Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

KẾT CẤU CỦA PHÚC ÂM GIĂNG


     Trên thập tự giá, Chúa Jesus đã gởi gắm bà Mari, mẹ Ngài cho sứ đồ Giăng trông nom tuổi già của bà, vì Giăng là cháu ruột của Mari, kêu bà bằng dì. Giăng được bà kể lại những gì mà bà ghi nhớ vào lòng về sự sinh ra và thuở thiếu thời của Chúa Jesus. Nhờ sự trường thọ, nhờ được cấu tạo kinh thánh Cựu ước, sau mấy mươi năm suy gẫm cho đến khi cụ Giăng gần 100 tuổi, cụ được Đức Linh cảm thúc viết một phúc âm sự sống, miêu tả Chúa Jesus Cứu chúa vốn là Đức Chúa Trời. Trong 4 gương mặt của cherubim, phúc âm Giăng biểu hiện mặt chim ưng huyền bí. Tên “Giăng” là thể rút ngắn của danh “Giê-hô-nan” trong Cựu ước, có nghĩa “Đức Jehovah là nhân từ”.


    Hôm nay chúng tôi muốn khai thác vàng trong sách phúc âm thứ tư nầy:

I.Chủ Đề: phúc âm của sự sống—minh chứng rằng Jesus Christ là Cứu Chúa—Đức Chúa Trời đến như sự sống để truyền bá chính Ngài.

II. Bố Cục:
   Sách chia làm hai phần chính yếu:
  1. Ngôi Lời đời đời nhục hóa đem Đức Chúa Trời vào con người: 1:1—13:38
  2. Jesus đã bị đóng đinh và Christ đã phục sinh, đi sắm sẵn con đường đem con người vào trong Đức Chúa Trời, và như Đức Linh, đến để cư trú và sống trong các tín đồ để xây dựng chỗ cư trú của Đức Chúa Trời: 14: 1—21:25.

III. Cái Nhân Của Phúc Âm Giăng:
    Cái nhân của phúc âm Giăng nầy có ba phần, và đó là 3 giai đoạn của Đấng Christ:
1.      Ngài là Ngôi Lời đời đời trong cõi đời đời quá khứ =1:1
2.      Ngài trở nên xác thịt suốt 33 năm rưỡi= 1:14.
Ngài chỉ có hình dạng xác thịt  như con người, nhưng Ngài không có xác thịt hư hoại như loài người sa ngã.
3.      Ngài trở nên Hơi Thở (Linh), 20:22 suốt cõi đời đời tương lai.
Sau khi sống lại, Ngài phán với các môn đồ, “hãy nhận lãnh Thánh Linh”. Theo tiếng Hi lạp” Linh”  (Pneuma) cũng được dịch là gió, là hơi thở.

IV. Tư Tưởng Trung Tâm Của Phúc Âm Giăng:
   Phúc âm nầy chứng tỏ Chúa Jesus là:
  1. Đức Chúa Trời: 1:1-2; 5:17-18; 10:30-33; 14:9-11; 20:28.
  2. Sự Sống:  1:4; 10:10; 11:25; 14:6.
  3. Sự phục sinh: 11:25.

# Chương 1:-17: - Ngài là Đức Chúa Trời ở giữa loài người. Con người tương phản với Ngài, -Ngài là Đức Chúa Trời.
# Chương 18:--19:  -Ngài là sự sống trong khung cảnh sự chết. Loài người tương phản với Ngài,- Ngài là sự sống.
#  Chương 20:--21: - Ngài là sự phục sinh ở giữa sáng tạo cũ, giữa sự sống thiên nhiên. Loài người tương phản Ngài,- Ngài là sự phục sinh.

V. Khung Cảnh Xảy Ra Câu Chuyện Phúc Âm:
   Câu chuyện phúc âm Giăng chủ yếu xảy ra ở Jerusalem và xứ Giu đê, là khung cảnh Do thái giáo chết chóc. Chúa Jesus là chứng cớ của sự sống thần thượng giữa môi trường tôn giáo chết.
   Trong sách Khải thị, Giăng mô tả các biến cố của thế giới, của vũ trụ, xảy ra xung quanh thành thánh Jerusalem mới. Trong phúc âm Giăng, vị sứ đồ miêu tả các sự việc xảy ra xung quanh cổ thành Jerusalem.

VI. Hậu Cảnh Phúc Âm Giăng Là Lịch sử Dân Israel:
   Sứ đồ Giăng phác họa mấy nét chấm phá về lịch sử Israel, khi ẩn khi hiện phía sau câu chuyện phúc âm của mình. Ông nhắc đến đền tạm (1:14), chiên con (1:29), con rắn đồng (3:14), thời gian 38 năm dânlưu lạc lâu dài (5:5-6), lễ Phu rim ( 5:24), cây nho (15:1; Exech.15)...
   Giăng ngụ ý, dù là thời nào thì dân Chúa nói chung cũng đang lưu lạc, cũng thất bại y như dân Israel hồi xưa vậy.

VII. Thì Hiện Tại Hằng Hữu Của Chúa Jesus Trong Phúc Âm Giăng:
3:13, “chẳng từng có ai lên trời, trừ ra Đấng từ trời xuống, tức là Con Loài Người vẫn ở trên trời”.
8:59 “trước khi chưa có Áp-ra-ham, Ta vẫn hằng hữu”. Bản Hiệu Đính sửa lại, “trước khi Áp-ra-ham hiện hữu, Ta hằng hữu”.

Quá khứ, tương lai của chúng ta đều được bao gồm trong thì hiện tại hằng hữu của Ngài.

VIII. Chín Loại Người Tiêu Biểu Trong Phúc Âm Giăng:

1.Người luân lí: Ni-cô-đem ,2;23-3:36
2.Người vô luân: phụ nữ Samari: 4:1-42.
3.Người hấp hối: Con ông đại thần Hê-rốt, 4:43-54.
4. Người bại liệt ở Jerusalem. 5:1-47.
5. Người đói: 6:1-47.
6. Người khát: 7:1-52.
7. Người nô lệ tội lỗi, 7:53-8:59.
8. Người mù từ thuở sinh ra, 9:1-10:42.
9. Người chết sống lại, 11:1-59.
Chúa Jesus là cây sự sống làm thoả mãn nhu cầu riêng tư của từng 9 loại người tiêu biểu nầy. Họ là thành phần xây dựng nhà Chúa cách tiêu biểu ở 12:, là gia đình La xa rơ tại Bê-tha-ni làm tượng trưng.

IX. Các Dấu Hiệu:
--2:11, “ấy là tại Ca-na thuộc Ga-li-lê mà Jesus bắt đầu làm những dấu lạ (phép lạ) của Ngài, tỏ ra vinh quang của Ngài”
--4:53, “ấy là dấu lạ thứ hai mà Jesus đã làm....”
- 20:30, “có nhiều dấu lạ khác Jesus đã làm trước mặt các môn đồ, mà không có chép trong sách nầy...”.

  Chúa Jesus làm “các phép lạ” thì Mathio gọi là các “việc quyền năng”(dunamis), còn sứ đồ Giăng gọi phép lạ là “semeion”. Semeion dịch sát nghĩa là “dấu hiệu” (sign). Đây là chữ đặc biệt mà Giăng đã dùng trong phúc âm của mình. Không nên dịch semeion là “dấu lạ”, phải dịch là “dấu hiệu”.

  Trước khi Chúa giảng lời Đức Chúa Trời, Ngài làm dấu hiệu trước.Thí dụ Ngài hóa bánh ra nhiều nuôi quần chúng xong, Ngài giảng về bánh sự sống, để giải nghĩa dấu hiệu của việc hóa bánh đó.
Sách phúc âm Giăng chỉ ghi lại 8 dấu hiệu tiêu biểu mà thôi:

1. Hóa nước thành rượu: 2:1-12
2.Cứu người hấp hối, 4:43-54.
3.Chữa người bại 38 năm, 5:1-18.
4.Hóa bánh ra nhiều, 6:1-15.
5.Đi bộ trên mặt biển, 6:16-21.
6. Chữa lành người mù, 9:1-41.
7.Kêu La xa rơ sống lại.11:1-45
8. Sự đánh cá lạ lùng bên bãi biển, 21:1-14.

Qua 8 dấu hiệu tiêu biểu nầy, Chúa Jesus đã phô bày các tư tưởng trung tâm của Đức Chúa Trời có với dân Ngài.


X. Các Từ Ngữ Chủ Yếu Trong Phúc Âm Giăng:
1. Danh từ “Sự sống” (zoe) dùng 35 lần.
2. Động từ “tin” (pisteuo) dùng 90 lần.
3. Danh xưng “ Cha” dùng đến 122 lần.
4. Danh từ “thế giới” (kosmos) xuất hiện 67 lần.
5. Từ ngữ “dấu hiệu” (sign, semeion) dùng 17 lần.
6. Danh xưng “Ta Là” (Đấng Hằng Hữu)” xuất hiện 23 lần.

XI. Các Phản Đề Trong Phúc Âm Giăng:
Đức Chúa Trời và mọi sự của Ngài trong Christ là tiền đề hằng hữu. Satan tạo ra các phản đề nhằm chống lại các tiền đề của Chúa. Sứ đồ Giăng chép lại 4  phản đề của Satan như sau:

  1. Sự tối tăm đối kháng sự sáng.
       1:4-5, “Trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người. Sự sáng soi trong tối tăm, mà sự tối tăm chẳng tiếp nhận.
        9:4b-5, “ban đêm đến thì không ai có thể làm được. Khi Ta còn ở thế giới, ta là sự sáng của thế giới”.


  1. Sự chết chống lại sự sống đời đời.
8:25, “nên Ta bảo rằng các ngươi sẽ chết trong các tội lỗi mình, vì nếu các ngươi chẳng tin Ta là Đấng hằng hữu, thì các ngươi chắc chết trong các tội lỗi mình”.

  1. Sự nô lệ kình địch sự tự do
8:31, “Jesus đáp rằng: quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ ai phạm tội là tôi mọi của tội lỗi”

  1. Sự ghen ghét đối chọi sự thương yêu
15:19, “nếu các ngươi thuộc về thế giới, thì thế giới chắc yêu kẻ thuộc về mình, song ta đã lựa chọn các ngươi khỏi thế giới, nên thế giới ghen ghét các ngươi”.

Giăng trình bày Chúa Jesus là giải đáp cho mọi phản đề của Satan đã cài sẵn trong khung cảnh tôn giáo chết chóc của Do thái giáo.

XII. Hai Linh Trộn Lẫn Trong phúc Âm Giăng:
& 3:6 “hễ chi sanh bởi Đức Linh là linh”
& 4:24, “Đức Chúa Trời là Linh, nên ai thờ lạy Ngài, cần phải thờ lạy trong linh và lẽ thật”.

Đây là sự liên kết và hoà nhập giữa hai loại linh nầy để xây dựng cơ cấu thuộc linh của Đức Chúa Trời.

XIII. Chúa Là Thực Tại Mọi Điều Tích Cực:
    Phúc âm Giăng bày tỏ Chúa Jesus là mọi sự tích cực:
  1. Ngôi Lời, 1:1.
  2. Sự Sáng, 1:4.
  3. Đền Tạm, 1:14.
  4. Cái Thang, 1:51.
  5. Đền Thờ, 2:21.
  6. Con Rắn Bằng Đồng, 3:14.
  7. Bánh Sự Sống, 6:35.
  8. Ánh sáng Sự Sống, 8:12.
  9. Cái Cửa, 10:9.
  10. Đấng Chăn Chiên Tốt, 10:11.
  11. Sự Sống Lại, 11:25.
  12. Hạt Lúa Mì, 12:24.
  13. Đường Đi, Lẽ Thật Và Sự Sống. 14:6.
  14. Cây Nho Thật, 15:1...v.v...

* Tóm lại, với nội dung 13 điểm trên, bởi sự cảm thúc của Đức Thánh Linh, và sự hà hơi của Chúa, cụ sứ đồ Giăng đã đặt bút viết thành kiệt tác phẩm của mình, phúc âm thứ tư. Đáng ngợi khen Chúa. Amen./.
Minh Khải--