Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Cuộc tái sinh của loài chim ưng

Bald Eagle (Haliaeetus leucocephalus)  by AestheticPhotos

Tôi có đọc bài viết có chủ đề “Cuộc tái sinh của loài chim ưng” của Ông Phạm Vũ  đăng trong website Http: Newvietart.com, số ra ngày 14-7-2013  một bài viết đầy ấn tượng như sau:

“Cuộc đời chim ưng kéo dài khoảng 70 năm. Nhưng để sống được quãng đời đó, nó phải trải qua một quyết định khó khăn.

Đến 40 năm tuổi, móng vuốt chim ưng dài ra, mềm đi, làm nó không còn bắt và quắp mồi được nữa. Mỏ dài và sắc của nó nay cùn đi, cong lại… Đôi cánh trở nên nặng nề với bộ lông mọc dài, làm nó vất vả khi bay lượn, bắt mồi.

Lúc này, nó đứng trước hai sự lựa chọn.
- Một là: cứ như vậy và chịu chết.
- Hai là: nó sẽ phải tự trải qua một giai đoạn thay đổi đau đớn kéo dài 150 ngày. Trong tiến trình đó, nó bay lên một đỉnh núi đá và gõ mỏ vào đá cho đến khi mỏ cũ gãy rời ra.

Chim ưng chờ cho mỏ mới mọc ra, rồi dùng mỏ bẻ gãy các móng vuốt cũ đã mòn. Khi có móng vuốt mới, nó nhổ các lông già trên mình đi. Và sau 5 tháng, chim ưng lại bay lượn chào mừng cuộc tái sinh và sống thêm 30 năm nữa.

Lời bàn:

Để tồn tại, chúng ta phải thay đổi chính mình. Đôi khi cần phải loại bỏ những ký ức, quá khứ, thói quen già cỗi. Chỉ khi nào chúng ta thoát khỏi gánh nặng của quá khứ, thì chúng ta mới sống hết mình trong hiện tại được. Việc này chắc chắn rất gian nan, phải sửa chính cái Ta đã bị nhiễm tập từ nhiều năm sống và đỏi hỏi chúng ta phải vượt lên chính mình”.

Tâm trí tôi được Đức Thánh Linh nhắc nhở ngay về câu Kinh thánh: “Tuổi đang thì của ngươi trở lại như của chim phụng hoàng” (Thi thiên 103:5 , bản truyền thống).

Bản King James dịch câu nầy, “Ngài làm thỏa mãn miệng người bằng vật tốt lành, đến nỗi tuổi trẻ ngươi được đổi mới như tuổi chim ưng”.

“Tuổi trẻ của ngươi”  ngụ ý ở Esai 40:31; Ôse 2:15; 2.Cor. 4:16. Nguyên văn là nurah, ngụ ý tình trạng còn trẻ trung.

Động từ “trở lại” (đổi mới—renew), theo nguyên văn là chadash, có nghĩa : to be new, to renew, to rebuild, to repair.- đổi mới, tái xây dựng, sửa chữa.

Bản Kinh Thánh Comple Jewish Bible dịch  “Ngài làm ngươi hài lòng với điều tốt lành đang khi ngươi còn sống, đến nỗi tuổi trẻ ngươi được đổi mới như tuổi chim ưng.”

Rô ma 12:2 giải nghĩa sự kiện then chốt nầy ”nhưng anh em được biến đổi  bằng sự đổi mới của tâm trí anh em”. Muốn được tái cấu tạo, tái xây dựng, tái sửa chữa, chúng ta cần có được sự đổi mới tâm trí. Động từ “đổi mới” ở đây là: anakainōsis có nghĩa là: renovation: - renewing. – sự thay mới, việc đổi mới.

 Sự đổi mới nầy tập trung vào sự đổi mới tâm trí. Vì sự sống tư duy của một người là chính con người đó. Tư duy của chúng ta chi phối cả cuộc đời chúng ta. Tư duy về xác thịt, về tiêu cực, về những hận thù, ân oán quá khứ chỉ đem lại sự chết cho con người. Châm ngôn 17:22 chép, “Lòng vui mừng vốn một phương thuốc hay; Còn tâm linh nao sờn làm xương cốt khô héo”. Châm 14:30, “Lòng bình tịnh là sự sống của thân thể; Còn sự ghen ghét là đồ mục của xương cốt”. Thường được nghe thông tin tốt lành và đem tư duy mình vào những điều tích cực, con người khang kiện, sống lâu, thắng bệnh tật.  Những cảm xúc ghen ghét, thù hận làm thất thoát sức khỏe. Cho nên Phao-lô khuyên chúng ta “Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công nghĩa, điều chi thanh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, nếu có đức hạnh gì, nếu có điều gì đáng khen, thì anh em hãy nghĩ đến” (Philip 4:8”. Chỉ suy tư những điều tích cực, dứt bỏ suy nghĩ tiêu cực là bí quyết sống đắc thắng, lành mạnh.

Bạn có thật sự được tự do với các ký ức vui buồn của quá khứ không? Nó có thế ám ảnh bạn như bóng ma hay như người hâm mộ, cả hai đều là tác nhân có hại. “Vả, Chúa là Thánh Linh; Thánh Linh của Chúa ở đâu, thì sự tự do cũng ở đó” (2 Cor. 3:17).

Epheso 4:23, “lại phải đổi mới trong tinh thần của tâm trí mình”. Bản King James là  “And be renewed in the spirit of your mind”. Chúng ta phải đổi mới trong tâm linh của tâm trí mình, chớ không phải tinh thần của tâm trí. 1 Cor, 6:17 nói nhân linh của tín đồ liên hiệp với Linh Chúa, và nhờ đó Chúa truyền sự sống và mọi sự Ngài là gì vào nhân linh chúng ta. Từ nhân linh, tâm trí chúng ta được đổi mới.

Hệ tư duy, quyền lực ký ức tiêu cực lắm lúc quấy rầy chúng ta trằn trọc trên giường ngủ. Ma quỉ cho chúng ta xem video trong tâm trí về quá khứ tiêu cực, làm cho chúng ta đau đớn, tức giận, đôi khi phải thức gần cả đêm. Đó là cách tra tấn của Ma quỷ khi hắn dùng dữ liệu trong tâm trí cũ kỷ của chúng ta. Cho nên nếu chúng ta không thay đổi hệ tư duy cố hữu, không hủy bỏ các dữ liệu tiêu cực đó, chúng ta không thể khang kiện về thể lực và linh lực được. Vì Ro. 8:6 chép, “Vả, chí hướng của xác thịt là sự chết, còn chí hướng của Thánh Linh là sự sống và bình an”. Nếu tâm trí xu hướng về Linh Chúa thì có sự sống và bình an, còn khi tâm trí xu hướng về xác thịt thì sinh ra sự chết.

Đổi mới tâm trí sẽ đem đến sự biển đổi con người, trở thành người trẻ trung, sinh động. Chữ “biến đổi” trong Rô ma 12:2 theo Hi lạp văn là: metamorphoō. Chữ nầy có nghĩa: biến đổi theo nghĩa đen và nghĩa bóng . Tiếng Anh là “metamorphose”: - thay hóa, biến hình, biến dạng.

Sự biến đổi là sự trao đổi chất, chuyển hóa hữu cơ trong cơ thể con chim ưng. Cũng là sự chuyển hóa, thay cũ đổi mới hệ thần kinh, hệ tư duy, tâm hồn, tấm lòng, tâm linh chúng ta thành con người hoàn toàn tươi mới, tự do, không còn bị những điều cũ kỹ chế ngự. Quá trình chuyển hóa nầy rất đau đớn và tốn nhiều thời gian, trải qua hầm mộ và phục sinh trong quyền năng của Chúa để thành bậc trưởng thành. Nếu lòng chúng ta thanh thản không còn chất chứa những ân oán, không bị gánh nặng quá khứ tích cực hay tiêu cực nắm giữ, chúng ta đã được biến đổi rồi.

2 Corinhto 3:18 chép, “Chúng ta thảy đều để mặt trần mà chiếu lại sự vinh quang của Chúa như một cái gương, thì đều biến đổi nên cũng một hình ảnh của Ngài, từ vinh quang đến vinh quang, như bởi Chúa là Thánh Linh vậy”. Động từ “biến đổi” ở đây cũng là metamorphoō như trên. Hằng ngay tâm linh, tâm trí chúng ta không nhìn lại quá khứ, mà chỉ nhìn xem, chỉ suy tư vinh quang của Chúa, thì Chúa là Linh sẽ truyền sự biến đổi sâu xa vào bản thể chúng ta. Mức độ biến đổi tiến lên từ bực, từ vinh quang thấp đến vinh quang cao hơn, mãi cho đến khi chúng ta được đồng hóa theo hình ảnh của Chúa trong tư tưởng, trong lối sống, trong lời nói, trong thói quen.

Dù người bề ngoài có thể tàn tạ mỗi ngày, nhưng chúng ta cũng có thể trường thọ, nhưng người bề trong càng khang kiện, sung mãn, tươi trẻ và phong phú.

Kết luận:

Vào năm 85 tuổi, Cụ Ca-lép, bạn đồng hành của Giô-suê làm chứng, “Kìa, trong bốn mươi lăm năm nay, từ khi Ngài phán lời nầy cùng Môi-se, đương khi Y-sơ-ra-ên còn đi trong đồng vắng, Đức Giê-hô-va đã bảo tồn sanh mạng tôi đến bây giờ, và ngày nay tôi được tám mươi lăm tuổi. Rày tôi cũng còn mạnh khoẻ như ngày Môi-se sai tôi đi; tôi vẫn còn sức mà tôi có hồi đó, đặng đi đánh giặc, hoặc vào ra”.

Bạn có khang kiện trong thân thể vật lý và sinh động trong người bề trong không? Hãy nhờ Chúa lo đổi mới tâm trí cũ kỹ của mình trước, chắc chắn Linh Chúa sẽ ban cho bạn sự biến đổi, chuyển hóa thuộc linh bên trong, để bạn trở nên một người tươi trẻ như chim ưng được tái sinh, tái tạo vậy.

Minh Khải   11-8-2014