngai) của Đức Chúa Trời cứu chuộc (Chiên Con).

TRONG CÔNG TÁC VÀ SỰ VẬN HÀNH CỦA NGÀI,
CHRIST TRỞ NÊN DÒNG CHẢY CHỦ QUAN
Trong công tác, sự vận hành và chức vụ của Ngài, Christ đến với chúng ta như dòng chảy thần thượng để công tác và vận hành bên trong chúng ta cách chủ quan. Hễ khi nào chạm đến dòng chảy này, chúng ta được soi sáng, làm vững mạnh và thỏa mãn bên trong. Tại sao vậy? Đó là vì Christ như dòng chảy sự sống vận hành bên trong chúng ta cách chủ quan. Trong chức vụ Tân Ước của Ngài, Christ phân phát chính Ngài như sự sống vào bên trong chúng ta. Việc phân phát sự sống này là chức vụ của Jesus Christ, và những ai dự phần vào dòng chảy phân phát của Christ đều trở nên một phần của chính Christ (I Cor 12: 12). Khi đó, chính họ dự phần vào việc đem đến dòng chảy này. Theo cách này, dòng chảy thần thượng thuộc chức vụ của Chúa được đem đến và phân phát ngày nay. Do đó, sứ đồ Peter, Paul và John, các giáo phụ hội thánh và mọi thánh đồ thuộc linh trải suốt lịch sử, bao gồm Watchman Nee, Witness Lee và thậm chí chúng ta, đều được bao gồm trong và liên hệ đến dòng chảy thuộc chức vụ Tân Ước của Đức Chúa Trời. Trải suốt các thời đại, một số anh em đã tác nhiệm như các đường dẫn chính cho dòng chảy của Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta phải cẩn thận trong sự hiểu biết của mình để không thu hẹp dòng chảy này đến mức chỉ tập trung vào một người. Chức vụ của Jesus Christ thì vĩ đại và bao hàm. Chúng ta cảm tạ Chúa về điều này.

KINH NGHIỆM VỀ DÒNG CHẢY THẦN THƯỢNG
ĐÒI HỎI LẬP TRƯỜNG ĐÚNG ĐẮN
Lập trường đúng đắn để kinh nghiệm Christ là dòng chảy thần thượng là lập trường hội thánh. Theo những gì được mô tả trong Ezekiel 47 và như anh Lee dạy dỗ chúng ta, dòng chảy đích thực chỉ có thể được kinh nghiệm trong một hội thánh địa phương được xây dựng đúng đắn. Hội thánh địa phương được xây dựng là nơi có thể tìm thấy dòng chảy thần thượng đang tuôn chảy.

LỜI THẦN THƯỢNG NHỤC HÓA ĐÃ ĐEM DÒNG CHẢY
THẦN THƯỢNG ĐẾN CHO NHÂN LOẠI
Chính như Lời thần thượng nhục hóa mà Christ đã đến để trở nên dòng chảy của sự sống thần thượng này cho nhân loại. John bảo chúng ta rằng ban đầu Đức Chúa Trời vinh hiển vận hành như Lời hằng sống (John 1: 1-14). Lời hằng sống này bước ra trong Jesus Christ, và với Lời hằng sống này có sự sống. Sự sống này cũng là sự sáng. Vì vậy, khi kinh nghiệm sự sống, chúng ta cũng kinh nghiệm sự sáng. Khi vui hưởng Christ như Lời với sự sống và sự sáng, chúng ta cũng kinh nghiệm việc nhận được ân điển và thực tại. Nói cách khác, sự tổng cộng của Christ, công tác của Ngài, sự hoàn thành của Ngài và sự vận hành của Ngài trở nên kinh nghiệm của chúng ta như ân điển và được chúng ta hiểu rõ như thực tại. Nếu liên tục vui hưởng ân điển và thực tại, thì chúng ta đang ở trong việc kinh nghiệm dòng chảy sự sống. Điều này có vẻ như là một vấn đề đơn giản, nhưng kinh nghiệm bình thường, hàng ngày về ân điển và thực tại là một điều vĩ đại và kỳ diệu.

ĐỂ Ở TRONG DÒNG CHẢY THẦN THƯỢNG,
CHÚNG TA CẦN LỜI
Theo John, Đức Chúa Trời vinh hiển đem chúng ta vào trong vinh hiển bằng phương tiện là Lời hằng sống. Đây là lý do tại sao chúng ta phải dành thời gian thời gian ở trong Lời Đức Chúa Trời, tức là Kinh Thánh. Quá nhiều người dành thời gian quan tâm đến tiền bạc hay những điều khác. Chúng ta cần dành thời gian ở trong lời, không phải như văn tự chết, nhưng như điều đem chúng ta vào trong dòng chảy sự sống.

Ở TRONG DÒNG CHẢY NGỤ Ý SỰ VUI HƯỞNG
ÂN ĐIỂN VÀ THỰC TẠI
Một khi anh em kinh nghiệm việc được làm cho sống động trong dòng chảy thần thượng, thì sự sống đó sẽ đem đến sự sáng. Anh em sẽ được soi sáng. Dòng chảy sự sống cũng sẽ đem anh em vào trong kinh nghiệm về việc làm đền tạm với Chúa. Trong nơi cư trú hỗ tương này, anh em kinh nghiệm ân điển và thực tại. Trong gần 50 năm của cuộc đời mình với Chúa, tôi đã ngày càng kinh nghiệm điều này. Nhiều buổi sáng tôi thức dậy rất mệt mỏi. Vào những ngày như vậy, tôi vẫn có thể kinh nghiệm ân điển của Ngài. Điêu đó rất dịu ngọt. Kinh nghiệm ân điển là một điều gì đó rất dịu ngọt và yên nghỉ. Anh em không thể nói hết thành lời nhưng điều đó làm thỏa mãn. Anh em không hẳn cảm thấy cần tuyên bố điều đó với vũ trụ, nhưng ân điển ở đó, chống đỡ, cung ứng và làm thỏa mãn anh em.

Không một phong trào nào, dù lớn đến đâu, có thể thay thế dòng chảy sống động với ân điển và thực tại của dòng chảy trong việc hoàn thành chủ đích của Đức Chúa Trời. Vào cuối những năm 60 và đầu những năm 70, hàng ngàn người trẻ đã đến với Chúa trong cái gọi là phong trào Jesus. Vào lúc đó, tại một số trường đại học, có thể tìm thấy nhiều tín đồ. Chúng ta cảm tạ Chúa vì rất nhiều người đã đến với Ngài qua phong trào đó, nhưng vào lúc đó không có sự dạy dỗ lời vững chắc và có rất ít kinh nghiệm về sự sống với ánh sáng giữa vòng họ. Hầu như không có kinh nghiệm về việc Chúa làm đền tạm, và thiếu hụt sự vui hưởng ân điển với thực tại. Do đó, một phong trào lan rộng như vậy đã không thể sản sinh điều Đức Chúa Trời theo đuổi. Nếu muốn hoàn thành niềm ao ước của Đức Chúa Trời ngày nay, chúng ta phải biết thực tại của dòng chảy thần thượng.

TRONG DÒNG CHẢY THẦN THƯỢNG, CHÚNG TA KINH NGHIỆM
ÂN ĐIỂN VÀ THỰC TẠI, VÀ CHÚNG TA CƯ TRÚ VỚI CHRIST
ĐỂ DẪN ĐẾN VINH HIỂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Giả sử hai anh em có một sự tranh cãi. Họ biết rằng họ phải thương yêu nhau. Các trưởng lão thậm chí bảo họ bắt tay làm hòa, nhưng trong việc bắt tay, có thể không có ân điển. Tuy nhiên, khi chúng ta kinh nghiệm dòng chảy này, thì có ân điển. Giữa dòng các thánh đồ trong một địa phương có thể có nhiều sự khác biệt trong cách sống và sự thực hành, nhưng nếu hội thánh đó đầy dẫy ân điển thì hội thánh đó sẽ tràn ngập sự dịu ngọt khôn tả. Cho dù người này thực hành điều này và người kia thực hành điều kia, mọi người sẽ vẫn thương yêu nhau. Một nếp sống hội thánh như vậy thật sự bao hàm. Bất cứ loại tín đồ nào, dù trẻ hay già, có học vấn cao hay thấp, mới hay không mới, bất kể bối cảnh và cách kinh nghiệm Chúa của người ấy cũng đều được nuôi dưỡng và ấp ủ trong một nếp sống hội thánh như vậy. Tại một nơi như vậy, mỗi thánh đồ đều có thể được dưỡng dục để trở nên một chi thể hữu dụng, tác nhiệm trong Thân Thể Christ.

Khi nói về dòng chảy, chúng ta phải nhớ rằng dòng chảy sống động ban cho chúng ta sự sống và sự sáng, đồng thời sản sinh nơi cư trú hỗ tương mà trong đó chúng ta cư trú với Christ và Christ cư trú với chúng ta. Trong kinh nghiệm làm đền tạm này, có ân điển và thực tại. Kinh nghiệm này về Đức Chúa Trời như Lời, Đấng đến từ vinh hiển như một dòng chảy, cuối cùng sẽ đem tất cả chúng ta vào trong vinh hiển của Ngài.

DÒNG CHẢY THẦN THƯỢNG ĐƯỢC MÔ TẢ TRONG CỰU ƯỚC
Theo Cựu Ước, Christ trong công tác và sự vận hành của Ngài như dòng chảy thần thượng trở nên yếu tố nuôi dưỡng làm dịu cơn khát của chúng ta và đáp ứng mọi như cầu của chúng ta vì kiến ốc Đức Chúa Trời (Xuất 17: 6; Thi 105: 41). Thậm chí hơn cả điều này, Christ trong sự tuôn chảy của Ngài như con sông của niềm vui thích Đức Chúa Trời đem đến cho chúng ta sự vui mừng, sự sống và sự sáng (Thi 36: 8-9). Cựu Ước cũng khải thị rằng Christ như nguồn mạch mở ra đang tuôn chảy để tẩy sạch tội và sự không thuần khiết. (Zech 13: 1). Khi chúng ta vui hưởng dòng chảy này, tội và điều sai quấy bị nuốt mất.

Như nguồn mạch của Israel, Christ mang chứng cớ của Đức Chúa Trời (Thi 68: 26). Christ như dòng chảy đáp ứng nhu cầu của Đức Chúa Trời cũng như nhu cầu của chúng ta. Hơn nữa, khi Ngài tuôn chảy từ các thánh đồ, Ngài làm vui thành phố của Đức Chúa Trời (Thi 46: 4). Khi dòng chảy ở đây, hội thánh trở nên vui thỏa. Khi chúng ta ở trong dòng chảy này, mọi sự tranh cãi và đòi hỏi biến mất. Khi vui hưởng Christ như con sông, tất cả chúng ta trở nên các dòng suối phước hạnh làm vui thành phố Đức Chúa Trời. Thật là một bức tranh đẹp biết bao! Một con sông chảy khắp nếp sống hội thánh, và mọi thánh đồ là các dòng suối của con sông này. Ngày nay, mỗi chúng ta phải dâng mình để trở nên dòng suối vui mừng trong nếp sống hội thánh.

Trong hành trình trong đồng vắng, con cái Israel đã đến Elim. Ở Elim có mười hai suối nước tuôn chảy và bảy mươi cây cọ tăng trưởng (Xuất 15: 27). Bức tranh này chỉ tỏ rằng Christ, Đấng vươn đến chúng ta như dòng chảy này, trở nên sự yên nghỉ, thỏa mãn và bảo vệ trọn vẹn của chúng ta, vì mười hai là con số của sự trọn vẹn trong cõi đời đời.

Khi vui hưởng thực tại của Christ như dòng chảy thần thượng, chúng ta sẽ vui hưởng mọi chi tiết mà các bức tranh này biểu thị. Các phương diện của dòng chảy được mô tả trong lời cho chúng ta biết mình có thật sự có dòng chảy hay không. Khi kinh nghiệm những điều này trong nếp sống hội thánh, chúng ta biết rằng nếp sống hội thánh của chúng ta lành mạnh và đang dự phần vào dòng chảy thần thượng.

DÒNG CHẢY THẦN THƯỢNG TRỞ NÊN DÒNG CHẢY HỮU CƠ
VÀ Ở THỂ LINH QUA SỰ CHẾT VÀ SỰ PHỤC SINH CỦA CHRIST
Qua sự chết và sự phục sinh của Chúa, dòng chảy thần thượng vừa hữu cơ vừa ở thể Linh. Trước khi Chúa đi đến thập tự giá, theo một ý nghĩa, có một dòng chảy trãi suốt Kinh Thánh. Chúng ta có thể nói rằng Noah đã ở trong dòng chảy thần thượng, Abraham, Moses và con cái Israel cũng ở trong dòng chảy. Tuy nhiên, mặc dù quốc gia Israel ở trong dòng chảy, nhưng tất cả những gì họ có thể làm là khiến Đức Chúa Trời “nhức đầu”. Những người kinh nghiệm dòng chảy của Đức Chúa Trời trong Cựu Ước chính yếu kinh nghiệm điều đó theo ý nghĩa khách quan, vì lúc đó dòng chảy thần thượng không có tác động chủ quan như chúng ta, các tín đồ Tân Ước, nhận biết. Vì dòng chảy thần thượng là để hoàn thành chủ đích của Đức Chúa Trời nên nó phải trở nên một dòng chảy có thể tác nhiệm cách hữu cơ bên trong con người.

CÁC PHƯƠNG DIỆN THỂ YẾU VÀ GIA TỂ
CỦA DÒNG CHẢY THẦN THƯỢNG
Qua sự chết và sự phục sinh của Jesus Christ, dòng chảy thần thượng đã trở nên hữu cơ và ở thể Linh. Đây là phương diện thể yếu của dòng chảy thần thượng ngày nay. John làm chứng rằng huyết và nước đã tuôn ra từ hông Christ trong sự chết của Ngài (John 19: 34). Huyết tuôn ra chỉ về sự tẩy sạch các tội lỗi và nước tuôn ra chỉ tỏ rằng bây giờ dòng chảy đã trở nên hữu cơ. Rồi qua sự phục sinh của Ngài, Christ đã trở nên Linh ban sự sống (I Cor 15: 45) như tố chất của dòng chảy thần thượng (John 20: 22). Trong sự chết của Christ, nước ra từ hông Ngài để sản sinh dòng chảy hữu cơ và trong sự phục sinh Ngài, Ngài đã trở nên Linh ban sự sống như tố chất của dòng chảy thần thượng. Vì vậy, phương diện thể yếu của dòng chảy là Đấng Christ ở thể Linh này.

Ngày nay, dòng chảy này vận hành cả về mặt thể yếu lẫn gia tể. Phương diện chủ yếu của sự sống hữu cơ được biểu thị không chỉ bởi nước tuôn ra từ hông Christ mà còn bởi hơi thở mà Ngài đã thở vào trong các môn đồ vào ngày Ngài phục sinh (John 20: 22). Tuy nhiên, phương diện gia tể của dòng chảy này được kinh nghiệm lần đầu tiên khi Linh ban sự sống này ngự xuống trên các tín đồ vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Dòng chảy này đã và đang tuôn chảy bên trong cũng như bên trên các tín đồ trong 20 thế kỷ qua. Mỗi Cơ Đốc Nhân đều nhận được phương diện thể yếu của dòng chảy này, và mỗi Cơ Đốc nhân đều phải ngưỡng trông Chúa để ở trong phương diện gia tể của dòng chảy này.

DÒNG CHẢY THẦN THƯỢNG CHỈ CÓ THỂ ĐƯỢC VUI HƯỞNG
ĐẦY ĐỦ TẠI NƠI ĐỨC CHÚA TRỜI LỰA CHỌN VÀ CHỈ ĐỊNH
Dòng chảy thần thượng chỉ có thể được vui hưởng đầy đủ tại nơi Đức Chúa Trời chỉ định, nơi mà Ngài đã chọn để đặt danh Ngài (Phục 12: 26; 26: 2). Mặc dù dòng chảy là thuộc linh, nhưng nơi chốn chúng ta dâng mình cho Ngài là một vấn đề quan trọng. Đây là lý do tại sao ngày nay không phải mọi tín đồ của Chúa đều kinh nghiệm được Linh cách đầy đủ trong phương diện thể yếu và gia tể. Watchman Nee lưu ý rằng để có dòng chảy của Linh trong thể kỷ XVI, chúng ta phải ở với Martin Luther, vì vào thời đó dòng chảy ở với ông. Tuy nhiên, từ thời của Luther, Linh đã chuyển động tiến tới. Ngày nay chúng ta nhận thức rằng dòng chảy này ở với các hội thánh địa phương. Để vui hưởng đầy đủ dòng chảy của Chúa ngày nay, chúng ta phải ở nơi đặt danh Ngài. Trong Cựu Ước, nơi đó là thành phố Jerusalem, nhưng trong Tân Ước, nơi đó là lập trường hội thánh địa phương. Các hội thánh địa phương là nơi dòng chảy tuôn chảy ngày nay.

Bất kể có bao nhiêu người đang nhóm lại như hội thánh, đó vẫn là nơi có dòng chảy. Dù có 20 hay 1.000 người nhóm lại trên lập trường hiệp nhất địa phương, đó vẫn là vị trí đúng đắn cho dòng chảy. Chúng ta phải tranh đấu vì sự gia tăng trong hội thánh địa phương của mình, nhưng bất kể có bao nhiêu người nhóm lại, lập trường hội thánh vẫn là nơi Chúa tuôn chảy ngày nay.

SỰ PHÂN PHÁT TRONG SỰ TUÔN CHẢY CỦA DÒNG CHẢY
THẦN THƯỢNG TIẾP TỤC QUA CÁC CHỨC VỤ
THUỘC CHỨC VỤ TÂN ƯỚC
Trong sự thăng thiên Christ tiếp tục tuôn chảy như dòng chảy thần thượng qua những người thực hiện chức vụ Tân Ước. Có bao nhiêu chức vụ trong một dòng chảy duy nhất này? Chỉ có một chức vụ Tân Ước. Trong Sáng Thế Ký 2, một con sông duy nhất tuôn chảy qua bốn nhánh. Theo sách Công Vụ, dường như cũng có bốn nhánh khi dòng chảy này bắt đầu tuôn chảy qua các sứ đồ của Chúa. Bốn chức vụ, hay bốn phần chia trong một chức vụ này, không mâu thuẫn với nhau nhưng bổ sung và hỗ trợ cho nhau.

Dường như bốn nhánh của con sông trong Sáng Thế Ký 2 có thể được nhìn thấy qua các chức vụ của Peter, James, Paul và John. Làm thế nào bốn chức vụ này có thể được bao gồm trong một chức vụ? Tôi tin điều này có thể được nhìn thấy ngay trong chức vụ của Witness Lee, vì sự vận dụng của anh trong chức vụ đã đạt đến chỗ bao hàm các đặc điểm trong các chức vụ của bốn sứ đồ này. Khi anh Lee thao tác ở Yên Đài, Trung Quốc, chức vụ của anh dường như tương đương với chức vụ của Peter. Trong những ngày đó, lời của anh dạn dĩ và đầy quyền năng, và nhiều người mới được thu đoạt. Các thánh đồ ở đó thậm chí đã bán mọi sự và đặt tiền thu được nơi chân của các trưởng lão để phân phát lại cho những người thiếu thốn. Chứng cớ của hội thánh ở đó giống như chứng cớ cua hội thánh ở Jerusalem trong những ngày đầu. Rồi khi anh Lee đến Đài Loan, lần đầu khi tôi thấy anh, anh dường như ngày càng mang lấy nhiều đặc điểm trong chức vụ của Paul. Điều này tiếp tục suốt những năm anh ở Hoa Kỳ cho đến khoảng năm 1990. Rồi khoảng năm 1990, anh bảo chúng tôi là anh đã đi đến chỗ nhận thức rằng John thật sự sâu nhiệm hơn Paul. Trong giai đoạn cuối của chức vụ, anh bắt đầu nhấn mạnh lĩnh vực thần thượng và huyền nhiệm, và việc Đức Chúa Trời đã trở nên con người để con người có thể trở nên giống như Ngài. Đối với cảm nhận của tôi, anh đã mang lấy ngày càng nhiều điều thuộc chức vụ của John trong những năm cuối đời. Ngoài ra, trong sự thực hành riêng tư trong suốt cuộc đời mình, anh Lee đã vận dụng sự tin kính thực tiễn được James nhấn mạnh. Hễ ai chạm đến anh Lee đều được gây ấn tượng bởi sự vận dụng tin kính của anh trong mọi vấn đề trong đời sống hàng ngày của anh, dù là riêng tư hay công khai. Do đó, ngay cả trong đời sống của một anh em, chúng ta có thể nhìn thấy bốn chức vụ hài hòa với nhau làm một.
NHÁNH THỨ NHẤT, PISHON, VÀ CHỨC VỤ CỦA PETER
Nhánh thứ nhất trong bốn nhánh torng Sáng Thế Ký 2 là Pishon, có thể được xem là tương ứng với chức vụ của Peter. Peter được ban cho các chìa khóa của vương quốc thiên thượng, và trong các văn phẩm của ông, ông đã công bố Đức Chúa Trời và sự vận hành của Ngài. Dòng chảy Pishon liên hệ việc sản sinh vàng thuần khiết, đá mã não và trân châu, là những điều đại diện cho công tác của Đức Chúa Trời Tam Nhất vì kiến ốc của Ngài. Cuối cùng, qua sự rao giảng của Peter, nhiều người ở Jerusalem đã được cứu vì hội thánh. Chúng ta hãy có khát vọng rằng hễ chúng ta đi đến đâu, Linh đều bùng nổ để tuôn chảy tự do hầu cho nhiều người được cứu! Khi Linh tuôn chảy tự do, dân chúng được cứu và trở nên vật liệu cho kiến ốc của Đức Chúa Trời. Đây là đặc điểm chức vụ của Peter.

NHÁNH THỨ HAI, GIHON, VÀ CHỨC VỤ CỦA JAMES
Có thể nói con sông Gihon đại diện cho chức vụ của James. James là một người hung hãn. Chính ông đã viết thư tín đầu tiên trong Tân Ước. Chúng ta không nên xem thường gánh nặng của ông. Chức vụ của ông nhấn mạnh sự hoàn hảo Cơ Đốc thực tiễn. James nhận thức được nhu cầu về sự thánh khiết và cách sống tin kính. Đúng nếu điều này được lấy ra khỏi ngữ cảnh về sự sống thì nó trở nên một điều thuộc luật pháp. Đó là điều phải tránh. Nên chúng ta cố gắng thực hiện một tiêu chuẩn nào đó về cách hành xử mà không tuôn tràn dòng chảy thần thượng, chúng ta có thể kết thúc trong sự luyện tập tôn giáo mà không có Christ. Tuy nhiên, là các tín đồ, chúng ta phải quan tâm đến cách chúng ta hành xử. Nhiều người có thể hô la về Jesus, nhưng còn nếp sống hàng ngày của họ thì sao? Chúng ta không nên sống một nếp sống lơi lỏng, nhưng phải chăm lo cho bước đi hằng ngày của chúng ta trước mặt Chúa. Cách sống hàng ngày của chúng ta phải tương xứng với dòng chảy thần thượng; đó phải là kết quả của sự tuôn tràn dòng chảy thần thượng.



Chúng ta cũng cần nhớ rằng Gihon tuôn chảy tràn khắp miền đất Cush, là điều đại diện cho bản chất độc ác không thể thay đổi bên trong con người. James đã chống đỡ tiêu chuẩn mà nhiều người không thể duy trì, và có thể bởi đó mà nhiều người đã bị đẩy ra khỏi nếp sống hội thánh, đặc biệt là người Do Thái theo văn hóa Hy Lạp, là những người đã được cứu trong những ngày đầu của hội thánh qua sự rao giảng của Peter. Chúng ta phải nhận thức rằng bất kể chúng ta vui hưởng và kinh nghiệm Christ bao nhiêu, chúng ta vẫn luôn luôn dễ bị bản chất sa ngã ảnh hưởng. Tuy nhiên, cách chúng ta đối phó điều này không phải là giới thiệu luật pháp và các quy định, mà là cung phụng sự sống ra từ dòng chảy thần thượng. Đây là phương cách của Đức Chúa Trời để cung ứng bất cứ điều gì cần thiết cho chứng cớ Ngài.

Tôi đã đọc rằng James có vết chai trên đầu gối do ông thường quỳ gối cầu nguyện. Cuối cùng, anh em sùng đạo này thậm chí đã tuận đạo. James đã nhìn thấy những ngày đầu trong hội thánh tại Jerusalem, khi Peter có thể nói: “Bạc và vàng tôi không sở hữu, nhưng điều tôi có, tôi cho anh: Trong danh Jesus Christ người Nazareth, hãy chỗi dậy và bước đi” (Công 3: 6). Sự dạn dĩ của Peter chỉ ở trong Danh của Jesus. Nhưng suốt chức vụ của James, các hội thánh dưới sự chăm sóc của ông đều dường như chuyển tâm điểm của họ từ sự sống quay trở lại với luật pháp. Vì điều này, nhiều người đã bị xua đuổi khỏi nếp sống hội thánh và nhiều người lưu lại trong hội thánh đã đánh mất Christ như tâm điểm của họ. Nhiều năm sau, khi Paul đến Jerusalem, những người ở với James bảo Paul nhìn xem có bao nhiêu ngàn người nhiệt thành vì luật pháp của Moses (Công 21: 20). Paul đã ở trong các nơi thiên thượng và đứng vững vì một mình Christ, nhưng James đã khiến các thánh đồ trở lại với tôn giáo thuộc đất. James đã xuất hiện để đứng cho Christ cộng với luật pháp. Chúng ta cần nhận thức rằng cách sống thánh khiết mà Chúa tìm kiếm cho chúng ta ra từ một mình Christ. Trong các hội thánh, chúng ta phải cẩn thận để duy trì chỗ đứng của mình vì Christ và chỉ một mình Christ, và đừng bao giờ để cho bất cứ “dấu cộng” nào như là “Christ cộng với một điều gì khác” bước vào lừa gạt chúng ta để lấy đi dòng chảy thần thượng.

NHÁNH THỨ BA, HIDDEKEL, VÀ CHỨC VỤ CỦA PAUL
Ở giữa tình trạng này, chức vụ của Paul trở nên đầy quyền năng. Chức vụ của Paul dường như được biểu thị bởi Hiddekel, nhánh thứ ba mà qua đó con sông tuôn chảy. Paul đã công bố: “Ngày nay sự phát ngôn của Đức Chúa Trời ở trong Con. Con này là ai? Ngài được chỉ định làm Đấng thừa kế mọi sự và chính qua Ngài mà vũ trụ được dựng nên. Ngài là sự sáng chói của vinh hiển Đức Chúa Trời. Anh em đã đến với Christ, Đấng là mọi sự trong gia tể Đức Chúa Trời. Đừng nao núng! Hãy hoàn toàn ra khỏi Do Thái giáo và tập trung vào một mình Christ!”. Đây là sự nhấn mạnh của Paul. James đã giới thiệu một điều gì đó gây ngăn trở cho sự xây dựng hữu cơ của Thân Thể Christ. Thí dụ, hội thánh ở Jerusalem không còn hữu cơ nữa, vì luật pháp đã bước vào để thay thế Christ. Khi một số anh em “đến từ James”, chúng ta được bảo rằng thậm chí Peter cũng bị bắt phục (Gal 2: 12). Nhưng Paul thì không! Ông tuyệt đối vì gia tể của Đức Chúa Trời, và ông không dung chịu bất cứ điều gì thách thức quyền ưu tiên của Christ.

Hiddekel nghĩa là “nhanh, đầy quyền năng, mạnh mẽ”. Nói cách khác, Hiddekel ngụ ý một điều gì đó thắng thế. Chức vụ của Paul đầy dẫy quyền năng, lẽ thật, tài hùng biện và nghị lực. Ông được các sự khải thị mà ông đã nhận được ám ảnh, và ông nhận thức rằng gia tể Đức Chúa Trời chỉ có thể được thực hiện bởi những người quan tâm đến Christ, thậm chí trả giá bằng chính mạng sống của họ. Đây là lý do tại sao Paul có thể thắng thế trong các tình trạng mà người khác không thể. Thí dụ, tại sao không phải là Peter hay Apollos đề cập đến tình trạng tại Corinh, là nơi tên của họ bị dùng để chia rẽ hội thánh? Chỉ có Paul tự đặt mình vào tình trạng lộn xộn đó, vì ông không chỉ là giáo sư cho họ mà thậm chí là cha họ. Đây là vì trong chức vụ của ông, Paul đã phục vụ với các mỹ đức loài người được cấu thành bằng các thuộc tính thần thượng. Dòng chảy của Hiddekel hướng về phía đông, chỉ tỏ rằng nó chảy về hướng mục đích và vinh hiển của Đức Chúa Trời. Đây chắc chắn là đặc điểm chức vụ của Paul, là điều dẫn đến vinh hiển.

NHÁNH THỨ TƯ, EUPHRATES, VÀ CHỨC VỤ CỦA JOHN
Nhánh thứ tư là nhánh cuối cùng, sông Euphrates, có thể được xem là tương ứng với chức vụ của sứ đồ John. Euphrates nghĩa là “ngát hương, dịu ngọt”. Khi đọc các văn phẩm của John, chúng ta không cảm thức quyền năng mà là sự dịu ngọt. Chức vụ của John là một chức vụ được cấu thành bằng các kinh nghiệm phong phú về Christ. Ông có thể phát ngôn về Jesus cách dịu ngọt, là người có thể nói: “Về Lời của sự sống, là điều đã có từ ban đầu, điều mà chúng tôi đã nghe, đã thấy bằng mắt, đã ngắm nhìn và rờ chạm bằng tay” (I John 1: 1). Chúng ta có thể nói về Jesus theo cách dịu ngọt như vậy không? Các văn phẩm của John rất sâu nhiệm. Chức vụ sự sống dịu ngọt này là chức vụ của tình yêu. Đức Chúa Trời là tình yêu và khi chúng ta cứ ở trong Đức Chúa Trời, chúng ta cứ ở trong tình yêu, và chúng ta yêu các anh em. Chức vụ sự sống dịu ngọt này là chức vụ được xức dầu bằng Đấng Christ hiện tại và nó đặc biệt dẫn dắt chúng ta cứ ở trong Ngài. Điều này thật lạ lùng.

Chức vụ của John tập trung vào sự tăng trưởng trong sự sống vì sự xây dựng Thân Thể trong các hội thánh địa phương. Phương pháp của ông không phải là thắng thế theo cách của Paul mà là cung phụng với sự dịu ngọt. Ông nói với những người cha, những người trẻ và con trẻ trong nếp sống hội thánh. Cuối cùng, chức vụ của ông đã sản sinh sự tương giao dịu ngọt và đúng đắn giữa các đầy tớ Chúa và các hội thánh. Bước vào trong sự tương giao với John là bước vào trong sự tương giao mà ông đã vui hưởng với Cha và Con. Khi chúng ta được đem vào một sự tương giao như vậy thì Cha ở đó và Con cũng ở đó. Điều này dịu ngọt biết bao!

KẾT LUẬN
Tuy tôi không thể nói bốn con sông này chắc chắn tương ứng với bốn chức vụ trọng yếu của bốn anh em này, nhưng tôi cảm thấy rằng chúng rất phù hợp khi chúng ta xem xét kinh nghiệm và sự thực hành của bốn anh em. Trong thời đại Tân Ước, hễ ai ao ước dự phần vào sự phân phát của dòng chảy thần thượng này đều không thể lệch khỏi bốn phương diện này của chức vụ Tân Ước – phương diện sinh sản, phương diện làm hoàn hảo, phương diện sự khải thị về cuộc gia tể Đức Chúa Trời, và cuối cùng là phương diện về sự sống.

Trong Khải Thị 22, dòng chảy duy nhất ra từ ngai của Jerusalem Mới không có một nhánh nào, vì trong cõi đời đời sẽ không có nhu cầu về những điều mà các nhánh đại diện. Việc sinh sản, làm hoàn hảo, các khải thị về sự xây dựng trong sự sống sẽ được làm trọn. Chỉ có một con sông lưu xuất từ ngai của Đức Chúa Trời và Chiên Con. Vào lúc đó, mọi sự đã được hoàn thành rồi, và chúng ta sẽ vui hưởng một con sông, chính Chúa, như sự thỏa mãn của chúng ta cho đến đời đời. Ngợi khen Chúa về điều này! Nguyện tất cả chúng ta đi đến chỗ nhận biết Chúa như dòng chảy đang tuôn chảy cách cá nhân và cách tập thể để tiến lên trong những ngày này! Ngợi khen Ngài!