Để mở đầu cho bài nầy, tôi có 4 dòng thơ như sau:
“Thực tâm không muốn giết cha,
Áp-sa-lôm chỉ ba hoa khoe tài;
Con người tham vọng, đẹp trai,
Vung tay cho cả nước say tài mình”.
-
Theo 2 Samuel 3:2-3, trong khi trị vì tại Hếp-rôn, David có
cưới người vợ thứ ba là Ma-a-ca. Nàng là công chúa của vua Thanh Mai, xứ
Ghê-ru-sơ, một đất nước nằm về phía đông bắc hồ Ga-li-lê. Ma-a-ca sinh cho
David người con trai thứ ba là
Áp-sa-lôm.
Đức Thánh Linh có ý định gì khi cho tác giả sách Samuen chép
về sắc đẹp vô song của Áp-sa-lôm? Khi mới
gặp tiên tri Samuel lần đầu, Kinh thánh ghi David mặt hồng hào, con mắt xinh lịch.
Chính Gô-li-át cũng nhận thấy David đẹp trai. Mẹ của chàng lại là công chúa,
cho nên đương nhiên Áp-sa-lôm là người mẫu đẹp cấp quốc gia. Kinh thánh chép,“Vả, trong cả Y-sơ-ra-ên chẳng có một
người nào được khen chuộng về nhan sắc mình như Áp-sa-lôm; nơi mình người, từ
bàn chân cho đến chót đầu, chẳng có tì vít gì hết. Mỗi năm người hớt tóc mình,
- vì nặng làm cho người bất tiện, - thì tóc người cân được hai trăm siếc-lơ,
theo cân của vua” (2 Sa. 14:25-26). Toàn thể thân hình ông không có một nốt ruồi
hay mụt tàn nhang. Có lẽ ông dành rất nhiều thời gian để trau dồi và giữ gìn sắc
đẹp có một không hai trong cả xứ Israel.
Với sắc đẹp vô song, lại có tài ăn nói cuốn hút lòng người.
Ông đã chịu cực khổ để ra 4 năm đứng trên khoảng đường gần đến cổng đền của vua
cha, để đón mọi người Israel đến cùng David. Trong thời gian dài đó, ông nói xấu
cha mình để cướp lòng tin yêu của hầu hết dân chúng.
Ông cùng đồng đãng đến Hebron để tự xưng làm vua. Ông có 200
khách mời từ Jerusalem và mời A-hi-tô-phe, vốn là mưu sĩ của David. Nói theo
danh từ hiện đại, A-hi-tô-phe là cố vấn an ninh của vua David. Sau khi Vua
David và 400 người còn lại đi trốn, vua mới là Áp-sa-lôm dẫn quân dân vào kinh
thành Jerusalem và lên ngai vàng. A-hi-tô-phe chủ động xin giết David ngay trong
đêm đó, chứ Áp-sa-lôm không hề chủ trương giết cha.
Thế thì Áp-sa-lôm làm mọi sự đó với mục đích gì? Theo tôi ông
muốn trổ tài là một vị vua thương dân, lo cho sự an lạc của dân chúng. Ông muốn
họ ngưỡng mộ ông là một vị vua đẹp trai, và tài ba hơn cha mình, thế thôi. Ông
muốn chiếm ngôi cha, chớ không có ý định giết cha mình. Giữa Áp-sa-lôm và
Giô-áp có sự gay cấn, cho nên Giô-áp đã cố ý giết Áp-sa-lôm mà không nghe theo
lời dặn dò của David.
“Con hơn cha là nhà có phúc”. Nhưng trong trường hợp nầy,“con
không bằng cha, tớ không hơn chủ, trò không hơn thầy”.
Phao-lô từng châm biếm những tín đồ non kém của Hội thánh
Cô-rinh-tô, là đàn con thuộc linh của mình. Ông nói về sự ngông cuồng và tự kỷ
ám thị của họ như sau, “Anh em đã no đủ rồi! Anh em đã giàu có rồi! Ngoài chúng
tôi anh em đã làm vua rồi! Thật tôi mong anh em được làm vua rồi, hầu cho chúng
tôi cũng được đồng làm vua với anh em” (1 Cor. 4:8).
Nhìn qua sự ngông cuồng, khả năng không nhận biết mình và không
hiểu nỗi bậc sanh thành, bậc cha anh thuộc linh của mình, mà còn lên giọng
huênh hoang, tôi chỉ ngậm ngùi và thương tiếc cho sự sa bại chẳng sớm thì chầy
của họ. Đời nào trứng khôn hơn vịt, thế mà Áp-sa-lôm lại nghĩ như vậy. Ông
không hề hiểu trường đại học đồng vắng mà cha của ông đã theo học nơi Chúa
trong mấy chục năm dài. Cho dù người bề ngoài của mỗi chúng ta có là người mẫu
cấp quốc gia đi nữa, cũng rất ít có giá trị thuộc linh trước mặt Chúa và dân
Ngài. Vì, “Đức Giê-hô-va phán …rằng: Chớ xem về bộ dạng và hình vóc cao lớn của
nó, vì ta đã bỏ nó. Đức Giê-hô-va chẳng xem điều gì loài người xem; loài người
xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng” (1 Sa. 16:7). Ngày nay
có nhiều Áp-sa-lôm trong nhà Chúa đang cướp chỗ của cha anh mình. Họ tự phong
làm vua, chớ không do chúa xức dầu. Thật đáng tiếc!
Minh Khải 7-1-2014