Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

Nhã Ca 3- HOA HUỆ TRONG CÁC THUNG LŨNG


“Trong khi vua ở tại bàn của chàng, dầu cam tòng của tôi tỏa hương thơm ngát. Với tôi, người yêu dấu của tôi là bó một dược nằm giữa ngực tôi lúc ban đêm. Với tôi, người yêu dấu của tôi là một chùm hoa phụng tiên trong các vườn nho En-gedi. Ô, người yêu của ta, nàng xing đẹp thay! Ô, nàng xinh đẹp thay! Đôi mắt nàng tựa bồ câu. Ô, người yêu dấu của tôi, chàng thật đẹp đẽ; thật dễ chịu thay! Thật vậy, chiếc trường kỷ của chúng ta màu xanh. Xà nhà của chúng ta bằng gỗ hương nam; các thanh rui bằng gỗ cây tùng. Tôi là một đóa hoa hồng Sharon, một bông hoa huệ trong các thung lũng”. (Nhã Ca 1:12-2:1)

“TRONG KHI VUA Ở TẠI BÀN CỦA CHÀNG”
Trong câu 12 chương 1, Shulammite nói: “Trong khi vua ở tại bàn của chàng, dầu cam tòng của tôi tỏa hương thơm ngát”. Người tìm kiếm yêu dấu này đề cập đến vua hai lần trong giai đoạn kinh nghiệm đầu tiên này của nàng. Lần thứ nhất nàng đề cập đến chàng là trong câu 4, khi vua đem nàng vào trong các căn phòng của chàng. Nàng nhận lấy Chúa làm vua của mình vì Ngài đã đem nàng vào trong sự yên nghỉ và thỏa mãn bên trong. Trong một bầu không khí như vậy, nàng đã vui hưởng tình yêu của Ngài. Lần thứ hai nàng đề cập đến vua là trong câu 12 này, khi nàng cho chúng ta biết vua đang ở tại bàn của chàng. Bây giờ người tìm kiếm đã kinh nghiệm đôi chút về công tác của thập tự giá. Chúa đã làm cho nàng các bím tóc bằng vàng với đôi hoa tai bằng bạc. Nàng biết rằng Đức Chúa Trời ao ước công tác trong nàng để nàng có thể đánh giá cao sự phong phú của Đấng Christ trong người khác. Bây giờ nàng ở dưới quyền bính của Ngài và không còn ở trong giai đoạn coi mình là trung tâm trong sự tím kiếm của nàng.
Người tìm kiếm đã tăng trưởng đôi chút giữa hai lần đề cập đến vua này. Lần này nàng không nói rằng nàng ở tại bàn với vua. Nàng không nói: “Tôi đã ở tại bàn của vua”, hoặc “Vua đã đem tôi đến bàn của chàng”. Ngợi khen Chúa về sự chuyển đổi quý báu này! Nàng đã kinh nghiệm một sự chuyển dời từ việc tập trung vào chính mình trong sự tìm kiếm của nàng đến việc tập trung vào chính Chúa.
Anh chị em ơi, làm thế nào anh chị em có thể đạt đến điểm mà tại đó anh chị em có thể nói: “Vua đang ở tại bàn của chàng?” Làm thế nào anh chị em biết được mình đã kinh nghiệm sự chuyển dời từ sự cai trị của bản ngã đến sự cai trị của Vua? Theo các câu 7-11, cố bốn nguyên tắc mà anh chị em phải áp dụng. Thứ nhất, anh chị em phải đi ra “theo các dấu chân bầy”. Thứ hai, anh chị em phải “chăn thả các dê con của mình bên các lều trại của những người chăn”. Thứ ba, anh chị em cần để Đức Chúa Trời làm cho mình “các bím tóc bằng vàng”. Và thứ tư, anh chị em cần để Đức Chúa Trời làm cho mình “các bím tóc... với đôi hoa tai bằng bạc”. Bốn nguyên tắc này xác định anh chị em có là một người có thể kinh nghiệm điều được trình bày bởi cụm từ “Vua đang ở tại bàn của chàng” hay không.
Ở giai đoạn này, khi các anh em trao cho anh chị em một sự giúp đỡ nào đó, anh chị em sẽ cảm thấy chính Chúa là Đấng có được sự thỏa mãn chứ không phải anh chị em. Không phải anh chị em là người có được sự vui hưởng mà là Chúa. Anh chị em sẽ đầu phục Chúa hơn nữa, và Ngài sẽ có khả năng công tác trong anh chị em cách tự do hơn nữa. Anh chị em ơi, điều này thật đặc biệt. Khi đi ra theo các dấu chân bầy, anh em chị em trở nên khác biệt. Khi sống bên các lều trại của những người chăn, anh chị em được thay đổi. Khi thập tự giá công tác trong anh chị em và sự cứu chuộc của Đấng Christ được hoàn thành trong anh chị em thì một sự chuyển đổi xảy ra. Vua bắt đầu cai trị trong lòng anh chị em, và anh chị em trở nên sự vui hưởng của vua.
“DẦU CAM TÒNG CỦA TÔI TỎA HƯƠNG THƠM NGÁT”
Vua vui hưởng điều gì khi Ngài ở tại bàn Ngài? Sự vui hưởng là Đấng Christ và thức ăn cũng là Đấng Christ. Chỉ Đấng Christ mới có thể làm thỏa mãn Đức Chúa Trời. Về một mặt, dường như chúng ta không quan trọng khi chúng ta nhận biết vua đang ở tại bàn ngài. Tuy nhiên, chúng ta không được cho biết loại thức ăn nào được bày biện trên bàn của vua. Trái lại, chúng ta được cho biết rằng trong khi vua ở tại bàn ngài, “Dầu cam tòng của tôi tỏa hương thơm ngát”. Điều mà Christ đã hoàn thành không phải là trung tâm ở đây. Thay vào đó, chúng ta là trung tâm của công tác Đấng Christ trước mặt Đức Chúa Trời. Mặc dù chính Chúa là Đấng đang ở tại bàn, nhưng chúng ta cũng ở đó như kết quả của công tác Ngài. Cụm từ này: “Dầu cam tòng của tôi tỏa hương thơm ngát” phải làm cho chúng ta vui mừng dầy dẫy. Trước đó Shulammite đã nói: “Danh chàng giống như dầu xức”. Bây giờ nàng nói: “Trong khi vua ở tại bàn của chàng, dầu cam tòng của tôi tỏa hương thơm ngát”. Đây thật là một kinh nghiệm kỳ diệu!
Cụm từ “danh chàng giống như dầu xức” chỉ ra rằng Chúa chúng ta không chỉ phong phú nhưng cũng đã diễn tiến; Ngài đã trở nên một con người, chịu khổ, đổ huyết, bị đóng đinh, trải qua sự chết, và đã được phục sinh. Ngài đã đi đến thập tự giá và chết cho chúng ta. Công tác của Ngài tỏa ra hương thơm, vì vậy chúng ta có thể nói: “Danh chàng giống như dầu xức”. Tuy nhiên, bây giờ Shulammite có thể nói, dầu cam tòng của tôi tỏa hương thơm ngát vì sự thỏa mãn của vua.
TỎA HƯƠNG THƠM NGÁT BẰNG CÁCH CHỊU PHÁ VỠ
Chúng ta cảm tạ Chúa vì Ngài công tác trong chúng ta và phá vỡ chúng ta. Chúng ta không còn là những gì chúng ta đã là trước đây. Chúng ta không còn là những người chỉ đơn thuẩn nhiệt thành cho Chúa và chỉ muốn có Chúa vì sự vui hưởng riêng của mình. Bây giờ chúng ta có một “vết sẹo” từ công tác của Ngài trên chúng ta. Chúa đã công tác một chút và đã thay đổi chúng ta. Chúng ta tỏa ra hương thơm từ vết sẹo này, và bản thể chúng ta được thay đổi. Điều Chúa đánh giá cao là hương thơm này. Chỉ dâng một điều gì đó cho Chúa và lao tác cho Ngài thì không đủ. Chúng ta cũng cần được Chúa xử lý. Chỉ khi chúng ta bị phá vỡ thì sự sống kỳ diệu này mới có thể tuôn ra từ chúng ta. Chỉ khi ấy dầu cam tòng của chúng ta mới có thể tỏa ngát hương thơm. Hương thơm này không chỉ làm thỏa mãn các thánh đồ mà còn làm thỏa mãn Vua là Đấng ngồi nơi bàn Ngài.
Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng chính người tin đã nói điều này chứ không phải Chúa. Một người mới bắt đầu học tập các bài học về thập tự giá chỉ mới được Chúa xử lý đến một mức độ nào đó. Mặc dù dầu cam tòng của nàng tỏa hương thơm ngát, nhưng đó chưa phải là hương thơm dầy đủ. Hơn nữa, mặc dù vua là đối tượng của hương thơm, nhưng Shulammite vẫn chưa quên chính mình. Nàng vẫn chưa bị đánh mất trong Chúa.
“VỚI TÔI, NGƯỜI YÊU DẤU CỦA TÔI LÀ BÓ MỘT DƯỢC”
Trong câu 13, người tìm kiếm nói: “Với tôi, người yêu dấu của tôi là bó một dược nằm giữa ngực tôi lúc ban đêm”. Nếu anh em kinh nghiệm một điều gì đó về các sự xử lý và công tác phá vỡ của thập tự giá, anh em sẽ rất quý báu điều đó. Khi chạm đến thập tự giá mà Chúa đã đo lường cho anh em, dầu cam tòng của anh em sẽ tự phát tuôn ra. Khi thập tự giá công tác trên anh em, anh em sẽ được thay đổi. Anh em sẽ thuộc về trời nhiều hơn nữa. Vào lúc đó anh em có thể làm cho Đức Chúa Trời thỏa mãn đôi chút, vì anh em thêm sẵn lòng để cho thập tự giá thực hiện công tác, và thân vị của anh em càng vì Chúa hơn nữa. Vào lúc ấy, anh em có thể làm chứng: “Với tôi, người yêu dấu của tôi là bó một dược nằm giữa ngực tôi lúc ban đêm”.
Một dược biểu trưng cho sự chết. Câu 13 khải thị rằng người tìm kiếm xem công tác của sự chết. Chúa là một điều gì đó thật quý báu. Trước điều này, nàng đã quý báu tình yêu của Chúa hơn mọi điều khác. (“Vì tình yêu chàng ngon hơn rượu. Chúng tôi sẽ ca tụng tình yêu chàng hơn cả rượu”). Tuy nhiên, ở đây người yêu dấu của nàng đã trở nên bó một dược đối với nàng. Nàng đã đi đến chỗ nhận thức ý nghĩa sự chết của Chúa.
Ban đầu, kinh nghiệm Chúa của chúng ta chính yếu là một điều gì đó của tình yêu. Chúng ta đã được tình yêu của Chúa và vẻ đáng yêu của Ngài lôi cuốn. Chúng ta đã thấy Chúa xứng đáng để chúng ta theo đuổi. Dần dần, chúng ta khám phá ra rằng sự chết của Chúa là sự thực tại hóa của tình yêu Ngài trong chúng ta. Ngoài việc thực tại hóa sự chết của Chúa, chúng ta không thể biết ý nghĩa của tình yêu Ngài. Làm thế nào chúng ta có thể kinh nghiệm tình yêu của Ngài? Đó là bởi việc chúng ta chết cùng với Ngài. Càng chết, chúng ta càng kinh nghiệm tình yêu của Ngài và càng kinh nghiệm sự phong phú của tình yêu Ngài sâu hơn. Khi được đặt vào trong sự chết của Ngài, chúng ta được đặt vào trong tình yêu của Ngài. Nếu liên tục sống trong sự chết của Chúa, chúng ta liên tục sống trong tình yêu của Ngài.
“...NẰM GIỮA NGỰC TÔI LÚC BAN ĐÊM”
“Lúc ban đêm” trong câu này chỉ về thời điểm trước bình minh. Nói cách khác, Chúa vẫn chưa đến. Trước khi Chúa đến, trời vẫn còn ban đêm, và trong đêm dài này, tôi sẵn lòng nhận lấy một dược này làm trung tâm của đời sống tôi. Vì vậy, sự chết của Chúa ở “giữa ngực tôi”.
Ông Watchman Nee đã giải thích ngực đại diện cho đức tin và tình yêu (xem 1 Thes. 5:8). Thật ra, chúng ta cũng có thể nói ngực đại diện cho sự biểu lộ của sự sống trưởng thành. Trong diễn trình tăng trưởng trong sự sống của mình, chúng ta tiến bộ vói đức tin và tình yêu qua kinh nghiệm của mình về sự chết của Chúa. Sự quý báu của sự tăng trưởng trong sự sống ở với sự chết này. Nếu kinh nghiệm một dược này, tôi sẽ tăng trưởng trong sự sống và sẽ trở nên trưởng thành hơn trong sự sống. Khi kinh nghiệm một dược, tôi có thể đứng vững hơn trước mặt Đức Chúa Trời. Vì vậy người tìm kiếm làm chứng: “Chúa ôi, tôi cần sự chết của Ngài. Tôi không cầu nguyện để xin quyến năng lớn hơn; điều tôi cần là sự chết sâu hơn”.
Khi theo Chúa, chúng ta cần quý báu điều Chúa quý báu và yêu điều Ngài yêu. Chỉ khi bước theo Ngài cách nghiêm túc chúng ta mới có thể tiếp tục đi theo Ngài qua các loại môi trường khác nhau mà Ngài đo lường cho chúng ta. Một người không biết thập tự giá thì chưa biết yêu Chúa có nghĩa là gì. Khi đụng chạm một điều gì đó, người ấy có thể hô la: “Bây giờ tôi thấy rồi! Hallelujah, amen!” nhưng sau đó người ấy vẫn sống cuộc đời của người ấy theo cách của mình. Một người thật sự theo Chúa nhận thức ý nghĩa của “ban đêm” và chỉ có một niềm ao ước, đó là bình minh sẽ ló dạng.
Hầu hết mọi người đều thích ban ngày hơn ban đêm. Chúng ta có một nan đề là chúng ta thường không cảm thấy mình đang ở vào lúc ban đêm. Thay vì vậy chúng ta nghĩ rằng ban ngày vẫn còn kéo dài nhiều giờ nữa, và vì vậy mọi điều không làm chúng ta lo lắng; chúng ta cảm thấy rất tự tin và đầy khả năng, do đó chúng ta không cảm thấy cần sự hiện diện của Chúa. Rất ít người trong số chúng ta có cảm nhận là chúng ta đang ở vào ban đêm.
Chỉ những người nhận thức mình đang ở vào ban đêm mới cần sự chết của Chúa, được đại diện bởi một dược. Nếu anh em không cảm thấy mình đang ở vào ban đêm thì sự chết không có nhiều cơ hội để vận hành trong anh em, do đó sẽ có rất ít công tác sâu hơn của thập tự giá. Một người thật sự đi theo Chúa chỉ ao ước Chúa trở lại. Người ấy chỉ sống vì Chúa. Vì người ấy nhận thức rằng mình đang sống vào ban đêm nên các đợt thủy triều thuộc đất không làm cho người ấy nao núng.
Khi Watchman Nee 22 tuổi, anh đã viết hymn #468 (trong thánh ca tiếng Hoa, chưa được dịch sang Anh ngữ). Trong bài thánh ca ấy, anh bày tỏ niềm ao ước là đời sống và công tác của anh sẽ có thể vượt qua lửa và sự kiểm tra của Chúa trước ngai thẩm phán của Ngài. Mỗi ngày anh đều cảm thấy đời sống của mình là vì Chúa và sự đến của Ngài. Anh hi vọng điều anh đã thực hiện trong cuộc đời này có thể vượt qua sự thử nghiệm trước mặt Chúa vào ngày đó. Vì cớ niềm ao ước và thái độ này mà đối với anh, Đấng Yêu Dấu của anh là bó một dược giữa ngực anh lúc ban đêm.
“MỘT CHÙM HOA PHỤNG TIÊN                                                                TRONG CÁC VƯỜN NHO EN-GEDI”
Người tìm kiếm của Chúa tiếp tục: “Với tôi, người yêu dấu của tôi là một chùm hoa phụng tiên trong các vườn nho En-gedi”. Hoa phụng tiên không dễ nhận thấy, nhưng giữa những tán lá xanh của vườn nho thì chúng có thể nổi bật lên. “Với tôi, người yêu dấu của tôi là một chùm hoa phụng tiên” có thể được dịch nghĩa thành: “Tôi quý báu Chúa tôi trong lòng tôi, và Ngài quá đẹp đẽ đối với tôi”.
En-gedi là một nơi trong đồng vắng mà David đã chạy đến để tìm nơi ẩn náu khỏi Saul. Theo Watchman Nee, “En-gedi” có nghĩa là “nguồn mạch của chiên con”. Khi chúng ta đang chờ đợi Chúa và kinh nghiệm sự chết của Ngài, thì về một mặt Ngài là nơi ẩn náu của chúng ta, mặt khác Ngài là nguồn mạch sự sống của chúng ta trong đồng vắng. Ngày nay chúng ta nên sống như thế nào trên đất này? Cách sống của chúng ta phải tuyệt đối ở trong Chúa. Về một mặt, Ngài là nguồn mạch và nguồn cung ứng sự sống của chúng ta - Ngài làm dịu cơn khát của chúng ta và chăm lo cho các nhu cầu của chúng ta. Mặt khác, Chúa là nơi trú ẩn của chúng ta - chúng ta có thể tin cậy Ngài trong bất cứ tình huống nào. Khi có một môi trường khó khăn, chúng ta có thể giấu mình trong Ngài. Điều quan trọng không phải là sức lực của chúng ta, nhưng là chúng ta có thể núp trong Ngài và kinh nghiệm Ngài như nguồn mạch, như nguồn cung ứng sự sống của chúng ta.
“Ô, NGƯỜI YÊU CỦA TA, NÀNG XINH ĐẸP THAY!”
Trong câu 15, vua thốt lên: “Ô, người yêu của ta, nàng xinh đẹp thay! Ô, nàng xinh đẹp thay!” Truóc đó vua nói với Shulammite rằng nàng xinh đẹp nhất trong các người nữ (c. 8), có nghĩa là nàng đặc biệt và được biểu lộ thậm chí giữa vòng những người được cứu khác. Tuy nhiên, lần này lời của vua là: “Ô, người yêu của Ta, nàng xinh đẹp thay!” Nàng tỏa hương dầu cam tòng thơm ngát, và nàng đã kinh nghiệm sự chết của Ngài. Nàng vui hưởng Chúa như nguồn cung ứng sự sống của mình và giấu mình trong Ngài. Những điều này làm cho Chúa đánh giá cao.
Chúng ta thường rất nông cạn. Khi có thập tự giá cho chúng ta, cảm nhận của chúng ta là Chúa đang đánh đập chúng ta vì chúng ta đã làm sai một điều gì đó. Tôi nghĩ: “Ngài đang kỷ luật tôi vì tôi xấu. Chúa đang phá vỡ tôi vì tôi tồi tệ. Tất cả đều do tôi là một người cố chấp như vậy”. Tuy nhiên, Chúa nói: “Nàng xinh đẹp thay! Ô, nàng xinh đẹp thay!” Chúng ta nghĩ rằng mình quá tệ hại không thể tương xứng với Chúa. Nhưng Chúa nói: “Đừng tập trung vào sự yếu đuối của ngươi. Ta không để ý đến sự yếu đuối, thất bại và ô uế của ngươi. Khi ngươi vui hưởng Ta như nguồn mạch sự sống và ẩn núp trong Ta thì ngươi xinh đẹp”.
Anh chị em ơi, đây là một lời khen ngợi quý báu thay! Câu này dành cho mọi người mà đối với họ, Đấng Yêu Dấu của họ là bó một dược. Câu này không chỉ dành cho các thánh đồ trung tín như những người ở trong đêm, nhưng cũng cho những người nhận thức vẻ đẹp của hoa phụng tiên và sống trong các vườn nho En-gedi. Nói cụ thể, câu này dành cho những người xem chính mình quá yếu đuối đến nỗi họ chỉ có thể nương dựa vào sự chết của Chúa và ao ước rằng Chúa sẽ công tác trong họ sâu hơn nữa.
Rất ít người trong chúng ta có thể khiến Chúa thốt ra lời khen ngợi đặc biệt này. Chúng ta thường nghĩ rằng kinh nghiệm của mình về sự sống của Chúa khá là thích đáng. Nhưng tôi muốn hỏi, chúng ta thật sự dâng cho Chúa bao nhiêu? Chúng ta thật sự ao ước Chúa bao nhiêu? Hay chúng ta chỉ tập trung vào công tác hoặc vào những điều người khác nghĩ về chúng ta? Chúng ta cần nhớ rằng bất kể chúng ta lao tác hay nhiệt thành bao nhiêu, chúng ta vẫn cần lưu lại En-gedi. Bất kể chúng ta bận rộn bao nhiêu, chúng ta vẫn phải sống trong “ban đêm”. Khi ấy Chúa sẽ nói rằng chúng ta xinh đẹp. nguyện Chúa soi sáng chúng ta và khải thị ý định và niềm vui thích của Ngài cho chúng ta.
“ĐÔI MẮT NÀNG TỰA BỒ CÂU”
Kế đến, Chúa nói với Shulammite: “Đôi mắt nàng tựa bồ câu”. Ở điểm này, đặc điểm của người theo đuổi là đôi mắt nàng giống như bồ câu. Điều này chỉ về cả cái nhìn thấu suốt thuộc linh lẫn sự thuần khiết của nàng. Một người có đôi mắt giống như bồ câu thì thuần khiết - người ấy chỉ nhìn thấy Chúa. Một người thuần khiết có cái nhìn thấu suốt thuộc linh, và một người có cái nhìn thấu suốt thuộc linh dễ dàng trở nên thuần khiết hơn.
Điều đầu tiên Chúa đề cập đến trong lời khen ngợi người tìm kiếm là đôi mắt nàng giống như bồ câu. Nàng đã trải qua một số tình huống. Nàng đã chăn thả các dê con, vì vậy nàng rất bận rộn. Tuy nhiên, mắt nàng chỉ có thể nhìn thấy Chúa. Nàng không thể đồng thời nhìn thấy cả Chúa lẫn công tác của nàng. Nàng chỉ đơn giản đi theo Chúa theo thị lực thuộc linh của nàng, chứ không phải tình huống bên ngoài.
Nếu anh em thật sự đi theo Chúa, nếu anh em thật sự bước đi trong sự sống, Chúa sẽ hỏi anh em: “Ngươi có thị lực thuộc linh không?” Đặc điểm dễ thấy đầu tiên ở một Cơ Đốc nhân lành mạnh là người ấy có đôi mắt giống như bồ câu. Cái nhìn thấu suốt thuộc linh là nền tảng cho việc đi theo và phục vụ Chúa của chúng ta. Nếu không có cái nhìn thấu suốt thuộc linh, chúng ta không thể phục vụ Chúa cách lành mạnh. Thị lực thuộc linh của anh em càng tốt thì anh em sẽ càng có một sự theo đuổi lành mạnh, và anh em cũng sẽ càng có khả năng dẫn dắt các thánh đồ cách đúng đắn.
Nếu anh em “thiển cận” về mặt thuộc linh, Đức Chúa Trời sẽ không thể phát ngôn với anh em cách sáng tỏ, Ngài cũng không thể hiện ra với anh em. thí dụ, khi Eli về già, mắt ông bị mờ, vì vậy không có khải tượng về Chúa qua sự phục vụ của ông (1 Sam. 3:1). Nếu không sẵn lòng trả giá cho Chúa, anh em sẽ không có cái nhìn thấu suốt thuộc linh. Một khi anh em lập các kế hoạch riêng, xem xét lợi ích riêng, hoặc muốn có được một điều gì đó cho chính mình, anh em đánh mất cái nhìn thấu suốt thuộc linh của mình. Đây là một nguyên tắc. Nếu anh em phục vụ mà không có cái nhìn thấu suốt thuộc linh thì điều đó có nghĩa là anh em xem xét điều gì có lợi nhất cho mình.
Chúng ta không trở nên thuần khiết ngay sau khi tin Chúa. Đây là lý do tại sao chúng ta có thể nhìn thấy tôn giáo và chính trị được thực hành ngay cả giữa vòng chúng ta trong hội thánh. Làm thế nào chúng ta có thể được gìn giữ khỏi sự không thuần khiết? Chúa nói: “Chỉ khi mắt ngươi giống như bồ câu ngươi mới có thể thuần khiết. Chỉ khi ngươi có cái nhìn thấu suốt thuộc linh ngươi mới có thể đứng trước mặt Ta”.
Một người có cái nhìn thấu suốt thuộc linh biết cách để phục vụ đúng đắn, vì người ấy đưa ra các quyết định chỉ vì một mình Chúa. Nếu không có cái nhìn thấu suốt thuộc linh, chúng ta chí có thể đưa ra các quyết định theo hoàn cảnh bên ngoài và một số nguyên tắc. Một số người thích các buổi nhóm sôi động. Tuy nhiên, khi sở hữu cái nhìn thấu suốt thuộc linh, anh em nhận thức rằng nhiều cái gọi là những buổi nhóm tốt không thật sự tốt lắm theo cách nhìn của Đức Chúa Trời. Chúng ta cần tự hỏi mình đang làm gì. Một buổi nhóm sôi động thế nào thì không quan trọng. Điều quan trọng là buổi nhóm cung ứng cho hội thánh bao nhiêu.
Chúng ta sẽ ở trong một lĩnh vực khác nếu chúng ta có cái nhìn thấu suốt thuộc linh. Chúng ta sẽ chạm đến nguồn sự sống chứ không chỉ hoàn cảnh bên ngoài. Nếu chỉ nhìn thấy Chúa, chúng ta sẽ không nắm giữ bất cứ điều thuộc linh nào và không cố gắng để trở nên thuộc linh. Tuy nhiên, chúng ta sẽ sống cách thuộc linh. Khi thuần khiết cho Chúa, chúng ta sẽ có sự biện biệt thuộc linh. Nếu chúng ta thuần khiết và có sự biện biệt thuộc linh, Chúa sẽ công bố là chúng ta xinh đẹp. Mặc dù vẻ đẹp và sự thuần khiết của chúng ta không trọn vẹn, và dù chúng ta có sự yếu đuối và có nhu cầu được phá vỡ, chúng ta vẫn có đôi mắt giống như bồ câu. Có đôi mắt giống bồ câu là cách để chúng ta đi theo Chúa.
“THẬT VẬY, CHIẾC TRƯỜNG KỶ CỦA CHÚNG TA MÀU XANH”
Câu 16 nói: “Thật vậy, chiếc trường kỷ của chúng ta màu xanh”. “Màu xanh” trong câu này cũng cò thể được dịch là “bằng cỏ”. Chiếc trường kỷ của chúng ta màu xanh nhấn mạnh sự tăng trưởng trong sự sống.
Trong câu 13, Shulammite đã có một kinh nghiệm về sự hiến dâng: “Với tôi, người yêu dấu của tôi là bó một dược nằm giữa ngực tôi lúc ban đêm”. Dường như nàng đã trả một giá. Khi Chúa khen ngợi vẻ đẹp của người tìm kiếm Ngài, nàng nhận thức rằng nàng tốt lành và dịu ngọt trước mặt Chúa, và nàng biết rằng Ngài đầy dẫy sự cung ứng. Có qua nhiều sự cung ứng, sự dịu ngọt và sự dư dật về sự vui hưởng trong sự sống đến nỗi bây giờ nàng có thể nói: “Chiếc trường kỷ của chúng ta màu xanh”. Nàng yên nghỉ và đầy sự sống. Một người như vậy yên nghỉ trên sự thành tín của Chúa và kinh nghiệm sự an ủi của cây gậy và cây trượng Ngài, yên nghỉ trong nguồn cung ứng phong phú của Ngài. Thi Thiên 23:2 nói: “Ngài khiến tôi nằm nghỉ trên các đồng cỏ xanh”. Điều này chỉ tỏ rằng sự sống cung ứng nền tảng để chúng ta nằm nghỉ. Tại sao chúng ta có sự yên nghỉ? Vì chúng ta đã kinh nghiệm sự sống của Chúa. Tại sao chúng ta có thể yên nghỉ? Vì Chúa cung ứng cho chúng ta sự sống của Ngài. Chúng ta có mối liên hệ sự sống với Chúa, vì vậy chúng ta có thể làm chứng: “Chiếc trường kỷ của chúng ta màu xanh”.
Anh chị em ơi, tôi e rằng đối với nhiều người trong chúng ta, chiếc giường của chúng ta hiếm khi màu xanh. Nếu yêu Chúa và thật sự dâng mình cho Chúa, chúng ta sẽ nói: “Chúa ôi, cảm tạ Ngài vì chiếc trường kỷ của tôi màu xanh”. Mặc dù đã đi theo Chúa nhiều năm, nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy sự lao tác và sự phục vụ của mình là đủ. Tôi chưa bao giờ có cảm nhận là mình đã hoàn thành được nhiều điều. Cảm nhận của tôi là: “Chúa ôi, sau nhiều năm như vậy, tại sao tôi vẫn cảm thấy như tôi chỉ mới bắt đầu yêu Ngài?” Dường như sau nhiều năm, vẫn còn có quá nhiều điều để tôi kinh nghiệm. Chúng ta không thể yên nghỉ chỉ vì chúng ta đã hoàn thành một vài sự lao tác, rao giảng, hay học tập nào đó. Sẽ luôn luôn còn rất nhiều điều để chúng ta kinh nghiệm. Chúng ta phải luôn có thể nói: “Chiếc trường kỷ của chúng ta màu xanh”. Điều đó có nghĩa là chúng ta đầy dẫy sự sống.
“XÀ NHÀ CỦA CHÚNG TA BẰNG GỖ HƯƠNG NAM
Câu 17 nói: “Xà nhà của chúng ta bằng gỗ hương nam”. “Gỗ hương nam” chỉ về nhân tính hoàn hảo của Chúa Jesus. Trong đền thờ của Solomon, có hai loại gỗ chính - gỗ hương nam và gỗ cây tùng. Sự biểu hiện của hội thánh là qua hai loại gỗ này. Vào lúc này, người tìm kiếm của Chúa nhận thức: “Tôi sống không chỉ vì Chúa mà còn vì các thánh đồ. Tôi không chỉ mưốn bước đi với Chúa trong đồng vắng mà còn muốn được xây dựng trong hội thánh”. Làm thế nào chúng ta có thể xây dựng hội thánh? Yếu tố quan trọng nhất không phải là chính chúng ta, mặc dù sự xây dựng không thể diễn ra nếu không có chúng ta. Hội thánh được xây dựng bởi phương tiện là một dược (sự chết của Chúa) và gỗ hương nam (nhân tính vinh hiển của Jesus được biểu hiện trong chúng ta).
Các thiên sứ không xây dựng hội thánh. Hội thánh được xây dựng bằng nhân tính hoàn hảo của Jesus Christ. Việc nói tiếng lạ không thể xây dựng hội thánh. Chỉ những người có một sự cấu thành nào đó bằng nhân tính của Chúa mới có thể xây dựng hội thánh. Hallelujah vì gỗ hương nam là xà nhà của chúng ta! Khi chúng ta được xây dựng với nhau thì có một sự biểu hiện về nhân tính vinh hiển của Chúa.
“CÁC THANH RUI BẰNG GỖ CÂY TÙNG”
Kế đến chúng ta được cho biết: “Các thanh rui bằng gỗ cây tùng”. Khi nhìn vào một ngôi nhà, chúng ta nhìn thấy các thanh rui trước hết chứ không phải các thanh xà. Trong Kinh Thánh, gỗ cây tùng đại diện cho điều gì? Cây tùng được trồng bên các nấm mồ. Gỗ cây tùng chỉ tỏ rằng cũng có sự chết được biểu hiện trong chúng ta, sự chết được sản sinh qua công tác của thập tự giá trong chúng ta. Nếu sẵn lòng để cho thập tự giá hành động bên trong thì anh em sẽ biểu hiện sự chết. Mặc dù thập tự giá đặt anh em vào chỗ chết, nhưng anh em trở nên một người thật sự tác nhiệm, vì sự chết của anh em giúp biểu lộ chức năng của anh em trong sự xây dựng.
Anh chị em ơi, có ba điều cần thiết cho sự xây dựng hội thánh. Thứ nhất, chiếc trường kỷ của chúng ta phải màu xanh - chúng ta phải đầy dẫy sự sống. Nếu không có sự sống thì không có xây dựng hội thánh, vì sự sống là nội dung của hội thánh. Trong một hội thánh lành mạnh, chúng ta cần phải có khả năng vui hưởng sự dư dật của sự sống. Thứ hai, các xà nhà của chúng ta phải bằng gỗ hương nam - nhân tính của Chúa Jesus phải được cấu tạo vào trong chúng ta. Chúng ta không chỉ có mối liên hệ sự sống với Chúa mà còn có nhân tính của Ngài. Thứ ba, các thanh rui của chúng ta phải bằng gỗ tùng - chúng ta phải kinh nghiệm công tác của thập tự giá. Chỉ qua sự chết của thập tự giá chúng ta mới có thể được liên kết và xây dựng với nhau. Ba vấn đề này nói về sự tăng trưởng của người tìm kiếm ở cuối giai đoạn thứ nhất trong sự theo đuổi của nàng.
“TÔI LÀ MỘT ĐÓA HOA HỒNG SHARON, MỘT BÔNG HOA HUỆ TRONG CÁC THUNG LŨNG”
Sau khi người tìm kiếm nhìn thấy hội thánh và kinh nghiệm sự phong phú trong sự sống, nàng làm chứng: “Tôi là một đóa hoa hồng Sharon, một bông hoa huệ trong các thung lũng” (2:1). Hoa hồng ở đây có thể được coi là một loại hoa huệ hoang, nó thật ra là một loại hoa bị khinh miệt. Một bông hoa huệ trong các thung lũng thì cũng bình thường và khiêm tốn. Sharon đại diện cho vùng bình nguyên nơi Đức Chúa Trời chăn thả bầy của Ngài. Chúa đã trở nên quý báu như nhau đối với nàng dù khi an thái hay trong nỗi khổ, vì Chúa quý báu đối với nàng khi nàng ở trong đồng cỏ y như khi nàng ở trong các thung lũng. Khi nàng an thái, nàng là một đóa hoa hồng Sharon. Khi nàng chịu khổ, nàng là một bông hoa huệ trong các thung lũng. Bất kể nàng đang an thái hay trong nỗi khổ, nàng biết rằng Đức Chúa Trời đang chăn dắt và chăm sóc nàng.
Bây giờ người tìm kiếm của Chúa nhận thức rằng nàng không hề đặc biệt hay phi thường. Nàng không còn tôn cao hoặc tôn vinh chính mình hoặc xem chính mình là người hữu dụng nhất nữa. Nàng không còn nghĩ nàng là người yêu Chúa nhất nữa. Thay vì vậy, nàng cảm thấy mình chỉ là một bông hoa bình thường, và thậm chí nàng tự ví mình như một bông hoa bị khinh miệt. Không có gì để khoe khoang. Không có gì để biểu lộ. Nàng là một đóa hoa hồng Sharon và một bông hoa huệ trong các thung lũng, và Đức Chúa Trời đang chăm sóc nàng.
Nếu không kinh nghiệm Christ như sự sống, chúng ta không có cách nào nhận thức mình là gì và Chúa là ai, chúng ta cũng không thể hiểu con người là gì. Khi thật sự đụng chạm Chúa, anh em sẽ nhận thức ý nghĩa của câu này. Khi anh em sống theo sự sống thần thượng và kinh nghiệm công tác của thập tự giá, anh em sẽ kinh nghiệm thực tại của việc là một đóa hoa hồng Sharon và một bông hoa huệ trong các thung lũng. Vào lúc đó anh em sẽ có một sự nhận thức về mình là ai và con người là gì. Anh em cũng sẽ bắt đầu nhận biết Chúa.
Mỗi người trẻ được cứu đều cảm thấy mình rất có triển vọng và mong muốn trở nên một người đặc biệt. Mỗi thánh đồ đều hi vọng mình sẽ có một sự biểu lộ nào đó trong nếp sống hội thánh. Không ai sẵn lòng trở nên bình thường. Nếu người đã giúp anh em yêu Chúa nói với anh em rằng: “Anh sẽ trở nên vô vọng”, thì e rằng anh em sẽ không còn ao ước theo đuổi Chúa chút nào nữa. Nếu anh em nghĩ: “Tại sao tôi phải trả giá để yêu Chúa trong khi tôi sẽ trở nên vô vọng?” thì điều đó có nghĩa là anh em tập trung vào chính mình chứ không phải Chúa. Việc suy nghĩ theo cách này chỉ tỏ rằng anh em đang sống trong một thế giới tôn giáo. Một khi nhận thức mình là đóa hoa hồng Sharon thì anh em sẽ biết rằng mình không đặc biệt trong nếp sống hội thánh. Giữa vòng những người đi theo Chúa, anh em sẽ trở nên một người không tự phụ.
Điều Đức Chúa Trời quan tâm là một đóa hoa hồng Sharon, không phải là một cây phong lan trong chậu. Anh em có biết sự khác biệt không? Nếu anh em giống như một cây phong lan trong chậu, thì cho dù anh em có một sự trang bị nào đó, anh em vẫn cần được một vài thánh đồ khác chăm sóc nếu không anh em sẽ khô héo. Tuy nhiên, đóa hoa hồng Sharon không cần sự chú ý đặc biệt của người khác. Anh em cũng phải nhận thức rằng không có sự tranh cạnh giữa các đóa hoa hồng Sharon. Tự xem mình là người có sự khải thị cao hơn hoặc được trang bị đặc biệt hơn là sai trật. Chúng ta cần phải có khả năng nhận thức trước mặt Chúa: “Chúa ôi, tôi không phải là một người đặc biệt trong nếp sống hội thánh. Tôi chỉ giống như những người khác”. Ngày nay Chúa cần có được nhiều đóa hoa hồng Sharon. Ngài không cần những cây phong lan đắt tiền, phô trương. Sự xây dựng hội thánh là qua những người bình thường, không phải qua những người phô trương.
Chúng ta thường không sẵn lòng chỉ là những đóa hoa hồng Sharon. Anh chị em ơi, chúng ta sống trong sự thương xót của Đức Chúa Trời. Chúng ta theo đuổi vì tình yêu của Đức Chúa Trời thu hút chúng ta. Chính Chúa là Đấng đem chúng ta vào trong các căn phòng của Ngài. Chính Chúa là Đấng khải thị thập tự giá của Ngài cho chúng ta. Chính Chúa là Đấng công tác trong chúng ta và cung ứng cho chúng ta sự sống của Ngài. Ngoài những điều này, chúng ta có thể khoe khoang về điều gì nữa? Chúng ta chẳng là gì khác hơn một đóa hoa hồng Sharon.
Khi Chúa công tác trong chúng ta, chúng ta sẽ nhận thức rằng mình rất bình thường. Chúng ta cần phải có cảm nhận là hoàn toàn bởi sự thương xót của Ngài mà chúng ta nhận được bất cứ phần chia nào trong công tác của Ngài. Chỉ bởi điều này chúng ta mới có phần trong chức vụ của Ngài, và chỉ bởi điều này chúng ta mới có khả năng trao cho người khác sự giúp đỡ. Trong khi đó, chúng ta cũng là những bông hoa huệ trong các thung lũng. Chúng ta phải học tập ngưỡng trông Chúa. Chúng ta phải nhận thức rằng chính Chúa là Đấng chăm sóc chúng ta. Chính Chúa là Đấng chịu trách nhiệm về chúng ta. Chính Chúa là Đấng phục hưng hội thánh Ngài. Về một mặt, mỗi người trong chúng ta cần phải thấy mình là một đóa hoa hồng Sharon - chúng ta rất bình thường; mặt khác, mỗi người trong chúng ta là một bông hoa huệ trong các thung lũng - chúng ta tin cậy sự chăm sóc của Đức Chúa Trời. Dù chúng ta có thể có kinh nghiệm về việc ở trong các thung lũng, nhưng chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Chúa Trời chăm sóc các bông hoa huệ của Ngài.
Anh chị em ơi, anh chị em có biết Chúa của mình là Ai không? Ngài là Chúa của các bông hoa huệ. Anh chị em là một đóa hoa hồng Sharon và một bông hoa huệ trong các thung lũng. Dù anh chị em không là ai cả, nhưng Đức Chúa Trời chăm sóc anh chị em. dù anh chị em không là ai cả, nhưng Đức Chúa Trời chịu trách nhiệm về anh chị em và muốn hoàn thành công tác của Ngài qua anh chị em. Đức Chúa Trời sẽ giữ chặt anh chị em cho đến khi anh chị em nhận thức cách đầy đủ rằng mình là một bông hoa huệ trong các thung lũng.
Chúng ta cần ghi nhớ câu này trong lòng: “Tôi là một đóa hoa hồng Sharon, một bông hoa huệ trong các thung lũng”. Có thể chúng ta không nhìn thấy tương lai sẽ ra sao hoặc chúng ta sẽ tiến lên như thế nào, nhưng chúng ta cần phải có thái độ này - sự thương xót và sự chăm sóc của Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ lìa khỏi chúng ta. Chúng ta cần phải có sự nhận thức rằng chúng ta là những bông hoa huệ trong thung lũng. Chúng ta đừng sợ gì cả. Bất kể Chúa dẫn chúng ta đi đâu, bất kể chúng ta nhận thấy mình ở trong loại hoàn cảnh nào, chúng ta cũng cần cảm tạ Chúa. Dù khó hay dễ, dù chúng ta thích hay không thích, chúng ta cũng nên cảm tạ. Chúng ta là những bông hoa huệ trong các thung lũng. Chúng ta sống trong các thung lũng chứ không phải trong các chậu hoa. Chính Chúa là Đấng chăm sóc và bảo tồn chúng ta.
Nếu nhận thức được điều này, chúng ta sẽ không trở thành một nan đề trong nếp sống hội thánh. Thay vì vậy, chúng ta sẽ có khả năng tác nhiệm đúng đắn trong mọi loại tình huống. Chúng ta chỉ đơn giản cảm nhận rằng: “Chúa ôi, cảm tạ Ngài về sự dẫn dắt của Ngài. Chúng tôi chỉ là những bông hoa huệ ở dưới sự chăm sóc của Ngài. Con người không chăm sóc chúng tôi, công tác cũng không chăm sóc chúng tôi. Chính Ngài là Đấng chăm sóc mỗi một chúng tôi. Và cho dù phải đi qua thung lũng của bóng sự chết, chúng tôi cũng sẽ không sợ kẻ ác, vì Ngài ở với chúng tôi”.
Kinh nghiệm được tìm thấy trong chương sách ngắn ngủi này thật sâu nhiệm và quý báu! Ở đây người tìm kiếm của Chúa đã kinh nghiệm một sự thay đổi lớn. Ngợi khen Chúa vì bức tranh đẹp đẽ này về mối liên hiệp của chúng ta với Chúa!
Sưu Tầm