Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

SỰ TUONG GIAO TRONG NHÂN LINH (tt)



THUỘC LINH VÀ THUỘC XÁC THỊT

1 Corinth 3:1-2 nói: “Anh em ơi, tôi không thể nói với anh em như với người thuộc linh, nhưng như với người đầy xác thịt, như với con trẻ trong Đấng Christ. Tôi đã cho anh em uống sữa, chứ không phải thức ăn đặc, vì anh em chưa thể tiếp nhận, mà cho đến bây giờ cũng chưa thể”. Những câu này có liên hệ mật thiết với phần trước. Hơn nữa, sự dạy dỗ ở đây theo sau phần trước và tiếp tục chủ đề về nhân linh. Sau này Kinh Thánh được con người chia thành các chương và các câu là để cho tiện; điều đó không được cảm thúc bởi Thánh Linh. Vì vậy, chúng ta phải xem xét các lời này cùng với các lời trong chương trước.
Trước khi bàn về ý nghĩa đúng đắn của hai câu này, chúng ta hãy nhìn vào sứ đồ Paul và xem sự am hiểu thuộc linh của ông sáng tỏ như thế nào. Ông biết loại người nào nhận thư ông, họ thuộc linh hay thuộc hồn và họ được kiểm soát bởi linh hay ở dưới sự thống trị của xác thịt. Mặc dù bài giảng của ông là về những điều thuộc linh nhưng ông không cảm thấy rằng ông có thể đơn giản đổ ra mọi sự cho những người nghe mình bất kể họ có thể tiếp nhận hay không. Ông chỉ truyền đạt những điều thuộc linh cho người thuộc linh. Vấn đề không phải là ông có nhiều bao nhiêu mà là những người nghe ông có thể nhận bao nhiêu. Không có bất kỳ cảm nhận về sự khoe khang nào trong tri thức của ông. Vị sứ đồ nhận được trong linh mình những lời cần phát ngôn. Ông có tri thức thuộc linh và ông cũng có các lời thuộc linh. Ông biết cách đối xử với các tín đồ ở các mức độ khác nhau. Vì vậy, chúng ta phải biết các lời thuộc linh hoặc các lời do Thánh Linh đã dạy. Các lời thuộc linh không nhất thiết là các lời chứa đầy những vấn đề sâu nhiệm về Thánh Linh của Đức Chúa Trời.  Các lời thuộc linh là các lời được Thánh Linh khải thị trong linh. Chúng có thể không cao sâu lắm. Chúng có thể là các lời bình thường và có thể chẳng đặc biệt gì cả. Việc các lời này được nhận biết qua trực giác của chúng ta, được dạy dỗ bởi Thánh Linh, là điều khiến chúng là các lời thuộc linh. Khi các lời này được phát ngôn, sẽ có các hiệu quả thuộc linh đáng kể.
Trong các đoạn trước, vị sứ đồ bảo chúng ta rằng trực giác là quan năng duy nhất để nhận biết Đức Chúa Trời, để tương giao với Đức Chúa Trời và để nhận biết những điều của Đức Chúa Trời. Ông cũng  bảo chúng ta rằng trong mọi linh được tái sanh đều có tâm trí của Đấng Christ; điều này nghĩa là mọi linh được tái sanh đều hiểu được những điều Đấng Christ sẽ ban cho chúng ta trong tương lai. Sau đó, ông tiếp tục chia tất cả các Cơ Đốc nhân thành hai loại – thuộc linh và thuộc xác thịt. Ông cũng đề cập đến sự khác biệt giữa năng lực trực giác của hai loại Cơ Đốc nhân này. Hai câu này là sự trả lời cho câu hỏi: “Nếu nhân linh biết mọi điều của con người và nếu người thuộc linh biện biệt được mọi sự thì tại sao có quá nhiều Cơ Đốc nhân được tái sanh trong linh nhưng vẫn không cảm thấy họ có một linh và không thể nhận biết nhiều điều sâu nhiệm của Đức Chúa Trời qua linh mình?”
Đáp lời cho loại câu hỏi này, vị sứ đồ nói: “Nhưng người thuộc linh biện biệt mọi sự”. Mặc dù các Cơ Đốc nhân có linh được tái sanh nhưng không phải mọi Cơ Đốc nhân đều thuộc linh. Có nhiều người vẫn còn thuộc xác thịt! Mặc dù trực giác của con người đã được phục hồi, nhưng con người vẫn phải dành chỗ và cung cấp cơ hội cho trực giác hoạt động. Nếu không, trực giác sẽ bị đàn áp và không thể tương giao với Đức Chúa Trời; nó sẽ không biết điều nó có thể biết. Tín đồ “thuộc linh” không làm bất cứ điều gì theo tâm trí, tình cảm hoặc ý muốn. Người ấy đặt mọi điều này trên thập tự giá để chúng nhận lấy vị trí thuận phục. Theo cách này, trực giác sẽ có sự tự do đầy đủ để tiếp nhận sự khải thị của Đức Chúa Trời và chỉ dẫn tâm trí, tình cảm và ý muốn thực hiện sự khải thị. Tuy nhiên, các tín đồ “thuộc xác thịt” thì không như vậy. Họ được tái sanh và trực giác của họ trở nên sống động đối với Đức Chúa Trời. Họ thậm chí có cơ hội tốt để trở nên các tín đồ thuộc linh; tuy nhiên, họ bị cột trói bởi xác thịt. Các dục vọng của xác thịt vẫn rất mạnh mẽ và đầy quyền lực, ép họ phạm tội. Họ vẫn có nhiều kế hoạch, lý trí và ý tưởng buông thả trong tâm trí thuộc xác thịt; vẫn có nhiều mối quan tâm, sở thích và xu hướng thuộc xác thịt trong tình cảm; và vẫn có nhiều sự xét đoán, quyết định và ý kiến thế tục trong ý muốn. Kết quả là các tín đồ này ngày đêm bước đi theo xác thịt. Họ bận rộn và không thể tìm thấy thời gian để lắng nghe tiếng nói của trực giác. Tiếng nói của linh luôn luôn rất nhỏ. Dù là một tín đồ làm cho mọi sự lắng dịu xuống và chăm chú lắng nghe tiếng này, người ấy vẫn có thể không nghe thấy. Sẽ tệ biết bao nếu mọi phần của xác thịt bị khuấy động suốt cả ngày? Khi một tín đồ bị xác thịt điều khiển và tác động theo mọi cách thì linh người ấy sẽ trở nên tê liệt và không thể tiếp nhận “thức ăn đặc”.
Kinh Thánh ví một tín đồ mới được tái sanh như con trẻ vì sự sống người ấy có được trong linh mỏng manh như con trẻ vậy. Sẽ không có nan đề nếu tín đồ đó tăng trưởng ra khỏi tình trạng con trẻ trong một thời gian ngắn vì mọi người trưởng thành đều bắt đầu từ việc là con trẻ. Tuy nhiên, nếu một tín đồ cứ là con trẻ trong một thời gian dài, và nếu tầm vóc của linh người ấy vẫn y như cũ trong nhiều năm sau khi được tái sanh, thì có gì đó không ổn rồi. Linh của một người có thể tăng trưởng và trực giác trong linh cũng tăng trưởng và trở nên mạnh mẽ hơn. Trẻ sơ sinh không có sự tự thức; thần kinh của nó rất mỏng manh và nó trẻ con theo nhiều cách. Một tín đồ mới được tái sanh cũng y như vậy. Sự sống thuộc linh của người ấy giống như tia lửa và trực giác của người ấy mỏng manh và rất ít tác nhiệm. Tuy nhiên, một đứa trẻ phải tăng trưởng hằng ngày. Tri thức của nó phải được mở rộng mỗi ngày qua việc sử dụng, vận dụng và tăng trưởng cho đến khi sự tự thức của nó phát triển đầy đủ, và nó có thể sử dụng các giác quan của mình. Một tín đồ cũng vậy. Sau khi được tái sanh, người ấy phải dần dần học tập sử dụng trực giác của mình. Càng sử dụng, người ấy càng có kinh nghiệm và tri thức và sẽ càng tăng trưởng. Giống như ý thức của một người không nhạy bén lắm vào lúc mới sinh thì trực giác của một tín đồ cũng không nhạy bén lắm khi người ấy mới được tái sanh.
Các tín đồ thuộc xác thịt là những người vẫn còn là con trẻ trong một thời gian dài và không tăng trưởng. Điều này không có nghĩa là họ không có sự kiềm nén tội bên ngoài và sự gia tăng tri thức Kinh Thánh trong suốt thời gian đó. Điều đó không có nghĩa là họ không nỗ lực công tác cho Chúa hoặc không nhận được ân tứ của Thánh Linh. Các tín đồ ở Corinth đã có mọi điều này. Họ “được làm cho phong phú về mọi điều trong Ngài, cả lời nói lẫn tri thức,…không thiếu một ân tứ nào” (1Cor.1: 5,7). Theo cái nhìn của con người, những điều này không phải là sự tăng trưởng sao? Có lẽ chúng ta sẽ nói rằng họ là những tín đồ thuộc linh nhất vì sự tăng trưởng của họ trong lời phát biểu, tri thức và ân tứ. Dù vậy, vị sứ đồ nói rằng họ vẫn còn là con trẻ và thuộc xác thịt. Làm sao có thể như vậy? Sự tăng trưởng trong lời phát biểu, tri thức và ân tứ vẫn chưa phải là tăng trưởng sao? Chúng ta có thể quan sát thấy một sự kiện rất quan trọng là những người Corinth tăng trưởng trong những điều thứ yếu, nhưng linh họ không tăng trưởng và trực giác trong linh họ chưa trở nên mạnh mẽ hơn. Sự gia tăng về tài hùng biện trong việc rao giảng, sự gia tăng trong tri thức Kinh Thánh và sự gia tăng các ân tứ của Thánh Linh không phải là các sự gia tăng trong sự sống thuộc linh! Nếu linh của một tín đồ, là điều để người ấy tương giao với Đức Chúa Trời, không trở nên mạnh mẽ và nhạy bén hơn trong mắt Đức Chúa Trời, thì người ấy chưa hề tăng trưởng! Ngày nay có bao nhiêu Cơ Đốc nhân tăng trưởng sai hướng? Có bao nhiêu người nghĩ rằng sau khi được cứu, họ phải theo đuổi tri thức Kinh Thánh cao hơn, tài hùng biện tốt hơn trong việc rao giảng, và nhiều ân tứ của Thánh Linh hơn? Họ quên rằng họ phải theo đuổi sự tăng trưởng của linh là điều mà bởi đó họ tương giao với Đức Chúa Trời. Tài hung biện, tri thức và ân tứ chỉ là bên ngoài; chỉ có trực giác mới ở bên trong. Điều  đáng thương nhất ngày nay là các tín đồ để cho linh họ cứ mãi là trẻ con, nhưng họ đổ đầy tâm trí, tình cảm và ý muốn của mình bằng tài hùng biện, tri thức và các ân tứ. Mặc dù những điều này rất quý báu nhưng chúng không thể so sánh với vị trí của linh. Đức Chúa Trời đã tạo mới linh này trong chúng ta là điều có thể được gọi là sự sống thuộc linh của chúng ta. Điều phải tăng trưởng và trở nên trưởng thành đầy trọn là linh này. Nếu chúng ta hiểu sai và không theo đuổi sự tăng trưởng của sự sống thuộc linh và trực giác, là điều khiến chúng ta có thể nhận biết Đức Chúa Trời, các vấn đề của Đức Chúa Trời và có sự tương giao với Ngài, nhưng thay vì vậy chúng ta theo đuổi sự gia tăng các sự phong phú trong hồn, chúng ta sẽ không có bất kỳ sự tiến bộ nào trong cái nhìn của Đức Chúa Trời. Trong mắt Đức Chúa Trời, linh chúng ta là tổng bao hàm. Ngài bận tâm đến sự tăng trưởng của linh này. Theo cái nhìn của Ngài, bất kể tài hùng biện, tri thức và các ân tứ của chúng ta gia tăng bao nhiêu trong tâm trí, tình cảm và ý muốn của chúng ta, chúng cũng vô giá trị trong lĩnh vực thuộc linh nếu không có sự tăng trưởng trong linh.
Mỗi ngày chúng ta mong có quyền năng vĩ đại hơn, tri thức rộng hơn, nhiều ân tứ hơn và tài hùng biện tốt hơn. Nhưng Kinh Thánh nói rằng dù chúng ta có mọi điều thì cũng chưa chắc sự sống thuộc linh của chúng ta tăng trưởng. Trái lại, sự sống thuộc linh của chúng ta có thể vẫn y như cũ, không tăng trưởng thêm chút nào. Vị sứ đồ nói rằng những người Corinth “chưa thể tiếp nhận, mà cho đến bây giờ cũng chưa thể”. Họ không thể trong phương diện nào? Họ không thể sử dụng trực giác để phục vụ Đức Chúa Trời, để nhận biết Đức Chúa Trời cách sâu xa, và để tiếp nhận sự khải thị của Đức Chúa Trời. Các tín đồ Corinth không thể làm những điều này. “Chưa thể” nghĩa là họ chưa thể khi vừa mới tin Chúa. “Cho đến bây giờ cũng chưa thể” nghĩa là thậm chí sau khi họ đã tin Chúa nhiều năm, sau khi họ đã đầy dẫy tài hùng biện, tri thức và các ân tứ, họ vẫn chưa thể. Qua từ ngữ “chưa”, vị sứ đồ chỉ tỏ rằng mặc dù họ phong phú trong tài hùng biện, tri thức và các ân tứ, nhưng sự sống thuộc linh của họ vẫn y như lúc họ chưa có tài hùng biện, tri thức hoặc ân tứ. Không có sự khác biệt. Sự tăng trưởng thật được đo lường bởi sự tăng trưởng của linh và trực giác. Mọi điều khác đều thuộc xác thịt. Các lời này phải được ghi khắc sâu trong lòng chúng ta.
Điều đáng thương nhất ngày nay là các Cơ Đốc nhân dường như có sự tăng trưởng trong hầu hết mọi điều; nhưng linh họ, là điều vì sự tương giao với Đức Chúa Trời, vẫn không tăng trưởng. Sau khi tin Chúa nhiều năm, một người vẫn có thể nói: “Tôi không cảm thấy mình có linh”. Ý tưởng của chúng ta khác với ý tưởng của Đức Chúa Trời biết bao! Chúng ta giống như những người Corinth trong việc cố gắng sử dụng trí năng trong tâm trí mình để dò tìm cái gọi là tri thức thuộc linh, và chúng ta thật sự thu đoạt được nhiều tri thức. Nhưng sự tăng trưởng trong tâm trí không phải và không thể thay thế sự tăng trưởng của trực giác. Trong mắt Đức Chúa Trời, chúng ta vẫn y như cũ. Xin nhớ rằng Đức Chúa Trời muốn chúng ta tăng trưởng không phải trong tri thức, tài hùng biện hoặc các ân tứ. Ngài chỉ muốn sự tăng trưởng của linh chúng ta, sự sống thuộc linh và trực giác của linh chúng ta. Ngài mong đợi sự sống mới mà chúng ta nhận được trong sự tái sanh tăng trưởng. Sự sáng tạo cũ phải hoàn toàn bị từ bỏ. Nếu không, cho dù chúng ta đầy dẫy tài hùng biện, tri thức và ân tứ, Ngài vẫn nói rằng chúng ta là các tín đồ thuộc xác thịt, là các con trẻ chưa hề có sự tăng trưởng trong sự sống thuộc linh.
Khi một tín đồ bị ảnh hưởng quá nhiều bởi xác thịt, người ấy không thể thành công trong việc trở nên một người thuộc linh và nhận lấy thức ăn đặc. Chỉ những ai có trực giác nhạy bén và không ngừng tương giao với Đức Chúa Trời mới thật sự nhận biết các lẽ thật sâu nhiệm. Nếu trực giác của một người vẫn yếu đuối thì người ấy không thể không uống sữa. Sữa thì ra từ mẹ sau khi bà tiêu hóa thức ăn đặc. Điều này nghĩa là các tín đồ thuộc xác thịt không thể tương giao với Đức Chúa Trời cách sáng tỏ trong trực giác của họ. Họ chỉ có thể lệ thuộc vào các tín đồ có kinh nghiệm hơn nói với họ những điều của Đức Chúa Trời. Các tín đồ có kinh nghiệm sẽ tương giao với Đức Chúa Trời qua trực giác của họ, biến điều họ biết thành sữa thuộc linh cho các tín đồ thuộc xác thịt. Khởi đầu nếp sống của một Cơ Đốc nhân non trẻ, Chúa cho phép điều này xảy ra. Tuy nhiên, Chúa không muốn dân Ngài cả đời chậm hiểu và không thể tương giao trực tiếp với Ngài. Việc uống sữa chỉ có nghĩa là một người không thể tương giao trực tiếp với Đức Chúa Trời và cần sự chuyển giao qua người khác. Một người tăng trưởng đầy đủ là người có trực giác được vận dụng lão luyện; người ấy biết cách biện biệt. Nếu chúng ta không thể tương giao với Đức Chúa Trời và nhận biết những điều của Đức Chúa Trời trong trực giác của mình thì mọi suy nghĩ lý tưởng của chúng ta đều vô dụng. Các tín đồ Corinth có tài hùng biện và nhiều tri thức, ân tứ, nhưng linh họ rất thụ động. Hội thánh tại Corinth là hội thánh thuộc xác thịt vì họ chỉ có những điều được lưu trữ trong tâm trí.
Nhiều Cơ Đốc nhân ngày nay cũng lầm lạc theo cùng một cách với các tín đồ Corinth. Họ vô tư nghiên cứu thần học để dò ra các ý nghĩa kín giấu trong Kinh Thánh hầu đạt đến sự giải thích tốt nhất. Lời Chúa là linh và sự sống, nhưng họ không tiếp nhận lời như linh và sự sống. Họ chỉ muốn thỏa mãn “sự ham muốn tri thức” của bản thân và muốn nói với người khác những điều họ học được, bằng lời nói hay bằng chữ viết. Mặc dù các ý nghĩa, giáo lý và dàn bài của họ là tốt nhất và mặc dù họ dường như rất “thuộc linh” nhưng trong thực tế, họ chết chóc trong cái nhìn của Đức Chúa Trời. Tri thức của họ ra từ tâm trí của một người nào đó và được truyền vào tâm trí của người khác mà không qua linh. Những người nghe hoặc đọc các văn phẩm của họ có thể nói mình được giúp đỡ, nhưng họ nhận được loại giúp đỡ nào? Không điều gì xảy ra ngoài sự thêm vào một ý tưởng trong tâm trí. Loại tri thức này không có hiệu quả thuộc linh. Chỉ những điều ra từ linh mới đi vào linh con người. Điều gì ra từ tâm trí sẽ đi vào tâm trí con người. Hơn nữa, chỉ những điều ra từ Thánh Linh mới đi vào linh con người và chỉ những điều ra từ Thánh Linh qua linh chúng ta mới đi vào trong linh người khác.
LINH CỦA SỰ KHÔN NGOAN VÀ KHẢI THỊ
Trong sự tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời, không thể thiếu linh của sự khôn ngoan và khải thị. “Để…Cha của vinh hiển, có thể ban cho anh em linh của sự khôn ngoan và khải thị trong sự tri thức đầy đủ về Ngài” (Eph. 1:17). Vào lúc tái sanh, chúng ta đã nhận được một linh mới; tuy nhiên, nhiều chức năng của linh chưa được biểu lộ và vẫn còn bị giấu bên trong linh. Vì vậy, vị sứ đồ cầu nguyện để các tín đồ E-phê-sô đã được tái sanh nhận được linh của sự khôn ngoan và khải thị hầu cho họ có thể thật sự nhận biết Đức Chúa Trời trong trực giác của mình. Dù linh của sự khôn ngoan và khải thị này tiềm ẩn trong linh của các tín đồ, là điều được Đức Chúa Trời soi sáng qua sự cầu nguyện, hay đó là một sự khôn ngoan và khải thị tươi mới ra từ Thánh Linh được thêm vào linh của các tín đồ, thì linh của sự khôn ngoan và khải thị là điều không thể thiếu trong sự tương giao của một tín đồ với Đức Chúa Trời vẫn là sự thật. Các tín đồ có thể nhận được linh này qua sự cầu nguyện, cũng là một sự thật.
Mặc dù trực giác của chúng ta có thể tương giao với Đức Chúa Trời, nhưng nó cần sự khôn ngoan và khải thị. Chúng ta cần sự khôn ngoan để biết điều gì ra từ Đức Chúa Trời và điều gì ra từ chúng ta. Chúng ta cần sự khôn ngoan để nhận ra các sự giả mạo và tấn công của kẻ thù. Chúng ta cần sự khôn ngoan để đối xử với dân chúng. Trong nhiều vấn đề, chúng ta chắc chắn cần sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời để không lầm lạc. Chúng ta ngu dại biết bao! Thực hiện mọi sự theo ý muốn của Đức Chúa Trời thật khó biết bao! Đức Chúa Trời muốn ban cho chúng ta sự khôn ngoan; Ngài không ban sự khôn ngoan cho tâm trí chúng ta; nhưng Ngài ban cho chúng ta một linh của sự khôn ngoan hầu cho chúng ta có thể có sự khôn ngoan trong linh. Đức Chúa Trời muốn chúng ta có sự khôn ngoan qua trực giác. Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta đến lối mòn của sự khôn ngoan qua trực giác. Tâm trí chúng ta có thể vẫn ngu dại, nhưng có nhiều sự khôn ngoan trong trực giác của chúng ta. Dường như sự khôn ngoan của chúng ta thường vô dụng, nhưng bên trong chúng ta dần dần có một cảm nhận và kèm theo đó là sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan và khải thị kết nối chặt chẽ với nhau. Đây là vì mọi sự khải thị của Đức Chúa Trời đều là sự khải thị của sự khôn ngoan. Nếu chỉ sống theo bản chất, chúng ta sẽ không bao giờ có thể dò lường được bất cứ điều gì của Đức Chúa Trời bởi các ý tưởng của mình. Khi ở trong xác thịt, bất kể chúng ta có điều gì thì cũng chỉ là sự tối tăm mà thôi. Đức Chúa Trời và những điều của Đức Chúa Trời không bao giờ có thể được tâm trí của chúng ta dò thấu. Ngay cả khi linh chúng ta sống động, chúng ta vẫn sống trong sự tối tăm nếu chúng ta không có sự khải thị của Thánh Linh. Khi linh chúng ta sống động thì linh chúng ta có khả năng tiếp nhận sự khải thị của Đức Chúa Trời. Điều đó không có nghĩa là một mình linh có thể làm được bất cứ điều gì cách độc lập.
Trong sự tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời, Ngài hay ban cho chúng ta sự khải thị và chúng ta phải thường xuyên xin Đức Chúa Trời sự khải thị. Linh của sự khải thị nghĩa là sự khải thị của Đức Chúa Trời ở trong linh. Vì vậy, cụm từ “linh của sự khôn ngoan và khải thị” chỉ cho biết nơi Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự khải thị và khôn ngoan. Các ý tưởng bất chợt không phải là linh của sự khải thị. Linh của sự khải thị là sự vận hành của Đức Chúa Trời trong linh chúng ta đến mức chúng ta biết được ý định của Ngài qua trực giác của mình. Mọi sự tương giao chúng ta có với Đức Chúa Trời chỉ diễn ra trong linh chúng ta chứ không ở một nơi nào khác.
Việc có linh của sự khôn ngoan và khải thị cho chúng ta “sự tri thức đầy đủ về Ngài”. Chỉ khi nào nhận được sự khải thị của Đức Chúa Trời trong linh, chúng ta mới thật sự nhận biết Ngài. Mọi lời khác đều là nông cạn, tưởng tượng, hời hợt và vì vậy là giả dối. Chúng ta thường nói về các mỹ đức của Đức Chúa Trời, bao gồm sự thánh khiết, công nghĩa, nhân từ, tình yêu,..v.v.. Dường như qua ý tưởng của mình, chúng ta có thể nói về các mỹ đức này và biết các mỹ đức này của Đức Chúa Trời. Nhưng tri thức này không giống như việc nhìn thấy qua một cửa sổ; đúng hơn, nó giống như cố gắng nhìn qua một bức tường đá. Khi một tín đồ nhận được khải thị của Đức Chúa Trời về sự thánh khiết, người ấy biết rằng Đức Chúa Trời cư trú trong sự sáng và người thiên nhiên, tội lỗi không thể tiếp cận. Người ấy nhận thấy mình thấp kém, hèn hạ và dơ bẩn biết bao khi đem so sánh. Phải có nhiều người giữa vòng chúng ta có loại kinh nghiệm này. Chúng ta phải so sánh để xem sự thánh khiết của Đức Chúa Trời trong lòng chúng ta là điều chúng ta nhận được từ sự khải thị của Đức Chúa Trời có giống như sự thánh khiết của Đức Chúa Trời do con người phát ngôn mà không có sự khải thị không. Các lời được dùng có thể giống nhau. Nhưng đối với những người có sự khải thị, dường như những lời họ nói có ý nghĩa hơn. Toàn bản thể của họ ở trong sự phát ngôn của họ. Đây là linh của sự khải thị mà chúng ta đề cập đến. Chỉ bởi tiếp nhận khải thị trong linh, chúng ta mới thật sự nhận biết Đức Chúa Trời. Đối với nhiều giáo lý trong Kinh Thánh cũng vậy. Nhiều lần, chúng ta hiểu các sự dạy dỗ trong tâm trí và biết rằng chúng quan trọng, nhưng Đức Chúa Trời dần dần khải thị các lời này cho chúng ta trong linh mình. Khi đó, dường như chúng ta có một sự nhấn mạnh khác khi giảng lại cùng một lời. Chỉ có tri thức ra từ sự khải thị mới là tri thức thật; mọi điều khác chỉ là hoạt động của tâm trí.
Nếu chúng ta tìm kiếm nhiều điều về Đức Chúa Trời theo cách bên ngoài và không thu đoạt những điều này qua sự khải thị thì chúng không chuyển động chúng ta và không chuyển động người khác. Chỉ có sự khải thị ở trong linh chúng ta mới có tính hữu dụng thuộc linh. Sự tương giao đúng đắn với Đức Chúa Trời là tiếp nhận sự khải thị của Đức Chúa Trời trong linh chúng ta. Đúng là các sự khải thị của Đức Chúa Trời không thường xuyên, nhưng chúng ta có thường chờ đợi và cầu nguyện về sự khải thị của Đức Chúa Trời không? Nếu cứ liên tục bận rộn thì làm sao chúng ta có thể chỉ được hướng dẫn bởi sự khải thị? Thật ra, nếu sẵn lòng cho Đức Chúa Trời cơ hội, chúng ta sẽ thường xuyên có sự khải thị. Cách sống của vị sứ đồ là lời chứng cho sự thật này.
SỰ HIỂU BIẾT THUỘC LINH
Có sự khôn ngoan thuộc hồn và có sự khôn ngoan thuộc linh. Sự khôn ngoan thuộc hồn ra từ tâm trí con người, còn sự khôn ngoan thuộc linh là do Đức Chúa Trời ban cho chúng ta trong linh. Nếu một người thuộc xác thịt không hiểu biết nhiều và thiếu khôn ngoan thì điều này có thể được khắc phục bằng cách giáo dục. Tất nhiên, điều này không bao giờ thay đổi khả năng thiên nhiên của một người. Tuy nhiên, sự khôn ngoan thuộc linh thì không như vậy. Sự khôn ngoan thuộc linh chỉ có thể được thu đạt bởi sự cầu nguyện qua đức tin (James 1:5). Chúng ta phải nhớ một điều: trong sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời, “Đức Chúa Trời không vị nể ai” (Công 10:34). Ngài đặt mọi tội nhân, người khôn lẫn kẻ dại, ở trong cùng một vị trí. Họ cần cùng một sự cứu rỗi trong mọi vấn đề. Người khôn cũng hoàn toàn hư hoại như người ngu dại. Trong cách nhìn của Đức Chúa Trời, tâm trí của người khôn ngoan và người ngu dại đều vô dụng như nhau. Người khôn ngoan lẫn người ngu dại đều cần cùng một sự tái sanh thuộc linh. Thậm chí sau sự tái sanh, người khôn ngoan cũng không thể hiểu lời Đức Chúa Trời cách dễ dàng hơn người ngu dại. Thật khó để tìm một người ngu dại nhất thế giới và cố gắng dẫn dắt người ấy nhận biết Đức Chúa Trời. Tương tự, tìm một người khôn ngoan nhất thế giới và cố gắng dẫn dắt người ấy nhận biết Đức Chúa Trời cũng khó y như vậy. Đây là vì tri thức về Đức Chúa Trời được biện biệt cách sáng tỏ trong linh. Mặc dù tâm trí của họ khác nhau nhưng linh của họ đều chết và ngu dại như nhau. Sự khôn ngoan thiên nhiên của con người không thể khiến người ấy dễ nhận biết Đức Chúa Trời và các lẽ thật của Ngài hơn. Có thể đối với chúng ta, làm cho một người khôn ngoan hiểu biết và lĩnh hội thì dễ hơn so với người ngu dại, nhưng điều này chỉ ở trong lĩnh vực tâm trí. Tuy nhiên, mức độ thiếu hiểu biết trong trực giác trong cả hai trường hợp đều như nhau. Cả hai đều cần sự phục sinh trong linh.
Thậm chí sau khi linh đã được phục sinh, chúng ta cũng đừng bao giờ nghĩ rằng người khôn ngoan sẽ tiến bộ nhanh hơn người ngu dại vì họ có tâm trí tốt hơn. Nếu không có sự phân biệt trong sự trung tín và vâng phục, thì bất cứ sự khác biệt nào họ có trong sự hiểu biết của tâm trí đều không sản sinh sự khác biệt trong tri thức của trực giác trong linh họ. Sáng tạo cũ không bao giờ có thể là nguồn của sáng tạo mới. Tốc độ tiến bộ phụ thuộc vào sự trung tín và vâng phục. Các tài năng thiên nhiên không bao giờ có thể giúp một người vượt trội hơn trên lối mòn thuộc linh. Theo xác thịt, một người có cơ hội trở nên tốt hơn người khác bởi các sự khác biệt về tài năng thiên nhiên; nhưng trong kinh nghiệm thuộc linh, mọi người phải bắt đầu từ cùng một điểm xuất phát, trải qua cùng một diễn trình, và đạt đến cùng một mục đích. Vì vậy, mỗi tín đồ được tái sanh, dù có tài giỏi hơn người khác, vẫn phải thu đoạt sự hiểu biết thuộc linh trước khi có thể có sự thông công đúng đắn với Đức Chúa Trời. Không gì có thể thay thế điều này.
“Vì vậy, từ ngày nghe điều đó, chúng tôi cũng không ngừng cầu nguyện và cầu xin vì anh em để anh em có thể được đầy dẫy sự tri thức đầy đủ về ý muốn của Ngài trong mọi sự khôn ngoan và hiểu biết thuộc linh, để bước đi cách xứng đáng với Chúa hầu làm đẹp lòng Ngài trong mọi sự, kết quả trong mỗi công tác tốt lành và tăng trưởng bởi sự tri thức đầy đủ về Đức Chúa Trời” (Col. 1:9-10). Đây là lời cầu nguyện của vị sứ đồ cho các tín đồ Colossae. Câu này bày tỏ cho chúng ta rằng một người phải có sự hiểu biết thuộc linh trước khi có thể nhận biết ý muốn của Đức Chúa Trời. Sau khi nhận biết ý muốn của Đức Chúa Trời, người ấy có thể (1) bước đi cách xứng đáng với Chúa để làm đẹp lòng Ngài, (2) kết quả trong mỗi công tác tốt lành, và (3) tăng trưởng bởi sự tri thức đầy đủ về Đức Chúa Trời.
Bất kể sự hiểu biết của một người tốt đến đâu, điều đó vẫn không đủ để người ấy nhận biết ý muốn của Đức Chúa Trời. Nhận biết ý muốn của Đức Chúa Trời và có sự tương giao với Đức Chúa Trời đòi hỏi sự hiểu biết thuộc linh. Chỉ có sự hiểu biết thuộc linh mới dẫn dắt một người đến lĩnh vực của linh và khiến một người có thể nhận biết ý muốn của Đức Chúa Trời. Sự hiểu biết thuộc xác thịt làm cho một người có thể nhận biết một số lẽ thật, nhưng các lẽ thật này sẽ chỉ ở trong tâm trí và không dẫn đến sự sống. Vì sự hiểu biết thuộc linh ra từ linh nên có thể biến đổi điều nó hiểu thành sự sống. Thậm chí từ ngữ “biết” cũng được kết nối với Đức Chúa Trời; không có tri thức thật nào mà không ra từ linh. Linh của sự khải thị và sự hiểu biết thuộc linh gắn liền với nhau. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta linh của sự khôn ngoan và khải thị; Ngài cũng ban cho chúng ta sự hiểu biết thuộc linh. Sự khôn ngoan và khải thị chúng ta nhận được trong linh phải được thực tại hóa bởi sự hiểu biết trước khi chúng ta có thể nhận biết ý nghĩa thật của sự khải thị. Sự khải thị là điều chúng ta nhận được từ Đức Chúa Trời; sự hiểu biết là sự lĩnh hội khải thị mà chúng ta nhận được từ Đức Chúa Trời. Sự hiểu biết thuộc linh cho chúng ta biết ý nghĩa của mọi sự chuyển động trong linh chúng ta; nó khiến chúng ta có thể biết ý muốn của Đức Chúa Trời. Sự tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời dựa trên việc linh chúng ta tiếp nhận sự khải thị của Đức Chúa Trời, trực giác của linh cảm thức sự khải thị này và sự hiểu biết thuộc linh giải thích ý nghĩa của sự khải thị. Sự hiểu biết của chính chúng ta không bao giờ có thể giải quyết được gì. Khi linh chúng ta soi sáng sự hiểu biết của chúng ta, thì sự hiểu biết của chúng ta sẽ nhận biết chủ đích sự chuyển động của Đức Chúa Trời.
 Theo Colossae 1: 9-10, chúng ta có thể nhìn thấy rất sáng tỏ rằng nếu muốn làm vui lòng Đức Chúa Trời và kết quả, chúng ta phải biết ý muốn của Ngài trong linh chúng ta. Mối liên hệ với Đức Chúa Trời trong linh chúng ta là nền tảng cho niềm vui thích của Đức Chúa Trời và sự kết quả của chúng ta. Một tín đồ vừa cố gắng làm vui lòng Đức Chúa Trời, vừa bước đi theo hồn, là vô ích. Đức Chúa Trời chỉ vui lòng với ý muốn của Ngài, không vui với bất cứ điều gì khác. Không điều gì khác có thể làm thỏa lòng Ngài. Điều đau đớn nhất đối với các tín đồ là không nhận biết ý muốn của Đức Chúa Trời. Mặc dù chúng ta có thể phỏng đoán và dò tìm, nhưng dường như chúng ta không thể đụng chạm ý muốn của Đức Chúa Trời. Các câu này cho chúng ta biết rằng cách để nhận biết ý muốn của Đức Chúa Trời không phải là có thêm các ý tưởng, suy xét và đánh giá theo cảm tính loài người, mà là bởi sự hiểu biết thuộc linh. Chỉ có nhân linh mới có thể dò thấu ý muốn của Đức Chúa Trời trong linh, vì chỉ có linh mới có trực giác để nhận biết các sự chuyển động của Đức Chúa Trời. Bởi sự hiểu biết của trực giác, các tín đồ có thể biết ý muốn của Đức Chúa Trời.
Khi các tín đồ tiếp tục nhận biết ý muốn của Đức Chúa Trời, họ sẽ “tăng trưởng bởi sự tri thức đầy đủ về Đức Chúa Trời”. Điều này nghĩa là tri thức thật của các tín đồ về Đức Chúa Trời sẽ dần dần tăng trưởng. Các câu này cũng nói về linh. Nếu trong mọi sự, chúng ta tìm kiếm ý muốn của Đức Chúa Trời trong linh mình, chúng ta sẽ nhận biết Đức Chúa Trời hơn nữa. Trực giác trong linh chúng ta sẽ tăng trưởng không giới hạn. Trực giác có thể tăng trưởng. Sự tăng trưởng của trực giác nói về toàn bộ sự tăng trưởng của các tín đồ trong sự sống thuộc linh. Mỗi lần chúng ta có sự tương giao thật với Đức Chúa Trời đều có một kết quả; điều đó huấn luyện chúng ta biết cách tương giao với Đức Chúa Trời vào lần sau. Vì một tín đồ đã được tái sanh và có thể tương giao với Đức Chúa Trời trong trực giác, nên người ấy phải theo đuổi sự hoàn hảo. Người ấy phải tận dụng mọi cơ hội để huấn luyện linh mình hầu có thể nhận biết Đức Chúa Trời hơn nữa. Chúng ta cần thật sự nhận biết Ngài trong phần sâu thẳm nhất của cả bản thể chúng ta. Nhiều lần, chúng ta nghĩ rằng mình thật sự biết ý muốn của Ngài, nhưng qua một thời gian và một số biến cố, chúng ta được tỏ cho thấy rằng mình đã lầm. Mỗi người trong chúng ta cần thật sự nhận biết Ngài và ý muốn của Ngài. Vì vậy, chúng ta phải tìm kiếm để được đổ đầy bằng sự tri thức đầy đủ về ý muốn của Ngài trong mọi sự hiểu biết thuộc linh.
(Người Thuộc Linh)