Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

Nhã Ca 4--NHÀ YẾN TIỆC


“Người yêu của ta ở giữa các con gái như hoa huệ ở giữa những bụi gai. Người yêu dấu của tôi cũng ở giữa các con trai như cây táo ở giữa các cây rừng. Tôi đã vui thích và ngồi xuống trong bóng mát của chàng, và trái của chàng dịu ngọt cho khẩu vị tôi. Chàng đã đem tôi vào trong nhà yến tiệc, và ngọn cờ chàng phất trên tôi là tình yêu. Hãy nâng đỡ tôi bằng bánh nho khô, làm tươi mới tôi bằng những trái táo, vì tôi ốm tương tư. Tay trái chàng kê dưới đầu tôi, còn tay phải chàng ôm chặt lấy tôi. Hỡi các con gái Jerusalem, ta nài khuyên các ngươi bởi những con linh dương hoặc những con nai cái trong các cánh đồng, đừng làm kinh động hay đánh thức người yêu của ta cho đến khi nàng vui thỏa.” (Nhã Ca 2:2-7)

“NGƯỜI YÊU CỦA TA Ở GIỮA CÁC CON GÁI NHƯ HOA HUỆ Ở GIỮA NHỮNG BỤI GAI”
Khi chúng ta nhận thức mình không là gì cả nhưng chỉ là một đóa hoa hồng Sharon và một bông hoa huệ trong các thung lũng, sống bởi sự thương xót và sự chăm sóc của Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời sẽ đem chúng ta vào trong các khải tượng và kinh nghiệm sâu hơn. Ngài nói với chúng ta: “Người yêu của ta ở giữa các con gái như hoa huệ ở giữa những bụi gai” (2:2). Khi bước đi bởi đức tin, chúng ta sẽ trở nên giống như một bông hoa huệ giữa những bụi gai. Điều đó có nghĩa là trên đường đi, chúng ta sẽ phải đương đầu với nhiều tình huống là kết quả tình trạng sa ngã của loài người.
Gai là kết quả sự rủa sả của Đức Chúa Trời trên con người khi con người sa ngã. Sau khi Adam và Eve sa ngã, Đức Chúa Trời đã nói với họ: “Đất se sinh ra cho các ngươi gai và tật lê” (Sáng 3:18). Việc đề cập đến gai trong câu này trong bài ca của Solomon khải thị rằng dù chúng ta được thánh hóa và tin cậy Chúa, chúng ta vẫn bước đi giữa nhân loại sa ngã. Nhiều người xung quanh chúng ta giống như gai, và trong tình trạng sa ngã của mình, đôi lúc chúng ta cũng là gai đối với người khác. Khi nào chúng ta còn sống giữa vòng bản chất sa ngã của con người, nhiều tình huống sẽ thử thách chúng ta và thậm chí cố gắng đâm thủng chúng ta. Nhưng những tình huống như vậy cần phải làm cho chúng ta được biểu lộ là những bông hoa huệ.
Khi anh em chỉ vì Chúa, chỉ vì hội thánh, và chỉ vì việc sống sự sống thần thượng, anh em nhận thấy mọi điều không đơn giản hoặc dễ dàng lắm. Anh em nhận thấy con đường của mình hóa ra không thênh thang và bằng phẳng như anh em tưởng. Thay vì vậy, anh em nhận thức con đường của mình giống như một “đồng vắng...đất khô, cằn cỗi, gai góc và tầm gai mọc tràn lan” (Hymns, #207). Nhiều điều đâm vào anh em và khiến anh em bị thương, nhiều điều làm anh em đổ nước mắt và khiến anh em cảm thấy không thể bước đi hơn nữa. Tuy nhiên, anh em không phải sợ hãi; các môi trường này sẽ khiến anh em tăng trưởng. Chúa canh giữ các bông hoa huệ và bảo vệ bước đi của chúng. Nếu anh em thật sự dâng mình cho Chúa và yêu Ngài thì dù gai góc vẫn tiếp tục hiện ra, chúng sẽ chỉ giúp anh em tăng trưởng trong sự sống.
“NGƯỜI YÊU DẤU CỦA TÔI CŨNG Ở GIỮA CÁC CON TRAI               NHƯ CÂY TÁO Ở GIỮA CÁC CÂY RỪNG”
Shulammite đáp lại: “Người yêu dấu của tôi cũng ở giữa các con trai như cây táo ở giữa các cây rừng: Tôi đã vui thích và ngồi xuống trong bóng mát của chàng, và trái của chàng dịu ngọt cho khẩu vị tôi. Chàng đã đem tôi vào trong nhà yến tiệc, và tình yêu là ngọn cờ chàng phất trên tôi.” Nàng tiếp tục với lời cầu nguyện: “Hãy nâng đỡ tôi bằng bánh nho khô, làm tươi mới tôi bằng những trái táo, vì tôi ốm tương tư.”
Nhu cầu và kinh nghiệm của người tìm kiếm bắt đầu với tình yêu và cũng kết thúc với tình yêu. Giai đoạn này trong kinh nghiệm của nàng kết thúc với sự vui hưởng tăng cường. Nàng đề cập đến “người yêu dấu của tôi cũng ở giữa các con trai.” Các con trai chỉ về mọi điều bắt giữ tấm lòng của một người. Giữa vòng rất nhiều điều hấp dẫn và thu hút như vậy, người yêu dấu của nàng chiếm vị trí thứ nhất trong lòng nàng.
Người yêu dấu của nàng “như cây táo ở giữa các cây rừng.” Trong nguyên ngữ, “táo” là một loại trái cây ra từ một loại thực vật luôn xanh tươi. Điều này chỉ ra rằng sự sống của Chúa thì vô hạn và không bao giờ có thể thất bại. Chúa của chúng ta thì “luôn xanh tươi.” Sự sống của Ngài thì vô hạn. Sự sống này sẽ gia tăng trong chúng ta. Không những Ngài đã đem chúng ta vào trong các căn phòng của Ngài, chiếc trường kỷ của chúng ta màu xanh, chúng ta ở trong nhà, mà bây giờ chúng ta còn đang ở giữa các cây rừng kinh nghiệm sự vui mừng. Chúng ta đang vui hưởng sự sống vô hạn này. Tác giả làm chứng: “Sự sống của Chúa tôi phong phú dường nào! Ngài tuyệt hảo dường nào! Ngài giống như trái của cây luôn xanh tươi ở giữa các cây rừng.”
Anh chị em ơi, khi mới bắt đầu đi theo Chúa, anh chị em chỉ khao khát cảm nhận về sự hiện diện của Chúa. Chúa đã ban cho anh chị em một vài sự phát ngôn, dẫn dắt và soi sáng. Tuy nhiên, sự vui hưởng sự sống của anh chị em vẫn còn giới hạn, nhờ công tác của thập tự giá và sự giúp đỡ của hội thánh, anh chị em đã bước vào một sự vui hưởng hơn nữa về sự sống này. Ở điểm đó, chiếc trường kỷ của anh chị em trở thành màu xanh. Rồi khi sự sống vô hạn này tiếp tục tăng trưởng bên trong, anh chị em có thể nói với người khác: “Xà nhà của chúng ta bằng gỗ hương nam; các thanh rui bằng gỗ cây tùng.” Bây giờ anh chị em không còn ở trong lĩnh vực nhỏ hẹp mà trong đó anh chị em kinh nghiệm Christ chủ yếu cho chính mình. Trái lại, anh chị em đã bước vào trong sự vui hưởng nguồn cung ứng dư dật của sự sống để bây giờ toàn bản thể của anh chị em có thể vì hội thánh. Anh chị em đã tăng trưởng trong sự sống của Ngài.
“TÔI ĐÃ VUI THÍCH VÀ NGỒI XUỐNG TRONG BÓNG MÁT                CỦA CHÀNG”
Hơn nữa, người tìm kiếm vui thích và ngồi xuống trong bóng mát của người yêu nàng, người mà nàng đã ví sánh với loại cây ăn trái đáng yêu nhất này. Câu 3 nói: “Tôi đã vui thích và ngồi xuống trong bóng mát của chàng, và trái của chàng dịu ngọt cho khẩu vị tôi.” Ban đầu nàng ở trong các căn phòng, rồi sau đó nàng tiến lên để kinh nghiệm việc yên nghỉ trên chiếc trường kỷ màu xanh. Tuy nhiên, ở điểm này trong kinh nghiệm của nàng, người yêu cầu của nàng đã trở nên một cây nổi bật giữa các cây rừng. Sự sống của Ngài đã trở nên sự che phủ của nàng. Khi đạt đến chỗ kinh nghiệm Chúa theo cách này, chúng ta ngồi xuống trong bóng mát của Ngài, và sự sống Ngài che phủ chúng ta, trở nên sức lực và thậm chí là sự vui thích của chúng ta. Theo Watchman Nee, điều này chỉ về sự ngây ngất. Vì cớ sự phong phú của sự sống, chúng ta không chỉ vui thích mà còn cảm thấy đang kinh nghiệm cõi thiên thượng trên đất. Đối với cảm nhận của chúng ta, không điều gì có thể cao hơn điều này.
Nếu anh em lưu lại trong kinh nghiệm về các căn phòng của vua, kinh nghiệm của anh em sẽ bị kìm hãm. Tuy nhiên, khi tiến lên, anh em sẽ kinh nghiệm sự yên nghỉ trong sự sống và sự cung ứng sự sống trong các hoàn cảnh của mình. Cuối cùng, sự sống này sẽ phủ bóng trên anh em, và anh em sẽ lưu lại dưới bóng của sự sống ấy. Sự sống sẽ ở dưới anh em, ở trên anh em, và anh em sẽ sống trong lĩnh vực của sự sống dư dật và vượt trổi của Christ.
“TRÁI CỦA CHÀNG DỊU NGỌT CHO KHẨU VỊ TÔI”
Sự sống mà che phủ anh em cũng trở nên thức ăn của anh em. “Trái của chàng dịu ngọt cho khẩu vị tôi” (2:3b). Nếu một người đã kinh nghiệm việc nằm trên chiếc trường kỷ và ngồi trong bóng mát sự sống, người ấy sẽ không buồn phiền về các khiếm khuyết của mình. Nếu không thể cầu nguyện sau  khi nổi nóng thì điều đó cho thấy anh em vẫn còn ở trong các căn phòng; anh em chưa tiến bộ.
Khi anh em bước vào trong sự phong phú của sự sống, sự sống của anh em sẽ biểu lộ sự phong phú này. Anh em sẽ có thể vui mừng cho dù yếu đuối, vì sự sống này làm cho anh em vui mừng. Sự sống thần thượng cung ứng cho anh em để anh em cứ lưu lại trong sự vui mừng của mình. Sự thất bại của anh em chỉ giúp cho anh em đến với Chúa, và sự yếu đuối của anh em chỉ thúc giục anh em thu đoạt thêm sự sống từ Chúa. Khi anh em cứ ở trong lĩnh vực của sự sống thì ngay cả xiềng xích cũng trở nên một điều gì đó giải phóng anh em. Nếu đây là kinh nghiệm của anh em thì anh em có thực tại của cõi thiên thượng trong nếp sống của mình.
“NHÀ YẾN TIỆC”
Sau đó Chúa sẽ đem chúng ta vào trong nhà yến tiệc. “Nhà yến tiệc” cũng có thể được dịch là “ngôi nhà rượu”. Ban đầu, Chúa đã đem chúng ta vào trong các căn phòng của Ngài, đó là một kinh nghiệm riêng tư. Bây giờ Ngài đem chúng ta vào trong ngôi nhà rượu, là điều thuộc về toàn thể dân Ngài. Chúng ta có thể cùng vui mừng với người khác trong ngôi nhà rượu. Về mặt cá nhân, tôi kinh nghiệm sự sống thần thượng. Về mặt tập thể, tôi cũng kinh nghiệm sự sống thần thượng. Về mặt cá nhân, tôi ngồi xuống trong bóng của Chúa như một cây ăn trái kỳ diệu, và trái của Ngài dịu ngọt cho khẩu vị tôi. Tôi cảm thấy ngây ngất, vì sự sống của Ngài bao phủ tôi. Cùng với những người khác, tôi được đem vào trong nhà yến tiệc, ngôi nhà rượu. Bây giờ tôi có thể vui hưởng Chúa đến mức hoàn hảo. Tôi không còn đơn độc nữa nhưng cùng với mọi anh chị em của tôi vui hưởng Chúa và kinh nghiệm sự phong phú của Ngài. Tôi quá vui mừng, và tất cả các anh chị em khác cũng vậy.
Anh chị em ơi, tôi xin hỏi hội thánh là gì? Một hội thành bình thường là một nhà yến tiệc, một ngôi nhà rượu. Đó là nơi anh chị em có thể được thỏa mãn và thậm chí say sưa trong linh. Trong ngôi nhà rượu này, anh chị em có thể vui hưởng Chúa ở giữa tất cả các thánh đồ khác. Đó là nơi có sự thỏa mãn và vui mừng trong sự hiện diện của Chúa thay vì xiềng xích. Đó là nơi mà các anh chị em quý báu. Trong nếp sống hội thánh, anh chị em không nên kinh nghiệm sự lao nhọc và than thở. Thay vì vậy, anh chị em phải kinh nghiệm sự thỏa mãn và vui mừng.
“NGỌN CỜ CHÀNG PHẤT TRÊN TÔI LÀ TÌNH YÊU”
Câu 4 nói: “Chàng đã đem tôi vào trong nhà yến tiệc, và ngọn cờ chàng phất trên tôi là tình yêu.” Phân đoạn thứ nhất của sách Nhã Ca nổi bật về tình yêu. Phân đoạn này bắt đầu bằng: “Tình yêu chàng ngon hơn rượu,” và tiếp tục với việc được đem vào trong các căn phòng của vua và ca tụng tình yêu của vua hơn cả rượu. Tuy nhiên, trong phân đoạn này, chúng ta chính yếu được chiếm hữu bởi cảm nhận về tình yêu chứ chưa phải là thực tại của tình yêu.
Khi dâng mình lần đầu tiên và kinh nghiệm đôi điều về công tác ban đầu của thập tự giá, anh em kinh nghiệm việc được đem vào trong các căn phòng của Vua và vui hưởng sự sống của Chúa. Hơn nữa, anh em được đem vào trong nếp sống hội thánh và vui hưởng sự phong phú của các anh chị em. Vào lúc này, anh em có thể nói: “Ô Chúa, ngọn cờ Ngài phất trên tôi là tình yêu. Tình yêu của Ngài thắng thế, không vơi cạn. Tình yêu ấy che phủ tôi. Tôi có một ngọn cờ, đó là tình yêu. Ô Chúa, Ngài yêu tôi tha thiết dường nào! Ngài đã yêu tôi từ ban đầu. Ngày nay Ngài vẫn yêu tôi. Tình yêu của Ngài thật rộng lớn! Tình yêu của Ngài làm cho thỏa mãn biết bao! Vì Ngài yêu tôi, nên tôi đi theo Ngài. Ô Chúa, ngọn cờ Ngài phất trên tôi là tình yêu.” Ở điểm này anh em không có bất cứ man đề nào, vì tình yêu của Chúa đã giải quyết hết rồi.
Tại sao một số người không thể tin vào Jesus? Vì họ không tin tình yêu của Ngài. Tại sao một số tín đồ không còn có thể tiến lên? Cũng vì họ không tin tình yêu của Ngài. Tại sao đôi khi chúng ta ngần ngại đi theo Chúa, hoặc chỉ đi theo Ngài cách miễn cưỡng? Đó là vì chúng ta không tin tình yêu của Chúa. Mặc dù chúng ta tin Ngài, nhưng chúng ta không có đức tin rằng chính tình yêu của Ngài dự liệu mọi sự cho chúng ta. Vì vậy, chúng ta cảm thấy mình có thể làm tốt hơn bằng cách hành động theo tư lợi của mình.
Người tìm kiếm này thì khác. Nhờ công tác của Đức Chúa Trời, nàng có thể nói: “Chúa ôi, ngọn cờ Ngài phất trên tôi là tình yêu. Nếu tôi đang chịu khổ hay gặp khó khăn, đó chính là vì tình yêu của Ngài. Bàn tay yêu thương của Ngài ở trong mọi điều vây quanh tôi. Bởi tình yêu của Ngài, Ngài đem tôi qua mọi loại môi trường để tôi có thể tuyệt đối sống trước mặt Ngài.” Anh chị em ơi, một người nhận thức rằng mình được phủ bóng bởi ngọn cờ yêu thương của Chúa thì đầy yên nghỉ. Người ấy đổ nước mặt trước mặt Chúa nhưng đó là những giọt nước mắt vui mừng. Người ấy có thể tiến lên cùng với Chúa mà không hề e ngại hay sợ hãi.
Kinh nghiệm của phân đoạn đầu tiên, là phân đoạn tập trung vào tình yêu của Chúa chứ không phải chính Chúa, kết thúc với: “Ngọn cờ chàng phất trên tôi là tình yêu.” Ở điểm này, người tìm kiếm đã kinh nghiệm Chúa cả theo cách cá nhân lẫn tập thể. Sự phong phú của Chúa và hội thánh đã đem nàng vào đến với tình yêu của Chúa. Bây giờ nàng nhận thức nàng có một ngọn cờ ở trên mình. Nàng thuộc về ai? Nàng thuộc về một tình yêu mà sẽ lưu lại trên nàng trong toàn bộ đời sống của nàng.
“HÃY NÂNG ĐỠ TÔI BẰNG BÁNH NHO KHÔ, LÀM TƯƠI MỚI TÔI BẰNG NHỮNG TRÁI TÁO, VÌ TÔI ỐM TƯƠNG TƯ”
Trong niềm hạnh phúc này, người tìm kiếm của Chúa nói: “Ô Chúa, nhà yến tiệc thật tốt đẹp thay. Các trái của cây luôn xanh tươi ngon biết bao. Ngồi trong bóng mát của Ngài thật tốt lành thay. Tuy nhiên, tôi quá vui mừng đến nỗi không muốn tiến lên. Tôi không có khả năng để chứa đựng tình yêu này. Tôi cần Ngài chống đỡ tôi.” Bây giờ người tìm kiếm biết rằng nàng cần sự giúp đỡ của người khác. Vì vậy nàng nói: “Hãy nâng đỡ tôi bằng bánh nho khô, làm tươi mới tôi bằng những trái táo.”
Trong quá khứ, nàng đã làm chứng: “Tôi là một đóa hoa hồng Sharon, một bông hoa huệ trong các thung lũng.” Tuy nhiên, bây giờ nàng đã kinh nghiệm nhiều hơn. Nàng nhận thức nàng cần sức lực để vui hưởng Chúa và kinh nghiệm sự phong phú của Ngài. Vì vậy nàng xoay qua hội thánh để tiếp tục vui hưởng Đấng mà nàng đang tìm kiếm. Khả năng vui hưởng Chúa của một cá nhân thì rất giới hạn. Tuy nhiên, chỉ cần chúng ta được nối kết với hội thánh và sống trong nếp sống hội thánh thì khả năng của các anh chị em sẽ trở nên khả năng của chúng ta. Vì vậy nàng kêu lớn với các bạn đồng hành của mình: “Hãy nâng đỡ tôi bằng bánh nho khô, làm tươi mới tôi bằng những trái táo.”
Bánh nho khô chỉ tỏ rằng đây là một nếp sống qua bàn ép nho và là một nếp sống được phá vỡ bởi thập tự giá. Diễn trình từ cây nho đến trái nho, từ trái nho đến nho khô, và từ nho khô đến bánh cũng chỉ ra rằng đây là một điều gì đó thuộc một đời sống trưởng thành trước mặt Chúa. Anh chị em ơi, những người đã kinh nghiệm công tác của Chúa nhiều năm có thể cung cấp cho chúng ta sự giúp đỡ thật. Họ là những người có bánh nho khô trước mặt Chúa như kết quả của việc kinh nghiệm công tác của Ngài. Họ có thể giúp chúng ta mở rộng khả năng vui hưởng Chúa của mình, và họ có thể giúp chúng ta duy trì sự vui hưởng của mình.
Hội thánh không thể tiến lên nếu thiếu những người có bánh nho khô. Càng có nhiều thánh đồ có kinh nghiệm trong hội thánh thì mỗi anh chị em sẽ càng có thể phát triển khả năng vui hưởng Chúa của mình. Càng có nhiều thánh đồ có kinh nghiệm trong hội thánh thì khả năng duy trì sự vui hưởng Chúa của các thánh đồ sẽ càng lớn. Ngợi khen Chúa! Ngài có thể giúp đỡ và công tác trên chúng ta qua các anh em đã đi trước chúng ta.
Chúa là trái của cây táo luôn xanh tươi này. “Hãy làm tươi mới tôi bằng những trái táo.” Cụm từ này chỉ ra rằng chúng ta tần Christ trong các anh chị em. Thái độ của chúng ta đối với các thánh đồ cần phải là: “Hãy cho tôi Christ của anh em để tôi có thể được mở rộng. Tôi cần anh em cũng như cần Chúa. Giờ đây hồn tôi mòn mỏi. Tôi không biết phải làm gì. Dường như sự thức canh buổi sáng không thể giúp tôi, và sự cầu nguyện riêng của tôi không thể nâng đỡ tôi. Thậm chí các buổi nhóm hàng tuần cũng không thể cung ứng đủ cho tôi. Tôi cần hơn nữa. Ô Chúa, tôi bị ốm tương tư. Anh chị em ơi, hãy giúp tôi yêu Chúa. Ô Chúa, hãy thu hút tôi để yêu Ngài hơn nữa. Tôi không biết cách để yêu Ngài. Tôi muốn dâng cho Ngài hơn nữa.” Vào lúc này, người tìm kiếm dường như đã tuyệt vọng trước mặt Chúa. Mặt dù nàng lệ thuộc Chúa, nhưng nàng cũng cần thêm sự giúp đỡ từ các anh chị em.
Một Cơ Đốc nhân cần có sự chuyển xoay như vậy trong vòng một năm đầu tiên sau khi được cứu. Trong một năm này, người ấy cần phải biết thập tự giá và sự phá vỡ của thập tự giá, và người ấy cũng phải biết cách sống trong nếp sống hội thánh. Chúng ta phải tiếp tục chu kỳ này ngày càng sâu hơn trong toàn bộ đời sống chúng ta.
TAY PHẢI CHÀNG ÔM CHẶT LẤY TÔI”
Kết quả là người tìm kiếm kinh nghiệm sự thỏa mãn: “Tay trái của chàng đỡ dưới đầu tôi, còn tay phải chàng ôm chặt lấy tôi.” Nàng hoàn toàn yên nghỉ. Trong vị trí này, nàng chỉ có thể nhìn thấy Chúa. Nàng kinh nghiệm Chúa không phải như sức lực nhưng như sự thỏa mãn và yên nghỉ trong sự sống của mình. Bức tranh này dịu ngọt dường nào! Nàng đã kinh nghiệm những nụ hôn của Ngài và ở trong các căn phòng của Ngài. Nàng cũng đã trả qua nỗ lực giữ vườn nho của mình và kinh nghiệm việc đi lang thang lạc lõng. Nàng đã có được sự khen ngợi và ca tụng của Chúa. Chúa đã kết cho nàng  những bím tóc có các đồ trang sức. Nàng đã sống trong tình yêu của Chúa cũng như kinh nghiệm sự phong phú của sự sống và nếp sống hội thánh. Nàng cũng đã kinh nghiệm việc sống trong tình yêu của Chúa mà sẽ ở với nàng trọn đời. Tất cả các kinh nghiệm này đạt đến đỉnh điểm trong mối liên hiệp này với Chúa.
Mặc dù mối liên hiệp này chưa đạt đến điểm cao nhất, nhưng nàng thật sự cảm nhận: “Ô Chúa, bây giờ Ngài là ngọn cờ của tôi. Tôi yên nghỉ trong Ngài. Tôi được an toàn trong Ngài. Giờ đây mắt tôi nhìn xem Ngài. Không môi trường nào có thể tác động đến tôi. Tôi yên nghỉ trong Ngài. Tôi có thể nhìn xem Ngài mặt đối mặt. Tôi có thể nhìn ngắm và vui hưởng Ngài.”
“ĐỪNG LÀM KINH ĐỘNG HAY ĐÁNH THỨC NGƯỜI YÊU CỦA TA CHO ĐẾN KHI NÀNG VUI THỎA”
Vào lúc này, Chúa nói: “Hỡi các con gái Jerusalem, ta nài khuyên các ngươi bởi những con linh dương hoặc những con nai cái trong các cánh đồng, đừng làm kinh động hay đánh thức người yêu của ta cho đến khi nàng vui thỏa” (2:7). Khi một Cơ Đốc nhân đạt đến giai đoạn này, người ấy có khuynh hướng lưu lại đó một thời gian. Người ấy vui hưởng Chúa mỗi ngày. Người ấy đánh giá Chúa là kỳ diệu. Các thánh đồ khác có thể không vui về người ấy cho lắm, vì dường như người ấy không thể làm bất cứ điều gì ngoại trừ cầu nguyện. Vì vậy, Chúa ngăn cấm họ quấy rối người ấy.
Những con linh dương và những con nai cái trong các cánh đồng rất dễ hoảng hốt. Khi có một âm thanh nhỏ, chúng sẽ chạy mất. Điều này chỉ tỏ rằng một thánh đồ như vậy vẫn còn trẻ và dễ bị hoảng hốt. Anh em phải cẩn thận đừng làm kinh động hay đánh thức người ấy. Bây giờ người ấy đang yên nghỉ trong sự hiện diện của Chúa, và người ấy đang vui hưởng sự dịu ngọt của hiện diện Chúa. Anh em không nên than phiền về điều này hay “đánh thức” người ấy cho đến khi người ấy đã vui thỏa. Đó có phải là một người thuộc linh không? Không. Người ấy đã trưởng thành chưa? Chưa. Người ấy đã lớn chưa? Chưa. Người ấy cần phải tiến tới. Tuy nhiên, việc tiến lên của người ấy cần phải có thời gian. Điều đó sẽ không xảy ra qua sự quở trách, lý luận hoặc rao giảng của một người nào đó. Cuối cùng, người ấy sẽ tự thức tỉnh và tiến tới.
Bây giờ thánh đồ này đã tăng trưởng trong sự sống một chút. Người ấy đã kinh nghiệm nhiều điều:
Thứ nhất, người ấy đã được hấp dẫn bởi tình yêu của Chúa. Ban đầu người ấy nói: “Hãy để chàng hôn tôi bằng những nụ hôn của miệng chàng! Vì tình yêu chàng ngon hơn rượu.” Đó là một kinh nghiệm về tình yêu. Kế đến, người ấy nhận thức: “Các trinh nữ yêu chàng,” và người ấy bắt đầu theo đuổi Chúa trong nếp sống hội thánh. Người ấy chạm được tình yêu của Chúa thêm nữa và kinh nghiệm việc được đem vào trong các căn phòng của Chúa, khi đó người ấy nói: “Chúng tôi sẽ vui mừng và hoan hỉ trong chàng; chúng tôi sẽ ca tụng tình yêu chàng hơn cả rượi.” Người này đã kinh nghiệm tình yêu của Chúa. Một người không biết tình yêu của Chúa không hề có kinh nghiệm nào trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng ta không thể chỉ đi đến các buổi nhóm và cầu nguyện. Chúng ta phải để cho tình yêu của chúa làm say đắm và thấm nhuần chúng ta. Nếu chúng ta muốn tiến lên thì toàn bản thể chúng ta cần phải ở trong tình yêu của Chúa.
Thứ hai, người ấy đã kinh nghiệm sự tương giao với Chúa. Người ấy biết cách nói chuyện với Chúa và cách để gặp gỡ Ngài. Điều này cũng được chỉ tỏ bởi kinh nghiệm của người ấy trong các văn phòng của Vua.
Thứ ba, người ấy đã đi đến chỗ nhận biết thập tự giá của Chúa. Người ấy đã kinh nghiệm việc có các bím tóc bằng vàng và đôi hoa tai bằng bạc được làm cho mình. Bây giờ người ấy nhận thức mình cần công tác của thập tự giá cách liên tục.
Thứ tư, người ấy đã kinh nghiệm một sự chuyển giao quyền bính. Quyền bính trên người ấy đã được chuyển dời từ chính người ấy đến Chúa. Người ấy đã dâng mình cho Chúa, và Chúa đã được trao cho vị trí đầu nhất trong đời sống của người ấy.
Thứ năm, Người ấy có một số kinh nghiệm về sự sống thần thượng. Người ấy biết sự sống này phong phú và quý báu như thế nào, như được chỉ ra bởi  chiếc trường kỷ màu xanh và cây luôn xanh tươi với trái của nó. Người ấy cũng nhận thức rằng sự sống thần thượng phải nâng đỡ và chống đỡ người ấy nếu người ấy muốn tiếp tục theo đuổi Chúa.
 Thứ sáu, người ấy đã đi đến chỗ nhận biết hội thánh. Trong phân đoạn thứ nhất, người tìm kiếm nói: “Các trinh nữ yêu chàng.” Các trinh nữ là hội thánh. Kết quả của việc người ấy ở trong các căn phòng là: “Chúng tôi sẽ vui mừng và hoan hỉ trong chàng.” Có sự đề cập đến hội thánh ở mỗi giai đoạn trong kinh nghiệm của người ấy. Sự lôi cuốn của Chúa dẫn đến việc theo đuổi hội thánh. Sự tương giao trong các căn phòng dẫn đến sự đánh giá cao về hội thánh. Lời chứnng của người ấy: “Hỡi các con gái Jerusalem... đừng nhìn vào tôi, vì tôi đen, vì mặt trời đã làm tôi cháy xém,” cũng liên quan đến hội thánh. Khi người tìm kiếm nói: “Chiếc trường kỷ của chúng ta màu xanh. Xà nhà của chúng ta bằng gỗ hương nam; các thanh rui bằng gỗ cây tùng,” điều đó chỉ về hội thánh như kiến ốc của Đức Chúa Trời. Ngay cả khi người tìm kiếm của Chúa có sự vui hưởng cao nhất trong nhà yến tiệc, kết quả cũng là sự nhận thức rằng cần phải có các thánh đồ để duy trì kinh nghiệm này “Hãy nâng đỡ tôi bằng bánh nho khô!”
Thứ bảy, người tìm kiếm đã đi đến chỗ nhận biết chính mình. Người ấy không còn tự coi mình là trung tâm nữa, cũng không đánh giá rất cao về chính mình như trước nữa. Nhờ công tác của ân điển Đức Chúa Trời, người ấy thừa nhận cách khiêm nhường rằng mình chỉ là một “đóa hoa hồng Sharon”. Người ấy cảm thấy mình không là gì cả nhưng chỉ là một anh em bình thường trong hội thánh. Bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời, người ấy có thể tiến lên cùng với các thánh đồ. Người ấy cũng thấy mình là một “bông hoa huệ trong các thung lũng.” Vì đã nhìn thấy sự thành tín và tình yêu của Chúa, người ấy có thể đặt qua một bên mọi nỗi lo lắng, nghi ngờ, mọi sự phấn đấu và hành vi thiếu suy nghĩ. Bây giờ người ấy có thể yên nghỉ trong cánh tay quyền năng của Chúa và tiến lên bởi đức tin.
Sau tất cả những điều này, người ấy cũng đã khám phá ra rằng khả năng kinh nghiệm Chúa của mình rất giới hạn. Vì vậy, người ấy sẵn lòng từ bỏ thể giới nhỏ bé của mình và cùng với tất cả các thánh đồ vui hưởng chiều rộng, chiều dài, chiều cao và chiều sâu của Christ (Eph. 3:18). Người ấy không chỉ tiếp lấy sự sống từ Đầu mà còn tiếp nhận sự cung ứng từ các chi thể của Thân Thể. Người ấy đã trở nên khiêm nhường hơn ở bên ngoài và được mở rộng hơn ở bên trong. Hallelujah!

Suu Tầm