Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Ý NGHĨA CỦA SỰ CẦU NGUYỆN-- CẦU NGUYỆN VÀ ĐỌC LỜI PHẢI TƯƠNG XỨNG


Thi Thiên 119:147-148 chép:
“Tôi thức trước rạng đông và kêu cầu;
Tôi trông cậy nơi Lời Chúa.
Canh đêm chưa khuya, mắt tôi mở tỉnh ra,
Đặng suy gẫm Lời Chúa.
Giăng 15:7 chép:
“Ví bằng các ngươi cứ ở trong Ta, và Lời Ta cứ ở trong các ngươi, hễ điều gì các ngươi muốn, hãy xin, thì Ta sẽ làm điều đó cho các ngươi”.
Trước khi nói về ý nghĩa của sự cầu nguyện, chúng ta hãy xem cầu nguyện và đọc Lời tương xứng với nhau như thế nào. Hai phần Lời trên cho thấy rõ rằng hai vấn đề này---cầu nguyện và đọc Lời – liên hệ chặt chẽ với nhau. Thi Thiên 119 cho thấy có một người tìm kiếm Đức Chúa Trời sống trước mặt Ngài. Ông làm cho việc tìm kiếm Lời Đức Chúa Trời của mình tương xứng với sự kêu cầu, tức sự cầu nguyện trước mặt Đức Chúa Trời. Trong Giăng chương 15, nói về lời hứa đáp lời cầu nguyện, Chúa cho chúng ta thấy từ một phương diện khác thể nào chúng ta phải làm cho sự cầu nguyện tương xứng với việc đọc Lời. Lời Chúa bày tỏ rằng sự đáp lời cầu nguyện dựa trên hai điều: một là chúng ta phải cứ ở trong Ngài và hai là Lời Ngài cũng phải cứ ở trong chúng ta. Ngài hứa rằng nếu có hai điều kiện căn bản này thì chúng ta có thể xin bất cứ điều gì mình muốn và điều đó sẽ xảy ra cho chúng ta. Thế nên, ở đây nói về sự cầu nguyện phải tương xứng với việc đọc Lời.

Thưa anh chị em, với một Cơ-đốc nhân bình thường, hai điều này-đọc Lời và cầu nguyện-là hai phương diện của nếp sống người ấy; cả hai đều không thể thiếu. Chúng ta thấy rằng trong sự sắp xếp của Đức Chúa Trời hầu như mọi điều trong vũ trụ đều có hai mặt. Chẳng hạn, trên, dưới, phải, trái; có, không; ngày, đêm; giống đực, giống cái--tất cả đều có hai mặt hay anh em có thể nói rằng chúng là những điều tương ứng để có một chức năng đầy đủ và đúng đắn.
Cơ thể con người cho chúng ta nhiều ví dụ về điều này. Chẳng hạn, tôi có hai chân làm cho việc đi đứng rất thuận tiện. Giả sử tôi chỉ có một chân. Tôi không thể đứng vững và thậm chí gặp nhiều rắc rối khi đi. Không chỉ thế, mà tay, tai, mắt và mũi tôi cũng đều có từng đôi và được sắp đặt xứng nhau. Nếp sống thực tiễn của Cơ-đốc nhân trước mặt Chúa cũng có hai phương diện: một là đọc Lời và hai là cầu nguyện. Khi bước đi, chúng ta phải dùng đồng thời cả hai chân để giữ thăng bằng. Không nên đi hai mươi bước bằng chân phải rồi chỉ đi hai bước bằng chân trái. Là Cơ-đốc nhân sống trước mặt Đức Chúa Trời, chúng ta cũng cần đọc Lời đồng thời với cầu nguyện, như vậy sẽ giữ được quân bình.
Nhưng tiếc thay, những luật được Đức Chúa Trời ấn định một khi vào tay chúng ta, chúng ta thường làm cho những luật ấy trở nên phiến diện. Đức Chúa Trời ấn định rằng một Cơ-đốc nhân phải xem việc đọc Lời và cầu nguyện là quan trong như nhau. Tuy nhiên, một số anh em chỉ vui hưởng viêc đọc Kinh Thánh mà không cầu nguyện. Khi đọc Kinh Thánh, họ có thể vùi đầu vào đó từ sáng đến tối, càng đọc, họ càng thấy hay hơn. Họ kẽ vạch nhiều đường lên mỗi trang Kinh Thánh-nào là gạch đậm, rồi gạch nhạt, nào là màu đỏ rồi màu xanh; cả quyển Sách hầu như đầy những đường kẽ. Một số người đã đánh dấu hai tay ba bản Kinh Thánh mặc dù họ được cứu chỉ…..bốn năm. Nhưng lạ thay, họ cầu nguyện rất ít, thậm chí đôi khi được Thánh Linh cảm xúc, họ vẫn không chịu cầu nguyện. Sự vui hưởng bị giới hạn khi họ đọc Lời, nhưng khi họ cầu nguyện thì giống như uống thuốc đắng. Mặt khác, một số người chỉ thích cầu nguyện. Vừa khi quì xuống, họ cảm động đến chảy nước mắt và có thể hát những linh khúc. Họ cảm thấy hết sức kỳ diệu và mạnh mẽ khi cầu nguyện. Nhưng nếu anh em muốn đọc Kinh Thánh, lập tức họ ngủ gà ngủ gật. Họ thích cầu nguyện hằng ngày hơn là đọc Lời. Một lần nữa anh em thấy đó, điều này là phiến diện.
Thưa anh chị em, nếu người nào đọc Kinh Thánh nhiều hơn cầu nguyện, người ấy sẽ thường rơi vào văn tự và những qui định dẫn đến tình trạng khô hạn, chết chóc thuộc linh. Nhưng ai thiên về phương diện kia, tức cầu nguyện nhiều hơn đọc Kinh Thánh thì sẽ trở nên mất quân bình về thuộc linh. Nếu muốn duy trì đời sống Cơ-đốc nhân bình thường, chúng ta phải quan tâm như nhau cho cả việc đọc Lời lẫn cầu nguyện. Giống như dùng cả hai chân như nhau khi đi thì phải luôn luôn vừa đọc vừa cầu nguyện, vừa cầu nguyện vừa đọc. Hễ khi nào cầu nguyện, chúng ta phải tiếp xúc Lời của Đức Chúa Trời vả hễ khi nào đọc Kinh Thánh, chúng ta phải làm cho việc đọc Lời tương xứng với cầu nguyện.
Hãy xem một minh họa xác quyết vấn đề này. Trong Ê-phê-sô chương 5 từ câu 18 đến 20, nagy sau khi nói về việc đầy dẫy Linh Kinh Thánh bảo rằng chúng ta nên dùng Thi Thiên, Thánh Ca, và Linh Khúc mà đối đáp nhau, miệng hát, lòng họa ngợi khen Chúa và luôn dâng lời lời cảm tạ cho Đức Chúa Trời về mọi sự trong danh của Chúa. Một lần nữa, trong Cô-lô-se 3:16-17, sau khi nói rằng chúng ta nên để cho Lời của Christ ở trong chúng ta cách dồi dào thì Kinh Thánh nói tiếp rằng chúng ta nên dùng Thi Thiên, Thánh Ca, và Linh Khúc với ân điển mà hát xướng cho Đức Chúa Trời vì trong mọi sự hãy dâng lời cảm tạ cho Đức Chúa Trời trong danh của Chúa. Trong khi cả hai phần Lời đều nói thể nào các Cơ-đốc nhân ngợi khen và cảm tạ Đức Chúa Trời, thì lý do họ làm như vậy là khác nhau. Một là do đầy dẫy Linh bên trong và hai là do đầy dẫy Lời của Chúa. Bởi so sánh hai phần Lời Kinh Thánh này, anh em thấy rằng cả việc đọc Lời lẫn cầu nguyện là điều đó mà con người kinh nghiệm trong linh. Anh em không bao giờ có thể tách rời Lời khỏi Linh. Vì Lời là hiện thân của Linh, còn Linh được ký gởi trong Lời. Trong hoàn cảnh bình thường, hễ khi nào đầy dẫy Lời Kinh Thánh bên trong, anh em cũng đầy dẫy Linh. Và một khi đầy dẫy Linh, anh em không thể không cầu nguyện. Có nhiều hình thức cầu nguyện khác nhau, chẳng hạn như cảm tạ Đức Chúa Trời, chúc tụng Đức Chúa Trời, hát ngợi khen Đức Chúa Trời, khóc và kêu cầu trước mặt Đức Chúa Trời, kiêng ăn và nài xin Đức Chúa Trời, v.v… Tất cả những hình thức này đều do chuyển động của Linh bên trong con người. Khi chạm đến Lời, chắc chắn anh em sẽ biết hiện diện của Linh bên trong anh em. Một khi nhận biết hiện diện của Linh, anh em không thể không cầu nguyện; nếu không, anh em là người dập tắt Linh. Do đó, chúng ta phải luôn làm cho việc đọc Lời tương xứng với sự cầu nguyện.
Trái lại, nếu cầu nguyện mà không đọc Kinh Thánh hay tiếp xúc Lời Chúa, chắc chắn lời cầu nguyện của anh em sẽ xuất phát từ quan niệm, ý tưởng, quan điểm, ý kiến và khuynh hướng của anh em. Để lời cầu nguyện ra từ Linh chứ không từ anh em có thể hiểu vì sao trong Giăng 15:7, trước hết Chúa phán: “Nếu các ngươi cứ ở trong Ta và Lời Ta cứ ở trong các ngươi”; sau đó Ngài phán: “Hễ điều gì các ngươi muốn, hãy xin, thì Ta sẽ làm điều đó cho các ngươi”. Những lời này cho thấy rằng nếu một người học tập luôn tương giao với Chúa và sống trong Chúa thì Lời Ngài sẽ cứ ở trong Chúa. Người ở ngoài Chúa chắc chắn không thể đọc Lời cách thuộc linh; điều tốt nhất người ấy có thể làm chỉ là vận dụng tâm trí để hiểu; người ấy không bao giờ có thể dùng linh mình để tiếp xúc Lời. Tuy nhiên, người cứ ở trong Chúa thì dễ có Lời Chúa cứ ở trong người. Vì Lời Chúa cứ ở trong người ấy không thể chạm được linh, vì Lời Chúa là linh. Và một khi đầy dẫy của Chúa, người ấy không thể không cầu nguyện. Chúa hứa rằng bất cứ điều gì một người như thế cầu xin, điều đó sẽ xảy ra cho người, vì lúc đó, bất cứ điều gì lòng người ấy muốn thì không ra từ người ấy nhưng ra từ Lời Chúa và Linh Ngài-tức là chính Chúa. Như vậy, để có lời cầu nguyện đúng đắn, trước hết anh em phải đọc Lời cách đúng đắn.
Vì thế, thưa anh chị em, việc đọc Lời cách đúng đắn chắn chắn phải có lời cầu nguyện đi cùng và lời cầu nguyện đúng đắn chắc chắn sẽ ra từ việc đọc lời. Cả hai điều quan trọng như nhau; không nên nhấn mạnh quá nhiều về một điều nào.nữa, cũng không thể quyết định điều nào trước điều nào sau; cả hai phải song hành. Khi đọc Lời Chúa trong Giăng 15:7, dường như chúng ta nên đọc Lời trước rồi cầu nguyện. Nhưng trong Thi Thiên 119 thì nói: “Tôi thức trước rạng đông và kêu cầu: Tôi trông cậy nơi Lời Chúa”. Dường như câu này cho thấy rằng cầu nguyện trước rồi mới đọc Lời. Do đó, không nhất thiết phải cứng nhắc hai vấn đề này; anh em chỉ cần để chúng tiến hành cách tự nhiên.
Nhiều người thường hỏi tôi: “Anh Lý à, trong giờ thức canh buổi sáng, đọc Kinh Thánh trước rồi cầu nguyện hay cầu nguyện trước rồi đọc Kinh Thánh, điều nào tốt hơn?”. Thật khó trả lời. Tôi đã sống nhiều năm nhưng cho đến nay mỗi khi đi, tôi vẫn không biết chắc mình nên bắt đầu với chân phải hay chân trái. Tôi xin hỏi anh em, anh em có biết không? Sáng nay khi thức dậy và bắt đầu bước đi, anh em bắt đầu với chân phải hay chân trái? Nếu có ai cứ mỗi khi bắt đầu đi mà trước hết lại xem xét mình nên bắt đầu với chân phải hay chân trái, chắc chắn anh em sẽ nghi rằng người đó mắc bệnh tâm thần. Mỗi khi bước đi, chúng ta chỉ tự nhiên bước đi mà không quan tâm chân phải hay chân trái đi trước. Xin nhớ rằng cũng không cần thiết để anh em quyết định mỗi sáng trước mặt Chúa phải đọc trước rồi cầu nguyện hay ngược lại. Chỉ hạy cứ ở trước mặt Chúa cách bình thường. Đôi lúc anh em có thể đọc Lời trước rồi cầu nguyện, trong khi những lần khác anh em có thể cầu nguyện trước rồi đọc Lời. Anh em không cần lập ra một qui định chết. Đôi lúc sau khi thức dậy buổi sáng, anh em có thể đơn sơ cầu nguyện vài câu trước rồi đọc Kinh Thánh. Nhưng những lần khác có thể bên trong anh em muốn mở ra và đọc vài câu; sau khi đọc xong, những cảm xúc có thể đến và rồi anh em có thể bắt đầu cầu nguyện. Hai đều này thường xảy ra với cùng với lần và chiếm cùng lượng thời gian. Để minh họa, chúng ta hãy viện dẫn Cụ George Muller, người điều hành một trại mồ côi tại Anh Quốc. Ông là người sống ở thế kỷ trước đã cầu nguyện và đọc Lời, đọc Lời và cầu nguyện. Trong việc đến trước mặt Chúa mỗi sáng, ông….quan tâm tìm việc đọc Lời lẫn cầu nguyện và giữ cả hai cách quân bình. Do đó, hầu hết mọi người đều thừa nhận rằng, về phương diện thực tiễn của việc đọc và cầu nguyện, suốt thế kỷ qua, Muller là gương mẫu bình thường nhất. Ông không bị phiến diện. Ông là người dùng tâm trí để hiểu Kinh Thánh và vận dụng linh để tiếp xúc Lời. Hơn nữa, ông cũng là người làm cho việc đọc Lời tương xứng với việc cầu nguyện. Vì thế, ông rất sinh động và tươi mới cũng như vững vàng và kiên định trước mặt Chúa. Thưa anh chị em, tôi xin anh chị em trước hết hãy quan tâm đến vấn đề này trước khi đến với các bài học về cầu nguyện.
Ý NGHĨA CỦA SỰ CẦU NGUYỆN
Bây giờ chúng ta đến với bài học đầu tiên về sự cầu nguyện---ý nghĩa của sự cầu nguyện. Thưa anh chỉ em, tôi xin hỏi anh chị em cầu nguyện là gì? Tất cả lời cầu nguyện liên quan đến điều gì? Ý nghĩa của sự cầu nguyện là gì? Nhiều người khi nghe đến từ ngữ cầu nguyện liền nghĩ rằng cầu nguyện có nghĩa là con người đến trước mặt Đức Chúa Trời để nài xin. Vì thiếu thốn nên cần được cung cấp Vật chất hay bị bệnh nên cần được chữa lành, hoặc có nan đề cần được giải quyết nên con người đến trước mặt Đức Chúa Trời xin Ngài cung cấp nhu cầu, chữa lành bệnh tật, và giải quyết nan đề của mình. Nhiều người xem đây là cầu nguyện. Rõ ràng là có những gương mẫu về lời cầu nguyện như vậy trong Kinh Thánh. Chẳng hạn, góa phụ trong Lu-ca chương 18 liên tục đến cùng quan án xin ông báo thù cho bà về kẻ thù của bà. Tuy nhiên, thưa anh chị em, xin nhớ rằng đây không phải là ý nghĩa đúng đắn của sự cầu nguyện như được khải thị trong Kinh Thánh. Chúng ta không dám nói rằng định nghĩa như vậy là sai mà là cạn cợt và thiếu cả chiều sâu lẫn tính chính xác. Ngày nay, nếu muốn biết sự cầu nguyện đích thực là gì, chúng ta sẽ nhận thức rõ rằng đó không chỉ là con người cầu xin trước mặt Đức Chúa Trời cho nhu cầu của họ.
Biết rằng chúng ta không nên phê phán bất kỳ lẽ thật nào của Kinh Thánh chỉ dựa trên một phân đoạn hay một phương diện nào đó. Cũng vậy, anh em không thể nói ngôi nhà đó là thể nào chỉ bởi một góc độ khác nhau, rồi mới có thể đưa ra một phán quyết chính xác. Cùng nguyên tắc, nếu sưu tập tất cả những phân đoạn Kinh Thánh về sự cầu nguyện và xem xét toàn bộ những câu này chúng ta sẽ thấy cầu nguyện không chỉ là vấn đề con người nài xin Đức Chúa Trời vì những nhu cầu nào đó. Điều này phần nào có thể là ý nghĩa của sự cầu nguỵện nhưng không phải là tất cả. Nếu có thời gian, chúng ta sẽ tập hợp tất cả những gương mẫu đặc biệt về sự cầu nguyện trong Kinh Thánh. Chẳng hạn, trong Cựu Ước có lời cầu nguyện của Áp–ra-ham, Môi-se, Đa-vít, Sa-lô-môn, Nê-hê-mi, Ê-li, Ê-sai, Đa-ni-ên và nhiều người khác; trong khi trong Tân Ước có lời cầu nguyện của Chúa Jesus và các môn đồ. Nếu nghiên cứu từng lời cầu nguyện này và xem chúng như một hỗn hợp, chúng ta sẽ có thể thấy rõ cầu nguyện có liên quan đến điều gì. Ý định của bài viết này không phải để nghiên cứu chúng cách chi tiết như vậy; chúng ta chỉ dùng một từ đơn giản để nói về ý nghĩa của sự cầu nguyện
I. CẦU NGUYỆN
LÀ SỰ TIẾP XÚC HỖ TƯƠNG
GIỮA CON NGƯỜI VÀ ĐỨC CHÚA TRỜI
Cầu nguyện không chỉ là con người tiếp xúc Đức Chúa Trời mà là sự tiếp xúc hỗ tương giữa con người và Đức Chúa Trời. Vấn đề tiếp xúc giữa Đức Chúa Trời và con người là một chủ đề rất lớn trong Kinh Thánh. Chúng ta thường nói rằng mục đích của đời sống con người là trở nên chiếc bình của Đức Chúa Trời. Trong vũ trụ Đức Chúa Trời là nội dung của con người, còn con người là bình chứa của Đức Chúa Trời. Không có con người, Đức Chúa Trời không có chỗ ở cho chính Ngài – Ngài trở thành một Đức Chúa Trời không có nhà. Tôi không hiểu  vì sao điều này lại như thế mà chỉ biết rằng đó là một sự thật. Trong vũ trụ, nhu cầu lớn nhất của Đức Chúa Trời là con người. Là một thực thể, trong chính Mình, Đức Chúa Trời vốn là trọn vẹn, nhưng về sự vận hành của Ngài trong vũ trụ, Ngài vẫn cần con người thực hiện sự vận hành đó.
Bởi điều này anh em có thể hiểu câu cuối của Ê-phê-sô chương 1, nói rằng Hội Thánh là Thân Thể của Đấng Christ, sự đầy đủ của Đấng Christ. Từ liệu sự đầy đủ rất khó dịch. Nó không những chỉ về sự đầy đủ của Đấng Christ mà còn hàm ý để sự trọn vẹn của Đấng Christ. Do đó, Hội Thánh, một mặt là sự đầy đủ của Đấng Christ, và mặt khác là sự trọn vẹn của Đấng Christ. Nói cách khác, không có Hội Thánh dường như Đấng Christ chưa trọn vẹn.
Tất cả chúng ta phải cẩn thận trong việc hiểu từ này, vì nó có thể dấy lên những cuộc tranh cãi dữ dội về thần học. Tôi không có ý rằng Đức Chúa Trời là không trọn vẹn mà nói rằng Ngài cần con người để làm cho Ngài trọn vẹn. Điều tôi muốn nói là Đức Chúa Trời trong chinh Ngài là hoàn toàn trọn vẹn, nhưng không có con người thì Ngài không trọn vẹn trong vũ trụ theo kế hoạch của Ngài. Ồ, thưa anh chị em, vấn đề này quá vinh hiển.
Trong kế hoạch đời đời của Ngài, Đức Chúa Trời đã chỉ định con người là chiếc bình của Ngài, hay nói cách khác, là sự trọn vẹn của Ngài. Vì vậy, Sáng Thế Ký chương 1 và 2 cho thấy rằng khi Đức Chúa Trời tạo dựng con người, Ngài đã chuẩn bị hai điều cho con người. Thứ nhất là Ngài dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài và theo hình trạng của Ngài. Khi con người được dựng nên theo Đức Chúa Trời, con người giống Đức Chúa Trời trong mọi phương diện. Các phương diện biểu lộ khác nhau của con người như niềm vui thích, sự tức giận, nỗi buồn, niềm vui, sở thích, sự chọn lựa….v..v.. – dù đó là tình cảm, ý chí, hay tính khí của con người – thì đều biểu lộ Đức Chúa Trời ở chừng mực nào đó và là bức tranh thu nhỏ của tất cả những gì ở trong Đức Chúa Trời.
Thứ hai là Đức Chúa Trời đã tạo dựng một tâm linh cho con người  trong phần sâu thẳm của bản thể người. Giữa vô số sinh vật muôn màu muôn vẻ trong vũ trụ, chỉ con người mới có linh. Các thiên sứ là những linh, nhưng đó là chuyện khác. Trong cả cõi thọ tạo có một loại hữu thể được tạo dựng không phải là linh nhưng có một linh, và đó là con người. Vì sao Đức Chúa Trời tạo dựng một linh cho con người trong phần sâu thẳm của bản thể con người? Tất cả chúng ta đều biết đó là vì Đức Chúa Trời muốn con người tiếp nhận Ngài, Đấng là Linh. Cũng vậy, Ngài tạo dựng dạ dày vì Ngài muốn con  người tiếp nhận thức ăn. Hãy xem điều này: Giả sử Đức Chúa Trời không tạo dựng dạ dày cho con người – làm thế nào con người có thể nhận thức ăn? Vì có dạ dày nên chúng ta có thể nhận thức ăn vào bên trong, vui hưởng, tiêu hóa và đồng hóa nó thành bản thể chúng ta, làm cho thức ăn trở thành yếu tố cấu tạo của chúng ta. Cũng vậy, vì có một linh bên trong nên chúng ta có thể tiếp nhận Đức Chúa Trời vào bên trong và đồng hóa Ngài, làm cho Ngài trở thành chính yếu tố cấu tạo của chúng ta.
Trong hai chương đầu của Sáng Thế Ký, khi Đức Chúa Trời tạo dựng con người để là chiếc bình của Ngài, Ngài thực hiện hai bước chuẩn bị này: một là dựng nên con người giống như Ngài và hai là đặt linh bên trong con người để con người có thể tiếp nhận Ngài. Sau khi thực hiện hai bước chuẩn bị này, Ngài đặt chính Ngài trước mặt con người dưới hình thức Cây Sự Sống để con người có thể tiếp nhận và đạt được Ngài là sự sống. Thưa anh chị em, chính trong nhân linh mà sự tiếp xúc giữa Đức Chúa Trời và con người được thực hiện. Một khi có sự tiếp xúc như thế giữa Đức Chúa Trời và con người, Đức Chúa Trời vào trong con người làm nội dung và con người thành chiếc bình của Đức Chúa Trời để biểu lộ Ngài bên ngoài. Như vậy, ý định đời đời của Đức Chúa Trời được hoàn thành nơi con người
Xin nhớ rằng lời cầu nguyện thật là sự tiếp xúc hỗ tương giữa Đức Chúa Trời và con người. Cầu nguyện không chỉ là con người tiếp xúc Đức Chúa Trời mà còn là Đức Chúa Trời tiếp xúc với con người. Nếu trong sự cầu nguyện, con người không chạm được hay tiếp xúc với Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời không chạm đến hay tiếp xúc với con người thì lời cầu nguyện đó dưới tiêu chuẩn đúng đắn. Mọi lời  cầu nguyện đạt tiêu chuẩn là lời cầu nguyện có sự tuôn chảy và tiếp  xúc hỗ tương giữa Đức Chúa Trời và con người. Đức Chúa Trời và con người giống như dòng điện truyền vào trong nhau. Khó mà nói rằng cầu nguyện là chỉ có Đức Chúa Trời trong con người hay chỉ có con người trong Đức Chúa Trời. Trong sự kiện và kinh nghiệm, cầu nguyện là sự tuôn chảy giữa Đức Chúa Trời và con người. Mọi lời cầu nguyện thực sự đạt tiêu chuẩn chắc chắn sẽ có tình trạng tuôn chảy hỗ tương giữa Đức Chúa Trời và con người để con người thật sự chạm được Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời thật sự chạm được con người; bởi đó, con người được liên hiệp với Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời liên hiệp với con người. Vì thế, ý nghĩa cao nhất và chính xác nhất của sự cầu nguyện: đó là sự tiếp xúc hỗ tương giữa Đức Chúa Trời và con người

II. CẦU NGUYỆN
LÀ CON NGƯỜI HÔ HẤP ĐỨC CHÚA TRỜI,
THU ĐẠT ĐƯỢC ĐỨC CHÚA TRỜI,
VÀ ĐƯỢC ĐỨC CHÚA TRỜI CHIẾM LẤY
Lời cầu nguyện thật cũng là việc con người hô hấp Đức Chúa Trời giống như người ấy hít không khí vào. Như vậy trong khi đang hít Đức Chúa Trời vào, tự phát anh em nhận được Đức Chúa Trời, như khi anh em hít không khí vào thì nhận được không khí. Kết quả là, anh em không chỉ thu đạt được Đức Chúa Trời và Ngài trở nên sự vui hưởng của anh em mà toàn bản thể anh em cũng dâng cho Đức Chúa Trời, hướng về Đức Chúa Trời và được Ngài chiếm lấy hoàn toàn. Càng cầu nguyện, anh em sẽ càng đầy dẫy Đức Chúa Trời, cùng dâng chính mình cho Đức Chúa Trời, và được Ngài chiếm lấy. Nếu không cầu nguyện trong một tuần, hay tệ hơn nữa, một tháng  anh em sẽ hoàn toàn cách xa Đức Chúa Trời. Hoàn toàn cách xa Đức Chúa Trời nghĩa là gì? Nghĩa là anh em không thể thu đạt được Đức Chúa Trời và không thể được Ngài chiếm lấy. Cách chữa trị duy nhất cho tình trạng này là cầu nguyện. Cầu nguyện chỉ trong hai hay ba phút thì không đủ; anh em phải cầu nguyện nhiều lần cho đến khi anh em thật sự hô hấp Đức Chúa Trời và thật sư được Đức Chúa Trời chiếm lấy và anh em đạt được Đức Chúa Trời. Do đó, thưa anh chị em, sự cầu nguyện đích thực rất quan trọng đối với đời sống thuộc linh của Cơ-đốc nhân.
Thưa anh chị em, đừng bao giờ nghĩ rằng cầu nguyện chỉ là xin Đức Chúa Trời điều gì đó. Ví dụ, anh em cần một nền nhà, thế là anh em xin Đức Chúa Trời sắm sẵn nền nhà cho anh em. Sau khi cầu nguyện, anh em nhận được Lời của Chúa nói rằng điều anh em xin sẽ xảy ra cho anh em như dự định. Ngày hôm nay, một người nào đó đến nói với anh em: «Anh cần một nền nhà phải không ? Người hàng xóm của tôi có hai căn nhà cho thuê; địa điểm thuận lợi và tiền thuê thì rẻ». Thế là anh em lập tức cảm ơn Chúa và ngợi khen Ngài rằng : «Ha-lê-lu-gia! Chúa thật là Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật; Ngài đã đáp lời cầu nguyện của con». Tôi không nói rằng đây không phải là lời cầu nguyện mà là lời cầu nguyện không thỏa đáng. Thưa anh chị em, nếu thật sự học bài học cầu nguyện, thì việc anh em tìm được căn nhà thực ra là điều thứ yếu; điều chính yếu cần quan tâm là anh em có chiếm được Đức Chúa Trời nhiều hơn hay không và có được Ngài chiếm lấy nhiều hơn qua lời cầu nguyện như vậy hay không. Nếu kết quả của lời cầu nguyện chỉ là hoàn thành một điều cụ thể nào đó mà không thu đạt được Đức Chúa Trời hay được Ngài chiếm lấy, thì lời cầu nguyện như thế là thất bại, không như mong đợi. Kết quả sau cùng của lời cầu nguyện là người cầu thay phải thu đạt được nhiều Đức Chúa Trời hơn và được Đức Chúa Trời chiếm lấy nhiều hơn, mặc dù điều mà người ấy cầu xin Đức Chúa Trời cũng có thể được đáp lời.
Hãy xem kinh nghiệm cầu nguyện của anh em có giống như vậy không ? Dù nhiều lần có thể chúng ta không biết ý nghĩa của sự cầu nguyện như thế và vẫn còn cầu nguyện với Đức Chúa Trời về những sự vụ nào đó, nhưng Đức Chúa Trời vẫn đem chúng ta vào trong chính Ngài qua việc chúng ta cầu nguyện cho những vấn đề đó. Chẳng hạn, một chị em nọ là người mẹ rất yêu con cái nhưng yêu Chúa rất ít. Dù anh em có giúp chị ấy bao nhiêu, chị vẫn không tìm kiếm Chúa. Tuy nhiên, một ngày nọ, con chị ấy bị bệnh. Sau nhiều lần đi khám bệnh, đứa con vẫn không hết bệnh. Chị bất lực và không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tin cậy Chúa. Khi đến với Chúa để cầu nguyện, chị chỉ xin Chúa chữa lành cho con mình. Chị không mảy may có ý định tìm kiếm chính Chúa. Ai có thể tưởng tượng rằng qua lời cầu nguyện như vậy chị có thể thật sự gặp Ngài, chạm được Ngài, và vui hưởng Ngài ? Bởi lời cầu nguyện đó mà chị em này, người đã nhiều năm từ chối không để Chúa chiếm lấy, đã tự phát bước vào trong Đức Chúa Trời và đồng thời, được Đức Chúa Trời chiếm lấy. Nhưng chị vẫn không hiểu điều đã xảy ra. Sau ba ngày, con chị thật sự được chữa lành, vì thế, chị đến buổi nhóm tương giao và làm chứng thể nào Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài đã đáp lời cầu nguyện của chị ra sao và đứa con của chị được lành bệnh như thế nào. Mặc dù nhận được thực tại trong sự cầu nguyện, nhưng chị vẫn không nhận thức điều đó. Nhiều lần chính chúng ta cũng giống như vậy. Khi thấy tình trạng hoang tàn của Hội Thánh và đến với Chúa để cầu nguyện, chúng ta cảm thấy mình đang cầu nguyện cho tình trạng của Hội Thánh, nhưng theo cách nhìn của Đức Chúa Trời, mục đích cầu nguyện của chúng ta  là làm chúng ta chạm được Ngài, hít Ngài vào, đạt được Ngài và để Ngài chiếm lấy chúng ta.
Tôi tin rằng trong những năm còn lại, Đức Chúa Trời sẽ khiến mỗi con cái Ngài trở nên ngày càng sáng tỏ hơn rằng sự cầu nguyện thật không phải là cầu nguyện cho các sự vụ , xin điều này điều kia, hay cầu thay cho người khác. Cầu nguyện thật là hít chính Đức Chúa Trời vào, chiêm được Đức Chúa Trời và được Đức Chúa Trời chiếm lấy. Tất cả những lời cầu nguyện cho con người, các vấn đề, và các sự việc ở ngoài Đức Chúa Trời đều không phải là thể yếu của sự cầu nguyện mà chỉ lớp vỏ bên ngoài hay đồ phụ tùng của sự cầu nguyện. Lời cầu nguyện thật, lời cầu nguyện đích thực, là lời cầu nguyện trong đó anh em thật sự tiếp xúc Đức Chúa Trời, hô hấp Ngài, vui hưởng Ngài, thu đạt được Ngài, đầy dẫy Ngài, và để Ngài chiếm lấy bản thể anh em. Nếu con cái Đức Chúa Trời nhìn thấy điểm này, họ sẽ có sự hiểu biết tốt hơn về ý nghĩa đích thực của sự cầu nguyện.
III. CẦU NGUYỆN LÀ CON NGƯỜI
HỢP TÁC VÀ ĐỒNG CÔNG VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI
ĐỂ ĐỨC CHÚA TRỜI BIỂU LỘ CHÍNH NGÀI
VÀ KHÁT VỌNG CỦA NGÀI QUA CON NGƯỜI,
BỞI ĐÓ HOÀN THÀNH MỤC ĐÍCH CỦA NGÀI
Nếu anh em hay chị em thật sự học được bí quyết cầu nguyện được đề cập trong hai điểm trước, tự phát sẽ có kết quả này: một người cầu nguyện như vậy chắc chắn sẽ hợp tác với Đức Chúa Trời, đồng công với Đức Chúa Trời và để cho Đức Chúa Trời biểu lộ chính Ngài và khát vọng của Ngài từ bên trong và qua người ấy, cuối cùng hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời. Điều này phù hợp với La-mã 8:26-27 nói rằng chúng ta không biết phải cầu nguyện cho điều gì là phù hợp, nhưng Thánh Linh trong chúng ta cầu thay theo mục đích của Đức Chúa Trời. Thật ra, chúng ta không biết cách cầu nguyện. Nói chung, chúng ta biết những gì người ta thường gọi là cầu xin nhưng ít biết về sự cầu nguyện được nói đến trong Kinh Thánh. Lần đầu tiên khi đọc hai câu này trong La-mã chương 8, tôi đã hỏi ý nghĩa của chúng là gì. Tôi nghĩ rằng khi bị bệnh, tôi không cầu nguyện với Đức Chúa Trời xin Ngài chữa lành cho tôi sao? Khi bị thiếu thốn, tôi không cầu nguyện với Đức Chúa Trời xin Ngài gởi sự cung ứng đến cho tôi sao? Làm thế nào Kinh Thánh nói rằng chúng ta không biết mình phải cầu nguyện cho điều gì là phù hợp? Dần dần, Chúa tỏ cho tôi rằng chúng ta thật sự không biết gì về loại cầu nguyện mà Đức Chúa Trời mong muốn. Chúng ta biết những lời cầu nguyện mà người ta thường xem đó là lời cầu nguyện, nhưng những lời cầu nguyện ấy thì dưới tiêu chuẩn. Chúng ta không biết những lời cầu nguyện đó có chạm đến khát vọng của Đức Chúa Trời và đạt tiêu chuẩn hay không. Đây là sự yếu đuối của chúng ta. Cảm tạ Đức Chúa Trời, trong vấn đề yếu đuối của chúng ta, chính Linh tham gia vào để giúp chúng ta và lấy sự than thở không thể nói ra được mà cầu thay cho chúng ta.
 Thưa anh em, lời cầu nguyện đích thực là Thánh Linh bên trong con người biểu lộ khát vọng của Đức Chúa Trời qua con người. Nói cách khác, lời cầu nguyện đích thực là lời cầu nguyên liên quan đến cả hai bên. Đó không chỉ là một mình con người cầu nguyện với Đức Chúa Trời, nhưng là Linh hòa quyện với con người, mặc lấy con người và kết hợp với con người đang cầu nguyện. Nhìn bên  ngoài, đó là con người đang cầu nguyện, nhưng bên trong đó là Linh đang cầu nguyện. Điều này có nghĩa là hai bên đồng thời thể hiện cùng một lời cầu nguyện. Xin nhớ rằng chỉ điều này mới là sự cầu nguyện được nói đến trong Kinh Thánh.
Chúng ta thường nói về lời cầu nguyện của Ê-li. Gia-cơ 5:17 chép: “Ê-li vốn là người có tánh tình như chúng ta, người cầu xin khẩn thiết đừng cho mưa, thì không mưa xuống đất trong ba năm sáu tháng”. “Cầu nguyện khần thiết” trong tiếng Hi-lạp có nghĩa là cầu nguyện với sự cầu nguyện hay cầu nguyện trong sự cầu nguyện. Đây là cách diễn đạt rất đặc biệt trong Kinh Thánh. Xin nhớ rằng, đây là điều chúng tôi muốn nói đến sự cầu nguyện của hai bên. Khi Ê-li đang cầu nguyện, ông đang cầu nguyện với sự cầu nguyện hay trong sự cầu nguyện. Nói cách khác, ông đã cầu nguyện bằng lời cầu nguyện của Linh bên trong ông. Do đó, chúng ta có thể nói rằng lời cầu nguyện của Ê-li là Đức Chúa Trời đang cầu nguyện trong Ê-li với chính Ngài. Andrew Murray có lần nói rằng sự cầu nguyện đích thực là Đấng Christ bên trong chúng ta cầu ngyện với Đấng Christ trên ngài. Việc Đấng Christ cầu nguyện với chính Đấng Christ nghe có vẻ lạ, nhưng trong kinh nghiệm của chúng ta, điều này là thật.
Một lần nữa chúng ta hãy xem La-mã 8:27. Có một mệnh đề nói rằng: «Linh…cầu thay…theo Đức Chúa Trời ». Diều này có nghĩa là Thánh Linh cầu nguyện trong chúng ta theo Đức Chúa Trời ; tức là, Đức Chúa Trời cầu nguyện trong chúng ta qua Linh Ngài. Do đó, lời cầu nguyện như vậy chắc chắn thể hiện ý định của Đức Chúa Trời cũng như chính Đức Chúa Trời.
Bằng những minh họa này, chúng ta có thể thấy rằng lời cầu nguyện đích thực chắc chắn sẽ làm bản thể chúng ta được hoàn toàn hòa quyện với Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ trở thành người thuộc cả hai bên, tức là Đức Chúa Trời hòa quyện với con người. Khi anh em  cầu nguyện, đó là Ngài đang cầu ngyện, và khi Ngài cầu nguyện bên trong anh em thì anh em  biểu lộ lời cầu nguyện đó ra bên ngoài. Ngài và anh em hoàn toàn là một, cả bên trong lẫn bên ngoài. Lúc đó, anh em và Đức Chúa Trời không thể tách rời mà được hòa quyện làm một. Kết quả là anh em không chỉ hợp tác với Đức Chúa Trời mà còn đồng công với Đức Chúa Trời để chính Đức Chúa Trời và khát vọng của Ngài có thể được thể hiện qua anh em, bởi đó cuối cùng hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời. Đây là lời cầu nguyện đích thực mà chúng ta phải có theo Kinh Thánh.
Cho nên, Giu-đe câu 20 chép: «Cầu nguyện trong Thánh Linh». Điều này có nghĩa là anh em không nên cầu nguyện trong chính mình. Nói cách khác, điều đó có nghĩa là lời cầu nguyện của anh em cần phải là sự thể hiện của hai bên, anh em và Thánh Linh cầu nguyện như một. Ê-phê-sô 6:18 chép: «Lúc nào cũng hãy dùng đủ thứ khẩn đảo, nài xin mà cầu ngyện trong linh». Khó mà nói rằng linh ở đây chỉ liên quan đến Thánh Linh. Tất cả những người đọc Kinh Thánh từ quan điểm chính thống đều thừa nhận rằng linh ở đây chỉ không liên quan đến một mình Thánh Linh; đúng ra, từ này cũng bao gồm nhân linh của chúng ta. Khi cầu nguyện, chúng ta phải cầu nguyện trong mọt linh hòa quyện như vậy.
Từ sự tương giao trong chương này, chúng ta thấy rằng Kinh Thánh là Đức Chúa Trời thở chính Ngài ra, trong khi cầu nguyện là chúng ta hít Đức Chúa Trời vào. Đọc Kinh Thánh và cầu nguyện là việc chúng ta hô hấp trước mặt Đức Chúa Trời, và bởi đó, chúng ta hít Đức Chúa Trời vào. Như vậy, chúng ta không nên là những người chỉ đọc Kinh Thánh mà thiếu cầu nguyện. Nếu chỉ đọc Lời, chúng ta để cho Đức Chúa Trời thở chính Ngài ra, nhưng chúng ta vẫn không hít Đức Chúa Trời vào. Vì thế, chúng ta vẫn cần cầu ngyện. Tuy nhiên, trong lời cầu nguyện, chúng ta thường cầu xin cho nhiều người, cho những việc đang xảy ra và những điều nào đó chỉ là lớp vỏ bên ngoài, bộ khung. Sự cầu nguyện đích thực luôn tương xứng với Kinh Thánh; đó là sự thở ra hít vào trước mặt Đức Chúa Trời, khiến chúng ta và Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời và chúng ta tiếp xúc lẫn nhau và chiếm được nhau. Kết quả là chúng ta hoàn toàn hợp tác và làm việc cùng với Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời biểu lộ chính Ngài và khát vọng của Ngài qua chúng ta, cuối cùng hoàn thành mục đích Ngài. Đây là ý nghĩa căn bản của sự cầu nguyện trong Kinh Thánh.