Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2016

PHÚC ÂM GIĂNG BÀI 5




PHẦN GIỚI THIỆU SỰ SỐNG VÀ SỰ XÂY DỰNG (4)

Trong bài này chúng ta sẽ bàn đến Giăng chương 1 cách tổng quát, ôn lại vài điểm đã bàn và đề cập đến những điểm khác mà chúng ta chưa xem xét.

IV. HAI PHẦN CỦA CÕI ĐỜI ĐỜI
VỚI CHIẾC CẦU THỜI GIAN
Giăng chương 1 bày tỏ hai phần của cõi đời đời. Giăng 1:1 chỉ về cõi đời đời trong quá khứ, vì “ban đầu” ngụ ý cõi đời đời trong quá khứ. Câu 51 chỉ về cõi đời đời trong tương lai, vì khi Chúa bảo Na-tha-na-ên rằng ông sẽ thấy trời mở ra và các thiên sứ của Đức Chúa Trời lên xuống trên Con Loài Người, Ngài không nói về hiện tại, nhưng nói về cõi đời đời trong tương lai. Nếu đặt hai phần của cõi đời đời lại với nhau, chúng ta có toàn thể cõi đời đời.

A. Trong Phần Đầu Của Cõi Đời Đời – Cõi Đời Đời Trong Quá Khứ
Trong cõi đời đời quá khứ, Đấng Christ, là Lời, ở với Đức Chúa Trời và là Đức Chúa Trời. Trong cõi đời đời quá khứ Ngài chỉ là Đức Chúa Trời và chỉ có thần tính. Vì Lời chưa nhục hóa, Ngài không phải là con người và không có nhân tính.


B. Trong Phần Thứ Hai Của Cõi Đời Đời – Cõi Đời Đời Trong Tương Lai
Trong cõi đời đời tương lai, Đấng Christ không những là Đức Chúa Trời, mà còn là con người. Không những Ngài là Con Đức Chúa Trời, mà còn là Con Loài Người. Vì Lời đã nhục hóa trong xác thịt (c. 14), nên Ngài cũng là một con người, tức Con Loài Người mãi mãi có nhân tính. Sau khi nhục hóa, Ngài vẫn là Đức Chúa Trời, nhưng là Đức Chúa Trời và con người. Ngài vẫn là Con của Đức Chúa Trời, nhưng là Con của Đức Chúa Trời và Con Loài Người. Ngoài tình trạng là Con của Đức Chúa Trời, cho đến đời đời trong tương lai, Ngài cũng sẽ là Con Loài Người nữa. Trong cõi đời đời quá khứ Ngài là Đức Chúa Trời, chỉ [có tính chất] thần thượng mà thôi, không có nhân tính. Tuy nhiên, trong cõi đời đời tương lai Ngài sẽ là Đức Chúa Trời và con người, Con Đức Chúa Trời và Con Loài Người, vừa thần thượng vừa con người, có thần tính cũng như có nhân tính. Ngài sẽ có hai bản chất, hai thể yếu, và hai tố chất – thần tính và nhân tính.

Khi Na-tha-na-ên nói với Chúa: “Ngài là Con của Đức Chúa Trời; Ngài là Vua Israel” (c. 49), Jesus nói với ông rằng ông sẽ thấy “thiên sứ của Đức Chúa Trời lên xuống trên Con Loài Người”. Ai lớn hơn, Con Đức Chúa Trời hay Con Loài Người? Theo lý luận, ai cũng sẽ nói Con Đức Chúa Trời lớn hơn Con Loài Người nhiều. Tôi xin hỏi anh em, anh em muốn làm con của Đức Chúa Trời hay con của loài người? Chắc chắn anh em sẽ trả lời anh em muốn làm con của Đức Chúa Trời. Ai cũng muốn làm con của Đức Chúa Trời. Chắc chắn đó là điều kỳ diệu đối với Na-tha-na-ên khi nhận biết Jesus, một con người nhỏ bé ở Na-xa-rét là Con Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, Jesus liền trả lời rằng Ngài là Con Loài Người. Dầu con người cố gắng làm cho Ngài vĩ đại, Ngài vẫn thích mình nhỏ bé.

Jesus là Con Đức Chúa Trời hay Con Loài Người, điều nào quan trọng hơn? Nếu không trả lời cách cẩn thận, anh em có thể bị vướng vào tà giáo. Trả lời một câu hỏi như vậy thật khó biết bao! Chúa vừa là Con Đức Chúa Trời, vừa là Con Loài Người. Nếu Ngài không phải Con Đức Chúa Trời, không bao giờ Ngài có thể là sự sống của chúng ta. Nếu Ngài không phải Con Loài Người, không bao giờ Ngài có thể là thể yếu cho sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Con của Đức Chúa Trời là để ban sự sống, và Con Loài Người là để xây dựng. Kinh Thánh không bao giờ đòi hỏi chúng ta tin rằng Jesus là Con Loài Người trước khi chúng ta có sự sống. Để có sự sống, chúng ta phải tin rằng Jesus là Con Đức Chúa Trời. Tất cả chúng ta phải tin Jesus, người Na-xa-rét nhỏ bé, là Con Đức Chúa Trời. Nếu tin như vậy, chúng ta có sự sống đời đời. Sau khi nhận lãnh sự sống đời đời, chúng ta phải nhận thức sâu xa hơn rằng Jesus này là Con Đức Chúa Trời, cũng là Con Loài Người. Thần tính của Ngài là sự sống cho chúng ta, nhưng nhân tính của Ngài là vì sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Sự xây dựng của Đức Chúa Trời cần nhân tính của Ngài. Chúng ta cần Jesus là Con của Đức Chúa Trời, nhưng Đức Chúa Trời cần Ngài là Con Loài Người.

Đối với chúng ta, Jesus là Con Đức Chúa Trời, nhưng đối với Đức Chúa Trời và đối với ma quỉ, tức Sa-tan, thì Jesus là Con Loài Người. Ma quỉ không sợ Jesus là Con Đức Chúa Trời. Hắn sợ Jesus là Con Loài Người. Nhiều lần khi Jesus đang đuổi quỉ khỏi người ta, ma quỉ gọi Ngài là Con Đức Chúa Trời, Jesus truyền chúng phải im lặng (Mat. 8:29; Mác 3:11-12), vì trước mặt chúng Ngài đang hành động như Con Loài Người. Trong đồng vắng, khi ma quỉ cám dỗ Jesus bằng cách nói rằng: “Nếu Ngài là Con Đức Chúa Trời, hãy bảo đá này trở nên bánh đi” (Mat. 4:3), Jesus chống lại sự cám dỗ bỏ vị trí làm Con Loài Người của mình, Ngài nói: “Người ta sống không phải chỉ nhờ bánh mà thôi” (Mat. 4:4). Jesus duy trì chỗ đứng của mình là một con người. Sa-tan không sợ Con Đức Chúa Trời; hắn sợ con người. Tại sao Sa-tan sợ con người? Vì trong gia tể của Ngài, Đức Chúa Trời đã quyết định rằng Sa-tan phải bị con người đánh bại.

Đức Chúa Trời không có ý định cư ngụ trong chính Ngài. Thần tính không thể làm nơi ở của Đức Chúa Trời. Trong gia tể của Đức Chúa Trời, ý định của Ngài là cư ngụ trong nhân tính. Đức Chúa Trời có ý định đánh bại kẻ thù Ngài, tức Sa-tan, bởi con người và làm cho nhân tính thành nơi cư ngụ của Ngài. Do đó, cần có nhân tính vừa để đánh bại Sa-tan, vừa để làm nơi ở của Ngài. Nếu Chúa Jesus chỉ là Con Đức Chúa Trời, Ngài chỉ đủ điều kiện truyền sự sống vào trong con người. Ngài sẽ không có tố chất để bởi đó đánh bại kẻ thù hay trở nên nơi ở của Đức Chúa Trời. Ngợi khen Chúa, Ngài là Con của Đức Chúa Trời để chúng ta có sự sống, và Ngài là Con Loài Người để Đức Chúa Trời có một nơi ở.

Trong cõi đời đời quá khứ, Đức Chúa Trời đã có một nơi ở bằng nhân tính không? Chắc chắn câu trả lời là không. Trong Ê-sai 66:1, Đức Chúa Trời phán: Trời là ngai Ta và đất là bệ chân Ta... nơi nghỉ ngơi của Ta ở đâu?” Trời được xem là nơi ở của Đức Chúa Trời (Phục. 26:15; 1 Vua. 8:49; Thi. 33:13-14; Ês. 63:15); nhưng Đức Chúa Trời phán: “Nơi nghỉ ngơi của Ta ở đâu?” Nơi nghỉ ngơi của Đức Chúa Trời là loài người mà Ngài có được (Ês. 57:15; 66:2). Ngày nay Đức Chúa Trời ở trên các từng trời, nhưng các từng trời sẽ không phải nơi ở của Ngài cho đến đời đời trong trời mới và đất mới. Trong trời mới đất mới, nơi ở đời đời của Đức Chúa Trời sẽ là Giê-ru-sa-lem Mới, bao gồm tất cả những thánh đồ được cứu chuộc của Ngài, sẽ từ trời xuống (Khải. 21:1-3). Điều gì sẽ là nơi ở đời đời của Đức Chúa Trời? Nhân tính được tái sinh, biến đổi, nâng cao và xây dựng cuối cùng sẽ thành ra nơi ở của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời sẽ không cư ngụ với nhân tính thiên nhiên, nhưng với nhân tính được tái sinh, biến đổi, nâng cao, và xây dựng. Nhân tính ấy được tái sinh, biến đổi, liên kết và xây dựng với nhau bởi sự sống thần thượng. Sự sống thần thượng sẽ nâng cao nhân tính của chúng ta đến tiêu chuẩn mà chúng ta sẽ thành ra nơi cư ngụ của Đức Chúa Trời.

Giăng chương 1 bày tỏ Đấng Christ vừa là Con của Đức Chúa Trời vừa là Con Loài Người. Ngài là Con của Đức Chúa Trời để truyền Đức Chúa Trời vào trong chúng ta làm sự sống của chúng ta, và Ngài là Con Loài Người để làm thể yếu cho sự xây dựng nhà Đức Chúa Trời. Trong cõi đời đời quá khứ không có nhân tính và không có nơi cư ngụ cho Đức Chúa Trời. Trong cõi đời đời tương lai sẽ có nhân tính và Đức Chúa Trời sẽ có một nơi cư ngụ.

C. Trên Chiếc Cầu Thời Gian
Giăng chương 1 bày tỏ hai phần của cõi đời đời. Làm thế nào Đức Chúa Trời, là Đấng không có nhân tính trong cõi đời đời quá khứ, có thể có nhân tính trong cõi đời đời tương lai làm nơi ở của Ngài? Điều này sẽ không xảy ra trong chốc lát. Giữa hai phần của cõi đời đời này là chiếc cầu thời gian. Trong cõi đời đời quá khứ, Đức Chúa Trời lập kế hoạch và dự định, nhưng Ngài không làm gì cả. Trong cõi đời đời tương lai, Ngài cũng sẽ không làm gì cả, vì lúc ấy mọi sự đã thành tựu rồi. Trong cõi đời đời tương lai, Ngài chỉ vui hưởng công tác đã hoàn tất của mình. Trong cõi đời đời quá khứ, Ngài hoạch định và trong cõi đời đời tương lai Ngài sẽ vui hưởng. Mọi điều Ngài cần hoàn tất thì Ngài hoàn tất trên chiếc cầu thời gian. Đức Chúa Trời đang lái chiếc xe hơi gia tể Ngài đi từ phần thứ nhất của cõi đời đời, băng qua cầu thời gian, vào trong phần cuối của cõi đời đời. Bằng cách lái xe băng qua chiếc cầu thời gian, mọi công tác cần thiết được hoàn tất. Một khi Đức Chúa Trời đã đi từ cõi đời đời quá khứ, băng qua cầu thời gian, vào trong cõi đời đời tương lai, Ngài sẽ tuyên bố “Xong rồi!” Trong cõi đời đời tương lai Đức Chúa Trời sẽ vui hưởng công tác đã hoàn tất của mình. Chiếc cầu thời gian dài bao lâu? Có thể trên dưới sáu ngàn năm. Trên chiếc cầu thời gian này, Đức Chúa Trời hoàn tất năm điều. Chúng ta cần lần lượt xem xét từng điểm ấy, bắt đầu với sự sáng tạo.

1. Sự Sáng Tạo
Câu 3 chép: “Mọi vật đã hiện hữu nhờ Ngài, và ngoài Ngài, không một vật nào đã hiện hữu mà được hiện hữu”. Sự sáng tạo làm cho mọi vật hiện hữu. Ý nghĩa của sự sáng tạo là gọi những điều không hiện hữu như là hiện hữu (La. 4:17). Mục đích của sự sáng tạo là sinh ra một bình chứa để tiếp nhận Đức Chúa Trời làm sự sống. Anh em hãy xem xét những yếu tố trong sự sáng tạo: các từng trời, trái đất, hàng tỉ những điều vật chất, và con người. Điều gì là yếu tố quan trọng nhất trong sự sáng tạo? Không có điều gì quan trọng hơn con người. Con người là nhân vật rất quan trọng. Theo Kinh Thánh, các từng trời là vì trái đất, trái đất là vì con người (Xa. 12:1). Mọi sự đều vì con người. Khoáng sản, sự sống thực vật, sự sống động vật đều dành cho con người. Không khí, mưa nắng cung ứng cho sự sống thực vật; sự sống thực vật là vì sự sống động vật, và cả sự sống thực vật lẫn sự sống động vật đều dành cho con người. Mọi loài sống động trên đất đều vì con người. Con người, mà mọi sự đều vì họ, thì [sống] vì Đức Chúa Trời, tiếp nhận Đức Chúa Trời và hoàn thành mục đích của Ngài. Có một linh trong con người, đó chính là cơ quan tiếp nhận Đức Chúa Trời. Bởi sự sáng tạo của Ngài, Đức Chúa Trời tạo ra các từng trời cho trái đất, trái đất cho con người, và con người có một linh làm cơ quan tiếp nhận để tiếp nhận Đức Chúa Trời làm sự sống mình.

Con người là trung tâm của vũ trụ. Con người, trung tâm của vũ trụ, có miệng để ăn và để kêu cầu. Ăn là sinh hoạt hằng ngày quan trọng nhất của chúng ta. Cho dầu bận rộn đến đâu, hằng ngày người ta vẫn dành thì giờ để ăn. Hầu hết người nào cũng ăn mỗi ngày vài lần. Đừng cảm thấy xấu hổ khi nói rằng hằng ngày sinh hoạt quan trọng nhất của anh em là ăn. Tôi là một người ăn khỏe. Tôi ăn thức ăn vật chất lẫn thức ăn thuộc linh, tức là Đấng Christ. Tôi ăn Chúa bằng cách kêu cầu: “Ô, Chúa Jesus”. Ăn Chúa là việc quan trọng. Mọi Cơ Đốc nhân im lặng đều đang chết đói. Tôi đã là một Cơ Đốc nhân câm nín, im lặng như vậy nhiều năm, và tôi suýt chết. Nhưng hôm nay tôi là một Cơ Đốc nhân đang ăn. Tôi ăn bằng cách kêu cầu danh Chúa. Đức Chúa Trời tạo dựng chúng ta có một linh và một miệng để chúng ta có thể nhận Ngài làm sự sống của mình.

Anh em có bao giờ cảm tạ Đức Chúa Trời về sự sáng tạo của Ngài không? Anh em nên nói: “Ô Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa của con. Con cảm ơn Ngài đã tạo dựng các từng trời, trái đất và mọi sự trong đó. Con cảm ơn Ngài vì đã tạo dựng con. Chúa ơi, con cảm ơn Ngài vì đã tạo nên con có linh và có miệng”. Nhiều Cơ Đốc nhân chưa bao giờ cảm tạ Chúa vì đã tạo dựng họ có linh và có miệng.

La Mã 8:16 cho thấy tầm quan trọng của linh chúng ta, và La Mã 10:9-10 cho thấy tầm quan trọng của miệng chúng ta. Sự xưng công chính liên quan đến tấm lòng chúng ta, và sự cứu rỗi liên quan đến miệng chúng ta. Dầu nhiều Cơ Đốc nhân nói rằng có lòng tin là đủ rồi, La Mã chương 10 làm sáng tỏ rằng chúng ta cũng cần có miệng nữa. Chúng ta cần tin bằng tấm lòng và kêu cầu Chúa bằng miệng mình. Càng nói: “Ô Chúa Jesus”, anh em càng được cứu rỗi. Vì sao anh em yếu đuối như vậy? Vì anh em không kêu cầu danh Chúa Jesus. Nếu kêu cầu Ngài, anh em sẽ được ban năng lực. Nhiều Cơ Đốc nhân chỉ biết nói về sự yếu đuối của mình như thế nào. Họ không nhận thức rằng lý do mình yếu đuối như vậy là vì họ không dùng môi và lưỡi để xưng nhận danh Chúa. “Mọi lưỡi sẽ xưng nhận Jesus Christ là Chúa” (Phil. 2:11). Nếu mọi Cơ Đốc nhân đều kêu cầu: “Chúa Jesus” liên tục, Sa-tan sẽ lập tức bị ném vào hồ lửa. Ha-lê-lu-gia về linh và miệng chúng ta! Chúng ta có linh bên trong và miệng bên ngoài. Linh chúng ta, miệng chúng ta và toàn bản thể chúng ta ra từ sự sáng tạo của Đức Chúa Trời. Ô, chúng ta cần thờ phượng Đức Chúa Trời về sự sáng tạo của Ngài. Chúng ta nợ Ngài món nợ cảm tạ vì đã tạo dựng chúng ta. Thậm chí tại bàn Chúa, chúng ta cần cảm tạ Chúa về sự sáng tạo của Ngài. Sự sáng tạo là điều đầu tiên trên chiếc cầu thời gian.

2. Sự Nhục hóa
a. Để Đem Đức Chúa Trời Vào Trong Cõi Sáng Tạo Của Ngài – Con Người

Yếu tố thứ hai là sự nhục hóa. Nếu không có sự sáng tạo, Đức Chúa Trời không cách nào nhục hóa. Sự sáng tạo chuẩn bị con đường và cho Ngài có phương tiện để nhục hóa. Sự sáng tạo làm cho mọi sự hiện hữu, và sự nhục hóa đem Đức Chúa Trời vào cõi sáng tạo của Ngài. Sau khi tạo nên A-đam, Đức Chúa Trời chờ đợi gần bốn ngàn năm rồi Ngài mới nhục hóa. Một ngày kia, Ngài nhục hóa và trên đất có con người nhỏ bé Jesus với Đức Chúa Trời bên trong Ngài. Đức Chúa Trời được đưa vào trong con người ấy. Đó là phép lạ vĩ đại hơn hết. Bởi sự nhục hóa, Đức Chúa Trời được đưa vào trong nhân loại và trở nên một với con người. Thần tính và nhân tính trở nên một đơn vị.

Giữa cõi đời đời quá khứ và cõi đời đời tương lai là một khoảng trống, với thời gian là chiếc cầu bắc ngang qua đó. Trên chiếc cầu gọi là thời gian này, Đấng Christ là Lời của Đức Chúa Trời, là Đấng mà mọi sự nhờ Ngài được tạo dựng nên, đã nhục hóa làm người. Sự sáng tạo là biến cố đầu tiên trên chiếc cầu thời gian, và sự nhục hóa là biến cố thứ hai. Sự sáng tạo có nghĩa là những gì không hiện hữu đã được làm cho hiện hữu nhờ Lời. Trước sự sáng tạo, không có gì hiện hữu cả, nhưng bởi sự sáng tạo của Đấng Christ, mọi sự trở nên hiện hữu. Sự nhục hóa là Đức Chúa Trời đến trong cõi sáng tạo của Ngài. Dầu mọi sự được Đức Chúa Trời tạo dựng đều hoàn hảo và tốt lành, nhưng không có gì trong cõi sáng tạo liên kết với Đức Chúa Trời. Sự sáng tạo chỉ là bước chuẩn bị cho sự nhục hóa. Trước hết Đức Chúa Trời đem mọi vật thọ tạo đến chỗ hiện hữu để về sau Ngài có thể trở nên một với cõi thọ tạo của Ngài. Đó là lý do vì sao Đức Chúa Trời tạo nên các từng trời, trái đất và con người là trung tâm của vũ trụ. Kế hoạch của Đức Chúa Trời là chuẩn bị cõi sáng tạo để Ngài có thể liên kết chính mình với cõi ấy. “Lời đã trở nên xác thịt” nghĩa là Đức Chúa Trời liên kết chính mình với cõi sáng tạo của Ngài bằng sự nhục hóa của Ngài. Trong sự nhục hóa, xác thịt mà Đức Chúa Trời mặc lấy đã trở nên đền tạm của Ngài (1:14). Đền tạm này là sự xây dựng của Đức Chúa Trời trên một qui mô nhỏ; đó là tiểu mô hình của Giê-ru-sa-lem Mới, là đền tạm của Đức Chúa Trời trong cõi đời đời (Khải. 21:2-3). Bởi sự sáng tạo, Đức Chúa Trời đã làm cho mọi sự trong vũ trụ được hiện hữu; bởi sự nhục hóa, Ngài hòa lẫn chính Ngài với con người, là trung tâm sự sáng tạo của Ngài. Mục đích của Đức Chúa Trời trong sự sáng tạo và nhục hóa là thực hiện ước muốn của Ngài về việc hòa lẫn chính Ngài với nhân tính, và làm cho nhân tính thành chỗ ở sống động cho Ngài. Ngài không thỏa mãn với trời làm nơi ở của Ngài. Ngài ao ước xây một nơi ở sống động trên đất với những con dân sống động. Do đó, Ngài đã tạo nên con người là trung tâm sự sáng tạo của Ngài và hòa lẫn chính Ngài với con người bởi sự nhục hóa để Ngài có thể làm cho con người thành nơi ở sống động của Ngài trong vũ trụ.

b. Để Giải Bày Đức Chúa Trời

Sự nhục hóa không những đem Đức Chúa Trời vào trong cõi thọ tạo của Ngài, mà còn giải bày Đức Chúa Trời cho con người trong Lời, trong sự sống, trong ánh sáng, trong ân điển, và trong lẽ thật. Trong sự nhục hóa, Lời, tức Đấng Christ là Đức Chúa Trời, đã trở nên xác thịt. Lời là Đức Chúa Trời được bày tỏ, giải thích và định nghĩa để con người có thể hiểu Đức Chúa Trời. Sự sống là Đức Chúa Trời được truyền dẫn để con người có thể tiếp nhận Ngài. Ánh sáng là Đức Chúa Trời chiếu soi để con người được soi sáng hầu hiểu được Ngài. Ân điển là Đức Chúa Trời được vui hưởng bởi con người để con người có thể dự phần sự phong phú của Ngài. Lẽ thật là Đức Chúa Trời được con người nhận thức để con người có thể sở hữu Ngài làm thực tại. Nói cách tổng quát, qua năm điều này Đức Chúa Trời được giải bày cách đầy trọn cho con người để con người có thể nhận lấy Ngài và vui hưởng Ngài là mọi sự.

3. Sự Cứu Chuộc
Yếu tố thứ ba trên chiếc cầu thời gian là sự cứu chuộc. Sau khi sống trên đất ba mươi ba năm rưỡi, Chúa lên thập tự giá như Chiên Con của Đức Chúa Trời. Chiên Con của Đức Chúa Trời là vì sự cứu chuộc. Qua sự cứu chuộc, Chúa phục hồi loài người sa ngã và phân rẽ họ khỏi tội. Nhờ phương tiện là sự cứu chuộc, Đức Chúa Trời không những cất bỏ tội, mà còn kết liễu toàn bộ cõi thọ tạo cũ. Chính Jesus là Đấng bị đóng đinh trên thập tự giá đã đem cõi sáng tạo cũ theo Ngài vào mồ mả. Khi Ngài được làm cho sống lại từ cõi chết, Ngài bỏ cõi sáng tạo cũ trong mồ mả và ra khỏi đó trong sự phục sinh mà làm đầu của cõi sáng tạo mới.

4. Sự Xức Dầu
Sự xức dầu theo sau sự cứu chuộc. Sự xức dầu đến bởi chim bồ câu, là Linh, tức là sự tiếp tục của Chiên Con. Chiên Con đã cất tội đi và kết thúc cõi sáng tạo cũ, còn chim bồ câu, là Linh, đã đến để tái sinh, truyền sự sống, biến đổi, liên kết và xây dựng. Chim bồ câu, là Linh, tái sinh con người thọ tạo, biến đổi con người thiên nhiên, và liên kết con người đã biến đổi. Chúng ta có thể thuộc một trong ba tình trạng này. Chúng ta có thể là con người thọ tạo cần được tái sinh.

Chúng ta có thể là con người được tái sinh vẫn còn khá thiên nhiên và cần được biến đổi. Chúng ta có thể là người đã được biến đổi nhưng còn cách biệt và sống cá nhân, cần được liên kết với người khác. Nếu đã được biến đổi cách đúng đắn, chúng ta sẽ muốn được liên kết với những người khác. Cho nên trước hết, chúng ta cần được tái sinh; thứ hai, chúng ta cần được biến đổi; và thứ ba, chúng ta cần được liên kết để xây dựng. Chim bồ câu, tức Linh, tái sinh, biến đổi và liên kết chúng ta. Chúng ta đều ở dưới sự xức dầu của bồ câu, là Linh. Dầu có thể chúng ta không nhận thức hay không hiểu biết điều đó, Chúa vẫn đang hành động để biến đổi chúng ta.

Tôi hoàn toàn tin chắc rằng tất cả dân của Chúa cuối cùng đều sẽ được biến đổi. Không sớm thì muộn, tất cả chúng ta đều sẽ được biến đổi. Sự biến đổi không tùy thuộc nơi chúng ta; mà tùy thuộc nơi Ngài. Ngài đã lựa chọn chúng ta và định trước cho chúng ta, chúng ta không thể thoát khỏi tay Ngài. Nếu cố gắng trốn thoát, chúng ta chỉ phí phạm thì giờ của mình và gây rắc rối cho Ngài chút ít. Thậm chí đừng nói rằng mình làm cho Ngài bị chậm trễ, vì đối với Ngài một ngàn năm như một ngày. Kiên nhẫn với anh em là việc dễ dàng đối với Ngài. Cuối cùng, mỗi một anh chị em đều sẽ được biến đổi. Khi vào Giê-ru-sa-lem Mới, chúng ta sẽ thấy mọi người đều là bích ngọc, là đá quí (Khải. 21:11).

Chúa đang thật sự làm công tác biến đổi trong chúng ta. Ngài không phải là một con chim ưng to lớn, nhưng là bồ câu nhỏ bé – là Linh ban sự sống (1 Cô. 15:45). Chim bồ câu này là sự nối tiếp của Chiên Con nhỏ bé. Vì Chiên Con đã chết trên thập tự giá, bây giờ đến phiên chim bồ câu công tác trong sự phục sinh. Hằng ngày, bồ câu nhỏ bé là Linh ban sự sống phán bên trong anh em, khiển trách anh em và chạm đến lòng hay lương tâm anh em. Thường thì khi anh em đang ở trong một cửa hàng bách hóa, chim bồ câu quấy rối bên trong anh em. Đừng mong đợi một kinh nghiệm lớn lao hay một sự thay đổi đột ngột. Hãy mong đợi chim bồ câu nhỏ bé chuyển động và hành động trong anh em luôn luôn. Chúng ta đã vướng vào một tiến trình mà không cách nào thoát ra được. Đó là một sự vướng mắc liên tục và vĩnh viễn. Theo một ý nghĩa nào đó, chúng ta có sự an nghỉ bên trong; theo một ý nghĩa khác, chim bồ câu nhỏ bé quấy rối chúng ta thường xuyên. Sự hành động bên trong của chim bồ câu nhỏ bé này là sự xức dầu.

Tất cả chúng ta đều đang ở trong tiến trình biến đổi. Tôi đã quan sát thấy một số anh chị em từng kinh nghiệm một sự thay đổi đáng kể do công tác biến đổi của chim bồ câu. Nếu anh em nói mình không thích nếp sống Hội thánh và quyết định lìa bỏ nếp sống ấy, anh em sẽ thấy mình không thể trốn thoát công tác biến đổi của chim bồ câu ngự bên trong. Nếu muốn thật sự được an nghỉ, anh em nên cư xử đàng hoàng như một “cậu bé ngoan ngoãn” trong nếp sống Hội thánh. Nếu không đàng hoàng, mà lại là một “cậu bé hư hỏng”, anh em sẽ phải chịu khổ. Nhưng sự chịu khổ ấy sẽ giúp anh em được biến đổi. Ai có thể thoát khỏi con đường của Chúa? Một khi đã được bắt lấy, chúng ta không thể trốn thoát. Có lẽ chúng ta nói “Tôi không thích”, nhưng Ngài nói: “Ta rất ưa thích con. Con không thích Ta, nhưng Ta ưa thích con. Con càng không thích Ta, Ta càng ưa thích con”. Chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta sẽ nói gì? Chúng ta không nên làm gì cả mà chỉ nên nói: “Ô Chúa Jesus”. Một khi đã được Chúa bắt lấy cho nếp sống Hội thánh, anh em đã “mắc câu” để được biến đổi, và anh em không cách nào trốn thoát. Có lẽ anh em không thích, nhưng anh em làm gì được? Anh em sẽ đi đâu? Không có chỗ nào để mà đi. Đó là phần đã định cho anh em. Đức Chúa Trời đã định sẵn cho chúng ta được biến đổi vì sự xây dựng của Ngài.

5. Sự Xây Dựng
Sau sự sáng tạo, sự nhục hóa, sự cứu chuộc, và sự xức dầu, chúng ta có sự xây dựng. Sự xây dựng này là vì nhà của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đang xây nơi ở cho chính Ngài, và Ngài đang dùng những người được biến đổi làm những viên đá (1:42). Ngợi khen Chúa vì chúng ta không những đang trải qua công tác biến đổi, mà còn đang ở trong tiến trình xây dựng. Điều Đức Chúa Trời cần không phải là thật nhiều đá, mà là một ngôi nhà. Cho đến đời đời, Đức Chúa Trời cần một ngôi nhà được xây dựng, một Bê-tên, làm nơi ở cho Ngài. Để Chúa có thể trở lại, Ngài cần dân Israel được chuẩn bị và Hội thánh được xây dựng. Hãy nhìn dân Israel: họ hầu như đã sẵn sàng. Nhưng Israel cần Hội thánh tương xứng với họ. Dầu Israel hầu như đã sẵn sàng, Hội thánh chưa chuẩn bị xong. Chúa không quan tâm đến số đông. Thậm chí nếu chỉ có một số ít đã hoàn toàn trải qua một tiến trình, được dầm thấm, được biến đổi, và được xây dựng bởi Ngài và bằng chính Ngài, thì đủ rồi. Tôi không nói điều này cách khinh suất đâu. Chúa sẽ không đến theo quan niệm thiên nhiên của chúng ta. Những người tôn giáo không hiểu sự đến lần đầu của Ngài và họ cũng sẽ không hiểu sự đến lần thứ hai của Ngài. Đừng theo cách hiểu biết của tôn giáo về sự tái lâm của Chúa. Anh em phải đi con đường sự sống. Nếu anh em ở trên con đường sự sống, thì sẽ biết cách Ngài đến. Đó sẽ là cách “lén lút”. Kinh Thánh cho biết Chúa sẽ đến như một tên trộm (Khải. 3:3; 16:15). Ngài sẽ không đến như một người khách gõ cửa nhà anh em đâu. Ngài sẽ đến theo cách lén lút của một tên trộm. Anh em có thể hụt mất Ngài. Nếu tự giữ mình trong con đường sự sống, anh em sẽ thấy Chúa đến cách ẩn giấu. Ngài sẽ đến cách huyền nhiệm, cách của sự sống. Ngợi khen Ngài vì chúng ta đang ở trên con đường kín giấu của sự sống.

Sự tái lâm của Chúa cần một công trình xây dựng vững chắc của những người tìm kiếm Ngài. Sự xây dựng này sẽ là một bàn đạp, một vị trí đầu cầu, để Ngài chiếm trái đất, và sẽ là nơi ở chung cho cả Đức Chúa Trời lẫn loài người. Đó sẽ là sự hòa lẫn mãi mãi của thần tính với nhân tính, và của nhân tính với thần tính. Đấng Christ từng chỉ là thần thượng. Để làm Con Loài Người, Ngài phải có sự sống loài người và bản chất loài người. Chúng ta là loài người, nhưng chúng ta được sinh bởi Đức Chúa Trời để trở nên con cái Đức Chúa Trời (1:12-13). Để được làm con cái Đức Chúa Trời, chúng ta phải có sự sống thần thượng và bản chất thần thượng. Cuối cùng Ngài là Đấng thần thượng, có sự sống loài người và bản chất loài người, còn chúng ta là những con người, có sự sống thần thượng và bản chất thần thượng. Như vậy, Ngài và chúng ta, chúng ta và Ngài, sẽ giống y như nhau. Đó là sự hòa lẫn của thần tính với nhân tính, và đó là nơi ở chung của kiến ốc Đức Chúa Trời. Kiến ốc này sẽ là sự hoàn thành sau cùng không những của giấc mơ Gia-cốp, mà còn của kế hoạch đời đời của Đức Chúa Trời. Điều đó sẽ chấm dứt chiếc cầu thời gian và đưa cõi đời đời tương lai phước hạnh đến. Chúng ta phải vì kiến ốc ấy và phải là kiến ốc ấy!

Sau khi cả năm điều này đã xảy ra, chúng ta sẽ bước vào cõi đời đời tương lai với Chúa. Khi ấy, Ngài sẽ vừa là Con Đức Chúa Trời vừa là Con Loài Người. Là Con Đức Chúa Trời, Ngài sẽ là sự sống cho chúng ta, và là Con Loài Người, Ngài sẽ là nơi ở cho Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ liên kết và hòa lẫn với Ngài, và chúng ta sẽ vui hưởng cõi đời đời với Ngài mãi mãi. Na-tha-na-ên và tất cả chúng ta cùng với Ngài, sẽ thấy trời mở ra và các thiên sứ của Đức Chúa Trời lên xuống trên Con Loài Người. Đó là khải thị được tìm thấy trong Giăng chương 1.