Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Ý MUỐN CỦA TÍN ĐỒ


 
Ý muốn là cơ quan để con người đưa ra các quyết định. Sự sẵn lòng hay không sẵn lòng; việc muốn hay không muốn và việc quyết định hay không quyết định của chúng ta đều là các chức năng của ý muốn. Ý muốn là “ bánh lái” của con người. Như một con thuyền quay theo bánh lái, một người cũng chuyển động theo ý muốn của mình.
Ý muốn của con người có thể được gọi là bản ngã đích thực của người ấy, chính người ấy, vì ý muốn đại diện cho con người. Mọi hành động của ý muốn thật ra đều là hành động của “ người” này. Khi chúng ta nói: “ Tôi sẵn lòng”, thật ra chúng ta có ý nói rằng ý muốn của chúng ta sẵn lòng. Khi chúng ta nói: “Tôi muốn điều này” hoặc “ Tôi quyết định làm điều này”, điều đó nghĩa là ý muốn chúng ta muốn điều đó hoặc ý muốn chúng ta quyết định như vậy. Chức năng của ý muốn là biểu hiện ý định của toàn bản thể. Tình cảm chỉ là điều chúng ta cảm thấy, tâm trí chỉ là điều chúng ta suy nghĩ, nhưng ý muốn là điều chúng ta muốn. Ý muốn là phần quan trọng nhất của cả bản thể chúng ta. Ý muốn của con người thì sâu hơn tình cảm và tâm trí. Vì vậy, khi một tín đồ theo đuổi nếp sống thuộc linh, người ấy phải chú ý đến ý muốn.

Nhiều người bị làm cho hiểu sai rằng “ nếp sống Cơ Đốc” chỉ là vấn đề tình cảm và chủ đích duy nhất của nó là làm cho tình cảm con người dễ chịu và hạnh phúc. Cũng có những người nghĩ rằng “ nếp sống Cơ Đốc” phải phù hợp với lý lẽ (tâm trí) và không nên quá thiên về tình cảm. Chỉ có tôn giáo hợp lý mới đáng tin đối với họ. Họ không biết rằng nếp sống Cơ Đốc đích thực sẽ không chỉ vì tình cảm hay tâm trí, mà còn để con người có được sự sống trong linh và đem ý muốn con người vào trong sự thuận phục ý muốn Đức Chúa trời. Nếu mọi kinh nghiệm của chúng ta đều không đem chúng ta đến chỗ sẵn lòng tiếp nhận mọi ý muốn của Đức Chúa Trời thì chúng quá nông cạn. Nếu sự sống thuộc linh của các tín đồ không tìm được nhiều sự biểu hiện trong ý muốn, thì nó có ích gì? Trong trường hợp đó, ý muốn là điều đại diện cho bản ngã, vẫn y như cũ.
Con đường cứu rỗi thật sự là cứu ý muốn con người. Bất cứ điều gì không đủ sâu để cứu ý muốn con người thì đều hư không. Mọi cảm xúc kỳ diệu và ý tưởng sáng tỏ đều chỉ là bên ngoài. Một người có thể có được sự vui mừng, dễ chịu và bình an bởi tin Đức Chúa Trời. Người ấy cũng có thể hiểu được các huyền nhiệm của Đức Chúa Trời và có tri thức cao trọng, kỳ diệu. Nhưng người ấy vẫn không có mối liên hiệp sâu nhất với Đức Chúa Trời. Ngoài mối liên hiệp của ý muốn với Đức Chúa Trời, không có mối liên hiệp nào khác trong thế giới này. Vì vậy, sau khi một tín đồ có được sự sống, ngoài trực giác ra, người ấy còn phải chú ý đến ý muốn của mình.
Ý MUỐN TỰ DO
Trong việc nói về con người và ý muốn con người, chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ là con người chúng ta có một ý muốn tự do. Điều này nghĩa là con người có quyền tự trị, con người có một ý muốn độc lập. Bất cứ  điều gì người ấy không chấp thuận đều không thể ép buộc người ấy, và bất cứ điều gì người ấy chống đối cũng không thể áp đặt trên người ấy. Có một ý muốn tự do nghĩa là  con người có ý kiến riêng của mình. Con người không phải là một cỗ máy để người khác điều khiển. Mọi hành động của một người đều do chính người ấy kiểm soát. Bên trong con người có một ý muốn. Ý muốn này kiểm soát những điều bên trong và bên ngoài. Con người không giống như một cỗ máy bị kiểm soát bởi bất cứ quyền lực nào bên ngoài. Bên trong con người có các nguyên tắc cai trị quyết định cách cư xử của con người cho chính người ấy.
Đây là tình trạng lúc Đức Chúa Trời sáng tạo con người. Đức Chúa Trời sáng tạo một con người chứ không phải một cổ máy. Đức Chúa trời nói với con người: “Ngươi có thể tự do ăn mọi loại cây trong vườn, nhưng về cây biết điều thiện và ác thì đừng ăn đến; vì trong ngày ngươi ăn nó, ngươi chắc sẽ chết”. (Sáng 2:16 -17). Trọng các câu này, chúng ta chỉ có thể thấy lệnh truyền của Đức Chúa Trời với sự thuyết phục và ngăn cấm, nhưng không ép buộc. Nếu Adam sẵn lòng vâng phục và không ăn, thì đó là do chính Adam muốn vậy. Khi Adam bất phục và ăn,  Đức Chúa Trời không có cách nào ngăn ông lại. Đây là ý muốn tự do. Đức Chúa Trời đặt trách nhiệm ăn hay không ăn trên con người và để cho con người lựa chọn theo ý muốn tự do của mình. Đức Chúa Trời không sáng tạo một Adam không thể phạm tội, không thể bất phục, hoặc không thể trộm cắp. Điều này sẽ biến con người thành cỗ máy. Đức Chúa Trời có thể khuyên răn, ngăn cấm và truyền lệnh nhưng trách nhiệm vâng phục ở trên con người. Vì tình yêu,  Đức Chúa Trời không thể không truyền lệnh trước. Nhưng vì sự công nghĩa của Ngài, Đức Chúa Trời sẽ không ép con người làm bất cứ điều gì mà người ấy không sẵn lòng làm. Nếu con người muốn vâng phục Đức Chúa Trời, đó phải là chính người ấy sẵn lòng; Đức Chúa Trời không ép buộc người ấy. Đức Chúa Trời có thể dùng nhiều cách để khiến con người sẵn lòng, nhưng nếu con người không bằng lòng, Đức Chúa Trời sẽ không làm bất cứ điều gì để ép người ấy.
Đây là một nguyên tắc rất quan trọng. Như chúng ta sẽ thấy sau này, công tác của Đức Chúa Trời không bao giờ đi ngược lại với nguyên tắc này, nhưng công tác của các ác linh thì nghịch lại với nguyên tắc này. Vì vậy, chúng ta có thể phân biệt điều gì thuộc về Đức Chúa trời và điều gì không thuộc về Ngài.
SỰ SA NGÃ VÀ SỰ CỨU RỖI
Con người sa ngã. Sự sa ngã này gây tổn hại nặng nề cho ý muốn tự do của con người. Trong vũ trụ, vào ngày đó, có thể nói rằng có hai ý muốn lớn chống đối nhau. Về một mặt, có ý muốn thánh khiết, tốt lành của Đức Chúa Trời; mặt khác có ý muốn dơ bẩn, phản loạn của Satan. Giữa hai ý muốn này, có ý muốn tự trị, độc lập, tự do của con người. Khi con người nghe lời ma quỷ và bất phục Đức Chúa Trời, dường như con người đang đáp lại với ý muốn của Đức Chúa Trời bằng một tiếng “không” đời đời và đáp lại với ý muốn của ma quỷ bằng một tiếng “vâng” đời đời. Ý muốn con người đã trở thành nô lệ của ma quỷ sau sự sa ngã vì người ấy đã vận dụng ý muốn của mình để chọn ý muốn của ma quỹ. Mọi hoạt động của người ấy đều thuận phục ý muốn của ma quỷ. Chừng nào con người còn chưa phá đổ sự đầu hàng khởi đầu này, thì ý muốn người ấy vẫn còn bị ma quỷ cột trói.
Trong sự sa ngã của con người, vị trí và tình trạng của con người hoàn toàn trở nên thuộc xác thịt. Xác thịt này hư hoại đến cực điểm. Do đó, ý muốn con người, giống như các quan năng khác, bị kiểm soát bởi xác thịt. Do trong tình trạng tối tăm này, không điều gì ra từ ý muốn con người có thể làm vui lòng Đức Chúa Trời. Cho dù con người muốn tìm kiếm Đức Chúa Trời đi nữa thì hoạt động của người ấy vẫn ở trong lĩnh cực của xác thịt; chúng không có giá trị thuộc linh. Khi ở trong tình trạng này, con người có thể phục vụ Đức Chúa Trời  theo nhiều cách theo ý riêng của mình, nhưng mọi điều này chỉ là các phương cách thờ phượng “ tự áp đặt” (Col.2:23) và là điều không thể chấp nhận đối với Đức Chúa Trời .
Nếu một người không tiếp nhận sự sống mới của Đức Chúa Trời và phục vụ Đức Chúa Trời  trong sự sống mới này thì bất kể người ấy phục vụ như thế nào, các hoạt động của người ấy đều ra từ xác thịt. Cho dù người ấy có ý định công tác cho Đức Chúa Trời  và chịu khổ vì Đức Chúa Trời  đi nữa thì điều đó cũng hoàn toàn vô ích. Nếu con người không được cứu thì ý muốn của con người có thể ao ước những điều cao trọng; nó có thể hướng về điều thiện và hướng về Đức Chúa Trời, nhưng điều đó vẫn vô dụng vì trong con mắt Đức Chúa Trời, vấn đề không phải là ý muốn sa ngã muốn công tác cho Ngài ra sao, mà vấn đề là Ngài muốn cho con người công tác cho Ngài như thế nào. Con người có thể khởi xướng và chuẩn bị nhiều công tác tốt lành; người ấy có thể nghĩ rằng đó là phục vụ Đức Chúa Trời, nhưng nếu công tác không được khởi xướng và thực hiện bởi Đức Chúa Trời thì con người chỉ đang thờ phượng ý muốn riêng của mình mà thôi!.
Vấn đề cứu rỗi cũng giống như vậy. Khi ở trong xác thịt, dù con người có muốn được cứu và có sự sống đời đời đi nữa thì điều này vẫn không thể làm vui lòng Đức Chúa Trời. “Hễ bao nhiêu người tiếp nhận Ngài, Ngài ban cho họ quyền bính trở nên con cái Đức Chúa Trời … người mà được sinh ra bởi huyết hoặc bởi ý muốn xác thịt, hay bởi ý muốn con người, nhưng bởi Đức Chúa Trời” (John 1:12-13). Dù muốn được cứu, con người cũng không thể tự làm cho mình được cứu. Ý tưởng muốn được cứu phải đến từ Đức Chúa Trời . Các tín đồ nghĩ rằng không có gì tốt cho bằng một người cố gằng để được cứu, tìm kiếm con đường sự sống, và làm một môn đồ tốt của Đấng Christ. Nhưng Đức Chúa Trời bảo chúng ta rằng trong vấn đề tái sanh và trong mọi điều liên hệ hến Đức Chúa Trời, ý muốn của con người là vô dụng.
 Có nhiều con cái Đức Chúa Trời không hiểu tại sao trong John chương 1, Đức Chúa Trời  nói rằng ý muốn của con người là vô dụng, nhưng trong Khải Thị Ngài lại nói : “Ai muốn hãy nhận lấy nước sự sống cách miễn phí” (22:17). Dường như trong trường hợp sau, ý muốn của con người hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự cứu rỗi của người ấy. Hơn nữa, trong John 5 Chúa Jesus nói về lý do tại sao người Do Thái không được cứu. Đó là vì “các ngươi không muốn đến với Ta để các ngươi có thể có sự sống” ( c.40). Ở đây, một lần nữa ý muốn con người lại chịu trách nhiệm cho sự diệt vong của người ấy. Kinh thánh có mâu thuẫn trong vấn đề này không? Chủ đích của các sự phát ngôn khác nhau này là gì? Nếu hiểu ý nghĩa của các câu này chúng ta sẽ hiểu điều Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi chúng ta trong nếp sống Cơ Đốc của mình.
Ý muốn của Đức Chúa Trời  là “không muốn ai bị diệt vong mà muốn mọi người tiến đến sự ăn năn” (2 Pet.3:9) vì Ngài “ muốn mọi người được cứu và đạt đến sự tri thức đầy đủ về lẽ thật” (1 Tim.2:4). Vì vậy, vấn đề này không liên hệ đến việc Đức Chúa Trời  đưa ra quyết định ai sẽ được cứu và ai sẽ hư mất; vấn đề đó đã xong rồi. Bây giờ vấn đề là các tội nhân nắm giữ loại thái độ gì đối với ý muốn của Đức Chúa Trời. Nếu một người vốn là tôn giáo hoặc không thuộc thế giới, hoặc nếu người ấy cố gắng trở nên một Cơ Đốc nhân qua truyền thống, môi trường hoặc gia đình mình, người ấy sẽ thấy rằng mình cũng cách xa sự sống của Đức Chúa Trời như mọi tội nhân khác. Nếu người ấy kiên quyết, quyết tâm và chọn lựa trở nên một Cơ Đốc nhân dựa trên một sự phấn khích bất chợt hay một cảm thúc xúc động nào đó, thì các nỗ lực của người ấy vẫn vô ích. Vấn đề chính yếu là con người đối xử với ý muốn của Đức Chúa Trời như thế nào. Đức Chúa Trời yêu con người nhưng con người có sẵn lòng để được yêu hay không? Đấng Christ muốn con người đến với Ngài, nhưng con người có sẵn lòng đến không? Thánh linh muốn ban sự sống cho con người, nhưng con người có muốn có sự sống  và sống không? Ý muốn con người hữu dụng trong ý muốn  của Đức Chúa Trời. Nhưng câu hỏi đặt ra là ý muốn con người đối xử với ý muốn của Đức Chúa Trời như thế nào?
Chúng ta có nhìn thấy sự khác biệt ở đây không? Nếu một người khởi xướng việc theo đuổi sự cứu rỗi, người ấy vẫn sẽ hư mất. Nhiều người cuồng tín trong thế giới thuộc về loại này. Nếu dựa trên việc nghe phúc âm, mọi người  sẵn lòng tiếp nhận điều Đức Chúa Trời  muốn ban cho mình, người ấy sẽ được cứu. Một cách là con người tự xem mình là nguồn khởi xướng; còn cách kia là đặt chính mình trong vị trí tiếp nhận. Một là con người khởi xướng; hai là Đức Chúa Trời  khởi xướng và con người chấp nhận ý muốn của Ngài. Vì vậy, hai điều này không mâu thuẫn nhau. Đúng hơn, chúng dạy chúng ta một bài học rất quan trọng. John 1 nói về việc con người sẵn lòng. John 5 và Khải Thị 22 nói về việc con người chấp nhận ý muốn của Đức Chúa Trời. Do đó, chúng ta nhìn thấy các sự diễn đạt như “ không muốn” (John 5:40) và “ muốn” ( Khải 22:17). Đây không phải là vấn đề chủ đích mà là vấn đề chủ đích đến từ đâu.
Đức Chúa Trời  hướng dẫn chúng ta rằng trong một điều vĩ đại và kỳ diệu như sự cứu rỗi, nếu ra từ bản ngã, điều đó vẫn không làm vui lòng Đức Chúa Trời và sẽ bị từ chối. Nếu muốn tiến tới trong nếp sống thuộc linh, chúng ta phải hiểu mọi nguyên tắc Đức Chúa Trời dùng để đối xử với chúng ta vào lúc chúng ta được cứu vì các nguyên tắc ban đầu này chỉ ra cho chúng ta các nguyên tắc để chúng ta sống trong nếp sống thuộc linh của mình trong tương lai. Một trong những nguyên tắc lớn nhất là ý định của xác thịt chúng ta không có giá trị gì trước mặt Đức Chúa Trời. Bất cứ điều gì ra từ chính chúng ta, tức là ra từ sáng tạo cũ của chúng ta, đều không thể chấp nhập được đối với Đức Chúa Trời. Cho dù chúng ta theo đuổi một điều gì đó kỳ diệu và quan trọng như sự cứu rỗi đi nữa, điều đó vẫn sẽ bị Đức Chúa Trời từ chối. Chúng ta phải ghi nhớ mọi lúc rằng Đức Chúa Trời không quan tâm đến sự khác biệt giữa những điều tốt, xấu, lớn, nhỏ; Đức Chúa Trời chỉ hỏi những điều này ra từ đâu và chúng có được  chính Ngài khởi xướng và thực hiện không. Không phải chúng ta được cứu vì chúng ta muốn được cứu, nhưng vì Đức Chúa Trời muốn như vậy. Do đó, trong toàn bộ đời sống của mình, chúng ta phải thấy rằng mọi hoạt động, thậm chí những hoạt động kỳ diệu nhất, đều hoàn toàn vô dụng nếu công tác không được thực hiện bởi Đức Chúa Trời qua chúng ta. Nếu chúng ta không học được các nguyên tắc cho cách sống của chúng ta ngay từ bước đầu tiên của sự cứu rỗi, thì về sau chúng ta sẽ có các sự thất bại bất tận.
Đối với tình trạng của con người, khi một người còn là tội nhân thì ý muốn người ấy phản loạn đối với Đức Chúa Trời. Vì vậy, ngoài việc ban cho người sự sống mới (mà chúng ta đã bàn đến trước đó), Đức Chúa Trời phải đem con người trở lại với chính Ngài. Giống như ý muốn con người là thể yếu của chính người ấy thì ý muốn của Đức Chúa Trời cũng là chính Đức Chúa Trời, sự sống thật của Đức Chúa Trời. Vì vậy, nói rằng Đức Chúa Trời muốn đem con người trở lại với chính Ngài cũng giống như nói rằng Đức Chúa Trời muốn đem ý muốn của con người trở lại với ý muốn của chính Ngài. Đây là nhiều tín đồ phải nỗ lực làm trong toàn bộ đời sống mình. Thậm chí ngay ở bước đầu tiên của sự cứu rỗi, Đức Chúa Trời  cũng đang công tác theo chiều hướng này, Vì vậy, khi Đức Chúa Trời, qua Thánh Linh, khiến một người được thuyết phục về tội, Ngài khiến người ấy nhận thức rằng mình không có gì để nói. Cho dù Đức Chúa Trời  kết án người ấy và đưa người ấy đến hồ lửa, người ấy vẫn không thể nói gì. Khi Đức Chúa Trời  khải thị ý muốn của Ngài trên thập tự giá của Chúa Jesus cho con người, qua phúc âm, Ngài khiến cho con người sẵn lòng và toàn tâm nói: “Tôi sẵn lòng chấp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời”. Bước khởi đầu trong sự cứu rỗi của con người là cứu ý muốn người ấy. Việc một tội nhân tin và tiếp nhận không gì khác hơn là người ấy “muốn nhận lấy nước sự sống”, dẫn đến sự cứu rỗi. Sự chống đối và kháng cự của một tội nhân không gì khác hơn là “không sẵn lòng đến với (Ngài) để (người ấy) có thể có sự sống”, dẫn đến sự diệt vong. Trận chiến giữa sự cứu rỗi và diệt vong của con người diễn ra trong ý muốn. Sự sa ngã của con người từ ban đầu là do sự phản loạn của ý muốn người ấy nghịch lại với ý muốn của Đức Chúa Trời. Cho nên, sự cứu rỗi của con người chỉ là ý muốn người ấy một lần nữa thuận phục ý muốn của Đức Chúa Trời.
Mặc dù ý muốn của một người không hoàn toàn ở trong mối liên hiệp với Đức Chúa Trời sau khi người ấy được cứu, nhưng ý muốn sa ngã của người ấy đã phần nào được nâng lên khi người ấy từ chối Satan, bản ngã và thế giới lúc người ấy tiếp nhận Chúa Jesus. Hơn nữa, ý muốn người ấy được đổi mới qua việc tin vào lời Chúa và qua việc tiếp nhận Linh của Đức Chúa Trời. sau khi một người được tái sanh, người ấy nhận được linh mới, một lòng mới và một sự sống mới. Vì vậy, bây giờ ý muốn có một ông chủ mới và được kiểm soát và chỉ đạo bởi ông chủ này. Nếu ý muốn thuận phục, nó trở nên một phần của sự sống mới này; nếu chống đối, nó trở nên kẻ thù đáng gờm cho sự sống mới này.

Ý muốn được đổi mới thì quan trọng hơn bất kỳ phần nào khác của hồn con người. Các ý tưởng có thể sai trật, các cảm giác có thể sai trật, nhưng ý muốn không bao giờ được sai trật. Bất cứ điều gì khác sai trật cũng đều không nghiêm trọng bằng việc ý muốn sai trật, vì ý muốn là bản ngã của con người cũng như quan năng thúc đẩy toàn bộ con người. Một khi nó trở nên sai trật, chủ đích của Đức Chúa Trời sẽ bị ngăn trở lập tức.
( Nguồn: Người Thuộc Linh)