Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

SỰ SỐNG VÀ SỰ SÁNG – THỂ YẾU CỦA SỰ HIỆP NHẤT

Đọc Kinh Thánh: Sáng 2:8-9; Levi 1:1-2a; Thi 36:8-9a; 133:
1-3; Isa. 2:3, 5; John 17:11, 17, 21-23; Eph. 4:3-6; Khải
21:22-24; 22:1-2; Eph. 1:10
Trong chương trước, chúng ta đã chỉ ra bốn hành động vĩ đại của Đức Chúa Trời trong vũ trụ có liên hệ đến sự sáng tạo, sự tuyển chọn, sáng tạo mới,  và Jerusalem mới trong trời mới và đất mới. Mỗi một trong bốn hành động này chúng ta đều thấy vấn đề hiệp nhất. Trong sự sáng tạo của Đức Chúa Trời có một người tập thể, và trong sự tuyển chọn Abraham của Đức Chúa Trời cũng chỉ có một người. Hơn nữa, hội thánh, một người mới, là một người duy nhất như sáng tạo mới của Đức Chúa Trời. Cuối cùng, thành phố mới trong vũ trụ mới sẽ có đặc điểm là sự hiệp nhất. Thực ra, thành phố đó sẽ là một người tập thể. Cho nên, sự hiệp nhất là yếu tố cơ bản trong các hành động của Đức Chúa Trời.

SỰ HIỆP NHẤT TOÀN DIỆN
Lý do cho sự hiệp nhất này là vì chính Đức Chúa Trời là một. Sự hiệp nhất là bản chất của Ngài. Trong tất cả các hành động của Đức Chúa Trời, chúng ta thấy một nguồn gốc, một yếu tố và một thể yếu. Trong sự sáng tạo của Đức Chúa Trời, chúng ta thấy một Đức Chúa Trời và một người tập thể. Trong sự tuyển chọn của Đức Chúa Trời, chúng ta cũng thấy một  Đức Chúa Trời và một người. Hơn nữa, trong hội thánh, chúng ta có một Linh và một người mới. Cuối cùng, trong Jerusalem Mới, chúng ta có Đức Chúa Trời Tam– Nhất duy nhất trong một thành phố có đặc điểm là một ngai, một con đường, một con sông và một cây. Vì vậy, sự hiệp nhất mà chúng ta nói đến không phải là sự hiệp nhất một phần, mà là sự hiệp nhất vĩ đại, trọn vẹn và toàn diện, một sự hiệp nhất toàn vẹn. Nguyện tất cả chúng ta đều có ấn tượng với khải tượng về một sự hiệp nhất như vậy. Nếu nhìn thấy khải tượng về sự hiệp nhất toàn vẹn, thì tất cả các vi khuẩn chia rẽ sẽ bị giết chết, và chúng ta sẽ được giải thoát khỏi mọi loại chia rẽ.
Trong chương này, chúng ta cần tiến lên để thấy thể yếu của sự hiệp nhất. Thể yếu của sự hiệp nhất vĩ đại, sự hiệp nhất toàn diện này là gì? Thể yếu của sự hiệp nhất này là sự sống và sự sáng.
SỰ HIỆP NHẤT ĐƯỢC BẢO TỒN BỞI SỰ SỐNG
      Trong SángThế Ký 2:8 Đức Chúa Trời nói: “Và Chúa Đức Chúa Trời đã trồng một khu vườn về hướng đông tại Eden; và ở đó Ngài đặt con người mà Ngài đã tạo thành.” Khu vườn là một chỗ có sự sống. Sau khi Đức Chúa Trời tạo dựng con người, Ngài đã đặt con người trong một chỗ có đầy sự sống. Ở giữa chỗ này, khu vườn tại Eden, có một cây được gọi là cây sự sống. Khu vườn không chỉ là một chỗ có sự sống, mà ở trung tâm của chỗ này còn có cây sự sống. Sự kiện Đấng Sáng Tạo đặt con người trong một môi trường như vậy chứng tỏ rằng Đức Chúa Trời đã trình bày chính Ngài cho con người như nguồn sự sống và cũng là nguồn cung ứng sự sống.
Tuy nhiên, con người không dự phần nào vào cây sự sống. Thay vì vậy, con người đã ăn trái cây tri thức và cuối cùng, kết quả là đã bị chia thành các dân tộc. Tại Babel, con người được Đức Chúa Trời tạo dựng vì chủ đích của Ngài đã bị chia thành các dân tộc. Đây là kết quả việc con người đã bị satan dụ dỗ ăn cây tri thức. Babel là kết quả, hậu quả của việc ăn trái cây tri thức. Điều này chứng tỏ là chúng ta phải cảnh  giác đối với bất cứ điều gì không phải là sự sống, vì một điều như vậy dẫn đến sự chia rẽ, Babel.
Như chúng ta sẽ thấy, có một diễn trình đi xuống từ Babel đến Babylon và từ Babylon đến Babylon lớn. Lúc khởi đầu Cựu Ước, chúng ta có Babel, nhưng vào lúc cuối cùng, chúng ta có Babylon. Hơn nữa, vào cuối Tân Ước, chúng ta có Babbylon lớn. Babel và Babbylon lớn, tất cả đều bắt nguồn từ cây tri thức. Điều này nghĩa là kết quả của việc dự phần vào  cây tri thức là sự chia rẽ.
Trái lại, sự sống là thể yếu của sự hiệp nhất. Sự hiệp nhất trong cuộc gia tể Đức Chúa Trời, sự hiệp nhất vĩ đại đã khải thị trọn vẹn trong Kinh Thánh, chỉ có thể được bảo tồn bởi sự sống. Không có sự sống, không thể có sự hiệp nhất.
Thân thể con người minh họa cho điều này. Mặc dù có nhiều chi thể trong thân thể, nhưng tất cả các chi thể là một, vì tất cả đều dự phần vào một sự sống, sự sống của thân thể. Cho nên, sự hiệp nhất của thân thề vật lý chúng ta là sự sống của thân thể. Tuy nhiên, khi một thi thể bị chôn, cuối cùng nó sẽ bị phân hủy vì không có sự sống. Khi sự sống bị dời khỏi thân thể vật lý chúng ta, các chi thể của thân thể bị tách rời. Điều này minh họa sự kiện về thể yếu của sự hiệp nhất trong thân thể vật lý con người là sự sống vật lý của con người. Nếu không có sự sống thì không có sự hiệp nhất.
Theo một ý nghĩa rất thực tế, Cơ Đốc Giáo ngày nay không phải là Thân Thể; đó là một thi thể. Các xương khô trong Ezekiel 37 không chỉ là một minh họa về tình trạng của con cái Israel, mà còn có thể được dùng làm một minh họa về tình trạng của các Cơ Đốc nhân ngày nay. Trong phân đoạn này của Lời, Chúa đã khiến cho Ezekiel thấy khải tượng về một thung lũng đầy xương khô, các xương đại diện cho “toàn thể nhà Isarel” (c.11). ban đầu, con cái Israel là một thân thể sống động. Nhưng sau khi họ bị chia rẽ và tản lạc, họ đã trở nên các xương khô, cái này tách rời với cái kia. Vì sự sống đã lìa khỏi các xương cốt, Thể yếu của sự hiệp nhất đã bị mất, và các xương đã bị tách rời. Về mặt tiêu cực, điều này khải thị rằng sự sống là thể yếu của sự hiệp nhất.
Một người tập thể do Đức Chúa Trời tạo dựng đã được định là để sản sinh rất nhiều hậu duệ. Làm thế nào các hậu duệ này vẫn là một? Có phải bởi giáo dục, bởi một vài loại quyền năng hay bởi tổ chức chăng? Phương cách duy nhất để sự hiệp nhất có thể được duy trì là bởi sự sống, trong sự sống và với sự sống. Nếu Adam ăn cây sự sống, tất cả các hậu duệ của ông, cho dù số lượng họ là hàng triệu người, cũng sẽ được gìn giữ trong sự hiệp nhất. Nhưng vì Adam đã dự phần vào cây tri thức, Thể yếu của sự phân rẽ đã được tiêm vào trong ông, và các hậu duệ của ông đã bị chia rẽ. Thể yếu của Babel được biểu lộ trong Sáng Thế Ký 11, đã được đặt vào trong con người trong Sáng Thế Ký 3. Điều này chứng tỏ rằng tình trạng chia rẽ và các sự chia rẽ đều là kết quả của việc nhận vào trong bản thể chúng ta một điều gì đó khác hơn sự sống. Yếu tố này là nhân tố, nguồn và thể yếu của sự chia rẽ. Trái lại, thể yếu của sự hiệp nhất là sự sống. Chỉ có sự sống mới có thể gìn giữ chúng ta trong hiệp nhất.
SỰ HIỆN DIỆN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
LÀ SỰ SỐNG ĐỚI VỚI ABRAHAM
Vì Babel, Đức Chúa Trời đã bị buộc phải từ bỏ dòng giống được tạo dựng và khởi đầu một hành động khá– sự tuyển chọn Abraham của Ngài. Ký thuật về Abraham trong Sáng Thế Ký không dùng những từ liệu sự sống hoặc sự  sáng. Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề sự sống và sự sáng có liên quan đến việc Đức Chúa Trời tuyển chọn Abraham, và sự hiện diện của Ngài là sự sống đối với ông. Khi Abraham được Đức Chúa Trời kêu gọi, ông không biết đi đâu. Ông không có bản đồ hoặc bất cứ sự hướng dẫn chi tiết nào. Sự hiện diện của Đức Chúa Trời là bản đồ, sự chỉ dẫn và sự cung ứng của ông. Sự hiện diện của Đức Chúa Trời đã là sự sống và mọi sự đối với ông Abraham. Ngoài sự hiện diện của Đức Chúa Trời ra, Abraham không có gì cả. Chắc chắn ông là một người đã vui hưởng sự hiện diện của  Đức Chúa Trời.
Theo ký thuật trong sách Sáng Thế Ký, Đức Chúa Trời đã hiện ra với Abraham một số lần. Dĩ nhiên, khi Đức Chúa Trời hiện ra với ông, Ngài đã phát ngôn với ông. Tuy nhiên, việc phát ngôn của Đức Chúa Trời đối với Abraham không quan trọng như việc hiện ra của Đức Chúa Trời. Công Vụ 7:2 chỉ tỏ rằng Abraham đã được kêu gọi bởi sự hiện ra của Đức Chúa Trời vinh hiển.
SỰ PHÁT NGÔN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
VÀ LẬP TRƯỜNG HIỆP NHẤT
Khi các hậu duệ của Abraham, con cái Israel, đã xuất hành ra khỏi Ai Cập và được đem vào trong đồng vắng, họ đã xây dựng một đền tạm. Đức Chúa Trời đã vào cư ngụ trong đền tạm này, và kết quả là đền tạm đã trở nên lều nhóm họp. Các sách Levi ký và Dân Số Ký có đầy dẫy sự phát ngôn của Đức Chúa Trời. Levi Ký 1:1 chỉ tỏ là Chúa đã từ lều nhóm họp phát ngôn với Moses. Do đó, đền tạm, lều nhóm họp, đã trở nên trung tâm sấm ngôn của Đức Chúa Trời, sự phát ngôn của Đức Chúa Trời. Hầu như toàn bộ sách Levi Ký là một ký thuật về sự phát ngôn của Chúa ra từ lều nhóm họp.
Nếu Moses và con cái Israel rời khỏi lều nhóm họp, họ không thể nghe được lời Đức Chúa Trời. Có lẽ một số con cái Israel đã nói: “Đức Chúa Trời ở khắp mọi nơi. Anh em có quyền gì mà tuyên bố là Ngài chỉ phát ngôn ra từ đền tạm? Anh em quá hẹp hòi và quá độc đoán. Đức Chúa Trời là vĩ đại, và Ngài không bị giới hạn với một căn lều. Anh em không thể nói Đức Chúa Trời chỉ phát ngôn tại một nơi duy nhất. Anh em tuyệt đối không thể giới hạn Đức Chúa Trời vô hạn bằng chiếc lều nhóm họp nhỏ bé của anh em”. Vâng, Đức Chúa Trời là vĩ đại và hiện diện khắp mọi nơi. Nhưng theo Cựu Ước, Ngài đã vui sướng cư ngụ trong đền tạm được dân Ngài xây cho Ngài trong đồng vắng. Mặc dù bầu trời rộng lớn, nhưng Đức Chúa Trời không thỏa lòng ở lại nơi đó. Hơn nữa, Ngài không phát ngôn với dân chúng từ trời; Ngài đã phát ngôn với họ ra từ lều nhóm họp.
Có lẽ anh em tự hỏi điều này liên quan gì đến lập trường hội thánh. Anh em có thể hỏi: “Sự phát ngôn của Đức Chúa Trời có liên quan gì đến lập trường hội thánh?” Sự phát ngôn của Đức Chúa Trời có liên hệ mật thiết với lập trường hiệp nhất. Nếu ở trên lập trường này, tức là lập trường đúng đắn, chúng ta sẽ có sự phát ngôn của Đức Chúa Trời mỗi ngày. Nhưng nếu không có sự phát ngôn của Đức Chúa Trời, có lẽ chúng ta không có lập trường hiệp nhất.
Theo Levi Ký, Đức Chúa Trời đã phát ngôn từ nơi chí thánh. Levi Ký là kết quả sự phát ngôn thần thượng này. Cho nên, Đức Chúa Trời đã phát ngôn từ sự hiệp nhất. Khi sự hiệp nhất này bị mất, sấm ngôn Đức Chúa Trời cũng mất.
Sự phát ngôn của Đức Chúa Trời đem lại ánh sáng, và ánh sáng dẫn đến sự sống. Khi không có sự phát ngôn của Đức Chúa Trời, chúng ta có sự chết và sự tối tăm. Sự chết và sự tối tăm làm tổn hại Thân Thể và khiến cho các chi thể bị tách rời. Cơ Đốc Giáo ngày nay đầy dẫy sự chết và sự tối tăm vì thiếu sự hiệp nhất chân thật trong sự sống.
NHẬN ĐƯỢC ÁNH SÁNG TỪ SỰ PHÁT NGÔN
CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Chúng ta nhận được ánh sáng từ sự phát ngôn của Đức Chúa Trời. Để nhận được ánh sáng, chúng ta cần sự phát ngôn của Đức Chúa Trời trên lập trường hiệp nhất đúng đắn. Ngày nay  Đức Chúa Trời vẫn còn đang phát ngôn trong lều nhóm họp, tức là tại trung tâm của sự hiệp nhất và trên lập trường hiệp nhất. Lều nhóm họp là lập trường, nền tảng của sự hiệp nhất. Chính tại chỗ này mà lời Đức Chúa Trời được phát ngôn để soi  sáng chúng ta. Ngoài sự phát ngôn của Đức Chúa Trời ra, chúng ta ở trong sự tối tăm. Nhưng khi lời Ngài đến, chúng ta ở trong sự sáng. Sự phát ngôn của Đức Chúa Trời ở đâu, ở đó luôn luôn có ánh sáng.
ĐƯỢC THỎA MÃN CÁCH DƯ DẬT
Con cái Israel không chỉ vui hưởng sấm ngôn của Đức Chúa Trời, mà còn được thỏa mãn cách dư dật bằng sự màu mỡ của nhà Đức Chúa Trời (Thi 36:8). Nhà Đức Chúa Trời chỉ về đền thờ, tức là sự tiếp tục và mở rộng của lều nhóm họp. Trong Thi Thiên 36:9, tác giả Thi thiên tiếp tục nói: “Vì với Ngài là nguồn mạch của sự sống: trong sự sáng Ngài, chúng tôi sẽ thấy ánh sáng.” Câu này cũng có liên hệ đến đền thờ. Chỉ ở trong đền thờ, dân Đức Chúa Trời mới có thể vui hưởng nguồn mạch của sự sống. Hơn nữa, chính ở trong đền thờ họ mới có thể thấy ánh sáng trong sự sáng của Đức Chúa Trời. Đây là bằng chứng thêm nữa rằng thể yếu của sự hiệp nhất của con cái Đức Chúa Trời là sự sống và sự sáng.
SỰ SỐNG DUY TRÌ SỰ HIỆP NHẤT
Điều này được Thi Thiên 133 xác nhận, bắt đầu bằng câu “Kìa, thật tốt đẹp và vui tỏa dường nào vì anh em cùng cư trú trong sự hiệp nhất!” Thi Thiên này kết luận: “Vì tại đó Chúa đã truyền ban phước, sự sống cho đến mãi mãi.” Như Thi thiên này nêu rõ, phước hạnh của sự sống có liên hệ đến sự hiệp nhất của dân Đức Chúa Trời.
Thi thiên 133 cũng nói về dầu xức và sương móc Hermon. Dầu xức quí báu và sương móc không ở khắp mọi nơi. Trái lại, chúng chỉ được vui hưởng tại một nơi cụ thể. Nếu một người Israel muốn dự phần vào phước hạnh được Chúa ban truyền, người ấy phải ở tại nơi hiệp nhất. Điều này nghĩa là, ít nhất ba lần một năm, người ấy phải có một cuộc hành trình đến núi Zion. Giả sử một số người từ chi phái Dan nói: “Tại sao tất cả chúng ta phải đi đến một chỗ để thờ phượng Đức Chúa Trời? Điều này là quá hẹp hòi; quá bè đảng và độc đoán. Đức Chúa Trời ở khắp mọi nơi. Chúng ta có thể ở đây, tại Dan và vui hưởng, ca hát, ngợi khen Đức Chúa Trời.” Những người từ Dan có thể vui hưởng, ca hát, nhưng nếu không đến núi Zion, họ không thể vui hưởng phước hạnh được ban truyền.
Nguyên tắc này cũng áp dụng cho ngày này. Nếu muốn ở dưới phước hạnh sự sống được Chúa ban truyền, chúng ta phải ở trên lập trường hiệp nhất. Những người bất đồng ý kiến có thể công bố có phước hạnh được ban truyền, nhưng thật ra họ không có. Những người nghĩ họ có phước hạnh là mê tín. Đức Chúa Trời không hẹp hòi cũng không độc đoán, nhưng Ngài minh bạch. Ngài minh bạch về nguyên tắc và cuộc gia tể của Ngài. Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ hành động trái với tính minh bạch của Ngài. Thi thiên 133:3 rất là minh bạch. Ở đây tác giả Thi thiên nói rằng tại đó, trên sự hiệp nhất, Chúa truyền ban phước, sự sống cho đến mãi mãi. Trong sự hiệp nhất của các anh em cùng cư trú với nhau có dầu tuôn chảy, sương móc, và dân Đức Chúa Trời vui hưởng sự sống. Nếu đánh mất sự hiệp nhất, chúng ta đánh mất kinh nghiệm về dầu, sương móc và phước hạnh của sự sống. Nếu muốn lưu lại trong sự hiệp nhất, chúng ta phải lưu lại trong sự sống, vì sự sống duy trì sự hiệp nhất. Điều này là đúng với con cái Israel, và cũng đúng với chúng ta ngày nay.
ĐƯỢC BẢO TỒN TRONG SỰ SỐNG VÀ SỰ SÁNG
Chúng ta đã nhìn thấy rằng sự sống có liên hệ đến cả con người tập thể trong sự sáng tạo nguyên thủy của Đức Chúa Trời lẫn Abraham và hậu duệ của ông, con cái Israel. Bây giờ chúng ta sẽ tiếp tục xem sự sống và sự sáng là thể yếu của sự hiệp nhất hội thánh như sáng tạo mới của Đức Chúa Trời. Trong John 17, Chúa xử lý với vấn đề hiệp nhất không phải bằng cách dạy dỗ các môn đồ của Ngài về điều đó, nhưng bằng cách cầu nguyện về điều đó. Lời cầu nguyện này khải thị rằng sự hiệp nhất chỉ có thể được bảo tồn và thực tại hóa trong sự sống. Trong câu 11, Chúa đã cầu nguyện: “Cha Thánh ơi, hãy gìn giữ họ trong danh Cha, là danh mà Cha đã ban cho Con, để họ có thể là một cũng như Chúng Ta.” Được gìn giữ trong danh Cha là được gìn giữ bởi sự sống của Ngài, vì chỉ có những người được sinh bởi Cha và có sự sống của Cha mới có thể dự phần vào danh Cha. Con đã ban sự sống của Cha cho những người mà Cha đã ban cho Ngài (c.2). Cho nên, các tín đồ vui hưởng sự sống thần thượng như thể yếu hiệp nhất của họ. Nếu được gìn giữ trong sự sống của Cha, chúng ta sẽ được bảo tồn trong sự hiệp nhất.
Trong câu 17 Chúa tiếp tục cầu nguyện: “Hãy thánh hóa họ trong lẽ thật; lời Cha là lẽ thật.” Được thánh hóa là được biệt riêng khỏi thế giới cho Đức Chúa Trời. Theo một ý nghĩa rất thực tế, được thánh hóa là được bảo tồn. Tại đây Chúa cầu nguyện để Chúa Cha thánh hóa các tín đồ trong lẽ thật, tức là lời Cha. Như danh Cha là vấn đề sự sống, nên lẽ thật của Cha cũng là vấn đề sự sáng. Vì vậy, sự sống và sự sáng chính là thể yếu của sự hiệp nhất.
John 17:22 nói: “Và vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, Con đã ban cho họ, để họ có thể là một cũng như Chúng ta là một.” Câu này chỉ tỏ Đức Chúa Trời Tam Nhất với vinh hiển của Ngài gìn giữ sự hiệp nhất của các tín đồ. Chúng ta không được gìn giũ trong sự hiệp nhất bởi sự dạy dỗ hoặc giáo lý. Chúng ta được bảo tồn trong sự hiệp nhất bởi sự sống và sự sáng. Chính Đức Chúa Trời Tam Nhất là sự sống và lời Ngài với sự phát ngôn của Ngài là sự sáng. Bởi sự sống và sự sáng này, sự hiệp nhất được duy trì. Đây là lý do Ephesus 4 có liên hệ đến sự hiệp nhất hội thánh, Thân Thể Đấng Christ, đến Đức Chúa Trời Tam Nhất, đến Linh, Chúa và Đức Chúa Trời Cha.
Trong các buổi nhóm hội thánh, chúng ta vui hưởng sự hiện diện của Đức Chúa Trời Tam Nhất. Điều này đặc biệt đúng ở buổi nhóm bàn của Chúa và buổi nhóm cầu nguyện. Qua các lời cầu nguyện được các thánh đồ thốt ra trong buổi nhóm cầu nguyện, tôi vui hưởng sự dịu ngọt của Chúa. Tôi có thể làm chứng là mỗi khi đến buổi nhóm cầu nguyện, tôi vui hưởng sự xức dầu của Chúa. Nhiều người trong chúng ta có thể làm chứng là chúng ta không có sự vui hưởng như vậy trước khi bước vào nhà của Chúa. Nhưng khi nếm sự dịu ngọt của Chúa trong các buổi nhóm hội thánh, chúng ta nhận được sự cung ứng của sự sống và kinh nghiệm được sự soi sáng của sự sống. Ô, tôi thật sự được cung ứng và soi sáng trong các buổi nhóm cầu nguyện của hội thánh! Đức Chúa Trời Tam Nhất với vinh hiển của Ngài chắc chắn hiện diện với chúng ta. Trong Đức Chúa Trời Tam Nhất- Cha, Con và Linh– với vinh hiển của Ngài, chúng ta được gìn giữ trong sự hiệp nhất. Vì lý do này, sau các buổi nhóm cầu nguyện chúng ta thường cảm thức có một tình yêu tươi mới đối với các thánh đồ. Chúng ta cũng có ý thức về việc đã kinh nghiệm sự xây dựng thêm nữa.
CHU KỲ SỰ SỐNG, SỰ SÁNG VÀ SỰ HIỆP NHẤT
Thật trọng yếu để chúng ta thấy rằng sự hiệp nhất giữa vòng con cái Đức Chúa Trời được bảo tồn bởi sự sống và sự sáng. Điều đó không được duy trì qua giáo lý, tổ chức hoặc việc vận động. Cảm tạ Chúa vì trong nhà của Ngài chúng ta có sự sáng và sự sống. Trước hết, chúng ta được soi sáng qua sự phát ngôn của Chúa. Sau đó chúng ta nhận được sự cung ứng sự sống. Tuy nhiên, cuối cùng sự sống đem đến sự sáng thêm nữa. Thực ra, chúng ta vui hưởng chu kỳ của sự sáng và sự sống, rồi sự sống và sự sáng. Càng có sự sáng chúng ta càng vui hưởng sự sống; càng vui hưởng sự sống, chúng ta càng nhận được sự sáng. Sự sáng, sự sống và sự hiệp nhất đi chung với nhau. Sự sáng thêm lên, sự sống thêm lên; sự sống thêm lên, sự hiệp nhất thêm lên; và khi sự hiệp nhất thêm lên, sự sáng thêm lên. Chu kỳ sự sáng, sự sống, và sự hiệp nhất này bảo tồn sự hiệp nhất.
Tuy nhiên, mỗi khi ở trong sự tối tăm và sự chết, chúng ta đánh mất sự hiệp nhất. Sự tối tăm đem lại sự chết, và sự chết gây ra sự rời rạc. Nhưng khi ăn năn và xưng nhận với Chúa, chúng ta được tẩy sạch bởi huyết báu. Sự tẩy sạch của huyết luôn luôn có liên hệ đến sự chiếu sáng của sự sáng (1 John 1:7). Khi được tẩy sạch bởi huyết dưới sự chiếu sáng của sự sáng, một lần nữa chúng ta lại kinh nghiệm sự sống. Theo kinh nghiệm, chúng tôi có thể làm chứng rằng sự sống, sự sáng và huyết trong John 1 cũng có chức năng như một chu kỳ để gìn giữ chúng ta trong sự hiệp nhất. Nhưng khi ở trong sự tối tăm, chúng ta đánh mất sự hiệp nhất, vì chúng ta đánh mất lập trường đúng đắn của hội thánh. Kết quả là sự chết và sự rời rạc. Một lần nữa chúng ta lại thấy rằng thể yếu của sự hiệp nhất là sự sống và sự sáng. Sự hiệp nhất ở trong sự sống, với sự sáng, và trên lập trường đúng đắn.
SỰ HIỆP NHẤT CỦA THÀNH PHỐ MỚI
Sự sống và sự sáng cũng là thể yếu hiệp nhất của thành phố mới, Jerusalem mới. Khải Thị 21 và 22 nói về thành phố mới này. Trong chương 21, chúng ta thấy chính yếu là vấn đề sự sáng; trong khi chương 22, chúng ta có trước tiên là vấn đề sự sống. Khải Thị 21:23 nói: “Và thành không cần mặt trời hay mặt trăng để chiếu sáng trong đó, vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời đã tỏa sáng thành, và đèn của thành là Chiên Con.” Trong Jerusalem Mới sẽ không cần ánh sáng thiên nhiên vì thành phố được soi sáng bởi vinh hiển của Đức Chúa Trời Tam Nhất. Thành phố sẽ được tỏa sáng bởi sự chiếu sáng của chính Đức Chúa Trời. Hơn nữa, như câu kế tiếp nói: “Các quốc gia sẽ bước đi bởi ánh sáng của thành” (c.24). Điều này nhắc chúng ta nhớ đến Isaiah 2:5: “Ô nhà của Jacob, các ngươi hãy đến, và chúng ta hãy bước đi trong ánh sáng của Chúa.” Sự sáng bảo tồn sự hiệp nhất và loại trừ sự rối loạn. Sự sáng trong Jerusalem mới sẽ kiểm soát và loại trừ sự rối loạn. Sự sáng trong Jerusalem mới sẽ kiểm soát, cai trị, chỉ dẫn, và giữ gìn mọi điều trong trật tự. Cho nên, sự sáng bảo tồn sự hiệp nhất.
Khải Thị 22:1 và 2 nói: “Và thiên sứ ấy đã chỉ cho tôi sông nước sự sống, trong sáng như pha lê, lưu xuất từ ngai của Đức Chúa Trời và Chiên Con ở giữa đường của thành. Ở bờ bên này và bờ bên kia sông có cây sự sống.” Sông nước sự sống chảy ra từ ngai của Đức Chúa Trời và Chiên Con để cung ứng cho thành phố. Nước sự sống ở đây là một biểu hiệu về Đức Chúa Trời trong Đấng Christ như Linh đang tuôn chảy chính Ngài vào trong dân được cứu chuộc để làm sự sống và nguồn cung ứng sự sống của họ. Trong Khải Thị 22:1, nước sự sống là một con sông lưu xuất từ ngai của Đức Chúa Trời và Chiên Con để cung ứng và thấm nhuần toàn bộ Jerusalem mới. Theo cách này thành phố sẽ đầy dẫy sự sống thần thượng để biểu hiện Đức Chúa Trời  trong sự vinh hiển của sự sống Ngài.
Như câu 2 nói, cây sự sống “ở bờ bên này và bờ bên kia sông.” Một cây sự sống mọc ở hai bên bờ sông biểu thị rằng cây sự sống là cây nho, lan rộng và dọc theo dòng nước sự sống để dân Đức Chúa Trời  tiếp nhận và vui hưởng. Cho đến đời đời, dân được cứu chuộc của Đức Chúa Trời sẽ vui hưởng Đấng Christ như cây sự sống làm phần hưởng đời đời của họ (Khải 22:14, 19). Như cây sự sống, Đấng Christ là nguồn cung ứng sự sống sẵn có cặp theo dòng chảy của Linh như nước sự sống. Linh tuôn chảy ở đâu, ở đó tìm thấy nguồn cung ứng sự sống của Đấng Christ. Bởi nước sự sống và cây sự sống, thành phố mới sẽ được cung ứng cách phong phú cho đến đời đời. Qua nguồn cung ứng sự sống dư dật này, sự hiệp nhất của Jerusalem mới sẽ được duy trì mãi mãi. Ở đó không thể có bất cứ sự chia rẽ nào. Sự sáng sẽ chiếu sáng khắp thành phố, và sự sống sẽ tưới nước và cung ứng cho thành phố. Sự sống và sự sáng này sẽ loại trừ khả năng chia rẽ. Thậm chí các quốc gia chung quanh thành phố mới sẽ là một. Vào lúc đó muôn vật trên trời và dưới đất sẽ qui tụ dưới một Đầu trong Đấng Christ (Eph. 1:10). Đây sẽ là sự hiệp nhất tối hậu, hoàn vũ và đời đời. Như chúng ta đã nhiều lần chỉ ra, sự hiệp nhất này sẽ được gìn giữ và bảo tồn trong sự sống và với sự sáng.

Tất cả các hội thánh của Chúa phải ở trong sự sống và dưới sự chiếu sáng của sự sáng. Bởi sự chiếu sáng của sự sáng và qua sự tưới nước và cung ứng của sự sống, chúng ta là một. Chúng ta không cần sắp xếp hoặc tổ chức bất cứ điều gì. Thể yếu sự hiệp nhất của chúng ta không phải là tổ chức– mà là sự sống và sự sáng. Nguyện tất cả chúng ta ghi khắc sâu xa sự kiện là sự hiệp nhất chỉ có thể thắng thế và được bảo tồn bởi sự sống và sự sáng.