Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

PHẢI CHĂNG SA-LÔ-MÊ LÀ MẸ CỦA SỨ ĐỒ GIA-CƠ VÀ GIĂNG?


Theo thông thường con dân của Chúa đều biết trinh nữ Ma-ri có liên hệ họ hàng thân thuộc với bà Ê-li-sa-bét, mẹ của Giăng Báp-tít. Điều đó là chính xác. Vì theo Lu-ca 1: 26, 36, 39, 42, 56 có chép “Đến tháng thứ sáu, Đức Chúa Trời sai thiên sứ Gáp-ri-ên đến thành Na-xa-rét, xứ Ga-li-lê, tới cùng một người nữ đồng trinh tên là Ma-ri, đã hứa gả cho một người nam tên là Giô-sép, về dòng vua Đa-vít--Kìa, Ê-li-sa-bét, bà con ngươi, cũng đã chịu thai một trai trong lúc già nua; người ấy vốn có tiếng là son, mà nay cưu mang được sáu tháng rồi.--Trong những ngày đó, Ma-ri chờ dậy, lật đật đi trong miền núi, đến một thành về xứ Giu-đa, vào nhà Xa-cha-ri mà chào Ê-li-sa-bét…Nhân đâu ta được sự vẻ vang nầy, là mẹ Chúa ta đến thăm ta-Ma-ri ở với Ê-li-sa-bét chừng ba tháng, rồi trở về nhà mình…”. Những câu Kinh thánh nầy cho chúng ta thấy trinh nữ Ma-ri, mẹ Chúa sống tại thành Na-xa-rét, miền bắc xứ Do-thái, còn Ê-li-sa-bét sống ở miền nam là xứ Giu-đê, mà theo Giô-suê 21:10-12, đó là thành phố Hếp-rôn, cơ nghiệp của các thấy tế lễ, nhà A-rôn, chi tộc Kê-hát.


Ma-thi-ơ 3:13-16 và Giăng 2:33-34 cũng chép, “Khi ấy, Đức Chúa Jêsus từ xứ Ga-li-lê đến cùng Giăng tại sông Giô-đanh, đặng chịu người làm phép báp-têm. Song Giăng từ chối mà rằng: Chính tôi cần phải chịu Ngài làm phép báp-têm, mà Ngài lại trở đến cùng tôi sao! Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Bây giờ cứ làm đi, vì chúng ta nên làm cho trọn mọi việc công bình như vậy. Giăng bèn vâng lời Ngài. Vừa khi chịu phép báp têm rồi, Đức Chúa Jêsus ra khỏi nước; bỗng chúc các từng trời mở ra, Ngài thấy Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bồ câu, đậu trên Ngài.-- Về phần ta (Giăng Báp-tít), ta vốn không biết Ngài; nhưng Đấng sai ta làm phép báp-têm bằng nước có phán cùng ta rằng: Đấng mà ngươi sẽ thấy Thánh Linh ngự xuống đậu lên trên, ấy là Đấng làm phép báp-têm bằng Đức Thánh Linh. Ta đã thấy, nên ta làm chứng rằng: Ấy chính Ngài là Con Đức Chúa Trời”.

Những khúc kinh văn trên đây cho chúng ta thấy Giăng Báp-tít lớn hơn Chúa Jêsus 6 tháng tuổi. Có thể hai người đã gặp nhau nhiều lần trước khi hai người giảng đạo. Nhưng Giăng Báp-tít không hề biết Chúa Jêsus, em họ của mình là Đấng Mê-si-a mãi cho đến khi ông báp-têm cho Ngài rồi, và Linh Đức Chúa Trời lấy hình chim bồ câu ngự xuống, đậu trên Ngài.

Chúa Jêsus còn có thể có hai người em họ khác nữa là sứ đồ Gia-cơ và Giăng, hai con trai của Sa-lô-mê. Bài nầy sẽ giải bày về vấn nạn đó.

Có thể chỉ có hai phụ nữ có tên là Sa-lô-mê trong Kinh Thánh Tân Ước. Thứ nhất là người con gái khiêu vũ trong lễ sinh nhật của vua Hê-rốt. Cô gái nầy là con gái của Hê-rô-đia, tình nhân của vua Hê-rốt. Vua Hê-rốt nầy là người đã bỏ tù Giăng Báp-tít và ra lệnh chặt đầu ông sau đó. Sử gia Josephus cho biết cô gái đó tên là Sa-lô-mê. Câu chuyện nầy được ghi chép trong sách Mác chương 6, từ câu 14 đến câu 29.

Người phụ nữ thứ hai có tên Sa-lô-mê, là người có thể là mẹ của hai sứ đồ Gia-cơ và Giăng. Nhiều học giả tranh luận về sự kiện nầy, và thực hư sự việc ra sao, tôi xin trình bày sau đây:

Trong phúc âm Ma-thi-ơ, tác giả chép về một phụ nữ bằng một cụm từ như sau, “mẹ các (hai) con trai của Xê-bê-đê” hai lần ở 20:20 và 27:54. Còn Ma-thi-ơ 4:21 thì chép, “Từ đó đi tới nữa, Ngài thấy hai anh em khác, là Gia-cơ con Xê-bê-đê, với em là Giăng, ở trong thuyền cùng cha, đương vá lưới; Ngài bèn gọi họ”. Hai con trai của Xê-bê-đê là Gia-cơ và Giăng. Sứ đồ Ma-thi-ơ không cho chúng ta biết tên người phụ nữ nầy.

Trên đồi Sọ, khi Chúa Jêsus đang bị treo mình trên cây thập tự có nhiều phụ nữ, là những người đã theo chân Ngài từ xứ Ga-li-lê, đứng đó chứng kiến. Một số phụ nữ đứng ở xa, và dường như chỉ có ba phụ nữ và sứ đồ Giăng đứng gần gốc cây thập tự mà ba tác giả ba phúc âm đã ghi ra cách khác biệt như sau:

--Ma-thi-ơ 27:55-56, “Tại đó có nhiều đàn bà ở xa xem thấy, là những người từ Ga-li-lê theo Jêsus để phục sự Ngài; trong họ có Ma-ri Ma-đơ-len, Ma-ri mẹ của Gia-cơ và Giô-sép, cùng mẹ của hai con trai Xê-bê-đê”.
--Mác 15:40-41, “Lại có những đờn bà ở xa ngắm xem; trong họ có Ma-ri Ma-đơ-len, Ma-ri là mẹ của Gia-cơ nhỏ và của Giô-sê, cùng Sa-lô-mê, là nhũng người đã theo phục sự Ngài khi Ngài ở Ga-li-lê; cũng có nhiều đờn bà khác nữa, tức những kẻ đã cùng Ngài lên Giê-ru-sa-lem”.
--Giăng 19:25-27, “Tại bên thập tự giá của Jêsus có mẹ Ngài, chị em của mẹ Ngài là Ma-ri vợ Cơ-lê-ô-ba, và Ma-ri Ma-đơ-len cũng đứng đó. Jêsus thấy mẹ Ngài, và môn đồ mà Ngài thương yêu đứng bên cạnh, thì nói cùng mẹ rằng: “Đàn bà kia ơi, kìa là con của bà.” Đoạn, Ngài phán cùng môn đồ ấy rằng: “Kìa là mẹ ngươi!” Từ giờ đó môn đồ ấy rước bà về nhà mình”.

Các bạn có tin rằng dù có nhiều phụ nữ đứng đó, nhưng chỉ có ba người được hài tên ra chăng? Và có phải ba tác giả ba phúc âm chỉ đề cập ba người đó mà thôi phải không? Ba người được đề cập ba lần. Nếu các bạn tin như vậy, chúng ta có thể nhận diện ba phụ nữ nầy như sau:

1. Ma-ri Ma-đơ-len:- cả ba tác giả đều nói đến tên của bà Ma-ri Ma-đơ-len cách rõ ràng. Trước kia bà bị bảy con quỉ chiếm hữu, và Chúa đã giái phóng cho bà. Nhiều học giả ủng hộ ý kiến Ma-ri Ma-đơ-len nầy là nữ tội nhân, đã hôn và xức dầu cho hai bàn chân của Chúa Jêsus, trong nhà của Si-môn, một người Pha-ri-si. Câu chuyện được chép lại ở Lu-ca 7:36-50. Tin lành Giăng chương 20 ghi chép rằng bà Ma-ri Ma-đơ-len gặp Chúa Jesus phục sinh trước hơn mọi người.

2. Ma-ri, mẹ của Chúa:- Về nguời phụ nữ thứ hai, đứng bên gốc cây thập tự, ba tác giả ba phúc âm ghi ba cách khác nhau:
- Ma-thi-ơ 27:56 b, “Ma-ri mẹ của Gia-cơ và Giô-sép”.
- Mác 15:40, “Ma-ri là mẹ của Gia-cơ nhỏ và của Giô-sê”.
- Giăng 19:25, “Tại bên thập tự giá của Jêsus có mẹ Ngài”.
Phải chăng ba câu Kinh thánh nầy đều chỉ nói về bà Ma-ri, mẹ của Chúa?

Một số học giả Kinh thánh lập luận rằng vì sứ đồ Ma-thi-ơ đã viết “Gia-cơ và Giô-sép” là hai con trai của bà Ma-ri trong Ma-thi-ơ 13:55, nên rất có thể cụm từ “Ma-ri mẹ của Gia-cơ và Giô-sép” ở Ma-thi-ơ 27:54b trên đây là lời mô tả về chính bà Mari, mẹ của Chúa. Vì cách dùng chữ của Ma-thi-ơ phải giống nhau trong hai trường hợp.

Chính Giăng Mác, tác giả phúc âm Mác cũng chép hai cụm từ nhất quán trong tác phẩm của mình. Trong Mác 6:3, Giăng Mác ghi,“con trai Ma-ri, anh em với Gia-cơ, Giô-sê,…”, nên khi Mác 15:40 ghi “Ma-ri mẹ của Gia-cơ và Giô-sép”, chúng ta có thể tin rằng lời đó ám chỉ bà Ma-ri mẹ Chúa. 

3. Sa-lô-mê: --người phụ nữ thứ ba đứng bên gốc thập tự giá được hài tên ra là ai?. Ma-thi-ơ 27:54 chép, “mẹ của hai con trai Xê-bê-đê”; Mác 15:40 thì ghi, “cùng Sa-lô-mê”; còn Giăng 19: 25 nói “chị em của mẹ Ngài là Ma-ri vợ Cơ-lê-ô-ba”. Theo nguyên văn Hi-lạp, sau chữ “mẹ Ngài’ có một dấu phẩy, ngụ ý em của mẹ Chúa, là Ma-ri, cũng là vợ của Cơ-lê-ô-ba. Các bạn có tin ba tác giả phúc âm chỉ nói về một phụ nữ có hai tên là Sa-lô-mê và Ma-ri chăng? Các học giả Thánh kinh tranh luận rất nhiều vì có lẽ nào người phụ nữ nầy có hai tên, và chồng của bà cũng có hai tên là Xê-bê-đê và Cơ-lê-ô-ba hay sao? 

Riêng cá nhân tôi, tôi tạm chấp nhận điều đó. Tôi tin Sa-lô-mê, cũng có tên là Ma-ri, là em ruột của Ma-ri, mẹ Chúa. Ông Giô-sép, chồng bà Ma-ri, mẹ Chúa, cũng có cậu con trai tên là Giô-sép. Bà Ma-ri, cũng có cô em gái tên là Ma-ri. Việc đặt tên giống nhau trong gia đình là chuyện thường tình của xã hội.

Cách dụng ngữ của một tác giả trong tác phẩm của mình, thường thường là nhất quán, cho nên đến chương 16, câu 1 đến 3, Giăng Mác lại ghi chép về ba người phụ nữ nầy một lần nữa,“Ngày sa-bát qua rồi, Ma-ri Ma-đơ-len, mẹ Ma-ri mẹ Gia-cơ, cùng Sa-lô-mê, mua thuốc thơm để đi xức cho xác Jêsus. Sáng sớm ngày thứ nhứt trong tuần lễ, mặt trời vừa mọc, họ đến mộ, nói cùng nhau rằng: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi mộ cho chúng ta?”. Tên của bà Sa-lô-mê xuất hiện lần cuối cùng tại đây trong Tân ước.

Tóm lại, tôi tin bà Sa-lô-mê là mẹ của hai sứ đồ Gia-cơ và Giăng, vì theo bản chất con người thiên nhiên, là ưa cậy thế cậy thần, vin vào chỗ bà con cật ruột, nên bà và hai con trai đã dám yêu cầu Chúa Jesus, cũng là thân nhân của mình, nễ tình, cho Gia-cơ và Giăng làm “tả hữu thừa tướng” trong vương triều của Chúa sau nầy. Phúc âm Ma-thi-ơ chuơng 20 và phúc âm Mác chương 10 ghi lại sự việc nầy, nhưng có lẽ vì xấu hỗ, nên phúc âm Giăng không nhắc đến việc đó. Và cũng có thể vì Sa-lô-mê là dì ruột theo xác thịt của Chúa Jesus, nên Ngài mới gởi gắm bà Ma-ri cho sứ đồ Giăng phụng duỡng, vì Giăng là em bạn dì với Ngài theo xác thịt. 

Tóm lại, mọi lời diễn giải trên đây về ba Sa-lô-mê có thể chỉ là giả thuyết, chưa phải là sự thật %. Nhưng tôi hi vọng những tư tưởng suy diễn về bà Sa-lô-mê trên đây là đúng sự thật. Vì tôi cảm thấy thật khó cho chúng ta, con người hữu hạn, hiểu được tâm trí của Đức Thánh Linh thường cảm thúc các tác giả viết ra Kinh thánh theo phương pháp,“giềng mối thêm giềng mối, giềng mối thêm giềng mối; hàng thêm hàng, hàng thêm hàng; một chút chỗ này, một chút chỗ kia” (Ê-sai 28:10). 

Thiên Trình--- 24-9-2013