Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Đia vị của Gia-cơ trong Hội thánh tại Giê-ru-sa-lem



Thiên Trình
Ma-thi-ơ chương 13 bày tỏ gia đình của ông Giô-sép và bà Ma-ri có chín nhân khẩu: Giô-sép, Ma-ri, Jêsus, bốn con trai: Gia-cơ, Giô-sép, Si-môn, Giu-đa và hai con gái. Gia đình hoàng tộc nầy cư trú tại thị trấn Na-xa-rét, xứ Ga-li-lê.
Chúng ta cần phân biệt Gia-cơ, em của Chúa với sứ đồ Gia-cơ, em của sứ đồ Giăng. Sách Công vụ 12 bày tỏ rằng vua Hê-rốt đã hành quyết sứ đồ Gia-cơ không bao lâu sau khi Hội Thánh Giê-ru-sa-lem ra đời.
1.    Con người Gia-Cơ:
Theo 1 Sử ký 3:5, vua Đa-vít và Bát-sê-ba đã sinh ra 5 người con trai, nhưng chỉ 4 người còn sống. Đó là: Si-mê-a, Sô-báp, Na-than và Sa-lô-môn. Lu-ca 3:31 cho biết bà Ma-ri, mẹ của Chúa là hậu tự của Na-than, còn Ma-thi-ơ chương 1 chép Giô-sép, cha nuôi của Chúa, là hậu tự của vua Sa-lô-môn. Cho nên cha và mẹ của Gia-cơ đều thuộc về hoàng tộc. Gia-cơ được hưởng di truyền thông minh, khôn ngoan của vua Sa-lô-môn nên ông luận về nhiều loài tạo vật trong trong sách Gia-cơ chương 3 của mình một cách hùng hồn. Ông luận về: hàm thiếc miệng ngựa, bánh lái tàu, lửa hoang dại, thế giới bất nghĩa, lửa Gehema, bánh xe thiên tánh, thú vật, chim chóc, côn trùng, vật trong biển, chất độc giết người, suối, cây vả, ô-liu, cây nho, trái vả, nước mặn, nước ngọt. Sự khôn ngoan của Gia-cơ phong phú về đời sống nhân sinh, hơi giống Sa-lô-môn, vị vua khôn ngoan trong Cựu ước, tổ phụ của ông. 1 Các Vua 4:19-31 nói Sa-lô-môn luận về mọi vật từ cây bá hương đến chùm kinh giới mọc trên vách đá. Cả hai ông rất khôn ngoan và có tri thức về cuộc sống đời nầy, nhưng không thông minh về những điều sâu nhiệm thần thượng của Đức Chúa Trời.
Gia-cơ nhỏ hơn Chúa Jêsus chừng hai tuổi. Ông là con trai cả của ông Giô-sép. Nói theo hoàng tộc, Gia-cơ có vương vị trong chính bản thân mình. Phúc âm Giăng 7:1-10 bày tỏ cho chúng ta thấy lời nói và thái độ gay gắt của bốn anh em Gia-cơ đối với Chúa Jêsus. Sứ đồ Giăng cho biết, “Bởi chưng chính các em Ngài cũng không tin Ngài” (câu 5).
Thật lạ lùng, chúng ta không biết khi nào Gia-cơ đã đổi thái độ của mình đối với Chúa Jêsus, và chỉ một mình sứ đồ Phao-lô cho chúng ta biết lịch sử tin Chúa của Gia cơ, “đoạn, Ngài hiện ra cho Gia-cơ” (1 Cô-rinh-tô 15:7) sau khi Ngài sống lại. Nhờ được Chúa Jêsus hiện ra cách cá nhân như vậy, anh em Gia cơ đã được tái sinh, trở thành các con của Đức Chúa Trời. Kể từ ngày đó anh em Gia-cơ bám sát các buổi nhóm của Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem. Trong sách Công vụ, Lu-ca có ghi lại sự việc gia đình bà Ma-ri tham dự 10 ngày cầu nguyện chờ đợi Đức Thánh Linh giáng lâm trên phòng cao, tại nhà bà Ma-ri, mẹ của Giăng Mác, ở Giê-ru-sa-lem như sau, “Hết thảy những người ấy, với mấy người đàn bà, cùng Ma-ri mẹ Jêsus, và anh em Ngài đều đồng lòng hiệp ý, cứ bền đỗ mà cầu nguyện luôn” (Công vụ 1:14).
Phải chăng kể từ đó, gia đình Gia-cơ gồm mẹ và 5 người em đều đã di trú, chuyển hộ khẩu về thường trú trong nội thành Giê-ru-sa-lem? Tôi tin như vậy, vì người cha già là Giô-sép đã qua đời hơn bốn năm trước, khi Chúa Jêsus khởi sự giảng đạo. Tôi tin Gia-cơ muốn tham dự vào trung tâm Hội Thánh mà Chúa Jêsus đã hứa thành lập. Ông không muốn sống ở tỉnh lẻ, ở thành nhỏ Na-xa-rét. Ông không muốn làm tín đồ ngoại ô của Hội Thánh theo nghĩa đen. Ông muốn ở thủ đô là chỗ hoàng tộc của ông đã sống từ bao nhiêu thời kỳ về trước.
Vào thế kỷ thứ hai S.C., giám mục Hội Thánh tại kinh thành La-mã cũng ỷ lại vị thế thủ đô của Hội Thánh mình mà đã tự tôn mình có địa vị cao hơn tất cả các giám mục khác trong cả đế quốc La-mã. Nhiều tôi tớ Chúa tại Saigon hiện nay cũng có ý thức hệ và thái độ làm cao như vậy trên tất cả các thừa sai khác của Chúa trong cả nước. Đó là tư tưởng muốn làm đầu trên các hội thánh của Gia-cơ.
Công vụ 12 kể lại chuyện Phi-e-rơ được cứu thoát khỏi ngục thất một cách lạ kỳ. Trong đêm đó có mấy phòng nhóm của Hội Thánh họp lại cầu nguyện cho ông tại Giê-ru-sa-lem. Sau khi ra khỏi ngục, Phi-e-rơ đi đến phòng nhóm nhà bà Ma-ri, mẹ của Giăng Mác.Trước khi từ giả những tín đồ đang cầu nguyện ở đó để ra đi, Phi-e-rơ bảo họ thông báo cho Gia-cơ biết về việc thoát ngục của ông. Lu-ca ghi lại, “Nhưng Phi-e-rơ cứ gõ mãi. Khi họ mở ra, thấy người thì đều sững sờ.Nhưng người khoát tay bảo họ làm thinh, rồi thuật lại thể nào Chúa đã đem mình ra khỏi ngục. Người lại dặn rằng: “Hãy tỏ việc nầy cho Gia-cơ và các anh em biết. Đoạn, người lìa đó qua nơi khác” (câu 16-17). Những câu kinh thánh nầy bày tỏ Gia-cơ đã có căn hộ tại Giê-ru-salem rồi. Ông đang có ảnh hưởng và thế lực lớn trong Hội Thánh ở đó.
Gia-cơ 1:1 chép “Gia-cơ, đầy tớ của Đức Chúa Trời và của Chúa Jêsus Christ…” Chữ “đầy tớ” nầy theo nguyên văn Hi-lạp là “nô lệ”. Câu nầy bày tỏ Gia-cơ nhìn nhận ông là nô lệ của Chúa Jêsus, và không hề nói mình là em của Chúa.
Chúa Jêsus chết vào năm 30 S.C. Đó là năm Gia-cơ tiếp nhận Chúa Jêsus làm Cứu chúa và Chúa của mình. Phao-lô tin Chúa khoảng năm 35 S.C, và sau ba năm tạm trú trong sa mạc Á-rập, ông về lại Đa-mách rồi trốn lên Giê-ru-sa-lem, gắn kết với Hội Thánh tại đó. Ông viết, “Sau đó ba năm tôi lên Giê-ru-sa-lem để làm quen với Sê-pha, và ở lại với ông mười lăm ngày. Còn như các sứ đồ khác thì tôi không thấy ai nữa, trừ ra Gia-cơ là em của Chúa mà thôi”. Gia-cơ như là trưởng lão thường vụ và thường trực, luôn có mặt tại Hội Thánh Giê-ru-sa-lem. Phao-lô nói câu nầy mập mờ, khó hiểu cho chúng ta, “Còn như các sứ đồ khác thì tôi không thấy ai nữa, trừ ra Gia-cơ là em của Chúa mà thôi” Ga-la-ti 1:18, 19. Chỉ mới tin Chúa được 8 năm mà dường như Gia-cơ đã có một địa vị gì đó tại Giê-ru-sa-lem. Ông là sứ đồ hay là trưởng lão? Ai lập ông làm sứ đồ? Ai chọn ông làm trưởng lão? Lời của Phao-lô ghi lại ở đây không sáng tỏ lắm.
Lu-ca ghi lại trong Công vụ 15 Giáo hội nghị đầu tiên nhóm họp vào khoảng năm 52 S.C. tại Giê-ru-sa-lem. Lúc đó Gia-cơ đã chỉ được 22 tuổi đạo, là người đi sau 12 sứ đồ và rất nhiều thánh đồ khác. Trong thơ Ga-la-ti chương 2:1-10, Phao-lô ghi lại cảm nhận của ông về chuyến đi dự hội nghị đó như sau, “Sau đó mười bốn năm tôi lại lên Giê-ru-sa-lem với Ba-na-ba, có đem Tít cùng đi nữa. Tôi theo sự khải thị mà lên đó, phô bày cho họ Tin Lành mà tôi đã rao giảng giữa người Ngoại bang, nhưng đối với kẻ có danh vọng thì lại là một cách riêng, kẻo sự chạy của tôi đây và trước kia luống nhưng chăng. Tít, là kẻ cùng đi với tôi, tuy là người Hi-lạp, cũng không bị ép phải chịu cắt bì. Tôi đã làm như vậy, vì cớ mấy anh em giả kia lẻn vào rình xem sự tự do mà chúng tôi được trong Christ Jêsus, cốt ý để bắt chúng tôi vào ách tôi mọi. Chúng tôi chẳng chịu dung nhượng thuận phục họ, đến nỗi một giờ nào cũng không, hầu cho lẽ thật của Tin Lành cứ ở với anh em. Còn như những kẻ có danh vọng chi chi đó, (trước kia họ là người thể nào, thì chẳng quan hệ gì với tôi, vì Đức Chúa Trời không vị mặt ai), tôi nói thật, những kẻ có danh vọng ấy cũng chẳng truyền đạt gì cho tôi. Trái lại, khi họ thấy sự giảng Tin Lành cho kẻ không chịu cắt bì đã uỷ thác cho tôi,cũng như sự giảng Tin Lành cho người chịu cắt bì đã uỷ thác cho Phi-e-rơ (vì Đấng đã vận hành trong Phi-e-rơ để làm chức nhiệm sứ đồ cho kẻ chịu cắt bì, cũng đã vận hành trong tôi để làm chức nhiệm sứ đồ cho dân Ngoại bang), và nhận biết ân điển đã ban cho tôi, thì Gia-cơ, Sê-pha, và Giăng, là những người có danh là rường cột, trao tay hữu tương giao với tôi và Ba-na-ba, hầu cho chúng tôi đi đến cùng dân Ngoại bang, còn họ thì đến cùng những kẻ chịu cắt bì; duy mong chúng tôi phải nhớ đến kẻ nghèo nàn, là điều tôi cũng đã ân cần làm lắm”.
Thứ tự mà Kinh thánh ghi lại luôn luôn ngụ ý thứ tự thẩm quyền. Vậy tôi xin hỏi anh em, ai lập ra thứ tự của những người danh vọng, của các rường cột Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem như thế nầy: “Gia-cơ, Sê-pha, và Giăng, là những người có danh là rường cột”?
Tôi thật không hiểu nổi, làm sao Gia-cơ, một người tin Chúa sau 12 sứ đồ, mà chỉ sau 22 năm đã có thể vượt lên ngồi ghế chủ tọa Hội đồng, lời nói có uy lực đúc kết nghị quyết cho hội đồng. Ông có thẩm quyền tối hậu trên tất cả các sứ đồ và các tôi tớ Chúa đồng thời.
a.    Trình độ tri thức thuộc linh của Gia-cơ:
Bà Ma-ri là phụ nữ khá thông thạo Kinh thánh Cựu ước. Bà đã dạy Lời Chúa cho các con của mình, trong đó có Jêsus. Gia cơ và Giu đe lãnh hội nhiều. Ngoài sự kiện được Chúa Jêsus phục sinh hiện ra cho ông một cách cá nhân, Kinh thánh Tân ước không hề chép gốc rễ đời sống thuộc linh, hoặc những sự khải thị, khải tượng mà Gia-cơ tiếp nhận được từ Chúa. Trình độ thần học của ông ra sao?
Thơ Gia-cơ được viết ra sớm nhất so với toàn bộ Kinh thánh Tân ước; đó là khoảng năm 50 S.C. Trong trang 4 của tác phẩm “ Crystallization-Study of the Epistle of James”, tác giả Witness Lee nói: “Martin Luther đã gọi thơ Gia-cơ là sách vỏ trấu. Lời nầy quá đà. Có một số vỏ trấu trong thơ Gia-cơ, nhưng không phải mọi điểm của sách nầy đều là vỏ trấu cả”. Gia-cơ phảng phất mùi vị của sách Châm Ngôn, bàn luận về nếp sống đạo đức hoàn hảo của cơ đốc nhân Tân ước, mà phần lớn căn cứ vào luân lý Cựu Ước.
Gia-cơ rất nổi tiếng là người thiêng liêng, trọn vẹn theo bề ngoài. Đọc thơ Gia-cơ chúng ta cảm nhận nếp sống kỉnh kiền, ngoan đạo, thiêng liêng, tinh sạch của Gia-cơ trước Hội Thánh đông đảo tại Giê-ru-salem. Ông nổi tiếng là người cầu nguyện. Lịch sử ghi rằng ông quì gối cầu nguyện lâu đến nỗi da hai đầu gối của ông dày cộm và cứng ngắt như da con voi. Gia-cơ là người thiêng liêng bậc nhất, nhưng chưa phải là người thuộc linh, sống dưới sự chi phối của linh mình trong Đức Thánh Linh như 1 C ô-rinh-tô 2:15, Ga-la-ti 5:16, 25 mặc khải.
Gia-cơ 1:1 ghi “Gia-cơ, đầy tớ của Đức Chúa Trời và của Chúa Jêsus Christ, đạt cho mười hai chi phái thuộc vòng Tản trú, chào mừng!” Ông thiếu hụt sự mặc khải nên mới gọi Hội Thánh Tân ước là 12 chi phái Israel. Vì Hội Thánh còn bao gồm dân ngoại bang nữa. Hội thánh là gia đình cơ đốc nhân, không phải là 12 chi phái của tuyển dân nữa.
Gia-cơ 2:2 ghi “Giả sử có người đeo nhẫn vàng, mặc áo rực rỡ vào nhà hội anh em, lại có người nghèo mặc áo xấu cũng vào nữa...” Gia-cơ dùng chữ “nhà hội” ở đây chỉ dẫn rằng các cơ đốc nhân Do thái thời đó coi hội thánh và chỗ nhóm họp của họ như nhà hội của dân Do thái hồi hương. Như vậy Gia-cơ thiếu khải tượng về huyền nhiệm của hội thánh là Đấng Christ. Hội thánh là Thân thể Đấng Christ, là Người Mới, là vương quốc, là Cô Dâu của Chúa, v.v.
Lời dạy dỗ của Gia–cơ về sự hoàn hảo thuộc linh chỉ nặng về mặt cố sức vun trồng phẩm hạnh con người, như “phải mau nghe, chậm nói, chậm giận”. Sự trọn vẹn thuộc linh phải do Đấng Christ thành hình trong chúng ta, do Đấng Christ sống thay bên trong chúng ta (Ga-la-ti 4:19; 2:20).
Chắc chắn Gia-cơ là người kỉnh kiền, yêu Chúa, khôn ngoan, cầu nguyện, có đức tin, kể là vui khi gặp hoạn nạn, nhưng ông quá thiếu hụt trình độ thần đạo sâu nhiệm, thiếu hụtnhững sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời, còn non nớt trong kinh nghiệm thuộc linh, mà lại tự cất nhắc mình lên địa vị cột trụ hội thánh, thì sự phá hoại chắc chắn sẽ đến.
Trong 10 năm qua, tôi đọc hầu hết các trang websites cơ đốc giáo giới của người Việt chúng ta trên cả trái đất. Lòng tôi trăn trở khi nhìn thấy chúng phản ảnh lời tốt lành, chớ ít có lời công nghĩa. Dân Chúa người Việt chỉ uống sữa, ít có khả năng ăn đồ ăn cứng. Tôi buồn vì các ông Gia-cơ non kém thuộc linh như vậy lại có tham vọng chủ trị cơ nghiệp của Chúa khắp nơi hiện nay.
Sự cai trị của hồn lực con người đem lại sự sợ hãi và sự chết. Đây không phải là “ân điển cũng phải nhơn sự công nghĩa mà làm vua thể ấy, để dẫn đến sự sống đời đời bởi Jêsus Christ, Chúa chúng ta” (Rô-ma 5:21b).
b.    Ảnh hưởng của Gia-cơ
Ga-la-ti 2:4, 12 chép, “vì cớ mấy anh em giả kia lẻn vào rình xem sự tự do mà chúng tôi được trong Christ Jêsus, cốt ý để bắt chúng tôi vào ách tôi mọi. Bởi trước khi mấy kẻ từ Gia-cơ chưa đến, thì ông (Phi-e-rơ) ăn chung với người ngoại bang; nhưng khi họ đã đến thì ông lại lui riêng ra, vì sợ những kẻ chịu cắt bì”.
Ảnh hưởng của Gia-cơ rất lớn trên hầu hết các hội thánh tại Israel và các nơi khác. Ngay cả Phao-lô cũng e dè sự soi mói của họ, còn Phi-e-rơ thì sợ họ.
2. Gia-cơ với sứ đồ Phi-e-rơ:
Trong vương quốc của Đức Chúa Trời luôn luôn có thứ tự thẩm quyền thần thượng. Chúa đặt Môi-se trên A-rôn, Môi-se là quyền bính, còn A-rôn là phát ngôn nhân của Môi-se. Trong Thánh vịnh 77:20, A-sáp nói, “Chúa cậy tay Môi-se và A-rôn mà dẫn dắt dân Ngài như một đoàn chiên”. Tại sao A-sáp không nói A-rôn Môi-se mà nói Môi-se A-rôn? Đó là vì Môi se là thẩm quyền trên A-rôn. Chúa lập Phi-e-rơ trên các sứ đồ, và Ngài thường gọi Phi-e-rơ, Giăng và Gia-cơ đi riêng. Trong 12 chương đầu của sách Công vụ, chúng ta thấy Phi-e-rơ hầu như lãnh đạo công việc Chúa tại Giê-ru-sa-lem và cả xứ. Sau Phi-e-rơ là Giăng; đó là thứ tự thuộc linh mà Chúa đã xếp đặt.
Thế mà đột nhiên, đến đoạn 15 sách Công vụ, quyển lịch sử đầu tiên của Hội Thánh, tác giả Lu-ca cho chúng ta thấy ghế chủ tịch quyền lực của Gia-cơ giữa cuộc Hội đồng các hội thánh, khoảng năm 52 S.C. Dường như sau khi di trú về Giê-ru-sa-lem, Gia cơ đã ngấm ngầm giành giựt quyền lực đầu nhất với Phi-e-rơ, mãi cho đến cuộc hội đồng đó thì ông công khai phơi bày quyền lực của ông trên các sứ đồ và các hội thánh. Tiếng nói của Gia-cơ là tiếng nói có tính quyết định sau cùng.
Tại sao có sự đổi ngôi quyền bính thuộc linh như vậy? Tôi đồng quan điểm với vài học giả như Titus Chu, là Phi-e-rơ đã bị anh em Gia-cơ hạ bệ. Có thể Gia-cơ vin vào nguồn gốc hoàng tộc của mình, và Chúa Jêsus là Anh của ông, nên ông đã thanh trừng sứ đồ Phi-e-rơ ra khỏi quyền lãnh đại tối cao. Những câu Kinh thánh nầy bày tỏ Phi-e-rơ khép nép và run sợ những người tai mắt của Gia-cơ. Thí dụ như câu, “Khi Phi-e-rơ đã trở lên Giê-ru-sa-lem, thì tín đồ trong vòng kẻ chịu cắt bì tranh biện với người, mà rằng: “Anh đã vào nhà kẻ chưa chịu cắt bì và ăn chung với họ!” (Công vụ 11:2-3)—“Bởi trước khi mấy kẻ từ Gia-cơ chưa đến, thì ông (Phi-e-rơ) ăn chung với người Ngoại bang; nhưng khi họ đã đến thì ông lại lui riêng ra, vì sợ những kẻ chịu cắt bì” (Ga-la-ti 2:11-12).
Trong Hội thánh chung trên thế giới và riêng tại Việt nam, tôi đã chứng kiến một số trường hợp hạ bệ ngoạn mục các tôi tớ trưởng thượng của Chúa như vậy. Thời đó Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem đã nhận biết Gia-cơ theo xác thịt, nên đã chấp nhận địa vị thống lĩnh của ông trên tất cả các sứ đồ tiền bối, và trên cả các Hội Thánh giữa vòng người chịu cắt bì, và ông liên tục sai phái những người thuộc đãng cắt bì đi đây, đi đó để soi bói và bắt ép các hội thánh dân ngoại qui phục thẩm quyền mẫu hội Giê-ru-sa-lem.
Anh em phải nhớ rằng Phi-e-rơ lớn tuổi hơn Chúa Jêsus, và chắc cũng lớn hơn Gia-cơ từ 7 đến 10 tuổi. Người mới tin Chúa về sau có thể cầm quyền cai trị trên các tôi tớ lớn tuổi hơn, đang hầu việc Chúa trước họ hay không? Phải chăng Phi-e-rơ phản ánh kinh nghiệm bị người trẻ chà đạp, loại trừ nên ông chua chát viết lời sau đây chăng?—“Vậy, tôi khuyên các bậc trưởng lão giữa anh em, vì tôi đồng là trưởng lão và người chứng kiến về sự khổ hại của Đấng Christ, cũng là kẻ đồng dự phần trong vinh hiển sắp hiển lộ.... Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời ở giữa anh em... cũng chẳng phải là chủ trị cơ nghiệp đã chia cho anh em.... Cũng vậy, hỡi kẻ trẻ tuổi, hãy thuận phục kẻ lớn tuổi. Phải, hết thảy anh em hãy mặc lấy sự khiêm nhường mà hầu việc lẫn nhau, vì “Đức Chúa Trời chống trả kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Phi-e-rơ 5: 1-5). “Chủ trị” là vận dụng quyền lãnh chúa trên hội thánh? Theo văn cảnh, “người trẻ tuổi” đây là các trưởng lão trẻ tuổi, ám chỉ Gia-cơ và Giu-đe. Tôi tin người sứ đồ già nầy đã nói lên nỗi lòng của mình, dùng gương xấu trước mắt để khuyên lơn tất cả các trưởng lão đang cai trị trong hết thảy các Hội Thánh trên khắp đế quốc La-mã thời ấy.
1 Phi-e-rơ 5:13 chép, “Hội thánh tại Ba-by-lôn, là kẻ được chọn với anh em, chào thăm anh em, con tôi là Mác cũng vậy”. Theo nguyên văn Hi-lạp, chữ “kẻ được chọn” ở đây có mạo từ và danh từ đều thuộc giống cái, nên nhiều học giả tin đây là vợ của Phi-e-rơ mà ông dẫn theo trong các chuyến hành trình rao giảng phúc âm của mình. Phao-lô xác nhận việc đó như sau, “Chúng tôi há không có phép dẫn người chị em làm vợ cùng đi với, như các sứ đồ khác, cùng anh em của Chúa, và Sê-pha sao?” (1 Cô-rinh-tô 9:5). Còn Ba-by-lôn ở đây là gì? Một số người tin đó là thành phố Rô-ma, nhưng những người minh mẫn hơn lại tin: vì các địa danh như “Bon-tu, Ga-la-ti, Cáp-ba-đốc, A-si và Bi-thi-ni” ở đầu thơ tín nầy là các địa điểm theo nghĩa đen, thì Ba-by-lôn cũng phải là cố đô của đế quốc Ba-by-lôn trên bờ sông Ơ-phơ-rát. Lu-ca có ghi lại sự việc Phi-e-rơ rời bỏ cổ thành Giê-ru-sa-lem yêu dấu sau khi thoát ngục như sau: “người (Phi-e-rơ) lại dặn rằng: “Hãy tỏ việc nầy cho Gia-cơ và các anh em biết. Đoạn, người lìa chỗ đó qua nơi khác” (Công vụ 12:16-17). Dù bị loại trừ, Phi-e-rơ đã nhẫn nại, cùng vợ ra đi nhiều xứ khác như Bon-tu, Bông, Cáp-ba-đốc, Ba-by-lôn ở Iraq để rao báo tin mừng giữa những người Do thái tản trú. Cám ơn Chúa, nhờ bị Gia-cơ tẩy chay, vợ chồng Phi-e-rơ đã lưu hành truyền giảng Lời Chúa những vùng đất xa xôi đó. Sau gần 40 năm chức vụ như vậy, hôm nay khi đọc hai thư tín của ông, ai trong chúng ta cũng cảm nhận được mức độ trưởng thành thuộc linh của cụ sứ đồ Phi-e-rơ trên 70 tuổi nầy. Ngợi khen Chúa.
3.    Gia-cơ với sứ đồ Giăng
Trải nhiều năm tôi đã luôn thắc mắc tại sao khi thọ hình trên thập tự giá, Chúa Jêsus lại giao thác bà Ma-ri, mẹ của Ngài, cho sứ đồ Giăng phụng dưỡng mà Ngài không giao cho Gia-cơ? Chính Giăng ghi lại câu chuyện thật như sau: “Tại bên thập tự giá của Jêsus có mẹ Ngài, chị em của mẹ Ngài là Ma-ri vợ Cơ-lê-ô-ba, và Ma-ri Ma-đơ-len cũng đứng đó. Jêsus thấy mẹ của Ngài, và môn đồ mà Ngài thương yêu đứng bên cạnh, thì nói cùng mẹ rằng: “Đàn bà kia ơi, kìa là con của bà.” Đoạn, Ngài phán cùng môn đồ ấy rằng: “Kìa là mẹ ngươi!” Từ giờ đó môn đồ ấy rước bà về nhà mình” (Giăng 19:25-27). Tại sao Chúa Jêsus đã không giao thác Gia-cơ, là người sau này tự xưng là nô lệ của Chúa, mệnh danh là bậc quyền bính tối cao của các hội thánh, chăm sóc mẹ của mình? Có phải Ngài đã biết trước về sau Gia-cơ sẽ thiếu bổn phận đối với mẹ của mình, nên Ngài đã giao thác bà cho Giăng chăm sóc chăng?
Titus Chu, một tôi tớ Chúa đang hầu việc Ngài tại vùng Ngũ đại hồ, Hoa kỳ, năm 2010 đã giảng một loạt bài giảng rất có ý nghĩa với chủ đề “Khải thị và khải tượng về Đấng Christ và các hội thánh địa phương”. Trang 44 bản Việt văn ghi lại sự việc bà Ma-ri như sau, “không thể tin nỗi, trong thời gian ở dưới sự thẩm phán của Đức Chúa Trời, Chúa vẫn có thể chăm lo cho mẹ của Ngài. Khi nhìn xem trong ánh sáng của những gì đang diễn ra bên trong Ngài, điều nầy thật cảm động. Hình như không tin cậy những thành viên trong gia đình Ngài như Gia-cơ hay Giu-đe. Jêsus nói, “Giăng, từ giờ trở đi, ngươi hãy chăm sóc mẹ Ta. Đây là sự ủy thác của Ta cho ngươi”. Điều nầy thật khó cho Giăng biết bao! Ông cảm thấy như thế nào khi được yêu cầu làm một điều như vậy? Ông có xem xét thế nào điều đó sẽ cản trở việc ông trở nên sứ đồ đầu nhất không? Nhưng Giăng đã chấp nhận lệnh truyền của Chúa và đem Ma-ri về nhà mình. Gia-cơ, em của Jêsus ở đâu? Các em Ngài chắc đã chạy rồi. Ma-ri không có nhà ai để về. Vì vậy, Giăng đã chăm sóc bà. Một sự ủy thác như vậy là thần thượng nhưng rất thực tiễn, biểu minh rằng ngay cả trên thập tự giá, Jêsus đã vận dụng nhân tính Ngài và sở hữu sự phán đoán thần thượng”.
Khoảng năm 65 S.C., sau khi ra khỏi khám tù La-mã, Phao-lô đã già yếu và sắp tuẫn đạo, nhưng ông đã đặt bút viết về sự phụng dưỡng các quả phụ cô độc, già yếu như sau, “Nhưng nếu bà goá nào có con hoặc cháu, thì để cho chúng trước hết học làm điều thảo đối với nhà mình và báo đáp cha mẹ; Vì điều đó là tốt đẹp và được nhận ở trước mặt Đức Chúa Trời. Người thật goá và cô độc thì đã đặt hi vọng mình nơi Đức Chúa Trời, ngày đêm cứ cầu nguyện nài xin....Ví bằng có ai không săn sóc đến thân thuộc mình, nhứt là người trong nhà mình, thì người ấy đã trái bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa” (1 Ti-mô-thê 5:4-5, 8). Vì sự kiện Giăng phụng dưỡng bà Ma-ri đang phơi bày trước các Hội Thánh đương thời, nên tôi xin hỏi anh em là Phao-lô có ngụ ý Gia-cơ thiếu bổn phận phụng dưỡng mẹ già của mình khi ông viết những lời nặng nề và thẳng thắn như vậy không? Tôi tin là có.
Tôi nghĩ Gia-cơ sống theo truyền thống của tổ phụ mình mà Chúa Jêsus đã từng lên án nặng nề: “Các ngươi thật đã bỏ điều răn của Đức Chúa Trời, để giữ theo di truyền của các ngươi. Vì Môi-se có nói: 'Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi;' lại rằng: 'Ai mắng rủa cha mẹ thì chắc phải chết.' Nhưng các ngươi lại nói rằng: 'Nếu ai nói với cha hay mẹ mình rằng: Điều gì cha mẹ có thể hưởng được nơi tôi, thì đã là cô ban, nghĩa là đã dâng cho Đức Chúa Trời rồi,' thì các ngươi không còn cho người ấy giúp đỡ gì cho cha mẹ nữa. Vậy, các ngươi đã làm cho đạo Đức Chúa Trời ra vô hiệu bởi di truyền của các ngươi dạy” (Mác 7:9-13). Phải chăng Chúa Jêsus thấy trước đời sống thiêng liêng (chứ không thuộc linh) cực đoan, quá mấu của Gia-cơ, một cuộc đời giả hình, bề ngoài ra vẻ nhiệt thành vì Chúa, phụng sự Ngài toàn thời gian, mà bên trong thì gian ác, hư hoại, bất trung, bất nghĩa với mẹ mình? Anh em ơi, tôi thấy một số người như Gia-cơ tại Việt Nam rồi. Thật là đạo đức giả!
Trang 48 và 51 trong tiểu phẩm “Khải thị và Khải Tượng...”, Titus Chu nói tiếp, “Nhiều học giả tin rằng khoảng năm 48 sau Công nguyện, Giăng đã đem Ma-ri ra khỏi Giê-ru-sa-lem và khoảng 20 năm sau đó bà qua đời...”. Đến trang 51 Titus Chu lại nhấn mạnh, “Khoảng hai mươi năm sau khi nếp sống hội thánh bắt đầu tại Giê-ru-sa-lem, Ma-ri và Giăng có thể đã lìa khỏi Giê-ru-sa-lem về vùng quê (Na-xa-rét). Có lẽ ngay cả bà cũng không thể chịu nỗi ảnh hưởng của Gia-cơ nữa. Ông là người thật sự hủy hoại công tác của Chúa, thay thế công tác của Linh bằng công tác của luật pháp, và thay thế ảnh hưởng của Chúa bằng ảnh hưởng của chính mình”.
Thật vậy, sau mấy năm cùng Phi-e-rơ lãnh đạo công việc Chúa tại Giê-ru-sa-lem và giữa vòng người chịu cắt bì, Giăng phải đưa bà Ma-ri về Na-xa-rét tạm trú vì không chịu nỗi quyền lực táo tợn của anh em Gia-cơ, Giu-đe. Có thể Gia-cơ và Giu-đe đã quá khắc nghiệt đối với mẹ của mình, vì họ bỏ lơ bà, mặc dù họ mượn danh nghĩa bận rộn làm công tác của Đức Chúa Trời. Nên có thể bà Ma-ri cũng ủng hộ việc di trú về Na-xa-rét. Vì là anh em bạn dì với Giăng, Gia-cơ không thể thanh trừng Giăng, nhưng lợi dụng sự ủy thác của Chúa cho Giăng, Gia-cơ chuẩn nhận việc bà Ma-ri và Giăng di trú về quê, để anh em ông  tự do thi hành quyền lực, tự tung tự tác.
Một vị sứ đồ khoảng 60 tuổi phụng dưỡng bà cụ 80 tuổi. Dù là người đầu tiên theo Chúa, nay vì bận chăm sóc Ma-ri, Giăng như bị loại bỏ ra ngoài dòng chảy sinh hoạt của các Hội Thánh mãi cho đến năm 70, khi đền thờ và thành phố Giê-ru-sa-lem bị tàn phá. Trước năm 70, Phi-e-rơ và Phao-lô cũng đều tử đạo vào các năm 67 và 68. Có người nói Gia-cơ chết trong dịp quân La mã tàn phá đền thờ năm 70. Đức Chúa Trời đã để dành Giăng cho thời kỳ phụng sự các Hội Thánh “mồ côi” của Ngài sau khi ba nhà lãnh đạo cột trụ đó đều đã chết. Nhờ thời gian khoảng 40 năm phụng dưỡng bà Ma-ri, Giăng học biết nhiều giai thoại kín giấu về Chúa do bà kể lại, được Chúa xử lý và cấu tạo lời Ngài nhất là lẽ thật về “sự sống đời đời”, về “thành thánh Giê-ru-sa-lem mới”, nên sứ đồ Giăng với tuổi 70 đã được Chúa dấy lên một cách tươi mới cho một chức vụ cung cấp Lời Đức Chúa Trời để phục hồi các Hội Thánh suốt 30 năm sau đó. Các tác phẩm của ông chiếm trọn 50 chương trong Tân ước, đã được hình thành từ kinh nghiệm bị Gia-cơ tẩy chay, từ từng trải chịu cô độc phụng dưỡng mẹ của một người khác cách cay đắng và mệt mỏi. Chúa Jêsus đã nói tiên tri về cuộc đời trường thọ và chức vụ của Giăng cho Phi-e-rơ tại bờ biển rồi, “Nếu Ta muốn người đợi cho tới khi Ta đến, thì can gì với ngươi?” (Giăng 21:22).
4.    Gia-cơ với sứ đồ Phao-lô
Công vụ 9 và Ga-la-ti chương 1, 2 bày tỏ Phao-lô tiếp nhận Chúa tại Đa-mách. Sau đó ông đi vào sa mạc Á-rập 3 năm để ở riêng với Chúa. Ông trở lại Đa-mách rồi lên Giê-ru-sa-lem lần đầu tiên sau khi tin Chúa. Ga-la-ti 2:9 nói Phao-lô gặp Gia-cơ lần thứ nhất trong đời. Sau đó 14 năm, tức là sau hành trình truyền giáo lần thứ nhất, Ba-na-ba, Phao-lô và Tít lên Giê-ru-sa-lem dự hội nghị Hội Thánh, khoảng năm 52 S.C. Khấu trừ 14 năm với 3 năm ở Á-rập, vậy có thể Phao-lô tin Chúa vào năm 35 S.C.
Sau mỗi lần hoàn thành một cuộc hành trình truyền giáo, Phao-lô đều đi lên Giê-ru-sa-lem chào thăm hội thánh ở đó và Gia-cơ, để giữ sự tương giao trong Thân Thể hoàn vũ của Chúa. Nhưng Phao-lô có hiểu thấu sự tác hại do địa vị chủ trì của Gia-cơ trên công việc Chúa chăng?
Phao-lô đã từng đối đầu các con người quanh Gia-cơ đang đi đây, đi đó tìm cách “chủ trị đức tin” người khác (2 Cô-rinh-tô 1:24). Theo sự chỉ đạo của Gia-cơ, họ muốn các hội thánh dân ngoại phải vâng giữ luật pháp Cựu ước để làm vững chắc cho sự cứu rỗi của Chúa ban cho. Phao-lô từng ám chỉ những kẻ quanh Gia-cơ là “sứ đồ giả, là kẻ làm công lừa dối, tự mạo làm sứ đồ của Đấng Christ” (2 Cô-rinh-tô 11:11-14). Ông xin Hội Thánh tại La mã cầu nguyện cho ông “được giải cứu khỏi những kẻ không vâng phục tại Giu-đê” (Rô-ma 15:31).
Dầu biết Gia-cơ sai lạc, nhưng vì kính nễ Gia-cơ thuộc hoàng tộc, lại là em Chúa, mà tự nhiên Phao-lô vẫn bị Gia-cơ thu hút. Đó là lý do ông cố lên Giê-ru-sa-lem lần cuối cùng để gặp Gia-cơ, để giữ lễ Ngũ tuần, dầu Chúa đã dùng tiên tri A-ga-bút và nhiều thánh đồ khác cản trở ông. Ông Theodore Austins-Sparks, một giảng sư cơ đốc danh tiếng ở Anh quốc, cho rằng Phao-lô sai lầm trong chuyến đi đó.
Phải chăng trong cơ hội đó, Gia-cơ đã khuynh đảo và gài bẫy Phao-lô, khi ông nói với Phao-lô, “hãy làm theo như chúng tôi nói cho anh: Chúng tôi đây có bốn người đều mắc lời hứa nguyện; hãy đem họ đi, cùng làm lễ tẩy sạch với họ; lại hãy vì họ chịu chi phí để cạo đầu cho họ. Như thế ai nấy đều sẽ biết sự họ đã nghe về anh là không có gì, song rõ anh cũng noi theo khuôn phép, vâng giữ luật pháp vậy” (Công vụ 21:23-24). Việc dâng của lễ đã hoàn tất, mà tay Phao-lô nhúng chàm vào hành vi vâng giữ luật pháp như toàn thể hội thánh người Do-thái tại đó đã thực hành từ nhiều năm qua để phá hủy công việc Chúa cùng phúc âm Tân ước mà Chúa đã ủy thác cho một mình Phao-lô. Đáng sợ thay!
Chúa đã giải cứu Phao-lô, nhưng ông phải vào khám tù. Từ trong ngục thất La-mã, Phao-lô đã viết ba thư tín có trọng lượng thuộc linh là Ê-phê-sô, Phi-líp và Cô-lô-se. Rồi sau khi ra khỏi tù, có lẽ ông đã viết thơ Hê-bơ-rơ. Qua 4 thơ tín nầy, Phao-lô đã khai tử Do thái giáo trong hội thánh, vạch trần và phế thải công việc pha trộn của Gia-cơ trong suốt 35 năm qua. Phao-lô nói, “Hãy coi chừng loài chó, hãy coi chừng kẻ làm việc ác, hãy coi chừng kẻ cắt bì bậy. Vì chúng ta là kẻ chịu cắt bì thật, tức là kẻ cậy Thánh Linh của Đức Chúa Trời mà phụng sự, khoe khoang trong Christ Jêsus, và không tin cậy xác thịt” (Phi-líp 3:2-3). Ai là loài chó? Phao-lô có ngụ ý Gia-cơ là chó chăng? Còn thơ Hê-bơ-rơ nói Chúa dâng thân thể Ngài làm của lễ một lần đủ cả, nên Gia-cơ và những ai còn dâng sinh tế khác để bổ túc, thì những người đó đã “giày đạp Con Đức Chúa Trời, coi huyết của giao ước đã khiến cho mình được thánh hóa là phàm tục, lại khinh miệt Thánh Linh của ân điển, thì anh em tưởng rằng kẻ ấy há chẳng đáng bị hình phạt càng khốn hơn sao? Vì chúng ta biết Đấng đã phán rằng: “Sự thân oan thuộc về ta, ta sẽ báo ứng.” Lại rằng: “Chúa sẽ xét đoán dân Ngài.” Sa vào tay Đức Chúa Trời hằng sống là sự đáng kinh khiếp thay!” (Hê-bơ-rơ 10:29-31).
Đức Chúa Trời sẽ báo thù, trừng phạt những ai dám khinh lờn Thánh Linh, dâng sinh tế lần nữa. Đó là lý do chính đáng để đền thờ và thành thánh bị quân đội La-mã hủy diệt năm 70 S.C, hầu dân Do thái vô tín và hội thánh cơ đốc Do thái tại Giê-ru-sa-lem, đã bị pha trộn thời đó không còn cơ hội dâng sinh tế nữa. Tôi tin rằng sau khi được trả tự do, Phao-lô không còn muốn lên Giê-ru-sa-lem để thăm anh Gia cơ hoàng phái nữa!
5.    Kết luận:
Tôi có cảm tác 4 câu thơ về chức vụ Gia-cơ như sau:
Gia-cơ, em Chúa nổi danh thay,
Đức hạnh, cầu thay nức tiếng rày,
Tân, cựu ước ông pha trộn khéo,
Người quanh ông khủng bố dân Ngài.
Tóm lại, Gia-cơ là một cơ đốc nhân chân chính. Một người kỉnh kiền, yêu mến Chúa. Ông thiếu hụt mặc khải và khải tượng thuộc linh, trình độ thần học thì non kém và ít có những kinh nghiệm sinh tử trong Chúa. Một người hoàng tộc có quá nhiều tham vọng làm đầu, đã dùng lắm thủ đoạn để thi hành quyền lãnh chúa của mình trong nhà của Đức Chúa Trời. Cuối cùng Đức Chúa Trời hằng sống đã loại trừ ông và cứu các hội thánh của Ngài ra khỏi sự pha trộn. Nguyện Chúa dùng bài học nầy cảnh báo chúng ta là những tôi trung đang phụng sự Ngài trong các cộng đồng người Việt khắp mọi nơi trên thế giới hiện nay. Amen.
Sách tham khảo:
- Witness Lee, Crystallization-Study of the Epistle of James, Living Stream Ministry, Anaheim, California, USA, 1995
- Titus Chu, Khải Thị và khải tượng về Đấng Christ và các hội thánh địa phương, Bản Việt Văn, Saigon 2013.
- Footnotes of A recovery version of The New Testament, by Witness Lee, Living Stream Ministry. Anaheim, California, USA, 1991.

Trích nguồn:  http://prayers4vn.net/node/202