Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2015

QUAN NIỆM SAI LẦM CỦA CÁC TÍN ĐỒ



Chúng ta không nên có quan niệm sai lầm rằng các tín đồ mà bị các ác linh lừa dối thì sẽ rất ô uế, suy thoái và tội lỗi. Chúng ta cần nhận thức rằng các tín đồ này hoàn toàn dâng mình cho Đức Chúa Trời và thật sự tiến bộ hơn các tín đồ bình thường. Họ nỗ lực vâng phục Chúa và sẵn lòng trả bất kỳ giá nào để bước theo Chúa. Vì họ hoàn toàn dâng mình cho Chúa nhưng không biết cách hợp tác với Đức Chúa Trời, nên họ rơi vào trong sự thụ động. Những người không giống như vậy thì không thể trở nên thụ động. Mặc dù họ có thể cho rằng mình hoàn toàn dâng mình cho Đức Chúa Trời, nhưng cách sống của họ vẫn theo các ý tưởng và lập luận của sự sống thiên nhiên. Họ vẫn sống theo ý muốn riêng của mình. Loại tín đồ này sẽ không rơi vào trong sự thụ động; họ sẽ không bị quỷ ám. Họ có thể nhường lập trường cho các ác linh trong các vấn đề khác nhưng trong vấn đề vâng phục ý muốn của Đức Chúa Trời, họ sẽ không nhường lập trường thụ động cho các ác linh. Tuy nhiên, chỉ những ai thật sự dâng mình, bất chấp thiệt hơn, và sẵn lòng lắng nghe và vâng phục mọi lệnh truyền của Đức Chúa Trời thì mới có thể trở nên thụ động và bị ám. Loại tín đồ này có ý muốn dễ rơi vào sự thụ động. Chỉ những ai sẵn lòng hoàn toàn vâng phục mọi mạng lệnh mới có thể trở nên thụ động.

Nhiều người hỏi: “Tại sao Đức Chúa Trời không bảo vệ họ? Chẳng phải động cơ của họ rất thuần khiết sao? Chẳng lẽ Đức Chúa Trời để cho những người trung tín tìm kiếm Ngài bị các ác linh lừa dối sao?” Nhiều người cho rằng Đức Chúa Trời sẽ bảo vệ con cái Ngài trong mọi hoàn cảnh. Họ không biết rằng để nhận được sự bảo vệ của Đức Chúa Trời, một người phải thỏa đáp điều kiện để được Đức Chúa Trời bảo vệ. Nếu một tín đồ thỏa đáp điều kiện để các ác linh công tác thì Đức Chúa Trời không thể cấm chúng công tác. Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời tuân thủ các qui luật. Vì một tín đồ nộp mình, vô tình hoặc cố ý, vào trong tay các ác linh, nên Đức Chúa Trời không thể ngăn trở chúng có quyền cai trị trên tín đồ. Nhiều người nghĩ rằng hễ động cơ của họ thuần khiết, họ sẽ được miễn trừ khỏi việc bị lừa dối. Họ không biết rằng người dễ bị lừa dối nhất trong thế giới chính là những người có động cơ thuần khiết. Sự thành thật không phải là điều kiện không bị lừa dối; tri thức là điều kiện. Nếu một tín đồ không quan tâm đến các sự dạy dỗ của Kinh Thánh và không thức canh cầu nguyện, và nếu người ấy nghĩ rằng chỉ cần có động cơ thuần khiết thôi là người ấy có thể không bị lừa dối, thì chắc chắn người ấy sẽ bị lừa dối. Nếu người ấy bị lừa dối và thỏa đáp điều kiện để các ác linh công tác, làm sao người ấy có thể mong đợi Đức Chúa Trời bảo vệ mình?
Nhiều tín đồ cho rằng họ chắc chắn sẽ không bị lừa dối vì họ thuộc về Chúa. Hoặc họ cho rằng mình sẽ không bị lừa dối vì mình đã hoàn toàn dâng mình cho chúa và có được nhiều kinh nghiệm thuộc linh. Họ không biết rằng khi một tín đồ tự cho rằng mình vững chắc thì người ấy đã bị lừa dối rồi! Nếu một tín đồ không hạ mình xuống một chút, người ấy sẽ bị lừa dối đến cực điểm: tức là người ấy sẽ bị quỷ ám và vẫn nghĩ rằng mình đầy dẫy Thánh Linh. Bị ám không phải là vấn đề sự sống và không phải là vấn đề động cơ; đó là vấn đề tri thức. Khi một tín đồ nhận được quá nhiều sự dạy dỗ duy tâm và lúc bắt đầu nếp sống Cơ Đốc của mình, thì Thánh Linh rất khó hướng dẫn người ấy bằng lẽ thật mà người ấy cần. Tín đồ cũng có thể có định kiến đối với sự giải thích Kinh Thánh, khiến cho các tín đồ khác khó truyền sự sáng mà người ấy thiếu hụt đến cho người ấy.  Khi một tín đồ khoe khoang về sự an toàn đang lúc mình ở trong một tình trạng nguy hiểm như vậy, thì hoặc là người ấy cung cấp cho các ác linh một cơ hội để công tác, hoặc là người ấy để cho chúng tiếp tục công tác.
Chúng ta đã thấy sự thụ động là nguyên nhân của việc bị quỷ ám, nhưng sự thiếu hiểu biết là nguyên nhân cùa sự thụ động. Nếu một tín đồ không thiếu hiểu biết, người ấy sẽ không làm con mồi để bị quỷ ám. Thật ra “sự thụ động” đơn giản là sự vâng phục bị hiểu sai và sự dâng mình bị hiểu sai. Chúng ta cũng có thể nói rằng đó là sự vâng phục thái quá, sự dâng mình thái quá. Nếu một tín đồ có được tri thức và bởi đó nhận thức rằng các ác linh thích có và cần có sự thụ động của con người trước khi có thể công tác, người ấy sẽ không thể nào để cho chính mình rơi vào trong sự thụ động và bởi đó tạo cơ hội cho các ác linh công tác. Nếu một tín đồ biết rằng Đức Chúa Trời cần con người cùng lao tác với Ngài và Ngài không ao ước con người tự biến mình thành những cỗ máy, thì người ấy sẽ không để cho chính mình rơi vào trong sự thụ động và mong đợi Đức Chúa Trời đến chuyển động mình. Ngày nay, các tín đồ sa vào trong tình trạng này chính yếu là vì thiếu hiểu biết.
Các tín đồ có tri thức để biện biệt sự chuyển động của Đức Chúa Trời với công tác của Satan. Các tín đồ cần có tri thức để hiểu rõ nguyên tắc công tác của Đức Chúa Trời và điều kiện công tác của Satan. Chỉ những ai có sự tri thức này mới có thể giữ mình khỏi quyền lực của sự tối tăm. Satan dựa trên các lời nói dối để tấn công các tín đồ; vì vậy, phải có các lẽ thật để thay thế chúng. Satan muốn giữ các tín đồ trong sự tối tăm; vì vậy, sự sáng phải được chiếu sáng. Chúng ta phải nhớ kỹ nguyên tắc các ác linh công tác khác với nguyên tắc của Thánh Linh. Tuy nhiên, mỗi lúc công tác, chúng luôn luôn công tác theo nguyên tắc của chúng. Mặc dù các ác linh rất giỏi thay đổi diện mạo của chúng, nhưng nếu chúng ta nhìn vào toàn bộ công tác của chúng, chúng ta có thể nhận thấy rằng nguyên tắc bên trong luôn giống nhau. Sau khi nhận thức được sự khác biệt này, chúng ta phải kiểm tra các kinh nghiệm trong quá khứ của mình và biện biệt nguyên tắc như nền tẳng cho kinh nghiệm của chúng ta. Qua điều này, chúng ta sẽ có thể biện biệt điều gì từ thánh Linh và điều gì từ các ác linh. Bất cứ điều gì được thực hiện theo một nguyên tắc nào đó chắc chắn đều được thực hiện bởi loại linh tương ứng.
Vì các tín đồ rơi vào trong việc bị quỷ ám qua sự thiếu hiểu biết nên chúng ta cần xem xét chi tiết nhiều vấn đề mà các tín đồ rất dễ hiểu sai.
CHẾT VỚI ĐẤNG CHRIST
Sự thụ động của nhiều tín đồ là do hiểu sai lẽ thật “chết với Đấng Christ” . Vị sứ đồ nói: “Tôi đang chịu đóng đinh với Đấng Christ; và không còn tôi sống nữa mà Đấng Christ sống trong tôi; còn sự sống mà tôi hiện đang sống trong xác thịt là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời” (Gal 2:20). Dựa trên điều này, các tín đồ cho rằng nếp sống thuộc linh cao nhất là “không còn tôi sống nữa”. Họ cho rằng họ phải đánh mất nhân cách của mình, họ không còn có ý muốn và khả năng riêng nữa, và “cái tôi” của họ phải chết hoàn toàn. Bởi đó, họ trở nên một cỗ máy vâng phục Đức Chúa Trời. Họ nghĩ rằng họ không được có bất kỳ cảm xúc nào nữa, họ phải kết liễu nhân cách của mình và loại bỏ mọi ao ước, mối quan tâm và sở thích của cuộc sống. Họ trở nên như một thi thể. Do đó, không còn những “cái tôi” nữa; “thân vị” của họ đều ra đi. Họ nghĩ rằng loại điều răn này đòi hỏi họ phải xóa bỏ chính mình, hủy diệt chính mình và “tự sát” đến mức không còn có bất kỳ cảm xúc nào về chính mình hay về nhu cầu, tình trạng, cảm nhận, ao ước, môi trường, tâm trạng, sự thoải mái, nỗi buồn…v…v.. của mình nữa, hầu cho họ chỉ cảm thức sự vận hành, công tác và chuyển động của Đức Chúa Trời thôi. Họ cho rằng việc chết đối với chính mình nghĩa là không còn có sự tự ý thức nữa. Vì vậy, họ giao “sự tự ý thức” của mình cho sự chết và cố gắng chết đến mức họ không còn cảm nhận bất cứ điều gì ngoài sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Họ nhận thức rằng sự chết phải được hoàn thành. Vì vậy, mỗi lần có sự tự ý thức, họ chuyên tâm đặt chính mình vào chỗ chết. Mỗi lần cảm thức mình có một niềm ao ước, một sự thiếu hụt, một nhu cầu, một mối quan tâm hay cảm nhận họ chuyên tâm xử lý điều đó và đặt điều đó vào chỗ chết.
Họ cho rằng họ đã bị đóng đinh với Đấng Christ và “cái tôi” không còn nữa. Họ cũng cho rằng Đấng Christ đang sống trong họ và “tôi” không còn sống nữa. “Tôi chịu đóng đinh với Đấng Christ” Vì vậy, “tôi” đã chết. Họ cố gắng đem sự chết này vào trong sự thực hành bằng cách không còn có bất cứ ý tưởng hay cảm nhận nào nữa. Họ Nghĩ rằng nhân cách của họ phải không còn hiện hữu nữa, vì “Đấng Christ sống trong tôi”. Vì Đấng Christ sống trong họ nên họ nghĩ rằng họ phải tự thuận phục Ngài cách thụ động và để cho Ngài suy nghĩ và cảm nhận thay cho mình. Nhưng họ không lưu ý đến cụm từ tiếp theo của Paul: “Sự sống mà tôi hiện đang sống trong xác thịt!” Paul đã chết, nhưng Paul không chết! “Tôi” đã bị đóng đinh trên thập tự giá, nhưng “tôi” vẫn sống. Sau khi trải qua thập tự giá, Paul nói: “Tôi hiện đang sống”!
Trong Galati 2:20, có hai cái “tôi”, cái trên chết, cái dưới vẫn sống.
Thập tự giá không tiêu diệt “cái tôi”. Nó hiện hữu mãi mãi. Thậm chí sau khi lên thiên đàng, sẽ vẫn còn “cái tôi”. Sự cứu rỗi có ý nghĩa gì nếu một ai đ1o có thể thay thế “tôi” lên thiên đàng?  Ý nghĩa của việc chấp nhận sự chết của Đấng Christ là chết đối với tội lỗi và giao nộp sự sống hồn chúng ta cho sự chết. Thậm chí điều tốt nhất, cao nhã nhất và tinh sạch nhất cũng phải bị giao nộp cho sự chết.
Chúng ta đã nói về điều này nhiều lần trước đây. Đức Chúa Trời muốn chúng ta từ chối tấm lòng sống bởi sự sống thiên nhiên của mình. Ngài muốn chúng ta sống bởi Ngài và hấp thụ sự sống Ngài từng hồi lúc để toàn bản thể chúng ta được cung ứng các như cầu. Ngài không có ý định tiêu diệt các chức năng khác nhau của bản thể chúng ta, và Ngài cũng không muốn toàn bản thể chúng ta rơi vào trong sự thụ động. Trái lại, nếp sống Cơ Đốc đòi hỏi chúng ta vận dụng ý muốn của mình hằng ngày, cách đơn nhất, chủ động và tin cậy để phủ nhận sự sống thiên nhiên của mình và nhờ cậy sự sống thuộc linh của Đức Chúa Trời. Giống như sự chết của thân thể con người không phải là một sự tiêu diệt hoàn toàn, sự chết trong hồ lửa không phải là một sự tiêu diệt hoàn toàn thì sự đóng đinh với Đấng Christ trong nếp sống thuộc linh cũng vậy. Thân vị con người phải hiện hữu, và đại diện cho thân vị con người – ý muốn – cũng phải hiện hữu. Chỉ có sự sống thiên nhiên mà bởi đó con người sống mới phải chết. Đây là sự dạy dỗ của Kinh Thánh.
Sau khi một tín đồ chấp nhận sự hiểu sai về việc chết với Đấng Christ và để cho mình rơi vào trong sự thụ động (1) người ấy sẽ không còn chủ động nữa, (2) Đức Chúa Trời sẽ không còn dùng người ấy nữa, vì điều này nghịch lại với nguyên tắc công tác của Ngài; và (3) các ác linh sẽ nắm lấy cơ hội để nhập vào người ấy vì tình trạng này phù hợp với điều kiện công tác của các ác linh. Vì vậy, hậu quả của sự hiểu sai về việc chết với Đấng Christ và cố gắng thực hành điều đó không gì khác hơn là bị quỷ ám và giả vờ là được Đức Chúa Trời đổ đầy. Chúng ta đã nhìn thấy các tín đồ ở nhiều nơi bị quỷ ám và có nhiều kinh nghiệm lập dị sau khi hiểu sai sự dạy dỗ của Galatia 2:20-
Sau khi tín đồ “chết” theo cách này, các ác linh khiến người ấy không còn cảm nhận gì và không hề biết đến nhu cầu có các cảm nhận của chính mình. Khi người ấy tiếp xúc với người khác, họ cảm thấy người ấy giống như một bức tượng sắt hoặc đá; người ấy dường như không hề có các cơ quan cảm nhận. Người ấy không nhận thức được các nỗi khổ của người khác và không nhận thức được mình khiến người khác chịu khổ thế nào. Người ấy không có khả năng nhận biết, phân biệt điều gì bên ngoài hoặc bên trong mình. Người ấy không hề có ý thức về thái độ, diện mạo hay hành động của mình. Người ấy không vận dụng ý muốn để suy nghĩ, suy luận, hay quyết định trước khi phát ngôn và hành động. Người ấy không biết các lời nói, ý tưởng và cảm xúc của mình từ đâu đến. Ý muốn của chính người ấy không bao giờ hành động, nhưng nhiều lời nói, ý tưởng và cảm xúc biểu hiện qua người ấy bằng cách chiếm đoạt người ấy như thể người ấy là một ống dẫn để tuôn đổ vậy. Mọi hành động và cách cư xử của người ấy đều máy móc. Người ấy không biết lý do cho những điều này. Người ấy hoang mang và hành động chỉ vì nhận được mệnh lệnh và áp bức từ một nguồn nào đó mà mình không biết. Mặc dù người ấy không có “sự tự ý thức” nhưng chỉ cần người khác đối xử tệ với mình một chút thôi, người ấy sẽ rất dễ hiểu lầm và cảm thấy tổn thương. Người ấy trải qua các ngày của mình trong tình trạng tê liệt. Người ấy tin rằng mình đã chết với Đấng Christ và thậm chí không còn cảm thức chính mình nữa. Người ấy không biết rằng “sự thiếu ý thức” vừa là điều kiện vừa là hậu quả của việc các ác linh ám người ấy. Điều này khiến cho các ác linh bám chặt, cản trở, tấn công, cưỡng bức, đưa ra các đề nghị với người ấy, suy nghĩ giùm, hỗ trợ và thúc giục người ấy tiến tới mà không có bất cứ sự giới hạn nào cả vì người ấy không có cảm nhận gì cả.
Vì vậy, chúng ta phải ghi nhớ rằng điều chúng ta thường biết đến như là “việc chết đối với bản ngã” là chết đối với sự sống, năng lực, ý kiến và hoạt động của bản ngã ngoài Đức Chúa Trời. Đó không phải là sự chết của thân vị một người. Chúng ta không triệt tiêu chính mình để thân vị chúng ta không còn hiện hữu nữa. Điều này phải được làm cho sáng tỏ. Khi chúng ta nói mình không có bản ngã, điều đó nghĩa là chúng ta không có hoạt động của bản ngã. Chúng ta không đang nói rằng sẽ không có sự hiện hữu của thân vị chúng ta nữa! Nếu một tín đồ nghĩ rằng mình phải tiêu diệt sự hiện hữu của thân vị, mình không được suy nghĩ, cảm nhận hay có ý kiến hoặc không được có bất cứ chuyển động thân thể nào, nhưng thay vì vậy phải sống nếp sống trong mơ, cả ngày lẫn đêm, không biết mình đang ở đâu, thì người ấy sẽ bị quỷ ám. Người ấy có thể nghĩ rằng đây thật sự là chết đối với bản ngã, mình thật sự là một người không có bản ngã và kinh nghiệm thuộc linh của mình cao hơn bất kỳ ai khác. Nhưng sự dâng mình của người ấy không phải là dâng mình cho Đức Chúa Trời mà là cho các ác linh.
SỰ VẬN HÀNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
“Vì đó là Đức Chúa Trời vận hành trong anh em vừa muốn vừa làm vì niềm vui thích tốt lành của Ngài” (Phil.2:13). Câu này cũng rất bị hiểu lầm. Một tín đồ có thể nghĩ rằng chỉ có Đức Chúa Trời mới là Đấng muốn và làm, Ngài đặt lòng muốn và làm trong minh và Đức Chúa Trời sẽ muốn và làm giùm cho người ấy. Điều này nghĩa là người ấy không cần muốn hay làm bất cứ điều gì; Đức Chúa Trời muốn và làm giùm cho người ấy. Người ấy là một tín đồ ngoại hạng và không cần muốn hay làm nữa; Đức Chúa Trời là Đấng muốn và làm. Người ấy chỉ là một cổ máy vô thức và không liên quan gì đến việc muốn và làm cả.
Các tín đồ này không biết rằng câu này nghĩa là Đức Chúa Trời chỉ làm trong chúng ta theo mức độ chúng ta sẵn lòng muốn và làm. Đức Chúa Trời sẽ không làm hơn điều này; Ngài sẽ chỉ làm đến điểm này. Đức Chúa Trời sẽ không muốn và làm giùm cho con người. Đúng hơn, Đức Chúa Trời sẽ chỉ làm khi con người sẵn lòng muốn và làm theo niềm vui thích tốt lành của Ngài. Việc muốn và công tác vẫn phải là của con người. Vị sứ đồ rất cẩn trọng. Đây là lý do tại sao ông nói: “Đó là Đức Chúa Trời vận hành trong anh em vừa muốn vừa làm”. Đức Chúa Trời không muốn và làm một mình, nhưng “trong anh em”; thân vị của anh em vẫn còn. Chính anh em vẫn phải muốn và làm. Muốn và công tác vẫn là việc của anh em. Mặc dù Đức Chúa Trời vận hành, nhưng Ngài không thay thế. Muốn và làm là việc của con người. Ý nghĩa về sự vận hành của Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời làm trong chúng ta, chuyển động trong chúng ta, làm mềm mại chúng ta và khích lệ chúng ta để sản sinh trong chúng ta một tấm lòng có xu hướng vâng phục ý muốn của Ngài. Ngài không muốn làm giùm chúng ta để vâng phục ý muốn của Ngài. Ngài chỉ khiến chúng ta có ý hướng về ý muốn của Ngài. Khi đó, chính chúng ta vẫn phải muốn vâng phục. Câu này dạy dỗ rằng ý muốn của con người cần sự hỗ trợ từ quyền năng của Đức Chúa Trời. Ngoài Đức Chúa Trời, bất cứ diều gì con người quyết định và làm theo ý muốn của mình điều vô dụng. Đức Chúa Trời không muốn làm giùm con người; Ngài muốn con người nương cậy quyền năng của Ngài để muốn. Không phải là Đức Chúa Trời thay thế chúng ta trong việc muốn, mà là chúng ta muốn bởi việc Ngài làm.
Tuy nhiên, một tín đồ có thể không nhận thức được diều này. Người ấy có thể nghĩ rằng vì Đức Chúa Trời đang vận hành bên trong mình nên mình không cần chuyển động. Người ấy chỉ cần thụ động để cho Đức Chúa Trời vận hành và đồng đi với Ngài bên ngoài lẫn bên trong. Vì Đức Chúa Trời vận hành để muốn nên người ấy không cần vận dụng ý muốn của mình; tất cả những gì người ấy phải làm là để cho một ý muốn khác đến trên mình và sử dụng mình. Do đó, người ấy không dám quyết định, lựa chọn hay kháng cự điều gì; đúng hơn, người ấy thụ động chờ đợi sự ngự xuống của ý muốn Đức Chúa Trời. Khi một ý muốn bên ngoài đưa ra một quyết định cho người ấy, người ấy chấp nhận điều đó. Người ấy dập tắt mọi điều ra từ ý muốn của mình. Hậu quả của hành động này là: (1) tín đồ không sử dụng ý muốn của mình; (2) Đức Chúa Trời cũng không sử dụng ý muốn của Ngài để đưa ra bất cứ đề xuất nào cho người ấy, vì Ngài muốn tín đồ chủ động cùng lao tác với Ngài; (3) các ác linh nắm lấy cơ hội để bắt giữ ý muốn thụ động của người ấy và hành động thay cho người ấy để người ấy hoặc trở nên tê liệt, không tiến bộ gì, hoặc nóng cháy bằng “lửa của các quỷ”; và (4) vào lúc này, tín đồ có thể nghĩ rằng Đức Chúa Trời đang suy nghĩ giùm cho mình. Trong thực tế, quyền bính của sự tối tăm đã trở nên chúa của người ấy.
Chúng ta phải nhìn thấy sự khác biệt giữa việc Đức Chúa Trời “muốn” thay cho chúng ta và việc chúng ta cộng tác với Đức Chúa Trời qua việc vận dụng ý muốn của mình. Nếu Đức Chúa Trời quyết định thay cho chúng ta, thì vấn đề đó sẽ tuyệt đối không có liên hệ gì với chúng ta. Mặc dù tay chúng ta có thể làm một điều gì đó, nhưng lòng chúng ta không đề xuất điều đó. Khi tỉnh táo lại, chúng ta sẽ nhận thức rằng những điều này không phải do chúng ta làm. Tuy nhiên, nếu chúng ta sử dụng ý muốn của mình để chủ động công tác với Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ thấy rằng, mặc dù một điều gì đó được thực hiện bởi việc nương cậy nơi sức lực của Đức Chúa Trời nhưng thật ra điều đó được thực hiện bởi chúng ta. Một người hoàn toan bị quỷ ám thì không ý thức về bất cứ hành động nào của mình khi các quỷ “đến”. Người ấy có thể điên cuồng trong chốc lát, nhưng sau đó người ấy hoàn toàn không biết mình làm gì. Điều này cho chúng ta biết rằng mọi điều điên cuồng đều do các quỷ thực hiện qua ý muốn của người ấy và thay cho người ấy. Khi một tín đồ bị lừa dối, người ấy có thể nghĩ rằng vào lúc đó mình đã làm mọi sự, nói mọi lời và nghĩ ra mọi ý tưởng. Nhưng ngay khi được soi sáng bởi ánh sáng của Đức Chúa Trời va bắt đầu hỏi mình có thật sự muốn làm, nói và nghĩ những điều này không, người ấy sẽ nhận thức rằng những điều này chẳng có liên quan gì với mình cả. Đúng hơn, những điều này nhập vào người ấy và tự thực hiện thay cho người ấy.
Ý muốn của Đức Chúa Trời không phải là tiêu diệt ý muốn của chúng ta. Nếu chúng ta nói:”Từ nay trở đi, tôi sẽ không có ý muốn của mình nữa. Tôi sẽ chỉ để cho ý muốn của Đức Chúa Trời được biểu lộ từ tôi”, thì không phải chúng ta dâng mình cho Đức Chúa Trời đâu; đúng hơn, chúng ta đã lập một giao ước với các ác linh vì Đức Chúa Trời không dùng ý muốn của Ngài để thay thế ý muốn của chúng ta. Thái độ đúng đắn phải là: “Tôi có ý muốn của tôi, nhưng ý muốn của tôi muốn ý muốn của Đức Chúa Trời”. Chúng ta phải đặt ý muốn của chúng ta về phía Đức Chúa Trời, không phải bởi sự lực của chúng ta, nhưng bởi sự sống của Đức Chúa Trời. Lẽ thật đích thực là sự sống mà sử dụng ý muốn của chúng ta trong quá khứ phải bị đặt vào chỗ chết. Bây giờ chúng ta sẽ sử dụng ý muốn của mình bởi sự sống của Đức Chúa Trời. Chúng ta không tiêu diệt ý muốn của mình; nó vẫn ở đó-- chỉ có sự sống thay đổi. Sự sống thiên nhiên phải chết, nhưng sự tác nhiệm của ý muốn vẫn hiện hữu. Nó được Đức Chúa Trời đổi mới và bây giờ sự sống mới của chúng ta đang sử dụng nó.
CÔNG TÁC CỦA THÁNH LINH
Có nhiều tín đồ rơi vào trong sự thụ động và bị quỉ ám vì thiếu hiểu biết về công tác của Thánh Linh. Có nhiều sự hiểu sai thường gặp như:
A.   Chờ Đợi Thánh Linh
Hội thánh ngày nay thật sự rất thiếu hiểu biết về Thánh Linh trong kinh nghiệm! Ở nhiều nơi, nhiều tín đồ có ý định tốt đã nhấn mạnh các sự dạy dỗ về Thánh Linh. Trong số đó, những sự dạy dỗ thường gặp nhất là một người phải “chờ đợi sự đổ đầy của Thánh Linh”,”chờ đợi sự ngự xuống của Thánh Linh” và “chờ đợi báp têm của Thánh Linh”. Trong sự thực hành, một số người cầu nguyện suốt đêm trong nhà mình và kiêng ăn một thời gian dài, “chờ đợi để nhận được Lễ Ngũ Tuần của riêng mình”. Một số buổi nhóm biến thành “buổi nhóm chờ đợi” ngay khi bài giảng kết thúc, để những ai muốn tìm kiếm Thánh Linh có thể chờ đợi. Cho nên, nhiều người thật sự nhận được các kinh nghiệm khác thường và kinh nghiệm linh siêu nhiên ngự xuống trên họ, khiến họ có các cảm nhận kỳ diệu khác thường, nhìn thấy các khải tượng và ánh sáng lạ, nghe các tiếng nói, nói tiếng lạ, rung lắc và có các hiện tượng khác. Sau điều này, chúa Jesus trở nên quý báu hơn đối với họ và nhiều tội lỗi lỗi tỏ tường bị quăng xa. Họ trở nên vui mừng và nhiệt tình hơn, nghĩ rằng mình đã nhận được báp-têm của Thánh Linh. Những hành động này dựa trên các câu sau: “Này, Ta sai lời hứa của Cha Ta đến trên các ngươi; nhưng về phần các ngươi, hãy ở lại trong thành cho đến khi các nhươi mặc lấy quyền năng từ trên cao” (Luke 24:49). “Ngài truyền bảo họ đừng rời khỏi Jerusalem, nhưng chờ đợi lời Cha hứa” (Công.1:4).
Chúng ta phải chú ý đến một vài điểm quan trọng. Thật sự Chúa Jesus đã truyền bảo các môn đồ chờ đợi Thánh Linh đến trên họ. Tuy nhiên, sau ngày Lễ Ngũ Tuần, chúng ta không tìm thấy chỗ nào trong Công Vụ hay trong các Thư Tín, các sứ đồ truyền bảo các tín đồ “chờ đợi” để nhận được Thánh Linh. Sau Lễ Ngũ Tuần, “tiếp nhận” được dùng hay thay cho “chờ đợi” (Công 19:2).
Hơn nữa, khi các môn đồ chờ trong mười ngày, Thánh Linh không nói họ “chờ đợi” cách thụ động. Đúng hơn, họ cầu nguyện và nài xin trong sự hòa hợp. sự chờ đợi thụ động thâu đêm như hiện nay (một số người còn chờ hơn mười ngày) khác với kinh nghiệm của các môn đồ.
Hơn nữa, sau Lễ Ngũ Tuần, mỗi khi chúng ta đọc về việc các tín đồ được đầy dẫy Thánh Linh, họ đều được đầy dẫy ngay lập tức. Họ không phải chờ đợi giống như các sứ đồ ban đầu (đối chiếu Công 4:31, 9:17, 10:44).
Thánh Linh không thể được kêu cầu trực tiếp. Ngài cũng không đến qua sự nài xin của chúng ta, vì Ngài là một ân tứ (đối chiếu Luke 11:13, John 14:16). Hơn nữa, Ngài ngự xuống vào Lễ Ngũ Tuần. Trong toàn bộ Tân Ước, chua từng có ai kêu cầu Thánh Linh cách trực tiếp. Không có trường hợp nào trong Kinh Thánh mà con người trực tiếp xin sự ngự xuống và báp-têm của Thánh Linh. Thay vì vậy, Kinh Thánh nói rằng Chúa Jesus “sẽ báp-têm các ngươi trong Thánh Linh” (Matt. 3:11).
Ngoài ra, như chúng ta đã đề cập trước đó, Thánh Linh chỉ đến trên “người mới”, tức là người bên trong. Mong đợi Thánh Linh đến trên thân thể vật lý, đòi hỏi cảm xúc và ấn định một cảm nhận nào đó làm bằng chứng cho sự ngự xuống của Thánh Linh là nguồn gốc của sự lừa dối.
Vì vậy, sự thực hành “chờ đợi Thánh Linh” ngày nay không phù hợp với Kinh Thánh, vì sự thực hành này hoàn toàn thụ động. Đa phần loại chờ đợi này dều diễn ra vào ban đêm khi hân thể đã rất mệt mỏi. Hơn nữa, thường có một thời gian dài kiêng ăn và nhiều ngày chờ đợi. Tâm trí của tín đồ tự nhiên trở nên rất lộn xộn. Hơn nữa, việc cầu nguyện kéo dài, hoặc ngồi hay quỳ gối, “chờ đợi” sự ngự xuống của Thánh Linh trên thân thể, sẽ rất dễ đặt ý muốn vào tình trạng thụ động hoàn toàn. Tín đồ không kháng cự, biện biệt, hay lựa chọn bất cứ điều gì. Người ấy chỉ thụ động chờ đợi một linh đến trên mình, đánh mình ngã xuống đất, hoặc dùng lưỡi và miệng của mình để ban cho mình một cảm nhận lạ. Một sự chờ đợi như vậy cung cấp một con đường cho các ác linh đến. Chẳng lạ gì khi trong tình trạng như vậy, tín đồ nhận được các kinh nghiệm siêu nhiên. Những kinh nghiệm siêu nhiên phải chờ đợi cho đến khi con người trở nên thụ động, chúng  mới có thể biểu lộ. Tuy nhiên, Thánh Linh sẽ không làm bất cứ công tác nào, vì điều đó nghịch lại với nguyên tắc công tác của Ngài. Các ác linh tận dụng cơ hội và trở nên rất năng động. Chúng thực hiện nhiều công tác giả mạo trên tín đồ. Vào lúc này, mọi lời cầu nguyện, lời hứa và đức tin dâng lên cho Thánh Linh thật ra đều là dâng lên cho các ác linh. Mặc dù dường như có một bầu không khí dễ chịu đổ đầy ngôi nhà trong loại buổi nhóm này và mọi người đều cảm thấy bình an và vui mừng, và mặc dù có thể nhiều sự hiến dâng và công tác ra từ một buổi nhóm như vậy, nhưng sự sống thiên nhiên vẫn chua được xử lý.
B.   Vâng Phục Thánh Linh
Các tín đồ, theo lời trong Công Vụ 5:32: “Thánh Linh mà Đức Chúa Trời đã ban cho những người vâng phục Ngài”, nghĩ rằng họ phải “vâng phục Thánh Linh”. Vì họ không bước theo lệnh truyền trong Kinh Thánh để kiểm tra và biện biệt linh của lẽ thật với linh của sự lầm lạc, nên họ xem mọi linh đến trên họ đều là Thánh Linh. Toàn bộ bản thể họ trở nên một cỗ máy. Bất cứ điều gì limh ở trên họ hướng dẫn họ làm, họ sẽ vâng phục theo đó. Mỗi khi làm bất cứ điều gì, trước hết họ xoay qua thân thể mình để chờ đợi một mạng lệnh. Khi thời gian trôi qua, tình trạng thụ động này sẽ dần dần  trở nên tệ hơn và linh ở trên họ có thể trực tiếp tiếp quản các chi thể của họ, như miệng và tay của họ. Tín đồ nghĩ rằng loại vâng phục Thánh Linh này sẽ làm vui lòng Đức Chúa Trời. Họ không nhận thức rằng câu này không bao giờ bảo chúng ta vâng phục Thánh Linh. Đúng hơn, lời đó nói rằng chúng ta phải vâng phục Đức Chúa Trời Cha qua Thánh Linh. Vị sứ đồ bảo chúng ta trong câu trước (c.29) rằng chúng ta phải “vâng phục Đức Chúa Trời”. Nếu tín đồ nhận lấy Thánh Linh làm đối tượng vâng phục của mình và quên đi Đức Chúa Trời Cha, người ấy sẽ bị dẫn dắt để đi theo một linh ở trong hoặc quanh mình và không vâng phục Cha trên trời qua Thánh Linh. Đây là khởi đầu của sự thụ động và điều này cung cấp cho các ác linh cơ hội để thực hành sự lừa dối. Khi một người đi vượt qua Kinh Thánh một chút, người ấy sẽ đối mặt với nhiều mối nguy hiểm!
C. Thánh Linh Là Ông Chủ
Chúng tôi đã nói ở một chỗ khác là Đức Chúa Trời kỷ luật linh chúng ta qua Thánh Linh và linh chúng ta cai trị thân thể, toàn bản thể chúng ta, qua hồn (tức là ý muốn). Chỉ đọc sơ qua lời này thì dường như không thấy gì quan trọng, nhưng mối quan hệ thuộc linh mà nó ngụ ý thì rất trọng yếu. Thánh Linh chỉ bày trỏ ý muốn của Ngài cho chúng ta bằng cách tác động đến trực giác của chúng ta. Khi Thánh Linh đổ đầy, Ngài chỉ đổ đầy linh chúng ta. Ngài không trực tiếp cai trị hồn hoặc thân thể chúng ta. Ngài cũng không trực tiếp đổ đầy hồn hoặc thân thể chúng ta. Điểm này phải được lưu ý kỹ. Chúng ta không thể mong Thánh Linh suy nghĩ qua tâm trí chúng ta, cảm nhận qua tình cảm chúng ta và đề xuất qua ý muốn chúng ta. Đúng hơn, Thánh Linh biểu lộ ý muốn của Ngài trong trực giác để chính tín đồ suy nghĩ, cảm nhận và đề xuất theo ý muốn của Ngài. Nhiều tín đồ cho rằng họ phải dâng tâm trí (đầu) họ cho Thánh Linh và để cho Ngài suy nghĩ từ bên trong họ. Họ không biết rằng đây là sai lầm lớn nhất. Thánh Linh không bao giờ trực tiếp thay thế con người hoặc sử dụng tâm trí con người theo cách này. Thánh Linh không bao giờ đòi hỏi con người hiến dâng cách thụ động. Ngài muốn con người công tác với Ngài. Ngài không công tác giùm con người . Tín đồ có khả năng là dật tắt sự chuyển động của Ngài. Ngài không ép buộc tín đồ làm bất cứ điều gì.
Thánh Linh cũng không trực tiếp cai trị thân thể con người. Để một người phát ngôn, chính người ấy phải dùng miệng của mình. Để một người chuyển động, chính người ấy phải nhấc chân mình lên. Để một người làm việc, chính người ấy phải sử dụng tay mình. Thánh Linh của Đức Chúa Trời không bao giờ xâm phạm sự tự do của con người. Ngoài việc công tác trong linh con người, tức là trong sự sáng tạo mới của Đức Chúa Trời, Ngài sẽ không chuyển động bất cứ phần nào khác trong thân thể con người mà độc lập với ý muốn con người. Cho dù con người  sẵn lòng, Ngài cũng không thay thế con người và chuyển động bất cứ phần nào của thân thể con người, vì con người có ý muốn tự do. Con người phải là chủ của chính mình; người ấy phải sử dụng thân thể của mình. Đây là luật của Đức Chúa Trời. Chính Đức Chúa Trời không vi phạm luật của Ngài.
Chúng ta thường nói rằng “Thánh Linh kiểm soát con người”. Nếu chúng ta có ý nói rằng Thánh Linh công tác bên trong chúng ta, khiến chúng ta vâng phục Đức Chúa Trời, thì sự diễn đạt này đúng. Nếu chúng ta có ý nói rằng Thánh Linh trực tiếp kiểm soát toàn bản thể chúng ta thì điều này tuyệt đối sai trật. Dựa trên điều này, chúng ta có thể phân biệt công tác của các ác linh và công tác của Thánh Linh. Thánh Linh cư trú trong linh chúng ta để bày tỏ rằng chúng ta thuộc về Đức Chúa Trời; các ác linh bám chặt lấy thân thể chúng ta vì chúng có chủ đích điều khiển chúng ta như một cỗ máy. Thánh Linh đòi hỏi sự hợp tác của chúng ta, trong khi các ác linh tìm kiếm sự kiểm soát trọn vẹn và trực tiếp. Mối liên hiệp của chúng ta với Đức Chúa Trời là ở trong linh, không phải trong thân thể hay trong hồn. Nếu chúng ta sai lầm nghĩ rằng tâm trí, tình cảm, ý muốn và thân thể của chúng ta đều đều phải trực tiếp được Đức Chúa Trời “chuyển động” thì các ác linh sẽ đem vào công tác giả mao của chúng. Đúng là tín đồ không nên hành động theo ý tưởng, tình  cảm ý muốn riêng của mình. Nhưng khi nhận được sự khải thị trong linh, người ấy phải sử dụng tâm trí, tình cảm và ý muốn của mình để thực hiện mạng lệnh của Thánh Linh. Việc từ bỏ hồn và thân thể mình rồi mong đợi Thánh Linh trực tiếp sử dụng chúng là bước đầu tiên dẫn đến việc bị quỷ ám.

Watchman Nee (Người thuộc Linh)