Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

VÀI SUY NGHĨ VỀ CUỘC SỐNG LỨA ĐÔI TRONG CHÚA


Nhà cải chánh Giáo Hội, Martin Luther có nói, “Đức Chúa Trời đã đặt tiêu biểu của cuộc hôn nhân ở khắp mọi nơi trong cả cõi sáng tạo. Mọi tạo vật đều tìm được sự hoàn hảo của mình trong tạo vật đương đối kia. Chính các từng trời và trái đất đã minh hoạ điều ấy.

1 

Nói theo một phương diện, Thánh kinh chép một câu chuyện tình thuộc linh và thần thượng giữa Đức Chúa Trời và loài người được cứu chuộc. Đức Chúa Trời chủ động tìm kiếm, theo đuổi và bày tỏ tình yêu của Ngài cùng con người khi Ngài gọi, “hỡi A-đam, con ở đâu?--khi Ngài bày tỏ tình thương của mình với con người: “Phải, Ta đã lấy sự yêu thương đời đời mà yêu ngươi-- Ta sẽ cưới ngươi cho Ta đời đời; Ta sẽ cưới ngươi cho Ta trong sự công bình và chánh trực, nhân từ và thương xót. Phải, Ta sẽ cưới ngươi cho Ta trong sự thành tín, và ngươi sẽ biết Đức Giê-hô-va” (Giê-rê-mi 31:3; Ô-sê 2”19-20). Ngài cũng cật vấn tình yêu hồi đáp của con người khi Ngài hỏi Phi-e-rơ, “ngươi có thương Ta hơn những kẻ nầy chăng?”. Con người đã yêu Chúa, vì Ngài đã thương con người trước. Sứ đồ Giăng cũng có nói đến tính chung thuỷ trong tình thương của Chúa dành cho Hội Thánh như sau,“Ngài đã thương yêu kẻ thuộc về mình trong thế giới, thì cứ thương yêu họ đến cuối cùng” (Giăng 13:1). Kết quả là ngày hôn lễ của Chiên Con sẽ đến, và Vợ Mới của Ngài “ đã tự sửa soạn rồi” (Khải-thị 19:7). Cuộc hôn nhân thần thượng nầy là nến tảng và khuôn mẫu cho đời sống lứa đôi của tín đồ hôm nay.



Về hôn nhân của người được chuộc, Chúa từng nói “loài người ở một mình thì không tốt”. Hôn nhân là giềng mối, là cơ sở trọng yếu, qua đó Đức Chúa Trời sử dụng để hoàn hảo con dân Ngài hầu họ có thể sống đạo cách đẹp lòng Chúa, tức là họ thi hành được mục đích mà Ngài đã dự định cho họ.


2 
Tình yêu chân chính là điểm xuất phát và là nền tảng bền vững của mọi cuộc hôn nhân trong Chúa. Kinh thánh đã minh hoạ cho chúng ta sự tao ngộ của đôi bạn Gia-cốp & Ra-chên. Khi vừa gặp nhau lần đầu, họ cảm thấy hợp nhãn, hợp hồn, phải lòng với nhau, bị thu hút với nhau. Khi tôi còn nhỏ tôi có học một bài ca dao, có chép mấy câu như sau:

Trời mưa cho ướt lá khoai,
Công anh làm rễ đã hai năm liền.
Tháng bảy mưa dại, gió day,
Cất lấy gàu nước, chân tay rụng rời.

Tình yêu chân thật của Gia-cốp dành cho Ra-chên rất sâu đậm, đến nỗi dù phải ở rể 7 năm để được cưới nàng, thì chàng cũng coi thời gian dài đằng đẵng ấy bằng đôi ba bữa. Năm đó Gia-cốp được 77 tuổi, thế mà 70 năm sau, trong giờ phút lâm chung, Gia-cốp vẫn còn nhắc đến tên Ra-chên cách trìu mến chung với niềm luyến tiếc đau thuơng vì nàng đã ra đi trước ông quá lâu rồi. Không có tình yêu chân thật, bền vững như vậy, đừng mong có được cuộc hôn nhân hạnh phúc và bền lâu.


3
Một tôi tớ cao niên trong Chúa có khuyên các bạn thanh niên như sau: “trước khi quyết định kết hôn với ai, bạn phải bình tỉnh mở to đôi mắt nhìn kỹ đối tượng mình đang theo đuổi, đừng để tình cảm làm mù quáng bạn khi quan sát đối tác ấy. Nhưng sau khi cưới nhau rồi, bạn cần nhắm mắt trước các khuyết điểm của người phối ngẫu đang dần dần phơi bày ra trước mặt bạn. Hãy nhắm mắt lại, và chấp nhận các điểm yếu của bạn mình, bạn mới sống hạnh phúc được”.


4 
Ai cũng biết sức mạnh của con tim thôi thúc như thế nào khi hai bạn đã yêu nhau. Thậm chí vua Solomon còn phải nói, “ái tình mạnh như sự chết”. Nên tôi khuyên các bạn, hễ không yêu thì thôi, một khi đã yêu bạn mình rồi, trừ khi sống cách xa nhau và bận học hành gì đó nan giải, bạn phải lo kết hôn sớm, trong vòng 6 tháng hoặc trễ lắm là một năm. Tôi đã từng thấy nhiều đôi bạn yêu nhau tốt đẹp, không lo cưới hỏi, lại thường gặp nhau luôn. Sau chừng vài năm, phần lớn các đôi uyên ương đó đều đổ vỡ trong đau thương hoặc tội lỗi.


5
Tôi nghĩ bạn đã nhiều lần nghe mục sư chủ lễ hôn phối đọc “Hỡi người làm chồng, hãy thương yêu vợ mình, cũng như Đấng Christ đã thương yêu Hội thánh”- Nhưng tôi nghi ngờ bạn thật sự hiểu hết ý nghĩa mệnh lệnh nầy của Chúa. Trong Kinh thánh Hi-lạp, động từ yêu thương có hai chữ khác nhau. Một là. Agapáo, tiếng Việt tương đương là “thương” và thứ hai, Philéo, Việt ngữ tương xứng là “yêu”. Agapé là tình thương thần thượng, vì Giăng 3:16 khải thị Đức Chúa Trời thương thế nhân, và Ê-phê-sô 5: trên đây cũng nói Đấng Christ thương Hội Thánh. Chồng phải thương vợ mình bằng tình thương của chính Đức Chúa Trời. Khi vợ còn trẻ đẹp, chồng dễ dàng yêu vợ, nhưng khi đã về già, nhan sắc vợ tàn phai, hoặc dị dạng, chồng còn có thể thương vợ mình nữa không?

Nữ tâm lý gia Katherine Anne Porter, Hoà Kỳ có nói, “tình yêu phải được học tập, và phải cứ học tập lại, học tập lại lần nữa, việc học tập nầy không thể chấm dứt. Còn sự ghen ghét, không cần được giáo dục, nhưng nó chỉ chờ được chọc tức là phát lên”. 

Bạn ơi, “học” là bắt chước, như con khỉ bắt chước lối cư xử của con người, nhưng con khỉ không có sự sống của con người. Bắt chước là vận dụng năng lực ý chí thiên nhiên để thương yêu. Tôi không tin như vậy. 

Ê-phê-sô và Cô-lô-se là hai sách chị em, song hành, đương đối nhau. Ê-phê-sô 5 nói sau khi được đầy dẫy Đức Thánh Linh thì có các kết quả tự nhiên là hát ngợi khen Chúa, chồng thương vợ, vợ thuận phục chồng, con cái vâng phục cha mẹ, tôi tớ kính phục chủ mình..v..v.. Còn Cô-lô-se 3 nói phương diện khác, hễ ai đầy dẫy Lời Chúa, mà Lời là Linh, thì tự phát cũng có các kết quả như vừa nói ở trên. Cho nên sống thương yêu vợ là sếp sống tự động của người đầy Linh và Lời Chúa thường xuyên. Con người chúng ta vốn ích kỷ, nó chỉ có khả năng tự ái, thương chính mình, chớ có thương ai đâu. Chúa Jêsus ba lần chất vấn Phi-e-rơ về tình thương agapé của ông có dành cho Chúa hay không, ông run sợ và chỉ dám nói con chỉ “yêu” (philéo) Ngài mà thôi. Tình yêu Philéo là tình yêu anh em, tình yêu bạn bè. Tình yêu nầy cũng quí giá, nhưng không phải là tình thương thần thượng mà con dân Chúa cần có trong đời sống lứa đôi của họ.


6
Phao-lô nói trong Ê-phê-sô 5:22 và 6:1,“Hỡi kẻ làm vợ, hãy thuận phục chồng mình như là đối với Chúa--Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa”. Rồi sứ đồ Phi-e-rơ cũng nói trong thơ tín thứ nhất của ông, “Cũng vậy, hỡi những người làm vợ, hãy thuận phục chồng mình--Sa ra vâng phục Áp-ra-ham, gọi ông là chúa” (câu 1, 6). 

Đại đa số con dân Chúa không phân biệt được hai từ ngữ “thuận phục” (submit-subject) và “vâng phục” (obey) trong vai trò người vợ. Anh em coi lại Kinh thánh, để xem vị sứ đồ có bảo các chị em vâng phục chồng của họ chăng? Hai khúc Kinh thánh nầy nói con cái vâng phục cha mẹ mình, bà Sa-ra vâng phục Áp-ra-ham và gọi ông là chúa. Nhưng hai sứ đồ chỉ bảo các bà vợ thuận phục chồng mình mà thôi. Thuận phục là thái độ của tấm lòng, vâng phục là làm theo lệnh truyền. Sự thuận phục phải tuyệt đối, sự vâng phục chỉ tương đối. Có thể các chị em sẽ không vâng phục chồng mình trong vài việc tiêu cực nào đó, nhưng đang khi không vâng lời chồng, các chị em vẫn phải tỏ ra thái độ thuận phục, tôn kính chồng mình. Đức Chúa Trời không cho phép các bà vợ cai trị chồng mình, nhưng phải thuận phục, tôn kính chồng và vui lòng đứng địa vị thứ hai sau chồng. Cũng đừng có ai thiết lập chế độ “chồng chúa vợ tôi” mà trong đó người vợ răm rắp vâng phục lời phán của một đức quân vương độc tài.

Tôi thấy phần đông các bà vợ đánh giá và tôn kinh chồng người khác, do đó vị sứ đồ nói rõ là thuận phục chồng của mình (your own husband), bất kể chồng mình ra sao. Cùng nguyên tắc, khi nói với các ông chồng, Phao-lô cũng khuyên họ thương các bà vợ của họ. Nếu chúng ta khao khát sống theo thực tại, tình thương và sự sáng thần thượng, chúng ta không nên so sánh chồng hay vợ mình với người phối ngẫu của người khác, để tránh bị cám dỗ đứng núi nầy trông núi nọ.


7
Với tư cách người tôi tớ hèn mọn của Chúa, có tuổi gần cổ lai hi, đã từng thấy và nghe nhiều đời sống lứa đôi trong Chúa, tôi có lời mạnh mẽ khuyên các bạn như sau:

Hê-bơ-rơ 13:4 chép, “Mọi người phải tôn trọng hôn nhân, đừng làm ô uế chốn loan phòng, vì Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt kẻ gian dâm và ngoại tình”. Tính dục là quà tặng của Chúa ban cho đôi lứa. Nhiều bạn trẻ có quan niệm lệch lạc về tính dục. Con dân Chúa được quyền vui hưởng nó trong hôn nhân thánh khiết của mình như lời vua Sa-lô-môn xác nhận trong Truyền-đạo 9:10. Nhưng nếu các bạn không sợ Chúa, không biết tự chế thì sự lạm dụng tình dục sẽ xảy ra trong tội ngoại tình hoặc tà dâm. Đây là hai tội lỗi mà phần nhiều các bạn không phân biệt được. Ngoại tình có thể là tội lỗi của những ai đang có gia đình. Còn tội tà dâm hay gian dâm có thể là tội lỗi của ai đó mà không có gia đình.


Phao-lô nghiêm khắc dạy dỗ nếu tín đồ không có ân tứ sống độc thân, không thể “thìn mình” (tự chế--self-control) được thì nên lập gia đình, “vì thà cưới gã còn hơn là để cho lửa tình un đốt” rồi phạm tội tà dâm thì nguy hại hơn nhiều.

Minh Khải—Việt nam 2-10-2013
Trich Nguon http://www.songdaoonline.com/?com=vuonedenmoi&mod=news&news=2440