Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

NHỮNG ĐỊNH LUẬT GIẢI NGHĨA KINH THÁNH


    Định luật là một điều gì đó cứ xảy ra, cứ lặp đi lặp lại không ngừng, và không thay đổi trong kết quả. Thí dụ tung chiếc khăn tay lên không nó sẽ rơi xuống, dù ở Paris hay Saigon, kết quả cũng luôn luôn giống nhau. Đó là luật hấp dẫn của trái đất—trọng lực mà ông Newton đã khám phá.


    Các định luật chi phối vũ trụ là những nguyên tắc do Đức Chúa Trời cài đặt sẵn, nhân loại không có thể sáng chế ra chúng, nhưng chỉ cần khám phá, phát hiện và biết chúng là gì. Những ai sống trái ngược các định luật nầy sẽ bị thiệt hại, đôi lúc phải bỏ mạng.


   Thánh Kinh có 66 sách, được hình thành trong vòng 1600 năm. Khi hà hơi, cảm thúc, soi sáng cho 40 tác giả viết ra nó, Đức Chúa Trời đã cài đặt các định luật để giải thích Kinh Thánh. Dân của Chúa không thể sáng chế ra các định luật nầy, họ chỉ có thể tìm cách phát hiện chúng để làm phương tiện giải nghĩa Kinh Thánh cách đúng đắn.

   Các định luật nầy là các nguyên lý cấu tạo Kinh Thánh, là các nguyên tắc cố định để nhờ đó chúng ta giải thích Kinh Thánh. Những ai không sử dụng những định luật nầy, hoặc dùng những nguyên tắc sai lầm, họ sẽ rơi vào tình trạng tối tăm thuộc linh, cực đoan hay tà giáo khi phân giải Lời Đức Chúa Trời.

   Trải lịch sử 2000 năm của Hội thánh, các tôi tớ Chúa đã tìm ra khá nhiều định luật để giải nghĩa Kinh thánh. Trong bài viết ngắn ngủi nầy, tôi chỉ ghi lại một số định luật giải kinh căn bản mà cá nhân tôi đã sử dụng và cho là quan trọng nhất:

  1.Luật Về Lần Xuất Hiện Lần Đầu Tiên:
   Ông Benjamin Wills Newton, bạn đồng công đồng thời với John Nelson Darby đã tìm ra luật về lần xuất hiện đầu tiên trong Kinh thánh vào đầu thế kỷ 19. Bất cứ từ ngữ, hay sự kiện nào xuất hiện lần đầu tiên trong Kinh thánh đều là nguyên tắc giải nghĩa cho từ ngữ, sự kiện đó khi chúng xuất hiện về sau.

  Thí dụ Sáng thế ký 2:3, Đức Chúa Trời “thánh hoá” ngày sa-bát. Từ ngữ “thánh hoá” xuất hiện lần đầu tiên tại đây, có nghĩa là: “biệt riêng ra thánh, đặt làm thánh”. Những sự kiện xuất hiện lần đầu tiên kèm với một nhân vật nào đó đều có ý nghĩa như Sáng thế ký chép La-ban thấy khoanh vàng, Lót thèm thuồng nhìn cánh đồng Sô-đôm, cho nên nhiều tôi tớ Chúa nói Sáng thế ký là mảnh đất gieo hạt giống lẽ thật cho cả bộ Kinh thánh. Nếu anh em có làm nghề nông, trồng lúa nước, anh em sẽ biết đám mạ là gì. Sáng thế ký như là đám mạ gieo mọi lẽ thật cho cả Kinh thánh, và Ma-thi-ơ là đám mạ phụ. Anh em có thể tìm được manh nha hầu hết các lẽ thật của Kinh thánh trong hai đám mạ đó. Giống như việc người ta nhổ mạ trong đám mạ và đem cấy trên cả diện tích đất ruộng mình.

   Thí dụ Sáng 2:22 chép sự xây dựng (to build) ám chỉ sự xây dựng Hội thánh, sự ra đi của Nô-ê và Lót ám chỉ sự cất lên sớm và cất lên trễ của tín đồ đắc thắng và tín đồ xác thịt. 

2. Luật Văn Phạm:
Nói về luật văn phạm là bàn luận về giống, về số nhiều nhiều hay số ít của danh từ, về các thì của động từ, về số lần xuất hiện của từ ngữ nào đó bao nhiêu lần, và tại sao từ ngữ nào đó xuất hiện tại một sách nào đó… Dân Chúa quá cẩu thả khi không chú ý chữ “tội lỗi” số nhiều (sins) và “tội lỗi” số ít (sin) trong sách Rô-ma có ý nghĩa gì. Các danh từ số nhiều như “vinh quang” (glories) ở 1 Phi-e-rơ 1:11, các con sông (rivers) ở Giăng 7:38, chìa khoá (keys) ở Khải thị 1:18, đều có ý nghĩa mà dân Chúa thường bỏ sót. Người chủ quan sẽ không thấy rõ là Khải Thị 8: chép về phần biển thứ ba biến ra huyết chứ không phải một phần ba các biển bị tai vạ đó. Người nào hiểu được các thì của hai động từ ở 1Giăng 2:1 và 3:9 sẽ dễ hiểu hai câu Kinh thánh khó giải nghĩa nầy.

   Có bao giờ anh em tìm hiểu tại sao chữ “ăn ở” (bước đi—to walk) xuất hiện 8 lần trong thơ Ê-phê-sô hơn các sách sách khác không? Tại sao thơ Cô-lô-se thường chép về “sự khôn ngoan”, “sự thông biết” và “tri thức”, còn Ga-la-ti lại thường chép về “ân điển” và “luật pháp”? Ai hiểu được các lý do đó thì đã nắm được luật văn phạm góp phần giải kinh các sách đó rồi.

3. Luật Về Hình Bóng Học:
   Hình bóng là cái bóng của cái hình, là cái ảnh của hình thật. Chân dung chúng ta mà máy chụp hình chụp ra, thì người Bắc gọi là ảnh, người Trung gọi là bóng và người Nam gọi là hình. Cựu ước là cuốn sách hình và Tân ước là lời minh hoạ, lời thuyết minh cho các bức ảnh đó.

   Đây là một định luật quan trọng để giải nghĩa Kinh thánh xác đáng. Có rất nhiều hình, ảnh, bóng trong lịch sử Israel, như các của lễ, đền tạm, đền thờ. Luật pháp về lễ nghi…v..v mà thực tại, sự thực của các hình ảnh đó là Đấng Christ, là Đức Thánh Linh, là Hội thánh, và là sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Cô-lô-se 2:16-17 chép “Vậy nên, chớ để ai xét đoán anh em về đồ ăn đồ uống, hoặc ngày lễ hoặc ngày trăng non, hoặc ngày sa bát.  Ấy đều là bóng của những sự sẽ đến, còn thể thì là Đấng Christ”.  Tôi đã bàn luận về hình bóng học cách khá đầy đủ trong link dưới đây:



4. Luật Về Lời Tiên Tri:
   Sách 1 Cô-rinh-tô 10:32 phân định cả nhân loại được chia làm ba loại người: - người Do-thái, người Hi-lạp và Hội thánh. Người Do- thái là dân Israel, người Hi lạp đại diện các dân tộc ngoại bang. Cho nên các lời tiên tri trong toàn bộ Kinh thánh phải được giải nghĩa và áp dụng cho đúng ba đối tượng trên. Phao-lô khuyên phải “phân giải lời của lẽ thật cách ngay thẳng”. Tiếng Anh câu nầy là,“ cutting straight the word of the truth”. (2 Tim. 2;15 Bản RcV)

    Tôi nói như vậy vì tôi thấy nhiều người cượng giải thí dụ về chiên và dê ở Ma-thi-ơ 25:31-46 cho Hội Thánh. Thực ra lời tiên tri đó dự ngôn về các dân tộc ngoại bang còn sống sót sau cơn đại nạn.

   Người thợ mộc phải xẻ gỗ thật ngay ngắn, đúng theo mực thuớc, không sai lệch được, thì chúng ta cũng phải phân giải lời Chúa ngay thẳng như vậy. Lời tiên tri nào của hội thánh, của Israel hay của người ngoại, ta phải nói rõ cách đúng đắn. Ma-thi-ơ 25:1-31 dự ngôn về Israel, 24:32-25:30 nói về Hội thánh, và 25:31-46  là luận về dân ngoại bang. Phần nhiều lời tiên tri trong các sách Cựu ước đều liên quan đến dân Israel. Chúng ta phải phân biệt cách thẳng thắn lời tiên tri nào thuộc về dân Israel, thuộc về Hội Thánh và thuộc về các dân ngoại bang thì sự phân giải kinh Thánh của chúng ta mới chính xác.

  Mời anh em tham khảo bài viết của tôi về ba hệ thống lời tiên tri trong Kinh Thánh trong link sau đây:



5. Luật Về Lời Bạc Và Lời Vàng:
   Dù Kinh thánh có chép lời của loài người như gần hết sách Gióp, các sách lịch sử…v..v.., nhưng cả Kinh thánh đều là Lời Đức Chúa Trời. Kinh thánh Cựu ước có nhiều chương là lời từ miệng Đức Chúa Trời phán ra, và Tân ước có nhiều chương là lời nói của Chúa Jesus, còn đa phần Kinh thánh chép lời của loài người nói. Nhưng Đức Thánh Linh hà hơi, cảm thúc, mặc khải, cai trị cho các người chép, do đó lời chép lại được hà hơi đó trở thành bộ Kinh thánh hiện tại. Đó là Lời Đức Chúa Trời chân xác. Các tạp chất, các lời của Sa-tan, của loài người cũng được Chúa cảm thúc khi được ghi chép lại cách chính xác. Kết quả sự chép lại là Kinh Thánh, là Lời Đức Chúa Trời.

   Dù cả Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta phải phân biệt lời bạc và lời vàng trong Kinh thánh. Cả hai lời bạc và lời vàng cũng đều là Lời Đức Chúa Trời. Nhưng sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, dầu là lời trọng yếu, mà không phải là chủ đề chính của Kinh thánh. Những tư tưởng trung tâm của Đức Chúa Trời trong Kinh thánh như mục đích đời đời, nghị quyết thần thượng, kế hoạch của Đức Chúa Trời, sự sống và sự xây dựng, thành thánh Jerusalem mới là lời vàng của Đức Chúa Trời trong Kinh thánh, còn các điều phụ thuộc như sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, lịch sử dân Israel đều là lời bạc của Đức Chúa Trời. Khi giải kinh, chúng ta phải phân biệt đâu là ý chỉ nguyên thuỷ, tiền định của Đức Chúa Trời có từ trước các thời đại, và đâu là ý chỉ cho phép của Đức Chúa Trời  kể từ khi Lucifer sa ngã.

   Thí dụ 1: 2 Ti-mô-thế 1:9 chép, “Ấy là Đấng đã cứu chúng ta, đã gọi chúng ta bởi ơn kêu gọi thánh, chẳng phải theo công việc của chúng ta, bèn là theo chỉ định (mục đích) và ân điển của Ngài, là ân điển đã ban cho chúng ta trong Christ Jêsus từ trước muôn đời”. Chúa đã kêu gọi chúng ta bởi mục đích và bởi ân điển của Ngài. Lời vàng là sự kêu gọi theo mục đích đời đời. Còn sự kêu gọi theo ân điển cứu rỗi là lời bạc.

  Thí dụ 2: Ê-phê-sô 5:23, “Vì chồng là đầu vợ, cũng như Đấng Christ là đầu Hội thánh, chính Ngài cũng là Cứu Chúa của Thân Thể”. Đầu hội Thánh là lời vàng. Cứu Chúa của Thân thể là lời bạc.

   Thí dụ 3: các ý tưởng của các Thi thiên 2, 8, 16, 22, 23, 24, 45, 68, 72, 110…là lời vàng vì chúng luận về Đấng Christ. Các ý tưởng của các Thi thiên 10, 11,12, 13, 14, 15…là lời bạc vì chúng bàn về các quan niệm của người kỉnh kiền Cựu ước, về cây tri thức thiện ác….

   Cuối cùng anh em sẽ khám phá rằng Kinh thánh chép nhiều về lời bạc mà ít chép về lời vàng. Lời vàng nói về bản thể Đức Chúa Trời, thân vị Ngài, những điều sâu nhiệm của Đức Chúa Trời, còn lời bạc nói về công tác và đường lối của Ngài.

6. Luật Về Sự Khác Biệt Giữa Cựu Ước Và Tân Ước
   Định luật nầy rất quan hệ khi giải nghĩa Kinh Thánh. Nhiều tín đồ không phân biệt Cựu ước và Tân ước. Nhiều người chủ trương loại bỏ Cựu Ước, người khác ứng dụng cả Cựu ước theo nghĩa đen. Đó là lý do tại sao họ còn tuân giữ ngày sa-bát, kiêng cử thịt cá và chỉ ăn trái cây. Có kẻ đi quá đà là giữ lễ Vượt qua và phép cắt bì.

  Ban đầu Đức Chúa Trời ban ân điển cho Áp-ra-ham. Sau đó 430 năm, Ngài ban luật pháp cho dân Israel. Luật pháp canh giữ Israel suốt 1500 năm, để vạch trần bản chất ô tội của họ, để họ nhìn nhận mình là tội nhân. Khi nhận mình là bất lực, không tuân giữ luật pháp nỗi, họ sẽ tiếp nhận Chúa Jesus là ân điển.

   Trong thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời ban cho các điều răn, điều luật về luân lý, đạo đức. Dân chúng thời đó thất bại, không thể tuân hành, nên Ngài cũng ban cho họ các điều luật về lễ nghi, về các của lễ, để nhờ đó họ bù đắp, được cứu rỗi khỏi các sai phạm đối với các qui luật đạo đức kia và được phép đến cùng Đức Chúa Trời. Khi Đấng Christ đến, Ngài làm ứng nghiệm, thay thế và bãi bỏ các điều luật lễ nghi, người tin Chúa chỉ cần tiếp nhận Chúa Jesus để sống cuộc đời cao hơn luật đạo đức Cựu Ước.

   Đó là vài lời tóm tắt về sự khác biệt giữa Cựu Ước và Tân Ước. Người giải kinh phải nắm giữ các điểm nòng cốt đó khi giải nghĩa Kinh thánh, nếu không người ấy sẽ rơi vào mê hồn trận của Cựu ước và sự tối tăm không lối thoát.
  Mời anh em xem thêm điều nầy ở link:

  

7. Luật về Chủ Đề Chính Của Kinh Thánh--Đấng Christ và Hội Thánh
   Một định luật sâu xa khác là chúng ta phải giảng giải Kinh Thánh với chủ đề chính là “Đấng Christ và Hội Thánh”.

   Ngay cả hai chương đầu của sách Sáng thế Ký nên được giải thích theo luật chủ đạo nầy. Trong Sáng thế Ký 1:26, chúng ta thấy Đấng Christ là hình ảnh của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã sáng tạo con người theo hình ảnh của Ngài trong Sáng thế Ký 1:26, và trong Tân Ước, Cô-lô-se 1:15 bảo chúng ta mang hình ảnh của Đấng Christ. Trong Sáng thế Ký 2: 9 chúng ta thấy cây sự sống liên quan đến Đấng Christ. A-đam cũng là biểu hiệu của Đấng Christ, là Đầu tất cả mọi loài thọ tạo của Đức Chúa Trời. Hình ảnh của Đức Chúa Trời ở bên ngoài, và sự sống của Đức Chúa Trời ở bên trong. Nếu anh em giải nghĩa phần nầy với Đấng Christ, anh em đang đi đường đúng đắn. Với vợ của A-đam, chúng ta thấy Hội thánh  (Sáng. 2:21-25). Hai chương đầu của Kinh thánh cho chúng ta thấy Đấng Christ với Hội Thánh.

   Hai chương đầu chi phối toàn bộ Kinh Thánh. Sau hai chương nầy, con người sa ngã, đó là câu chuyện khác. Rồi chủ đề chính của Kinh thánh xuất hiện trong hai chương tổng kết của Kinh Thánh—Khải thị 21-22. Bốn chương ở phần khởi đầu và phần kết luận của toàn bộ Kinh thánh tương xứng với nhau. Tất cả đều nói về Đấng Christ và Hội thánh. Sáng thế ký 1-2 nói về A-đam và Ê-va, Khải thị 21-22  nói về Chiên Con và Thành thánh, tất cả đều làm biểu hiệu cho Đấng Christ và Hội thánh. Cũng vậy toàn bộ Kinh thánh giữa bốn chương nầy nên được giải thích theo định luật chủ đề chính--Đấng Christ và Hội thánh. Mặc dù có nhiều điều tiêu cực xảy ra, nhưng theo cách gián tiếp, chúng đều có liên quan Đấng Christ và Hội thánh.

   Tôi có bài thơ trình bày Đấng Christ và Hội thánh trong phần lớn bộ Kinh thánh Tân Cựu Ước như sau:

Nàng là ai, mà xiêm y lộng lẫy,

Ngồi lạc đà từ Pha đan đi lên,
Trang điểm ngọc ngà, vẻ đẹp tăng thêm,
Gặp tân lang khi hoàng hôn buông xuống?


Rê-be-ca, người Y-sác suy tưởng,
Cưới đem vào ở nhà trại mẹ mình,
Nàng là hội thánh dân ngoại tái sinh,
Được vào dự phần giao ước Do-thái.


Nàng là ai, gốc gác từ dân ngoại,
Kết duyên lành Giô-sép, vị quyền uy,
Ách-nát ra khỏi thế giới thần kỳ,
Là hội thánh được kêu gọi tỏ rõ.


Nàng là ai, sống giữa đồng hoang khổ,
Vợ Môi-se, ấy chính Sê-phô-ra,
Hội thánh giữa trần gian phải trải qua,
Nhưng Chúa bảo vệ nàng và nuôi nấng.


Nàng là ai, mà cuộc đời phá sản,
Sánh duyên người có quyền thế chuộc mua,
Chuyện tình Bô-ô - Ru-tơ thuở xưa,
Huyền nhiệm lớn--Christ và hội thánh.


Ốt-ni-ên cưới vợ bằng trận đánh,
Là Ạc-sa, dường hội thánh biết xin,
Cùng Chúa thừa kế sản nghiệp thuôc linh,
Ấy chính là Đức Chúa Trời tam nhất.


A-bi-ga-in, nữ lưu đẹp nhất,
Kết duyên cùng vua Đa-vít cao sang,
Cùng chồng dấn thân vào chốn chiến tràng,
Tượng trưng hội thánh theo Christ chiến đấu,


Su-la-mít mà quân vương yêu dấu,
Chính là hội thánh từng bước đổi thay,
Từ ngựa giỏi đến thành thánh ngay nay,
Tất cả nhờ Chúa dày công tạo tác.



Nàng là ai mà Chúa tìm kiếm nhất?
Là hội thánh vinh hiển không vết tì,
Là Thân Thể của Đấng Christ quyền uy,
Là Cô Dâu đẹp xinh ngày lễ cưới-


Đáng chúc tạ Đức Chúa Trời vô đối,
Vinh quang danh Chúa đến ngàn muôn đời.


   Bài thơ nầy cho chúng ta thấy Đấng Christ và Hội thánh là chủ đề chính của cả bộ Kinh thánh. Chúng ta cũng nên áp dụng luật về chủ đề chính--Đấng Christ và Hội thánh  khi giải nghĩa các sách Nhã Ca, Ô-sê, Thi Thiên 45, Ê-sai 54, Mathiơ 9, Giăng 3:…v..v..Chúng ta sẽ có nhiều ánh sáng và sự sống khi giải kinh.

Kết luận:

   Lu-ca đã ghi lại câu chuyện Chúa Jesus giải nghĩa Kinh thánh rất sống động cho hai môn đồ đi về làng Em-ma-út trong 24:25-27 như sau, “Jêsus bèn phán rằng: “Hỡi kẻ ngu dại, có lòng chậm tin mọi lời các tiên tri đã nói! Há chẳng cần cho Đấng Christ phải chịu những nỗi khổ ấy, rồi vào vinh hiển Ngài sao?  Đoạn, Ngài bắt đầu từ Môi-se đến các tiên tri mà giải nghĩa cho họ những điều chỉ về Ngài trong cả Kinh thánh”. Chúa là tác giả Kinh thánh nên khả năng giải kinh của Ngài rất siêu phàm. Khoảng đường từ Jerusalem đến Em-ma-út dài chừng 12 cây số. Con người bình thuờng đi bộ một giờ chừng 4 cây số. Nên ít nhất Chúa cũng dùng hai giờ đồng hồ giải nghĩa những điều chép về Ngài trong Cựu ước cho họ.

    Lời giải kinh theo đúng chủ đề chính của Kinh thánh đem lại ánh sáng, sự nóng cháy, sự sống mới mẻ trong lòng, đến nỗi hai môn đồ nầy bỏ dở bữa ăn tối và trở lại Jerusalem ngay để thuật lại sự việc cho 11 sứ đồ và các môn đồ khác biết. Chúa lại hiện ra cho 11 sứ đồ và hai môn đồ đó. Ngài mở tâm trí cho họ hiểu Kinh Thánh. Anh em nghĩ rằng hai môn đồ đó có thuật lại nội dung bài giải kinh của Chúa cho các sứ đồ và môn đồ ở Jerusalem nghe chăng?

   Tôi tin rằng nếu anh em giải nghĩa Kinh thánh theo 7 định luật trên đây, anh em sẽ lãnh hội nhiều sự sống và ánh sáng thần thượng. Nguyện Chúa mở tâm trí chúng ta và giúp chúng ta sở đắc luật giải kinh thuần chính, thuộc linh hầu đem lại phước hạnh vô vàn cho Hội Thánh ngày nay. Amen.


Minh Khải—06-01-2014