Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2016

PHÚC ÂM GIĂNG BÀI 4




PHẦN GIỚI THIỆU SỰ SỐNG VÀ SỰ XÂY DỰNG (3)

III. JESUS LÀ CHIÊN CON CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI CÙNG VỚI LINH LÀ CHIM BỒ CÂU ĐỂ SINH RA NHỮNG VIÊN ĐÁ CHO SỰ XÂY DỰNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Trong bài này chúng ta đến phần sau cùng của chương 1 trong Phúc Âm Giăng (cc. 19-51). Đề tài chính của phân đoạn này là: Jesus là Chiên Con của Đức Chúa Trời, cùng với Thánh Linh là chim bồ câu, làm cho các tín đồ trở thành những viên đá để xây dựng nhà của Đức Chúa Trời cùng với Con Loài Người. Đề tài này gồm có năm điểm chính: Chiên Con của Đức Chúa Trời, chim bồ câu, những viên đá, sự xây dựng nhà Đức Chúa Trời, và Con Loài Người. Chiên Con dành cho sự cứu chuộc; bồ câu dành cho việc truyền sự sống, biến đổi và xây dựng; đá dành làm vật liệu; nhà là sự xây dựng; và chính chất liệu của kiến ốc Đức Chúa Trời là con người. Trước hết, con người được cứu chuộc bởi Chiên Con, sau đó được tái sinh và biến đổi bởi chim bồ câu. Như vậy, con người trở nên một viên đá, và khi ấy đá này được chim bồ câu xây dựng. Chim bồ câu không những dành cho việc tái sinh, nhưng còn dành cho sự biến đổi và liên kết, mà cuối cùng đưa đến việc xây dựng nhà Đức Chúa Trời. Thể yếu, yếu tố quan trọng của nhà Đức Chúa Trời không phải là thần tính mà là nhân tính. Thần tính là Đấng cư ngụ và nhân tính là nơi ở. Vì nhà là nơi ở chứ không phải Đấng ở bên trong, nên nơi ở là nhân tính và Đấng ở bên trong là thần tính. Tuy nhiên, nhân tính này không phải là một nhân tính thiên nhiên hay thọ tạo, mà là một nhân tính được tái sinh, biến đổi và nâng cao, một nhân tính đã trải qua sự sáng tạo, sự nhục hóa, sự đóng đinh, sự phục sinh, và sự thăng thiên. Nhân tính đã trải qua một tiến trình kỳ diệu như vậy trở nên chính chất liệu của kiến ốc Đức Chúa Trời. Một nhân tính như vậy là nơi ở của Đức Chúa Trời. Không một sách nào đã khải thị vấn đề này rõ ràng như những gì Giăng đã viết, trong sách Phúc Âm, các Thư tín và sách Khải Thị của ông. Do đó, chúng ta phải dành nhiều thì giờ nghiên cứu những gì Giăng đã viết.


Giăng 1:19-51 là một phân đoạn dài gồm ba mươi ba câu. Vì sao phần này dài như vậy? Suốt nhiều năm tôi bị bối rối vì chiều dài của phân đoạn này. Tôi nói: “Trong mười tám câu đầu, mỗi từ ngữ đều ngắn gọn. Không một chữ nào dư thừa. Vì sao Giăng lại dùng quá nhiều từ ngữ trong phần này của chương một?” Tôi không thể hiểu vì sao Giăng, một người viết đơn sơ và vắn tắt, lại dùng quá nhiều câu như vậy. Nếu tôi viết phân đoạn này, tôi chỉ dùng bảy hay tám câu mà thôi, thuật lại thế nào người Pha-ri-si chất vấn Giăng xem ông có phải là Đấng Mê-si-a, Ê-li, hay là vị tiên tri nào đó hay không, thế nào Giăng báp-têm người ta trong nước, thế nào ông giới thiệu Jesus là Chiên Con của Đức Chúa Trời với chim bồ câu ngự xuống và đáp trên Ngài, thế nào năm môn đồ được Chúa thu hút và bắt đầu theo Ngài, thế nào tên một người trong họ được thay đổi. Tuy nhiên, Giăng dùng nhiều câu hơn như vậy nhiều. Mục đích của ông khi làm như vậy là gì? Rất ít Cơ Đốc nhân thấy được mục đích của Giăng trong các câu từ 19 đến 51. Do đó, chúng ta phải dành thì giờ để suy xét.

A. Những Con Người Tôn Giáo Mong Đợi Một Lãnh Tụ Vĩ Đại
Khi đọc suốt sách Giăng, anh em sẽ khám phá rằng sự chống đối Đấng Christ kịch liệt nhất đến từ tôn giáo. Không có gì quấy rối hay ngăn trở Ngài nhiều hơn Do Thái giáo. Tôn giáo là kẻ thù của Đấng Christ, ngăn cản Đấng Christ là sự sống. Cuối cùng, tôn giáo đã xử tử Ngài. Không phải chính quyền La Mã xử tử Chúa Jesus, vì chính quyền La Mã dưới tay Phi-lát quá yếu không làm được điều đó. Đấng Christ bị xử tử bởi Do Thái giáo, là tôn giáo đã sử dụng bàn tay yếu ớt của chính quyền La Mã. Do đó, trong Phúc Âm của mình, Giăng cho chúng ta thấy sự chống đối mạnh mẽ nhất nhắm vào Đấng Christ, là sự sống, thì đến từ tôn giáo. Vì vậy, ông thấy cần phải dùng nhiều câu trong chương một để mô tả tình trạng tôn giáo đáng thương. Ý định của Giăng là mô tả cách sinh động tình trạng tội nghiệp của tôn giáo.

Các câu từ 19 đến 25 bày tỏ quan niệm của những con người tôn giáo, hoàn toàn trái với tư tưởng thần thượng. Những con người tôn giáo đang tìm kiếm một lãnh tụ vĩ đại như Đấng Mê-si-a, Ê-li hay một vị tiên tri nào đó (theo Kinh Thánh, Đa. 9:26; Mal. 4:5; Phục. 18:15, 18). Quan niệm tôn giáo luôn luôn tìm kiếm một người vĩ đại như Đấng Mê-si-a hay một tiên tri lớn như Ê-li. Những con người tôn giáo luôn luôn suy nghĩ đến một lãnh tụ vĩ đại là người sẽ làm những việc tuyệt vời và thực hiện những phép lạ kỳ diệu để giải cứu họ. Vì vậy, các lãnh tụ Do Thái giáo sai người đến hỏi Giăng Báp-tít xem ông có phải là Đấng Mê-si-a không. Dĩ nhiên Giăng trả lời: “Không phải”. Rồi họ hỏi ông có phải là Ê-li không, ông lại đáp: “Không”. Trong chương mười tám sách Phục Truyền Luật Lệ Ký, Môi-se hứa với dân Israel rằng một tiên tri lớn sẽ đến. Vì thế, kể từ ngày đó, Israel liên tục trông chờ sự đến của vị tiên tri ấy, và khi Giăng Báp-tít xuất hiện, họ hỏi xem ông có phải là người đó không. Nhưng Giăng nói ông không phải là vị tiên tri ấy. Nguyên tắc này vẫn tồn tại trong giới tôn giáo ngày nay. Khắp nơi người ta mong đợi một nhà truyền giảng vĩ đại nổi tiếng trên thế giới. Những người tôn giáo ngày nay giống như người Pha-ri-si, các chuyên gia kinh luật và các thầy tế lễ cả, họ không vì sự sống, mà vì những phong trào lớn, những lãnh tụ vĩ đại. Mặc dầu họ chờ đợi một lãnh tụ tôn giáo vĩ đại đến dức dấy họ, nhưng sau khi lãnh tụ ấy đến và đi, họ vẫn ở trong tình trạng chết chóc.

Sự tương phản trong phần này của Phúc Âm Giăng gây ấn tượng mạnh mẽ. Chúng ta đã thấy những người tôn giáo đang mong đợi một lãnh tụ vĩ đại và hỏi Giăng Báp-tít xem ông có phải là Đấng Mê-si-a, Ê-li hay vị tiên tri nào hay không. Giăng nhiều lần trả lời “Không phải”, nên cuối cùng họ hỏi ông: “Vậy thì ông là ai? Ông tự xưng là ai?” Giăng đáp: “Tôi là tiếng của người kêu trong đồng vắng”. Tiếng là gì? Tiếng không là gì cả. Anh em nghe nó, và nó tan biến. Anh em không thể chạm đến nó. Dường như Giăng nói: “Tôi không là gì cả. Tôi chẳng là ai. Tôi không phải Đấng Mê-si-a, cũng không phải Ê-li, hay là tiên tri”. Những người tôn giáo thất vọng về ông. Làm thế nào họ trả lời cho những người đã sai phái mình? Có lẽ họ nói với Giăng: “Chẳng lẽ chúng tôi trở về với những người sai chúng tôi đi và nói với họ rằng ông bảo ông chỉ là tiếng nói? Cái gì kỳ vậy? Vô lý quá”. Vâng, theo tôn giáo, sự sống là điều vô lý.

B. Jesus Được Giới Thiệu Là Chiên Con Với Chim Bồ Câu
1. Chiên Con Cất Tội Khỏi Loài Người
Khi Giăng thấy Jesus đến, ông nói gì? Ông không nói: “Kìa, tiến sĩ Jesus Christ”. Ông nói: “Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời”. Nếu tôi là Giăng Báp-tít, tôi sẽ nói: “Kìa, Sư tử của chi phái Giu-đa”. Anh em muốn giới thiệu Jesus như thế nào? Như Chiên Con hay như một sư tử mạnh mẽ? Nếu anh em giới thiệu với tôi Đấng Christ là sư tử, tôi sẽ chạy trốn, vì tôi sợ sư tử. Tuy nhiên, Jesus được giới thiệu là Chiên Con. Trong khi những người tôn giáo đang mong đợi một lãnh tụ vĩ đại. Jesus được Giăng Báp-tít giới thiệu là Chiên Con của Đức Chúa Trời thì Jesus không đến để làm lãnh tụ vĩ đại của một phong trào tôn giáo; Ngài đến để làm Chiên Con nhỏ bé của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội của thế giớiđi. Đó không phải là vấn đề phong trào; mà là vấn đề cứu chuộc, giải quyết nan đề tội của nhân loại. Để tội mình được cất đi, chúng ta không cần một tiến sĩ thần học hay một lãnh tụ tôn giáo, mà cần một Chiên Con nhỏ bé. Chúng ta cần Jesus là Chiên Con của Đức Chúa Trời chết cho chúng ta và đổ huyết Ngài để cứu chuộc chúng ta. Tình trạng ngày nay giống như thời Giăng Báp-tít. Tôn giáo vẫn mong chờ một lãnh tụ vĩ đại cho một phong trào lớn lao. Nhưng trong gia tể Đức Chúa Trời, Jesus không phải là một lãnh tụ như vậy. Ngài chỉ là Chiên Con của Đức Chúa Trời. Khi đọc bài này, anh em cần thưa với Ngài rằng: “Chúa Jesus ơi, đối với con Ngài không phải là một lãnh tụ vĩ đại. Ngài là Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng chết trên thập tự giá vì tội lỗi con. Chúa ơi, con cảm tạ Ngài về sự chết của Ngài. Con cảm tạ Ngài về huyết Ngài. Cảm tạ Ngài về sự cứu chuộc của Ngài. Con không quan tâm đến một lãnh tụ vĩ đại. Con chỉ quan tâm đến Chiên Con nhỏ bé là Đấng đã hoàn thành sự cứu chuộc cho con”. Quan niệm tôn giáo là một lãnh tụ vĩ đại sẽ đến, nhưng gia tể thần thượng là Chiên Con chết để chuộc loài người khỏi tội. Vì nan đề tội đòi hỏi một giải pháp, nên nhu cầu cứu chuộc rất cấp bách. Chúng ta cần Chiên Con của Đức Chúa Trời để cất tội lỗi chúng ta đi.

2. Chim Bồ Câu Đem Đức Chúa Trời Đến Với Loài Người
Giăng không những giới thiệu Đấng Christ như Chiên Con của Đức Chúa Trời, mà cũng giới thiệu Đấng Christ như Chiên Con với chim bồ câu (1:32-33). Chiên Con cất tội khỏi loài người, còn bồ câu đem Đức Chúa Trời là sự sống đến với loài người. Chiên Con dành cho sự cứu chuộc để chuộc loài người sa ngã trở về với Đức Chúa Trời, và chim bồ câu dành cho việc ban sự sống, cho sự xức dầu, để xức cho loài người “những gì Đức Chúa Trời là”, để đem Đức Chúa Trời vào trong con người và đem con người vào trong Đức Chúa Trời và để liên kết các tín đồ trong Đức Chúa Trời. Cả hai đều cần để con người dự phần trong Đức Chúa Trời. Chim bồ câu là biểu tượng của Thánh Linh, công tác của Ngài là đem Đức Chúa Trời đến và liên kết Đức Chúa Trời với loài người. Về phương diện tiêu cực, Chiên Con giải quyết nan đề tội của loài người, về phương diện tích cực, bồ câu đem Đức Chúa Trời đến với loài người. Chiên Con phân rẽ con người khỏi tội, còn bồ câu liên kết Đức Chúa Trời với con người.

Giăng giới thiệu Jesus là Chiên Con với bồ câu, chứ không phải Chiên Con với chim ưng. Dường như một số Cơ Đốc nhân có chim ưng thay vì chim bồ câu. Bồ câu không to lớn và hung hăng. Bồ câu nhỏ bé và hiền hòa. Bồ câu ở đây tượng trưng cho Thánh Linh, để ban sự sống, tái sinh, xức dầu, biến đổi, liên kết và xây dựng. Bồ câu không vì quyền năng mà vì sự sống. Bồ câu không có quyền năng, nhưng đầy dẫy sự sống và sự thông sáng. Kinh Thánh tán dương mắt bồ câu, vì phần đẹp nhất của bồ câu là đôi mắt. Trong Nhã-ca, Chúa khen ngợi người tìm kiếm Ngài về đôi mắt bồ câu (1:15). Bồ câu không tượng trưng cho quyền năng, nhưng cho sự sống. Chim bồ câu đáng yêu, nhỏ bé và đầy sự sống.

Đọc đến Giăng chương 12, chúng ta sẽ thấy Chúa Jesus sánh mình với một điều còn nhỏ hơn chim bồ câu, đó là một hạt lúa mì (12:24). Hạt lúa mì không phải vì diện mạo bên ngoài, cũng không phải vì quyền năng. Hạt lúa mì đầy dẫy sự sống, để tái sản sinh và sinh sôi nảy nở sự sống, để nhân lên trong sự sống. Do đó, Phúc Âm Giăng là sách về sự sống, không phải về quyền năng. Chiên Con không phải vì quyền năng, nhưng vì sự cứu chuộc. Nếu Jesus đã đến như sư tử, không ai có thể đem Ngài lên thập tự giá. Tuy nhiên, Ngài đến như một Chiên Con nhỏ bé, bị dẫn đi làm thịt và giết chết để chúng ta được cứu chuộc (Ês. 53:7). Giữa sự sống và tôn giáo có một sự khác biệt lớn lao biết bao! Tôn giáo là vì quyền năng, vì phong trào, và vì những lãnh tụ vĩ đại. Nhưng sự sống cần Chiên Con dành cho sự cứu chuộc để cất mọi điều tội lỗi đi và cần một bồ câu đầy dẫy sự sống để truyền sự sống, tái sinh, xức dầu, biến đổi, liên kết, và xây dựng. Rồi Đức Chúa Trời sẽ có một ngôi nhà, một Bê-tên. Tất cả chúng ta cần thấy điều này.

Tôi hi vọng anh em có được một ấn tượng sâu xa là chúng ta phải tuyệt đối từ bỏ tôn giáo với mọi quan niệm của nó. Tuy nhiên, tôi lo ngại rằng một số người đọc bài này vẫn giữ quan niệm rằng chúng ta cần quyền năng để dấy lên một phong trào lớn lao. Gia tể Đức Chúa Trời không phải là sai một lãnh tụ đầy quyền năng đến để khởi xướng một phong trào. Gia tể Đức Chúa Trời là sai Con Ngài đến để làm Chiên Con với Linh Ngài như bồ câu để hoàn thành sự cứu chuộc và truyền sự sống cho loài người. Gia tể Đức Chúa Trời là để một hạt lúa mì rơi xuống đất và chết đi hầu sinh ra nhiều hạt, hòa lẫn thành một ổ bánh, là Thân thể, là Hội thánh, để bày tỏ Đấng Christ. Trong gia tể Đức Chúa Trời vấn đề không phải là phong trào, quyền năng, hay lãnh tụ vĩ đại, mà là Chiên Con với bồ câu. Nhu cầu của chúng ta là được cứu chuộc bởi sự sống.

C. Để Sản Sinh Những Viên Đá Cho Sự Xây Dựng Của Đức Chúa Trời
1. Môn Đồ Của Jesus Được Biến Đổi Thành Những Viên Đá
Chiên Con với chim bồ câu thu hút dân chúng theo Ngài. Khi Giăng Báp-tít nói: “Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời”, hai môn đồ của ông được kéo đến với Ngài, và Giăng rất vui mừng về điều đó. Hai môn đồ này tên gì? Người đầu tiên là Anh-rê, và người thứ hai phải là Giăng, tức người viết Phúc Âm này, dầu ông khiêm nhường, không đề cập tên mình. Một khi Anh-rê đã được Chúa thu hút, ông tìm anh Si-môn của mình và dẫn ông đến với Jesus (1:41-42). Khi Chúa nhìn Si-môn, Ngài đổi tên ông thành Sê-pha, hay Phi-e-rơ, nghĩa là một viên đá. Chúa nhắc lại lời này khi Ngài nói với Phi-e-rơ trong Ma-thi-ơ 16:18 về sự xây dựng Hội thánh. Chắc hẳn từ đó, Phi-e-rơ đã nhận được khái niệm về những viên đá sống để xây dựng ngôi nhà thuộc linh (1 Phi. 2:5), tức là Hội thánh. Ý nghĩa của viên đá là nó chỉ về công tác biến đổi để sản sinh vật liệu dành cho sự xây dựng của Đức Chúa Trời (1 Cô. 3:12).

Trong cùng một chương chúng ta có Chiên Con, bồ câu, và viên đá, tất cả những điều này đều là hình ảnh tượng trưng. Ý nghĩa của những hình ảnh tượng trưng này là gì? Đó là Chiên Con cộng với bồ câu thì sản sinh ra những viên đá. Sự cứu chuộc cộng với sự tái sinh và biến đổi tạo nên những viên đá. Một lần nữa tôi nói rằng chúng ta đừng cố gắng hiểu Phúc Âm Giăng chỉ theo chữ nghĩa trên giấy trắng mực đen. Anh em phải dò xem kỹ lưỡng ý nghĩa của các ẩn dụ. Chiên con là gì? Theo Xuất Ai Cập Ký chương 12, chiên con lễ Vượt qua bị giết vì tội lỗi của dân Chúa và họ ăn thịt chiên để được thỏa mãn. Bồ câu là gì? Từ Cựu Ước chúng ta đã thấy bồ câu là một tạo vật đầy vẻ đẹp của sự sống. Do đó, nó tượng trưng cho Thân vị thứ ba của Đức Chúa Trời Tam Nhất đến với loài người và truyền sự sống cho họ. Bồ câu này xuống trên con người tương ứng với sự cứu chuộc và để sản sinh ra những viên đá. Bồ câu không sinh ra những người giảng đạo, mục sư hay tiến sĩ thần học mà sản sinh ra những viên đá. Như chúng ta sẽ thấy, những viên đá này là để xây dựng Bê-tên, tức nhà của Đức Chúa Trời.

Mặc dầu Anh-rê gặp Chúa trước Phi-e-rơ, Jesus không đổi tên của Anh-rê. Lý do của sự kiện ấy là gì? Nếu anh em và tôi là Chúa Jesus, có lẽ chúng ta sẽ đổi tên của Anh-rê thành đá và tên của Giăng thành kim cương. Tuy nhiên, Chúa Jesus không vội vàng, Ngài chuyển động từ từ, Ngài đổi tên của Si-môn mà không đổi tên Anh-rê. Nếu tôi là Anh-rê, tôi sẽ nói: “Chúa ơi, sao Ngài không đổi tên con? Như vậy là không công bình. Con đến với Ngài trước. Vì sao Ngài đặt cho Si-môn tên mới mà lại không đặt cho con? Chúa ơi, Ngài cũng phải đặt cho con một tên mới nữa”. Nhưng Chúa không đổi tên Anh-rê. Điều này chứng tỏ mọi sự tùy thuộc nơi Ngài. Chúa không bao giờ hành động hấp tấp.

Phi-líp là người kế tiếp được thu hút đến với Chúa Jesus. Tuy nhiên, Chúa không làm gì với Phi-líp cả. Kế đến Phi-líp tìm gặp Na-tha-na-ên và nói: “Chúng ta đã gặp Đấng mà Môi-se đã ghi trong luật pháp và các tiên tri cũng chép đến, ấy là Jesus con của Giô-sép, quê ở Na-xa-rét” (c. 45). Chi tiết này không đúng. Jesus không sinh bởi Giô-sép, nhưng bởi Ma-ri (Mat. 1:16), và không phải sinh tại Na-xa-rét, mà tại Bết-lê-hem (Lu. 2:4-7). Khi Na-tha-na-ên phát biểu: “Há có chi tốt có thể ra từ Na-xa-rét được sao?”, Phi-líp nói: “Hãy đến xem”. Phi-líp phản ứng đúng khi không tranh luận với Na-tha-na-ên. Ông nhận biết rằng mình thiếu hiểu biết, nên ông chỉ nói với Na-tha-na-ên: “Hãy đến xem”. Tất cả chúng ta rút được một bài học từ những lời này. Có nhiều Phi-líp trẻ tuổi giữa vòng chúng ta, là những người sau khi thấy một điều gì đó về Chúa, đã đi ra và nói với người khác cách không đúng đắn, cho họ những tin tức sai trật. Vì vậy, chúng ta không nên tranh luận với người ta, nhưng chỉ cần bảo họ đến xem. Na-tha-na-ên đã đến. Mặc dầu Chúa không làm gì với Phi-líp, nhưng Ngài đã làm một điều cho Na-tha-na-ên, ấy là Ngài nói với ông về giấc mơ của Gia-cốp (1:51).

Vì sao Chúa đã làm điều gì đó cho Si-môn và Na-tha-na-ên mà lại không làm gì cho Anh-rê và Phi-líp? Ở đây có một nguyên tắc, đó là: Chúa không quan tâm đến người thứ nhất, nhưng luôn luôn quan tâm đến người thứ hai. Người thứ nhất thuộc về cõi sáng tạo cũ. Trong lễ Vượt Qua tại Ai Cập, tất cả các con đầu lòng đều bị giết chết. Đừng làm người đầu tiên, vì nếu muốn đứng đầu, thì giữa anh em với Chúa sẽ không còn gì nữa. Mặc dầu đứng đầu lớp là tốt, nhưng đứng đầu trong Hội thánh thì không tốt. Đừng bao giờ cố gắng đứng đầu với Chúa Jesus. Hãy học làm người thứ hai. Nếu nỗ lực đứng đầu, anh em sẽ lạc mất mục tiêu. Mọi người đều thích đứng đầu. Tuy nhiên, nếu anh em muốn làm người thứ hai, Đức Chúa Trời sẽ làm một điều gì đó cho anh em. Si-môn làm người thứ hai, và Chúa bày tỏ cho ông vấn đề làm một viên đá. Na-na-tha-ên cũng là người thứ hai, và Chúa bày tỏ cho ông nhà của Đức Chúa Trời.

2. Vì Sự Xây Dựng Nhà Đức Chúa Trời
“Ngài lại phán: Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và thiên sứ của Đức Chúa Trời lên xuống trên Con Người” (c. 51). Người Do Thái thời xưa biết rằng câu nói ấy chỉ về giấc mơ của Gia-cốp (Sáng. 28:10-22). Khi Gia-cốp đang chạy trốn anh mình, một đêm kia ông ngủ ngoài trời, dùng đá gối đầu. Ông nằm mơ thấy trời mở ra và một cái thang dựng trên đất mà chạm đến trời, và trên đó các thiên sứ đang lên xuống. Khi ngủ dậy, ông nói: “Nơi này đáng sợ biết bao! Đây không gì khác hơn là nhà của Đức Chúa Trời, và đây là cổng trời” (Sáng. 28:17). Sau đó ông đổ dầu trên tảng đá mình đã dùng làm gối và đặt tên nơi ấy là Bê-tên. Lời Chúa nói với Na-tha-na-ên là sự ứng nghiệm giấc mơ của Gia-cốp. Đấng Christ, là Con Loài Người với nhân tính Ngài, chính là chiếc thang dựng trên đất và dẫn lên đến tận trời, giữ cho trời mở ra cho đất và liên kết đất với trời vì nhà của Đức Chúa Trời. Gia-cốp đổ dầu (tượng trưng cho Thánh Linh, là Thân vị sau cùng của Đức Chúa Trời Tam Nhất đến với loài người) trên tảng đá (tượng trưng cho con người được biến đổi) để tảng đá ấy trở nên nhà của Đức Chúa Trời. Tại đây trong Giăng chương 1 có đề cập đến Linh (c. 32) và tảng đá (c. 42) dành cho nhà của Đức Chúa Trời với Đấng Christ và nhân tính của Ngài. Nơi nào có những điều này, thì trời mở ra. Do đó, Đấng Christ, với tư cách là một con người, là chiếc thang mở các từng trời, liên kết đất với trời và đem trời đến với đất. Nơi nào có Đấng Christ trong nhân tính Ngài, thì có cổng trời, có Bê-tên, là sự xây dựng nhà Đức Chúa Trời với tất cả những viên đá, tức là với tất cả những người được biến đổi.

Là phần giới thiệu Phúc Âm Giăng, Giăng chương 1 giới thiệu Đấng Christ vừa là Con Đức Chúa Trời (cc. 34, 49) vừa là Con Loài Người. Na-tha-na-ên nhận biết Ngài là Con của Đức Chúa Trời và gọi Ngài như vậy (c. 49), nhưng Đấng Christ nói với Na-tha-na-ên rằng Ngài là Con Loài Người. Con của Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời với bản chất thần thượng, là thần tính. Con Loài Người là con người với bản chất loài người, là nhân tính. Để giải bày Đức Chúa Trời (c.18) và để đem Đức Chúa Trời đến với con người và con người đến với Đức Chúa Trời, Ngài là Con độc sinh của Đức Chúa Trời. Nhưng để xây dựng nơi ở của Đức Chúa Trời trên đất giữa vòng loài người, Ngài là Con Loài Người. Sự xây dựng của Đức Chúa Trời cần nhân tính của Ngài. Trong cõi đời đời quá khứ Đấng Christ chỉ có thần tính, nhưng trong cõi đời đời tương lai, Ngài có cả thần tính lẫn nhân tính mãi mãi.

Có ba phần khác biệt trong Giăng chương 1. Phần 1, gồm mười ba câu đầu, kết thúc với con cái của Đức Chúa Trời. Phần hai, gồm các câu từ 14 đến 18, kết thúc với Con độc sinh của Đức Chúa Trời. Phần ba, gồm ba mươi ba câu cuối, kết thúc với Con Loài Người. Con cái Đức Chúa Trời là sự gia tăng và sự mở rộng của Ngài để bày tỏ Ngài cách tập thể. Con độc sinh của Đức Chúa Trời là sự giải bày Đức Chúa Trời, làm cho tất cả những ai vui hưởng sự đầy trọn của Đức Chúa Trời là ân điển và thực tại được biết Ngài. Con Loài Người là để xây dựng nhà Đức Chúa Trời. Vì vậy, có nhiều con cái Đức Chúa Trời và họ là sự bày tỏ Ngài, bày tỏ Ngài cách tập thể. Con độc sinh của Đức Chúa Trời là độc nhất và để giải bày Đức Chúa Trời, làm cho tất cả những ai vui hưởng Ngài như ân điển và thực tại được biết Ngài. Con Loài Người là để xây dựng nhà của Đức Chúa Trời. Để bày tỏ Đức Chúa Trời cách tập thể, cần có nhiều con cái Ngài. Để giải bày Đức Chúa Trời, cần có Con độc sinh, duy nhất của Ngài, và vì nhà của Đức Chúa Trời cần có Con Loài Người.

Giăng chương 1 bắt đầu với Lời và chấm dứt với Bê-tên, là nhà của Đức Chúa Trời. Có một con đường dài giữa câu 1 và câu 51. Dọc theo con đường này chúng ta tìm thấy nhiều điều: Đức Chúa Trời, sự sáng tạo, sự sống, ánh sáng, xác thịt, đền tạm, ân điển, thực tại, sự giải bày Đức Chúa Trời, Chiên Con, bồ câu, đá, cái thang, nhân tính của Jesus, và cuối cùng là nhà của Đức Chúa Trời. Đó là sự sống và sự xây dựng. Chỉ trong một chương này, chúng ta có thể thấy ban đầu, Lời, Đức Chúa Trời, sự sáng tạo, sự sống, ánh sáng, nhiều con của Đức Chúa Trời được sinh ra trong sự sống, xác thịt, đền tạm, ân điển, thực tại, sự giải bày Đức Chúa Trời cách đầy đủ, Chiên Con của Đức Chúa Trời là Đấng cất tội của thế giới đi, và bồ câu tái sinh, xức dầu, biến đổi, liên kết, và xây dựng; chúng ta có thể thấy một viên đá, cái thang, trời mở ra, và nhà của Đức Chúa Trời. Chúng ta là một phần trong ngôi nhà này của Đức Chúa Trời. Ha-lê-lu-gia!

Phúc Âm Giăng kỳ diệu và sâu nhiệm. Trong Phúc Âm này chúng ta không có một lãnh tụ tôn giáo vĩ đại; chúng ta có Chiên Con nhỏ bé với một chim bồ câu thậm chí còn nhỏ hơn nữa. Chiên Con và chim bồ câu làm cho chúng ta thành đá để xây dựng nhà của Đức Chúa Trời. Chúng ta không phải là những tiến sĩ thần học, nhưng là đá dành cho sự xây dựng. Chúng ta không phải một tổ chức tôn giáo, mà là Bê-tên, nhà của Đức Chúa Trời.

Sau khi Jesus được giới thiệu là Chiên Con và chim bồ câu, dân chúng bắt đầu theo Ngài. Chiên Con với chim bồ câu là những điều rất thiết yếu trong việc hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời. Có một nan đề giữa Đức Chúa Trời và loài người, đó là nan đề tội. Loài người cũng có một sự thiếu hụt, đó là thiết hụt sự sống. Ý định Đức Chúa Trời dành cho con người là họ có sự sống. Tuy nhiên, tội đã hiện diện và sự sống thiếu vắng. Do đó, Chiên Con đến để cất tội đi. Dầu Chiên Con đã cất tội đi và giải quyết nan đề tội, nhưng còn sự sống thì sao? Chim bồ câu đã đến để truyền sự sống. Ha-lê-lu-gia, tội đã được cất đi và sự sống được truyền vào! Tội ra đi và sự sống đã đến.

Đó là sự cứu chuộc cộng với sự xức dầu. Sự cứu chuộc cất bỏ tội chúng ta, sự xức dầu đem đến sự sống và nguồn cung ứng sự sống. Vì chúng ta có sự cứu chuộc và ở trong sự xức dầu của Linh, nên chúng ta không có nan đề về tội và không thiếu hụt sự sống. Kết quả của việc cất bỏ tội và truyền sự sống là chúng ta đang ở trong tiến trình biến đổi. Biến đổi là công tác của Linh xức dầu. Sau khi tái sinh chúng ta, Linh hành động trong chúng ta để biến đổi chúng ta thành ra đá. Bẩm sinh chúng ta không phải đá, mà là đất sét. Sau khi được tái sinh, chúng ta ở trong tiến trình biến đổi, vì Linh tái sinh bây giờ là Linh biến đổi.

Chúng ta được biến đổi thành đá là để xây dựng nhà Đức Chúa Trời. Ít Cơ Đốc nhân thấy sự xây dựng nhà Đức Chúa Trời được khải thị trong Giăng chương 1. Mặc dầu nhiều giáo sư Cơ Đốc đã nêu lên vấn đề sự sống trong chương này, nhưng hầu hết đều trật mục tiêu. Kiến ốc là mục tiêu. Sự sống không phải mục tiêu, mà là tiến trình bởi đó Đức Chúa Trời có được kiến ốc. Do đó, sự sống là vì sự xây dựng và duy trì sự xây dựng, nhưng sự sống không phải mục tiêu. Sự xây dựng nhà Đức Chúa Trời là mục tiêu của Đức Chúa Trời.

Chúa ấp ủ mục tiêu này trong tâm trí khi người ta bắt đầu được thu hút đến với Ngài và đi theo Ngài. Theo Giăng chương 1, đám đông không theo Chúa. Chỉ có năm môn đồ theo Ngài. Có lẽ Giăng Báp-tít thất vọng về điều này. Ông đã tuyên bố: “Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời”, và kết quả của lời tuyên bố này là chỉ có hai môn đồ theo Chúa Jesus. Nếu anh em nghĩ sự khôi phục của Chúa chuyển động chậm quá, tôi sẽ bảo anh em hãy nhìn những người theo Chúa Jesus. Công vụ các Sứ đồ chương 1 cho biết vào cuối ba năm rưỡi chức vụ, Chúa chỉ có được một trăm hai mươi môn đồ. Chúa không tìm phong trào. Sự phát triển của phong trào thường mọc nhanh như nấm, vì các phong trào phát triển và gia tăng rất nhanh. Tuy nhiên, con đường của Chúa không phát triển như nấm, nhưng như một hạt giống được gieo xuống đất và cần thời gian để mọc lên. Do đó, Giăng chương 1 không cho chúng ta một bản ký thuật về một phong trào lớn, nhưng về con đường hẹp của sự sống. Lúc đầu chỉ có hai người theo Ngài. Sau đó đến Si-môn, Phi-líp và Na-tha-na-ên. Tuy là con số nhỏ bé, nhưng đã có một viên đá và cũng có nhà Đức Chúa Trời. Vì vậy, vấn đề không phải là số người theo Jesus, mà là những viên đá dành cho sự xây dựng. Hễ có đá thì nhà Đức Chúa Trời có thể được xây dựng. Đức Chúa Trời không quan tâm về số người. Ngài quan tâm đến những viên đá và sự xây dựng. Đó là nhu cầu của Đức Chúa Trời ngày nay. Đức Chúa Trời muốn những con người sẽ được biến đổi thành ra những viên đá để xây dựng nhà Ngài.

Chúa nói với Na-tha-na-ên về giấc mơ Gia-cốp. Nhà của Đức Chúa Trời mà Gia-cốp mơ thấy đó ở đâu? Khi giấc mơ này được bày tỏ cho Gia-cốp, ông không có nhà và là một người lang thang. Khi con người không có nhà, Đức Chúa Trời cũng không có nhà. Vào thời điểm Gia-cốp cần một ngôi nhà, Đức Chúa Trời cũng cần một ngôi nhà. Vì vậy, Đức Chúa Trời ban cho Gia-cốp khải thị này qua phương tiện là một giấc mơ. Nhà của Đức Chúa Trời chỉ được nhận biết khi có một tảng đá mà dầu được đổ lên đó. Chúng tôi đã chỉ ra rằng tảng đá tượng trưng cho những người thuộc về Đức Chúa Trời đã được tái sinh và biến đổi, và dầu tượng trưng cho việc Đức Chúa Trời là Linh đến trong con người. Sau cùng, khi Đức Chúa Trời được liên kết với những người đã biến đổi, thì Ngài có một ngôi nhà. Điều này được thành tựu bởi sự việc Đấng Christ trở thành Chiên Con với chim bồ câu để chuộc chúng ta khỏi tội lỗi mình và liên kết chúng ta với Đức Chúa Trời. Nhờ thành tựu này, tất cả chúng ta có thể trở nên những viên đá được biến đổi dành cho nhà của Đức Chúa Trời. Khi ấy, Con Loài Người như chiếc thang thiên thượng có thể liên kết đất với trời và hòa lẫn Đức Chúa Trời với con người. Tại điểm này, chúng ta có thể nhận thức rằng ý định sau cùng của Đức Chúa Trời là có một căn nhà được xây dựng bằng những con người được tái sinh và biến đổi, tức là những con người được liên kết với Đức Chúa Trời trong Con Người bởi Thánh Linh. Đó là bức tranh của Giê-ru-sa-lem Mới, là sự xây dựng những viên đá sống với vinh quang Đức Chúa Trời. Sự tổng kết sau cùng của công tác Đức Chúa Trời trong cõi đời đời tương lai sẽ chỉ là sự hiện hữu thật sự của nơi ở này của Đức Chúa Trời.

Chúng ta cần phải bỏ mọi quan niệm tôn giáo và nhận lấy quan niệm thần thượng, đó là Đấng Christ là Chiên Con cùng với chim bồ câu, tức Đấng Cứu Chuộc cùng với Linh. Đấng Christ là Đấng Cứu Chuộc cùng với Linh là quyền năng tái sinh, biến đổi và liên kết. Linh của Đấng Christ sẽ tái sinh, biến đổi và liên kết chúng ta với Đức Chúa Trời và với nhau. Chúng ta cần phải quên những quan niệm tôn giáo cố gắng làm lành để Đức Chúa Trời hài lòng và nỗ lực làm nhiều điều cho Đức Chúa Trời. Chúng ta cần phải thấy rằng ý định của Đức Chúa Trời là tái sinh chúng ta và biến đổi chúng ta thành những viên đá sống, nghĩa là thay đổi chúng ta từ Si-môn thành Sê-pha. Tất cả những ai được thu hút đến cùng Chiên Con của Đức Chúa Trời với chim bồ câu đều sẽ được biến đổi thành ra những viên đá dành cho nhà của Đức Chúa Trời. Chúng ta cần phải có khải tượng rằng tất cả những gì chúng ta cần là được biến đổi và xây dựng lại với nhau thành chính ngôi nhà mà Đức Chúa Trời ao ước. Đức Chúa Trời đang tìm kiếm điều này và sẽ hoàn thành điều này bởi Con Ngài, là Đấng đã trở nên Con Loài Người như chiếc thang thiên thượng liên kết đất với trời. Kết quả sau cùng sẽ là Đức Chúa Trời hòa lẫn với con người để Ngài và con người trở nên một nơi ở cho nhau. Con người sẽ trở thành nơi ở của Ngài, và Ngài sẽ trở thành nơi ở của con người – Đó là nơi ở đời đời của Đức Chúa Trời theo kế hoạch đời đời của Ngài.
-