Vậy thì sự cứu rỗi là gì? Sự cứu rỗi không gì khác hơn là Đức Chúa
Trời cứu con người ra khỏi chính mình và
vào trong Đức Chúa Trời. Sự cứu rỗi có các phương diện kết liễu và kết hiệp. Nó
kết liễu bản ngã và kết hiệp Đức Chúa Trời với con người. Bất cứ phương cách
cứu rỗi nào không có mục đích cứu con người khỏi chính mình và vào trong mối
liên hiệp với Đức Chúa Trời thì đều không chân thật. Nếu một phương pháp cứu
rỗi không thể cứu con người ra khỏi chính mình và vào trong mối liên hiệp với
Đức Chúa Trời thì đó chỉ là những lời trống rỗng. Nếp sống thuộc linh thật sự
là được cắt đứt khỏi những điều thuộc xác thịt và bước vào trong những điều
thần thượng. Mọi sự thuộc về tạo vật phải ra đi; các tạo vật chỉ nên vui hưởng
mọi điều mà Đấng Sáng Tạo trong chính Ngài. Tạo vật phải trở nên không là gì cả
trước khi sự cứu rỗi thật có thể được biểu lộ. Sự vĩ đại đích thực không tùy
thuộc vào việc chúng ta có nhiều bao nhiêu: điều đó tùy thuộc vào việc chúng ta
đánh mất nhiều bao nhiêu. Sự sống đích thực chỉ có thể được nhìn thấy trong
việc một người đánh mất bản ngã của mình. Nếu tâm tính, sự sống và các hoạt
động thiên nhiên của tạo vật không hoàn toàn được loại trừ, thì sẽ không có chỗ
cho sự sống của Đức Chúa Trời được biểu lộ. “ Bản ngã” của chúng ta thường là kẻ
thù của sự sống Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta không đánh mất các ý định và kinh
nghiệm vì chính mình, nếp sống thuộc linh của chúng ta sẽ chịu tổn thất lớn.
Bản ngã là gì? Đây là một trong những câu hỏi khó trả lời nhất. Mặc dù
chúng ta không thể trả lời câu hỏi này chính xác một trăm phần trăm, nhưng cũng phần nào chính xác khi nói rằng “
bản ngã” là “ ý muốn riêng”. Thể yếu của bản ngã con người chính là ý muốn của
người ấy, vì ý muốn biểu lộ con người thật sự là thế nào, người ấy thật sự muốn
gì và người ấy sẵn lòng làm gì. Ngoại trừ công tác được thực hiện trong con
người bởi ân điển, mọi điều con người có, bất kể người ấy là tội lỗi nhân hay
thánh đồ, đều hoàn toàn nghịch lại với Đức Chúa Trời. Tâm tính của con người được
sáng tạo luôn luôn là thiên nhiên, và không
bao giờ thuộc cùng một loại với sự sống của Đức Chúa Trời.
Sự cứu rỗi không gì khác hơn là cứu con người ra khỏi ý muốn xác thịt,
thiên nhiên, thọ tạo, động vật và ích kỷ. Chúng ta phải chú ý đến điểm này.
Ngoài việc Đức Chúa Trời ban cho chúng
ta một sự sống mới, thì sự xoay lại với
Đức Chúa Trời của ý muốn chúng ta là công tác cứu rỗi lớn nhất. Đức Chúa
Trời ban cho chúng ta sự sống mới vì chủ
đích là xoay ý muốn chúng ta trở lại với Ngài. Phúc âm là để dẫn dắt chúng ta
đạt đến một mối liên hiệp với Đức Chúa Trời trong ý muốn. Nếu không, phúc âm
vẫn chưa hoàn thành sứ mệnh của nó. Đức Chúa Trời không có ý định chỉ cứu tình
cảm hoặc tâm trí của chúng ta; Ngài dự định cứu ý muốn chúng ta vì một khi ý
muốn được cứu, phần còn lại sẽ được bao gồm trong đó. Đến một mức độ nào đó,
con người có thể liên hiệp với Đức Chúa Trời trong tâm trí. Người ấy cũng có
thể chia sẻ cùng một tình cảm với Đức Chúa Trời trong nhiều điều. Nhưng mối
liên hiệp quan trọng nhất và trọn vẹn nhất với Đức Chúa Trời nằm trong mối liên
hiệp của ý muốn con người với ý muốn Đức Chúa Trời. Mối liên hiệp của ý muốn
này bao gồm mọi mối liên hiệp khác của con người và Đức Chúa Trời. Nếu tâm trí
hay tình cảm con người liên hiệp với Đức Chúa Trời, còn ý muốn thì không, thì
mối liên hiệp này vẫn thiếu hụt. Vì cả bản thể chúng ta chuyển động theo ý muốn,
nên ý muốn chúng ta rõ ràng là phần quyền lực nhất trong bản thể chúng ta. Dù
linh có thể cao quý đến đâu đi nữa nó vẫn phục dưới sự cai trị của ý muốn. (Chúng
ta sẽ xem xét điều này sau). Tâm linh không đủ để đại diện cho cả bản thể, vì
linh là phần mà con người có sự tương giao với Đức Chúa Trời. Thân thể cũng
không đủ để đại diện cho cả bản thể, vì đó là phần mà con người tiếp xúc với
thế giới. Nhưng ý muốn đại diện cho thái độ, ý kiến và tình trạng của chính bản
ngã con người; vì vậy, nó có quyền lực và khả năng để đại diện cho cả bản thể.
Nếu ý muốn không được liên kết với Đức Chúa Trời hoàn toàn, các mối liên hiệp
khác đều là nông cạn và trống rỗng. Nếu ý muốn cai trị toàn bản thể chúng ta ở
trong mối liên hiệp trọn vẹn với Đức Chúa Trời, thì toàn bản thể chúng ta sẽ
hoàn toàn thuận phục dưới bàn tay của Đức Chúa Trời.
Có hai mối liên hiệp giữa Đức Chúa Trời và con người: một là mối liên
hiệp trong sự sống, hai là mối liên hiệp trong ý muốn. Mối liên hiêp với Đức
Chúa Trời trong sự sống là qua việc tiếp nhận chính sự sống của Đức Chúa Trời
vào lúc tái sanh. Giống như Đức Chúa Trời sống bởi Thánh Linh thì từ giờ trở đi
chúng ta cũng phải sống bởi Thánh Linh. Đây là mối liên hiệp trong sự sống.
Điều này nghĩa là Đức Chúa Trời và chúng ta chỉ có một sự sống. Điều này là bên
trong. Tuy nhiên, ý muốn biểu hiện sự sống duy nhất này. Đây là lý do tại sao
vẫn cần có mối liên hiệp của ý muốn bên ngoài. Mối liên hiệp của ý muốn chúng
ta với Đức Chúa Trời nghĩa là Đức Chúa Trời và chúng ta chỉ có một ý muốn. Hai
mối liên hiệp này liên quan và lệ thuộc nhau cách hỗ tương. Vào lúc này, chúng
ta chỉ nói về mối liên hiệp của ý muốn vì mối liên hiệp kia không nằm trong
phạm vi hiện tại của chúng ta. Mối liên hiệp của sự sống mới là tự phát vì sự
sống mới là sự sống của Đức Chúa Trời . Tuy nhiên, mối liên hiệp của ý muốn có
nhiều khó khăn hơn vì ý muốn thuộc về chúng ta.
Như chúng ta đã đề cập đến trước đây, Đức Chúa Trời muốn chúng ta loại bỏ sự sống của hồn, không
phải chức năng của hồn. Do đó, sau khi chúng ta liên hiệp với Đức Chúa Trời
trong sự sống, Đức Chúa Trời muốn đổi mới hồn chúng ta (tâm trí, tình cảm và ý
muốn) để đem hồn chúng ta vào trong sự hiệp nhất với sự sống mới của chúng ta,
cũng như vào trong sự hiệp nhất với ý muốn của Ngài. Vì ý muốn của chúng ta là
phần quan trọng nhất, nên sau sự tái sanh, Đức Chúa Trời hàng ngày tìm kiếm mối liên hiệp của ý muốn
chúng ta với ý muốn của Ngài. Nếu ý muốn của chúng ta không hoàn toàn làm một
với Đức Chúa Trời, điều đó nghĩa là sự cứu rỗi chưa được hoàn thành đầy đủ, vì
chính con người của chúng ta vẫn chưa hòa hợp với Đức Chúa Trời. Đức Chúa
Trời không chỉ muốn chúng ta có sự sống
của Ngài mà còn muốn chính chúng ta ở trong mối liên hiệp với Ngài. Ý muốn
tuyệt đối thuộc về chúng ta. Nếu không có mối liên hiệp trong ý muốn, chính
chúng ta vẫn chưa liên hiệp với Đức Chúa Trời.
Nếu nghiên cứu Kinh Thánh cách cẩn thận, chúng ta sẽ thấy rằng trong
tất cả các tội lỗi, có một nguyên tắc chung – sự phản loạn. Adam đem chúng ta
đến sự diệt vong qua tội lỗi này, trong khi Đấng Christ đem chúng ta đến với sự
cứu rỗi qua sự vâng phục. Ban đầu chúng ta là con cái của sự phản loạn; bây
giờ, Đức Chúa Trời muốn chúng ta là con cái của sự vâng phục. Phản loạn là bước
theo ý muốn của chúng ta, trong khi thuận phục là bước theo ý muốn của Đức Chúa
Trời. Toàn bộ chủ đích sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời là khiến chúng ta từ bỏ ý
muốn của mình và ở trong mối liên hiệp với ý muốn của Ngài. Ngày nay, các tín
đồ thường phạm một sai lầm lớn trong vấn đề này. Họ nghĩ rằng nếp sống thuộc
linh là sự vui mừng trong cảm xúc và tri thức trong tâm trí. Họ nỗ lực theo
đuổi mọi loại cảm xúc và tri thức Kinh Thánh, nghĩ rằng đây là những điều tốt
nhất. Trong thời gian đó, họ thật sự làm nhiều công tác kỳ diệu, vĩ đại và quan
trọng theo cảm xúc và ý tường của mình, nghĩ rằng những điều này chắc hằn làm
Đức Chúa Trời rất vui lòng. Họ không biết rằng các sự đòi hỏi của Đức Chúa Trời
không liên quan đến việc con người cảm thấy thế nào hoặc suy nghĩ điều gì; Ngài
muốn ý muốn con người liên hiệp với Ngài. Ngài ao ước nhìn thấy một tín đồ hết
lòng tìm kiếm điều Ngài muốn và sẵn lòng vâng phục mọi điều Ngài nói. Nếu người
ấy không thuận phục Đức Chúa Trời cách
vô điều kiện và sẵn lòng chấp nhận ý muốn trọn vẹn của Đức Chúa Trời, thì cái
gọi là nếp sống thuộc linh của người ấy rất nông cạn, bất kể nó khiến người ấy cảm
thấy mình thánh khiết và vui mừng ra sao và bất kể người ấy nhận được điều gì.
Mọi khải tượng, những chiêm bao lạ, các tiếng mới, lời tiên tri, sự nhiệt
thành, công tác, các hoạt động và lao tác đều là bên ngoài. Nếu trong ý muốn
của mình, một tín đồ không quyết tâm đi trọn đường để hoàn tất con đường của
Đức Chúa Trời thì bất kể người ấy làm gì cũng vô dụng.
Nếu ý muốn chúng ta ở trong mối liên hiệp với Đức Chúa Trời, lập tức
chúng ta sẽ ngừng các hoạt động ra từ bản ngã. Điều này nghĩa là không còn bất
cứ hành động độc lập nào. Chúng ta chết đối với chính mình, nhưng sống đối với
Đức Chúa Trời. Điều này không có nghĩa là chúng ta có thể hành động vì Đức Chúa
Trời theo sự bốc đồng hay phương pháp của mình. Điều này nghĩa là chúng ta
chuyển động theo sự chuyển động của Đức Chúa Trời và cắt đứt khỏi mọi hoạt động
của bản ngã. Nói cách khác, loại liên hiệp này là sự thay đổi về việc ai là
trung tâm, ai là người khởi xướng. Trong quá khứ, mọi công tác của chúng ta đều
tập trung vào bản ngã, và mọi hoạt động của chúng ta đều được bản ngã khởi xướng. Bây giờ, mọi sự đều dẫn
đến Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không muốn chất vấn bản chất của các vấn đề mà
chúng ta khởi xướng; Ngài chỉ hỏi ai khởi xướng điều đó. Bất cứ điều gì không
được giải cứu khỏi bản ngã, bất kể nó tốt đến đâu đi nữa thì đều bị Đức Chúa
Trời phớt lờ.
BÀN TAY CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Mặc dù con cái Đức Chúa Trời được cứu nhưng họ chưa hoàn toàn vâng phục
ý muốn của Đức Chúa Trời. Kết quả là Đức Chúa Trời phải dùng nhiều phương cách
để dẫn dắt các tín đồ vào trong sự thuận phục đầy đủ. Đức Chúa Trời cảm động
các tín đồ bằng Linh Ngài và khuấy động họ bằng tình yêu Ngài hầu cho họ thuận
phục ý muốn của Ngài và không yêu, theo đuổi hay làm bất cứ điều gì ngoài Ngài.
Thật đáng tiếc nếu việc Đức Chúa Trời cảm động và khuấy động không sản sinh ra
các kết quả mong muốn trong các tín đồ. Khi đó, Đức Chúa Trời phải vươn tay
Ngài ra để đem các tín đồ đến chỗ Ngài muốn. Bàn tay Ngài chính yếu được biểu
lộ trong các hoàn cảnh. Đức Chúa Trời đặt bàn tay Ngài cách nặng nề trên các
tín đồ để chà nát, phá vỡ và cột trói hầu cho ý muốn của họ không còn có thể
cứng cỏi trước mặt Ngài nữa.
Chừng nào tín đồ còn chưa liên hiệp sâu xa với Chúa, Đức Chúa Trời còn
chưa thỏa mãn. Chủ đích sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời là có các tín đồ được cứu
trong mối liên hiệp trọn vẹn với ý muốn Ngài. Đức Chúa Trời đem chúng ta đến
điểm này, Ngài phải sử dụng môi trường; Ngài khiến chúng ta đương đầu với nhiều
sự ngăn trở. Ngài khiến chúng ta đương đầu với nhiều sự ngăn trở. Ngài khiến
chúng ta tan nát cõi lòng, đau khổ và ưu phiền. Ngài khiến nhiều thập tự giá
thực tiễn đến trên chúng ta. Qua những điều này, Ngài khiến chúng ta cúi xuồng
trong sự thuận phục. Ý muốn chúng ta rất mạnh mẽ, và nếu nó không được Đức Chúa
Trời đánh theo nhiều cách, nó sẽ không thuận phục Ngài. Nếu chúng ta sẵn lòng
phục dưới bàn tay đại năng của Đức Chúa Trời và chấp nhận sự kỷ luật của Ngài,
ý muốn chiếm giữ đời sống của chúng ta sẽ kinh nghiệm công tác cắt xén hết lần
này đến lần khác và sẽ được giao nộp cho sự chết hết lần này đến lần khác. Nếu
chúng ta kháng cự Đức Chúa Trời các nỗi khổ năng nề hơn sẽ đến trên chúng ta và
bắt phục chúng ta.
Đức Chúa Trời muốn tước bỏ mọi sự của chúng ta. Sau khi các tín đồ thật
sự được tái sanh, tất cả họ đều có một ý tưởng – thực hiện ý muốn của Đức Chúa
Trời. Một số người công khai đưa ra loại lời hứa này và một số thì âm thầm giữ
ý định này. Đức Chúa Trời sẽ chứng thực xem lời hứa (hay ý định) đó có chân
thật không. Ngài khiến các tín đồ trải qua một sự tước bỏ mà họ không thích.
Ngài khiến họ đánh mất những điều vật chất, sức khỏe, danh tiếng, địa vị và sự
hữu dụng. Cuối cùng, Ngài khiến họ đánh mất sự vui mừng và nhiệt thành trong
cảm xúc, cũng như sự hiện diện và cảm thông của Ngài. Ngài sẽ đem các tín đồ
đến chỗ họ có thể hy sinh mọi điều khác hơn ý muốn của Đức Chúa Trời. Ngài muốn
họ nhận thức rằng hễ một điều gì đó là theo ý muốn của Ngài thì họ phải tiếp
nhận điều đò, cho dù họ có thể chịu khổ về mặt vật lý hay trong các cảm xúc của
họ. Nếu Đức Chúa Trời vui thích trong
việc làm khổ họ, tước bỏ mọi sự từ họ, lấy đi “ sự hữu dụng thuộc linh” của họ,
hay khiến họ trở nên khô hạn, tối tăm và cô độc, thì họ phải sẵn lòng chấp nhận
điều đó. Đức Chúa Trời muốn các tín đồ nhận thức rằng Ngài đã cứu họ, không
phải vì chủ đích để họ vui hưởng, mà vì ý muốn của Ngài. Vì vậy, dù thu đoạt
hay mất mát, vui mừng hay khô hạn, cảm thấy Đức Chúa Trời hiện diện hay từ bỏ
mình, các tín đồ vẫn phải luôn luôn quan tâm đến ý muốn của Đức Chúa Trời. Nếu
ý muốn của Đức Chúa Trời là từ bỏ chúng ta, chúng ta có vui lòng chịu như vậy
hay không? Khi một tội nhân mới tin Chúa thì mục đích của người ấy là thiên
đàng. Điều này cũng được. Sau khi được dạy dỗ trong Đức Chúa Trời, người ấy đi
đến chỗ nhận thức rằng chính vì ý muốn của Đức Chúa Trời mà người ấy tin vào
Đức Chúa Trời. Cho dù kết quả của việc tin Đức Chúa Trời là đi vào địa ngục,
người ấy vẫn tin. Sau khi tín đồ được dạy dỗ cách thấu đáo, người ấy sẽ không
còn quan tâm đến sự thu đoạt hay mất mát của riêng mình nữa. Nếu có thể tôn
vinh Đức Chúa Trời bằng cách đi đến địa ngục, người ấy sẵn lòng làm như vậy.
Tất nhiên đây chỉ là thí dụ. Nhưng các tín đồ phải thấy rằng việc họ tin Chúa,
đang khi sống trên đất, không phải vì chính họ mà vì ý muốn của Đức Chúa Trời.
Sự vui mừng lớn nhất, đặc ân lớn nhất và vinh hiển lớn nhất của họ là từ chối ý
muốn hư hoại, thiên nhiên và xác thịt của mình và liên hiệp với ý muốn của Đức
Chúa Trời để hoàn thành niềm ao ước của lòng Đức Chúa Trời. Sự thu đoạt và mất
mát, vinh hiển và hổ thẹn, cay đắng và vui mừng, của tạo vật đều không đáng để
xem xét. Nếu Đấng Chí Cao có thể được thỏa mãn, thì kẻ thấp hèn có trở nên như
thế nào cũng không đáng bận tâm. Đây là con đường duy nhất để một tín đồ đánh
mất chính mình trong Đức Chúa Trời!
MỘT NỖ LỰC
HAI BƯỚC
Có một nỗ lực hai bước trong mối liên hiệp của ý muốn với Đức Chúa
Trời. Bước một là Đức Chúa Trời bắt phục các hoạt động của ý muốn chúng ta;
bước hai là Đức Chúa Trời bắt phục sự sống của ý muốn chúng ta. Thông thường, ý
muốn của chúng ta sẽ được Đức Chúa Trời bắt phục chỉ trong một số vấn đề cụ
thể. Trong các vấn đề này, chúng ta nghĩ rằng mình hoàn toàn thuận phục Đức
Chúa Trời. Tuy nhiên, vẫn có một khuynh hướng kín giấu để ý muốn chúng ta trở
nên năng động một khi có cơ hội. Đức Chúa Trời không chỉ muốn ý muốn chúng ta
được Ngài giới hạn trong phương diện các hoạt động của nó. Ngài còn muốn khuynh
hướng của ý muốn chúng ta hoàn toàn bị phá vỡ, đập tan, và hủy diệt như thể
chính bản chất của nó được thay đổi vậy. Nói cho đúng, một ý muốn thuận phục và
một ý muốn hòa hợp thì khác nhau. Sự thuận phục chỉ ở trong phương diện các
hoạt động, nhưng sự hòa hợp ở trong phương diện sự sống, bản chất và khuynh
hướng. Một đầy tớ hoàn thành mọi mệnh lệnh của chủ thì có một ý muốn thuận
phục. Ý muốn của một con người con cảm thông thân mật với tấm lòng của cha mẹ
mình là hòa hợp với ý muốn của người cha vì người con không chỉ làm những việc
mình phải làm mà còn vui thích trong việc làm điều đó.Ý muốn thuận phục chỉ
dừng các hoạt động riêng của nó lại, còn ý muốn hòa hợp là làm một với Đức Chúa
Trời và có cùng một tấm lòng với Đức Chúa Trời. Ý muốn ở trong sự hòa hợp trọn
vẹn với Đức Chúa Trời là ý muốn mà trong đó toàn bộ tấm lòng của người đó đều
đặt trong ý muốn của Đức Chúa Trời. Chỉ những ai hòa hợp với Đức Chúa Trời mới
có thể thật sự hiểu được tấm lòng của Đức Chúa Trời. Nếu một tín đồ không đạt
đến chỗ ý muốn của người ấy và ý muốn của Đức Chúa Trời ở trong sự hòa hợp trọn
vẹn thì người ấy chưa kinh nghiệm điểm cao nhất trong nếp sống thuộc linh. Thuận
phục Đức Chúa Trời thì tốt, nhưng khi ân điển hoàn toàn đắc thắng tâm tính
thiên nhiên, tín đồ sẽ ở trong sự hòa hợp trọn vẹn với Đức Chúa Trời. Thực ra,
mối liên hiệp của ý muốn là điểm cao nhất trong kinh nghiệm sự sống của tín đồ.
Nhiều người nghĩ rằng họ đã hoàn toàn đánh mất ý muốn của mình. Họ
không biết rằng thật ra họ còn cách điều đó rất xa. Trong mọi sự thử nghiệm và
cám dỗ, họ chỉ nhìn thấy ý muốn thuận phục chứ chưa nhìn thấy ý muốn hòa hợp. Ý
muốn thuận phục là ý muốn không có sự kháng cự, chứ không phải là ý muốn không muốn
có bản ngã. Ai không muốn thu đoạt một điều gì đó cho chính mình, bảo tồn một
điều gì đó cho chính mình? Ai không muốn có vàng, bạc, sự tôn trọng, tự do,
hạnh phúc, tiện lợi, địa vị cao và một chút gì đó? Một người nghĩ rằng lòng
mình không quan tâm đến những điều này. Nhưng đang khi còn có những điều đó, họ
không nhận thức được mình bị chúng cột trói biết bao. Chỉ khi sắp đánh mất
chúng, người ấy mới nhận thức mình không sẵn lòng lìa khỏi chúng biết bao. Đôi
khi, ý muốn thuận phục hoàn toàn tương thích với ý muốn của Đức Chúa Trời.
Nhưng vào những lúc khác, một người cảm thấy rằng trong sự sống của ý muốn
mình, người ấy đang âm thầm tranh đấu với ý muốn của Đức Chúa Trời. Nếu không
nhờ công tác của ân điển Đức Chúa Trời, thì thật khó để đắc thắng.
Do đó, ý muốn thuận phục vẫn chưa hoàn hảo. Mặc dù ý muốn đã được phá
vỡ và không còn có sức lực kháng cự Đức Chúa Trời, nhưng nó vẫn chưa đạt đến
mức độ làm một với Đức Chúa Trời. Chúng ta thừa nhận rằng việc đạt đến mức độ
không thể kháng cự đã là một sự thương xót lớn của Đức Chúa Trời rồi. Nói
chung, ý muốn thuận phục là đã chết rồi. Tuy nhiên, nói cho đúng, nó vẫn có một
dòng sự sống chưa được phá vỡ bên trong. Vẫn có loại xu hướng kín giấu bên
trong, ao ước trìu mến con đường trước kia. Do đó, dường như chúng ta nhanh
chóng, vui sướng và chuyên cần hoàn thành ý muốn của Đức Chúa Trời trong một số
vấn đề này hơn là những vấn đề kia. Trong cả hai trường hợp, chúng ta đều đang
hoàn thành ý muốn của Đức Chúa Trời, nhưng có một sự khác biệt về mức độ và ưa thích
riêng. Nếu sự sống bản ngã thật sự hoàn toàn được đặt vào chỗ chết, tín đồ sẽ
thấy rằng người ấy giữ cùng một thái độ trong vấn đề liên quan đến việc hoàn
thành ý muốn của Đức Chúa Trời. Sự khác biệt về việc nhanh chậm, cay đắng, vui
mừng cũng như sự khác biệt về nỗ lực mà chúng ta đặt vào, chỉ tỏ rằng ý muốn
của chúng ta chưa hòa hợp với Đức Chúa Trời.
Hai tình trạng của ý muốn có thể được minh họa bởi các gương mẫu về vợ
Lót, việc dân Israel ra khỏi Ai Cập, và tiên tri Balaam. Trong kinh nghiệm của
vợ Lót về việc ra khỏi Sodom, sự xuất hành của dân Israel từ Ai Cập, và việc
Balaam chúc phước dân Israel, tất cả đều thực hiện ý muốn của Đức Chúa Trời.
Tất cả họ đều được Đức Chúa Trời bắt phục và không hành động theo ý muốn riêng
của mình. Nhưng xu hướng bên trong họ không là một với Đức Chúa Trời. Vì vậy,
kết quả đều là thất bại. Ngay cả khi hướng bước đi của chúng ta đúng đắn, tấm
lòng chúng ta cũng thường không hòa hợp với Đức Chúa Trời cách kín giấu, do đó,
chúng ta trở nên sa ngã.
CON ĐƯỜNG
ĐẠT ĐẾN ĐÍCH
Đức Chúa trời sẽ không bao giờ chịu khuất phục chúng ta. Ngài không vui
với bất cứ điều gì khác hơn ý muốn của Ngài và sự thuận phục của chúng ta đối
với Ngài. Những điều đẹp hơn, tốt hơn, lớn hơn và quan trọng hơn đều không thể
thay thế ý muốn Đức Chúa Trời. Điều Đức Chúa Trời sẽ hoàn thành là ý muốn của
Ngài. Nếu Ngài không hoàn thành ý muốn của chính Ngài thì thật khó mà hi vọng
chúng ta sẽ hoàn thành được. Trong con mắt Đức Chúa Trời, mọi điều tốt nhất đều
hư hoại ngay khi chúng còn chứa đựng yếu tố của bản ngã con người. Nhiều điều
kỳ diệu và ích lợi nếu chúng được thực hiện theo sự dẫn dắt của Thánh Linh Đức
Chúa Trời. Nhưng nếu chúng được thực hiện bởi chính con người, thì giá trị của
chúng trước mặt Đức Chúa Trời hoàn toàn khác. Do đó, vấn đề không phải là
khuynh hướng của con người hay bản chất của sự việc; vấn đề là ý muốn của Đức
Chúa Trời là gì. Đây là điểm đầu tiên phải ghi nhớ.
Bây giờ chúng ta cần hỏi làm sao ý muốn con người có thể hòa hợp với ý
muốn của Đức Chúa Trời. Làm sao con người có thể được giải cứu khỏi việc có ý
muốn riêng làm trung tâm của mình để có ý muốn của Đức Chúa Trời làm trung tâm?
Chìa khóa cho toàn bộ vấn đề là sự sống của hồn. Mức độ chúng ta được cắt khỏi
sự kiểm soát của sự sống hồn là mức độ liên hiệp giữa Đức Chúa Trời và chúng ta
vì không điều gì ngăn trở mới liên hiệp của chúng ta với Đức Chúa Trời ngoài sự
sống của hồn. Chúng ta tìm kiếm ý muốn của Đức Chúa Trời đến mức đánh mất sự
sống hồn và ý muốn của chúng ta nhận lấy Đức Chúa trời làm trung tâm. Đây là vì
sự sống mới tự nhiên hướng về Đức Chúa Trời và chỉ bị sự sống hồn đàn áp. Con
đường đạt đến đích là giao nộp sự sống của hồn cho sự chết.
Nếu không có Đức Chúa Trời, con người hư mất. Nếu không có Đức Chúa
Trời, mọi sự đều hư không. Mọi sự ngoài Đức Chúa Trời đều thuộc xác thịt (bản
ngã). Vì vậy, ngoài Đức Chúa Trời, bất cứ điều gì được thực hiện bởi nỗ lực của
con người và theo ý tưởng riêng của con người đều bị kết án. Một tín đồ phải
phủ nhận mọi sức lực và ao ước riêng của mình. Người ấy không nên quan tâm đến
chính mình trong bất cứ điều gì và không làm bất cứ điều gì bằng bản ngã của
mình. Người ấy phải hoàn toàn tin cậy Đức Chúa Trời trong mọi sự và tiến lên
từng bước một theo các phương cách của Đức Chúa Trời, chờ đợi thời điểm của Đức
Chúa Trời và theo sự đòi hỏi của Đức Chúa Trời. Người ấy sẵn lòng chấp nhận sức
lực, sự khôn ngoan, sự tốt lành, công nghĩa, và công tác ra từ Đức Chúa Trời
như là của chính mình. Người ấy phải xưng nhận chỉ theo cách này mới có thể có
sự hòa hợp.
Đây thật sự là “con đường hẹp” nhưng không phải là con đường khó khăn.
Nó hẹp vì mỗi bước đi đều được điều chỉnh bởi ý muốn của Đức Chúa Trời. Con đường này chỉ có một nguyên tắc duy nhất, đó là không dành bất cứ lập trường nào cho bản
ngã. Cho nên đó là con đường hẹp. Một
chút lệch hướng khỏi ý muốn của Đức Chúa Trời cũng đem chúng ta xa khỏi con đường
này. Tuy nhiên, đây không phải là con đường khó khăn. Khi sự sống của hồn được
tiêu hủy, thì các thói quen, sở thích, ao ước và khao khát đều được phá vỡ từng
điều một, rồi không còn điều gì chống đối Đức Chúa Trời nữa. Bởi đó, một người
không cảm thấy đây là còn đường khó khăn. Đáng tiếc là nhiều tín đồ thậm chí
chưa bước qua cửa hay bước đi trên con đường này. Cũng có một số người không
kiên nhẫn và lìa khỏi con đường này trước khi đạt đến chỗ dịu ngọt. Nhưng dù
thời kỳ gian khổ dài hay ngắn, có một điều chắc chắn: chỉ có con đường này là
con đường sự sống. Đây là con đường của Đức Chúa Trời. Vì vậy, đó là con đường
chân thật và chắc chắn. Bất cứ ai muốn có sự sống dư dật đều không có sự lựa
chọn nào khác ngoài việc đi trên con đường này
(Trích: Người Thuộc Linh).