Thứ Tư, 20 tháng 1, 2021

CẦU NGUYỆN NHẮC NHỞ CHÚA-


 Một người bạn viết cho tôi về sự cầu nguyện: “Thật ra tôi rất kính sợ Chúa mà nghĩ rằng không dám làm phiền Chúa khi không có chuyện gì to tát đến phải gõ cửa, tìm xin nầy nọ, vì nghĩ trên thế giới nầy Chúa bận rộn nhiều lắm rồi, việc mình có đáng gì đâu mà phải làm rộn tới Chúa, nên không dám xin điều gì hết đó bạn”.

Lời trên đây của bạn tôi phản ánh tâm trạng dân Chúa hôm nay. Dân Chúa hiểu lầm về Chúa rất nhiều như sau:
1/. Không dám làm phiền Chúa-
Vua Sa-lô-môn, một tâm lí gia khuyên, “Chân con chớ thường xuyên đến nhà người láng giềng E rằng người sẽ chán và ghét con” (Châm ngôn 25:17). Điều nầy rất đúng với tình người xác phàm và khả năng hữu hạn của chúng ta. Chúng ta không thể đến với người láng giềng trong giờ anh ta nghỉ ngơi, hoặc lui tới quá thường xuyên tiếp cận người.
Nhưng với Chúa thì khác hẳn. Ngài không phiền khi chúng ta thường xuyên đến với Ngài. Từ trong kinh Cựu ước đến Tân ước, lúc nào Chúa cũng kêu gọi chúng ta: “Hãy đến cùng Ta”. Chẳng những đến gần bên Ngài, quỳ gối trước mặt Ngài, dựa vào ngực Ngài, núp dưới bóng cánh Ngài mà chúng ta còn có thể cư ngụ mãi trong lòng Ngài đến đời đời.
--Hãy nhắc cho Ta nhớ:
Khi bạn hứa gì với bạn bè mình, nếu sau đó, bạn cố ý quên, hoặc vô tình quên lời mình hứa, và bạn mình nhắc lại, chúng ta sẽ hổ thẹn và phải thực hiện lời hứa ngay.
Chúa không phải là người có xác phàm, hay có tánh ưa quên, ưa thất hứa, nhưng Ngài vui thích chúng ta nhắc Ngài nhớ những gì Ngài đã hứa với chúng ta. Vì khi chúng ta có niềm tin mới nhớ, mới tin những lời hứa của Chúa đã tuyên hứa với chúng ta trong Kinh thánh. Chúa phán, “Hãy nhắc cho Ta nhớ, Hãy cùng nhau tranh luận. Hãy trình bày lý lẽ của ngươi để chứng tỏ rằng ngươi đúng” (Ê-sai 43:26).
Vì biết Chúa không muốn mình bị “bẽ mặt” nên Môi se nhắc nhở Chúa để lấy lời hứa đó tranh luận với Chúa khi cầu thay cho trọng tội của Israel thờ bê vàng tại núi Si nai, “Xin Chúa nhớ lại các tôi tớ của Chúa là Áp-ra-ham, Y-sác và Y-sơ-ra-ên, là những người được Chúa chỉ chính mình Chúa mà thề rằng: ‘Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông như sao rên trời, Ta sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả đất đai Ta đã hứa với họ, và đất đó sẽ là cơ nghiệp vĩnh viễn của họ.’” Đức Jehovah đổi ý không giáng tai hoạ trên dân của Ngài như Ngài đã đe dọa” (Xuất hành 32: 13-14).
Bạn ơi, hãy tìm những lời hứa của Chúa đã hứa trong Kinh thánh, rồi dùng những hứa ngôn ấy làm nền tảng để thưa chuyện với Chúa, nhắc nhở Ngài. Đức Chúa Trời thành tín sẽ thực hiện nhiều việc lớn và khó cho bạn theo hứa ngôn ấy chẳng sai.
2/. Chúa bận rộn nhiều lắm rồi—
Augustine, giáo phụ của các hội thánh ở Tunisia, Bắc Phi, và thế kỉ thứ tư sau công nguyên, kể lại một giai thoại lí thú như sau. Ngày kia ông đi dạo trên bờ biển Tunisia. Ông gặp một cậu bé đang dùng cát bờ biển đắp một cái hố rồi cậu dùng mảnh gáo dừa múc nước biển đổ vào hố. Giáo phụ hỏi: “cậu làm gì thế?”. “Dạ, cháu đang múc đại dương đổ vào hố”.
Câu nói đó đem lại một ấn tượng sâu xa trong lòng vị cha già nầy. Ông viết, “tấm lòng nhỏ hẹp của chúng ta không thể nào chứa nỗi bản thể bao la của Chúa. Dù có đến hàng ngàn, hàng vạn chiếc hố cát như vậy cũng không làm vơi cạn, hay gây ảnh hưởng chút xíu nào đối với bản thể vô lượng như đại dương bao la của Chúa, khi chúng ta múc lấy Ngài đổ vào chính bản thể mình. Chúa quá bao la, vô hạn trước nhu cầu của cả nhân loại”.
-- Chúa có đủ thời gian-
Loài người chúng ta thường từ chối tiếp khách và xin lỗi: “tôi không có thời gian”. Nhưng thời gian của Chúa là thì hiện tại hằng hữu vô lượng cách đồng thời. Từ cõi đời đời quá khứ đến cõi đời đời tương lai, thì mọi sự đều đang xảy ra một lượt trước mắt Ngài. Ngài có đủ thời gian dành tiếp xúc cách đầy đủ với mỗi một người trong cả nhân loại trong mỗi một thời đại. Kinh thánh chép đôi khi Chúa chỉ tạm giận một phần con cái Ngài, ẩn mặt với họ, không tiếp họ, nhưng tôi chưa thấy kinh thánh chép Chúa từ chối tiếp nhận những ai, khi người đó có nhu cầu đến với Ngài. “Phàm những kẻ Cha cho ta sẽ đến cùng ta, kẻ đến cùng ta thì ta không bỏ ra ngoài đâu” (Giăng 6:37).
Giô suê 1:5 chép lời Chúa phán với Giô suê, “Như Ta đã ở cùng Môi-se, Ta sẽ ở cùng con, Ta sẽ không bao giờ lìa con hay bỏ con đâu”. Đối với Chúa cái “Ta đã” và cái “Ta sẽ” đang xảy ra một lượt. Với chúng ta thì khác hẳn. Thí dụ năm 1980 bạn nhập ngũ vào quân đội, năm 2022 sẽ nhập cư vào Canada. Khoảng thời gian 42 năm giữa cái “tôi đã” và cái “tôi sẽ” của bạn xảy ra trước sau rõ ràng, vì chúng ta lệ thuộc quá nhiều vào cõi thời gian của loài người. Nhưng Chúa là Đấng Ta Là (hằng hữu), Ngài có dủ thời gian dành cho mọi người chúng ta từ A đam đến những người hầu việc Ngài trong cõi đời đời tương lai một lượt, và có đủ thời gian dành cho từng cá nhân họ y như nhau. Chúa không bận rộn gì cả.
--Nhiều người nói chuyện một lúc-
Khi một người nói chuyện với chúng ta, ta nghe rõ, nhưng hai hay ba người cùng nói một lượt, chúng ta không nghe kịp. Thế nhưng trong bất cứ thời điểm nào, cũng có khoảng một tỉ Cơ Đốc nhân trên địa cầu ngày đêm cầu nguyện, kêu van với Chúa, Ngài có khả năng nghe kịp, và nghe tinh tường chăng?
Ngày nay con người hữu hạn còn có thể chế tạo những loại máy vi tính có khả năng nhận diện hàng vạn người đứng trước màn hình của nó. Có những loại máy vi tính có thể giải đáp hàng ngàn bài toán trong một giây. Thế thì Đấng Tạo Hóa mà đã sáng tạo ra những bộ óc khôn ngoan như vậy để chế tạo máy vi tính há lại không thể nhớ, không thể nhận diện bạn, tiếp nhận bạn, xử sự với mỗi người của bạn cách chính xác, và đầy đủ hay sao?
-- Chúa tiếp xúc mỗi người cách riêng thân thiết-
Đọc bốn phúc âm, bạn sẽ thấy Chúa có những cuộc tiếp xúc nhiều cá nhân theo nhu cầu riêng của mỗi người. Ngài có thì giờ nhàn rỗi, có lời chính xác, có sự thân thiết đúng mức, không thiên vị, nhưng công bằng đồng đều với mọi người tìm đến Ngài. Cho nên Chúa vẫn đang tiếp nhận và giải quyết nhu cầu riêng của cả tỉ Cơ Đốc nhân tiếp cận Ngài mỗi giờ cách hoàn hảo lạ lùng. Bạn tin như vậy chăng?
--- Ghi tên ta trên vai, ngưc và bàn tay Ngài –
Chúa không làm việc với chúng ta như cách làm việc của máy vi tính vô hồn góp nhặt và xử lí văn kiện về các cá nhân chúng ta. Ngài là Đấng hằng sống vạn năng.
Trong Xuất hành 28 bày tỏ rằng trên hai đai vai, và ngực của thầy tế lễ thượng phẩm có hai viên ngọc bích và bảng đeo ngực có 12 viên ngọc khác nữa. Ba chỗ đó ghi mẫu tự tên tuổi các chi phái Israel--- tượng trưng tên họ toàn bộ con dân của Chúa từ các thời đại.
Ê-sai 49: 15-16, “Một người đàn bà có thể quên con mình đang bú Hay không thương xót con trai một mình sao? Dù những người này có thể quên, Nhưng chính Ta sẽ không quên ngươi. Nầy,Ta đã khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta”.
Khi có việc ghi chép cấp bách mà không có giấy, chúng ta thường ghi tắt điều đó vào lòng bàn tay mình, phải không? Nói theo cách của loài người, Chúa ghi khắc tên tuổi ta vào lòng bàn tay Ngài, để Ngài dễ nhớ đến mỗi chúng ta cách chi tiết. Ngợi khen Chúa.
-- Kết luận--
Tóm lại một lời, Chúa là Đấng vô hạn. Bạn đừng ngây thơ suy nghĩ cách kỉnh kiền rằng mình sẽ làm phiền Ngài khi liên tục gõ cửa của Chúa, hay ngày đêm tiếp cận Ngài. Đừng bao giờ nghĩ lầm Chúa như loài người hữu hạn, Ngài quá bận rộn, và Ngài không có khả năng và thời gian tiếp nhận mỗi chúng ta khi ta đến với Ngài để tìm ân điển và sự thương xót. Tác giả thơ Hê-bơ-rơ khuyên, “Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngai ân sủng, để được thương xót và tìm được ân sủng khả dĩ giúp đỡ chúng ta kịp thời” (4:16 BDM).
Thiên Trình-20-1-2021.